Ôn Thần miếu, Thành Chơn bị nạn
Huyện Tân Mai Việt Sĩ bày mưu.
Việt Sĩ khi nghe được cựu Bách Nhỡn Song La không còn giúp đồ đệ thì mừng rỡ vừa muốn lui trở lại, bỗng có một đạo bạch quang bay đến chém. Việt Sĩ liền nhả ra viên đạn màu xanh dợt đánh bay tung lằn bạch quang lên, lằn bạch quang lại biến thành một đạo hồng quang rất lớn đánh cùng đạn quang. Thì ra lằn hồng quang ấy là của Mai Lâm Huệ vậy. Bọn Thành Chơn ẩn bốn phía thấy kiếm quang bay đánh nhau, song nhìn bốn bên không thấy có người ra Thành Chơn liền phi thân lên nóc miếu nhìn thấy lằn hồng quang của Mai Lâm Huệ từ dưới gian miếu thứ năm bay lên, Thành Chơn chạy đến dòm theo lổ thủng thấy có một mình Mai ngồi thì lấy làm mừng rỡ. Thành Chơn liền bay hạ xuống sân thấy cánh cửa miếu khéo liền đi vào, khi đến một gian phòng trống lại có một cái cửa thong qua phía tả, Thành Chơn mở dòm thấy Mai Lâm Huệ ngồi chấp tay nhắm mắt và hình như đang chuyển thần dùng hồng quang đánh với Việt Sĩ trên mái ngói. Thành Chơn lẹ như chớp, cầm kiếm nhảy đến đâm thủng vào cổ họng Mai Lâm Huệ, Mai Lâm Huệ t1 ngửa ra sau, đồng thời Thành Chơn kêu to lên rằng: “Ôi chết …” Thì ra, cái hình đấy là hình giả, quanh phòng toàn là máy gài bẫy, Thành Chơn đâm cái hình tất làm cho rung chuyển các cơ quan trong miếu, hình ngả xuống thì trên bảy mươi chiếc câu liêm sắt tung ra giựt cẳng Thành Chơn té nhào, lại có một cuộn lưới sắt cuốn Thành Chơn đem xuống hầm tối, thanh kiếm Thành Chơn thì dính cứng nơi hình giả.
Việt Sĩ nghe tiếng Thành Chơn kêu thì thất thanh cả sợ, liền thâu đạn kiếm lui ra khỏi miếu, ra hiệu cả bọn chạy đến thì thiếu mất Thành Chơn, ai cũng kinh ngạc, Việt Sĩ thuật cho biết có nhe tiếng Thành Chơn kêu thất thanh. Chúc Đức Ân nóng giận nói: “Sư phụ để cho đồ đệ xông vào trong miếu đánh phá, tất chúng phải ra mặt sư phụ sư thúc, trò Lục Cẩm Hồng và đại ca tôi đón đánh tất thắng được bọn nó.” Việt Sĩ lắc đầu bảo: “Không nên được, trong miếu nầy lắm cơ quan bí mật, cho nên chúng chẳng chịu ra đối chọi cùng bọn ta là cố ý cho bọn ta vào miếu đặng lầm các cơ quan đấy. Thôi, chúng ta nên trở về sẽ lo mưu cứu Thành hiền đệ, ta liệu bọn nó chưa giết đâu mà lo sợ.”
Việt Sĩ nói rồi khiến cùng trở về, duy có Chúc Đức Ân ra vẻ căm tức lắm. Về đến chỗ trọ Việt Sĩ dặm chơn nói: “Ta quên mất một kế hay, nhưng hiện thời dùng không đặng.” Lục Cẩm Hồng hỏi sư huynh quên mất kế chi gọi là kế hay, nói cho tiểu đệ biết với.” Việt Sĩ nói: “Ta rất nóng nên hỏng việc, phải chi đợi ngày sau ta cùng đến bảo quan tri huyện Tân Mai đem súng thần công cùng bọn ta đến nếu chúng không ra khỏi miếu thì ta đốc quân bắn phá, tất tan nát các cơ quan bí mật trong đấy, dầu cho chúng không chết được chớ cũng chẳng còn chỗ trọ, ta nhân đó đuổi đánh thì trọn thắng; hiện thời Thành sự đệ bị mắc kẹt trong miếu, làm thế nào dùng kế ấy được!”
Lục Cẩm Hồng nói: “Ta phải lo cứu Thành sư huynh rồi sẽ dùng kế ấy.” Nhơn trọn đêm nay hai phen đánh nhau nên rất mệt nhọc, Việt Sĩ phải ngồi tịnh dưỡng tinh thần, còn Lục Cẩm Hồng và anh em họ Chúc đi nghỉ.
Tối hôm sau Việt Sĩ bảo anh em họ Chúc khi đến miếu Ôn Thần phải làm như vầy, còn Lục Cẩm Hồng phải làm như vầy … Anh em họ Chúc và Lục Cẩm Hồng vâng lời đồng theo Việt Sĩ dùng thuật phi hành đến miếu Ôn Thần.
Nói lại, khi Thành Chơn bị cuộn lưới sắt cuốn xuống hầm tối lấy làm khó chịu, cuộn lưới quấn chặt vào mình tay chơn cử động không đặng, phải chịu nằm yên đấy cho đến trời sáng mới thấy Mai Vân Hạt đến cười lại rằng: “Mây là một đứa hậu sanh, có bản lĩnh gì bao nhiêu lại mong đối chọi với bực trên trước?” Mai Vân Hạt nói rồi nhận một cái nút ở bên cạnh hầm, đồng thời trong hầm thấy chuyển động, Thành Chơn được cuộn lưới tháo ra, nhưng tay chân lại bị xích sắt bó chặt lại, Mai Vân Hạt dẫn Thành Chơn lên khỏi hầm đem đến trước mặt Mai Lâm Huệ hỏi rằng: “Sư huynh liệu thoát sinh sớm cho nó hay là phải thế nào?” Mai Lâm Huệ bảo: “Chưa nên, giam nó lại một nơi, đợi bắt hết cả bọn sẽ giết một thể, giam nó có hai điều lợi, một là chúng nó nóng sự cứu cấp phải lầm các cơ quan nguy hiểm, hai làm cho chúng khủng khiếp không làm ra trò gì, như thế để cho ta bắt hết nội bọn.” Mai Vân Hạt đem Thành Chơn giam vào một nơi.
Đêm hôm sau quả có bọn Việt Sĩ đến, sau khi xem xét, Việt Sĩ thấy bọn Ngũ Đại La Hán đồng ngồi dưỡng thần tại gian miếu thứ năm bèn ra hiệu tức thời anh em Chúc Đức Báo, Chúc Đức Ân ở trước và sau phóng hỏa đốt miếu.
Lục Cẩm Hồng đứng trên nóc gian thứ năm cười sặc sặc bảo rằng: “Bọn La Hán nhà ngươi không biết sợ lửa nhỉ, ta đã đốt miếu chúng bay rồi.” Tức thời bọn Mai Lâm Huệ nghe nói có lửa đồng mở mắt thấy sáng ánh cả hai phía thì kinh hãi đồng chui ra bay lên nóc miếu, thấy Lục đang đứng cả năm nổi nóng đều phóng ra một lượt phi kiếm Lục Cẩm Hồng sợ cuống lên. Mai Lâm Huệ nhả ra một đạo hồng quang lớn bằng hai cái đấu, Mai Vân Hạt trợn mắt bay ra hai đạo hồng quan cầu vòng như hai cái móng. Bành Thiên Trúc, Cố Vĩnh Huệ và Từ Phương Đức đều nhả ra ba đạo bạch quang đồng bay đến đỉnh đầu Lục Cẩm Hồng. Lục Cẩm Hồng cũng phát ra một đạo bạch quang đỡ, nhưng một đạo bạch quang của Lục Cẩm Hồng không đối chọi nổi lại đạo hồng quang của Mai Vân Hạt, phương chi lại đến sáu đạo vừa hồng quang, bạch quang, bọn Ngũ Đại La Hán lẽ nào Lục Cẩm Hồng không sợ cuống lên, may anh em họ Chúc có dự phòng nên lật đật mỗi người khạc ra một viên đạn kiếm bay đến giúp với Lục Cẩm Hồng. Mai Lâm Huệ lại khạc ra một viên đạn kiếm nữa. Anh em họ Chúc lại phóng luôn hai đạo bạch quang ra đánh. Nhưng cũng thừa sức của bọn Mai Lâm Huệ hai đạo bạch quang của anh em họ Chúc còn yếu nên dần dần thu nhỏ lại, Lục Cẩm Hồng và Chúc Đức Báo, Chúc Đứa Ân tự biết không địch nổi, may vì bọn Ngũ Đại La Hán đang khi trong lòng bối rối vì sợ lửa cháy cả miếu, nên Mai Vân Hạt thu hai đạo hồng quang lại bỏ chạy đi chữa lửa. Mai Vân Hạt dụng phép sa mù, làm cho lửa đều tắt, Mai Vân Hạt vừa quay mình trở lại, bỗng kêu to lên một tiếng “Ôi chết!” đồng thời ngã phịch xuống nóc miếu trút linh hồn.
Thì ra, trong khi ấy Việt Sĩ đã cứu Thành Chơn trở ra gặp khi Vân Hạt không đề phòng. Việt Sĩ phóng ra một viên đạn kiếm nhỏ như hột đậu, màu xanh nhọn bay đến đâm thủng từ sau gây ra đến cổ họng, Mai Vân Hạt phải chết tức. Uổng thay, một tay có bản lĩnh phi thường như Mai Vân Hạt vì còn tham muốn tranh ngôi cướp nước cho nên phải chết cách đau thương thảm thiết ấy. Nếu bọn Ngũ Đại La Hán biết cơ trời thì ngồi yên nơi động có lẽ sẽ nên một bực thiên tiên vậy.
Việt Sĩ giết được Mai Vân Hạt thì mừng rỡ vô hạn, rồi cùng Thành Chơn đến tiếp với bọn Lục Cẩm Hồng và anh em họ Chúc. Bọn Mai Lâm Huệ tấy Mai Vân Hạt thác thì lòng đau như cắt, và có ý khiếp sợ nên Mai Lâm Huệ bảo các sư đệ rằng: “Ta trốn đi thôi” đồng hiệp nhau chạy qua hướng bắc, Chúc Đức Báo nóng tiết đuổi theo, đang chạy bỗng Chúc Đức Báo kêu ối một tiếng rồi ngã xuống chết, thì ra Chúc Đức Báo bị Từ Phương Đức ẩn phóng ra một lượt ba mũi tiêu. Chúc Đức Báo không hay đề phòng được, hai mũi trúng mắt, một mũi trúng cuống họng ngã xuống thác.
Bọn Việt Sĩ theo đến thì bọn Tứ La Hán đã chạy xa rồi. Việt Sĩ thấy đồ đệ mình vì việc nước mà thác, bất giác nhỏ đôi đôi hàng lụy, Chúc Đức Ân thương xót anh kêu khóc rất thảm, Thành Chơn và Lục Cẩm Hồng cũng không cầm lòng được. Việt Sĩ nói: “Ta giết chúng một người, lại mất đi một người, thật là một điều đáng thảm chớ không đáng vui.”
Đoạn Việt Sĩ thu viên đạn kiếm trở về và bảo Chúc Đức Ân đem tử thi Chúc Đứa Báo về huyện Tân Mai thẳng đến dinh quan tri huyện. Sau khi viên tri huyện biết quan Bảo Quốc Quận công và các Đo đốc vâng mệnh triều đình đi đánh bọn dư đảng Hồng Tú Toàn, bọn ấy lại ở vào địa phận mình cai trị thì kinh khủng không sao kể xiết.
Viên tri huyện bổn thân lo khâm liệm thi thể quan Đô đốc Chúc Đức Báo, hôm sau lập tức làm tờ chạy cáo quan trấn, quan trấn làm sớ tâu với triều đình. Tới triều đình nhà Thanh lại có em gái Chúc Đức Báo là Chúc Cẩm Hoa đang làm con nuôi bà Tây thái hậu, Cẩm Hoa được phong chức Võ Phi Công chúa. Cho nên Cẩm Hoa xin được đem tử thi Chúc Đức Báo về kinh đô mai táng, nhân đưa linh cữu Chúc Đức Báo, nên bọn Việt Sĩ phải theo về triều. Trong khi đi đường Việt Sĩ bảo viên tri huyện và hai mươi tên quân khiêng quan tài đều cùng giả người thường dân đi, đặng tránh sự phiền phức cho các quan tỉnh trấn.