Tình khờ – Tám

Chuyện xảy ra một buổi tối nóng nực đầu tháng Chín, mùa thu năm Naomi mười tám tuổi. Ở văn phòng công việc đìu hiu nên tôi về nhà trước giờ tan sở một tiếng. Thật bất ngờ, Naomi đang đứng trong vườn nói chuyện với một cậu trai mà tôi chưa trông thấy bao giờ.

Cậu ta trạc tuổi Naomi hoặc cùng lắm chỉ hơn một tuổi. Cậu mặc bộ kimono màu cháo lòng không có lớp lót, đội cái mũ rơm kiểu cao bồi có dải băng trang trí màu sáng. Vừa nói cậu ta vừa cầm cái ba-toong gõ gõ vào đôi dép quai hậu bằng gỗ dưới chân. Gương mặt cậu ta có đường nét và rắn rỏi, chân mày rậm nhưng đáng tội là lấm tấm đầy mụn.

Naomi đang ngồi xổm dưới chân cậu trai ở sau luống hoa nên tôi không thấy cô rõ lắm. Tôi chỉ thấy khuôn mặt quay nghiêng thấp thoáng và mái tóc cô nàng sau nhưng bông bách nhật, nải và trúc đào.

Cậu chàng thấy tôi bèn bỏ mũ ra và chào Naomi. “Hẹn gặp lại sau,” anh chàng bảo, nhanh chân chạy ra cổng.

”Chào anh nhé,” Naomi nói và đứng dậy. Cậu ta đáp ”Chào” mà không quay lại nhìn cô nàng. Khi lướt qua tôi, cậu ta đưa tay cầm vành mũ như muốn giấu mặt đi.

”Ai vậy?” Tôi hỏi, không phải vì ghen mà chỉ tò mò trước cảnh tượng lạ lùng vừa trông thấy.

”Cậu ấy hả? Bạn em đó. Tên là Hamada.”

”Em biết cậu ta lâu chưa?”

”Ồ, lâu rồi. Anh ấy cũng học thanh nhạc ở Isarago. Mặt anh ấy đầy mụn vậy nhưng hát hay lắm. Giọng nam trung rất ổn. Bọn em cũng tham gia hợp ca với hai người nữa ở buổi trình diễn vừa rồi.”

Tôi soi kỹ đôi mắt Naomi, lòng đã có chút ngờ vực trước nhận xét không cần thiết về diện mạo của cậu kia nhưng cô nàng trông ung dung, thái độ vẫn y nguyên như bình nhật.

“Cậu ta có thường xuyên đến đây không?”

“Không, lần đầu anh ạ. Nhà anh ấy ở cùng xóm nên ghé qua. Anh ấy bảo bên đó đang mở câu lạc bộ giao lưu nhảy đầm nên rủ em nhập hội.”

Thực sự tôi hơi lo, nhưng nghe Naomi tôi cũng dần chấp nhận những điều cô nói. Chắc lý do cậu chàng đến chỉ có thế. Hai đứa nói chuyện trong vườn vào giờ tôi thường ở sở về, vậy là đủ để xóa tan sự nghi ngờ của tôi.

“Em có nói sẽ tham gia không?”

“Em bảo để cân nhắc đã …” Sau đó Naomi bất chợt đổi giọng xin xỏ mè nheo: “Anh không cho hả? Đi mà! Hay anh cũng tham gia với em xong chúng mình đi với nhau luôn.”

“Anh cũng tham gia câu lạc bộ được à?”

“Ai cũng tham gia được mà. Cô giáo là người Nha, quen cô Sugizaki dạy nhạc ở Isarago. Cô ấy trốn từ Siberia sang đây, không có tiền, nên cô Sugizaki mở câu lạc bộ để giúp bạn. Càng nhiều học viên càng tốt. Anh cho em tham gia đi mà!”

“Được. Nhưng không biết anh có học kiêu vũ phương Tây được không nhỉ?”

“Tất nhiên là được. Anh học được ngay ý mà.”

“Nhưng anh có biết gì về nhạc nhẽo đâu.”

“Ôi dào, cứ học là anh nghe nhạc sẽ vào thôi. Chả có gì đâu. Joji, anh phải tham gia câu lạc bộ cùng em nhé. Em không khiêu vũ một mình được đâu. Chúng mình thỉnh thoảng phải ra ngoài. Hôm nào cũng chết dí ở nhà chả vui gì cả.”

Tôi đã cảm nhận từ trước là Naomi bắt đầu buồn chán với cuộc sống bấy giờ của hai đứa. Hơn ba năm đã qua từ ngày chúng tôi xây dựn tổ ấm ở Omori. Trừ kỳ nghỉ hè ra, chúng tôi dành toàn bộ thời gian chỉ có hai người trong “ngôi nhà cổ tích”, tránh né tiếp xúc với xã hội nói chung; chơi trò gì với nhau đi nữa thì rốt cuộc Naomi cũng thấy nhạt. Tệ hơn nữa, Naomi là loại cả thèm chóng chán. Thoạt tiên cô nàng sẽ toàn tâm toàn ý vói hoạt động mới nhưng hứng thú của cô không được bao lâu. Mặt khác, lúc nào cô cũng phải có cái gì đó tiêu khiển, chán đánh bài, chơi cờ và bắt chước minh tinh màn bạc thì Naomi quay lại với luống hoa cô đã bỏ mặc một thời gian dài. Naomi lúi húi với những bông hoa, xới đất ầm ĩ, gieo hạt, tưới nước nhưng chẳng qua chỉ là giết thời giờ chốc lát.

“Chán quá đi.” Naomi bảo. “Làm gì bây giờ?” Nằm trên ghế sofa, cô đặt quyển tiểu thuyết vừa mở ra xem sang một bên và há miệng ngáp. Mỗi lần thấy cô nàng như thế, tôi ao ước có cách nào thêm nếm chút đặc sắc cho cuộc sống tẻ nhạt của chúng tôi. Lời mời vào câu lạc bộ nhảy đầm xuất hiện đúng lúc đấy nên tôi nghĩ nhận lời cũng chẳng phải ý tồi. Naomi đâu còn là cô bé Naomi ba năm trước khi chúng tôi đi Kamakura cùng nhau. Mọi chuyện đã đổi khác. Nếu tôi cho Naomi trưng diện, đem cô nàng giới thiệu với tầng lớp thượng lưu, cô có thể ngang tài ngang sức với hầu hết các quý bà quý cô. Tôi thấy phơi phới tự hào với ý nghĩ đó.

Như đã nói, tôi chưa hề có bạn bè thân thiết nào ngay cả ở trường học, tôi cố trốn tránh những mối quan hệ không cần thiết nhưng không hề e ngại bon chen vào tới tinh hoa. Gốc gác quê mùa, vụng về trước những thú vui thượng lưu và lúng túng trong quan hệ giữa người với người nên tôi rụt rè bẽn lẽn, có điều chính lý do đó lại khiến giới thượng lưu đặc biệt hấp dẫn tôi. Tôi đã cưới Naomi ngay từ đầu vì muốn biến cô ngàng thành một mỹ nhân, tay trong tay với nàng mỗi ngày, để thiên hạ phải tán thưởng nàng. “Bà nhà thật quý phái.” Tôi muốn nghe những người thượng lưu nói như vậy. Tham vọng đó thôi thúc tôi, tôi không muốn nhốt Naomi trong “lồng” mãi mãi.

Như Naomi bảo, bà giáo dạy khiêu vũ là một Nữ bá tước tên là Aleksandra Shlemskaya. Phu quân là ông Bá tước đã mất tích trong Cách Mạng Tháng Mười. Họ có hai mục con nhưng bà cũng không biết chúng lưu lạc nơi nào, bản thân bà suýt nữa đã không trốn được sang Nhật Bản. Không còn cách nào khác để mưu sinh nên bà đành dạy khiêu vũ giao tế. Câu lạc bộ được tổ chức bởi giáo viên thanh nhạc của Naomi là cô Sugizaka để giúp bà Bá tước, còn thư ký là cậu Hamada bạn Naomi, sinh viên trường đại học Keio.

Lớp học được mở ở tầng hai một tiệm chuyên doanh nhạc cụ phương Tây tên là Yoshimura nằm trên dốc Hijiri ở Mita. Nữ bá tước cứ một tuần hai lần vào thứ Hai và thứ Sáu đến đấy, thành viên câu lạc bộ có thể chọn bất kỳ khung giờ nào tiện lợi cho mình từ bốn giờ chiều đến bảy giờ tối. Học phí là hai mươi yên một tháng cho mỗi người, nộp trước học sau. Naomi với tôi cùng tham gia mất bốn mươi yên. Tôi nghĩ bỏ ra từng ấy tiền đúng là ngớ ngẩn ngay cả khi bà giáo đúng là Tây xịn, nhưng Naomi một mực cho rằng khiêu vũ phương Tây cũng như nghệ thuật múa truyền thống của Nhật đều là thú chơi xa hoa, của nào phải kèm tiền nấy. Không cần kéo dài giờ học. Có năng khiếu chỉ cần học trong một tháng, gà mờ đến đâu thì cũng chỉ cần ba tháng. Như thế chả phải đắt đâu.

“Đầu tiên phải giúp Madam Shlemskaya đã. Người đàn bà đáng thương. Khi xưa là Nữ bá tước, giờ thì sa cơ lỡ vận thế kia. Hamada bảo bà ấy khiêu vũ tài lắm. Bà cũng dạy được cả khiêu vũ biểu diễn nữa nếu có người muốn học. Vũ công chuyên nghiệp chả biết gì đâu. Phải học mấy người như bà ấy mới chuẩn.” Naomi liến thoắng như thể hiểu biết về khiêu vũ lắm không bằng và hăng hái quảng cáo cho bà Bá tước cô còn chưa gặp bao giờ.

Naomi và tôi gia nhập câu lạc bộ như thế đấy. Chúng tôi đồng ý gặp nhau mỗi thứ Hai và thứ Sáu lúc sáu giờ tối ở tiệm nhạc cụ trên dốc Hijiri. Naomi đi thẳng từ chỗ học nhạc còn tôi đi từ cơ quan. Ngày đầu tiên cô gặp tôi lúc năm giờ ở trạm Tamachi, dẫn tôi đến tiệm nhạc cụ. Đó là một cửa hàng nhỏ hẹp nằm lưng chừng dốc. Ở trong bày nhiều dãy đàn dương cầm, phong cầm, máy quay đĩa và các thứ nhạc cụ khác chen chúc trong một không gian nhỏ. Tiếng bước chân xen lẫn tiếng máy hát láo nháo vọng xuống từ lầu trên, có vẻ như lớp học khiêu vũ đã bắt đầu. Năm hay sáu thanh niên nhìn như sinhu7vie6n đại học Keio đang lởn vởn ở chân cầu thang. Cách họ nhìn Naomi chằm chằm khiến tôi khó ở. Rồi một đứa gọi to, giọng thân thiết: “Naomi!” Đó là một thằng trong nhóm sinh viên. Cậu ta cầm cái gì đó từa tựa như đàn nguyệt, có phải là đàn mandolin không nhỉ? Cậu ta vừa gảy vừa lên dây đàn.

“Chào đằng ấy.” Naomi suồng sã nói. Nghe như giọng mấy cậu học trò. “Ma-chan sao rồi? Không đi khiêu vũ à?”

“Chả đến lượt tớ,” cậu ta đáp, cười gợi ý. Cậu để cây đàn lên kệ. “Môn đấy không hợp với tớ. Lớp vỡ lòng mà hai mươi yên một tháng thì đắt quá.”

“Nhưng chưa biết gì thì làm sao giờ?”

“Chẳng bao lâu các cậu đều biết khiêu vũ phải không nào, thế thì tờ sẽ xui cậu dạy tớ. Tội gì phải phí tiền? Thấy người ta thông minh chưa?”

“Điêu vừa thôi Ma-chan! Đồ khôn lỏi. Thế Hama có ở trên kia không?”

“Ừ, ở trên đó. Lên mà xem.”

Cửa tiệm hình như là địa điểm tụ tập của đám sinh viên trong khu phố. Chắc Naomi qua lại chỗ này thường xuyên lắm, xem ra ai cũng quen mặt cô nàng.

Tôi vừa lên cầu thang theo Naomi vừa bảo: “Naomi, mấy cậu sinh viên ấy là ai?”

“Đấy là âu lạc bộ Mandolin của trường Keio. Các cậu ấy thô lỗ hưng không phải người xấu đâu ạ.”

“Toàn là bạn em hả?”

“Không hẳn là bạn bè. Em đến đấy mua sắm vô tình gặp họ thế là quen thôi.”

“Mấy cậu đó là hạng người gia nhập câu lạc bộ khiêu vũ à?”

“Cũng có thể. Mà có khi không phải. Thế anh nghĩ thành viên câu lạc bộ phải già hơn hả? Mà thôi, biết ngay ấy mà.”

Phòng tập ở ngay đầu hồi hành lang tấng hai. Chúng tôi vừa lên hết cầu thang thì trông thấy năm, sáu người đang dậm chân đếm nhịp bằng tiếng Anh: “One, two, three.” Vách ngăn giữa hai phòng kiểu Nhật đã bị dỡ để hợp thành một không gian lớn, mặt sàn được lát ván gỗ để chúng tôi đi vào bằng giày. Hamada đang chạy đôn chạy đáo rắc bột lên sàn – tôi đoán là để làm sàn trơn hơn thì phải. Đó là khoảng thời gian trong năm mà ngày dài và nóng nực, ánh tà dương lọt qua những ô cửa sổ hướng Tây để mở. Chìm trong sắc đỏ nhạt lung linh, một thân hình đơn độc đứng giữa phòng trong chiếc áo cánh bằng lụa Georgette trắng và chân váy vải xéc màu chà,. Dĩ nhiên đó là Madam Shlemskaya. Tôi nghe nói Madam có hai đứa con nên đoán mò rằng bà ta chừng ba lăm, ba sáu, nhưng hóa ra nom chỉ như ba mươi. Trông bà có dáng vẻ cương nghị và những nét nghiêm trang của một quý tộc từ trong trứng, phẩm chất của bà càng được tôn lên nhờ nước da trắng toát, tai tái, trắng đến mức hơi đáng sợ. Trông biểu hiện quyền uy, trang phục tao nhã và những món trang sức lấp lánh trên ngực, trên ngón tay bà, tôi thấy câu chuyện nghe được về sự nghr2o túng của Madam quá khó tin.

Một tay cầm cái roi ngắn, vẻ mặt cau cau có có, Madam nhìn chằm chằm vào chân các học viên, lặp đi lặp lại “”One, two, three”” (giọng Nga của bà phát âm “three” thành ”tree”), lặng lẽ mà rắn rỏi. Theo ướng dẫn, các học viên của bà xếp thành hàng, từng buo1c do dự di chuyển về phía trước và phía sau. Trông bà như một nữ quân nhân đang chỉ đạo duyệt binh, cảnh tượng này làm tôi nhớ đến kịch Nữ Chiến Sĩ Xông Pha của nhà hát Rồng Vàng ở Asakusa. Một trong số các học viên là một cậu mặc Âu phục – chắc không phải sinh viên đại học. Người khác là một cô gái trẻ ăn mặc nhã nhặn, nom có vẻ là con nhà gia giáo vừa tốt nghiệp trường Cao đẳng Nữ sinh, đang chăm chú tập luyện với một anh chàng mặc trang phục truyền thống Nhật Bản, cô nàng chắc thuộc hạng thiếu nữ đoan trang, nhìn có cảm tình lắm. Hễ có học viên nào bước sai, bà Bá tước nói “No!” một tiếng sắc lẹm, đến ngay chỗ học viên đó thị phạm lại. Nếu có người học không vô, mắc nhiều lỗi, bà ta sẽ kêu lên ”No good!” và quất roi xuống sàn. Thỉnh thoảng bà Bá tước vụt vào chân học viên túi bụi, không nương tay với ai dù là nam hay nữ.

”Chà, bà ta đúng là giáo viên tâm huyết đấy nhỉ? Thế mới chuẩn.”

”Vâng, quả là Madam Shlemskaya tâm huyết lắm. Giáo viên người Nhật không toàn tâm toàn ý, chứ người phương Tây, ngay cả phụ nữ, đều rất chuyên tâm. Đúng là mở rộng tầm mắt! Madam dạy một mạch mấy tiếng liền không nghỉ, bất chấp nóng bức. Tôi đề nghị mang đến cho Madam ít kem nhưng bà ấy không chịu. Bà ấy bảo đang dạy là không có thiết gì cả.”

”Trời đất, bà ta không mệt mới kinh chứ.”

”Người phương Tây có thể chất khỏe mạnh. Không như người xứ ta. Nhưng tôi cu4ng thấy tội cho bà ấy. Chị biết không, xưa kia bà là vợ một ông Bá tước, ăn trên ngồi trốc, thế rồi Cách mạng nổ ra thì phải đi làm nghề này.”

Hai phụ nữ ngồi trên sofa ở phòng bên cạnh đang dõi theo tiến trình buổi học và trầm trồ ngưỡng mộ. Một cô chừng hai lăm, hai sáu tuổi môi mỏng mặt tròn, đôi mắt lồi ra như con cá vàng Trung Quốc. Mái tóc chải vượt ra sau của cô được búi lên đỉnh đầu thành một cuộn tóc cao, nhấp nhô như lưng con nhím. Ở gáy cô cài một cái kẹp tóc bằng đồi mồi trắng to tướng. Chiếc obi dệt hoa văn Ai Cập được cài bằng một chiếc kẹp ngọc bích. Chính cô này là người cám cảnh và tấm tắc khen ngợi Madam Shlemskaya. Cô đang nói chuyện với một phụ nữ vào khoảng bốn lăm tuổi, những nếp nhăn li ti và làn da nứt nẻ lộ ra phía sau lớp phấn trắng dày đang loang lổ vì mồ hôi. Không biết do ngẫu nhiên hay cố ý mà phần tóc hung hung bên trong lưới chụp tóc của cô ta vừa lộn xộn vừa xoăn tít. Dáng cao gầy, người đàn bà ăn mặc lòe loẹt nhưng nom lại hao hao một khán hộ đã bỏ nghề.

Mấy người xung quanh các bà cô này đang khép nép đợi đến lượt, người khác hình như đã học ít nhiều thì đang nhảy theo đôi quanh phòng.

Hamada, thư ký câu lạc bộ đang sốt sắng đổi đĩa nhạc và đề nghị ghép đôi với những người đang nhảy lẻ, có thể vì cậu ta là đại diện của Nữ bá tước mà cũng có thể chính cậu ta thích thế. Tôi tự hỏi loại đàn ông nào lại máu mê học nhảy đầm, bèn quan sát những anh chàng trên sàn nhảy. Tôi ngạc nhiên bởi chỉ có Hamada là người duy nhất ăn diện. Hầu hết những người khác mặc bộ com-lê ba mảnh vô vị, trông như những người làm công lương ba cọc ba đồng, không có tý thẩm mỹ thời trang nào. Mà ai cũng trẻ hơn tôi. Chỉ một tay kia có lẽ đã ngoài ba mươi tuổi. Tay này diện áo đuôi tôm, đeo kính gọng vàng, để bộ ria dài kiểu cổ lỗ sĩ. Y là người học chậm nhất lớp, Nữ bá tước cứ luôn miệng mắng mỏ ”No good!” và lấy roi vụt y hết lần này tới lần khác. Y cười nhạt, vẻ ngớ ngẩn rồi lại ”one, two, three” lại từ đầu.

Cái gì đem một gã đàn ông ngần ấy tuổi đến lớp học khiêu vũ? Tôi tự hỏi. Nhưng sau đó tôi nhận ra tôi và hắn chẳng khác gì nhau. Nói gì thì nói, tôi chưa bao giờ làm một chuyện ghê gớm thế này. Dù tôi chỉ ở đó để ghép đôi với Naomi nhưng khi tưởng tượng đến việc bị những cô gái kia soi mói và người đàn bà Tây phương mắng mỏ, tôi đã muốn vả mồ hôi lạnh. Tôi lo sốt vó không biết đến lượt mình sẽ thế nào.

”Xin chào. Chào mừng anh gia nhập.” Hamada nói. Sau khi nhảy xong hai hay ba bài, cậu ta qua chào chúng tôi, lau cái trán lấm tho6imu5n bằng khăn tay. ”Rất vui được gặp lại anh ạ,” cậu ta nói với tôi bằng cái giọng hơi trịch thượng. Rồi cậu quay sang Naomi. ”Cám ơn nhé, nóng nực thế này mà vẫn đến cơ đấy. Có cái quạt nào không cho mượn phát. Làm trợ lý chẳng dễ chút nào.”

aomi rút cái quạt từ thắt lưng đưa cho cậu ta. ”Nhưng Hamada này, nhảy giỏi thì mới được làm trợ lý của cô giáo. Anh học từ bao giờ thế?”

”Anh ấy hả? Chừng sáu tháng trước. Nhưng em thông minh, học nhanh ấy mà. Người nam dẫn, người nữ chỉ việc theo.”

”Mấy anh đàn ông hôm nay là ai thế?” Tôi hỏi.

”Hầu hết họ là nhân viên của Tập đoàn Dầu khí Phương Đông ạ.” Cậu ta nói chuyện với tôi trang trọng hơn lúc nói với Naomi. ”Một người bà con của cô Sugizaki là thành viên hội đồng quản trị. Em nghĩ ông ta đã giới thiệu họ đến.”

Tập đoàn Dầu khí Phương Đông vo71i nhảy đầm! Một sự kết hợp không tưởng, tôi nghĩ. ”Thế quý ông có ria mép kia cũng là nhân viên tâp đoàn phải không?”

”Thưa không, anh ta là một bác sĩ.”

”Bác sĩ à?”

”Dạ vâng, ông đó là người tư vấn vệ sinh trong công ty. Ông ta bảo nhảy đầm để rèn luyện sức khỏe thì không gì bằng, cho nên phải học mới được.”

”Thật không?” Naomi cắt ngang. ”Hama-san, nhảy đầm là tập thể dục ấy hả?”

”Chứ sao. Thậm chí mùa đông mà nhảy đầm cũng vả mồ hôi, ướt hết cả áo sơ mi. Đó là cách vận độn rất tốt còn gì nữa. Nhất là theo cách Madam Shlemskaya dạy ấy.”

”Bà ấy có hiểu tiếng Nhật không?” Tôi hỏi. Tôi đã thắc mắc chuyện đó một lúc rồi.

”Hầu như không. Bà ấy chỉ toàn nói tiếng Anh thôi.”

”Tiếng Anh à? E là tôi không giỏi tiếng Anh giao tiếp, có lẽ tôi nên …”

”Ôi dào. Ở đây chúng ta cùng hội cùng thuyền cả mà. Madam Shlemskaya nói tiếng Anh chẳng đâu vào đâu, lôm côm hơn cả chúng em anh ạ. Không có gì đáng ngại hết. Vả lại học khiêu vũ anh cũng đâu cần phải nói. Chỉ ”one, two, three” rồi làm theo động tác của cô giáo là xong.”

”Ồ, Naomi. Em tới lúc nào thế?” Cô nàng cá vàng cài trâm đồi mồi trắng hỏi.

”Em chào cô Sugizaka.” Chộp lấy tay tôi, Naomi kéo tôi đến ghế sofa nơi cô giáo dạy nhạc đang ngồi. “Cô Sugizaki ơi, đây là anh Kawai ạ …”

“À, vâng.” Naomi đỏ mặt, cô Sugizaka cũng thế, hai người không đợi để ghe thêm nữa, đứng lên vẻ biết điều và cúi đầu.

“Vô cùng hân hạnh, tôi rất mừng được làm quen với anh. Tôi tên à Sugizaki. Cảm ơn quý anh hôm nay đã đến. Kìa Naomi, đem cái ghế lại đây em.”

Lại quay sang tôi, cô nói: “Mời quý anh ngồi ạ. Sắp tới lượt anh rồi, quả chúng tôi không muốn làm anh phải nhọc lòng chờ đợi.”

Tôi không nhớ mình trả lời như thế nào. Chắc chỉ lầm lầm gì đó. Tôi không biết phải cư xử ra sao với một người phụ nữ sử dụng loại ngôn ngữ trang trọng cứng nhắc ấy. Trong trường hợp này, tôi càng thấy ngại ngùng thậm tệ vì đã không hỏi Naomi cô giá biết được quan hệ giữa chúng tôi rõ đến mức nào.

“Vui lòng cho tôi giới thiệu anh nhé?” Không thèm để ý vẻ khó chịu của tôi, cô Sugizaki chỉ tới một người phụ nữ có mái tóc xoăn tít. “Đây là phu nhân ông James Brown tử Yokohama. Còn đây là ông kawai đến từ một công ty điện lực ở Oimachi.”

Thì ra người đàn bà đó là vợ của một người ngoại quốc – tôi tự nhủ, và nghĩ lại thì trông chị ta giống như nhân tình của người ngoại quốc hơn là một nữ khán hộ. Tôi cúi đầu chào cứng nhắc hơn bao giờ hết.

“Tôi hỏi khi không phải, đây là foist time (first time – lần đầu) của anh à?” Chị ta vồn vã bắt chuyện với tôi ngay. Tôi không thích cái kiểu phát âm tiếng anh ỏn ẻn ‘foist time’ của chị ta, với lại chị ta nói rất nhanh.

“Xin chị nhắc lại được không ạ?” Tôi lúng túng bảo.

“Vâng, anh ấy mới học thôi ạ.” Cô Sugizakj đế vào.

“Ồ, thế ạ? Anh biết không, các gien-ơ-men đi học thì moa moa đíp-phờ-cồ hơn la-đỳ (gentleman – quý ông, more difficult – khó hơn, lady – quý bà), nhưng học rồi là sẽ bắt kịp ngay ấy mà.”

“Moa moa cái quỷ gì thế?” Tôi tự hỏi. Rốt cuộc tôi mới nhận ra là “more, moe”. Chị này rất ưa nói chuyện bồi thêm tiếng Anh vào. “Gentleman” thì đọc thành “gie-ờ-men”, “little” thành “li-ồ”, vân vân. Cái giọng tiếng Nhật của chị cũng lạ tai. Chị ta liên tục liến thoắng, hơi tý lại “biết không” với “biết không”.

Chị ta lại nói chuyện về Madam Shlemskaya, rồi về khiêu vũ, về ngoại ngữ, âm nhạc – các bản xô-nát của Beethoven gì gì đấy; bản giao hưởng Số 3 gì gì đấy, đĩa nhạc vàng của hãng A hay hơn đĩa nhạc của hãng B. Tôi ngán ngẩm chẳng biết phải đối đáp ra làm sao, nên chị ta bèn đảo chủ đề tán gẫu về cô dạy nhạc. Tôi suy luận rằng chị Brown này đang học piano với cô giáo Sugizaki. Vì không có khả năng nắm lấy thời cơ thoái thác một cách lịch thiệp, tôi đành ngồi kẹp giữa hai phụ nữ hoạt ngôn mà thương thay cho cái thân mình.

Sau khi o6g bác sĩ râu kẽm và hội nhân viên công ty dầu khí kết thúc bài học, cô giáo Sugizaki dẫn tôi và aomi đến chỗ Madam Shlemskaya và giới thiệu bằng tiếng Anh trôi chảy – Naomi trước, tôi sau, có lẽ là theo nguyên tắc ưu tiên phụ nữ của người phương Tây. Cô Sugizaki gọi Naomi là “cô Kawai”. Tôi đã tò mò đợi xem Naomi phản ứng thế nào khi đứng trước mặt một người phương Tây. Dĩ nhiên, Naomi bình thường tự cao tự đại là thế mà vẫn mất bình tĩnh trước mặt bà Bá tước. Madam Shlemskaya nói có một, hai câu, cho phép một nụ cười dè sẻn hiện lên trên gương mặt nghiêm khắc của bà và chìa tay ra. Naomi mặt đỏ bừng, len lén bắt tay bà mà không nói gì cả. Đến lượt tôi, thậm chí tôi còn tệ hơn. Nói thực tôi còn chả dám nhìn khuôn mặt trắng nhợt như tạc của bà ta. Tôi lặng lẽ chạm vào bàn tay bà, bàn tay lấp lánh với cơ man những viên kim cương bé xíu. Tôi còn không ngước mắt lên.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!