Đã mấy hôm nay, Hùng Vương trông đợi tin tức của các đoàn sứ giả.
Giặc Ân đã tới gần biên thùy miền Bắc. Quân lính của Văn Lang trong ba năm nay đã tập luyện tinh nhuệ, nhưng vua chưa cho xuất quân, vì còn chờ một tướng tài xuất hiện. Long Vương đã báo trước với vua sự xuất hiện của vị tướng đó.
Trước đây ba năm, vua nước Ân đã từng đe dọa đem quân sang đánh Văn Lang. Khi nhận được tin kia, vua Hùng triệu tập quần thần để bàn tính việc kháng chiến. Có người Lạc Tướng tâu lên:
Giặc đến thì phải đánh, đó là lẽ tự nhiên. Nhưng hiện giờ chúng chỉ mới mở lời đe dọa mà thôi. Chúng ta chưa nên điều động binh mã, chỉ nên lo chuyện luyện tập binh tướng cho thật tinh nhuệ mà thôi.
Một vị Lạc Hầu dâng kế:
Nghe nói vua nước Ân là một người giỏi nghề binh, hễ không ra quân thì thôi chứ hễ ra quân thì tự mình thống lĩnh binh đội. Nước Văn Lang chúng ta mấy trăm năm nay sống trong hòa bình, nhân dân và binh sĩ không biết chiến tranh và trận mạc là gì, trong khi đó giặc Ân có thể có nhiều khí giới mới lạ. Vậy xin tâu Vua một mặt luyện tập binh sĩ tốt, một mặt phải cầu tổ tiên chúng ta là Long Quân cho ý kiến.
Nghe theo lời tâu của Lạc Hầu, vua Hùng sai dựng đàn cao mười tám trượng, đốt hương trầm suốt đêm ngày. Vua tự thân ăn chay nằm đất ba đêm ba ngày, rồi đích thân ra trước đàn để cầu thỉnh Long Vương.
Đột nhiên trời nổi gió và mây đen kéo đầy. Có tiếng sấm động. Quân hầu vào báo tin là ở trước ngọ môn có một ông già mình cao hơn sáu thước, mặt vuông, râu tóc và lông mày bạc phơ đang cười nói và ca múa. Vua liền thân hành ra cửa, thỉnh ông già ngồi trước đàn. Từ khi thấy vua, ông ta bổng im bặt, không nói năng một lời. Đem cơm nước ra đãi đằng, ông cũng không đụng tới, chỉ ngồi yên lặng.
Vua Hùng kính cẩn hỏi:
Nay nhà Ân sắp đem binh mã sang đánh, không biết hơn thua ra sao, xin quý nhân chỉ dạy cho.
Ông già đưa tay ra, nhìn kỹ những ngón tay, rồi nói:
Ba năm nữa giặc Ân mới qua đánh.
Hỏi về kế hoạch kháng chiến thì ông già đáp:
Chuyện luyện tập sĩ tốt cho tinh nhuệ, vua và các Lạc Hầu Lạc Tướng chắc biết rõ rồi. Nhưng khi giặc tới, phải cử sứ giả đi tìm trong thiên hạ một người tướng giỏi biết phương thức chiến thắng mau lẹ. Ta không thể tiết lộ trước được, nhưng hễ sứ giả gặp bất cứ người nào tình nguyện hiến chước thì vua cũng phải vời vào trọng dụng, đừng phân biệt sang hèn, lớn nhỏ. Ta sẽ nhờ sứ giả của sông Xanh về ủng hộ.
Nói xong, ông già bay lên hư không, lẫn vào đám mây mà đi. Bây giờ Vua và các Lạc Hầu Lạc Tướng đều biết đó là Long Vương.
– Giờ đây, nước Ân đã cử binh. Vua đã gởi ra biên giới một đoàn quân tinh nhuệ và nhiều tướng giỏi. Nhưng vua vẫn nghe lời Long Vương cho nhiều đoàn sứ giả đi rao khắp thiên hạ lời chiếu tìm người giúp nước.
Đã ba hôm rồi, vua chưa được tin tức gì của các phái đoàn. Ngài dặn thị vệ hễ có tin báo là cho ngài hay tức khắc.
Bỗng thị vệ vào báo có một đoàn sứ giả vừa trở về và muốn gặp mặt Rồng. Vua cho vời vào. Cùng mấy Lạc Tướng, Lạc Hầu, ngài ngồi nghe báo cáo của phái đoàn này.
Tâu Đức Vua, – người trưởng đoàn kính cẩn nói – khắp nơi ai cũng nghĩ rằng nhân tài Văn Lang đã quy tụ nơi chốn triều đình. Người nào cũng nói rằng vua nên tin cậy những người có tài trong giới các Lạc Tướng Lạc Hầu trong việc phá giặc. Tuy vậy chúng tôi vẫn nhẫn nại đi tìm.
“Khi đến quận Vũ Ninh, làng Phù Đổng, chúng tôi vừa mới rao truyền lệnh vua thì bỗng có một thiếu phụ ra mời chúng tôi vào nhà. Bà ta không nói năng gì hết. Khi chúng tôi vào đến nhà thì chẳng thấy ai, chỉ thấy một đứa trẻ ngồi chơi trên giường. Đứa trẻ hỏi chúng tôi:
Quý vị đi rao lệnh gì của vua thế?
“Chúng tôi thấy không nên mất thì giờ với một đứa trẻ, nên không thèm trả lời, đi ngay ra cửa. Nhưng thiếu phụ khẩn khoản mời chúng tôi ngồi lại. Bà ta nói:
:Tôi sinh thằng bé này đã hơn ba năm. Nó nằm hoài chưa bao giờ ngồi dậy được. Suốt ba năm đó nói không nói được một tiếng, dù là tiếng “bố” hay tiếng “mẹ”. Ấy thế mà khi nghe nói có sứ giả nhà vua, nói tự ngồi ngay được dậy và nói với tôi: “Xin mẹ ra mời sứ giả nhà vua vào đây, con hỏi thử xem có chuyện gì. “Tôi hoảng kinh, cho đây là phép lạ, nên mới dám chạy ra mời quý vị. Xin quý vị thử kiên nhẫn nói chuyện với nó xem sao.”
Chúng tôi trở lại với đứa trẻ thì nó nói:
“Xin quý vị sứ giả lập tức về tâu vua đúc cho cháu một con ngựa sắt cao mười tám thước, một cây gươm sắt dài bảy thước, và một chiếc nón sắt. Cháu sẽ dùng những thứ ấy để đi đánh giặc, và giặc sẽ phải tan tành. Xin nhớ đem lại cho cháu ba thứ ấy càng sớm càng tốt, và nhớ đúc bằng sắt chứ không phải bằng đồng.”
“Chúng tôi thấy một đứa bé ba tuổi mà ăn nói chững chạc như thế nên ngờ rằng đây là thần đồng xuất thế để cứu dân. Vội vã về phi báo để đức vua được rõ.”
Vị trưởng đoàn nói xong thì viên Lạc Tướng ngồi bên phì cười:
Thật là chuyện trẻ con. Vậy mà cũng làm bận lòng và mất thì giờ của đức Vua.
Nhưng vua Hùng không cười. Ngài lặng thinh suy nghĩ. Bỗng ngài hỏi các vị Lạc Hầu Lạc Tướng:
Quý vị có biết sắt là chất gì không? Đứa bé dặn phải đúc một thanh gươm bằng sắt chứ không phải bằng đồng. Một viên Lạc Hầu lập tức tâu:
Tâu đức Vua, tôi có biết. Đó là một chất kim thuộc rất cứng, cứng có thể chặt đứt được mọi thứ. Đồng tuy cứng, nhưng không thể cứng bằng sắt được. Tôi có một lưỡi dao nhỏ chừng hai gang tay làm bằng cái chất kim khí cứng rắn đó, do một nhà buôn Tây Vực gởi tặng năm ngoái. Tôi xin về lấy dâng đức vua ngự lãm.
Một lát sau vị Lạc Hầu trở lại đem theo một lưỡi dao. Khi rút dao ra khỏi vỏ, mọi người thấy lạnh cả người. Lưỡi dao nhỏ mà sáng loáng, ánh như nước. Vua cầm lấy thử chặt mạnh vào lưng chiếc ống nhổ bằng đồng sáng loáng gần bên. Một tiếng giao chạm mạnh kêu như chuông dội lên. Chiếc ống nhổ đã móp lại, co rúm. Khi nhìn lại lưỡi dao, vua thấy không có gì suy suyển.
Đức Vua nói:
Đây là một lưỡi dao quý được rèn bằng một loại kim khí quý. Có được loại kim khí này thì ta có thể rèn đúc những khí giới mà không ai có thể địch lại nổi. Nhưng làm sao ta kiếm ra được kim loại này, làm sao kiếm ra được sắt?
Vừa lúc ấy, quân hầu vào báo có người tự xưng là sứ giả của dòng sông Xanh muốn vào ra mắt.
Sứ giả dòng sông Xanh cũng là một ông già râu tóc bạc phơ. Vừa được mời lên ngồi, ông đã nói ngay, chưa kịp để ai hỏi han:
Chất kim khí mà vua và các hầu các tướng muốn tìm đó, lão có thể giúp quý vị tìm ra được. Đây là một chiếc côn bằng đá lão thường dùng làm gậy này mà thám thính trên đất: nơi nào mà gậy dính cứng không chịu nhấc bổng lên, thì đất nơi ấy có chứa chất kim khí kia. Phải đào cho thật sâu đến khi tìm được. Nhưng chất này còn trộn lẫn với những tạp chất khác. Phải bỏ vào lò đun mới có thể lọc những tạp chất kia ra. Sau đó, mới có thể dùng để rèn những vật dụng và binh khí.
Nói xong, ông già dâng chiếc côn trao tặng vua Hùng. Vua kính cẩn đỡ lấy, cám ơn, và tỏ ý lưu ông già lại cung để thiết đãi. Nhưng ông già cáo từ bảo phải đi có việc gấp. Vua cử người tiễn ông ra ngoài thành. Đến bờ sông ông già hóa thành một con rùa vàng lớn, lội xuống nước đi mất. Vùa Hùng nghe tâu lại, biết rằng sứ giả dòng sông Xanh là thần rùa Vàng, phụ tá của Long Vương, đã hiện đến để giúp ngài.
Nhờ chiếc gậy đá mầu nhiệm, người Văn Lang đã tìm ra được mỏ sắt. Suốt ngày đêm, binh lính hì hục đào xới, đắp lò luyện sắt. Trong vòng hai tháng, một con ngựa sắt, một chiếc gươm sắt và một cái nón sắt đã được đúc thành. Vua Hùng rất mừng, bèn sai sứ giả mang tới cho đứa bé ở làng Phù Đổng. Sứ giả phải chọn đường thủy mới chở được ngựa sắt, nón sắt và gươm sắt. Đó là một chiếc thuyền rất lớn.
Khi đoàn sứ giả đã đi khỏi, vua Hùng ra lệnh co binh lính tiếp tục công việc luyện và rèn sắt. Ngài bảo rèn thêm ba vạn chiếc gươm sắt, không lớn như chiếc gươm vĩ đại vừa mới lên thuyền đi Phù Đổng, mà là những chiếc gươm sắt vừa tầm một binh sĩ. Ngài cũng cho rèn những mũi thương bằng sắt để thay cho những mũi thương bằng đồng và những cái khiên sắt mỏng để thay cho những chiếc mộc.
Trong lúc đó thì cậu bé làng Phù Đổng tự nhiên gọi mẹ:
Sứ giả sắp tới rồi. Mẹ đem cơm nhiều cho con ăn để con đi đánh giặc.
Bà mẹ nấu một nồi cơm lớn, nhưng cậu bé ăn hết trong khoảnh khắc. Cậu đòi thêm nữa. Bà liền nấu thêm một nồi lớn khác, trong bụng lấy làm kinh ngạc.
Ngày nào đứa trẻ cũng đòi ăn nhiều bằng trăm người thường. Hàng xóm đổ đến, người đem rau, người đem bánh; thế nhưng không bao giờ cậu bé no bụng. Cậu ăn làm cả làng kinh ngạc; nhưng biết đây là thần đồng sẽ phò vua giúp nước, cả làng không ai tiếc gì cơm gạo. Cả những làng bên cũng đem thực phẩm và vải bô tới cung phụng. Áo may cho cậu bé mặc chỉ được một hay hai ngày. Sau đó phải may áo khác, lớn hơn, rộng hơn.
Ngày mà thuyền của sứ giả đến bến sông làng Phù Đổng là ngày dân làng được tin binh tướng Văn Lang ở biên thùy đã bị giặc Ân đánh bại. Và quân giặc đang tràn vào đất Văn Lang như nước lũ. Dân chúng đau xót quằn quại.
Sau khi sứ giả khiêng được ngựa sắt, gươm sắt và nón đến trước sân nhà của thần đồng, thì trời đã tối. Sẵn có cơm gạo thực phẩm có sẵn của dân chúng đem đến tặng đầy nhà, bà mẹ làm cơm đãi sứ giả. Cậu bé bảo mẹ đem tất cả gạo ra nấu cơm, và dọn tất cả bánh trái xôi chè ra sân. Sau khi đoàn sứ giả ai nấy đã cứng bụng không thể ăn thêm được nữa, cậu bé vẫn cứ tiếp tục ăn, ăn mãi tới khuya, rồi đến sáng, trước con mắt khiếp đảm của mọi người. Đến lúc gà gáy, trời tờ mờ sáng, cậu mới bỏ đũa đứng dậy.
Vươn vai một cái, cậu đứng lên, mình đột nhiên cao hơn mười trượng. Rồi cậu liên tiếp nhảy mũi hơn mười tiếng, cầm lấy thanh gươm sắt, đội chiếc mũ sắt lên đầu và nhảy lên ngồi trên ngựa sắt, lẫm liệt uy nghi như một thiên tướng.
Ta là Thiên Tướng do đức bà Âu Cơ sai xuống để đuổi giặc cứu dân đây.
Tiếng nói của Thiên Tướng vang như sấm động. Mọi người kinh hoảng khi thấy ngựa sắt cũng khịt mũi hơn mười tiếng; từ hai lỗ mũi ngựa tóe ra lửa và khói, bốn chân ngựa chuyển động. Ngựa sắt hý lên một tiếng rung chuyển cả trời đất và băng mình ra ngõ, đưa Thiên Tướng làng Phù Đổng lên đường ra đón đầu giặc Ân.
Ngựa phi đến chân núi Trân Sơn thì quân binh cứu viện của vua Hùng cũng đã ra tới, dàn trận đối đầu với quân giặc. Gươm giáo của binh tướng Văn Lang sáng lòa làm cho quân giặc Ân thấy lạnh. Thiên Tướng thúc hai chân vào hông ngựa sắt xông vào hàng ngũ của giặc. Vua Ân chết ngay tại trận. Ngựa sắt của Thiên Tướng Phù Đổng hét ra lửa, thanh gươm của Thiên Tướng Phù Đổng hoa lên như vùng vẫy giữa chốn không người. Quân Ân tan vỡ, bỏ chạy. Một số bị vây, xếp giáo đầu hàng.
Ngựa sắt của Thiên Tướng đuổi theo tàn binh của giặc. Đuổi đến chân núi Việt Sóc, biết tàn quân sẽ không còn dám trở lại, Thiên Tướng phi ngựa lên đỉnh núi biến mất. Ngựa sắt lưu lại những dấu chân trên đá từ dưới chân núi lên đỉnh núi.
Vua Hùng nghe báo tin thắng trận rất mừng. Nhưng khi vua nghe tin Thiên Tướng làng Phù Đổng đã biến mất trên núi Việt Sóc, ngài tỏ ý ân hận vì đã không được gặp vị anh hùng trẻ tuổi đó. Ngài nói với các Lạc Hầu và Lạc Tướng:
Quý vị hãy cho lập đền thờ ngay tại chân núi Việt Sóc để toàn dân cùng nhớ ơn vị Thiên Tướng trẻ tuổi này. Chúng ta hãy gọi người là Thiên Vương Phù Đổng.
Vua tự nhủ: một vị Thiên Tướng mình cao hơn mười trượng, cưỡi ngựa sắt hét ra lửa thì làm sao ở chung lâu ngày với người thường? Thiên Tướng tuy đã về cõi trời nhưng quân ngũ Văn Lang đã được trang bị bằng những vũ khí bằng sắt, có thể đánh bại bất cứ cuộc xâm lăng nào. Như thế cũng như Thiên Tướng vẫn còn có mặt với đất nước vậy.
Nghĩ thế, mặt Rồng tươi lên, Hùng Vương không còn buồn nữa.