Đã hơn bảy ngày nay, Thiên Thảo đi tìm chồng. Tân đã bị biệt tích từ hai tuần lễ.
Trời nắng chang chang. Đôi dép cỏ của nàng đi đã rách nát không còn dùng được nữa. Đôi chân nàng đi trên con đường nhiều sỏi đá đã sưng vù lên. Mỗi bước chân đi trở nên một cực hình. Mồ hôi nàng đã vã ra như tắm. Tóc nàng bết xuống mặt. Hành trang của nàng gồm có một tay nải xách thức ăn và một chiếc nón lá. Không buồn ăn uống, nàng đã liệng chiếc tay nải. Bây giờ nàng chỉ còn lại mỗi chiếc nón lá để che đầu.
Thiên thảo ghé vào bên đường, dưới bóng một cây sung già, ngồi nghỉ trên một tảng đá. Nàng thở hổn hển. Thân thể nàng rã rời, nàng không còn đủ sức lực để phe phẩy chiếc nón trên mặt cho bớt nóng.
Linh tính báo cho nàng biết rằng tất cả những gì nàng đã nghĩ sẽ xảy ra giống in như hệt. Những gì đã xảy ra cho Tân chồng nàng, và những gì đã xảy ra cho Lang, người em trai của chồng mà cả hai vợ chồng đều yêu mến.
Lang đã bỏ nhà ra đi trước. Sau đó mười hôm, Tân cũng bỏ nhà đi tìm. Và bây giờ đây, đến lượt Thiên Thảo bỏ nhà đi tìm chồng, cũng mười ngày sau khi chồng ra đi. Nàng nhớ lại những ngày Tân và Lang còn là học trò thường đến học ở nhà nàng. Cha nàng là ông giáo sư họ Lưu. Ông giáo dạy một lớp hai mươi bốn người, trong đó chỉ có nàng là gái. Tân và Lang là anh em, giống nhau như hai giọt nước, dù Tân lớn hơn Lang một tuổi. Hồi đó, giữa nàng và hai chàng chỉ có tình bạn học đằm thắm. Họ học hành, đàm luận và cười nói với nhau tự nhiên như con một nhà. Lúc đầu thật khó mà phân biệt được ai là Tân và ai là Lang. Hai anh chàng luôn luôn mặc một thứ áo, cắt một kiểu tóc. Một hôm trời mưa, Tân và Lang lại không về, Thiên Thảo dọn cháo cho hai bạn. Nàng múc cháo ra hai bát, nhưng nghịch ngợm chỉ mang ra một bát và một đôi đũa trên mâm. Nàng đặt mâm xuống bàn, và đi vào bếp nhìn qua khe cửa lên nhà trên. Nàng thấy một chàng nhường cho chàng kia ăn trước. Nàng biết người ăn trước là anh, liền mang ra một bát cháo và một đôi đũa nữa cho người em. Nhân dịp đó, nàng quan sát kỹ lưỡng, và nhận thấy một dấu hiệu khác nhau giữa hai người. Chỉ có Lang, người em mới có một nút ruồi nhỏ xíu nơi trái tai bên phải. Ngoài ra, nàng không tìm ra được điểm nào khác nhau nữa về hình thức.
Thiên thảo bằng lòng với sự khám phá của mình. Nàng thường hay làm cho cha và các bạn học phục lăn vì tài phân biệt của nàng. Cuốn vở làm văn của Tân không bao giờ nàng phát cho Lang. Mỗi khi Tân hoặc Lang vào lớp nàng chào họ bằng tên, trong khi ai cũng còn bỡ ngỡ không biết đây là người anh hay người em thuộc cặp anh em ngộ nghĩnh đó. Dần dần Thiên Thảo khám phá thêm được rằng Tân thì vui cười hoạt động còn Lang thì hơi đăm chiêu và mơ mộng. Lúc khám phá ra điều này, nàng có thể nhìn vào mắt mà khám phá ra được rằng ai là anh ai là em, không cần phải nhìn vào trái tai bên phải nữa. Cả đến những buổi chạng vạng tối trời, lúc nhà chưa thắp đèn, nghe giọng nàng cũng có thể phân biệt được. Thật ra, giọng hai người rất giống nhau, sở dĩ Thiên Thảo phân biệt được đó là nhờ nàng đọc được tánh tình của mỗi người trong giọng nói.
Cuộc đời học trò đi tới với bao nhiêu trao đổi, mơ mộng và dự đoán. Cho đến một hôm, nàng nhớ đó là một ngày đầu năm, khi Tân và Lang theo lệ đến mừng tuổi giáo sư Lưu, thì nàng biết Tân yêu nàng. Làm sao mà biết? Nàng không thể cắt nghĩa được. Duy có một điều chắc chắn là hôm đó nhìn và mắt Tân nàng biết chắc người con trai ấy đã đem lòng yêu dấu nàng. Còn Lang? Nàng đã choáng váng vì cái nhìn của Tân nên không còn bình tĩnh để nhận xét phản ứng của Lang nữa.
Rồi một hôm thân phụ và thân mẫu Tân đem muối đến làm lễ hỏi nàng cho Tân. Cha mẹ nàng nhận lời, nàng tiếc gia đình không còn theo chế độ mẫu hệ để Tân đến ở luôn nhà nàng và để nàng khỏi phải xa lìa cha mẹ. Ngày đón dâu, nàng khóc hết nước mắt. Lang đi làm phù rể bên Tân, chàng mặc một chiếc áo màu khác với mầu đọt chuối của Tân.
Thảo về ở nhà chồng. Nàng nhận thấy hai anh em thương quý nhau rất mực. Điều này làm cho nàng càng quý chuộng Tân và Lang. Ít khi nào có một cuộc vui như du ngoạn, thưởng trăng, uống trà, đi ngựa hay đánh cờ mà Tân chỉ đi riêng với nàng. Luôn luôn chàng mời em cùng đi. Còn Lang thì nhiều khi vì muốn cho hai vợ chồng có phút giây riêng tư, nên chàng hay từ chối. Tuy nhiên, với Tân, ít khi nào Lang từ chối được. Lang chiều theo ý anh, và cố tình làm ra vẻ say mê những cuộc vui trong đó có mình tham dự. Nhưng lắm khi chàng ao ước được ngồi riêng một mình; chàng ao ước có sự cô đơn, một sự cô đơn bề ngoài có thể xét ra là trống lạnh nhưng thật ra rất ấm áp với chàng. Chính sự cô đơn ấy mà chàng cần có; nhưng Tân vì thương em lại không bao giờ muốn cho em cô đơn. Thành ra nhiều khi cuộc vui trở thành giả tạo. Thiên Thảo rất tinh ý về điều này. Nàng nhận thấy có một chút gì bất ổn. Nàng bàn riêng với chồng nên để cho Lang có những giây phút cô đơn của chàng. Nhưng Tân ít tế nhị hơn; chàng ngắt lời nàng, và cho rằng tình huynh đệ sâu sắc của hai chàng bảo đảm sẽ không có chuyện gì xảy ra một cách đáng lo ngại. Thảo không đồng ý với chồng, nhưng nàng không dám ép quá. Điều làm nàng lo sợ hơn hết là một sự khám phá mới: Lang cũng yêu nàng. Một tình yêu âm thầm chứa trong lòng có sức nóng của một trái núi lửa, nhưng bên ngoài thì có vẻ lạnh nhạt. Không ai hay biết điều này. Chỉ trừ một người có nhận thức tinh tế không ai có được. Người ấy là Thảo,
Một hôm Lang cười nói với anh là muốn làm nhà riêng trên núi, tiêu diêu thoát tục, trồng rau trồng hoa, và làm thơ ca tụng cuộc đời. Nhận thấy tất cả sự tình, Thảo mong ước chồng tán thành ý kiến đó. Nhưng lại vì tình thương gắn bó, Tân không muốn rời em, không cho phép em đi. Một buổi chiều nhá nhem, khi anh em đi thăm đồng ruộng trở về, vì không may mà thảo đã vô tình phạm lỗi lầm tai hại. Trong bóng chiều, thấy Lang bước vào nàng tưởng là chồng, đưa hai tay ôm lấy chàng. Lang tháo gỡ ra khỏi vòng tay Thảo. Trong lúc ấy thì Tân về tới.
Sáng ngày mai, sau khi ăn cháo sớm, Lang nhìn anh và nhìn thảo, nói rằng sẽ đi chơi một mình một ngày dài cho thoả chí. Chàng cười trong khi nói câu ấy. Nhưng Thảo thấy nụ cười kia buồn bã làm sao. Nàng đã trao hết tình yêu cho Tân, nàng là người vợ trọn vẹn của Tân, nhưng nàng xót xa cho Lang quá, bởi tình bạn hữu của nàng đối với Lang cũng thân thiết quá.
Lang đi, rồi Lang không về. Mười ngày trôi qua, mười ngày trôi qua không có tin tức. Đến lượt Tân bỏ nhà đi tìm em. Chàng bắt đầu thoáng thấy một sự thực chưa bao giờ chàng ngờ tới. Chàng lấy làm lo sợ.
Tân đi, và mười ngày nữa lại trôi qua. Không có tin tức. Mười ngày trôi qua trong nỗi khắc khoải và lo sợ của Thảo. Đến lượt nàng khăn gói đi tìm chồng.
Nàng đã theo con đường mà chồng nàng đã đi hôm trước, con đường đưa đi tới của Nam thành Phong Châu. Khi ra khỏi thành, nàng thấy con đường rẽ làm hai chiều, một chiều lên núi, một chiều xuống biển. Nàng lưỡng lự rồi chọn con đường lên cao nguyên.
Ngồi nghỉ một lát trên phiến đá, nàng lại đi. Đi mãi cho đến khi trời ngả hẳn về chiều. Hai chân nàng rướm máu. Nàng có linh cảm rằng chính trên con đường này Tân và Lang đã đi qua, và nàng can đảm xé vạt áo buộc bàn chân lại để đi cho bớt đau.
Nhưng kìa, trước mặt lại là một con sông chảy ngang, nước xoáy cuồn cuộn. Trời chiều, màu trời tím ngắt, nước sông cũng tím thẫm. Có lẽ, vì hoàng hôn đã xuống nên không còn thấy bóng một chiếc đò ngang nào. Nhìn qua bên kia xa tắp, nàng chỉ thấy mịt mờ sương khói. Bên này bờ, lá cành xào xạc. Chim bay trên đầu nàng, kêu rối rít. Trời đã sắp tối. Đêm nay có lẽ nàng phải ngủ bờ ngủ bụi bên dòng sông.
Bỗng nàng thấy thấp thoáng qua cành lá một ngôi nhà sàn nhỏ cách chỗ nàng chừng vài trăm trượng, đứng bên này bờ sông. Nàng đứng dậy, lần đi tới căn nhà đó để cầu xin ở lại một đêm
Gió bỗng nhiên thổi mạnh. Lá khô và bụi đất bay rạt rào và mịt mù bốn phía. Nhìn lên nàng thấy mây đã phủ đen nghịt. Một làn chớp giật. Trời sắp có cơn giông bão lớn.
Nàng leo lên chiếc cầu thang, gọi cửa. Người mở cửa cho nàng là một thiếu phụ chừng bốn mươi. Người đàn bà này nhìn nàng bằng cái nhìn kỳ lạ, nàng không thể nào hiểu nổi. Thiếu phụ dắt tay nàng vào trong, cất nón cho nàng, bà bảo nàng ngồi nghỉ chân chiếc chõng tre dài, gia đình thiếu phụ đang ăn bữa cơm chiều trên sàn nhà có trải chiếu cói. Nàng nghiêng đầu làm lễ người nông dân miền cao nguyên rồi ngồi xuống chõng tre, nhìn đứa bé kháu khỉnh đang há miệng để bố nó gắp thức ăn đút cho nó.
Thiếu phụ lấy thêm một cái bát và một đôi đũa, nhưng Thảo thấy mệt quá không thể nào ăn được, liền lễ phép khước từ. Tuy nhiên, nàng nhận bát nước vối còn nóng của thiếu phụ đưa ra và thong thả nâng bát uống từng ngụm nhỏ.
Mưa đã tuôn xuống rào rạt bên ngoài và gió tiếp tục thổi mạnh. Nàng nghe tiếng gầm thét của đất trời, lắng nghe điệu nhạc uy hùng của mưa bão, thấy rằng cơn vũ bão của thiên nhiên làm dịu được cơn vũ bão của lòng mình, diễn tả được những đau xót khôn cùng của lòng mình. Nhà đã thắp đèn. Đĩa đèn dầu phụng hai bấc soi quanh căn nhà một cách yêu ớt. Đứa bé đã được mẹ nó đưa vào nôi. Một giọng ru hời dìu dịu, khuất trong tiếng mưa gió.
Thiếu phụ trở ra. Ba người ngồi bên đĩa đèn dầu nói chuyện:
– Hai anh chị có thấy cách đây chừng mười hôm một người đàn ông dáng học trò, mình mặc áo xanh, đi nang qua vùng này không? Em đang đi tìm người ấy
Vợ chồng bác nông dân trẻ không ai vội trả lời. Bác trai nhìn Thảo – ôi cái nhìn giống hệt cái nhìn kỳ lạ hồi nãy của người vợ – Thảo cảm thấy hoảng sợ. Nàng hỏi dồn dập:
Sao, anh chị có thấy không? Thấy không?
Bác nông phu chậm rãi:
– Có, chúng tôi có thấy. Không những chúng tôi thấy người đàn ông mặc áo xanh, mà trước đó chúng tôi đã thấy một người đàn ông khác, cũng dáng người y như thế, nhưng lại mặc áo trắng. Trời mưa gió lắm, thím cứ ở lại đây nghỉ; sáng mai sớm nên quay về thì hơn, chúng tôi chắc thím chẳng tìm được hai người đâu.
Nghe những câu nói này, Thiên Thảo thấy một luồng khí lạnh chạy theo dọc xương sống. Nàng bàng hoàng, nàng có cảm giác hình như đã thấy rõ được mọi chuyện
Nhưng người thiếu phụ đã bắt đầu ôn tồn kể lại câu chuyện:
Thím ngồi gần lại đây chút nữa kẻo bên đó có gió lọt vào khe cửa lạnh. Để tôi kể đầu đuôi những gì chúng tôi biết cho thím nghe. Chiều hôm ấy, cách đây cũng đã gần một tháng, chúng tôi thấy người áo trắng từ xa đi đến. Ông ta không có nón, cũng không có áo tơi. Ông ta đi hai tay không. Nhà tôi đi rẫy chưa về, tôi muốn chạy ra cho ông ta biết giờ ấy không còn đò ngang nữa, nhưng bận cháu thành không đi xuống được. Tôi thấy ông ta đứng thơ thẩn nhìn trời, nhìn đất, hết nhìn phía trước lại nhìn đằng sau. Ông ta ngồi xuống bên bờ cỏ một lúc lâu. Chợt tôi trông thấy ông ta lấy hai tay che mặt, cả người cả vai rung lên. Ông ta khóc. Tôi ái ngại quá, thầm mong bố cháu về để ông ta lên nhà nghỉ. Rồi trời mưa. Mới đầu thì mưa giăng giăng thôi, ông ta cũng ngửng đầu lên nhìn nhưng lại cúi xuống nức nở. Trời mưa còn nhẹ hạt cho nên tôi còn trông thấy hình dánh ông ta. Tôi thấy ông ta đứng dậy ngước nhìn trong mưa như vừa trông thấy bóng ai đi tới. Ông ta đưa hai tay ra ôm lấy một cái bóng người tưởng tượng. Rồi ông ta té nhào trên bờ đất. Mưa càng lúc càng lớn, tôi không trông thấy rõ ràng nữa. Chỉ thấy ông ta còn đứng trân trân giữa mưa như một cái tượng đá mà thôi. Rồi giông bão nổi dậy. Trong lúc đó thì bố nó đội mưa chạy về. Tôi đưa hai chiếc tơi cá cho bố nó, bảo ra đón ông khách lỡ bộ đường kia vào. Bố nó sốt sắng đi ngay. Nhưng lát sau bố nó trở về một mình
Bác nông dân đưa bát nước lên uống một hơi, rồi đặt bát nước xuống nói:
-Tôi ra thì thấy ông ta ngồi bó gối trên bờ sông, bất chấp cả gió mưa. Tôi mời ông ấy vào, nhưng ông ấy lắc đầu. Tôi năn nỉ ông ta vẫn lắc đầu. Tôi đưa chiếc áo tơi cho ông ta, ông ta cũng không nhận. Tôi liền bỏ chiếc áo tơi lại và trở lên, bởi vì trời mưa gió lớn quá.
– Đêm ấy mưa gió suốt đêm, trời giông bão ầm ầm, cũng như đêm nay vậy- người thiếu phụ nói tiếp. Chúng tôi nằm trong nhà, cứ nghĩ mãi đến ông khách đi đường kỳ lạ kia mà chẳng chợp mắt đi được. Cứ mong ông ta mang áo tơi vào rồi trở về đường cũ. Chờ suốt đêm dưới mưa bão thì chắc là ốm to phải không thím. Cuối cùng tôi cũng ngủ thiếp đi. Sáng ra, trời hết gió nhưng vẫn còn mưa. Tôi ra cửa thì thấy ông ta ngồi một đống trong màn mưa dầy đặc. Cháu còn ngủ. Tôi lấy tơi nón, buộc giải cẩn thận, ra ngoài. Tới gần ông kia, tôi mới biết cái đống trắng lù lù hồi nãy không phải là ông ta, mà là một tảng đá vôi trắng toát. Bên cạnh, còn thấy chiếc áo tơi cá của nhà tôi để lại hôm qua lăn lóc. Trong khi đó, trời vẫn mưa.
Bác nông phu đỡ lời vợ
– Lạ quá thím ạ. Tảng đá vôi trắng tinh đó, trước kia có bao giờ tôi trông thấy nằm ở đó đâu. Bên bờ này vốn không có hòn đá lớn nào, nhất là loại đá trắng đẹp như vậy. Không có lý mà trong đêm khuya, cái ông khách đi đường kỳ lạ kia lại đi khuân ở đâu tới để đặt vào chỗ đó một tảng đá lớn như thế. Tảng đá đó, thím à, tôi tưởng bốn người lực lưỡng như tôi với quang gánh đầy đủ chưa chắc đã khiêng nổi… không lý tự nó dưới đất trồi lên trong giữa khuya. Còn ông khách, có lẽ ông ta đã trở về đường cũ, hoặc có thể đã trầm mình trong dòng sông rồi. Mẹ thằng cu cũng nghĩ như thế đó, nhưng tôi thì không nghĩ sự tình lại bi thảm quá đến vậy.
Nói xong câu đó, người nông phu trầm ngâm lấy thuốc nhét vào điếu cày, châm lửa hút. Vợ bác kể tiếp:
– Cách mươi ngày sau, thì cái ông áo xanh đến. Ông áo xanh đến nhìn ngơ ngác một hồi, rồi tìm tới leo lên nhà chúng tôi. Ông áo xanh hỏi thăm chúng tôi về ông áo trắng. Trong khi bố nó kể cho ông ta nghe câu chuyện tôi vừa kể, ông ấy ôm mặt khóc nức nở. Đến khi bố nó kể chuyện tảng đá, ông ta la lớn lên: “em tôi hóa thành tảng đá rồi! Em tôi hóa thành đá rồi!” Và ông ta bỏ chạy ra ngoài bờ sông, tìm tới tảng đá. Trong khi đó thì trời lại nổi cơn mưa. Mưa lớn dần và cũng có dông bão nữa, y như kỳ trước. Bố nó cũng chạy ra, cũng đem tơi nón mời ông ta trở vào. Ông ta cũng không trở vào, cứ ngồi gục đầu bên tảng đá mà gào thét. Rút cuộc bố nó cũng phải trở lên lại một mình. Rồi giông bão tiếp tục mãi; chúng tôi nằm trong nhà mà trong dạ lại cũng không yên. Sáng hôm sau trời tạnh; khi chúng tôi tới thì ông áo xanh không còn nữa. Bên cạnh tảng đá chúng tôi thấy mọc lên một cây mới, cao bằng một em bé lên mười, thân cây và lá cây xanh rờn. Cây gì mà mọc lên mau quá như thế không biết! Tôi nói: chắc cái ông áo xanh chết lúc nửa đêm, và đã biến thành cái cây xanh mới này. Đây chắc là hai anh em một nhà nào đó và có lẽ là thương yêu nhau lắm. Nhưng không biết vì duyên cớ gì mà cơ sự lại xảy ra như vậy. Bố nó cũng bắt đầu nghĩ như tôi. Còn thím, thím có bà con gì với hai người ấy không mà lại đi tìm? Tối nay trời lại giông bão nữa, giống hệt như hai lần trước. Tôi sợ lắm. Tôi van thím hãy cứ ở trong nhà đừng có đi ra ngoài. Đợi sáng mai đã rồi có đi hãy đi; bây giờ thì nhất thiết là thím phải ngủ lại đây với chúng tôi đã.
Thiên Thảo ngước nhìn thiếu phụ, mắt nàng ướt đẫm. Nhưng để an lòng hai người, nàng lấy áo lau nước mắt, gượng cười. Nàng nói nhỏ nhẹ làm như thể sự việc xảy ra không có gì là quan trọng đối với nàng:
Không sao đâu thưa anh chị. Em là nội trợ của người áo xanh, em đi tìm anh ấy. Còn người áo trắng là chú Lang, em ruột của nhà em. Có lẽ chú ấy và cả anh ấy đều đã sang sông trong buổi sáng sớm; anh chị không biết đấy mà thôi. Sáng mai, em cũng sẽ sang sông đi tìm và thế nào cũng gặp được hai người. Anh chị nghĩ xem, đi đâu thì cũng quanh quẩn trong xứ mình. Không đi tìm thì thôi chứ đi tìm thì thế nào cũng tìm ra được. Em xin anh chị đừng lo. Em sẽ không đi ra ngoài trời giông bão đâu. Em sẽ xin ngủ một đêm tại đây, để sáng mai còn sang sông sớm.
Thế rồi Thiên Thảo xin một chiếc chiếu trải ra sàn để ngủ, và một chiếc khác để đắp. Hai vợ chồng người nông phu cũng trở vào phòng trong nghỉ ngơi, trong khi mưa gió bên ngoài tiếp tục thét gào dữ dội
Thiên Thảo cuộn mình trong một lớp chiếu, lắng nghe tất cả mọi âm thanh dồn dập trong trận mưa bão dữ dội. Rồi nàng yên lặng khóc. Nước mắt của nàng chảy ướt cả mấy lần chiếu. Vợ chồng bác nông phu có lẽ đã ngủ say. Ngọn đèn dầu lạc chỉ còn lại một bấc, loe lét trong gian phòng, ngọn lửa sáng chao qua chao lại dưới ảnh hưởng của những cơn gió tạt qua khe cửa hở. Có lúc sét nổ lớn quá rung chuyển cả đất trời. Thảo tưởng như cả đất trời bên ngoài đều đã tan thành tro bụi. Rồi sấm rền như một chiếc xe chuyển đi rầm rộ trên mây, lăn mãi tới phương trời xa. Gió tạt ào ào vào vách gỗ. Mưa xối xả như cả bầu trời đều tan thành nước trút xuống mặt đất.
Lâu lắm, vào khoảng giữa khuya, mưa gió dịu dần, rồi cuối cùng tắt hẳn. Bên ngoài, sự yên lặng gần như tuyệt đối, đã trở về. Nhè nhẹ, Thiên thảo dở chiếu, ngồi dậy. Nàng se sẽ rút then chốt cửa, hé liếp thoát ra ngoài, leo từng nấc thang xuống đất.
Khi chân nàng chấm đất, nàng thấy ánh trăng soi chiếu rõ ràng cảnh vật bên bờ sông. Nhìn lên, nàng thấy mảnh trăng khuya nằm trên một khung trời rải rác những đám mây ánh. Phía trước mặt là tảng đá trắng mà vợ chồng bác nông phu đã nói tới hồi hôm. Nàng thong thả bước về phía ấy.
Quả như lời của hai vợ chồng bác nông phu hiền hậu, tảng đá trắng nằm yên lặng và thanh thản bên một gốc cây lên xanh, phía trên những bẹ lá xòa ra như tỏ ý chở che đùm bọc. Nàng quỳ xuống đất bên cạnh mảnh đá trắng, hai tay ôm lấy thân cây tròn trĩnh, đầu tóc nép vào những cuống lá thuông dài. Nước mắt nàng nhỏ xuống tảng đá. Những giọt nước mắt nóng cho đến nỗi mỗi khi rơi xuống chỗ nào trên mặt đá thì chỗ ấy sôi lên và sủi bọt trắng xóa. Nàng khóc cho đến khi quỵ hẳn xuống, hai đầu gối lún sâu vào lòng đất mềm, hai tay vẫn còn quấn lấy thân cây và tảng đá.
Sáng ra, vợ chồng nông phu thấy thiếu phụ không còn trong nhà mình nữa. Họ ra bến thì vừa lúc ông lái đò ngang vừa đưa đò cập bến. Họ hỏi thăm có phải bác vừa chở một thiếu phụ áo xanh sang sông không, bác lái đò trả lời:
– Đây là chuyến đầu, tôi chưa chở được người khách nào hết.
Hỏi vào khoảng mười hôm về trước có chở một anh chàng áo xanh không có hành lý nào không, ông ta cũng nói không. Hai vợ chồng trở lại quan sát tảng đá vôi trắng và cái cây xanh đứng thẳng có tán lá xòe rộng phía trên. Họ thấy cây đã lên cao quá đầu họ. Họ lại thấy tự dưới đất, một dây leo đã mọc lên tự bao giờ. Rễ của dây leo cũng bắt đầu từ dưới chân tảng đá, dây leo bám lấy thành đá leo lên, cuốn quanh lấy thân cây, những lá cây xanh mướt và duyên dáng ôm ấp lấy thân cây đứng thẳng. Họ ngắt thử một cọng lá nhỏ và đưa lên mũi ngửi: một hương vị nồng nồng cay cay mà đậm đà làm cho họ bâng khuâng nghĩ tới người thiếu phụ có cái nhìn sâu thẳm tối qua.
Một buổi trưa tháng bảy trời nắng chang chang; trên bờ sông, một đàn người ngựa có vẻ sang quý dừng bước. Vua Hùng Vương đệ nhị cùng đàn tùy tùng nhìn quanh tìm một nơi có bóng mát để nghỉ ngơi, trước khi tiếp tục cuộc hành trình. Họ thấy cách đó không xa có một ngôi đền xinh xắn núp dưới bóng mấy cây đại thụ. Đoàn người ngựa tiến về phía ngôi đền.
Sau khi giải khát, vua Hùng ngồi nghỉ trên một phía đá trắng, phe phẩy chiếc quạt nan. Một người cận vệ đến gần tỏ ý muốn hầu quạt cho vua, nhưng Hùng Vương mỉm cười khoát tay bảo thôi. Ngài chỉ mấy cây cao đứng thẳng tắp gần đó, hỏi người cận vệ: “cây gì mà có nhiều trái thế, chú nhỉ? Người cận vệ tâu rằng không biết. Vua hùng muốn biết hương vị của những trái cây treo lủng lẳng trên buồng cao. Người cận vệ đi tìm một sợi dây để kiếm cách leo lên cây, hái một vài quả cho vua nếm thử.
Vua Hùng nhìn quanh, một lát sau lại hỏi một vị cận thần: khanh có biết đền thờ ai đây không? Vị cận thần vừa mới mở miệng tâu vua rằng không, thì người cận vệ vừa từ trên cây tuột xuống. Anh ta dâng vua hai trái vừa hái được trên cây, tâu rằng trái này là trái mới, ít ai biết, nên không biết gọi là gì. Nhưng anh cũng tâu vua rằng anh biết đền thờ này là đền thờ ai, và giữa ngôi đền kia với trái cây này, có những liên hệ mật thiết nào. Nghe nói thế, vua chưa cắn vào trái cây vội. Ngài bảo người cận vệ ngồi xuống một tảng đá thấp hơn bên cạnh, và kể hết câu chuyện cho ngài nghe. Người cận vệ kể chuyện anh em Tân, Lang cùng chuyện Thiên Thảo một cách rành mạch như là ông ta đã được vợ chồng bác nông phu ngày xưa kể lại cho nghe đủ mọi chi tiết:
Tâu đức vua kính mến, hòn đá trắng mà chính đức vua đang ngồi đây là thuộc loại với hòn đá vôi trắng mà ngày xưa người con trai họ Cao tên Lang đã biến thành, sau khi chết. Còn những trái cây mà đức vua kính mến đang cầm trên tay, là trái của cái cây mà ngày xưa người con trai họ Cao tên Tân đã hóa thân. Còn những giây leo xanh tốt có những lá hình trái tim đang leo quanh cây, là chính hiện thân của Lưu Thị, sau khi đi tìm chồng thấy chồng đã hóa thành cây và em chồng đã hóa thành đá. Người ta nói phiến đá trắng như lòng trong trắng của người em; thân cây cao thẳng mọc gần tảng đá có những tàu lá dài vươn ra là người anh, một lòng muốn gần gũi thương yêu, bao bọc và che chở cho em. Còn dây leo xanh tốt kia là người vợ, trinh thuận và khả ái. Sau khi chết vẫn nương tựa quấn quít bên chồng. Sau khi ba người đã hóa thân, nhà họ Cao và họ Lưu cũng tìm tới chỗ này, và nhờ vợ chồng bác nông phu mà hỏi ra được cớ sự. Hai gia đình mới cùng nhau lập nên ngôi đền này để thờ ba người. Nhân dân vùng này, từ đó, không bao giờ ngưng việc hương khói.
Hùng Vương nghe nói, hết nhìn hai trái cây trong tay, lại ngước nhìn thân cây cao vút và những dây lá cuốn quanh thân cây có những ngọn lá hình trái tim đuôi thon dài xinh xắn. Rồi ngài đứng dậy nhìn tảng đá, lấy tay vỗ vào tảng đá nhẹ nhàng như vỗ vai một trẻ thơ. Vua có vẻ cảm động. Cuối cùng ngài đưa một trái cây trong tay và bảo nhỏ người cận vệ:
Ta thấy nhạt miệng, khanh thử bổ trái này cho ta nếm thử.
Người cận vệ lấy dao gọt vỏ; cắt chủm, và bổ trái cây ra làm tám miếng nhỏ đem dâng vua. Bên trong là sắc trắng, mỗi miếng mang theo một phần hạt hơi ánh ánh màu hồng. Vua nếm thử một chút, thấy hơi ngòn ngọt và chan chát. Vua bỏ hẳn một miếng vào miệng nhai, và thấy tuy không ngọt sắc như trái cam trái ổi, nhưng trái cây mới này có một chất chát làm cho cảm giác nhàn nhạt trong miệng vua biến tan mất. Vua đứng lại gần cây leo, ngắt một mảnh lá bỏ vào miệng để nhai chung, thì thấy mùi vị cay cay thơm bốc lên mũi rất là dễ chịu. Nhai một lát, ngài thấy vui miệng; và vì thấy ngon miệng, nước miếng ngài ứa ra. Ngài nhổ bớt nước bọt xuống đất, bên cạnh tảng đá.. Bỗng ngài nhận thấy một vài giọt vướng trên tảng đá biến thành màu đỏ.
Đức vua cúi xuống để quan sát, quả thấy đó là những giọt đỏ như những giọt máu. Ngài nhìn xuống đất thì đám nước bọt ngài vừa nhổ chỉ có màu đen thẫm, đưa ngón tay chấm vào miệng để nhìn thử, ngài cũng không thấy có màu đỏ. Ngài liền bảo người tùy tùng lấy lưỡi gươm cạo cho ngài một chút bột đá, và lấy chút bột đá đó bỏ vào miệng nhai. Phút chốc môi ngài đỏ tươi, hồng đẹp như môi của một thiếu nữ.
Ngạc nhiên với khám phá mới, đức vua mời mọi người nhai thử một phần tám trái cây, một phần ba cuốn lá và một chút bột đá vôi trắng. Người nào cũng vui vẻ bắt chước đức vua và ai cũng đồng ý rằng nhai những thứ này thấy vui và mặn miệng, ai cũng có đôi môi hồng đỏ. Đức vua nghiêm trang nói:
– Tình anh em và nghĩa vợ chồng của ba người trẻ tuổi này quả thật là thắm thiết và nồng đượm. Nồng đượm như hương vị của cây lá mà ta đang nhai, thắm thiết như màu son mà ta thấy trên môi các vị. Thôi, ta quyết định thế này: ta đặt tên cây này là cây Cao, lá cây này là lá Lưu, và mỗi khi có lễ cưới hỏi, dân ta sẽ dùng trái Cao và lá Lưu để thay thế cho tục dùng muối. Muối thì mặn mà thật, nhưng chưa mặn mà thắm thiết và nồng đượm như hương vị của trái cây và dây lá này, nhất là khi ăn với một chút đá vôi. Tình vợ chồng và tình anh em của ba người trẻ tuổi họ Cao và họ Lưu sẽ là một hình ảnh đẹp đẽ còn mãi trong đời sống tình cảm của dân tộc này.
Mọi người cúi đầu lãnh mệnh. Cây Cao và dây Lưu được dân Văn Lang đem gieo giống khắp nơi trong nước, sau này có người đọc trại tiếng Cao ra tiếng Cau và tiếng Lưu ra tiếng Trầu. Cao Lưu hay Cau Trầu gì cũng là để gọi những cây có hương vị đậm đà thơm cay mà vua Hùng đệ nhị là người thứ nhất đã được nếm đến. Còn đá vôi thì, ở đâu có cau trầu, ở đấy cũng có đá vôi.