Tình khờ – Hai

”Naomi, em trông như Mary Pickford ấy.” Tôi nói câu này vào buổi tối ở một tiệm ăn Tây chúng tôi ghé qua sau khi xem một phim của minh tinh mary Pickford.

”Vậy hả?” Trông cô nàng chả vui lắm. Cô nhìn tôi vẻ thắc mắc như muốn hỏi sao bỗng dưn tôi lại nói như thế.

”Em không nghĩ thế sao?” Tôi kiên trì.

”Em không biết mình có giống cô ý không, nhưng ai cũng bảo em giống con lai.” Cô nàng thờ ơ bảo.

”Có gì đáng ngạc nhiên đâu. Này nhé, em có một cái tên lạ tai. Ai đã đặt cho em cái tên Naomi rõ tinh tế như vậy?”

”Em không biết.”

”Bố em hả, hay là mẹ?”

”Em không chắc …”

”Thế bố em làm gì kiếm sống?”

”Em không có bố.”

”Còn mẹ em?”

”Em có mẹ …”

”Còn các anh chị em thì sao?”

”À, nhiều lắm ạ, có anh chị, với một cô em gái …”

Những chủ đề này thi thoảng được nhắc tới nhưng hễ tôi hỏi về gia đình là Naomi trông bực bội, trả lời trớt quớt cho qua chuyện.

Mỗi khi đi đâu đó cùng nhau, chúng tôi thường sắp xếp để hẹn nhau một giờ nhất định ở trên một chiếc ghế băng trong công viên trước chùa Quan Âm. Cô bé luôn đến đúng giờ, chưa lỡ hẹn lần nào. Thỉnh thoảng vì lý do này hay lý do khác tôi  đến trễ, lo ngại cô sẽ bỏ về trước nhưng lúc nào cô cũng ở đó đợi tôi.

”Anh xin lỗi, Naomi. Em đợi đã lâu chưa?”

”Dạ, lâu rồi.” Cô bé trông không giận dỗi hay ấm ức mấy. Một lần chúng tôi hẹn nhau chỗ một cái ghế băng thì trời chợt đổ mưa. Tôi tự hỏi cô ấy sẽ làm gì. Khi đến nơi, tôi xúc động nhìn cô co ro nép vào dưới mái hiên một ngôi đền nhỏ bên hồ đợi tôi.

Vào những dịp như thế, cô bé mặc bộ kimono lụa đã sờn, chắc là đồ cũ bà chị thảy cho, cùng đai lưng bằng lụa muslin. Cô bé vấn tóc kiểu truyền thống hợp với tuổi, khuôn mặt phủ lớp phấn trắng nhẹ. Cô đi đôi tất tabi vá chật khít, nhưng vẫn đẹp. Khi tôi hỏi lý do tại sao cô bé vấn tóc kiểu Nhật vào ngày nghỉ, Naomi chỉ nói ”Vì ở nhà bảo thế.” Như thường lệ, cô chẳng bao giờ giải thích ngọn ngành.

”Muộn rồi. Anh đưa em về,” Tôi gợi ý như thế mấy lần nhưng lúc nào cô cũng bảo. ”Không sao đâu. Em tự về một mình được. Đường không xa mà.” Khi chúng tôi đến đoạn rẽ ở Công viên giải trí Hanayashiki, cô ấy quay đầu chào tạm biệt và chạy về phía Senzoku.

Tí nữa thì quên. Không cần thuật lại quá nhiều những việc ngày ấy, nhưng chúng tôi từng có một cuộc trao đổi khá thân mật, thoải mái.

Đó là một buổi tối ấm áp vào cuối tháng Tư mưa rơi lất phất. Quán thưa khách, không gian rất yên tĩnh. Tôi ngồi bên bàn một lúc lâu nhấm nháp đồ uống. Nói thế nghe như thể tôi là người sành sỏi rượu chè lắm, nhưng thực ra tôi hầu như không uống gì. Để giết thời giờ, tôi gọi ly cốc-tai ngọt loại phụ nữ uống và chậm rãi thưởng thức từng ngụm một.

Khi Naomi bưng đồ ăn lên, tôi hỏi: ”Em ngồi đây một phút nhé?” Nhờ men rượu mà tôi bạo lên một tí.

”Gì vậy ạ?” Cô bé ngoan ngoãn ngồi xuống bên tôi và đánh một que diêm khi tôi rút cây thuốc lá hiệu Shikishima ra.

”Em nói chuyện với anh mấy phút nhé? Hôm nay em có vẻ không bận lắm.”

”Cũng hiếm khi được thế này anh ạ.”

”Lúc nào em cũng bận à?”

”Từ sáng đến đêm. Em không có thời gian đọc.”

”Em có thích đọc không, Naomi?”

”Dạ có.”

”Em đọc gì?”

”Tạp chí loại nào em cũng thích. Em đọc gì cũng được.”

”Anh nể em đấy. Nếu em thích đọc như vậy thì nên học ở trường nữ sinh.” Tôi nói một cách cố tình và nhìn thẳng mặt cô bé. Chắc cô thấy bị xúc phạm, cô hếch mũi lên nhìn vào khoảng không nhưng vẻ buồn bã, bất lực trong mắt cô thì không lẫn vào đâu được.

”Naomi, em có muốn học thật không? Nếu có, anh có thể giúp em.” Cô bé vẫ làm thinh, nên tôi nói thêm với giọng vui vẻ hơn, ”Nói đi chứ. Em muốn làm gì? Thích học cái gì nào?”

”Em muốn học tiếng Anh.”

”Tiếng Anh … còn gì nữa không?”

”Học nhạc ạ.”

”Vậy thì em nên đi học. Anh sẽ trả học phí cho em.”

”Nhưng giờ học trường nữ sinh sao được nữa. Em mười lăm tuổi rồi.”

”Mười lăm với con gái chẳng trễ đâu, con trai thì mới trễ. Nếu chỉ muốn học nhạc và tiếng Anh, em cũng không cần đến trường. Mình có thể thuê gia sư. Em thấy thế nào hả Naomi, có muốn học nghiêm túc không nào?”

”Có ạ … Anh làm thế thực sự vì em ư?”

”Ừ, thật đấy. Nhưng em không thể làm việc ở đây được nữa. Như thế em thấy được chứ? Nếu em sẵn sàng từ bỏ công việc này thì anh chẳng nại chăm nom em. Anh sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm nuôi dạy em thành một cô gái tuyệt vời.”

”Vâng, vậy tốt quá.” Naomi đáp, không chút do dự. Câu trả lời mau lẹ, dứt khoát của cô bé làm tôi giật mình.

”Ý em là em sẽ bỏ việc hả?”

”Dạ.”

”Naomi cho là được, nhưng mà nhớ hỏi ý kiến mẹ và anh trai đấy.”

”Em đâu cần hỏi người nhà. Họ chẳng nói gì đâu.” Cô bé nói thề nhưng tôi dám chắc cô vờ vĩnh thôi chứ trong lòng thì e ngại lắm. Không muốn cho tôi biết dù chỉ qua loa nội tình trong nhà, cô bé làm bộ như không có gì phải lo lắng. Tôi chẳng muốn dò hỏi khi thấy Naomi miễn cưỡng, nhưng để thực hiện được nguyện vọng của cô bé thì tôi phải hỏi thăm gia đình và bàn bạc mọi sự với mẹ và anh trai cô đã. Theo kế hoạch của chúng tôi, tôi hỏi đi hỏi lại cô việc giới thiệu tôi với gia đình nhưng Naomi xem cừng lạnh nhạt đến kỳ cục. Thường cô bé bảo: ”Anh không cần gặp họ. Em nó là được rồi.”

Chẳng có lí gì vạch áo cho người  xem lưng về gia đình Naomi để mà chọc giận cô bé; giờ thì Naomi là vợ tôi, nên vì cô ấy và cũng vì thanh danh của ”chị Kawai” mà tôi sẽ đề cập đến vấn đề này càng ít càng tốt. Một ngày nào đó cái kim trong bọc sẽ lộ ra; mà nếu không lộ chăng nữa, thì ai cũng có thể đoán được gia đình cô ấy thuộc hạng nào, cứ xem việc nhà Naomi ở Senzoku, rồi cô ấy đi làm tiếp viên quán cà phê ở tuổi mười lăm và không muốn ai biết mình sống ở đâu là đủ. Không chỉ có vậy: khi tôi rốt cuộc áp đảo được Naomi và đi gặp mẹ cũng như anh trai cô, thì chả ai quan ngại gì về trinh tiết của con em mình. Tôi bảo họ rằng để Naomi làm tiếp viê quán cà phê trong khi em nó ham học như vậy thì đáng tiếc lắm, và ướm hỏi họ có tin tưởng gửi gắm Naomi cho tôi không. Tôi cũng chẳng giúp gì được nhiều cho em nó, nhưng lại đang cần một người giúp việc nên nếu cô bé biết nấu nướng quét dọn thì tôi sẽ xem xét việc có thể cho em nó học hành tàm tạm những lúc nhàn rỗi hay không. Dĩ nhiên tôi thẳng thắn với họ về điều kiện của mình và việc mình còn độc thân. Tôi thỉnh cầu thế mà họ trả lời nghe tụt cả hứng: ”Thế cũng tốt cho nó.” Quả đúng như Naomi bảo. Gặp họ chả để làm gì.

Tôi biết trên đời chả thiếu các ông bố, bà mẹ vô trách nhiệm, nhưng trường hợp của Naomi làm tôi cảm động và tội nghiệp hơn cả. Theo những gì mẹ cô nói, tôi suy luận rằng gia đình họ không nuôi được Naomi. ”Chúng tôi định gửi nó đến nhà geisha, nhưng nó không thích nên mới đành đem nó đến quán cà phê,” bà mẹ nói với tôi. ”Không thể để nó lêu lổng mãi được.” Quả thật, có người chịu gánh vác Naomi và nuôi cô bé là họ được giải thoát. Sau khi nói chuyện với gia đình, rốt cuộc tôi đã hiểu tại sao ngày nghỉ nào cô bé cũng đều đi xem phim. Naomi ghét ở nhà.

Bất chấp điều đó, Naomi có xuất thân từ một gia đình kiểu thế này mà lại hay cho cả tôi và cô bé. Ngay sau khi tôi thống nhất với gia đình cô, Naomi báo tin cho quán cà phê và hôm nào cũng cùng tôi đi tìm một ngôi nhà phù hợp để mướn. Chúng tôi muốn một chỗ càng tiện đường đến văn phòng của tôi ở Oimachi càng tốt. Những ngày Chủ nhật, chúng tôi gặp nhau từ sáng sớm ở trạm Shimbashi – ngày trong tuần ở Oimachi, ngay sau khi tan sở chúng tôi cùng nhau khám phá vùng ngoại ô Kamata, Omori, Shinagawa và Meguro, cả những khi thành thị quanh Takanawa, Tamachi và Mita. Trên đường về tôi và cô bé cùng nhau ăn tối, xem phim hoặc đi dạo quanh khu Ginza nếu còn dư dả thời gian. Sau đó Naomi về nhà ở Senzoku còn tôi quay lại ngôi nhà buổi sáng ở Shibagu chi. Chúng tôi sống như thế khoảng hai tuần. Nhà thuê ngày ấy còn hiếm, đi tìm ngôi nhà ưng ý đến là vất vả.

Nếu ai đó để ý chúng tôi – một anh tư chức và một cô bé ăn mặc tuềnh toàng, vấn tóc kiểu truyền thống sóng đôi quanh vùng ngoại ô Omori trong một sáng Chủ nhật tháng Năm trời quang – họ sẽ nghĩ gì nhỉ? Tôi gọi cô là ”Naomi”, cô gọi tôi là ”anh Kawai”. Khó mà nhầm chúng tôi với ông chủ và hầu gái hoặc anh em, vợ chồng hay bạn bè. Chúng tôi hẳn giống một đôi đũa lệch, có phần rụt rè khép nép, cùng nhau tản bộ vui vẻ vào một ngày dài cuối xuân đi tìm nhà, ngắm nghía phố phường và quay đầu nhìn những khóm hoa nở rộ sau hàng rào, trong vườn nhà ai đó hoặc ở vệ đường. Những bông hoa nhắc tôi rằng Naomi yêu các loài hoa Tây phương và cô thuộc tên chúng – những cái tên tiếng Anh trúc rắc, rất nhiều loài lạ lẫm với tôi. Có vẻ là cô đã học được ở tiệm cà phê, ở đó cô phụ trách coi sóc các bình hoa. Đôi khi chúng tôi nhìn thấy một nhà kính sau cánh cổng mình đi ngang qua. Vốn nhạy bén, cô sẽ dừng lại hạnh phú reo lên: ”Ôi, hoa đẹp chưa kìa!”

”Em thích hoa gì nhất hả Naomi?”

”Thích hoa tulip nhất ạ!”

Niềm khao khát với những khu vườn rộng lớn, cánh đồng mênh mông và tình yêu dành cho oa cỏ của aomi có lẽ là sự phản kháng với những ngõ nhỏ bẩn thỉu ở Senzoku nơi cô bé lớn lên. Mỗi khi nhìn thấy những bông violet, bồ công anh, sen cạn hay dạ lan nào mọc trên bờ kè hay bên vệ đường quê, cô lại vội vã chạy ra ngắt. Vào cuối ngày, Naomi có cả đống hoa xếp thành từng bó. Trên đường về, cô bé cẩn thận ôm lấy chúng.

”Hoa héo cả rồi. Sao em không vứt đi?”

”À, anh cắm vào nước là hoa sẽ tươi lại ngay. Anh Kawai ơi, anh phải cắm hoa trên bàn làm việc đấy nhé!” Cô ấy lúc nào cũng tặng hoa cho tôi mỗi khi tạm biệt nhau cuối ngày.

Chúng tôi đi tìm đỏ cả mắt, một ngôi nhà tốt quả không dễ kiếm. Rốt cuộc tôi thuê một ngôi nhà kiểu Tây gần tuyến tàu Điện lực Quốc gia, cách ga Omori chừng mười hai, mười ba lô nhà. Tôi xem thấy cũng hiện đại, đơn giản, người ta ngày nay gọi nó là ”nhà văn minh”, mặc dù cụm từ này hồi ấy còn chưa phải mốt. Hơn phần nửa nhà lợp mái dốc ngói đỏ. Tường bên ngoài sơn màu trắng khiến tòa nhà trông như hộp diêm, những cửa kính hình chữ nhật khảm vào chỗ này chỗ kia. Trước thềm vào nhà là một mảnh sân con. Ngôi nhà này xem chừng vẽ ra trên giấy thì hay chứ ở thì không, cũng lạ gì đâu, bởi nó được xây dựng bởi một chàng họa sĩ kết hôn với người mẫu của mình. Phòng ốc được bố trí theo cách kém tiện nghi nhất. Ở tầng trệt có một cái xưởng vẽ quá khổ, lối vào bé xíu với mộte1ca8n bếp là hết. Trên lầu chỉ có hai phòng kiểu Nhật, một phòng hơn năm mét vuông rưỡi, phòng kia chín mét vuông. Hai căn phòng này quả thực vô dụng, chẳng hơn gì hai cái khi trên gác mái. Tầng mái có cầu thang đi lên từ xưởng vẽ. Cầu thang lên gác trên dẫn đến một đoạn cụt bao quanh nởi hàng rào, giống như chỗ ngồi lô trong rạp hát, từ đây có thể nhìn xuống xưởng.

Naomi vừa thấy ngôi nhà lần đầu đã thích thú. ”Ôi chao! Tân thời quá ! Đúng là loại nhà mà em muốn.” Thấy cô nàng hài lòng, tôi lập tức thuê ngay.

Không còn nghi ngờ gì nữa, mặc cho phòng ốc bố trí trái khoáy, chính thiết kế quái đản như hình minh họa cho một câu chuyện cổ tích này đã quyến rũ sự tò mò trẻ con của Naomi. Chắc chắn rồi, ngôi nhà này thật vừa vặn cho một cặp uyên ương trẻ dễ tính muốn sống vô tư và trốn tránh những cái bẫy của một gia đình truyền thống. Nhất định đây là lối sống mà chàng họa sĩ và cô người mẫu của anh ta đã ấp ủ khi sống trong ngôi nhà này. Quả thực, chỉ cần xưởng vẽ là đã đủ rộng để thỏa mãn nhu cầu của hai người.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!