Lễ chúc thọ trong cung đình

Tác giả: Lê Nguyễn

Nguồn: trích trong sách “Thành cổ Sài Gòn và mấy vấn đề về triều Nguyễn”, Nhà xuất bản Trẻ -1998


Trong thời đại phong kiến, đời sống cung đình của các vua chúa được điểm xuyết bằng khá nhiều lễ lạc: Lễ Tấn phong, Lễ Thánh thọ, Lễ Bảo thân, Lễ Tết chính đán, Lễ Tiến xuân, Lễ Thường triều, … và nhiều nghi lễ khác. Riêng lễ chúc thọ thường được tổ chức khi nhà vua bắt đầu bước vào tuổi 40, 50, 60,… hoặc trong những ngày đầu năm mới.

Đến thế kỷ XIX, ngoài nghi thức chúc thọ trong cung đình, các vua triều Nguyễn còn đặt ra những biện pháp khen thưởng các “thọ dân” – những thứ dân biết giữ gìn sức khỏe, đạt đến tuổi thọ cao.


Không rõ các cung đình của ta đặt ra lệ chúc thọ từ đời nào nhưng xét theo sử cũ thì vào thời Lê Đại Hành hoàng đế, năm 985, kỷ niệm sinh nhật của nhà vua được xem là nghi lễ thánh thọ. Trong dịp này, nhà vua cho người làm thuyền thả xuống sông, lấy trúc làm thành núi giả trên thuyền gọi là “Nam Sơn” rồi mở cuộc đua thuyền.

Đến các triều Lý, Trần; trong ngày lễ thánh thọ, triều đình tổ chức yến tiệc, bày những trò vui để quan dân cùng tham dự.

Đời Lê Thái Tổ (1428-1433) lấy sinh nhật làm ngày vạn thọ thánh tiết và bắt đầu định nghi thức chúc mừng. Sáng sớm ngày lễ, nhà vua đến Thái miếu lạy 4 lạy rồi về cung. Sau đó, vua ngự tại điện Triều Anh, các quan mặc triều phục dâng biểu chúc mừng.

Đến đời Lê Thánh Tông (1460-1497), mỗi năm cứ vào buổi đầu Xuân thì làm lễ bảo thần ở Thái miếu, lễ thánh thọ ở điện Cẩn Đức.


Qua thời Lê Trịnh, ngoài lễ thánh thọ dành cho vua Lê, còn có lễ diên thọ dành cho chúa Trịnh. Sáng ngày lễ thánh thọ, các tôn thất mang tước công, hầu, bá và văn võ đại thần theo chỉ của chúa Trịnh, mặc phẩm phục vào cung điện chúc mừng vua Lê.  Trước tiên, họ sắp hàng ngoài cửa Đoan môn; khi nhà vua được kiệu rước từ điện Vạn Thọ đến cửa Kính Thiên, các quan đại thần mới sắp hàng đứng hai bên sân rồng. Nhà vua được rước lên ngai, lễ chính bắt đầu.

Sau những nghi thức truyền thống, bách quan quỳ xuống, một quan đại thần tấu lên: “Chúng tôi là công hầu bá và thần liêu văn võ vâng chỉ của chúa kính cẩn dâng lời: Nay gặp ngày thánh tiết chúng tôi kính nghĩ rằng hoàng đế bệ hạ vâng chịu mệnh trời, sáng cầm nghiệp lớn, gặp sinh nhật, thêm hưởng phúc lành, chúng tôi khôn xiết vui mừng chúc tụng, kính chúc nhà vua sống lâu muôn năm”. Các quan giơ tay ngang trán tung hô vạn tuế ba lần rồi đứng lên chia ban đứng hầu. Lễ tất, vua ngự về cung.

Lễ diên thọ dành cho chúa Trịnh được tiến hành ở cung phủ. Trước một ngày cũng làm lễ dự cáo Cung miếu và các vị thờ. Sáng ngày lễ, các quan văn võ trực sẵn ở Đình Ngang. Đến giờ thì làn lọng và trống nhạc ra trước, các quan rước thọ vào bên trong phủ đường rồi đến sân phủ làm lễ và dự yến ở Đông cung (cung phía Đông, nơi thế tử, con chúa Trịnh ở). Dự yến xong, các quan vào lễ tạ chúa Trịnh.


Vào những năm 1627-1630, giáo sĩ Alexandre de Rhodes đang ở Đàng Ngoài lãnh đạo Hội truyền giáo tại đây. Ông đã có dịp chứng kiến lễ mừng thọ vua và kể lại nhiều chi tiết thú vị trong tác phẩm Histoire du Royaume de Tunquin (Lịch sử vương quốc xứ Đàng Ngoài) xuất bản tại Lyon (Pháp) năm 1631.

De Rhodes kể lại rằng, trong ngày lễ mừng thọ vua Lê, lúc mặt trời chưa mọc, một xe loan (xe vua đi) để trống được đưa ra ngoài thành, theo sau là binh lính có vũ trang và cư dân. Trên đường đi, xe dừng lại bên những cánh đồn cây cối xanh tươi, binh lính và dân chúng xúm nhau hái hoa và bẻ những cành non giắt quanh xe, phủ đầy chiếc ghế vua ngồi, rồi ổn định trật tự, theo xe trở về thành.

Trong lúc đó, nhà vua đã rời khỏi cung điện, ngồi trên một xe loan khác, theo sau là các tôn thất trong hoàng tộc cùng văn võ đại thần và lính hộ vệ, đón đầu chiếc xe loan thứ nhất đang trên đường trở lại cung điện.

Khi hai xe gặp nhau, vua Lê bước qua xe thứ nhất, ôm hôn những cành lá tươi xanh và đắm mình trên đó. Sau nghi thức này, cả hai xe trở về cung điện, theo xe là đám đông vô tận tung hô vang rền. Buổ lễ kết thúc bằng một bữa đại yến dành cho các hoàng thân, văn võ đại thần; quân lính cũng có phần chiêu đãi riêng dành cho họ.


Đến triều Nguyễn (1802-1945), lễ Thánh thọ được chú trọng trong các triều vua Minh Mạng,  Thiệu Trị, Tự Đức; những ông vua có tuổi thọ tương đối cao so với các vua triều Nguyễn sau này.

Năm Minh Mạng thứ 11 (1830), nhà vua tổ chức lễ Vạn Thọ tứ tuần đại khánh (vua Minh Mạng sinh năm 1791). Lễ Khánh tiết đã bắt đầu từ 10 ngày trước Lễ Đại khánh; trong thời gian đó, văn võ đại thần đều phải mặc triều phụ vào hầu từng ngày lẻ. Riêng các hoàng tử cũng phải mặc triều phục lần lượt đến nhà tả vu điện Cần Chánh để chờ khi có lệnh vào thỉnh an và hầu cơm vua cha. Bộ binh phụ trách việc bắn đại bác để chúc mừng.

Lễ thọ 40 tuổi bắn 5×9 = 45 phát đại bác. Lễ thọ 50 tuổi bắn 6×9 = 54 phát đại bác. Lễ thọ 60 tuổi bắn 7×9 = 63 phát đại bác. Cứ mỗi 10 tuổi, tăng một lần 9 phát đại bác.

Đến ngày chính Lễ Thánh thọ, nhà vua ngự tại điện Thái Hòa để nhận lễ mừng, xem múa hát rồi ngự tại điện Cần Chánh cho các hoàng tử cùng văn võ đại thần từ tam phẩm trở lên được dự yến. Các đại thần theo thứ tự dâng rượu chúc thọ. Nhà vua tự mình rót rượu ban cho mỗi người và thưởng gấm lụa. Ngày hôm sau, các quan văn võ từ tứ phẩm trở xuống cùng quan nhỏ trong nội các (văn phòng của vua) mới được ban yến.

Thời Nguyễn, không riêng gì nhà vua, khi hoàng thái hậu hay hoàng thái phi (mẹ vua) đến 40, 50, 60 tuổi … triều đình cũng tổ chức lễ Thánh thọ tại cung Từ Thọ (nơi ở của hoàng thái hậu).

Tuy Lý Vương – Miên Trinh (1820-1897)

Năm 1827, nhân dịp hoàng thái hậu đến tuổi lục tuần, vua Minh Mạng sai dựng trước lầu, rạp, kết gấm hoa ở cửa Thiên Thọ, bày đủ các ban nhạc bên trong rồi đích thân ông rước hoàng thái hậu đến xem. Đến ngày lễ chính, nhà vua cùng các hoàng tử, hoàng thân, văn võ đại thần đến cung Từ Thọ dâng lễ chúc mừng như vàng diệp, lễ phẩm, rước hoàng thái hậu lên ngai cho các ban nhạc tấu mừng.


Thường thì nhân các ngày lễ Thánh thọ, nhà vua ban ân chiếu, giảm thuế thân, thưởng tiền gạo cho các trạm, các sở dưỡng tế đang nuôi những người góa bụa, côi cút và tàn tật; những địa phương trước đây đã vay thóc của công mà chưa trả xong đều được miễn hết.

Đối với quan và dân, để khuyến khích họ giữ gìn sức khỏe, nâng cao tuổi thọ, có lần nhà vua đã dụ Bộ Lễ là những quan chức lớn nhỏ thọ từ 80 tuổi trở lên thì cho thưởng cấp tiền, lụa theo thứ bậc. Quan tam phẩm trở lên thọ đến 100 tuổi thì thưởng 100 lạng bạc, 10 tấm lụa; từ tứ phẩm đến lục phẩm: 80 lạng bạc, 8 tấm lụa; từ thất phẩm trở xuống: 60 lạng bạc, 6 tấm lụa.

Những người này được cấp cho biền nghạch, dựng dinh ở cửa làng để nêu khen, lại gia thêm quan hàm cà thưởng thêm ghế, gậy, gấm, đoạn, vàng, lụa, … Trong giới thứ dân, đàn ông thọ 100 tuổi được thưởng 30 lạng bạc, cấp biển có hai chữ “thọ dân” treo trước cửa nhà; đàn bà thọ 100 tuổi thì thưởng bạc 20 lạng, lụa 2 tấm, cấp bản “trinh thọ” treo trước cửa nhà.

Tại các địa phương có thọ dân, các quan phủ huyện phải thường xuyên đến hỏi thăm, ngày Tết phải cử người đến nhà cấp rượu, thịt “để tỏ rõ cái chí ưu dưỡng người già”.


Khoảng thập niên 1820, các địa phương thực hiện việc kiểm tra dâng sách tâu lên, cả nước số thọ dân 100 tuổi trở lên có hơn 100 người. Có 8 thọ dân chết trước khi danh sách tâu lên, vua Minh Mạng phạt giáng một cấp những quan lại địa phương đã chậm trễ trong việc tâu trình.

Năm 1847, vua Thiệu Trị lại định lệ các quan từ tam phẩm trở lên, ai còn cha mẹ tuổi đến 70 đều được ban cho sâm, quế, bạc, lụa,…

Đến đời Tự Đức, lễ mừng thọ được tổ chức nhân dịp Tết Nguyên Đán. Lễ mừng Thánh thọ cuối cùng của cung đình triều Nguyễn là thế kỷ XIX diễn ra vào ngày mùng một Tết Mậu Dần 1878, nhân dịp vua Tự Đức tròn 50 tuổi.

Từ đó, việc mừng thọ các vua triều Nguyễn gián đoạn gần 50 năm vì một lẽ dễ hiểu là trong số 7 ông vua kế nghiệp, không có ai còn tại vị đến 40 tuổi cả.

Mãi đến năm 1924, lần đầu tiên – và cũng là lần cuối cùng – trong thế kỷ XX, cung đình Huế tổ chức Lễ tứ tuần khánh hạ của vua Khải Định (sinh năm 1885). Trước đó một năm (1923), chương trình chi tiết buổi lễ đã được Bộ Lễ chuẩn bị chu đáo.

Lễ vật của hoàng thái tử (Vĩnh Thụy), phủ tôn nhơn, văn võ đại thần, cung phi, vợ và con các hoàng thân … được chất đầy một chánh lâu (khán đài chánh) xây dựng trước cửa Ngọ Môn.

Nhân dịp này, các quan lại dâng biểu chúc mừng. Trong hàng khách mời của vua Ka3i Định lần này có cả toàn quyền Đông Dương Merlin và khâm sứ Huế Pasquier.

Ngày 25-4-1924, Pasquier gửi cho Cơ Mật viện một văn thư công bố việc toàn quyền Merlin gửi tặng nhà vua một con bạnh tượng (voi trắng) do các thợ săn bắt được.

Tiếc rằng lễ mừng thọ đó là dịp lễ cuối cùng của vua Khải Định. Chỉ một năm sau, vào ngày 6-11-1925, nhà vua thăng hà ở tuổi 41 đầy sức sống.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!