Chính sách đồn điền ở Nam kỳ lục tỉnh

Tác giả: Lê Nguyễn

Nguồn: trích trong sách “Thành cổ Sài Gòn và mấy vấn đề về triều Nguyễn”, Nhà xuất bản Trẻ -1998


Triều Nguyễn – Chính sách đồn điền ở Nam kỳ lục tỉnh

Kể từ năm 864, sau khi được vua Đường cử sang cai trị đất Giao Châu, Kiêu vệ Tướng Quân Cao Biền đã có một sách lược kinh tế rõ rệt. Ông ta cho tập hợp dân tứ xứ lại để khẩn hoang, lập nên những đồn điền, với mục đích chính là dễ bề kiểm soát. Hình thức sơ khai của đồn điền có lẽ bắt nguồn từ thời kỳ này.

Trải qua các đời Đinh, Lê, Lý, Trần,… những chuyển biến kinh tế – xã hội khiến đất nước ta ngày một rộng lớn hơn. Đến cuối thế kỷ XVII, biên giới phía Nam của Đại Việt đã trải dài tới Hà Tiên.

Tình trạng đất rộng, người thưa đòi hỏi cần phải khuyến khích các thành phần dân cư đi khẩn hoang, lập nên những đơn vị hành chính mới. Ngay trong cuộc xung đột dai dẳng với nhà Tây Sơn, chỉ hai năm sau khi về Gia Định, năm 1790, chúc Nguyễn Phúc Ánh đã ra chỉ dụ tổ chức các đồn điền:

“.. khiến các đội túc trực ding Trung quân và quân các vệ thuyền, khẩn ruộng tại Thảo Mộc Câu, gọi là trại Đồn điền. Nhà nước cấp ngưu canh điền khí và lúa giống, đậu, bắp; hễ cắt hái xong rồi đem nộp vào kho ..”

(Quốc triều chính biên).

Song song với việc tổ chức quân đội làm kinh tế, chúa Nguyễn cũng ra lệnh mộ dân lập đội đồn điền, mỗi người được cấp đất canh tác và hàng năm nộp cho triều đình 6 hộc lúz (mỗi hộc khoảng 30kg). Như vậy, từ cuối thế kỷ XVIII đã có hai thành phần chính trong tổ chức đồn điền: một là binh lính – vừa chiến đấu vừa làm kinh tế; hai là lưu dân tứ xứ, được tập trung lại để khẩn hoang, mưu tìm sự an cư lạc nghiệp.

Đến thập niên 1810, vua Gia Long cho đẩy mạnh chính sách đồn điền, quân sự hóa một phần dân mộ:

“… lấy một nửa lập làm hương binh, biên thành đội ngũ, có việc thì làm lính, không việc thì làm ruộng,…”

(Theo Sơn Nam – Đất Gia Định xưa).

Khoảng 5 -10 năm sau, khi tổ chức đã ổn định, đồn điền biến thành hương ấp.

Đến triều Minh Mạng (1820 – 1840), tháng 5 – 1821, Tổng trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt tâu:

“Dân Gia Định phần nhiều là dân giang hồ trú ngụ, đặt ra đồn điền tăng dân thì bọn ấy đi lại không định, sợ để lụy cho dân …)

(Đại Nam thực lục chính biên).

Như vậy, vào thời kỳ này đã có một thành phần dân cư nữa trong tổ chức đồn điền, đó là những người tuy chưa phải là tội phạm nhưng cũng là dạng du thủ du thực, nếu ở ngoài tổ chức có thể gây ra những tổn hại cho trật tự trị an.

Theo tình thế lúc bấy giờ, vua Minh Mạng chấp thau65n đề nghị của ông Duyệt, cho hương lý các làng xã được tùy nghi chọn người ở lại làng hay sung vào đồn điền.

Đến năm 1836, trong thời gian bảo hộ Chân Lạp (Campuchia ngày nay), triều đình Huế đưa các phạm nhân sang thành Trấn Tây để lập đồn điền mới. Đây là một trong những sách lược đáng ghi nhận của vua Minh Mạng trong việc sử dụng phạm nhân đi làm kinh tế, tạo điều kiện cho họ tham gia sản xuất. Ở nhưng đồn điền do quân lính mới khẩn hoang và canh tác, nhà vua cho sử dụng hết những hoa lợi làm ra. Vài năm sau, khi mùa vụ đã ổn định, mới tính khẩu phần thuế phải nộp. Như vậy, trong gần nửa đầu thế kỷ XIX, tổ chức đồn điền đã tương đối có qui củ.

Tuy nhiên, phải đợi đến đầu thập niên 1850, khi vị đại thần Nguyễn Tri Phương được cử làm Kinh lược sứ Nam kỳ, chính sách đồn điền mới thực sự hoàn chỉnh.

Tháng giêng năm 1854, vua Tự Đức chấp thuận cho ông thực hiện những cải cách trong chính sách đồn điền. Theo đề nghị của ông, triều đình khuyến khích những người có điền sản đứng ra chiêu mộ dân, lập đồn điền, với những qui định chặt chẽ về tổ chức. Cứ 50 người lập thành một đội, 10 đội thành một cơ. Ai mộ đủ 50 người được cử làm suất đội, mộ 500 người được cử làm Phó quân cơ. Lại còn định lệ ban thưởng:  người nào mộ 30 dân được miễn xâu thuế trọn đời, mộ 50 dân được ban hàm Chánh cửu phẩm, mộ 100 dân được hành Chánh bát phẩm. Riêng các phạm nhân, cứ lập một đội 50 người có làng xã đứng ra bảo chứng thì được tha tội, giao cho hai tỉnh An Giang và Hà Tiên bố trí canh tác tại các đồn điền thuộc tỉnh.

Khi đời sống tại các đồn điền đã ổn định, các đội sẽ biến thành ấp, các cơ biến thành tổng, suất đội kiêm nhiệm trưởng ấp, Phó quản cơ kiêm nhiệm tổng trưởng.

Về phần chính quyền cấp phủ huyện, để ngăn chặn tình trạng biếng nhác của họ, nhà vua cũng đặt ra lệ thưởng phạt. Phủ, huyện nào mộ được 30 dân đinh, canh tác 60 mẫu ruộng thì được thưởng; chỉ được 1/5 số đó thì không được thưởng, còn không mộ được ai sẽ bị nghiêm trị. Vì lẽ đó, chính sách đồn điền không phải lúc nào cũng được đồng tình.

Trước những nhiệm vụ nặng nề được giao phó, một số quan chức dưới quyền Kinh lược sứ Nguyễn Tri Phương đã có những ý kiến bất đồng. Đại diện cho nhóm này phải kể đến Tổng đốc An Hà Cao Hữu Bằng, Tri phủ Nguyễn Cửu Tường, Bố chính Định Tường Nguyễn Đình Tân, Án sát Định Tường Vương Sĩ Kiệt. Lập luận của họ là có nhiều người lợi dụng chính sách đồn điền để chiếm canh thục điền (ruộng đã cày cấy thành điền rồi), người ứng mộ không có căn cước dễ trốn đi, cho tù nhân mở mang hoang địa là giúp họ có cơ hội trốn tránh, tiếp tục tái phạm.

Vua Tự Đức đã bác bỏ những luận điệu đó vì trên thực tế, từ năm 1854, toàn bộ sáu tỉnh Nam kỳ đã tổ chức được tất cả 21 cơ, 210 đội với tổng số dân đồn điền là 10.500 người, phần lớn sống trong tình trạng an cư lạc nghiệp. Đó là kết quả một nỗ lực không nhỏ của Kinh lược sứ Nguyễn Tri Phương. Trong số những người đứng ra mộ dân, có Trương Định, con của lãnh binh Trương Cầm đã lập nên cơ đồn điền Gia Thuận, thuộc tỉnh Gia Định.

Thông thường, những người đứng ra tập hợp lưu dân phải dùng phần điền sản sẵn có của mình để phân phát cho dân nghèo trong thời gian đầu. Nhờ thế mà chính sách đồn điền thời kỳ này đã đạt được một số thành quả nhất định trong việc tập trung lưu dân ở các nơi về, tạo điều kiện cho họ làm ăn, góp phần ngăn chặn tình trạng trôm cưới trong một vùng đất rộng lớn và phức tạp.

Điều quan trọng hơn nữa là khi thực dân Pháp bắt đầu thực hiện dã tâm xâm chiếm nước ta từ năm 1958, các đồn điền đã đóng góp khá nhiều công lao trong việc bảo vệ đất nước, điển hình là trường hợp Phó quản cơ Trương Định đã lãnh đạo cơ Gia Thuận của ông, cùng những cơ khác đứng lên chống Pháp từ năm 1859 đến 1864, gây cho giặc nhiều tổn thất nặng nề.

Sớm nhận ra tình hình bất lôi đó, ngày 22-8-1861, thực dân Pháp ra chỉ thị giải tán các đồn điền trong ba tỉnh miền Đông Nam kỳ và đến 20-9-1867, vừa đúng ba tháng sau khi chiếm nốt các tỉnh miền Tây, họ đã ban hành quyết định bãi bỏ tổ chức đồn điền trên toàn cõi Nam kỳ. Khi đó, một phần lính đồn điền được đưa về các xã thôn, sung vào các ban hương chức, hội tề, một phần trở thành lính do Pháp trực tiếp chỉ huy, số còn lại đi theo nghĩa quân tham gia kháng Pháp.

Đến đầu thế kỷ, một hình thức đồn điền mới được thực dân Pháp tung ra, đó là các đồn điền cao su, nơi mà người dân nghèo thuộc địa phải đổ mồ hôi, nước mắt, thậm chí xương máu, sống trong cảnh bần hàn để làm giàu cho thực dân Pháp.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!