Tình khờ – Sáu

Nuông chìu Naomi đến thế nhưng tôi vẫn chưa từ bỏ cái khát vọng ban đầu của mình, ấy là cho cô bé ăn học đàng hoàng, biến cô bé thành một người phụ nữ đứng đắn, thanh lịch. Tôi không có ý niệm rõ ràng thế nào là ”đứng đắn” với ”thanh lịch”, nhưng đã nghĩ về cái gì đó mơ hồ, giản đơn kiểu như ”một người đàn bà hiện đại, tinh tế mà mình không phải xấu hổ khi sánh đôi bên nàng”. Việc ”biến Naomi thành người phụ nữ thanh lịch” có ăn nhập gì với ”cưng nựng Naomi như búp bê” không? Bây giờ chuyện đó xem chừng lố bịch nhưng tình yêu dành cho cô làm tôi bối rối quá chừng nên không thể nhận thấy cái mâu thuẫn lồ lộ đó.

”Naomi, chơi là chơi, học là học,” tôi luôn nói. ”Em chịu khó chăm chỉ cải thiện bản thân, anh sẽ mua cho thêm nhiều thứ nữa.”

‘Cô nàng lúc nào cũng trả lời: ”Dạ, em sẽ học, em hứa sẽ trở thành một người phụ nữ thanh lịch.”

Ngày nào cũng thế, ăn tối xong tôi sẽ dành nửa tiếng cho cô, ôn lại bài đọc và hội thoại tiếng Anh. Tôi nói gì thì nói, ”chơi” và ”học” cứ lẩn vào nhau. Mặc bộ đồ nhung hoặc váy ngủ, Naomi nằm bò trên ghế, ngón chân tro lủng lẳng một chiếc dép như món đồ chơi.

”Naomi, em làm gì vậy! Học thì phải nghiêm chỉnh chứ!”

Cô nàng ngồi thẳng lại, cúi mặt xuống, vờ làm giọng nhõng nghẽo của học sinh tiểu học: ”Xin lỗi thầy giáo ạ!” hoặc ”Thầy Kawai ơi, em xin lỗi!” Sau đó liếc xéo một cái rồi nhéo má tôi. Tôi không đủ can đảm hà khắc với cô học trò đáng yêu này, những lời trách mắng của tôi luôn kết thúc bằng trò chơi cưỡi ngựa nhong nhong.

Tôi không biết giờ thanh nhạc Naomi làm cái gì, nhưng cô bé học tiếng Anh với bà Harrison đã được hai năm. Nhẽ ra bây giờ cô đã phải tiến bộ kha khá chứ. Naomi đã học xong sách vở lòng, bấy giờ đã đi được già nửa quyển trung cấp; giáo trình nghe nói của Naomi là English Echo, còn giáo trình ngữ pháp là cuốn Ngữ pháp Trung Cấp của Kanda Naibu. Chừng đó tương đương với trình độ lớp chín. Nhưng học lực Anh văn của Naomi vẫn lẹt đẹt dưới cả học sinh lớp tám. Thắc mắc, tôi bèn hỏi bà Harrison.

Bà giáo tử tế, mập mạp đã quá lứa lỡ thì đáp với một nụ cười vui vẻ: ”Đâu, đâu có.” Tiếng Nhật của bà cô nầy hơi kỳ cục. ”Naomi rất sáng dạ. Em nó học giỏi.”

”Cô bé đúng là sáng dạ, nhưng tôi tin rằng năng lực tiếng Anh của cô bé nhẽ ra phải khá hơn thế này. Naomi đọc được, nhưng về cấu trúc văn phạm hay dịch từ Anh sang Nhật thì …”

”Không đâu,” bà giáo mỉm cười ngắt lời tôi. ”Anh nghĩ sai. Người Nhật chỉ quan tâm đến ngữ pháp, dịch thuật. Thật tệ quá. Học tiếng Anh không được nghĩ về ngữ pháp, Không được dịch. Đọc tiếng Anh, đọc đi đọc lại – thế mới tốt nhất. Naomi phát âm hay. Nói tốt. Tiếng Anh của em sẽ sớm khá lên.”

Bà cô có lý. Nhưng ý tôi không phải là ép Naomi ghi nhớ văn phạm một cách máy móc. Nhẽ ra học Anh văn hai năm, hết ba quyển tập đọc, thì cô nàng chí ít cũng phải nắm được thì quá khứ, chuyển sang câu bị động, và khi nào thì dùng câu giả định. Nhưng bảo Naomi dịch từ tiếng Nhật sang tiếng Anh thì rõ ràng cô bé chẳng có chút kiến thức nào như vậy. Naomi còn không hơn được các học sinh trung học hạng bét. Cứ cái đà này, dù đọc phát âm Anh tốt đến đâu thì Naomi cũng chẳng thể nói tiếng Anh lưu loát được. Chả hiểu hai năm vừa rồi cô bé được dạy cái gì. Nhưng bà giáo phớt lờ vẻ phật ý của tôi, gật gà gật gù xem chừng ớn hở tự tin lắm: ”Naomi là một cô bé thông minh,” bà ta nhắc lại.

Tôi đoán các giáo viên Tây có sự ưu ái nào đó với các học trò Nhật. Nói là ”thiên vị” thì hơi quá lời song tôi phải nói chuyện đó quả là có thật. Tôi thấy hình như hễ thấy đứa bé trai, bé gái nào trông tây tây; lém lỉnh, dễ thương một tý là họ kết luận ngay đứa ấy thông minh, nhất là mấy bà quá lứa lỡ thì. Đó là lý do tại sao bà Harrison cứ khen ngợi Naomi tới tấp – ngay từ đầu bà ta đã khư khư cho rằng Naomi là ”cô bé thông minh.” Naomi phát âm rất trơn tru, đúng như bà giáo nói. Giọng cô bé hay là nhờ học thanh nhạc và hàm răng đều tăm tắp. Tiếng Anh của Naomi nghe cũng du dương, tôi chắc cha81cn về mặt này ít ra cô bé hơn hẳn tôi. Chẳng trách bà Harrison lại mê mẩn giọng Naomi thế. Tôi nhận ra bà giáo yêu mến Naomi đến cỡ nào khi ngỡ ngàng trông thấy những bức ảnh Naomi được ghim đầy quanh gương trang điểm của bà.

Tôi không hài lòng với quan điểm và phương pháp sư phạm của bà Harrison, nhưng bà ta là một người phương Tây có cảm tình với Naomi và khen cô nàng sáng dạ. Đây đúng là thứ tôi hy vọng, và mặc dù bực bội tôi vẫn thấy hả hê khi bà Harrison trực tiếp khen ngợi với tôi. Không chỉ thw61 – như hầu hết những người Nhật khác, tôi có xu hướng cảm thấy bất lực khi giao tiếp với người Tây phương và mất can đảm để nêu chính kiến. Bị những lờino1il tự tin bằng thứ tiếng Nhật kỳ quặc của bà Harrison làm rối, tôi đã không nói được những điều nên nói. Không vấn đề gì, tôi tự nhủ. Nếu bà giáo thấy thế, thì mình bổ sung những chỗ còn khuyết tại nhà. Tôi bảo bà Harrison: ”Vâng, đúng thế thật. Đúng như chị nói. Giờ tôi hiểu rồi. Tôi sẽ không còn lo lắng nữa.” Với một nụ cười mơ hồ nịnh nọt, toi sin phép cáo từ và ra về trong tức tối. Tôi chẳng giải quyết được gì cả.

”Joji ơi, cô Harrison bảo thế nào?” Tối hôm ấy Naomi hỏi. Cứ nghe khẩu khí đó, thì cô nàng tự mãn với sự ủng hộ của bà giáo và chẳng xem trọng vấn đề lắm.

”Cô ấy nói em học rất tốt. Nhưng người phương Tây không hiểu tâm lý học trò Nhật. Cô ấy đã lầm khi cho rằng chỉ cần phát âm hay, nói liến thoắng là đủ. Em nhớ giỏi nhưng lúc anh bảo em dịch lại thì em chẳng hiểu nội dung gì sất. Thế thì có hơn gì con vẹt đâu. Cứ thế thì tiếng Anh của em không thể dùng trong thực tiễn được.”

Đó là lần đầu tiên tôi thực sự trách mắng Naomi. Tôi khó chịu trước vẻ mặt đắc ý và cái cách cô vào hùa với bà Harrison như muốn nói: ”Em bảo anh thế nào?” Ngoài ra, tôi còn nghi ngờ chuyện Naomi có thể trở thành ”người phụ nữ thanh lịch” mà chúng tôi đã bàn tới. Bỏ chuyện tiếng Anh của cô sang một bên, chả khó khăn gì để đoán định tương lai cho cái đầu óc không thể nắm được những quy tắc ngữ pháp. Tại sao con trai học hình học, đại số ở trường trung học? Mục tiêu không chỉ là cung cấp một công cụ thực tiễn mà còn để trau dồi khả năng sử dụng tư duy chính xác. Trong quá khứ, phụ nữ không có óc phân tích cũng được thôi, nhưng nay thì không. Một người đàn bà muốn ”ngang hàng với người Tây phương” và ”thanh lịch” cũng chẳng ăn nhằm gì nếu cô ta không có khả năng tư duy, phân tích một cách có hệ thống.

Trước đây tôi chỉ dành chừng ba mươi phút ôn bài cho Naomi. Bây giờ tôi chặt chẽ hơn, dạy cô bé dịch Nhật- Anh và ngữ pháp khoảng một tiếng hoặc một tiếng rưỡi mỗi ngày. Tôi không cho phép cái không khí cợt nhã đùa giỡn như trước, mà mắng thẳng vào mặt Naomi. Vì cô yếu nhất môn đọc hiểu nên tôi hạn chế giải thích chi tiết, chỉ cho vài gợi ý để tự cô phải suy luận phần còn lại. Chẳng hạn khi đang học về thì quá khứ, tôi sẽ cho Naomi bài tập thế này: ”Nào, thử dịch một câu sang tiếng Anh nhé, nếu em đọc hiểu được tiếng Anh thì cũng phải dịch được tiếng Nhật sang tiếng Anh.” Sau đó tôi kiên nhẫn chờ Naomi đưa ra câu trả lời. Nếu Naomi làm sai, tôi cũng không nói là sai ở đâu. ”Em không hiểu chứ gì? Xem lại ngữ pháp đi,” tôi bảo, đưa quyển sách giáo khoa cho Naomi hết lần này đến lần khác.

Nếu cuối cùng Naomi vẫn không làm được tôi sẽ bảo: ”Naomi, đơn giản thế này mà cũng không xong thì về sau làm nên trò trống gì? Giờ em mấy tuổi rồi? Đã bị chỉnh bao nhiêu lần ở đúng một chổ mà vẫn không hiểu? Đầu óc để đi đâu thế? Bà Harrison khen em sáng dạ mà anh chẳng thấy sáng dạ chỗ nào. Có thế này mà cũng không làm được thì đi học thể nào cũng đội sổ.” Rốt cuộc tôi nóng máu và bắt đầu quát cô nàng, Naomi phồng má, bĩu môi rồi bắt đầu sụt sùi.

Bình thường chúng tôi là cặp đôi hạnh phúc nhất, quấn quýt nhất – Naomi cười tôi cũng cười, hai đứa chẳng bao giờ lời qua tiếng lại. Nhưng đến lúc ôn bài tiếng Anh cho cô nàng, tâm trạng hai chúng tôi trở nên u ám, bức bách. Mỗi ngày một lần tôi sẽ nổi nóng còn cô nàng thì giận dỗi. Ban nãy còn khúc kha khúc khích, bỗng chúng tôi ngồi cứng nhắc, nhìn nhau bằng đôi mắt thù địch. Tôi quên khuấy luôn cả nguyện vọng ban đầu là biến Naomi thành một người phụ nữ thanh lịch; thất vọng trước sự bất lực của mình, tôi bắt đầu thấy cô bé khó ưa. Nếu Naomi là một thằng nhóc bướng bĩnh, khéo tôi đã điên lên cho ăn đòn rồi. Nhưng không, lúc nào tôi cũng chỉ quát ”Đồ ngu!” là hết mức. Có lần tôi cốc đầu Naomi một cái. Phản ứng của cô bé trở nên tiêu cực, có biết đáp án cũng không chịu trả lời. Cố kìm nén những giọt nước mắt tuôn dài trên má, cô ấy ngồi im như khúc gỗ. Mỗi khi rơi vào tâm trạng mâu thuẫn này Naomi cực kỳ bướng, mà bản tính cô bé thì không có sự nhượng bộ. Cuối cùng tôi đành chịu, bỏ ngang luôn.

Rồi một ngày kia có chuyện xảy ra. Tôi đã bảo Naomi không biết bao nhiêu lần rằng thì tiếp diễn (doing, going, vân vân) thì phải đặt động từ ”to be” lên trước, nhưng cô mãi không hiểu. Naomi cứ sai vẫn hoàn sai kiểu “I going” hoặc ”he making”. ”Đồ ngu!” Tôi gào thét liên tục. Tôi cắt nghĩa những cách chia động từ ”go”, các thì quá khứ, tương lai, tương lai hoàn thành, quá khứ hoàn thành đã khàn cả cổ. Thế mà không ngờ Naomi vẫn dốt đặc cán mai. Con bé viết ”He will going” rồi ”I had going.” Nổi điên, tôi gào lên, ”Ngu! Ngu không để đâu cho hết! Phải nói bao nhiêu lần là không được chia thành ”will going” với ”had goinh”? Không hiểu thì phải làm đến khi hiểu thì thôi. Em còn sai thì anh chưa tha cho em, có phải thức cả đêm cũng phải làm đúng.” Tôi thô lỗ đẩy mạnh cây bút chì và cuốn tập về phía Naomi. Mặt cô tái nhợt. Môi cô mím lại, cặp mắt ánh lên nhìn tôi dưới khuôn mặt cúi gằm. Đột nhiên cô bé giật lấy quyển vở xé toạc làm đôi và ném xuống sàn. Sau đó, cô lại nhìn tôi bằng ánh mắt đáng sợ như muốn khoan một lỗ trên mặt tôi.

”Em nghĩ mình đang làm gì hả?” Sốc trước ánh mắt chằm chằm dữ tợn của cô, tôi cần một khoảnh khắc để bình tâm lại. ”Muốn làm loạn hả? Đứa nào bảo là muốn học? Đứa nào bảo là sẽ học chăm? Rồi thì ‘Em sẽ trở thành một người phụ nữ thanh lịch’. Em thay đổi suy nghĩ rồi à? Sao lại xé sách xé vở như thế? Xin lỗi anh đi. Em không xin lỗi, anh cắt đứt cới em! Ra khỏi nhà ngay hôm nay!”

Naomi im lặng một cách lì lợm, mặt trắng bệch như tờ giấy. Một cái cười nhạt thấp thoáng trên môi cô mặc dù cô sắp khóc đến nơi.

”Được lắm, đừng xin lỗi làm gì nữa. Ra ngoài. Cút, cút ngay!” La mắng như thế chỉ như nước đổ đầu vịt với con bé này thôi, tôi nghĩ, rồi đứng dậy gói ghém mấy bộ quần áo của Naomi và cuộn vào thành một bọc. Tôi cầm theo cả cặp táp từ tầng hai xuống, lấy ra hai tờ mười yên, ”Naomi, ” tôi nói, dí sát cái bọc vào tay cô. ”Anh đã bỏ mấy thứ vào trong này. Cầm lấy, đêm nay về Asakusa. Đây là hai mươi yên. Không nhiều nhặn gì, nhưng bây giờ thì tạm đủ. Mấy hôm nữa anh sửa soạn xong xuôi, mai anh sẽ gửi nốt chỗ đồ đạc còn lại của em … Sao? Naomi, sao em không nói gì cả?”

Trông Naomi láo toét thế chứ cô nàng rốt cuộc vẫn là trẻ con. Chùn bước trước quyết tâm của tôi, cô bé cúi xuống nom thật tội, cái đầu như muốn thụt vào cổ.

”Em ngang bướng, nhưng anh đã nói là làm, không nhân nhượng. Nếu em biết mình sai thì xin lỗi. Không muốn thì về nhà đi. Quyết định đi. Có xin lỗi không? Hay muốn về Asakusa nào?”

Naomi lắc đầu.

”Thế là không muốn về chứ gì?”

Cô bé lại lắc đầu.

Có bé lại lắc đầu.

”Em có xin lỗi không?”

Cô gật đầu.

”Nếu vậy anh tha cho em. Cúi đầu xin lỗi cho tử tế vào.”

Cô bé miễn cưỡng chống tay lên mặt bàn nhưng có vẻ muốn giễu cợt tôi khi cúi đầu vẻ lơ đãng, đôi mắt nhìn lãng đi.

Bất kể đó là bản chất Naomi ngay từ đầu hay tại tôi dung túng cô bé thì tính tình ngang ngược, hỗn hào của cô ngày càng tồi tệ. Hoặc có thể tôi đã bỏ qua, xem đó như trò nghịch ngợm dễ thương của thiếu nữ khi cô mới mười lăm, mười sáu và bây giờ khi đã lớn hơn thì Naomi được thể tác quái ngoài tầm kiểm soát. Trước đây Naomi vùng vằng nhõng nhẽo nhưng bị mắng một tí là sẽ ngoan ngay, ấy vậy mà bây giờ hễ có gì không hài lòng là cô nàng lập tức làm mình làm mảy. Naomi khóc cũng đáng yêu nhưng thi3ng thoảng, tôi có mắng mỏ đến đâu cô bé vẫn thách thức tôi bằng cách giả bộ ngây thơ hoặc ngước nhìn tôi bằng ánh mắt sắc lẻm. Nếu dòng điện sinh lý là có thật thì đôi mắt Naomi tích nhiều điện lắm đấy. Có vẻ như khó mà tin được đó là đôi mắt của một phụ nữ. Long lanh,o65sa81c bén, dữ tợn nhưng vẫn ánh lên vẻ quyến rũ thần bí. Và đôi khi Naomi phòng đôi mắt dữ tợn vào tôi, tôi thấy chợt rùng mình.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!