Tôn Nhơn phủ

Tác giả: Lê Nguyễn

Nguồn: trích trong sách “Thành cổ Sài Gòn và mấy vấn đề về triều Nguyễn”, Nhà xuất bản Trẻ -1998


Phần lớn các vương triều trong lịch sử  Việt Nam được tổ chức theo chế độ cha truyền con nối và những quyền lợi hoàng tộc trở thành giai tầng xã hội có vị trí cùng những quyền lợi đặc biệt.

Để điều hành công việc trong hoàng tộc và giải quyết những vấn đề phát sinh giữa các hoàng thân quốc thích, các triều đại xưa lập ra một cơ quan phụ trách riêng.

Vào thời Nguyễn, cơ quan này có tên là Tôn Nhơn phủ (hoặc Tông Nhân phủ)


Theo các sử liệu xưa, vào đời Trần, trong triều đã có tổ chức Tôn Chính phủ (tiền thân của Tôn Nhơn phủ về sau) phụ trách các việc liên quan đến tôn thất nhà Trần, chủ yếu là soạn thảo gia phả của các vua.

Đến đầu đời Lê, không thấy đặt ra chức chưởng phụ trách công việc trong hoàng tộc. Qua thời Lê Thánh Tông (1560-1497), triều đình lập Tôn Nhơn phủ hoạt động như Tôn Chính phủ đời Trần với nhiệm vụ xét lường tài (năng), phẩm (hạnh) của những người trong tôn thấtm đưa sang cho quan Lại bộ chọn bổ và khám hỏi các vụ kiện trong tôn thất (Theo Phan Huy Chú – Lịch triều hiến chương loại chí – Tập 1 – Nxb Khoa học Xã hội, HN 1992).


Triều Nguyễn tiếp tục duy trì tổ chức Tôn Nhơn phủ, nhưng phải đợi đến năm Minh Mạng thứ 13 (1832), cơ quan này mới có một trụ sở làm việc riêng biệt đặt ở phường Trung Thuận trong kinh thành Huế, với một căn nhà chính gồm hai gian ba chái và hai nhà phụ.

Sau mấy lần tu bổ vào các năm 1890 và 1903 triều Thành Thái, tòa Tôn Nhơn phủ lại được xây dựng mới vào năm 1909 triều Duy Tân, diện tích 19m x 18m, nền cao 0,95m; với tường xây có nhiều cửa cái và cửa sổ. Trên mái tòa nhà là hình ảnh “lưỡng long triều nguyệt” quen thuộc của người Việt xưa, miêu tả hai con rồng đang vờn mặt trăng.

Gian giữa tòa nhà là nơi làm việc của vị hoàng thân đứng đầu Tôn Nhơn phủ, còn hai gian kia dành làm văn phòng của hai vị phụ tá.

Trên vách và các cột có nhiều câu đối của các hoàng thân và đại thần trong triều, nội dung biểu dương người sáng lập ra phủ, ca ngợi dòng dõi hoàng gia hoặc cầu chúc triều đại được trường tồn.

Ngoài ra còn có hai bức tranh đợc treo trong tòa nhà chính: bức thứ nhất vẽ chân dung của một vài vị đại thần thuộc hoàng tộc; bức thứ hai vẽ khu vườn và tòa nhà Tôn Nhơn phủ.

Tôn Nhơn phủ đầu thế kỷ 20


Nhiệm vụ của Tôn Nhơn phủ triều Nguyễn được minh định và chi tiết hóa hơn, chủ yếu gồm ba công việc chính:

  • Thay mặt nhà vua trong các cuộc lễ quan trọng hàng năm. Theo một dụ của vua Gia Long vào năm 1807, các hoàng tử (con trai vua) được chỉ định luân phiên nhau thay mặt nhà vua chủ tọa các lễ thường tổ chức tại các đền miếu, gồm Xuân hưởng (ngày mồng 8 tháng giêng); Hạ hưởng (ngày mồng 1 tháng tư); Thu hưởng (nhày mồng 1 tháng bảy); Đông hưởng (ngày mồng 1 tháng mười) và Hạp hưởng (ngày 22 tháng chạp). Năm 1832, vua Minh Mạng lại cửa các hoàng tử thay mặt nhà vua trong các lễ sinh nhật, kỵ giỗ của hoàng đế và hoàng hậu các thời trước, lễ Thanh minh và lễ Tỉnh yết (dọn sạch mồ mả vào tháng 12 âm lịch).
  • Hàng tháng khiểm tra đồ thờ cúng trong các lăng tẩm, đền miếu của hoàng gia, mỗi cuộc kiểm tra kéo dài trong 10 ngày. Năm 1836, vua Minh Mạng dụ thêm rằng những quan lại có nhiệm vụ trông coi lăng tẩm, đền miếu phải được thay đổi hàng năm.
  • Duy trì kỷ luật trong hoàng tộc. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của Tôn Nhơn phủ. Ngay từ năm Tân Dậu (1801), chúa Nguyễn Ánh đã nhấn mạnh đến sự hòa thuận giữa những người trong hoàng tộc và lên án các hành vi sai trái như chiếm hữu tài sản của người khác, rượu chè say sưa hay ngược đãi người dưới,…

Năm 1816, vua Gia Long lại ra một chỉ dụ cấm chỉ tất cả văn võ quan vó quan hệ cá nhân với con cháu của nhà vua dù với bất cứ lý do nào.

Đến thời Minh Mạng, qui định trên còn được chi tiết hóa thêm một bậc nữa: “Các quan lại cấp thấp trong Tôn Nhơn phủ được phép diện kiến cấp chỉ huy của mình tại phủ trong giờ làm việc, cấm chỉ những người này đến nhà cấp chỉ huy để chào hỏi, chúc mừng trong dịp lễ Tết hay sinh nhật”. (Theo Khâm định Đại Nam Hội Điển sự lệ, dẫn trong Bulletin des Amis du vieux Huế 1918).


Để đảm bảo thực hiện tốt những công việc có tính chất đặc biệt này, triều đình xưa cửa ra các viên chức phụ trách (hầu hết đều lấy người trong hoàng tộc). Thời nhà Trần vào năm 1273, người đứng đầu Tôn Chính phủ được mệnh danh là Đại tôn chính. Đến thời Hậu Lê, thời Lê Dụ Tông, năm 1720, đặt ra chức Tôn Nhơn lệnh đứng đầu Tôn Nhơn phủ, có sự phụ tá của hai vị tả hữu tông chánh và các kiểm hiệu.

Năm 1803, vua Gia Long cũng đặt lại các quan chứa trên. Đến thời Minh Mạng, nhà vua đặt thêm các chức tả hữu Tôn nhơn để “ghi chép hàng lượt người thân, người sơ, nuôi nấng và cấp tước vị cho người trong hoàng tộc”, cùng các chứa tả hữu Tôn khanh, tả hữu Tá lý, lang trung, chủ sự, tư vụ, thừa biện,…


Về mặt phẩm cấp của các quan chức trong Tôn Nhơn phủ, sự cao thấp và tính chất quan trọng thay đổi theo từng triều đại.

Thời Lê Thánh Tông, các chức vị Tôn Nhơn phủ chưa được coi trọng lắm, Tôn Nhơn phủ tả hữu Tôn thánh xấp vào hàng Tòng tam phẩm, ngang với Thị lang, dưới Thượng thư và Đô ngự sử trong triều.

Đến thời Lê Dụ Tông (1706-1729), người đứng đầu Tôn Nhơn phủ là Tôn nhơn lệnh cũng chỉ ở vào hàng Chánh tam phẩm, ngang với Đô ngự sử và tổng thái giám.

Sang thời Nguyễn, các quan chức Tôn Nhơn phủ được đặt lên vị trí cao nhất của bận thang giá trị trong triều. Năm 1803, trong hệ thống cửu phẩm, vua Gia Long xếp Tôn nhơn lệnh của Tôn Nhơn phủ cùng Tam công (thái sư, thái phó, thái bảo) lên trên cả bận nhất phẩm, còn tả hữu Tôn cah1nh được xếp vào hàng Chánh nhất phẩm, trên cả Lục bộ Thương thư (Chánh nhị phẩm).

Đến thời Minh Mạng, cuộc cải cách quan chế cũng đặt các chức vị từ Tôn nhơn lệnh đến tả hữu Tôn nhơn lên trên hàng nhất phẩm và chỉ dành cho các hoàng thân trong hoàng tộc. Trong thời kỳ này, nhà vua chú ý nhiều hơn đến Tôn Nhơn phủ và đề ra nhiều biện pháp tổ chức như Chỉ thị cho trong phủ Tôn Nhơn, Hội đồng tôn thất lại chọn người nhiều tuổi hoặc đã trưởng thành, mà có đức hạnh tốt có thể dạy dỗ được con em sung làm hệ tộc trưởng; hàng năm xem xét trong hệ, người nào hay giữ được pháp luật, người nào bất tuân giáo hối, chia loại lập danh sách đệ lên để định thưởng phạt (Minh Mạng chính yếu – Nxb Thuận Hóa, Huế 1994).


Năm 1838, vua Minh Mạng chỉ định đích thân hoàng trưởng tử Miên Tông, tước Trường Khánh công (vua Thiệu Trị sau này) kiêm giữ chức Tả tôn chánh trong Tôn Nhơn phủ. Thông thường, các hoàng thân trong Tôn Nhơn phủ chỉ đảm trách những công việc thuần túy gia tộc, việc triều chính do Thượng thư Lục bộ và các đại thần lo liệu.

Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp Tôn Nhơn phủ được lệnh phối hợp với các bộ, nhất là Bộ Lại và Bộ Lễ để cắt cử những người trong hoàng tộc ra làm quan hay tổ chức những buổi lễ với các nghi thức long trọng.

Cá biệt có trường hợp người lãnh đạo Tôn Nhơn phủ bị dính líu vào những biến động chính trị trong triều và gánh chịu những hậu quả nghiêm trọng, điển hình là trường hợp của Tuy Lý vương Miên Trinh (con trai thứ 11 của vua Minh Mạng), một nhà thơ vào nửa sau thế kỷ XIX.

Trong lúc giữ nhiệm vụ Hữu Tôn chánh Tôn Nhơn phủ, vị hoàng thân này được vua Hiệp Hòa (em ruột vua Tự Đức), con vua Thiệu trị, nâng từ tước Tuy Lý quận vương lên Tuy Lý vương (nhất tự cương) và giao phó trách nhiệm thay mặt nhà vua bên cạnh đại diện lâm thời Pháp là De Champeaux để làm một đối trọng với hai quyền thần Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết.

Tường và Thuyết phản ứng lại việc làm trên, tìm cớ giết vua Hiệp Hòa đi và đày Tuy Lý vương cùng gia quyến vào các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên.

Phải chờ đến sau khi Nguyễn Văn Tường bị đày ra đảo Tahiti và Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi ra khỏi kinh thành để tổ chức kháng chiến, Tuy Lý vương mới được trở lại Huế và tiếp tục lãnh đạo Tôn Nhơn phủ từ năm 1889 đến lúc mất năm 1897.

Mười năm sau (1907), một ông quản lĩnh Tôn Nhơn phủ khác là An Thành vương Miên Lịch (con trai thứ 78 của vua Minh Mạng) cũng gặp chuyện không may: bị vua Thành Thái nhắm bắn trong một cơn giận giữ điên cuồng. Phát súng không làm chết vị hoàng thân và ông này còn tiếp tục lãnh đạo Tôn Nhơn phủ đến năm 1920, nhưng nó lại đánh dấu sự chấm hết của vương triều Thành Thái.

Ngày nay, Tôn Nhơn phủ không còn gì ngòa một vạt đất từng là vấn đề thời sự ở Huế. Có thể vạt đất này sẽ được khôi phục, gìn giữ như chứng tích của một thời kỳ lịch sử đã qua.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!