Nàng ái cơ trong chậu úp

Thể loại: Tiểu thuyết cổ đại, ngoại sử, dã sử

Tác giả: Mộng Tuyết – Thất tiểu muội

Hoàn thành: 1958

Nguồn: NXB Bốn Phương, Viện Văn Nghệ – Hiên Sáng tác

Độ dài: 14 chương

Nội dung truyện


Tự bạt: DƯỚI MÁI TRĂNG NON

Trung thu Mậu Tuất 1958

Vốn sanh trưởng ở Hà Tiên, ngày còn nhỏ, tôi thường được nghe người chung quanh kể những đoạn dã sử thuộc về họ Mạc. Người kể hứng thú như kể chuyện cổ tích, người nghe cũng say sưa như nghe chuyện cổ tích.

Miễu Lịnh (Đền thờ họ Mạc, người Hà Tiên gọi húy là Miễu Lịnh) là nơi huyền bí đối với trẻ con. Là nôi vẫn bị mẹ cấm, không khi nào được bén mảng đến, cả những vùng lân cận đó.

Núi Lăng, bởi vậy, đối với tôi, là thuộc trong vùng cấm địa, vì núi Lăng ở ngay sau Miễu Lịnh đó mà thôi. Mặc dầu, ở Xóm Rẫy, con đường nhà tôi lên núi cũng chẳng bao xa.

Bị cấm như vậy, cho nên thường lén nghe, vừa sợ sệt, vừa thích thú, nghe kể đi kể lại những chuyện có dính dáng đến dãy núi huyền bí nọ, và ngôi Miễu linh thiêng kia.

Chuyện lăng tẩm, mả mồ, chuyện sơn xuyên xã tắc,chuyện ao sen Bà Dì tự, chuyện hiển hích của cô Năm Mạc Mi cô.

Ghê rợn hơn hết là chuyện Cô Năm. Cô Năm mới sanh đã có tóc dài như người lớn, đã biết ngâm nga những câu mà không ai hiểu nghĩa. Rồi đến chuyện có người lỗi lần, xúc phạm oai linh mà mang bạo bịnh. Có người lén đào mồ mả, để tìm châu báu ngọc vàng, khi về vừa tới trước Miễu Linh bị hộc máu mà chết. Có người cạy tảng đá ở nền Xã Tắc về lót thềm nhà, bị ốm sảng nói mê, rồi tự tử.

Ôi! Bao nhiêu là huyền bí, bao nhiêu là rùng rợn, bao nhiêu là ghê sợ. Mà cũng bao nhiêu là hấp dẫn khiến ai cũng tò mò muốn biết.

Những chuyện kinh khủng đó, người ta đã kể cho nghe bằng một giọng kề tai nói nhỏ, nửa kín nửa hở, vừa e sợ ngại ngùng. Lúc nào cũng như chẳng dám hết lời, lúc nào cũng lo lắng, sợ bao nhiêu người nằm trong lòng đá kia còn nghe được. Người khuất mặt lúc nào cũng sẵn sàng đâu đó để mà trừng phạt những kẻ tò mò, tọc mạch, muốn xâm phạm đến thế giới anh linh của họ.

Câu chuyện, vì thế mà càng thêm huyền bí diễm do biết bao nhiêu!

Những lúc theo chị đi gánh nước ao Sen trước Miễu thì lấm la lấm lét, nhìn ngó chung quanh. Ao bán nguyệt, ở ngay trước Miễu, chứa đầy nước trong và mát ngọt.

Lá sen xanh trải, tàn sen cao cao óng nuột, hoa sen tươi thắm, gương sen như những tổ ong nằm ngửa bày ra những ngăn nho nhỏ, tròn tròn. Hột sen vừa rám nắng, như những con ong non thu mình im lặng, nằm rút trong những căn phòng riêng.

Cảnh hồ sen thì hiền hòa như vậy, nhưng mà nhìn lên tòa miếu mạo sâm nghiêm thì vách đá xù xì, tường vôi rêu phủ. Cổng bên tả đá lấp, cổng giữa và cổng bên hữu thì cánh cửa nửa khép nửa mở, vừa như quyến rũ mà vừa như ngăn cách những mắt tò mò dòm ngó. Có cái gì linh hiển ở trong?

Rặng cây xanh um, mé đằng sau Miễu, lại cũng như bao trùm nhiều bí mật. Trong tàn cây rậm, có những dây leo chằng chịt đeo quanh, rũ lòng thòng, như có một cái gì rung rinh ở trong ấy.

***

Hàng xóm, có ông Đường Thái Nguyên lập vườn tiêu trên chót núi Lăng. Nói là chót núi, chớ thiệt thì núi có cao chi. Vườn lập bên eo giữa núi. Ông còn có ruộng lúa ở Bờ Đồn, sau núi Lăng. Ông lại còn có một bầy bò nữa. Bầy bò đủ cỡ: bò kéo cày, bò kéo nước, bò mẹ, bò con. Ông giao tất cả cho một người con gái nhỏ lo việc chăn giữ.

Chiều chiều, ăn cơm xong, tôi ra cổng chơi, nhìn về hướng mặt trời lặn. Con đường đâm thẳng vào hông núi. Bóng chiều đã ngả, cây lá trên núi không còn trông rõ nét. Trong nền xanh thẫm mờ mờ đó, bầy bò của chị Sáu nổi bật màu vàng, hiện ra lúc thúc đi về. Chị Sáu đi sau đàn bò, một tay xách mo cơm đã xẹp, một tay cầm roi mây, củ mây có cây đinh nhọn để thúc vào mông bò. Đầu chị Sáu đội chiếc nón tre đan, kiểu nón của người Hải Nam, bạn vườn tiêu, mình mặc bộ quần áo vải Hạ Châu, màu tía đã xuống màu.

Bầy bò đó, chị Sáu thả cho ăn cỏ ở ven núi Lăng, từ nửa buổi sáng. Bấy giờ mới đuổi về chuồng.

Có bữa, chị Sáu cầm về một chùm trái dỏ-dẻ chìa ra như những ngón tay mập tròn đỏ hỏn. Có bữa, chị cầm về một ổ chim dòng dọc như một bọc cỏ khô. Lại có bữa, chị cần về một con chim sáo ‘chưa bể họng’ chép chép mỏ rộng hoạc trên đầu trọc, chưa mọc lông tơ.

Chị Sáu kể: Những là chùm trái kia ở dây leo trên cây bằng lăng nền Sơn xuyên. Những là tổ chim nọ treo trên nhánh sộp gie qua mộ ông Quốc Lão. Những là ổ sáo con, gió thổi rớt dưới bực mả bà Thái phu nhân.

Chị Sáu nói một cách thản nhiên vừa cầm cây mây bện dẹp một đầu, rình đập con cào cào bên lề cỏ. Một con cào cào văng ra, chị cúi nhặt, cho vào miệng con sáo con đang hả rộng.

Ồ! Chị Sáu này làm sao mà dám xục xạo như vậy?

Chị không biết sợ gì hết hay sao? Chị không nghe có người bị hộc máu, có người mê sảng ngã lăn ra ay sao. Lạ này, chị vẫn bình yên. Chị vẫn đem bò cho ăn cỏ quanh chưn núi. Chị vẫn đi buổi sáng về buổi chiều. Chị vẫn hái trái dỏ dẻ, bắt chim sáo con, như thường. Chị có làm sao đâu!

***

Thế rồi, một buổi trưa, tôi đã đánh bạo, trốn nhà, đi theo chị Sáu gánh cơm lên núi cho bạn vườn tiêu ăn. Chị đã bỏ bầy bò ở ven núi mà dẫn người em hàng xóm chui vào trong đám cây lá rậm rạp.

Thực là một thế giới lạ lùng. Biết bao nhiêu là bí ẩn chứa đựng ở trong. Dưới lớp những tảng đá dày kia, cả một triều đại, cả một thế hệ đang ngủ yên trong lòng núi.

Bao nhiêu lăng tẩm, mả lớn, mả nhỏ, mả con. Rêu xanh, rêu xám, rêu khô đã phủ nhiều lớp trên vôi, trên đá, hiện ra lốm đốm những vệt mốc xám tròn như những đồng tiền kẽm han rỉ. Cành khô lá úa ngập đầy. Dầu lớn, dầu nhỏ đều có mộ bi khắc những hàng chữ chấn phương sắc nét rõ ràng.

Này là mả ông Khai trấn, này là mả ông Quốc lão, này là mả bà Thái phu nhân, này là mả bà Dì Tự, này là mả các bà Cung nhân, Nghi nhân, Thục Nhân, này là mả bà Cô Năm, mả các Công tử. Và đây nữa, là mả ông Đại tướng quân, mả ông Công tước, mả ông Hầu tước, mả ông Mưu sĩ, mả ông Ngự y, và mả ông “Từ Lư” nữa. Tôi lặng nghe mà thầm phục chị Sáu quá chừng. Chị học với ai hồi nào, chị có biết chữ Nho đâu mà sao chị nhìn những mộ bi mà biết hết tên tuổi chức tước rõ ràng như vậy.

Hết kể chữ nghĩa, chị lại kể nôm na. Nào là mộ vua cha, mộ vua con, mộ công chúa, mộ phò mã.

Từ mả này qua mả kia, phải rúc trong bụi rậm, vạch đám nhánh khô gai gốc. Một vài chỗ, tàn cây da cây đề che phủ lên, có rễ bám chặt nấm mồ, có rễ soi sâu làm nứt rạn nền vôi bực đá.

Sau cuộc “thám hiểm lịch sử” đó, cô bé ở xóm Rẫy mới hoác nhiên tỉnh ngộ.

À! Những chuyện mình đã nghe say mê thích thú như Chuyện đời xưa, là có thực hết đó mà. Bao nhiêu nhân vật hãy còn nằm dưới lớp đá kia, chứ có phải như chuyện con Tấm, con Cám, chuyện Hằng Nga ngủ trong rừng đâu.

Đã có một cuộc sống phong phú trù mật thế nào, đã có một thế hệ huy hoàng, hưng thịnh thế nào, mới có được bao nhiêu lăng tẩm mả mồ kiên cố ngụ chiếm cả một vùng sơn thủy nọ.

Rồi lại có một bận, len lén đánh bạo, theo chị Mạc Nam Lan vào Miễu Lịnh. Chị Nam Lan là cháu 8 đời của ông Khai trấn Mạc Cửu. Lúc đó, cha chị Nam Lan là ông Mạc Tử Khâm mất đã lâu. Ông không có con trai. Mấy mẹ con chị Nam Lan còn ở một dãy nhà ngang, trong vùng tường Miễu Lịnh, giữ việc nhang khói.

Rụt rè sợ sệt bước qua ngưỡng cổng nghiêm kín. Nhưng mà hiện ra một cảnh tượng hiền hòa, có hoa có kiểng. Bên góc sân, một cội đào to đương mùa hoa nở. Mặt đất, quanh cây, phủ dày một lớp hoa rụng, xác hoa như xác pháo mãn địa hồng. Trên cành, hoa và chim náo nhiệt tưng bừng.

Chị Nam Lan đã he hé cửa chính điện để cho cô bé con hồi hộp đứng nhìn những bài vị sơn son, thếp vàng, phủ khăn lụa màu hoàng yến. Một cỗ tráp chạm trổ thếp vàng, phủ vuông lụa điều, trong đựng các đạo sắc của triều Nguyễn truy phong nhà họ Mạc.

Rồi lại ngồi suốt buổi trưa này, sang buổi trưa khác để mà nghe chị Nam Lan kể nhiều chuyện huyền bí linh hiển về đời tổ tiên dòng họ chị. Những chuyện chị kể, đại khái cũng như những chuyện đã từng nghe người khác kể. Nhưng mà chị kể có tính cách gia tộc hơn, vì cách xưng hô. Ví dụ chị nói: Ông sơ tôi, ông cố tôi, Bà cô Năm tôi. Tuy vậy, chuyện cũng không kém phần hứng thú.

Lòng riêng trẻ con thuở đó, kính sợ Bà cô Năm bao nhiêu thì xót thương Bà Dì Tự bấy nhiêu. Lại càng cảm mến ông Tổng binh chung thủy đa tình đứng trên sườn đồi nhìn trộm hình bóng người yêu, qua tiếng chuông chùa công phu ngân nga, mỗi buổi chiều tà.

Rồi lại có một buổi tình cờ nghỉ học, được cho về, vì thầy giáo bịnh. Buổi nghỉ học đó ở nhà không ai biết mà kiểm soát. Mới rủ vài chị em đi thẳng vào chơi chùa Am. Tôi đã dám lội xuống ao sen hái cho được mấy cành hoa sen trắng bỏ lại, đem dựng trước mộ bà Dì Tự. Rồi sụt sịt đứng khóc.

Các bạn không hiểu vì nguyên do nào mà có những tác động như vậy. Chuyện đó chưa bao dám kể lại với ai. Mà chính mình, cũng không hiểu vì đâu mà cảm xúc đến như vậy.

Chuyện Bà Dì Tự bị úp trong chậu vẫn ám ảnh mãi trong trí trẻ thơ. Cho đến ngày biết đọc những thiên khảo cứu về lịch sử họ Mạc, lịch sử Hà Tiên, vẫn không thấy đâu có phép các câu chuyện mà mình lấy làm l1y thú. Nhà chép sử bỏ quên hay sao. Hay người làm sử chê là ngoại sử mà chẳng lưu tâm ghi chép.

Nhưng mà, mả bà Dì Tự còn kia, Chùa Am với ao Sen còn đó.

Triều đình không chép dã sử ngoại truyện đã đành, mà con cháu chép gia phổ Hà Tiên cũng vẫn không hề nhắc đến, dầu cho chép bằng cách tồn nghi.

Những nhân vật đó đã có một ảnh hưởng to lớn ở đương thời, đã để một cảm thương sâu xa co hậu thế, thì có lẽ nào mà lại bỏ quên đành.

Hèn chi mà nhiều người than sách sử khô khan, và đọc sách sử buồn tẻ là phải.

***

Thiên ký sự tiểu thuyết “Nàng ái cơ trong chậu úp” này viết nên, là để giải nỗi u hoài của tuổi trẻ thơ ngày trước, và để đỡ khô khan cho pho chánh sử của xứ Hà Tiên cằn cỗi hôm nay.

Tác giả ướ sao độc giả đọc truyện này cũng cảm thấy được những màu mè diễm ảo, những hương khói say mê y như tác giả ngày thuở nhỏ đã được người lớn kể cho nghe, ở dưới bóng mát cây da, bên góc ngôi đền cổ.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!