Vàng và Máu

Tác giả: Thế Lữ

Tựa

Thuở nhỏ tôi đi theo học chữ nho. Thầy đồ tôi là một người yêu văn, nhất là yêu tiểu thuyết. Tối đến, khi bọn học trò chúng tôi đã học thuộc bài, thầy lại đem các truyện Tầu ra đọc và dịch sang quốc âm cho chúng tôi nghe.

Trong những truyện ấy, tôi thích nhất truyện Liêu trai. Thầy dịch bằng một lối văn vừa giản dị, vừa có thi vị, thỉnh thoảng lại thêm một câu bình phẩm khôi hài khiến chúng tôi cười rộ, và khiến tôi, tuy thời ấy mới chín, mười tuổi, mà nghe những truyện thần tiên ma quỉ không chút sợ hãi. Tôi chỉ mơ màng yêu mến những nhân vật trong truyện. Tôi yên trí rằng yêu tinh là linh hồn hiện thành hình người để làm những điều thiện, để trị tội những kẻ ác để trả ân trả oán trong nhân gian.

Mười mấy năm sau, quay học chữ nho, và đem bộ Liệu trai ra xem, tôi tuy không có những cảm giác ngây thơ thuở nhỏ, mà những thi hứng, nhưng thi tứ, tôi vẫn cảm thấy đầyra64yd trong câu văn hay.

Song có một điều, tôi không được ưng ý, là lối kể chuyện của văn sĩ họ Bồ có phần dễ dãi quá: tác giả chỉ đem trí tưởng tượng ra mà bịa đặt, có khi không cần hợp lý chút nào. Cái đó có lẽ ta cũng không nên trách tác giả: tác giả chỉ là một thi sĩ. Và những câu truyện đầy mộng mị, đầy ảo thuật kia chỉ cho những thi liệu phong phú của tác giả có chỗ mà phô diễn ra được.

Tôi vẫn mong mỏi sẽ có nhà văn dung hợp được văn Thái Tây với văn Á Đông, để gây một lối văn viết theo óc khoa học mà vẫn giữ được thi vị của văn Tầu.

Nhà văn đó ngày nay đã có: chính là bạn Nguyễn Thế Lữ, thi sĩ trong Tực Lực Văn Đoàn.

Thực vậy, tác giả những truyện Vàng và MáuMột đêm trăng đã tỏ ra có óc khoa học của Edgar Poe và tâm hồn thi sĩ của Bồ Tùng Linh, hai nhà viết những truyện ghê gớm huyền hoặc, làm cho độc giả yếu bóng vía phải rùng mình lúc đêm khuya.

Ấy cũng nhờ có thi vị mà truyện Vàng và Máu không ghê gớm tuy vẫn làm cho ta phải rùng mình, và nhờ có óc khoa học mà tác giả khiến truyện Vàng và Máu không huyền hoặc chút nào, tuy đọc nhiều đoạn ta vẫn có cảm giác như sống trong một thế giới thần tiên, ma quỉ.

Truyện chỉ là một chuyện giấu vàng của người Tầu, xưa nay các cụ già thường kể cho ta nghe. Nhưng truyện Vàng và Máu gần sự thực biết bao. Trong truyện, không sự gì xẩy ra mà không hợp lẽ, không một cái kết quả nào là không có nguyên nhân chắc chắc vững vàng.

Tác giả lại khéo đặt cốt truyện vào giữa một nơi rừng rú sâu thẳm. Đọc truyện, ta tưởng tượng như đứng trước một cản vĩ đại thâm u. Là vì những cảnh ta trong truyện toàn là những cảnh trong đó tác giả đã sống một quãng đời niên thiếu – Tôi muốn nói Lạng Sơn, nơi sinh quán của Thế Lữ.

Xin trích vài đoạn:

Nước suối xanh đặc như rêu thẫm, đang lừ lừ đi vào một cái hốc tối dưới mấy cụm cây lá xòe ra và phủ xuống như cánh tàn …

Gió bấc thổi bên tai vù vù từng trận. Trước mấy giặng rừng hay trước những khóm cây nặng nề ướt át, những làn mưa bụi trắng từng lớp bay qua …

Bấy giờ vào khoảng cuối giờ thân (4 giờ chiều), mưa đã gần tạnh hẳn. Bao nhiêu rừng núi đằng xa đều tan thành hơi trong đám sương dầy trắng đục. Chân trời một mầu xám như bạc cũ, làm nổi bật những bụi rậm ở gần lên”.

Không là một nhà mỹ thuật kiêm thi sĩ thì không thể tả được những cảnh hệt sự thực và đầy thi vị đến như thế.

KHÁI HƯNG

20-1-1934

Nội dung truyện

Viết một bình luận

error: Content is protected !!