Đồng hồ nhà thờ nhà nước vừa đánh tám giờ tối, đồ tôi đã đem xuống tàu mà đi Bà Rịa rồi.
Chiếc Jean-Dupuis định mười giờ mới chạy, nên còn hai giờ chẳng biết làm gì? Muốn lên bờ đi dạo một hai vòng xem phố xá thành Saigon chơi, mà trong mình có ý mệt cho nên không lên; vậy mới tính lên sàn tàu coi có cái ghế nào không, mà nằm nghỉ cùng xem trăng chơi, vì ngày ấy là nhằm ngày rằm tháng chạp Annam là 12 Janvier 1884.
Lên đến sàn thấy trăng thanh gió mát thì tôi lại đứng nơi be tàu mà hứng gió.
Đứng đó lòng buồn một ít vì phải xa cách cửa nhà vợ con hơn tám bữa, cho nên dầu mà trên bờ đèn sáng như ngày, kẻ qua người lại xe ngựa rầm rầm, nhà hàng dẫy đầy những kẻ vui chơi, tôi cũng chẳng đem trí mà xem các sự ấy, cứ một xem phía sông bên Thủ-thiêm mà thôi; vì phía đó chẳng chói sự sang trọng vui chơi, chẳng tỏ bày sự phàm xác thịt; nơi ấy là nơi nghèo khổ làm ăn ban ngày; thong thả mà nghỉ ngơi ban đêm, nên còn một hai chỗ còn đèn leo lét mà chỉ vài nhà chưa ngủ mà thôi.
Còn dưới sông mặt trăng giọi xuống làm cho nước giọng ra như tấm lụa vàng có thả kim sa.
Xem các sự ấy thì lòng lại thêm buồn, nên tôi muốn kiếm sự giải phiền nơi khác; song vừa day mặt lại thì tôi thấy một thầy tu đứng gần bên tôi và ngó xuống nước một cách rất buồn bực lắm.
Muốn làm quen cho có bạn vì dưới tàu lạ mặt hết, tôi mới hỏi thầy ấy rằng: “Thầy đi xuống Bà Rịa hay là đi Vũng Tàu?”
Thầy ấy ngó tôi một chặp rồi mới nói rằng: “Thầy hỏi tôi đi đâu làm chi?”
Khi nghe tiếng thầy nói một cách rất buồn bực thảm não lắm, thì tôi ngó mà coi thầy ấy cho tỏ tường; may đâu lúc đó trăng lại tỏ hơn, nên tôi đặng xem thầy ấy rõ ràng: Thầy chừng ba mươi tám ba mươi chín tuổi, thấp người; giọng nói đau thương! Mặt mũi thì xanh xao mét ưởng, mình thì ốm o gầy mòn, lại cái áo dòng người mặc nó bay phất phơ hai bên làm cho thầy ấy giống như hình con bù nhìn, để nơi đồng ruộng mà đuổi chim.
Tôi mới trả lời rằng: “Thưa bởi vì tôi biết cha sở Bà Rịa lắm, nên tôi tưởng nếu thầy đi Bà Rịa thì làm sao nay mai tôi cũng gặp thầy.”
Thầy ấy mới trả lời rằng: “Tôi không đi Bà Rịa, tôi đi dưỡng bịnh tại Vũng Tàu, vì tôi có bịnh tức đã hai năm nay; song tôi tưởng đi cũng vô ích, vì tôi biết tôi không còn sống đặng hơn nửa tháng nữa đâu.”
Tôi nghe lời ấy, thì tôi nói rằng: “Xin thầy đừng nói làm vậy. Chúa lòng lành vô cùng, người thường làm phép lạ hoài, nên thầy đừng có ngả lòng nản chí, ít ngày đây thầy sẽ lành.”
Thầy tu ấy lắc đầu mà nói rằng: “Thầy ôi! Phải thầy biết tội thì thầy không muốn cho tôi sống làm chi…”
Nói chưa dứt lời thầy lấy tay che mặt mà khóc ròng.
Tôi thấy vậy mới nói cùng thầy rằng: “Dầu mà tội thầy nặng thể nào thì Chúa cũng đã tha cho thầy rồi: Vì thầy chịu cực cũng đã đủ cho nên xin thầy chớ muốn chết làm chi, vì thầy còn thuộc về những người phải dạy những kẻ chưa biết đạo Chúa; nên thầy phải sống mà đem những kẻ ấy vào đàng ngay.”
Thầy tu nghe tôi nói như vậy mới cất đầu lên chùi nước mắt mà nhìn tôi và hỏi chậm chậm rằng: “Thầy đã có đôi bạn chưa?”
Tôi thưa rằng: “Đã có đặng sáu tháng nay”
Thì thầy tu ấy lấy tay mà xô tôi ra cùng nói lớn tiếng rằng: “Vậy thì thầy phải xa tôi cho kiếp, kẻo mà sự dữ xảy đến cho, tôi sẽ làm hại thầy chẳng sai đâu; tôi cũng có đôi bạn như thầy vậy; song phận tôi vô phước! Vô phước lắm! thầy ôi!”
Nói rồi thầy ấy ôm mặt mình mà khóc một lần nữa; song tôi cũng không ngả lòng, tôi nắm tay thầy mà nói rằng: ”Tôi thấy thầy buồn bực như vậy, thì tôi chắc thầy đã có chịu sự gì cực khổ lắm hay là đã làm tội gì trọng, sự ấy tôi không muốn biết làm chi; song xin thầy đừng phiền quá mà làm hại mình, nếu mà thầy có tội thì thầy phải sống mà đền tội ấy. Nếu thầy không có tội, mà thầy phải chịu phiền về sự gì, thì cũng xin thầy phải sống mà chịu cho đến cùng hầu ngày sau sẽ đặng phần thưởng trọng hơn.”
“Ôi thôi! Thầy đừng an ủi tôi làm chi? Tội tôi đã lớn lắm, và sự cực tôi đã chịu thì đã gần quá sức tôi rồi. Thầy ôi! Đã mười năm nay, tôi như thể không còn trái tim nữa, trái tim tôi như thể đã biến hóa ra tro bụi rồi; tôi như thể mất trí khôn vậy. Chớ chi thuở trước tôi đừng có, ôi thôi!
Nói đến chừng nào càng đau đớn lòng chừng nấy; bây giờ có một sự chết làm cho tôi quên người đó mà thôi… Tôi có ý đi tu cho đặng trông cậy có lẽ đọc kinh cầu nguyện thì sẽ quên người tôi đã đem hết lòng hết trí mà thương; song vô ích, thầy! Sự tôi chịu cực mười năm nay thì đã đủ mà đền tội tôi rồi. Bây giờ tôi đặng chết bằng an.”
Tôi nghe và thấy sự đau đớn như vậy thì tôi làm thinh mà để cho thầy ấy khóc. Khi ấy mới nghĩ trong mình rằng: “Có lẽ nào dưới thế gian nầy mà có sự gì dữ tợn đến đỗi làm cho người ta chịu cực đến mười năm mà chẳng nguôi!
Mà thật khi ấy tôi đang còn có phước, còn đang lúc sung túc, là vì tôi mới có vợ đặng ít tháng, còn chí thiết thương nhau nên tôi không hiểu người ta chịu cực làm sao đặng? Tôi mới tưởng thầy tu ấy đau đớn bịnh hoạn nên lãng trí mà nói vậy chăng?”
Muốn cho hãn tôi mới ngó mà xem thầy ấy cho rõ ràng đặng coi có làm sự gì tỏ ra như người điên chăng? Tôi vừa ngó một chặp, thì tôi thấy thầy ngất mặt lên xem trời mà thở ra rằng:
“A Chúa tôi! Rất lòng lành vô cùng, xin Chúa cho tôi về gặp mặt bạn tôi cho chóng, dẫu mà tội nó thể nào thì tôi cũng quên, bởi vì có lời Chúa đã phán: Tao tha lỗi cho bay, như bay tha kẻ có lỗi cùng bay.”
Tôi thấy vậy mới nói rằng: “Điên! Thầy nầy điên!”
Thầy tu ấy nghe đặng mới nói cùng tôi rằng: “Thầy ôi! Thầy còn trẻ chưa biết đủ việc đời. Hay là còn đang lúc có phước, thầy chưa từng sự đau đớn, nên thầy nói tôi điên, tôi không điên đâu thầy! Tôi còn trí khôn đủ, tôi xin Chúa đừng cho thầy mắc sự tôi phải chịu, xin Chúa giãn ra cho khỏi đầu thầy sự dữ đã xảy đến cho tôi.”
Nói vừa dứt lời, thì đồng hồ vừa đánh mười giờ, nên tàu thổi hơi cùng mở đổi mà chạy, làm cho tôi quên thầy tu mà coi người ta sửa soạn lui tàu.