Thế sự thường hay nghe ông thầy, bà bóng nói rằng ông kia bà nọ bắt, mà không hề khi nào thấy rõ, chớ như việc con cháu bắt ông bà thì là rõ ràng.
Làng Phong Phú có tên Giang, nhà ở kề bên mé rừng. Tên Giang nầy có một đứa cháu mười hai tuổi.
Năm ngọ (1) ngày mồng hai tháng hai, sớm mai sớm đứa cháu đi ra mé rừng mà đi đồng, cọp rình bao giờ không biết, nhảy ra chụp. Đứa cháu la oải oải vài tiếng. Trong nhà nghe la đều chạy ra thấy cọp tha đứa cháu chạy thẳng vô trảng Ông Khê, là chỗ cọp tiếng. Cả nhà không ai dám theo bổi, liền chạy đi báo với làng, tức thì làng chạy báo với quan huyện Thủ Đức.
Quan huyện nổi trống lên, mấy làng ở gần chạy tới, quan huyện dạy mấy làng ở gần phải nổi mõ liên hồi một bắt dấn cho nhiều đem khại (2) tới đi dí cọp. Lời quan huyện truyền ra, làng nổi mõ bắt dân tức thì, người thì cầm giáo, người cầm mác, người thì khiêng khại, xem ra lao xao rộn ràng.
Quan huyện cũng đồng đi theo đốc sức cho làng. Tới nơi dàn khại ra vây xung quanh trảng Ông Khê, bốn phía hương chức làng cầm khí giái đốc dân, khại cứ đẩy tới mãi, gần tới giờ ngọ, thì gặp thây đứa nhỏ, xem lại còn cái đầu, hai chơn, một cánh tay.
Quan huyện cứ truyền cho làng đốc sức dân ráng mà đẩy khại, thay phiên nhau mà đi ăn uống, bốn bên cứ việc đẩy nà khại vô là hẹp, lúc đó cọp nhảy ra, cả và dân đều la om: đằng ta giữ lấy cọp ra đó!
Cọp nhảy hộ bên nây, ngó thấy giáo mác chơm chởm, bỏ qua bên kia, thì bên kia cũng đưa giáo mác ra mà gìn giữ, khại đẩy nà vô, thì cọp chạy lộn xộn coi nhiều mà không rõ là mấy cọp, khại đẩy riết và hẹp thì thấy rõ là năm vị thần tiên, kẻ qua người lại, xem bộ mấy ông sợ, con mắt dớn dác, hằm hằm, khại đẩy một hồi nữa, xem là ón rồi, xem lại cho kỹ thì là ba ông hai bà.
Lúc nầy ông bà làm dữ, ông hộ đầu nầy, bà hộ đầu kia, nhảy hộ làm dữ một hồi không xong, rồi cứ việc ông đi qua bà đi lại, tới lui ngồi ngỏ ra.
Chúng dân nói:
– Ông tiên, bà tiên, sao không đằng vân mà về động? Hay là chư tiên có phép tàng hình? Nếu trận nầy mà chư tiên phá không nổi, thì đời đời chư tiên không có giáng thế nữa!
Khại dồn lại hai ba lớp, ổng bả quyết lòng phá vây, mà phá không nổi. Mấy người cầm súng leo lên cây nhắm bắn xuống, hễ bắn một mũi súng thì ổng bả nhảy dựng lên chạy vòng theo xung quanh khại, hự hẹ làm dữ mà nõ chi đặng, bắn riết một lát thì ổng bả đều chết vinh râu.
Hồi ban đầu thì ông bà bắt con cháu, rồi bây giờ con cháu bắt ông bà. Dân làng khiêng ổng bả về dinh, để nằm cho thiên hạ coi, người thì nói:
– Mô Phật! Tội nghiệp mấy ông tiên!
Người thì nói:
– Đáng kiếp, hại nhơn thì nhơn hại, đã đáng đời.
Người kêu “ông bị”, người kêu ông tiên, người gọi ông thầy, người kêu là ông hùm, mà tưởng lại kêu ông bị là trúng hơn, vì là bị người ta giết.
Quan huyện lấy làm vui mừng khen làng xóm, khen dân rất có lòng lo mà trừ mối họa cho thiên hạ, mà torng cuộc dí khại đó thì người người đều đặng bình an.
Từ đó về sau, nơi trảng Ông Khê không còn bà nào ông nào hết, rất đáng khen cho người làng Phong Phú đã can đảm mà có lòng thương yêu người đồng hương, nên đã hết lòng mà trừ loài thú dữ.
(1) Bính ngọ 1906
(1) Khại là đồ dùng dí cọp, người ta thường làm bằng cây cau già, chẻ miếng bằng ba ngón tay, trên đầu vạt nhọn ram lửa, bề cao quá với, róc ruột, róc cạnh cho tử tế, sắp một lớp nằm xuôi cách khoảng nhau chừng năm sáu phân, bề ngang chừng năm sáu thước mộc, rồi sắp một lớp nằm ngang qua cũng cách khoảng như vậy, thì nó có lỗ vuông vuông, khoan lỗ cột dây cho chắc. Cột tấm trên với tấm dưới dính nhau. Khi dí khại thì hai người hai đầu, còn bốn năm người cầm giáo, mác thong đưa theo mà giữ. Cọp thấy mấy mũi giáo chơm chởm thì không dám xáp gần.
Khại thì cứ kê đầu liền liền nhau như vậy giáp vòng, khi đẩy khại thì lựa người dạn mà có nghề, cầm rựa ở phía trong, chặt cây dọn cho trống mà đẩy khại lần lần vô, như cọp chạy lại thì hé đầu khại cho người ấy chun ra, hễ cọp chay qua bên nây thì bên kia đẩy vô, cứ vậy mà làm, đẩy lần lần vô cho nó tóm lại hẹp hẹp rồi sẽ bắn.
Lời bàn Vương Hồng Sển:
Trong bài nầy, ta biết một cách ngày xưa dùng khại dí cọp rồi mới trừ bằng súng hay giết bằng một cách khác, vừa hiệu nghiệm vừa không tổn hại sanh linh.
Ngày xưa, trước đây lối nửa thế kỷ, cọp có rất nhiều, thậm chí ở Thủ Đức và ở vùng Chợ Quán, mà cũng có cọp vồ bắt người ăn thịt.
Còn nhớ Rừng Sác, năm xưa đặt một tổng là “tổng ăn thịt” để cho hiểu là nơi tổng ấy cọp rất nhiều, hễ đến đó thì bị ăn thịt có ngày. Sau nhờ khai phá, dân đông và súng nhiều mới dứt nạn thú dữ.