Trang Tử Minh chẳng vị tình khảo án
Hồ Quốc Thanh e tội nặng hại mình.
Tô Thường Hậu kai rồi đứng khoanh tay, mắt chưa ráo giọt mà nhìn quan phủ, mong chờ nghe coi quan phủ có vấn tra mình không hay đâu Tô Thường Hậu đã mỏi chờ, mà không nghe hỏi han chi cả; duy thấy quan phủ ngồi dựa án thiu thiu, tay chống trên mái đầu bộ như ngủ gật. nào có ai dám làm khua động bên tai. Cho đến thầy thông hình, thế cho Đề lại lấy khai, chép rồi lời khai cũng để nó mà bước ra, chớ chẳng dám kêu quan phủ. Giây sau quan phủ mở mắt ra ngó Tô Thường Hậu mà nói một cách nghiễm nhiên rằng:
Ưng cũng có ưng, oan cũng có oan,
Oan là không trộm ngọc cắp vàng,
Ưng là có dâm loạn vợ quan dinh cấm
Nói rồi quan phủ dạy lính lệ dẫn Tô Thường Hậu ra ngoài chờ, để cho ngài gạn hỏi Hồ Lăng đủ sau trước mới tàng hắc bạch.
Đề lại dẫn Hồ Lăng vào.
Hồ Lăng đứng sững trước mặt, không cúi đầu, không thi lễ. Quan phủ nổi giận, quở Hồ Lăng:
– Ngươi biết chốn này là chốn nào không?
Hồ Lăng:
– Lý nào tôi ở chốn này mà không biết đây là phủ.
Quan phủ:
– Ngươi biết sao ngươi không thủ lễ? Ngươi tên họ là gì, làm chức gì, ở đâu?
Hồ Lăng:
– Ức vì tôi vô tội mà bị bắt, tôi muốn hiểu chỗ đó mà nóng lòng nên vào tới phủ tôi quên thi lễ.
Quan phủ:
– Không! Ta có dạy bắt ngươi đâu? Thơ của ta gởi qua Đô đốc, cũng xin dạy ngươi sang đây cho ta hỏi việc chớ. Ngươi mựa chớ tưởng lầm mà hờn vội. Ngươi tên gọ là chi, nói đi cho ta rõ?
Hồ Lăng:
– Có vậy tôi mới an lòng mà hầu hồi cho. Tôi tên Hồ Lăng đang làm đội trưởng trung quân Đô đốc.
Quan phủ:
– Ngươi có khi nào bị quan Đô đốc đuổi ra chăng?
Hồ Lăng:
– Bẩm không! Tùng chính từ buổi mới đầu quân, tôi lấy làm may mà đặng đô đốc yêu gùng hơn hết.
Quan phủ:
– Vậy cũng là đáng khen! Ngươi ở đây có biết Bảo Anh tự là chùa nào không?
Hồ Lăng:
– Bẩm biết chớ sao không! Đã nhiều lúc dưng hương cầu nguyện.
Quan phủ:
– Ngươi co cơn nào tá túc đó một ít lâu không?
Hồ Lăng:
– Bẩm không; mắc việc quan, có rảnh ngày nào đâu mà dời đổi.
Quan phủ:
– Ngươi nói sai rồi. Ai khai với quan phủ ngày trước đây, nói rằng vâng lịnh lên giữ quan tài mạng phụ?
Hồ Lăng:
– Bẩm tôi, song đó là việc quan sai, chớ về tư gia tư sự thì tôi chưa hề ở đó.
Quan phủ:
– Ngươi lên ở đặng mấy ngày?
Hồ Lăng:
– Bẩm chưa đầy nửa tháng.
Quan phủ:
– Khi người đến gởi xin nương náu ngươi mượn cớ nào vào xin?
Hồ Lăng:
– Bẩm vì mật lịnh, tôi dối bậy rằng bị Đô đốc đuổi ra, nghèo đói không chỗ dựa nương, vô phang thê chỉ.
Quan phủ:
– Khi mới vào, ngươi có làm quen với ai mà cậy tiến dẫn chăng?
Hồ Lăng:
– Bẩm có, song không biết là ai, duy nhớ có một vị chúng tăng tiến dẫn.
Quan phủ:
– Thật ngươi không biết và cũng không nhớ là ai hay sao?
Hồ Lăng:
– Bẩm thật thì không?
Quan phủ:
– Trong những ngày ngươi dối giả nương dựa cửa thiền nhờ của thập phương đó ngươi thường đàm đạo cùng ai hơn.
Hồ Lăng:
– Bẩm tôi thường đàm đạo với chúng tăng, mà trong tăng chúng có một vị, tôi thường gần ngày đêm hơn hết. Mà tôi cũng không nhớ mặt hết tên là gì!
Quan phủ:
– Có khi nào ngươi thuật chuyện trong dinh đô đốc cùng tăng chúng hay không?
Hồ Lăng:
– Bẩm dám đâu! Tôi đã vâng mật lịnh đi dọ tin, lý đâu bày tâm sự.
Quan phủ:
– Người không nói với ai rằng con Đào Anh là thế nữ trong dinh chết rồi sao?
Hồ Lăng:
– Bẩm không! Tôi không hề có nói; thề mấy chùa mấy miễu tôi cũng dám thề đa!
Quan phủ:
– Muốn thề để sau rồi sẽ. Ngươi cũng không nói Đô đốc nghi tình giết Đào Anh, đuổi ngươi ra khỏi sao?
Hồ Lăng:
– Bẩm không. Cái đó mới thật là nước lả khuấy nên hồ đó.
Quan phủ:
– Đào Anh bây giờ ở đâu?
Hồ Lăng:
– Bẩm tôi biết đâu; nam nữ có đặng gần nhau đâu hòng biết.
Quan phủ:
– Nhưng mà ngươi biết nó còn ở trong dinh chăng?
Hồ Lăng:
– Bẩm nó còn ở trong đó chớ đâu.
Quan phủ:
– Ngươi biết nó không.
Hồ Lăng:
– Bẩm, tôi biết nó lắm chớ.
Quan phủ:
– Hay a! Vậy ta cậy ngươi đi với Đề lại với lính nhà, cầm thơ ta về trình quan Đô đốc rồi đòi Đào Anh sang qua nha cho ta hỏi.
Hồ Lăng lỡ lời, nghe dạy mặt mày điếng xanh, song không lẽ nói sao, phải chịu hàm thinh lãnh thơ về dinh đặng có trần tình cùng Đô đốc.
Hồ Lăng lãnh thơ cùng Đề lại đi rồi, quan phủ ngó theo cười mà thầm nói: “Cáo đội lốt hùm đây ai không kiêng sợ. Ta há phải như ai đó sao, khuyên thì đừng lầm tưởng. Dẫu rằng thật là hùm, phải lối ta cũng dám lùa vô rọ vậy chớ!”
Nói rồi quan phủ dạy dẫn Tô Thường Hậu vào mà gạn hỏi:
– Này, mi nói con Đào Anh chết rồi, bị chủ nó giết, mi nói vậy mà thiệt hay không, mi rõ biết hay mi nghe nói?
Tô Thường Hậu:
– Bẩm quan lớn, tớ mắc ở chùa có đâu rõ biết. Lời tôi nói đó là lời của Hồ Lăng khi nọ đó chớ. Mà quan lớn đã chiêm bao thấy Đào Anh hiện về đội trạng bạch, quan lớn còn nghi lẽ gì.
Quan phủ:
– Phải, ta không nghi Đào Anh còn sống, song ta e vì ta sai đòi Đào Anh, ta e Hồ Lăng mưu trá. Ta chưa biết mặt Đào Anh, thì biết lấy chi làm bằng mà cãi, nếu có lẹ trí bắt con thế nữ nào vào mạo hiệu Đào Anh.
Tô Thường Hậu:
– Bẩm quan lớn nghi vậy cũng có lý, nhưng mà không sao, nếu quan lớn chẳng chê tôi xin dâng một kế. Nếu quả Hồ Lăng mưu tính, bắt thế nữ thế vào, thì tôi có kế làm cho lộ mối.
Quan phủ:
– Kế chi? Phụ nhĩ thử coi cao thấp?
Tô Thường Hậu bước lại kề bàn quan phủ mà nói nhỏ và dặn nếu Hồ Lăng về có dẫn Đào Anh, quan lớn dạy dẫn tôi vào ra oai khoát nạt, thịnh nộ tôi mới hỏi như vầy như vầy; rồi để mặc tôi khai sao thì khai, tự nhiên giối kia lòi giả. Quan phủ khen hay, rồi dạy Tô Thường Hậu ra ngoài ngồi đợi.
Ngồi đợi giây phút, hẳn thật chỗ nghi của quan phủ không sai, Hồ Lăng cùng Đề lại trở về có dắt một nàng cũng trong thế nữ. Đem vào trình với quan phủ con đó là Đào Anh. Thật là một tuồng hát có một đoạn diễu cợt lạ lùng mà quan phủ cười tỉnh nói say giả hình chưa biết. Ngài liền dạy quân dẫn Hồ Lăng ra ngoài, để cho ngài gạn hỏi Đào Anh cho thấu đáo kẽ răng chơn tóc.
Hồ Lăng ra rồi, ngài mới hỏi Đào Anh:
– Mi là Đào Anh thế nữ bên dinh Đô đốc phải chăng?
Thế nữ:
– Bẩm phải, tiện tì tên thiệt là Đào Anh, ở hậu dinh Đô đốc.
Quan phủ:
– Mi còn có tên chi nữa không?
Thế nữ:
– Bẩm không.
Quan phủ:
– Mi có quen biết chi với Tô Thường Hậu chăng?
Thế nữ:
– Bẩm con chưa biết Tô Thường Hậu là ai.
Quan phủ:
– Nếu mi là thế nữ trong dinh, lý nào mi không biết Tô Thường Hậu là một tay thiếu niên nam tử, lúc Đô đốc mắc đi dẹp giặc, lịnh phu nhân còn ở dinh một mình, nó thường sớm tối ra vào, khi bán ngọc, lúc dâng ngọc?
Thế nữ:
– Bẩm quan lớn con chưa quen biết Tô Thường Hậu.
Quan phủ:
– Mà mi biết người bán ngọc chăng?
Thế nữ:
– Bẩm quan lớn con có biết mặt.
Quan phủ:
– Sao nó khai rằng quen biết với mi lắm, nhờ mi tiến dẫn mà vào thấu lịnh phu nhân.
Thế nữ:
– Bẩm quan lớn người nói sao chớ phận con là tôi đòi, mắc lo giữ phận tôi đòi, khi người vào bán ngọc, thấy thì hay thấy chớ không hay làm quen lắm lời.
Quan phủ:
– Mà mi thiệt là Đào Anh chăng?
Thế nữ:
– Bẩm thật.
Quan phủ:
– Lạ dữ a! Hai đàng khai khác. Vậy để ta đòi Tô Thường Hậu ra đây đối diện. Thôi mi ngồi dẹp lại một bên bàn kia mà nghe.
Nói rồi quan phủ cho đòi dẫn Tô Thường Hậu vào. Tô Thường Hậu vừa ló mặt vào, quan phủ vỗ bàn ra oai thịnh nộ.
Quan phủ mới hỏi:
– Tô Thường Hậu, mi đã khai rằng mi biết rõ Đào Anh, việc cạy hòm mạng phụ trộm ngọc cắp châu có Đào Anh tư thung với mi mà chỉ mưu bày kế, sao nay ta hỏi Đào Anh lại nói không hề quen biết với mi lần nào, dầu khi ngươi vào dinh bán ngọc cho Hồ phu nhơn, Đào Anh cũng chẳng hề quen biết?
Tô Thường Hậu:
– Bẩm quan lớn rõ ràng Đào Anh sợ tội mà chối đó thôi, chớ thật, buổi tôi vào dinh bán ngọc, tôi chẳng hề có quen biết với ai khác hơn Đào Anh, lần lần đôi lứa tư thung với nhau cho tới khi Hồ đô đốc dẹp giặc trở về nên nỗi gối chăn chia cách. Không gặp mặt nhau yêu ấp nhau như buổi ban đầu, thương nhớ nhau mới có thơ nhắn tin cá nhăn nhe, ấy là thư từ nạp giữa đường phải nào lời nói ngược.
Đến khi Hồ phu nhơn chẳng may qua đời đi rồi, Đào Anh chắc mình không còn ở trong dinh lâu nữa, quyết vầy cùng tôi, cửu thất hữu gia, Đào Anh mới tư tình cùng tôi cạy hòm trộm ngọc, chỉ cho tôi cắp cho đặng châu báu trong hòm mạng để gây sự nghiệp cho nên; thơ của Đào Anh mà xúi mưu cũng còn kia, tôi đã có nạp rồi, bằng chẳng tôi có biết mà lấy.
Tô Thường Hậu khai rồi, quan phủ xây lại ngó thế nữ mà quở van, lại nói:
– Đào Anh tội lỗi rõ ràng, đủ đáng phân cang còn chi nữa mà la oan than ức!
Thế nữ nghe rõ trước sau, mặt xanh như chàm, thất kinh hồn vía, đã vậy lại còn bị quan pủ quở phạt hăm he, nàng lại càng sợ run, lật đật đứng dậy ra giữa mà bẩm rằng:
– Bẩm quan lớn, xin dạy Tô Thường Hậu nhìn lại cho kỹ kẻo lầm, Nếu quả có Đào Anh tư thung với gian nhân thơ qua thơ lại xuôi mưu trộm báu trong hòm, thì là Đào Anh kia, chớ không phải Đào Anh này, tuy cũng là Đào Anh mà chẳng phải tình nhân của Tô Thường Hậu.
Quan phủ:
– Nói vậy trong dinh còn có tên Đào Anh khác nữa sao?
Thế nữ:
– Bẩm có, Đào Anh đó là tay yêu dùng cho Hồ phu nhơn, thường ở một bên Hồ phu nhơn mà chờ sai khiến.
Quan phủ:
– Đào Anh đó bây giờ ở đâu?
Thế nữ:
– Bẩm Đào Anh đó đã mất rồi, nên mới có lịnh dạy tôi phải vào mà thay thế.
Quan phủ:
– Nói vậy vì sự thay thế ấy mà mi phải chịu cải danh là Đào Anh kỳ trung mi còn có tên thiệt của mi khác nữa phải chăng?
Thế nữ:
– Bẩm quả vậy; vì sự thay thế ấy mà tiện tì phải chịu lấy tên Đào Anh, chớ tên thiệt của tiện tì chẳng phải là Đào Anh mà rõ là Giáng Tuyết.
Quan phủ:
– Hay a! Tại vậy nên Tô Thường Hậu không thấy mặt mi mà lầm cũng phải. Bấy giờ ta tin thật không phải mi, song mi phải khai ngay cho ta biết con Đào Anh thiệt tại sao mà chết.
Giáng Tuyết:
– Bẩm quan lớn, nghe nói Đào Anh chết thì hay chết chớ ít ai rõ tại sao mà chết. Nhưng mà một tên thế nữ phục sự Hồ phu nhơn, có chết thì tại số trời nên không cãi đặng.
Quan phủ:
– Ta biết mi có tình ngay, ta khen mi và muốn tha mi về bây giờ, nếu mi không giữ lấy mực mà khai thật hết cho ta tường những điều ta đã hay biết rõ, thì ta e cho mi phải bị tội vạ tràng mà bất năng hồi cố đa con! Mi phải biết tại sao mà con Đào Anh thác, ngày nay thiên hạ đều hay; cho đến Tô Thường Hậu là tình nhân của nó cũng đã có khai, mi còn toan giấu diếm?
Giáng Tuyết:
– Bẩm quan lớn, thật sự khi Đào Anh chết thì hay chết, không ai rõ cớ chi, chớ tiện tì mô dám giấu.
Quan phủ:
– Rồi từ ấy những nay không khi nào mi nghe ai nói lại sao?
Giáng Tuyết:
– Bẩm, tiện tì có nghe song chỗ ấy nghe không lấy chi làm chắc.
Quan phủ:
– Mi nghe người nói sao.
Giáng Tuyết:
– Bẩm quan lớn tiện tì có nghe rằng Đào Anh bị …
Giáng Tuyết:
– Bẩm phải vậy.
Quan phủ:
– Nghi tình cách nào, giết cách nào, mi nghe thuật cho ta nghe coi có y lời Hồ Lăng khai hay chăng?
Giáng Tuyết:
– Bẩm quan lớn, vì cùng chung một dinh Hồ Lăng nghe sao, tiện tì nghe y vậy.
Quan phủ:
– Lời mi nói phải, song ta muốn nghe coi Hồ Lăng có gian giấu chút nào không?
Giáng Tuyết:
– Bẩm quan lớn, sự nghi tình đấy bởi khi Hồ đô đốc ban sư, về tới dinh vào phòng còn thấy bãi nước miếng nơi đầu giường, xem ra nước miếng đờn ông, hỏi Hồ phu nhơn chối ngược. Tánh sâu sắc nước đời nghe Hồ phu nhơn chối vậy, ngài liền nói bỏ qua, nhưng mà ngài không bỏ luôn; ngài ghi chớ để chờ khi gạn hỏi.
Kế đó Hồ phu nhơn đi cúng chùa. Hồ đô đốc ở nhà một mình, sai Đào Anh bẻ hoa, ngài mới ra chận hỏi. Vườn vắng vẻ có ai, bởi thấy Hồ đô đốc hỏi mà có gươm cầm tay, hăm he đòi giết, nếu Đào Anh giấu giếm một lời.
Đào Anh lúc cùng chẳng đã biết sao phải khai ngay, nỗi tâm sự của bà từ ông bước ra, và những khi bà ở nhà, chích bóng cô phòng sanh sự loan chung phụng chạ. Đào Anh vẻ cho tới hình người bán ngọc giả gái vào ra, cho đến khi ông về nhà, bà ôm lòng đòi đoạn gần xa, bà mới giả việc cúng chùa, cho có thể bướm hoa tương hội.
Tưởng khai thật hết mà đặng Hồ đô đốc tha, dè đâu khai rồi. Hồ đô đốc lại sợ để Đào Anh mà lậu cơ mưu, vì ngài tính kế trả cừu, nên ngài mới nhẫn tâm hạ thủ. Giết rồi ngài quăng thây Đào Anh xuống hồ, phó mặc bèo sen chôn lấp.
Giết Đào Anh rồi ngài quyết ý giết Hồ phu nhơn với Tô Thường Hậu. Tưởng nài có quyền muốn giết bao giờ ko6ng đặng; nhưng bởi ngài không muốn giết liền cho nhơ, ngài muốn làm cho rõ mặt phi thường, cho Tô Thường Hậu phải chịu tang xương nát thịt; nên ngài khi Hồ phu nhơn về, dối bày chuyện tình tệ của Đào Anh, ngài giận đuổi Đào Anh với Hồ Lăng mà chưa an lòng, ngài còn muốn theo tận sát.
Hồ phu nhơn ngỡ thật giáng can, nào dè ngài đã sai Hồ Lăng, giả hình tới Bảo Anh, xin nương náu mà dọ tin Tô Thường Hậu. Nhờ có vậy, ngài mới rõ thấu những khi nào Hồ phu nhơn còn đến chùa Bảo Anh to nhỏ cùng tình nhân.
Ngài giận lắm song ngài kết oán thù thâm để dạ chờ khi rửa hận. Một đêm kia vợ chồng chén tạc chén thù cùng nhau trong phòng, bộ ngài nhờ lúc hết rượu sai Hồ phu nhơn xuống hầm mà chiết thêm; rồi ngài đánh mò theo sau mà ra tay nên lúc gần sáng ngài tri hô mất Hồ phu nhơn, hối đoàn thế nữ chạy đi kiếm khắp hết trong ngoài, cùng trên tới dưới.
Kiếm không thấy Hồ phu nhơn chốn nào. Chừng vào hầm rượu kiếm mới gặp thây Hồ phu nhơn, chết một cách thảm thiết vô cùng, đã chết trong mái rượu mà thây lại trồng chuối ngược.
Ngài khóc than Hồ phu nhơn, nói Hồ phu nhơn rủi trật tay nên nông nỗi; Ngài là một vì quan Đô đốc nói vậy hay vậy, nào ai dám cãi tiếng chi.
Khi liệm thây rồi, ngài lại không chô, đình đem gởi trên chùa quàn để chờ ngày chờ tháng. Tưởng thật vậy ai dè là kế chi. Ít ngày nghe Tô Thường Hậu cạy hòm phu nhân mà trộm châu báu ngọc ngà, chừng ấy ai mới biết, trơ mắt nhìn nhau mà hít hà chắt lưỡi.
Quan phủ:
– Khoan! Mi nói chừng ấy ai nấy biết trơ mắt nhìn nhau mà hít hà chắt lưỡi, chẳng hay mi muốn nói biết giống chi, biết sự gì mi hãy nói huỵch ra cho ta hẳn thấu?
Giáng Tuyết:
– Bẩm quan lớn, tiện tì muốn nói biết là oan, biết Tô Thường Hậu bị vu oan vì nỗi tình kia sanh oán chớ biết giống chi.
Quan phủ:
– Tại sao mi biết vì tình kia sanh oán, nên bị vu oan, chớ thật Tô Thường Hậu không lòng gian giảo.
Giáng Tuyết:
– Bẩm, Tô Thường Hậu là tình nhân, nghe Hồ phu nhơn thác, thương tiếc không biết, chớ dạ nào đành làm sự tế vi như thế. Nếu quả Tô Thường Hậu mà chịu có cạy hòm trộm ngọc, có Đào Anh chỉ kế bày mưu thì tại Tô Thường Hậu bị khảo kẹp, chịu không nỗi mà phải cam chịu lấy cho rồi, thà chịu chết hơn là ngồi mà chịu khảo.
Quan phủ:
– Ta cảm ân mi khai rõ đầu đuôi. Vậy mi hãy tạm bước ngồi ngoài, chờ ta hỏi Hồ Lăng coi có điều gì đối cãi.
Giáng Tuyết với Tô Thường Hậu bước ra. Bấy giờ quan phủ mới dạy đòi Hồ Lăng vào, cho ngài cật vấn, Hồ Lăng bước vào, quan phủ ngó Hồ Lăng mà cười và nói:
– Hồ Lăng, mi có làm tới chức Đội trưởng, mi biết chốn nha môn chẳng phải là chỗ chơi, cớ sao mi dám làm chuyện bưng mắt bắt chim phỉnh gạt ta như thế hử?
Hồ Lăng nghe qua lấy làm lạ mới ngước mặt trơ mắt, dường muốn hỏi quan phủ thì đã nghe quan phủ nói tiếp:
– Thật ngươi muốn giấu ta, nên ngươi dám đem con Giáng Tuyết đến mà dối làm Đào Anh là con tì nữ đã bị tay chủ gia tận sát. Cái tội khi quan ấy không có chỗ thứ dung.
Hồ Lăng:
– Bẩm quan lớn, ai nói con thế nữ của Đô đốc gởi tới đó là không phải Đào Anh, thì người ấy là người nhục mạ quan Đô đốc. Ai nói con Đào Anh bị chủ giết, thì người ấy là vu oan giá họa cho Hồ đại nhân. Mà quan lớn rõ biết Hồ đại nhân là một vị tướng quân bên thượng liêu, đang cơn ly loạn này đây đã ra tài đông xông tây đột, đáng tay rường cột nước nhà, ai nói hai điều tội lỗi ấy, tưởng quan Đô đốc cũng không dung tha đặng!
Trang Tử Minh nghe dứt, phát đại nộ, vỗ bàn mà khoát nạt Hồ Lăng rằng:
– Ngươi dám hăm dọa ta là một vị minh quan của triều đình. Á lịnh ngồi đây phân xử nữa sao? Ngươi tưởng đâu ta là người sợ mạnh hiếp yếu hay sao mà ngươi đem quyền thế của Đô đốc ra mà hăm dọa ta. Ta nói cho mi biết, nếu mi chẳng khai thiệt sự con Đào Anh bị tay ai giết, ai giết Hồ phu nhơn, ai bày kế độc, chỉ mưu sâu cho ngươi tới chùa Bảo Anh cạy hòm lấy ngọc mà vu oan cho Tô Thường Hậu, thì ta quyết hẳn truyền quân căn dùi nọc mi ra mà tra cho đến bao giờ mi khai thiệt thì ta mới nghe cho.
Hồ Lăng nghe tiếng khẳng khái, bụng đã sợ hết hồn; song còn gượng lời, nghĩ cho trong tỉnh không còn ai có quyền thế lớn hơn Hồ đô đốc; nên sợ thì sợ mà Hồ Lăng cũng còn làm gan nói trẻ treo rằng:
– Tôi tội gì, ai dám tra khảo tôi thì tra khảo thử coi; tôi có quản gì thân tôi, e cho ai vì chút lợi trước mắt mà phụ nghĩa anh em đồng liêu, đến chừng vàng đá không phân ăn năn thì đã muộn thôi chớ.
Quan phủ:
– À há, mi lấy oai thế của Hồ đô đốc mà hăm dọa ta; hễ ta mà tra khảo mi, thì chủ mi là Hồ đô đốc kéo quân tới đây, không phân vàng đá. Ta muốn biết thế lực của mi ra làm sao, nên ta sẵn lòng tra mi lắm. Nói vậy ngươi tự quyết chẳng khai thiệt sự Đào Anh phải chăng? Quân bây đâu, hãy bắt Hồ Lăng căng ra khảo giùm cho ta thử coi đến chừng nào nó nói.
Quân lính vâng lịnh áp bắt Hồ Lăng căng ra; Hồ Lăng cương lý không vâng, song ngó quất ngó quanh, trước sau một mình cượng sao cho nổi. Cho nên cượng thì cượng vậy đó thôi, rồi ra không qua phép. Đi cũng bị quân kéo cổ đi ra căng dùi nọc. Bị khảo chưa đầy mười roi, Hồ Lăng khóc la một cách rất dữ tợn, kêu Hồ đô đốc làm rúng động hết cả phủ. Quân đánh riết một hồi, hết khóc hết la mà cũng hết kêu Hồ đô đốc. Hồ Lăng túng phải xuống nước chìu lụy xin tha. Lại nói:
– Quan phủ dầu không tưởng nghĩa cũng nghĩ tình Hồ đô đốc là chủ tôi, chớ có lý đâu quan phủ chẳng vị chút nào, đánh tôi không kiêng chủ.
Quan phủ cười mà rằng:
– Đánh tớ kiêng chủ là việc tư kia kìa; chí như việc công, quan pháp bất vị thân, lý đâu ta dám làm điều bất minh bất chánh. Nếu mi muốn ta dung ngươi, thì khai ngay đi, khó gì mà không chịu. Chuyện Đào Anh bị giết làm sao, Hồ phu nhơn bị chết thế nào, mi phao cho Tô Thường Hậu làm sao mi cứ khai thiệt thì ta tha thứ. Mi đừng tưởng con Đào Anh giả của mi dẫn tới phỉnh ta đó nó chưa khai thật mà lầm. Nếu mi không tin, ta dẫn nó ra nói cho mi biết.
Nói rồi quan phủ dạy dẫn Giáng Tuyết vào, Giáng Tuyết bước vô cúi đầu, quan phủ dạy ngước mặt lên coi có biết Hồ Lăng cùng chẳng. Hai đàng nhìn mặt nhau, quan phủ mới hỏi:
– Thế nữ, mi tên họ là chi; có phải tên là Đào Anh như lời Hồ Lăng khai trước?
Thế nữ:
– Bẩm quan lớn, tiện tì là Giáng Tuyết chẳng phải tự là Đào Anh; Đào Anh đã thác rồi Hồ Lăng dạy tôi vào thế mặt mà tròng tên đổi họ.
Quan phủ:
– Đào Anh chết rồi đó vì sao mà chết, bị ai giết hay là chết cách nào?
Giáng Tuyết:
– Bẩm quan lớn, ngày nọ chính mình Hồ Lăng nói với tiện tì rằng Đào Anh bị chủ nghi tình chận giết giữa vườn ném thây xuống nước.
Quan phủ:
– Đó mi có nghe không Hồ Lăng? Còn gì mà mi chưa chịu khai ngay cho ta xử án?
Hồ Lăng:
– Bẩm quan lớn, quan lớn nỡ nào chẳng vị tình chủ tôi là Hồ đô đốc để đi nghe chi lời nói mồ hồ của một con tiện tì mà bắt tôi khảo tra tội nghiệp.
Quan phủ:
– Thế thì mi quyết hẳn chẳng khai ngay nữa chi?
Hồ Lăng:
– Bẩm quan lớn, lẽ nào tớ lại dám lấy chuyện không làm có mà vu oan cho chủ.
Quan phủ:
– Vậy thì ta phải dạy quân tra khảo mi: cái là tại nơi mi cừ khôi, mựa trách ta sâu độc, đa nhé! Quân bây đâu đem Hồ Lăng ra khảo nó coi có chịu khai chăng?
Phán dứt lời, quân chưa kịp vâng, có kẻ bước vào bẩm quan phủ có Hồ đô đốc đến, còn chờ ngoài ngõ. Quan phủ vội vàng sửa áo bước ra, và đi và khoát biểu quân dẹp việc tấn tra, dẫn hết đem giam chờ lịnh.
Nghinh tiếp Hồ đô đốc và thỉnh vào nha phân ngôi đàm đạo. Quan phủ giữ lễ cung kỉnh Hồ đô đốc là một vị tướng quân bên thượng liêu, lại tỏ ý vui mầng, chìu lòn từ lời nói. Trà nước giải lao, giây phút quan phủ mới thừa lúc trò chuyện vui vẻ, mở lời hỏi Hồ đô đốc:
– Bữa nay, ngài thừa nhàn hứng cảnh, quá bộ tới nha, thật là điều may mắn cho tôi hết sức; song tôi còn một điều chưa dám quyết nên xin hỏi lại: Chẳng hay Đô đốc có lòng hạ cố mà đến chơi, hay là có việc chi cần dùng đến tôi, xin Đô đốc ra ân dạy bảo.
Hồ đô đốc từ để bước vào nha cũng vui vẻ nói cười như tình bậu bạn không trỗ tánh kiêu căng, ỷ mình binh quyền lớn, nha tráo đông có công với nước mà khi nhân ngạo vật như xưa nay vậy nữa. Đến chừng nghe quan phủ hỏi tới câu có lời chi dạy bảo, Hồ Quốc Thanh đứng dậy mắt ngó miệng cười vuốt ve mơn trớn Trang Tử Minh rồi nói:
– Quan phủ khéo hạ mình chi lắm đấy! Chỗ anh em làm quan trong một tỉnh với nhau, dầu là bên võ bên văn cũng đồng liêu, phải lấy nghĩa mà đi nhau như vi kiến, như tay chơn, phải thương yêu nhau, giúp đỡ nhau như ruột thịt: há lấy cao thấp, mạnh yếu mà chia lòng nhau cho quân lính trông vào không kiêng không nể.
Đặt ra anh em nương dựa nhau, tương y tương ỷ với nhau, cho ra đông mầy tây tao, có việc chi tỏ thật cùng nhau, đặng mà cậy nhau giúp nhau mới là phải nghĩa.
Nay bổn chức đến nha đây chẳng chi khác hơn là vì nghĩa anh em đến trước là viếng nhau, sau hỏi vụ Hồ Lăng luôn thể; vì nó vâng lịnh sang hầu bên nha đã ba ngày rồi, không thấy về, bổn chức nghi chắc nó có điều gì phạm tới phép quan luật nước, nên quan phủ mới cầm nó lại mà vấn tra, bằng chẳng vậy, lý nào quan phủ chẳng nghĩ bổn chức lá anh em mà thứ tha cho nó.
Nói rồi Hồ Quốc Thanh lại ngó Trang Tử Minh mà cười mơn, rồi tiếp:
– Coi như không có chi trọng hệ lớn, quan phủ nên nghĩ bụng tôi là anh em, vì lời tôi xin là đáng mấy mà thứ tha cho nó!
Quan phủ nghe qua mặt có sắc thẹn, song cũng gượng cười đỏ tía tai cười rồi đáp:
– Nói vậy Đô đốc vì chuyện Hồ Lăng mà sang đây, trước là hỏi thăm, sau rồi giùm cho nó nữa chi? Thật lòng đô đốc đối với kẻ dưới rất hải hà, mà trách thay, cái lũ tiểu nhân như ếch nằm đáy giếng thấy bao nhiêu trời, dám trở trách trời rằng hẹp. Một lời Đô đốc dạy bảo, Hồ Lăng dầu phạm tội sát nhơn đi nữa tôi cũng nghĩ tình Đô đốc với tôi như thầy với trò mà tha thứ cho nó đặng; ngặt cái tội của nó làm ra đây, không trọng bằng tội sát nhân mà tôi coi trọng hơn tội sát nhôn nên mấy bữa rày đây tôi có cầm để vấn tra, đặng làm án cho vừa tội nó.
Tôi tưởng, nếu Đô đốc trước khi sang đây rõ đặng tội của nó làm là tội gì, thì chắc Đô đốc cũng phiền mà không chịu thất công vì nó. Thật là thằng bất nghĩa vô nghì không ai bì kịp đó Đô đốc.
Hồ Quốc Thanh:
– Còn con Đào Anh?
Trang Tử Minh cười lớn và đáp:
– Tôi nghi cho Đô đốc bị Hồ Lăng gạt mà lầm tưởng con đó là con Đào Anh nên mới giao nó qua cho tôi khi tiếp thơ tôi đòi hỏi; nay mới biết chỗ nghĩ của tôi không lầm, vì nay Đô đốc sang đến đây mà hãy còn lầm tưởng là Đào Anh không ngờ nó – con đó, con thế nữ đó – nó hẳn thật là con Giáng Tuyết!
Hồ Quốc Thanh nghe dứt, có sắc thẹn nên mặt mày đỏ au; thẹn rồi lại nghĩ đến cơ mưu dĩ lậu mà sợ, sợ lại thêm giận, nên run; mặt ửng đỏ hóa ra mét xanh, tay chơn lại run, mồ hôi như xối. Lau ướt trọn một cái khăn mà trán hãy còn đổ giọt như chan!
Hồ Quốc Thanh lấy làm nghẹn ngào mở chẳng ra lời; song cũng gắng gượng giả hình cười tỉnh nói say, dường như chuyện không trọng hệ gì tất cả, Trang Tử Minh thấy rõ Hồ Quốc Thanh giấu ý bèn nói:
– Lời tôi nói đó là lời đoan chánh hẳn hòi, phải nào lời nói chơi, xin Đô đốc mựa nghi tình tội nghiệp.
Hồ Quốc Thanh:
– Bổn chức tin quan phủ bằng lời dám đâu nghi ngại. Thật bổn chức không biết Đào Anh là con nào, Giáng Tuyết là con nào. Hồ Lăng dầu muốn gạt chẳng phải khó gì mà không gạt đặng. Vả lại mình biết câu: Quản tử khả thi dĩ kỳ phương thì chẳng lấy chi làm lạ. Ừ! Còn quan phủ nói thằng Hồ Lăng nó phạm tội chi mà quan phủ xem trọng hơn sát nhân, nên nỗi nhắm mắt bỏ qua không đặng?
Trang Tử Minh:
– Bẩm Đô đốc, theo lời tôi đã nói Hồ Lăng dầu phạm tội sát nhân mà nghĩ tình Đô đốc với tôi như thầy với trò, thì tôi cũng có chỗ thứ tha cho nó; chí như tội này đây, tuy không trọng bằng tội sát nhân, mà vì tình thầy trò với nhau, tôi phải coi tội của nó làm nặng tội sát nhân đó Đô đốc.
Hồ Quốc Thanh:
– Tội gì mà trọng vậy?
Trang Tử Minh:
– Chẳng chi trọng bằn tội nó khi quan; nó khi Đô đốc nó khi tôi, dám bày điều tội ác mà vu oan, rồi lại dám giả dối đem con này làm con nọ.
Hồ Quốc Thanh:
– Tưởng chi, chớ thứ nó nói hành, lạ gì; đứa tiểu nhân thường có; quan phủ giận nó làm gì. Vì nó là đứa bổn chức đang yêu dùng lúc này, thôi xin quan phủ vì bổn chức mà thứ tha, thả nó ra, cho nó đi lo làm công chuyện.
Trang Tử Minh:
– Phải nó nói hành, một lời Đô đốc, đủ cho tôi thả nó ra; ngặt nó vu oan ..
Hồ Quốc Thanh:
– Vu oan cho ai? Mà quan phủ biết bổn chức, bổn chức biết quan phủ theo lời quan phủ nói, như tình thầy với trò; nên dầu nó có ngỗ nghịch đem điều tội ác mà vu oan cho ai đi nữa, gẫm cũng chẳng thiệt hại gì, can cớ gì đến ai mà sợ.
Trang Tử Minh:
– Sao lại không thiệt hại, sao lại không can cớ gì đến ai? Bởi chuyện nó vu oan can hệ tới quan Đô đốc, thiệt hại tới mạng phụ Hồ phu nhơn, nên tôi mới cầm mà tra hỏi nó chớ.
Hồ Quốc Thanh nghe Trang Tử Minh quyết hẳn, mặt biến sắc chàm, song gượng cười nói như chơi mà hỏi:
– Chuyện nó vu oan là chuyện chi?
Trang Tử Minh:
– Chuyện chi … chuyện chi … Đô đốc mựa lấy làm chơi mà ăn năn không kịp. Nó dám tới đây đầu cáo rằng Đô đốc giết vợ là mạng phụ Hồ phu nhơn, giết một cách thảm thiết vô cùng, giết lén tại nơi hầm rượu. Nó nói Đô đốc ghen, thừa lúc canh khuya sai Hồ phu nhơn xuống hầm chiết rượu mà nhận đầu Hồ phu nhơn vô mái rượu.
Hỏi nó có chứng ai, nó lại nói có con Đào Anh biết rõ ngọn nguồn thấu đáo kẽ răng chơn tóc. Viết trác sai nó đi đòi Đào Anh, nó lại dám làm chuyện báng mắt bắt chim, đem Giáng Tuyết làm Đào Anh mà khi quan thêm nữa.
Nhờ Giáng Tuyết khai thật, tôi mới biết mà quở phạt nó và tra gạn sự gian dối của nó; nó lại nói:
“Con Đào Anh thiệt biết rõ nên cũng đã bị Đô đốc sợ lậu mà giết đi rồi, nên nó đem con này, tuy Giáng Tuyết mà cũng như Đào Anh, vì Giáng Tuyết cũng hiểu thấu đầu dây mối nhợ.”
Dường ấy, Đô đốc nghĩ coi hệ trọng là bao, tha sao cho đặng. Đô đốc cứ an lòng về dinh, để đó nó mặc tôi tra hỏi. bao giờ ra mối thiệt hư chơn giả rồi chừng đó sẽ hay, tôi sẽ mời Đô đốc sang qua nha dự thính.
Hồ Quốc Thanh nghe qua nhởm gáy, biết cơ gian đã lậu hết rồi, mặt xanh như chàm, lương tâm hồi hộp. Đang ngồi vùng đứng dậy, dường như muốn bỏ mà đi; song tỉnh lại rồi dằn dằn lòng sợ mà ngồi lộn xuống.
Ngồi rồi Hồ Quốc Thanh vùng cười xòa, cười mà trong lòng không vui, nên cười lợt lạt để lộ dấu ra ngoài mắt xem dễ biết. Cười thì cười mà không giấu nổi cái sắc sợ thất thanh, Hồ đô đốc vói cầm lấy tay Trang Tử Minh dối tình díu dan thân thiết mà nói lời ràng buộc rằng:
– Loại thất phu nó khép dể dui mà làm chuyện để cười không hổ. Biết rằng trong tỉnh không mấy người, quan phủ với ta thân thiết như cật ruột mà nó dám đem những điều vụ oan cho anh, tới cáo với em, nghĩ coi còn có cái ngu nào hơn nữa! Vậy thôi cần gì phải âm mưu vu cáo, thà nó đến mà xúi anh em mình đoạn tình thủ túc cầm gươm mà giết nhau chẳng là hay hơn.
Thật thì quân độc ác chẳng vừa! May là gặp quan phủ là đấng thông minh, từng trải việc dân việc nước, lại cũng hay niệm nghĩa anh em, vị tình bằng hữu mà tra đi gạn lại không chịu vội nghe theo cho lầm; ước như rủi gặp nhầm một vị quan không thanh, lại không hay vị nghĩa; cố giao cố kết, đồng đẳng đồng liêu thì, có phải, dầu không liên lụy đến mình, thì cũng vì đó mà thân danh vùi lấp!
Thật ta cảm ân quan phủ khôn cùng! Ừ mà Hồ Lăng phản ta vu cáo ta như vậy đó, chẳng hay quan phủ có tin hay không và tra gạn ra rồi chơn giả làm sao nói cho ta biết với? Quan phủ sẽ liệu xử thế nào?
Trang Tử Minh:
– Phải tôi mà tin theo lời, thì tôi có cần phải nhọc công tra hỏi mà làm gì; tôi cứ theo lời nó khai, tôi trình lại cho Đô đốc biết rồi cứ việc tư chỉ về kinh xin minh oan khúc. Bởi tôi vì nghĩa thầy trò, chẳng chịu để nhơ danh giá, tôi mới cầm Hồ Lăng lại đây mà tra khảo hổm nay; tôi nói thiệt, tôi tra nó mà nó chẳng chịu khai ngay, tôi quyết hẳn từ quan treo ấn.
Hồ Quốc Thanh:
– Thôi! Chút vậy cũng đủ thấy lòng quan phủ vị tôi nhiều lắm. Chi mà phải nhọc lòng về một sự nhỏ nhen; với lũ tiểu nhân hơi nào mà chấp. Ta tưởng quan phủ có lòng vị tình trọng nghĩa ta cũng nên phóng xá nó cho rồi, ích gì mà phải nhọc công ngồi tra hỏi. Thôi, quan phủ hãy vị ta mà tha nó đi; bao giờ nó tái phạm, quan phủ sẽ ra oai khoát nạt.
Trang Tử Minh:
– Lời Đô đốc dạy đáng mấy, lẽ nào tôi dám chẳng vâng; nhưng nghĩ vì phần trách của tôi buộc tôi phải minh, nên tôi cần phải vấn tra cho rõ, Đô đốc có nói vậy thôi, xin Đô đốc hãy an tâm về dinh, để đó mặc tôi, tôi sẽ liệu bề chế chẩm.
Dứt lời Trang Tử Minh vùng đứng dậy, dường như giục Hồ Quốc Thanh phải đứng dậy về; bởi vậy Hồ Quốc Thanh bụng còn muốn rốn ngồi lấy những cam ngôn mỹ từ năn nỉ ỷ ôi với Trang Tử Minh cho qua mà ngặt Trang Tử Minh đã đứng dậy đưa mình, nên không lý còn ngồi đấy nữa. Cực chẳng đã Hồ Quốc Thanh phải đứng dậy giã từ; Trang Tử Minh theo đưa ra cửa.
Ra tới cửa, Hồ Quốc Thanh còn dùng dằng chưa nỡ rời tay, muốn cầm Trang Tử Minh đứng đó với mình, đặng kiếm những lời ngọt tiếng ngon, giải xin cho dứt việc, Trang Tử Minh biết rõ ý Hồ đô đốc, nên khi đưa ra tới cửa, Trang Tử Minh cứ bứt ngang lời nói của Hồ Quốc Thanh mà từ tạ trở vô; chẳng chịu để cho Hồ Quốc Thanh bày chuyện dông dài, đứng nói tới ngày chưa dứt.
Trang Tử Minh quày trở vô phủ, Hồ Quốc Thanh mới chịu lên ngựa về dinh!
Về dinh, Hồ Quốc Thanh ngồi nghĩ nghị sự mình, thấu hiểu tức mình ám ách. Biết Hồ Lăng với con Giáng Tuyết bị tấn chịu không nổi hoặc mắc kế của Trang Tử Minh, nên đã lậu cơ gian; lại thêm Trang Tử Minh thuở nay đã nghe danh là một vị minh quan, giữ mực công bình, không chịu vị tình xử đoán; thế thì sự này thấu tới kinh, làm gì mình cũng không khỏi tội.
Hay vầy mình chẳng làm chi vậy cho đổ bể tiếng tăm! Bấy giờ đây mình phải liệu sao đây, trước là che đậy cho mình, sau cứu Hồ Lăng cho đặng!
Nghĩ đến lẽ Hồ Quốc Thanh lấy làm bứt rứt bồi hồi không an ngồi đứng. Ngài cứ đi tới đi lui, đi ra đi vào từ trưa tới chiều, quên ăn quên nghỉ.
Tối lại, ngài cũng tọa ngọa bất an, bồi hồi nan giải; ngài ngồi với đèn tới khuya, mới nghĩ ra một kế hay, rằng: ‘Trang Tử Minh dầu mình dùng vàng ngọc mua tình cũng đặng. Nếu ta đã lấy lời ngon tiếng ngọt mà xin cãi mà Trang Tử Minh không khấng cho, là tại không lễ vật gì; chớ hễ ta mà dùng tới lễ hậu mà nói, thì lý nào y không dung vị. Vậy thì đêm nay, ta lấy vàng bạc đựng đầy một quả làm lễ đem tới cho y, ta chẳng cần phải đi cho y ngại lòng, ta cứ ngồi nhà, sai quân đi với một phong thơ cũng đủ. Hễ y mà chịu nhận vàng bạc đem tới, thì tự nhiên y vì của hối mà tha ngay Hồ Lăng với Giáng Tuyết chẳng sai; làm như vậy đặng vẹn cả hai; vẹn cho danh phận của ta mà cũng vẹn cho tánh mạng Hồ Lăng, Giáng Tuyết là hai đứa đã tận tâm vì ta là chủ mà phải liên lụy thế này.”
Nghĩ vậy rồi, Hồ Quốc Thanh liền đứng dậy, đi thẳng lại bàn viết, ngồi tả một nan thơ để gởi cho Trang Tử Minh; thơ ấy chẳng chi ngoài tâm sự của mình, năn nỉ xin nghĩ tình che đậy giùm cho kẻo.
Viết xong, Hồ Quốc Thanh cầm coi đi coi lại đôi ba lần rồi mới niêm phong. Niêm rồi đề rồi, Hồ Quốc Thanh lại vào phòng mở tủ lấy những vàng thoi bạc nén sắp đầy một quả, để phong thơ lên mặt đậy nắp lại kín đáo rồi mới đi mở cửa đánh thức kẻ tâm phúc dậy mà sai đi.
Lúc bấy giờ, đồng hồ đã điểm mười, Hồ Quốc Thanh dạy bảo ân cần, rốt lại còn căn dặn tên quân, qua tới phủ, Trang Tử Minh mà xem thơ, khấng thâu lễ vật rồi, sao sao cũng nài nỉ mà xin Trang Tử Minh một bức hồi thơ cho đặng. Tên quân vâng dạ, lãnh quả bạc ra đi. Hồ Quốc Thanh theo đưa ra khỏi cửa dinh rồi mới trở vào cũng ngồi với đèn mà đợi.
Đây nhắc lại quan phủ Trang Tử Minh từ đưa Hồ Quốc Thanh ra khỏi nha, lên ngựa về dinh rồi ngài trở vào, nghị sự quả tang, cười thầm trong bụng; vì cơn ngài kiếm lời hay cớ xảo mà đỡ ngực Hồ Quốc Thanh, ngài xem khí sắc Hồ Quốc Thanh ngài biết; lại thêm khi ngài động tới mảy may sự tình của Hồ Quốc Thanh, thì ngài chẳng hề nghe Hồ Quốc Thanh có một tiếng gì chối cãi; chỉ có dùng những cam ngôn mỹ từ ma năn nỉ ỷ ôi, lấy sự rỗi cho Hồ Lăng mà che mình, chẳng dám lấy oai nghiêm mà đối cãi; khác hơn ý thiên hạ biết Hồ Quốc Thanh xưa nay, dầu là việc quân việc dân việc nước việc nhà gì, Hồ cũng dụng cường quyền không dùng công lý.
Hôm nay Hồ giảm khí nộ mà hạ mình thì đã biết sự đã quả nhiên không còn có mảy gì lầm lạc. Bởi vậy quan phủ ngài lấy làm đắc chí mà đòi những kẻ phạm ra giữa nha mà tra tấn nữa.
Tô Thường Hậu và Giáng Tuyết cả hai đều khai y; duy có Hồ Lăng chối từ hoài, không chịu khai ngay sự tích. Tại vậy nên quan phủ tức mình không chịu thôi; bữa dịp tra hỏi tới mười giờ đêm hãy còn ngồi mà tra hỏi nữa.
Lúc ngài dạy quân tấn Hồ Lăng, vừa dứt lời bỗng đâu có lính hầu bước vào bẩm báo rằng có quân bên dinh Hồ đô đốc sai qua, đứng ngoài ngỏ gởi xin ra mắt. Quan phủ nghe nói có quân bên dinh Hồ Quốc Thanh sai qua, thì ngài ngụ ý mà sanh nghi rồi, nên ngài chẳng muốn cho vào giờ ấy; song ngài còn nghĩ: Nếu lấy lẽ công phép chánh mà tuyệt giao đi thì phải cho phận một vì minh quan trong lúc đang tra án; nhưng mà không hay; vì làm, như vậy đã không rõ thêm đặng ý gì, mà lại còn e nỗi sanh thù sanh hận; chi bằng cho nó vào cho tạng mặt thì hay hơn một là mình rõ đặng cơ quan; hai nữa, Hồ Quốc Thanh lại an lòng, không nghi sợ mình mà sanh kế nào khác nữa.
Xét cạn lẽ, ngài mới dạy dẫn tên quân ấy vào và để dạp việc tấn tra lại trong giây phút.
Tên quân tâm phúc của Hồ Quốc Thanh vào tới thấy Trang Tử Minh liền cúi đầu thi lễ, rồi bước đến trước mặt Trang Tử Minh, mà quỳ dâng quả kim ngân. Trang Tử Minh vói bưng lấy quả, nặng quá, biết trong đó có bạc có vàng nên hỏi Hồ đô đốc có dặn lời chi riêng không; tức thì tên quân bẩm rằng: Trong quả có phong thơ, lẽ hơn thiệt tỏ bày, ngài xem qua thì rõ.
Bẩm rồi lại tiếp: Ngoài ra Hồ đô đốc có căn dặn tiểu nhân, sao trở về cũng phải có hồi thơ của Ngài để chứng quả lễ vật đã tới tay Ngài hẳn thật.
Nghe dứt, Trang Tử Minh gục gặc rồi cười, giả ý vui mầng lễ hậu. Đoạn ngài mới dở quả ra lấy thơ xem; ngài thấy đầy một quả bạc vàng, ngài lấy làm giận sao Hồ Quốc Thanh dám khi ngài là tiểu nhân, kiến tài ám nhãn, nên mới đem vàng bạc làm mồi, câu ngài như thế.
Tuy vậy mà ngài cũng dằn giọng ngồi mà xem cho hết phong thơ. Thấy tình ngài cũng thương nhưng mà tình sao qua lý. Xem rồi ngài liền đổi giận làm vui nói cười hớn hở, rằng nghĩa thầy trò với nhau, Đô đốc sao lại làm như với người dưng kẻ lạ!
Ngài cố ý nói lớn cho Hồ Lăng nghe, rồi ngài lại lấy vàng bạc ra sắp để trên bàn, cố ý để cho Hồ Lăng thấy. SẮp hết ra rồi Ngài đậy quả lại giao cho tên quân của Hồ Quốc Thanh đem về, và dặn nói: Ngài cảm ân, xin Đô đốc an tâm để mặc ngài liệu định.
Tên quân lãnh quả vừa đứng dậy cáo từ, bỗng không chàng sực nhớ lời dặn của Hồ Quốc Thanh, dặn nài cho đặng hồi thơ, bèn quỳ lạy nữa nài xin quan phủ. Thấy tên quân không soi thấu ý ngài, nên ngài cười; cười và nói:
– Không sao đâu! Muốn vậy thì mi hãy đứng mà đợi ta, ta viết hồi thơ về cho Đô đốc.
Trang Tử Minh mới nghĩ: Gặp cơ hội như vầy không tỏ cho Hồ Quốc Thanh biết, còn chờ hội nào? Nghĩ vậy rồi ngài lấy giấy viết đề thơ hồi âm cho Hồ Quốc Thanh; trong thơ ngài chẳng nói chi tới cái lễ hậu mới dâng đến ngài còn đây; ngài cũng chẳng nói chi tới vụ Hồ Lăng, Giáng Tuyết tha giết lẽ nào, ngài lại viết hai câu của Đào Anh mách bảo cho ngài bữa nọ rằng:
Phu nhân hữu nhiễm,
Thanh tiêu đã lạc tửu hoàn trung;
Xử nữ vô can
Bạch họa hoàng suy liên trì nội.
Viết rồi ngài xếp để vào phong, giao cho tên quân đem về cho Hồ đô đốc. Tên quân, nào thấu lẽ chi; đặng thơ hồi âm mầng, lật đật lạy từ lui gót.
Về dinh, trao cho Hồ Quốc Thanh. Hồ Quốc Thanh dở ra xem thấy hai câu của Trang Tử Minh viết hồi âm cho mình, liền tức nghẹn mở chẳng ra lời, té ngửa nằm trên trường kỷ. Giây lâu Hồ Quốc Thanh tỉnh lại, tay còn cầm thơ, coi đi coi lại rồi đọc:
Phu nhân hữu nhiễm,
Thanh tiêu đã lạc tửu hoàn trung
Hồ Quốc Thanh hạng xuất triêm thân, ước cả hòa mình, mồ hôi đổ giọt; bèn nghiến răng trợn mắt, ngó ngay qua phủ Trang Tử Minh mà mắng rằng:
“Chuyện của ta mặc ta, ai cầu mi xỏ miệng vô mà châm chích ta? Chuyện ta làm đã kín như mùng, ngoài trời đất với cỏ cây, thì không còn ai biết đặng; cớ sao ai mà đem học với mi, cho mi biết thấu chơn tóc kẽ răng mà châm chích ta, nói rằng vợ ta … nên ta giết thác …
Đã vậy, mi còn nói:
Xử nữ vô can
Bạch họa hoàng suy liên trì nội.
Sao mi biết là vô can? Nếu nó không tình gì riêng cớ sao khuê môn ta bất chánh, khi ta về nó là một con thế nữ tâm phúc nó không đem mà học lại, Dường ấy mi há gọi là vô can mà cho rằng ta giết oan nó nữa?
Mi biết một không biết mười, không sợ thài lài phải chày cán cổ. Mấy lời mi châm chích ta đây, ta muốn tức thì bây giờ, uy động ba quân kéo qua phủ bắt ngươi trị tội, thì mới vừa lòng ta, mi chớ tưởng ta sợ một đứa lực bất phược kê như mi mà lầm. Nếu ta không làm theo ý ta là tại ta còn kiêng chánh phủ bắc kinh, nên ta tạm dung cho mi khỏi thác đó.”
Mắng rồi, Hồ Quốc Thanh vò thơ của Trang Tử Minh , rồi xé nát bỏ vô giỏ giấu rồi vào phòng an giấc.
Vào phòng Hồ Quốc Thanh ngủ cũng không an; không biết sao không quên đặng chuyện Hồ Lăng vì mình mà bị khổ hình, nên cứ trăn trở một mình, lăn qua lội lại. Buộc Hồ phải để trí mà chiêm nghiệm việc minh, nghĩ nghị những điều hư lẽ thiệt. Bấy giờ Hồ Quốc Thanh mới xét tới mà hỏi lấy mình:
“Thoảng như, vì phép nước, kiến lịnh chánh phủ Bắc Kinh, mình chẳng sai quân vây phủ, bắt Trang Tử Minh vấn tội, mà mình cũng không làm sao cho nhẹm cụ này chẳng phải là vụ tầm thường, không can phạm đến thân danh mình đặng, thoảng như Trang Tử Minh cứ nẻo mực công bình, không vị nghĩa, chẳng vị tình, sớ về Bắc Kinh, thì mình liệu sao? Chánh phủ Bắc Kinh có dung vị mình chăng? Hay là có điều chi can hệ đến danh phận mình mà mình không nghĩ tới?
Nếu Trang Tử Minh kết án vụ này rồi sớ về Bắc Kinh, thì làm gì mình cũng bị triều đình quở trách. Vậy thì bây giờ đây việc còn đang ở đây mình cũng nên bỏ dẹp oai quyền hờn giận, chịu khó hạ mình, đến lấy cam ngôn mỹ từ năn nỉ ỷ ôi với Trang Tử Minh; nói tắt một lời mình phải ráng chìu lòn sao cho Trang Tử Minh vị tình mình mà giấu nhẹm bỏ qua, không thì cũng làm chuyện phui pha che đậy.
Chìu cho xong vụ này, cho qua hội này, rồi sau sẽ hay, oán trả ân đền chẳng muộn; chớ bây giờ đây, mình có khác nào cá nằm trên thớt, cượng lý e sanh sự khó lòng; vẫn biết Trang Tử Minh không dám làm chi, nói chi động tới mình; nhưng mà quyền sanh sát ờ tay; còn mình tuy mạnh mẽ hơn mà thế hiểm yếu tợ kiến bò miệng chén.”
Xét cạn lẽ thiệt hơn, Hồ Quốc Thanh mới nhứt định ngày mai sang qua phủ Trang Tử Minh, đặng dùng lễ hậu ngôn ti, hạ mìn năn nỉ.
Rạng ngày Trang Tử Minh cũng dạy quân dẫn hết nội vụ ra giữa nha tra hỏi, nhứt là Hồ Lăng là tay tâm phúc của Hồ Quốc Thanh, còn chưa chịu khai ngay sự tích.
Quan phủ lấy lời cật vấn không ra, tra khảo cũng không ra, túng lý quan phủ mới sanh ra một kế. Là vàng bạc của Hồ Quốc Thanh sai quân bưng qua hồi hôm hãy còn để trên bàn kia, quan phủ mới chỉ vàng bạc ấy cho Hồ Lăng thấy và nói:
– Hồ Lăng mi để mà chịu tra tấn như vậy thật mi dại lắm. Mi không biết vàng bạc này bởi đâu mà đến hay sao? Nếu mi biết thì mi phải hiểu tình Hồ đô đốc với ta ra sao; mi dầu khai thật sự ra, can cớ chi mà mi sợ. Mi lại rõ biết ta làm quan ngồi một mình một tỉnh, quyền sanh sát ở một tay ta; thế thì tha giết gì cũng tại ta, ai có quyền gì vào đây ngăn trở. Cớ sao mi cưa chịu khai ngay đi, còn giấu giếm làm chi cho cực?
Hồ Lăng nghe dứt liếc mắt ngó thấy quả vàng bạc để trên bàn thì có lòng mầng và tin thật những lời Trang Tử Minh mới nói. Bèn lẩm bẩm:
– Bẩm quan lớn, phải chi tiểu nhân mà sớm biết đặng như lời quan lớn mới phán, thì kẻ tiểu nhân đã khai thật hết từ đầu tới đuôi hồi nào rồi; có đâu đến giờ, tôi phải chịu tan xương nát thịt.
Quan phủ:
– Vậy thì bấy giờ mi cứ việc khai ngay đi.
Hồ Lăng:
– Bẩm quan lớn, sự tích đã đành rành, cần gì tôi phải khai thêm nữa. Một con Giáng Tuyết với Tô Thường Hậu khai ra đó cũng đủ rồi.
Quan phủ:
– Nói vậy mi cũng khai quyết rằng Hồ đô đốc, sát thế nữ, giết phu nhân, như lời Tô Thường Hậu và Giáng Tuyết khai vậy phải chăng?
Hồ Lăng:
– Bẩm quan lớn, Hồ đô đốc giết thế nữ sát phu nhân hồi nào và cách làm sao thì tớ không hay, vì tớ mới cùng Hồ đô đốc ban sư xin phép về nhà an nghỉ. Tớ biết có một điều, khi có lịnh đòi tớ vào, Hồ đô đốc dạy tôi thi hành độc kế.
Quan phủ:
– Kế chi mà mi gọi là độc kế.
Hồ Lăng:
– Bẩm quan lớn, Hồ đô đốc dạy tôi giả ý làm lỗi nặng cho Hồ đô đốc đánh đuổi tớ ra; ra rồi tôi phải lên Bảo Anh tự mà náu nương, giả phản kế mà cầm chơn Tô Thường Hậu. Chừng nào có quan tài Hồ phu nhơn quàn để trong am, chừng ấy – theo lời Hồ đô đốc dạy – thừa trong khoảng vắng canh tràng, ra sức cạy hòm, lấy vàng ngọc phao cho Tô Thường Hậu, rõ ràng việc cạy hòm trộm báu đó là tớ làm, chớ chẳng phải là Tô Thường Hậu.
Quan phủ:
– Hay a! Nếu quả Hồ đô đốc ỷ quyền giết oan thế nữ, sát mạng phụ rồi lại âm mưu cùng mi mà vu oan, báo hại người phải bị khổ hình; thật Hồ đô đốc với mi tội ác quáng dinh, còn chi bảo dung tình cho đặng!
Trang Tử Minh chưa kịp dứt lời bỗng có quân báo có Hồ đô đốc đứng chờ ngoài ngõ. Tức thì Trang Tử Minh dạy quân dẫn hết phạm nhân ra, rồi chính mình ra ngõ tiếp nghinh Hồ đô đốc. Tiếp rồi thỉnh ngay vô nhà, phân ngôi trà nước giải lao; Hồ Quốc Thanh mới hỏi:
– Vụ Hồ Lăng tới nay ra làm sao mà quan phủ chẳng vì tình dung thứ?
Trang Tử Minh cười và đáp như chơi rằng:
– Chẳng vị tình Hồ đô đốc chớ bị tình ai; nhưng bởi thằng súc nghiệt Hồ Lăng là thằng bất nghĩa bất nhân, đã hại chủ, còn hại luôn tới tôi là khác. Nó khai quyết Hồ đô đốc giết thế nữ, giết phu nhân rồi lại còn xúi nó cạy hòm cắp châu báu phao cho Tô Thường Hậu. Nó nói rằng Đô đốc mong hại cho Tô Thường Hậu phải chịu khổ hình cho tan xương nát thịt.
Nghe mấy lời Trang Tử Minh nói, Hồ Quốc Thanh thất kinh, sợ đổ mồ hôi, tay chơn run rét; song Hồ cố gắng dằn lòng, gượng cười giả lả, mà thầm nghĩ cơ gian dĩ lậu rồi không lý mình còn từ chối cho qua; chi bằng mình liệu thế giải bày, mà xin vị nghĩa châu tàng, lẽ nào không đặng. Nghĩ trong bụng vậy Hồ mới nói:
– Hồ Lăng với Giáng Tuyết vì không biết mà khai vậy, chớ kỳ trung không phải vậy đâu, trong đấy thiệt thì ít giả thì nhiều, ta xin phân lại. Quan phủ biết vì việc nước mà ta chịu nằm sương gối vác đột pháo xông tên trót hai năm trường bỏ phế việc nhà, gia đạo nên hư phú mặc.
Tưởng phu nhân ở nhà cô phòng giữ tiết mà xót thầm người ăn gió nằm mưa, dè đâu phu nhân quên mình là mạng phụ triều đình, không gìn phẩm giá. Dám vui chuyện loan chung phụng chạ, theo những phường tham lục tiếc hồng, dám đem trai vào chốn khuê phòng, cải trang để trộm yêu thầm dấu.
Dẹp giặc xong, về tới dinh, ta thấy sao phu nhân lơ lãng ý tình, mơ hình tưởng bóng, ta lại thấy dựa bên giường, một bãi nước miếng ràng ràng, ta hỏi thì phu nhân chối từ, tra gạn Đào Anh chịu thiệt.
Nói tới tên Đào Anh, Hồ Quốc Thanh dường ăn năn, mặt biến sắc chàm, láo liên đôi mắt; Trang Tử Minh thấy vầy mới chụp hỏi:
– Bẩm Đô đốc, chẳng hay con Đào Anh bây giờ ở đâu, còn mất lẽ nào mà không nghe tin tức, rồi vì ý gì Hồ Lăng lại đem Giáng Tuyết vào thế mặt Đào Anh, khai rằng Đào Anh đã thác rồi, vì Đô đốc nghi tình mà hạ sát?
Hồ Quốc Thanh:
– Lời ấy phi! Đào Anh có can cớ gì ta giết. Nếu ta có thể cải nổi số mạng, ta còn muốn cho Đào Anh sống thêm đặng làm chứng vụ này đậy; nhưng bởi thiên số nan đào, khiến cho Đào Anh rủi đau mà bỏ mạng. Vì Đào Anh thác không ai làm chứng, Hồ phu nhơn chối qua, tức mình ta mới sát tha, bằng chẳng ta để vấn tra cho rõ nỗi nhà tan tác. Đào Anh đau mà thác, chớ nào phải ta giết như Hồ phu nhơn vậy đâu.
Ta đã nói Đào Anh chịu thiệt, còn Hồ phu nhơn thì chối từ, nhưng bởi Đào Anh không còn mà làm chứng sự nhà, ta tức giận mới giết Hồ phu nhơn dâm phụ.
Thật rõ ràng ta giết Hồ phu nhơn. Ta giết rồi, nghĩ đến thằng Tô Thường Hậu, không lý bỏ qua, ta mới thiết kế sai Hồ Lăng, lên chùa Bảo Anh, làm cho có cớ cho nó phải bị khổ hình, chịu đau đớn như nó đã làm cho ta đau đớn lằm; nghĩ vì cái tội nó dâm mạng phụ là tôi run đầu, không luật nào dung chế.
Trang Tử Minh:
– Nói vậy Đô đốc có giết mạng phụ, có chỉ kế bày mưu cho Hồ Lăng vu oan cho Tô Thường Hậu, chớ con Đào Anh đâu mà thác, chớ chẳng phải Đô đốc sợ lậu cơ mưu mà tuyệt mạng Đào Anh; bẩm Đô đốc, chẳng hay Đào Anh đau ngày nào, thác ngày nào, chôn tại đâu, phiền Đô đốc chỉ cho tôi biết? Chớ theo như lẽ tôi thấy biết rõ ràng, cũng vì khúc oan Đào Anh đầu cáo, thì Đô đốc giết Đào Anh mà đá thây xuống ao sen; Hồ Lăng Giáng Tuyết với Tô Thường Hậu cũng đều khai y, Đô đốc chẳng nên từ chối.
Khai lỡ rồi biết sao, Hồ Quốc Thanh cũng muốn chối luôn mà ngặt chứng cớ đành rành lại e thiệt sự cãi cho nổi; bèn đáp:
– Nếu cả ba đều khai vậy, e khi ta có giết Đào Anh trong lúc ta lãng trí điên đầu, làm mà không biết chăng? Tuy vậy mà dầu có dầu không, việc giết Đào Anh chẳng trọng bằng mạng phụ.
Trang Tử Minh:
– Tuy vậy cũng là một mạng người. Nếu lấy phẩm mà nói thì nó là tì nữ trong dinh, còn như lấy quyền lấy giá mà nói, thì nó cũng một mạng người trong vũ trụ. Phép công há lấy chỗ sang hèn giàu nghèo mà bỏ qua cho đặng. Nếu quả Đô đốc ném thây Đào Anh dưới hồ sen, xin chỉ tôi sai người mò lên chôn cất.
Hồ Quốc Thanh nghe mấy lời đoan chánh hẳn hòi của Trang Tử Minh lại càng khiêng nể hơn nữa, nên muốn kể thuật sự giết Đào Anh cho rồi, nhưng bởi mình mới chối kia, sợ nói ra nghẹn lời, nên miệng còn ngần ngừ chưa mổ, thì đã nghe Trang Tử Minh tiếp:
– Bao giờ chưa tìm đặng thây Đào Anh thì chưa biết sao mà kết án Tô Thường Hậu cho đặng. Hồ đô đốc còn ngại nỗi gì mà chưa chịu, cơn nộ bất cập lượng, lỡ tay giết thác Đào Anh là một con tôi đòi nhỏ nhen trong dinh quyền sanh tử ở trong tay Đô đốc.
Nói rồi Trang Tử Minh liền xây mặt qua tòa hình kêu Đề lại và Thung hình mà bảo:
– Đề lại với Thung hình mau vâng lịnh ta dẫn Hồ Lăng với Giáng Tuyết qua dinh Hồ đại nhân – xin Đô đốc rộng thương mựa chấp – ra sau vườn huê, tại hồ sen, bảo nó chỉ coi thây Đào Anh vùi lấp nơi nào, rồi dạy quân mò kiếm cho ra, lượm cho đủ thủ túc, để vào quách đem về đây cho ta khám nghiệm rồi để làm tang chứng chắc.
Dứt lời, quan quân vâng dạy tức tốc ra đi.
Hồ Quốc Thanh mới nói:
– Quan phủ nghĩ tình, đừng làm vậy thế gian người đồn tiếu. Nếu muốn tìm thây Đào Anh dưới hồ sen, quan phủ hãy chịu phiền đi cùng ta qua dinh với đôi ba tên quân, ta sẽ chỉ chỗ cho mà mò kiếm cũng đặng; há phải quan quân rầm rộ dẫn Hồ Lăng, Giáng Tuyết theo làm gì, cho miệng đời không dung vị.
Trang Tử Minh nghe nói cũng thương tình, nên cản Đề lại với Thung hình lại và nói:
– Đô đốc chịu thiệt có lỡ giận giết thác Đào Anh mà ném thây xuống hồ, chỗ nào đó chỉ ra minh bạch, thì tôi cũng liệu thế mà chở che, làm nhạm cho, cớ đâu vỡ lỡ; bời Đô đốc không chịu khai thiệt, nên tôi vì phần trách nhiệm của tôi đối với phép nước luật quan, tôi phải xét soi minh bạch.
Đô đốc có nói vậy thôi, một mình Thung hình với vài tên lệ, theo cùng ta đi với Đô đốc về dinh; xin Đô đốc nghĩ đó coi, tuy là tôi há vị công bình chớ cũng biết, đâu là nghĩa, đâu là tình vậy chớ.
Bấy giờ Đô đốc mới lật đật đứng dậy dẫn quan phủ qua dinh; đi dọc đàng, Hồ Quốc Thanh năn nỉ hết tình, việc đã lỡ vậy rồi, xin che chở cho mình khỏi tội! Trang Tử Minh cũng kiếm lời an ủi, giải nghi lòng Hồ cha an mà rằng:
– Đô đốc vật ngại! Lý nào tôi đành không vì tình nhau sao. Cái nghĩa thầy trò dầu thác cũng chẳng quên. Nếu tôi tra xét vụ này là tại cái phần trách nhậm của tôi buộc tôi phải minh oan cho kẻ đó thôi, phải nào tôi mong bươi móc sự chẳng lành làm chi cho nhơ danh Đô đốc, Đô đốc khá nghĩ cho tôi mà làm ra là sự cực chẳng đã có. Nếu bỏ qua mà chẳng lỗi phận tôi với phép công bình thì khi Đô đốc đến nha cáo Tô Thường Hậu cạy hòm trộm báu, thì tôi đã năn nỉ với Đô đốc bỏ qua cho tôi khỏi cực lòng. Ấy cũng bởi tôi vị tình Đô đốc mà ra điều Đô đốc làm khuất lấp.
Còn đang bàn luận, phút đã tới dinh. Hồ Quốc Thanh mời Trang Tử Minh tạm bước vào dinh giây phút giải lao, mà Trang Tử Minh không khấng tình, xin Hồ cứ việc dắt mình thẳng ra ao sen chỉ chỗ cho quân mò kiếm.
Mò kiếm hồi lâu đụng nhằm thây Đào Anh, bị gài dưới rễ sen, đã rã, quân hô lên, quan phủ mới dạy thủng thẳng mà vớt lên, có thiếu chút nào, ráng tìm kiếm cho nguyên thủ túc.
Vớt đủ lên hết rồi sấp để trong một cái quách quan phủ đả truyền sắm sẵn, ráp để y nguyên thủ túc rồi quan phủ mới mời Hồ Quốc Thanh lại gần mà coi, Hồ trong bụng sụt sùi dường như thấy mà sợ nên có hơi nhút nhát. Quan phủ ép biểu đôi ba lần. Hồ mới chịu bước lại gần đứng coi; quan phủ mới hỏi:
– Thây này có phải là thây Đào Anh là con thế nữ trong dinh mà Đô đốc vì chút nghi tình lỡ tay tận sát đó chăng?
Hồ Quốc Thanh:
– Phải! Ấy là thây Đào Anh đó.
Quan phủ:
– Khi ấy nó đang ở đâu làm gì, và Đô đốc giết nó cách nào mà ném thây xuống nước? Đô đốc chịu khó thuật lại cho nghe thử coi.
Hồ Quốc Thanh:
– Khi ta chận hỏi nó rồi, nó ngồi dưới đất lạy ta mà xin tha; thật lòng ta có ghét vơ gì mà không muốn tha, song ta nghĩ, tha nó ra e sau lậu sự, nên ta phải – ấy cũng là cực chẳng đã, thật dạ không đành – ta phải ra tay chém nó một gươm rồi sẵn trớn ta đá luôn thây nó xuống hồ, bỏ đó đi vô không quản gì sống thác!
Trang Tử Minh nghe nói Đào Anh vái lạy mà Hồ Quốc Thanh còn nhẫn tâm, không tha, thì lấy làm thương xót, nên ngó Hồ mà chắt lưỡi lắc đầu; song cũng chưa dám tiếng chi, xây lại hối quân mau đậy nắp rồi khiêng đem về phủ.
Quân khiêng đi rồi còn một mình Hồ Quốc Thanh với Trang Tử Minh; Hồ xin thỉnh vào dinh, Trang cũng không khấng chịu. Cứ việc từ giã Hồ mà về; lại dặn Hồ:
– Đô đốc hãy an tâm như thường, mựa nghi đừng ngại. Bây giờ tôi kết án xong, tôi sẽ cho mời Đô Đốc!
Trang Tử Minh dặn vậy mà Hồ Quốc Thanh lòng không an, ngồi đợi sao an; nên Trang Tử Minh về nhà chưa đặng một giờ đồng hồ, đã thấy Hồ Quốc Thanh đến phủ.
Còn Hồ Quốc Thanh đến phủ lại gặp hồi quan phủ đang gạn hỏi những Tô Thường Hậu, Hồ Lăng và Giáng Tuyết lại thêm một lần sau hết. Cả ba đều khai y như lời mình đã khai, và lạy quan phủ, như Tô Thường Hậu xin mở lượng hải hà minh oan kẻo ức; còn như Hồ Lăng lại xin dĩ đức nhiêu dung, vị tình trên tha kẻ dưới; xét vì phận làm tôi, chủ cho sống thì hay sống, biểu thác thì hay thác, tôi há dám chẳng vâng; huống chi Đô đốc chỉ kế dạy thi hành, dầu biết là việc bất nhân, cũng phải cúi đầu, cho vẹn đạo áo cơm, há dám cãi qua, cùng là nệ tất công khó nhọc.
Duy có một mình con Giáng Tuyết biết mình không tội lỗi gì, nên tuy cũng bị giam cầm như Hồ Lăng mà mặt hớn hở, miệng nói cười như thường xem dường không nao núng.
Quan phủ mới nói:
– Bổn phận ta làm quan, áo mão triều đình, bổng lộc nhà nước, ta phải liệu sao cho vẹn phần chức trách của ta, cho khỏi hổ mặt non sông, thẹn cùng xứ sở; ta há đi vị mạnh hiếp yếu, vi giàu hiếp nghèo, vị sang hiếp hèn cho các ngươi phải khẩn cầu ta minh đoán. Nếu ta có ý tư vị, thì vụ này đây, ta khỏi nhọc lòng cực trí vấn tra; bởi ta chẳng chịu để cho ai thiết xỉ ta nha, dân chúng giao đầu túng nhĩ; nên nỗi cái danh chánh trực vô tư của Trang Tử Minh phải mòn phải khuyết; nên ta mới tra xét ra đặng như vầy, các ngươi còn sợ nỗi gì mà khấn vái. Như phận Giáng Tuyết trước sau khai thiệt, nên tuy trá danh mà khỏi tội liên can; kết án rồi ta sẽ tha về mựa chớ cực lòng nghi sợ. Còn như Hồ Lăng vẫn biết ơn áo cơm phải trả, nhưng mà trả sao cho vẹn phận làm tôi; chí như vị chủ mà hại người, dám thi kế độc mà vu oan giá họa đã vậy lại còn khi quan cợt phép, vô lễ giữa nha môn, tội của mi đáng chém đầu, song ta nghĩ cho mi phận tôi tớ mà chế cho, nên ta tha giết mà đày lưu xa ngàn dặm. Một mình Tô Thường Hậu oan ưng hai lẽ, minh ra rồi có chỗ dung mà có chỗ nan dung; như vụ cạy hòm trộm ngọc, thật thì họa gởi tai bay, khiến cho mi mắc phải hàm oan, vì kẻ vu oan giá họa. Nhưng mà xét cạn lẽ, không lửa sao có khói, không ăn mà có chịu mấy ai, bởi tại mi chốn cấm dinh mà mong dạ hảo cừu, mi lập gian kế cải trang, giả phụ nữ lộn vào dâm mạng phụ. Ấy là tội rụng đầu đó. Nhưng mà nghĩ mi hãy còn niên thiếu chưa đủ trí mà xét mình; cho nên ta cũng dung tình, tha giết mà đày đi khỏi xứ.
Trang Tử Minh nói vừa dứt việc Tô Thường Hậu, bỗng có lính lệ vào bẩm có quan Đô đốc đứng chờ; Trang Tử Minh mới hối quân dẫn hết xuống ngục giam, rồi ra cửa tiếp Hồ đô đốc. Thỉnh vào nha, phân ngôi trà nước giải lao rồi Trang Tử Minh mới hỏi:
– Chẳng hay Đô đốc có lời chi dạy biểu tôi chăng, nên phải chịu nhọc nhằn, tắm mưa trải gió?
Hồ Quốc Thanh:
– Có chi ngoài vụ thằng khốn kiếp Tô Thường Hậu đó quan phủ! Chẳng hay quan phủ xử sao bây giờ nói cho ta biết, dẫu rằng ta thấu hiểu tất lòng nhân nghĩa của quan phủ mười phần vì ta; không lý quan phủ nỡ đi vì kẻ tiểu nhân mà phụ mặt đồng liêu ngọc hữu?
Phận tôi là hạ liêu mô dám lời oan Đô đốc. Nếu Đô đốc hỏi tôi xử sao, thì tôi dòm thấy Hồ đô đốc cười tôi là ngốc hớn. Tôi vả chăng vâng mạng triều đình ngồi làm quan tỉnh xử đoán việc dân, thật tôi chẳng vị giàu hiếp nghèo vì mạnh hiếp yếu mà làm cho lỗi phận. Tôi cứ giữ mực công bình, xử phân đoan chánh, chẳng để cho dân giao đầu túng nhĩ, thiết xỉ ta nha; song với dân kia thì tôi có quyền xử phân; chí như với Hồ đô đốc, dạ dám bẩm Đô đốc, dầu lỗi ngập sông, tội tình đầy núi đi nữa, thì còn có Chánh phủ xử phân, nào phải ở tay tôi phân đoán. Cho nên, về phận Tô Thường Hậu thì tôi làm án lưu, bởi tội vào dinh cấm làm hảo cừu, dâm tình cùng mạng phụ; nếu chẳng có khúc oan mà Hồ Lăng phao phản cho nó đem ra mà trừ, thì nó đã làm quỷ không đầu, có đâu còn thấy. Còn như Hồ Lăng vẫn biết phận theo hầu Đô đốc, ngày đêm trải hết mật trung; sanh tử phải liều, không nài khó nhọc, nhưng mà là nói về việc nước việc dân kia, chí như việc này đây vẫn là việc nhà của một vì quan; nó chẳng nên xen lẫn. Nếu nó a ý khúc tùng làm sự vu oan giá họa, khiến người chịu khổ hình cho nát thịt tan xương, thì vu phản ấy tội đồng, tránh sao khỏi luật. Nhưng mà nếu nó khỏi chết mà phải chịu đày xa muôn dặm là tại tôi còn nghĩ nó vì sợ Đô đốc mà phải vâng; bằng chẳng nó cũng phải chịu xử bá đao, thịt một nơi một miếng. Trừ ra con Giáng Tuyết là một mảnh đào thơ, cì chuyện tình cờ mà mang tiếng, nên tôi tha về thôi còn bao nhiêu …
Hồ Quốc Thanh nghe tới án Hồ Lăng cả mình rởn óc, đổ giọt mồ hôi, và ngó và hỏi quan phủ:
– Nếu quan phủ xử Hồ Lăng là kẻ tay chơn của ta như thế, còn ta đây lẽ nào dung vị, chắc quan phủ cũng có định tội ta rồi chớ?
Trang Tử Minh:
– Tôi không có quyền định tội Đô đốc, theo như lời tôi đã nói.
Hồ Quốc Thanh:
– Dầu không định tội thì cũng đã lược tội ta rồi chớ lẽ đâu không. Vậy quan phủ, tội của ta là tội gì, nói cho ta nghe?
Trang Tử Minh:
– Tưởng Hồ đô đốc dư biết nếu Hồ Lăng có tội vu oan; chẳng ngờ Đô đốc còn hỏi tôi, tôi há không bày tỏ. Như chuyện của Đô đốc làm ra cớ đổi. Đô đốc lẽ nào chẳng biết hai tội đầu là “khuê môn bất chánh” với “trị gia bất nghiêm” tội ấy tuy ở việc nhà, mà xét cho đáo để cũng có chỗ lây qua việc nước; há tưởng không phạm đến thân danh Hồ đô đốc hay sao? Trước hết, xin Đô đốc hãy xét lấy mình.
Đô đốc trị gia bất nghiêm, ra mà trị nước sao xong; cho nên triều đình mà dong dưỡng cho Đô đốc làm quan tới cực phẩm triều đình thì Đô đốc ti nào sửa an việc nước bởi cớ về tội trị gia bất nghiêm tôi có phê:
- Mạng phụ tư thung.
Bất chánh gia yên năng chánh quốc
Còn như con Đào Anh, nó là phận liễu yếu đào thơ, từ bé đã theo hầu mệnh phụ; trong việc mệnh phụ tư tình với Tô Thường Hậu, mưu cho Tô Thường Hậu cải trang, giả gái vào dinh, nhốt để trong phòng cười son cợt phấn, giỡn nguyệt chơi hoa, thì Đào Anh có quyền gì nói vô, mà Đô đốc nhẫn tâm, chẳng thương giết nó. Nghĩ có phải là Đô đốc là người độc tâm chăng? Thoảng lại với tôi tớ trong nhà là binh trảo nha, dầu chẳng sánh với phụ tử tình thâm, chớ cũng là tình thân ái; Đô đốc chẳng thương nhẫn tâm cầm gươm giết nó, thì Đô đốc dầu có quyền điều đình việc nước việc dân đi nữa, lòng nào thương dân như xích tử mà mong; cho nên về tội này đây, tôi có phê:
- Đào Anh thảm tử
Dõng truất ấu, yếu đắc truất dân?
Ấy là hai tội đầu đó.
Còn nữa, Đô đốc há quên mình là danh thượng tướng, quyền thế một tay hay sao? Mạng phụ dầu trong cơn Đô đốc vắng mặt, không giữ trọn tiết trinh, gây tình trăng gió, Đô đốc về hay ra, tra hỏi phân minh, tội tình tỏ rõ rồi. Đô đốc có quyền tha giết trong tay, lựa phải, toan kế độc, lập mưu sâu, gạt mạng phụ canh khuya xuống hầm, rồi theo mà hại. Như vậy đó Đô đốc mới nghĩ cho phận Đô đốc làm chồng xứng đáng vô chỗ nào? Đã chẳng thương nhược chất liễu bồ, lại chẳng tưởng duyên kim phận cải. Ấy là chồng bất chánh đó.
Cho đến Tô Thường Hậu là một đứa tiểu nhân, nó không tội tình gì, Đô đốc muốn giết, đòi vào mà giết cũng đặng; huống chi nó đã phạm thượng, lấy dinh cấm àm hảo cừu, giả gái vào dâm mạng phụ, thì tội đã đáng rụng đầu rồi; cớ sao Đô đốc lại không bắt nó vào, hài tội lỗi nó ra mà giết phứt nó đi; Đô đốc lại mượn cái thây của Hồ phu nhơn để làm cớ mà vu oan giá họa. Dường ấy, Đô đốc là quan bất công đó.
Đô đốc tự nghĩ lấy mà coi trong một việc của Đô đốc làm, mà xét tội lỗi ngập non tràn biển; ước như Đô đốc ngồi cầm quyền xử đoán, Đô đốc gặp một vị quan nhân, quyền cao lộc cả, làm đến điều tội lỗi thế ni, chẳng hay Đô đốc liệu sao, xử sao cho vừa phép nước.
Chí như phận tôi, đã rằng là phận thấp hèn, mô dám đoán tội người trên trước; nếu tôi giải hết cho Đô đốc nghe đó là tại, một là có lời Đô đốc hỏi han, hai là có nghĩa thầy trò, nên chẳng dám để ra vô lễ. Vậy xin Đô đốc rộng lòng thứ tha mựa tưởng lời tôi đoán đó là tôi dám vượt bực đoán phân tội lỗi của người trên trước.
Hồ Quốc Thanh:
– Quan phủ đã làm án Tô Thường Hậu và Hồ Lăng mà đày đi; còn một mình ta là chủ mưu là đầu tội, quan phủ lại nói rằng không dám vượt bực xử phân, chẳng hay quan phủ liệu sao cho tròn phần trách? Vả lại quan phủ cũng biết việc ta làm tuy tội lỗi bằng non thì mặc dầu, chớ ta chắc trong hàng các quan ngoài quan phủ, thì không còn ai hay biết. Vả lại ta cũng đã hết lời năn nĩ ỷ ôi xin nghĩ giùm trong một lúc ngộ bất cập lượng mà châu tàng giùm cho ta, cho khỏi mang tiếng với triều đình, thì nguyện minh tâm khắc cốt; cớ sao quan phủ chẳng nghĩ tình mà nhắm mắt bỏ qua, còn muốn buộc ta phải tội vạ gì mới chịu?
Còn mấy trang cuối bị mất, tôi sẽ bổ sung khi tìm được.
——————— Kết ———————