Tác giả: Lê Nguyễn
Nguồn: trích trong sách “Thành cổ Sài Gòn và mấy vấn đề về triều Nguyễn”, Nhà xuất bản Trẻ -1998
Sau thời kỳ đầu lập quốc, nước ta chìm đắm trong hơn 1.000 năm Bắc thuộc đầy tăm tối (111 trước CN – 968 sau CN).
Đó là chặng đường mất nước dài nhất, chỉ những dân tộc có một bản chất bất khuất, một lòng kiên trì kỳ diệu mới không bị đồng hóa, vẫn bảo tồn được sự độc lập của mình.
Do những biến động lịch sử, nền văn hóa nước ta (trong đó có việc học hành và thi cử) mới thực sự bắt đầu từ thế kỷ, thời nhà Lý.
Trường học đầu tiên của Việt Nam mở vào năm 1076 đời Lý Nhân Tông với tên Quốc Tử Giám, là loại trường công duy nhất mở tại Kinh đô dành cho con cái quan lại triều đình.
Từ ấy về sau, danh xưng tuy có thay đổi, khi thì “nhà Thái học” (1483), khi thì “nhà Quốc học” (1803) nhưng mục đích và chức năng của loại trường công này cũng chỉ nhằm đào tạo con cháu giai cấp quyền quý ở kinh đô, thảng hoặc con cháu thường dân học hành xuất sắc cũng được cho vào học (nhưng đó chỉ là những trường hợp cá biệt).
Trong lúc các bậc hiển nho có thể bước thấp bước cao trên hoạn lộ gập ghềnh, thấp cũng là Tri huyện, cao có thể đến Tổng đốc, Thượng thư; thì công việc dìu dắt thế hệ mai sau con cái thường dân được mặc nhiên dành cho hai dạng kẻ sĩ sống rải rác khắp các làng quê: những bậc ẩn nho là những người có tài, đỗ đạt nhưng không chịu ra làm quan, chỉ thích sống ẩn dật; và dạng hàn nho – những người tương đối có tài nhưng năm lần bảy lượt lều chõng đi thi vẫn không gặp vận may, đành lấy nghề dạy học làm kế sinh nhai.
Nếu nhà thầy tương đối khang trang, có sân trước, sân sau, có bể cá, ao bèo thì nhà thầy sẽ kiêm luôn nhà học. Nhưng nếu nhà thầy chật hẹp quá, vợ thầy thuộc dạng phụ nữ “lặn lội bờ ao” thì thấy sẽ quảy một gánh sách Thánh hiền đến nương náu ở nhà một điền chủ hay một phú hộ nào đó để vừa dạy dỗ đám quý tử của chủ nhà, vừa kết nạp thêm học trò từ làng trên xóm dưới.
Nhưng dù ở điều kiện nào, trong cái nhìn của xã hội xưa, các thầy đồ vẫn luôn là một tầng lớp được kính nể, tọng vọng: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” hay “không thầy đố mày làm nên”,…
Ở thôn quê, khi trẻ em được 6,7 tuổi, các bậc cha mẹ dẫn chúng đến xin thầy cho được thụ giáo để có được dăm bảy chữ Thánh hiền. Thầy hỏi ý kiến chủ gia và thông thường chủ gia ưng thuận luôn, coi đây cũng là một vinh dự cho nhà mình. Thế là lễ nhập môn được tổ chức vào một “ngày lành tháng tốt” với mâm xôi, con gà, be rượu,… Trong cái ngày trọng đại đó, cha mẹ cậu bé được mời ở lại nhâm nhi cùng thầy và gia chủ, nhân tiện bàn về tướng mạo, tuổi tác, tính tình, tương lai của cậu học trò mới.
Thực hành đúng phương châm “Tiên học lễ, hậu học văn”, trong những tháng đầu tiên, cậu học trò chỉ được dạy chủ yếu cách khoanh tay, cúi đầu, chào hỏi, bẩm thưa,.. cho đúng lễ phép, đồng thời làm những việc vặt: quét sân, quét lớp, mài mựa cho thầy,… Những sai sót trong cung cách ăn ở, cư xử đã được hướng dẫn, phải trả giá bằng các trận đòn roi mây tím thịt. Sau giai đoạn học lễ, học trò mới được học chữ Thánh hiền.
Trong trường lớp, chỗ ngồi của thầy là một chiếc giường trải chiếu hoa, trên có đầy đủ những tiện nghi thời thượng: tráp, bút, nghiên, điếu, .. Học trò thì ngồi trên những chiếc phản kê sát nhau, đối diện với thầy; học trò nhỏ ngồi trước, học trò lớn ngồi sau.
Tuổi tác học trò rất chênh lệch nhau: từ cậu bé tóc còn để chỏm đến anh chàng có vợ, chuẩn bị thi Hương, tất cả tập trung trong một lớp, thầy hết giảng cho nhóm này thì quay sang giảng cho nhóm kia.
Ở những lớp học đông, thầy chỉ định hai anh trưởng tràng để giúp thầy coi sóc mọi việc. Anh Trưởng trường nội thì lo những việc trong phạm vi trường lớp, thay thầy giải quyết công việc chung. Anh Trưởng trường ngoại thì lo những việc từ cổng trường trở ra, gặp những việc rắc rối thì anh bàn với anh trưởng trường nội để cùng giải quyết.
Giờ học trong ngày cũng khác bây giờ nhiều lắm. Sáng sớm, khoảng 6 giờ, học trò lục đục đến nhà thầy để trả bài, xong rồi mới về nhà ăn cơm sáng và trở lại học vào khoảng 9 giờ; học một mạch đến 3 giờ chiều mới nghỉ.
Số ngày học trong tuần là 7/7, không nghỉ thứ năm, chủ nhật hay ngày lễ như bây giờ. Thời gian nghỉ dài hạn trong năm cũng khác. Nhằm tạo điều kiện cho học trò có thể giúp cha mẹ trong cao điểm của việc đồng áng, hàng năm có 3 kỳ nghỉ dài gọi là 3 cái tết: Tết Đoan Ngọ, nghỉ khoảng hơn 1 tháng để học trò phụ giúp cha mẹ gặt lúa; Tết Cơm Mới vào tháng 10, nghỉ khoảng 1 tháng cho vụ gặt; Tết Nguyên Đán nghỉ khoảng 2 tháng.
Việc đến đáp công sức thầy dạy được thể hiện dưới hai hình thức:
- Tiền học phí: Mỗi năm nộp cho thầy làm một hay hai lần, tất cả khoảng 4 quan tiền. Riêng chủ nhà (nơi thầy ăn ở để dạy học) thì mỗi năm may cho thầy 2 quần, 2 áo dài, 3 áo cộc.
- Tiền Tết thầy vào các kỳ nghỉ: tùy hảo tâm của cha mẹ học trò để thầy có chút tiền mua sắm và về quê nhà. Thuở ấy, các học trò lớn thường kính cẩn tiễn chân thầy về, có trường hợp đưa thầy bình yên về đến quê nhà rồi học trò mới xin phép quay trở lại.
Ngoài hai khoản tiền trên, còn có một khoản đóng góp bất thường mà bản thân thầy cũng như thân nhân thầy đều không muốn thu nhận. Đó là “tiền đồng môn” đóng trong trường hợp cha mạ thấy, vợ thầy hay chính thầy chết.
Lúc đó, anh Trưởng trường nội sẽ căn cứ vào danh sách tất cả học trò (từ lớp đầu tiên) và tùy vào hoàn cảnh mỗi người mà định khoản đóng góp. Những học trò cũ của thấy dù đang làm quan to cũng không thoát ra ngoài bảng danh sách do anh Trưởng trường nội lập. Danh sách lập xong, được giao cho anh Trưởng trường ngoại thi hành.
Ngày xưa, hành vi trốn thuế triều đình còn được dư luận châm chước chứ hành vi trốn đóng góp tiền đồng môn được coi là một vi phạm luân lý nặng nề, một hình thức vong ân bội nghĩa không thể tha thứ được!
Thời vua Minh Mạng (1820-1840), có những năm bị mất mùa, hoặc ở những địa phương nghèo, sự chăm sóc của cha mẹ học sinh cho thầy dạy không được chu đáo, triều đình phải chuẩn cho các địa phương trích ruộng công đặt làm “ruộng hương học” để dành nuôi thầy dạy con em trong làng.
Sự quan tâm của triều đình, sự kính trọng, chăm sóc chu đáo của dân làng đối với thầy dạy là cả một niềm an ủi tự hào dành cho một tầng lớp sĩ phu đem sở học và cái đạo làm người truyền cả cho đời sau.
Về chương trình học, trong hơn một thiên niên kỷ, hầu như hai bộ sách căn bản mà thầy phải dốc công dạy và trò phải dốc tâm học là Tứ thư và Ngũ kinh.
Tứ thư gồm 4 quyển: Đại học, Luận ngữ, Trung dung, Mạnh Tử; chủ yếu ghi lại những lời nói, những câu trao đổi với người đồng thời, những lời khuyên dậy học trò của đức Khổng Tử (kèm theo những lời giảng giải của những môn sinh xuất sắc của ông).
Ngữ kinh gồm có Kinh Thi, Thư, Dịch, Lễ và Xuân Thu; cũng là những công trình sưu tập hoặc san định của đức Khổng Tử dành cho đời sau.
Sau một thời gian rút kinh nghiệm về việc dạy học – không thấy sách sử ghi rõ vào năm nào – cổ nhân đã soạn ra một cuốn sách giáo khoa cho học trò mới nhập môn học trước khi vào hai bộ sách lớn kể trên.
Đó là các sách sau:
- Nhất Thiên Tự: Gọi là “một ngìn chữ” nhưng thực ra có đến 1.015 câu, toàn thơ lục bát, mỗi chữ Hán đều có kèm theo nghĩa bằng chữ Nôm,
Thiên trời, Địa đất, Vân mây,
Vũ mưa, Phong gió, Trú ngày, Dạ đêm,
- Tam Thiên Tự: Sách có tất cả 3.000 chữ, từng cặp chữ kế tiếp nhau và bắt vần với nhau: Thiên trời, Địa đất, Cử cất, Tồn còn, Tử con, Tôn cháu, Lục sáu, Tam ba, Gia nhà, Quốc nước,…
- Ngữ Thiên Tự: có 5.000 chữ, cũng ghép theo thể lục bát như Nhất Thiên Tự nhưng ghép rei6ng từng đề mục như: thiên văn, địa lý, quốc chính, luân thường,…
- Sơ học vấn tân: tóm tắt lịch cử Trung Quốc, lịc sử nước Nam và cách xử thế.
- Ấu học ngũ môn thi: Nói về lạc thú của việc học, mơ ước đỗ đạt của người học trò.
Phương pháp sư phạm thời ấy không đi dần từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp mà ngay từ đầu, học trò đã gặp những bài hóc búa bởi vì mục đích quan trọng của việc dạy học khi xưa là truyền đạt cho học trò đạo nghĩa, cương thường theo đúng câu “Tiên học lễ, hậu học văn”.
Về văn bài để luyện tập thì có thơ, phú, kinh nghĩa (bài văn giải thích một câu trích trong kinh truyện), văn sách (bài văn trả lời những câu hỏi ở đầu bài để tỏ rõ kiến thức của mình), chiếu (lời vua ban bố hiệu lệnh cho các thần dân), chế (lời vau phong thưởng cho công thần), biểu (bài văn của thần dân dâng lên vua). Trừ thi, phú thông dụng trong sinh hoạt hàng ngày, các loại khác chỉ dùng trong kỳ thi.
Vào thời nhà Nguyễn, trong hệ thống giáo dục, mỗi địa phương có một chức quan coi về việc giáo dục: Cấp tỉnh có Đốc học, cấp Đạo (tỉnh nhỏ) có Điển học, cấp phủ có Giáo thụ (Cao Bá Quát từng làm Giáo thụ phủ Quốc Oai – Sơn Tây) và cấp huyện có Huấn đạo. Các vị này có nhiệm vụ coi sóc việc dạy học ở các làng xã và tổ chức các cuộc sát hạch chuẩn bị cho kỳ thi Hương.
Để luyện cho học trò quen với văn bài, thường vào một năm trước khi kỳ thi Hương, quan Đốc học ra đầu bài hàng tháng, cho niêm yết ở Dinh Đốc học. Học trò đến nơi chép lấy đề bài về nhà làm và khoảng nửa tháng sau mang lên nộp. Đến cuối tháng, quan Đốc học cùng các vị khoa bảng có tiếng trong tỉnh họp nhau chấm bài và tổ chức buổi bình văn. Học trò trong tỉnh lũ lượt kéo về dự.
Những bài văn hay được đọc lên toàn bài hoặc trích đoạn – nêu tên tuổi, quê quán tác giả. Ai được xướng danh và bình văn sẽ rất hãnh diện với bè bạn và xóm làng. Loại hình sinh hoạt này tạo không khí sôi nỏi trong học tập và kích thích học trò rất nhiều trong việc cố gắng đèn sách.
Mỗi năm một lần, quan đầu tỉnh (Tổng đốc hoặc Tuần phủ) và quan Đốc học tổ chức tại tỉnh một kỳ thi gọi là Khảo khóa với số đề bài hạn chế gồm: thi, phú, văn sách.
Những người đậu kỳ thi này được gọi là “thầy khóa” và được miễn làm công tác phu đài, tạp dịch trong một năm. Quan trọng hơn cả đối với học trò là kỳ Tỉnh hạch mở khoảng 4,5 tháng trước kỳ thi Hương. Chỉ những người thi đỗ trong kỳ thi này mới được quan Đốc học lập danh sách gửi về Bộ Lễ để bộ này phân phối đi các trường thi. Những người đậu đầu trong kỳ Tỉnh hạch được gọi là “Đầu xứ” (Xem truyện Báo oán trong tập Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân).
Hình ảnh Thi cử triều Nguyễn Thi Tiến sĩ năm 1907
Xem như thế, ta thấy trong cái học ngày xưa, phương châm “tiên học lễ hậu học văn”.
Xem như thế, ta thấy trong cái học ngày xưa, phương châm “tiên học lễ hậu học văn” và tinh thần tôn sư trọng đạo được đề cao và thực hiện triệt để. Bên cạnh đó, ta cũng dễ nhận ra những mặt lạc hậu của nền học vấn từ chương khoa cử (chịu ảnh hưởng của thời kỳ Bắc thuộc) đang cần bổ sung, đổi mới.
Triều đình nhà Nguyễn cũng thấy điều đó. Tháng 1 năm 1824, nhân lúc bàn với quần thần về việc học, vua Minh Mạng có nói: “… Văn cử nghiệp chỉ câu nệ lối hủ lậu mà khoe với nhau, mỗi nhà lập riêng mỗi cách học, cao hay thấp, khoa trường lấy hay bỏ đều theo nề nếp ấy. Vì lối học như thế nên nhân tài ngày càng kém dần đi. Nhưng thói quen đã lâu, đổi ngay cũng khó, vài năm sau sẽ lần lần mà đổi lại …” (Trích Quốc triều chánh biên).
Tháng 8-1835, Triền đình nhà Nguyễn đã cho lựa những người trẻ tuổi, lanh lợi, thông minh cấp lương tiền cho đi học “tiếng các nước xa gần” để xét dùng về sau. Đến tháng 6 năm sau thì “Định ra chương trình dạy học trò ở quán Tứ Dịch, học tập văn tự ngoại quốc. Mấy tháng đầu thời học chữ Tây, mỗi ngày 2,3 chữ; chữ Xiêm mỗi ngày 7,8 chữ; đến 5 tháng sau, mỗi ngày học chữ Tây 6,7 chữ, chữ Xiêm ngày 11,12 chữ …” (Trích Quốc triều chánh biên).
Song song với việc học ngoại ngữ, vào thời kỳ này, những môn học toán pháp, đo lường, địa lý … cũng bắt đầu được dạy xem vào chương trình học cũ.
Khi thực dân Pháp chiếm Nam kỳ, họ nhận thấy sự quảng bá đường lối, chính sách cho dân thuộc địa bằng tiếng Hán là một việc khó khăn. Ngay từ năm 1863, người Pháp đã ban hảnh quyết định số 44 (ngày 31-3-1863) qui định việc học tại Nam kỳ – theo đó vẫn giữ lại các chức quan Đốc học, Giáo thụ, Huấn đạo; nhưng đưa thêm vào chương trình học tiếng Việt viết bằng chữ La tinh. Tuy nhiên, vào thời kỳ mới mẻ này, chương trình học tiếng Việt chỉ có tính cách nhiệm ý, chưa có tính bắt buộc, …
Năm 1879 – 1880, các nghị định của Thống đốc Nam kỳ mới tổ chức nền học chính ở Nam kỳ, qui định việc dạy và học sonh hành cả hai thứ chữ: chữ Hán và chữ Quốc ngữ.
Đến năm 1911, theo Thông tư số 86 của Quyền Khâm sứ Trung kỳ, các thí sinh dự kỳ thi Hương năm 1912 phải biểu biết chữ Quốc ngữ. Do đó các nhân viên học chính phải thiết lập bên cạnh trường dạy chữ Hán một trường dạy chữ Quốc ngữ cho thí sinh các kỳ thi Hương.
Năm 1918 là năm mở kỳ thi Hương cuối cùng trong lịch sử học và thi chữ Hán trên đất Việt Nam. Kỷ nguyên chữ Quốc ngữ thật sự bắt đầu từ đó. Chữ Quốc ngữ trở thành một phương tiện truyền thông giúp nhân dân ta sớm tiếp thụ những tiến bộ văn hóa, khoa học và kỹ thuật của thế giới.
Cách học xưa đã mai một, mực tàu thay bằng bút bi, giấy đỏ thay bằng giấy trắng, nhưng nền học cũ vẫn còn để lại tinh thần Tôn sư trọng đạo sống mãi trong truyền thống đạo lý Việt Nam.