Trong một khu rừng thuộc về huyện Tân Mai, rừng nầy mọc toàn giống thông, giữa rừng có một tòa cổ miếu, tòa cổ miếu nầy bỏ hoang đã ba năm nay không một người lai vãng, dầu cho đến quanh biên rừng cũng không ai dám tới!
Tòa cổ miếu nầy thờ vị Ôn Thần xưa nay rất linh hiển, cách ba năm rồi dân huyện Tân Mai cùng nhau làm lễ tế thần; đang đêm bỗng có năm con yêu tự trên trời bay xuống, tay cầm gươm, mặt mày dữ hơn thiên lôi, hà bá giết mất hơn mười người. Một con yêu bảo rằng: “Chúng mày từ đây không được léo đến miếu nầy dầu quanh biên rừng cũng vậy, vị Ôn Thần của chúng mày đã bán đứt miếu cho ta rồi, nếu chúng mày cãi lời thì chúng ta giết hết, chúng ta là Ngũ Quỷ đây.
Hương dân huyên Tân Mai vì một cơn “kinh hồn mất vía” ấy họ truyền khẩu với nhau dầu đứa trẻ lên ba cũng sợ hãi. Vì thế miếu Ôn Thần rất sầm khuất, cây cỏ rườm rà ma sầu quỉ khóc. Những đứa trẻ con nào khó dạy, hay khóc đêm thì người ta dọa: “Chốc tao đem bỏ mầy trong miếu Ôn Thần” tất nó nín khóc, nghe lời.
Hôm ấy bọn Việt Sĩ năm người là: Việt Sĩ, Thành Chơn, Lục Cẩm Hồng, Chúc Đức Báo và Chúc Đức Ân đến huyện T6an Mai. Nguyên cha Chúc Đức Báo và Chúc Đức Ân là Chúc Đức Ngươn đã thác, còn anh em họ Chúc hiện thời có học phép phi kiếm với Việt Sĩ nên có phần giỏi hơn trước nhiều. “Xem bên Một khối u tình”. Sau khi Thành Chơn hỏi ra tông tích miếu Ôn Thần có quỉ, chạy về nhà trọ nói rõ ra một lượt, Việt Sĩ bảo nhỏ rằng: “Như thế thì chúng ta đã gặp bọn Ngũ Đại La Hán rồi đó.
Ngũ Đại La Hán vốn là năm anh em đồng đạo với Mai Lâm Huệ vậy, bốn người sau là Từ Phương Đức, Cố Vĩnh Huê, Bành Thiên Trúc và Mai Vân Hạt, Mai Lâm Huệ lấy hiệu Vương La Hán, Từ Phương Đức lấy hiệu Đế La Hán, Cố Vĩnh Huê lấy hiệu Hầu La Hán, Bành Thiên Trúc lấy hiệu Bá La Hán, còn Mai Vân Hạt lấy hiệu Công La Hán, họp lại năm người gọi là Ngũ Đại La Hán. Người người hai tỉnh Bắc Nam nếu nghe đến danh Ngũ Đại La Hán thì có phần kinh sợ hơn kinh sợ Ngũ Quỷ ở miếu Ôn Thần. Trong năm năm rồi bọn Ngũ Đại La Hán có đánh nhau một lần với bọn Việt Sĩ, (khi Chúc Đức Ngươn còn sống, tại bên cây Dương cách bến Hiệp Bình hai dặm).
Bọn Ngũ Đại La Hán phải thua,nhờ Mai Vân Hạt làm phép sa mù chạy khỏi, vì thế bọn Ngũ Đại La Hán lại gắng công luyện thêm, hiện thời có phần lợi hại hơn nhiều.
Vào độ canh một, Việt Sĩ bảo nhỏ anh em họ Chúc lẻn vào miếu Ôn Thần dọ xem coi có phải bọn Ngũ Đại La Hán đến ẩn trú đó không. Anh em họ Chúc vâng lời, liệng mình lên mái ngói đi như bay, trong nháy mắt đã đến khu rừng thông, thẳng vào miếu Ôn Thần. Chúc Đức Ân bảo Chúc Đức Báo rằng: “Đại ca lên cây thông ngồi rình xem coi chừng nó có ra vào không, còn em lẻn vào trong dọ xét.” Chúc Đức Báo gật đầu liệng mình chuyền lên cây thông có phần nhanh hơn con vượn, còn Chúc Đức Ân liệng lên mái nhà nhẹ nhàn, như chiếc lá rơi, Chúc Đức Ân vừa chấm ngói thoạt có một bóng đen đi nhanh như bay đằng hướng nam vụt qua rồi biến mất. Chúc Đức Ân chuyền qua năm gian miếu thoạt thấy giang chót có ánh sáng, Chúc Đức Ân cạy miếng ngói dỡ, thấy có một ông lão đầu sói, mặc áo màu hồng đang ngồi luyện thần chuyển khí, mỗi lần ông ta thở ra thì tóc, râu, đều đứng lên, khi ông ta hít vào tóc, râu lại hạ xuống. Chúc Đức Ân kinh hãi thầm rằng: “Đấy là Mai Lâm Huệ vậy, hắn lại luyện được cái bản lĩnh phi thường ấy ta đối chọi sau được, hay hơn là quay về thuật cho sư phụ biết.” (Anh em họ Chúc là đồ đệ của Việt Sĩ).
Đức Ân nghĩ thế liền đứng dậy, thoạt có một đạo bạch quang ở dưới xông lên bắn thẳng vào đầu Chúc Đức Ân, Chúc Đức Ân cả kinh liền phóng ra một đạo bạch đối thủ, Đức Báo ngồi trên cây thông thấy đạo bạch quang của em mình có phần kém nhiều liền phóng ra một đạo bạch quang bay đến tiếp, bỗng tiếng Mai Lâm Huệ cười lạt dưới rằng: “À, đàn chuột chết nào mò đến chốn nầy.” Lạ thay tiếng của Mai Lâm Huệ vừa dứt thì đạo bạch quang hắn đổi ra đạo hồng quang lớn bằng hai cái đấu, tua tủa như mấy tràng pháo bông hiệp lại, làm cho hai đạo phi kiếm của Đức Ân Đức Báo thu dần nhỏ lại còn hai tất. Chúc Đức Ân và Chúc Đức Báo liệu không đối chọi nổi liền thu hai đạo bạch quang về, dùng thuật phi hành mà chạy. Nhưng đạo hồng quang lại có phần lẹ hơn, theo kề cách hai anh em họ Chúc lối ba thước tây, hai anh em họ Chúc đồng kêu to lên rằng: “Thôi, bọn ta tới số rồi …” Nói rồi đống đứng lại dùng phi kiếm mà đỡ, nhưng hai đạo phi kiếm của anh em họ Chúc vừa bay lên thì rớt ngay trở xuống, trong khi hai anh em họ Chúc đang luống cuống bỗng trong rừng thông bay ra một đạo xích quang đỏ như mặt trời buổi trưa đón đánh đạo hồng quang, hai đạo xích quang, hồng quang đánh nhau đồng sức. Té ra, đạo xích quang ấy của Việt Sĩ vậy.
Việt Sĩ khi bảo anh em họ Chúc đi dọ thám thì trong nóng nảy biết có việc không lành nên đi theo sau, bởi thế mới cứu kịp anh em họ Chúc. Việt Sĩ thấy đạo hồng quang của Mai Lâm Huệ hiện thời lại mạnh gấp hai khi đánh nhau ở bến Hiệp Bình, chàng lấy làm kinh ngạc. Việt Sĩ lại phóng ra một viên đạn kiếm màu xanh nhợt bay theo đường lằn xích quang Mai Lâm Huệ mà thẳng vào miếu Ôn Thần, Mai Lâm Huệ đang ngồi vận chuyển hết tinh thần bỗng thấy lằn đang quang bay đến, ông ta cười lạt, liền khạc ra một lằn đạn quang màu vàng đón đánh với lằn đạn quang màu xanh nhợt của Việt Sĩ. Mai Lâm Huệ cũng kinh ngạc, biết có Việt Sĩ đến, ông ta lẩm bẩm rằng: “Mày giỏi theo ta, chuyến này ta quyết nhổ trốc cây đinh đóng ở mắt ta cho kỳ được!” Mai Lâm Huệ nói thế liền đứng dậy liệng lên nóc nhà, dùng thuật độn quang bay ra góc rừng nơi chỗ Việt Sĩ đứng. Việt Sĩ thấy Mai Lâm Huệ đến chàng cười lạt rằng: “Ờ, nhà ngươi đã hết chỗ trốn rồi mới ra mặt nơi nầy, ta nhọc công tìm nhà ngươi trót mấy năm nay mới gặp.” Mai Lâm Huệ cũng cười lạt rằng: “Mày có tiếng là đồ lão Siêu Thần, nếu mầy phá nổi đạn quang và hồng quang của ta thì ta thệ trọng đời chịu mày là anh hùng trong thiên hạ.” Việt Sĩ tức giận liền chuyển thần khí cho đạo xích quang càng chói tỏ hơn và quấn đạo hồng quang rất kịch liệt; Mai Lâm Huệ cũng chuyển thần đánh trả lại, hai đạo hồng-xích đánh cầm đồng với nhau, lại có hai đạo quang của anh em họ Chúc bay giúp đánh với Mai Lâm Huệ, cả vừa đạn quang thành ra sáu đạo bay liệng giữa trời trông xa như sáu con kim xà bay phun lửa vậy.
Việt Sĩ đang đánh nhau với Mai Lâm Huệ bỗng thấy trong rừng thông bay ra hai đạo hồng quan cầu vòng như cái móng giúp với đạo hồng quang của Mai Lâm Huệ, thì ra hai đạo ấy của Công La Hán Mai Vân Hạt vậy. Hai đạo hồng quang vòng dài hơn một trượng, bay đến bao đạo xích quang của Việt Sĩ làm cho Việt Sĩ luống cuống vừa chạy, may lại có bọn Thành Chơn, Lục Cẩm Hồng đến mỗi người đều phóng ra một đạo bạch quang dài đồng với hai đạo hồng quang của Mai Vân Hạt. Bảy người đánh nhau đến ba giờ đồng hồ không hơn kém. Mai Lâm Huệ kêu rằng: “Các ngươi đi đến năm người, bọn ta có hai, như thế đánh nhau không gọi anh hùng được, các ngươi muốn đối thủ thì ta xin hẹn hôm sau cũng giờ này đến cùng bọn ta đối thủ.” Việt Sĩ: “Ta cũng tạm tha ngươi đến ngày mai.” Nói rồi đôi bên thâu kiếm trở về. Về đến nhà trọ Việt Sĩ nói rằng: “Kỳ này bọn Ngũ Đại La Hán có phần lợi hại hơn, bọn ta lại mất Chúc sư huynh e khi khó thắng được.” (Nói Chúc Đức Ngươn cha Chúc Đứa Ân và Chúc Đức Báo đã chết.) Bọn nó năm người, mà hôm nay đến có hai, bọn ta đối chọi đồng sức, nếu ngày mai đủ năm e khi hai đồ đệ ta đấu chọi không lại, vậy đêm nay ta phải truyền thêm đạn kiếm cho hai đồ đệ mới được.” Việt Sĩ nói rồi bảo Chúc Đức Báo và Chúc Đứa Ân ngồi định thần luyện khí, quá giờ ngọ ôm sau Việt Sĩ mới chuyển thần truyền qua cho Chúc Đức Báo và Chúc Đức Ân mỗi người một viên đạn kiếm màu lục.
Đạn kiếm, các ngài nên biết sơ qua phép dùng đạn kiếm. Đạn kiếm lại có phần hại hơn phi kiếm gắp năm. Vì luyện phi kiếm công phu rất dễ, còn luyện đạn kiếm thật kẻ nào không bền trí thì phải bỏ mạng vậy.
Trước khi luyện đạn kiếm tất phải luyện phi kiếm, khi phi kiếm thành rồi phải chuyển thần cho phi kiếm chạy vào cuống họng, ngồi kiết dà, đọc thần chú, dần dần trong một trăm ngày phi kiếm nhỏ tròn bằng hột đậu. Nếu không bền trí, không đủ một trăm ngày thì đạn kiếm lại trở thành phi kiếm trong khi kiếm trở tất có một cơn phản động, cơn phản động ấy làm cho người luyện kiếm phải nát cuống họng mà thác.
Đạn kiếm dùng đánh với kẻ nghịch, khi nhả ra đạn kiếm bay đên kẻ nghịch nếu là một bực có bản lĩnh giỏi mới biết được, còn kẻ nào không có bản lĩnh siêu thần thì đạn kiếm bay kề đến cổ họng, lẹ như chớp đầu lìa khỏi cổ đạn kiếm bay đi như con đom đóm, còn màu xanh hay đỏ tùy theo ý người luyện vậy.
Người luyện ra đạn kiếm thật là khó, mà truyền đạn kiếm qua cho kẻ khác là một sự dễ dàng. Việt Sĩ cũng không phải là người đủ tinh thần luyện được đạn kiếm, nguyên chàng có ba viên đạn kiếm là do cụ Siêu Thần Lã Khánh Tiên truyền cho vậy. Còn Mai Lâm Huệ cũng không phải là bực thông minh Thiệt triệt địa, đâu có luyện được một viên đạn kiếm, sau duyên do cũng của cụ Bách Nhỡn Song La là sư phụ của Mai cho vậy. Mai Lâm Huệ một lần đánh với Việt Sĩ bị thua nơi bến Hiệp Bình, cả năm anh em đều hổ thẹn chí quyết báo cừu nên gắng công luyện thêm phi kiếm cho đủ sức mạnh, còn Mai Lâm Huệ đi tìm thầy cầu xin đạn kiếm, một sự đi tìm thầy làm cho Mai Lâm Huệ thật khó nhọc, vì cụ Bách Nhỡn Song La không ở một nơi nhứt định, sớm đầu non, chiều góc bể, Mai Lâm Huệ đi trót ba năm trường mới gặp cụ ở đỉnh núi Thái Sơn. Sau khi cụ quở trách Mai hay làm xằng bậy, Mai kêu khóc lắm lời, cụ không nỡ để cho đồ đệ bị bại nên truyền cho một viên đạn kiếm, mà ta đã thấy Mai Lâm Huệ dùng đánh với đạn kiếm của Việt Sĩ đó.
Đúng giờ kỳ hẹn, Việt Sĩ, Thành Chơn, Lục Cẩm Hồng, Chúc Đức Ân và Chúc Đức Báo, năm người thay đồ đi đêm, liệng lên mái nhà dùng phép phi hành đi như bay, chốc đến gốc rừng thì thấy bọn Ngũ Đại La Hán chờ trước. Mai Vân Hạt cười lạt rằng: “Bọn nhà ngươi hôm nay là ngày đến số chết, các ngươi muốn đánh từ người hay là cùng đua tài một lượt?” Thành Chơn nói: “Nếu đánh từ người thì các ngươi không chạy đâu cho khỏi bị ta trói.” Từ Phương Đức tức là Đế La Hán xông ra nạt rằng: “Nào, đứa nào giỏi ra đối chọi cùng ta?” Chúc Đứa Báo xông ra vừa nói: “Có đây.” tức thì cả hai, một già, một trẻ, rút kiếm ráp chiến. Trong cuộc đấu trường kiếm này nếu lấy sức thì Đế La Hán Từ Phương Đức tuy tuổi đã sáu mươi mà mạnh hơn, còn lấy sự lẹ làng thì Chúc Đức Báo nhanh hơn, nên đồng đôi lắm. Đánh nhau ba mươi hiệp, Chúc Đức Báo thấy khó thắng liền phóng ra một đạo bạch quang dài hơn một thước năm bay lộn đón đánh, hai đạo bạch quang đối chọ nhau dần dần đạo bạch quang của Chúc Đức Báo thu nhỏ lại. Từ Phương Đức cười rằng: “À, tài mầy có bấy nhiêu thôi, phi kiếm sao không lấy đầu nó còn đợi bao giờ.” Từ Phương Đức dứt lời đạo bạch quang chiếu sáng ngời nhắm đầu Chúc Đức Báo đánh xuống, nhưng một dự lạ làm cho Đế La Hán Từ Phương Đức kêu to lên rằng: “Ô hay, giỏi lắm nhỉ.” Thì ra, khi đạo bạch quang vừa bay xuống thì Chúc Đứa Báo đã khạc ra một viên đạn – quang màu xanh nhợt, viên đạn quang mới bay ra sức mạnh đang hăng đánh tung đạo bạch quang của Từ Phương Đức bay bổng trở lên rồi hai đạo kiếm quang, một đạo màu trắng dài một thước năm tất, một đạo màu xanh nhạt nhỏ như hạt đậu đánh nhau, mà xem đạo đạn quang, nhỏ hạt đậu có phần lợi hại hơn. Chúc Đức Báo lại phóng luôn đạo phi kiếm bay qua chém, Đế La Hán Từ Phương Đức luống cuống may có Mai Vân Hạt trợn mắt bay ra một lằn khói như sa mù quấn trên đầu Từ Phương Đức cho nên phi kiếm của Chúc Đức Báo xuống không đặng. Bá La Hán Bành Thiên Trúc thấy vậy liền phóng ra một đao phi kiếm dài hai thước năm bay lên hiệp với đạo phi kiếm của Từ Phương Đức mà đánh với đạn kiếm, Chúc Đức Ân cũng phóng ra một viên đạn kiếm đón phi kiếm của Bành Thiên Trúc. Mai Lâm Huệ thấy bọn Việt Sĩ hôm nay mỗi người đều có đạn kiếm thì có ý nản lòng, liền phóng ra một đạn kiếm vàng bay lên, Việt Sĩ cũng phóng đạn kiếm màu xanh đánh lại, Mai Lâm Huệ lại khạc ra một đạo hồng quang lớn bằng hai cái đấu bay tung lên vẹt qua bọn Việt Sĩ, Việt Sĩ liền nhả ra một đạo xích quang tỏ rạng như mặt trời buổi trưa đối chọi với đạo hồng quang. Mai Vân Hạt thấy thế nổi giận trợn mắt, trong mắt bay ra hai đạo hồng quang cầu vòng như hai móng, Lục Cẩm Hồng liền phóng ra một đạo bạch quang đối chọi, trong bọn Ngũ Đại La Hán còn Hầu La Hán Cố Vĩnh Huệ chưa ra tài, bây giờ ông ta cũng phóng lên một đạo bạch quang dài năm thước, bay như con kim xà, Thành Chơn liền phóng ra một đạo bạch đồng nhau đối chọi.
Bây giờ những đạo hào quang màu trắng, màu hồng, màu đỏ và ba viên đạn quang màu xanh nhợt và một viên màu vàng bay liệng trên không chớp nháng làm cho sáng ánh một góc trời, những lằn chiếu sáng thấy xa đến mười ngàn dặm. Vì thế làm cho bọn Việt Sĩ xuýt chết. Cứ lấy theo tài lực so sánh anh em Chúc Đứa Báo, Chúc Đức Ân có đạn quang có phần lợi hại được phần mạnh hơn bọn Từ Phương Đức, Bành Thiên Trúc; Việt Sĩ thì đồng sức với Mai Lâm Huệ, Thành Chơn cũng không hơn kém Cố Vĩnh Huệ, duy cô Lục Cẩm Hồng có một đạo bạch quang mà cự với hai đạo hồng quang của Mai Vân Hạt thì có ý khiếp sợ. Trong bọn Ngũ Đại La Hán, Mai Vân Hạt đứng được bực nhì về tài phép, như thế Lục Cẩm Hồng đối chọi tay đôi không lại, nhưng nhờ đánh nhau đông nên Mai Vân Hạt cũng có ý giữ chắc, không dám ra hết bản lĩnh.
Trong khi đánh nhau, bọn Việt Sĩ đồng thanh la lớn lên rằng: “Ô hay, sao lại thế?” Thì ra ở trong miếu Ôn Thần lại bay ra một đạo xích quang như con rồng lửa, bề dài năm trượng rưỡi, nóng như thiêu đốt, làm cho mấy đạo bạch quang của Thành Chơn, Lục Cẩm Hồng, Chúc Đức Báo đều hạ xuống, thu lại nhỏ còn một tất, duy có ba đạo đạn quang màu xanh, và đạo xích quang của Việt Sĩ còn đối chọi ngăn đỡ, nhưng cũng luống cuống, bọn Ngũ Đại La Hán thấy thế đồng thanh chuyển thần Khiển phi kiếm bay đến chém bọn Việt Sĩ. Bọn Việt Sĩ liệu đối chọi không nổi toan chạy, nhưng muốn chạy cũng không sao thoát khỏi đạo xích quang khổng lồ ở trong miếu Ôn Thần bay ra được.
Đạo xích quang dài năm trượng rưỡi, nóng như thiêu đốt, cho đến đỗi khu rừng thông đều bị sức nóng khô cả cành, cháy cả lá, những điểu thú đều bị chết không biết bao nhiêu, những loài hỗ cáo, hươu nai, ở cách xa năm mười dặm cũng kinh sợ chạy la cùng rừng.
Nguyên nhơn sau cuộc đánh hôm qua, Mai Lâm Huệ và Mai Vân Hạt đi tìm ba người đạo hữu cho đủ bọn, khi đi tìm gặp nhau đồng trở về bỗng làm cho bọn Ngũ Đại La Hán mừng rỡ không sao kể xiết.
Thì ra, trong khi đi đường, bọn Ngũ Đại La Hán lại gặp sư phụ là cụ Bách Nhỡn Song La, cả năm đều chạy đến lạy chào sư phụ, cụ Bách Nhỡn Song La hỏi: “Các ngươi vì Hồng Tú Toàn quyết đạp đổ nhà Thanh mà làm không xong việc, thì biết khí số nhà Thanh đang thạnh, không thế cãi lòng trời được, duy sau có bọn cách mệnh làm nên mà thôi, nhưng thì giờ ấy còn lâu, sao các ngươi chưa chịu về núi tu thân con chạy nam sang bắc làm gì?” Mai Lâm Huệ thưa rằng: “Anh em đệ tử cũng vì danh dự của thày nên phải đối chọi với bọn Việt Sĩ là đồ đệ cụ Siêu Thần Lã Khánh Tiên, đã mấy phen đệ tử này xuýt chết, sau nhờ có sư phụ ban cho đạn quang giữ mình, song nay bọn Việt Sĩ lại kéo đến miếu Ôn Thần là nơi bọn đồ tử ẩn trú quyết làm dữ.
Mai Lâm Huệ lại thưa với cụ Bách Nhỡn Song La thêm rằng: “Bọn Việt Sĩ ỷ tài không kể đến người tiền bối, lại còn dám xúc phạm đến sư phụ.” Cụ Bách Nhỡn Song La cười rằng: “Thôi các đồ đệ đừng thêu dệt làm gì, nhân bọn này là giống Mãn Thanh, cho nên nó quyết bảo tồn ngôi đế quốc cho nhà Mãn Thanh là phải, nhưng để thầy giúp cho một phen, làm cho chúng nó kinh tởn một lần.” Bọn Ngũ Đại La Hán nghe thày nói đều mừng rỡ lạy ta rồi thỉnh cụ Bách Nhỡn Song La về miếu Ôn Thần. Vì thế mới có một đạo xích quang như con rồng lửa bay ra làm cho bọn Việt Sĩ xuýt chết đó. Nhưng cũng vì việc này mà làm cho cụ Bách Nhỡn Song La mất tiếng, và bị trách phạt ở Hư Vô Công Án là nơi các vị thiên tiên hội hiệp vậy.
Phàm theo đạo, dù cho các đảng phái nào cũng vậy, đã đến bực sư tổ thì cấm ngặt không được vì việc trần, hay vì đồ đệ mà ra tài, phải sợ kỹ điều ấy vì có hai sự hại: một là trong khi rủi không hại được kẻ hậu sanh mà còn ai không chế nhạo, hai là ra tài giết hại được kẻ nghịch lại phạm vào cái tội sát sanh.
Cụ Bách Nhỡn Song La phóng ra một đạo xích quang to lớn kia là không có ý giết chết bọn Việt Sĩ cho nên cụ cho đạo xích quang từ từ bay ra, nhưng thế mà làm cho bao nhiêu điểu thú chết vì đạo xích quanh của cụ thì đã phạm vào tội sát sanh rồi. Lại làm cho cụ mất tiếng là vì trong cơn bọn Việt Sĩ đang luống cuống xuýt chết, bỗng bên Đông Nam tới một đạo tuyết quang trắng xóa như mặt bề, làm cho đạo xích quang của cụ Song La bị ngăn lại, rồi đạo tuyết quang ấy lại cuốn bọn Việt Sĩ năm người lẹ như chớp đem trở về chỗ trọ. Bọn Việt Sĩ tĩnh hồn, nữa vui, nửa buồn, vui là có người cứu mạng, buồn là đêm giao chiến này, thất lợi rất nhiều và lấy làm ngơ ngẩn không rõ vị nào cứu mình, còn đang bàn luận bỗng có một bóng đen liệng vào phòng, anh em họ Chúc lật đạt rút kiếm toan đánh, nhưng hai ngọn kiếm của anh em họ Chúc đồng thời rớt ngay xuống đất, Việt Sĩ nhìn rõ bỗng kêu to lên một tiếng rằng: “Ô hay, may lắm! Bất hiền đệ đến đây, nếu vậy bọn ta nhờ hiền đệ cứu chết, thật là đại ơn vậy.”
Thì ra lằn tuyết quang bay đến ngăn đạo xích quang của cụ Bách Nhỡn Song La do của Bất Diệt Tử vậy. Nguyên vì Bất Diệt Tử đi vân du khắp mọi nơi, một hôm đang đi bỗng thấy một góc trời có mấy đạo hào quang bay tung lên đánh nhau, Bất Diệt Tử dụng phép độn quang bay lại gần đứng xem thấy bọn Ngũ Đại La Hán hiện thời không chịu thua bọn Việt Sĩ thì khen thầm. Bỗng Bất Diệt Tử thấy đạo xích quang to lớn trong miếu Ôn Thần bay ra thì Bất Diệt Tử biết có cụ Bách Nhỡn Song La đến tiếp tay với đệ tử, nếu ra mặt cự với cụ Bách Nhỡn thì phạm vào tội “phạm thượng” e phải đến chịu án nơi động “Hư Vô Công Án” còn nếu không cứu bọn Việt Sĩ thì mất danh thầy mình. Vì thế Bất Diệt Tử mới khạc ra một đạo tuyết quang cứu bọn Việt Sĩ khỏi chết đó.
Bất Diệt Tử là sư đệ của Việt Sĩ, đồ đệ thứ hai của cụ Siêu Thần Lã Khánh Tiên sao lại có bản lĩnh cự nổi với cụ Bạch Nhỡn Song La là một bực “thông thiên triệt địa” bản lĩnh phi thường ấy? Trước quyển Một khối U linh tôi đã có chép Bất Diệt Tử tuy đồ đệ thứ hai cụ Siêu Thần Lã Khánh Tiên, chớ thật giỏi hơn đồ đệ thứ nhứt là Việt Sĩ gấp mười, theo lời Việt Sĩ thuật cho bọn Thành Chơn, Lục Cẩm Hồng và anh em họ Chúc nghe thì cái căn cơ tu luyện của Bất Diệt Tử thật vô lượng vô biên, có thể so sánh với thày là cụ Siêu Thần Lã Khánh Tiên được, vì thế cụ Lã Khánh Tiên mới đem hết đạo pháp truyền cho Bất Diệt Tử. Ta nói cụ Bách Nhỡn Song La là một bực “thông thiên triệt địa”, bản lĩnh phi thường thì ta cũng có thể nói Bất Diệt Tử cũng một bực đến chỗ “thông thiên triệt địa, bản lĩnh phi thường vậy”, nhưng vì trong đạo pháp có cái luật “bất phạm người trước”. Cho nên Bất Diệt Tử không dám ra mặt đối chọi với cụ Bách Nhỡn Song La, nhưng vì cứu khỏi bọn Việt Sĩ mà cụ Bách Nhỡn Song La mất tiếng thua bọn hậu tiến, còn Bất Diệt Tử cũng phải một phen bị thầy là cụ Siêu Thần quở trách, và không cho đi vân du, cấm ngặt ở tại động một kỳ hạng là mười năm trời. Lại vì sự thua thẹn ấy mà cụ Bách Nhỡn Song La thệ không biết gì đến bọn Ngũ Đại La Hán nữa.
Nói lại sau khi cụ Bách Nhỡn Song La thấy đạo xích quang của mình vội trở lại, cụ trợn mắt phía tả dòm suốt thấu ba muôn dặm, thấy một gã thiếu niên là Bất Diệt Tử dùng phép động quang và khạc ra tuyết quang cảng xích quang của cụ, cụ nhìn thấy trên đỉnh đầu Bất Diệt Tử có một đạo thanh quang nhỏ như chỉ thông lên đến các vị Đại La Thiên Kim ở cửa trời thứ ba mươi sáu, cụ Bách Nhỡn Song La kinh ngạc biết đạo hạnh Bất Diệt Tử đã đến bực “thông thiên triệt đị”, không sao đố chọi được, cụ liền thu đạo xích quang về và dụng phép độn quang lẹ như chớp trở về động.
Còn Bất Diệt Tử vừa đến nơi trọ của Việt Sĩ chưa kịp trò chuyện bỗng cùng mình rởn óc, mới biết có lịnh thầy đòi về quở trách về tội phạm người trên, nên Bất Diệt Tử cũng dùng phép độn quang bay đi mất.
Bọn Việt Sĩ lấy làm kinh ngạc, vì thấy Bất Diệt Tử đến, đi, trong nháy mắt, không rõ lẽ nào? Nhân tấy có Bất Diệt Tử đến Việt Sĩ mới bàn rằng: “Bọn Ngũ Đại La Hán cậy có phép thần thông của thày chúng là cụ Bách Nhỡn Song La, còn bọn ta há không cậy có tài Bất hiền đệ sao. Vậy chúng ta chớ bỏ dịp may nầy, phải trở lại dọ xét nơi miếu Ôn Thần một phen nữa. Cả bọn đều khen phải, đồng liệng mình lên máy nhà dùng phép phi hành đến miếu Ôn Thần. Việt Sĩ bảo Thành Chơn ẩn cửa nam, Lục Cẩm Hồng ẩn cửa bắc, Chúc Đức Báo ẩn của đông, Chúc Đức Ân ẩn cửa tây, Việt Sĩ tự mình vào trong miếu nọ. Việt Sĩ đến gian thứ năm, giở hở một lỗ ngói để mắt dòm xuống thấy Mai Lâm Huệ đang ngồi luyện khí, lại nghe tiếng nói phía tây, Việt Sĩ lại sang nơi đấy lóng tai nghe tiếng một người nói rằng: “Vì một sự bất ngờ này, làm cho sư phụ giận anh em ta …” tiếng trả lời khác rằng: “Nhưng khi ta trừ được bọn đồ đệ lão Siêu Thần xong sẽ về tạ tội và tu luyện luôn.” Tiếng khác rằng: “Xem bản lĩnh bọn đồ đệ Siêu Thần cũng chẳng ra gì, ta ngại một lẽ có kẻ khác lẫn giúp bọn nó …” Tiếng cãi lại rằng: “Khi đánh nhau chúng nó xúyt chết, nhờ đạo tuyết quang bay đến cứu, đạo tuyết quang ấy có lẽ là một bực tiền bối phải chăng là lão Siêu Thần đến cứu đồ đệ lão, hay là một vị nào thấy chúng lâm nguy không nỡ làm ngơ, nhưng theo phép đạo các bực ấy không giúp chúng mà đối chọi với bọn ta được.”
Việt Sĩ nghe tứ La Hán là Từ Thiên Đức, Ma Vân Hạt, Bành Thiên Trúc và Cố Vĩnh Huệ bàn luận nhau mới hay cụ Bách Nhỡn Song La đã đi rồi, Việt Sĩ lấy làm mừng rỡ.