Cảm nhận về Tiểu thuyết dã sử “Thượng Dương” của Hoàng Yến

Tên truyện: Thượng Dương

Tác giả: Hoàng Yến

Người viết reviewZest

Nguồn: gacsach.com

Thực ra mình mua cuốn sách này gần một tháng rồi nhưng hai hôm nay mới tập trung đọc một lèo đến hết. Vốn dĩ không định viết một bài review hoàn chỉnh nhưng khi đọc xong có quá nhiều cảm xúc hỗn độn trong lòng nên mình vẫn quyết định viết chút gì đó, gọi là cảm nhận thì đúng hơn.

Mình rất ít khi mua sách văn học vì hầu như với thể loại này mình chỉ đọc một lần, khi vô tình biết đến cuốn tiểu thuyết Thượng Dương, đọc phiên bản truyện ngắn trên fanpage (bài viết được ghim ở đầu trang của fanpage SĂN MỘ) của tác giả thì mình cực kì ấn tượng và quyết định đặt mua luôn. Vì đây là một cuốn tiểu thuyết dã sử lấy cảm hứng từ các nhân vật, sự kiện có thật mà tác giả còn có lời này: “Tôi không có tham vọng chạm tay vào sự thật lịch sử. Điều tôi muốn là cho bạn một lý do để bắt đầu say với lịch sử Việt Nam.” Chỉ với lý do này thì mình cũng rất muốn mua ủng hộ tác giả dù chưa biết rõ tác phẩm có thỏa mãn được mình không.

Cuốn tiểu thuyết lấy cảm hứng từ thảm án Thượng Dương cung dưới triều nhà Lý. Vị hoàng hậu bất hạnh nhất lịch sử Việt Nam – Dương Hoàng hậu, bà là vợ cả của vua Lý Thánh Tông (vị vua thứ 3 triều nhà Lý), nhưng không có con cái. Sau khi vua băng hà, bà trở thành Thái hậu nhiếp chính giúp vua Lý Nhân Tông còn trẻ thơ. Không lâu sau bà và 76 cung nữ bị Thái hậu Linh Nhân (trước là Nguyên phi Ỷ Lan, mẹ thân sinh vua Nhân Tông) giam tại Thượng Dương cung và ép phải tuẫn táng theo tiên đế.

Đây chính là kết cục, nhưng câu chuyện này còn có nhiều thứ để mà nói hơn. Trước tiên là mình cực kì ấn tượng với văn phong quá tốt của tác giả, cách dẫn dắt truyện rất mạch lạc và điểm nhấn là giọng kể chuyện hài hước, tự nhiên. Là một người cũng từng đặt bút viết thì mình hiểu rằng tác giả chắt lọc và chỉn chu đến từng câu từng chữ, đầu tư tâm sức cho tác phẩm nhiều như thế nào.

Truyện kể theo ngôi thứ nhất qua nhân vật Thái tử Lý Nhật Tôn (vua Thánh Tông) cũng là một điểm sáng trong tác phẩm vì qua nhân vật này có thể bao quát toàn bộ câu chuyện, đồng thời gây dựng nên nhân vật một thái tử, một đương kim hoàng thượng mà mình rất thích. Xin trích một đoạn hay ho của Thái tử Nhật Tôn:

Hồi ấy, vừa làm Thái tử được vài tháng mà ta đã cảm giác như trải qua cả một đời. Quy củ, phép tắc không được chệch một li, đi đường cũng cấm được liếc ngang ngó dọc. Nói vậy không phải cuộc đời ta quá dài, cũng chỉ mới năm năm có lẻ. Vú Dung nói quả không sai, làm Thái tử khổ hơn nhiều so với làm Hoàng tôn. Ông nội băng hà, cha lên làm Hoàng thượng, ta lại là con trưởng, thành ra cái chức Thái tử cứ thế mà rơi thẳng xuống đầu.

Mỗi khi ta nhăn nhó than vãn, vú Dung thường xoa đầu nói sau này làm Hoàng thượng còn khổ cực hơn bây giờ gấp trăm ngàn lần. Ta sợ vú Dung lại nói đúng lần nữa nên có một dạo, ngày nào trước khi đi ngủ ta cũng chắp tay cầu khấn cho cha được trường sinh bất lão. Rồi một ngày xấu trời ta chợt nhận ra, chừng nào cha còn làm Hoàng thượng thì chứng ấy ta vẫn phải làm Thái tử. Bởi vậy ta lại chuyển sang khấn vái cho mình được đi theo ông nội trước khi cha chầu trời.

Mình thật sự quá thích Nhật Tôn, ở anh có sự trẻ con và hài hước, nhưng cũng có sự quyết đoán của bậc minh quân; anh là người nặng tình trọng nghĩa với anh em bạn bè, và đặc biệt là tình yêu thủy chung trọn một đời dành cho Dương Quân Dao (Dương Hoàng hậu).

Dù bên nhau cả đời nhưng tình yêu của họ cứ mãi bị kìm kẹp mà không thể nở rộ vì những âm mưu chính trị. Nhật Tôn mãi đến lúc ra đi vẫn cứ nghĩ rằng Quân Dao yêu người bạn thân thiết nhất của anh là Thường Kiệt, còn Quân Dao vì không muốn thế lực gia tộc bành trướng mà luôn xa lánh người đàn ông mình yêu và tự tay giết chết đứa con của hai người.

“Bệ hạ vừa cầu gì vậy?”
“Ta cầu mong kiếp sau nàng không nặng gánh gia tộc, còn ta thì không nặng gánh giang sơn.”

Cái kết như vậy vô cùng khắc khoải, nên dù đọc xong truyện mà mình luôn cảm thấy bứt rứt, hụt hẫng và một chút khó chịu. Cảm giác của Nhật Tôn thế nào khi anh luôn nghĩ tình yêu của anh là tình đơn phương? Cảm giác của Quân Dao thế nào khi thấy người đàn ông của mình sinh con đẻ cái với những người phụ nữ khác? Cả một đời họ cứ dằn vặt nhau như vậy, có lúc mình muốn hỏi tác giả rằng những ngày tháng cuối cùng tại sao không để họ được yêu nhau, được hiểu nhau một cách trọn vẹn? Chứ như này thì đau lòng quá! Nhưng có lẽ ở khía cạnh đặt mình vào tác giả, thì mình cũng đồng tình với cái kết này vì nó thật sự gây ra sự ám ảnh cho độc giả.

Này, nàng vừa cầu gì vậy?
Ta cầu mong được cùng người mình yêu bên nhau trọn một đời.
Còn ta, lại chỉ mong nàng ấy trọn đời bình an.

Vớt vát cho tâm hồn mong manh của mình một chút, khi đọc đến cuối truyện, Quân Dao nói rằng: “Bình an của ta chính là được ở cạnh chàng.” thì mình chợt hiểu rằng ước nguyện thuở niên thiếu của cả hai người họ đều đã được như mong đợi.

Như lời tác giả, điểm sáng trong câu chuyện không chỉ có tình yêu mà còn là tình bạn, tình thân được khắc họa một cách rất tự nhiên. Đó là tuổi thơ dữ dội của Nhật Tôn và Thường Kiệt, cái cách họ thấu hiểu nhau, nghĩ cho nhau và làm vì nhau. Đó là khi vua Thái Tông (cha của Nhật Tôn) tin tưởng vào nhân cách của con trai ông. Đó là Nhật Tôn luôn yêu thương che chở cho cô em gái Cẩn Mai. Đó là cậu bé Nhật Trung luôn cố gắng nỗ lực trở nên tài giỏi để được lại gần anh trai. Đó là Thái Tông Lý Phật Mã khi trút hơi thở cuối cùng mà vẫn day dứt việc loạn tam vương năm xưa đã cướp đi người em trai Vũ Đức Vương của ông. Tác giả xây dựng mỗi nhân vật đều chứa đựng một ý nghĩa riêng, mà khi mỗi nhân vật đó “rời” đi thì người đọc mới cảm nhận rõ sự sâu sắc mà tác giả gửi gắm qua những nhân vật ấy.

Đối với mình, Thượng Dương là một câu chuyện đáng đọc, chắc chắn mình sẽ đọc lại nó để lần nữa cảm nhận sự kỳ công và tinh tế đến từng con chữ của tác giả. Tuy nhiên đây cũng không phải là một tác phẩm hoàn hảo, cá nhân mình cảm thấy cốt truyện này vẫn chưa thật sự “đã”, tuy rằng nó vô cùng mạch lạc và logic, nhưng cũng chưa thỏa mãn được mình. Cả cách tác giả xây dựng những âm mưu tranh quyền đoạt vị cũng còn chút non tay và chưa có sự sắc sảo. Nhưng cũng có lẽ là do ngôi kể từ một phía mà tác giả không muốn làm rõ những chi tiết này, hoặc ngay từ đầu đã không muốn viết theo kiểu cung đấu. Dẫu sao thì những thứ khác còn lại: văn phong, diễn đạt, nhân vật, và cả những giá trị nhân văn… đã quá sáng để làm câu chuyện này trở nên thật sự đáng đọc.

Mình có đọc những truyện ngắn khác mà chị Hoàng Yến đăng trên mạng: Phiên bản truyện ngắn của Thượng Dương, tập Trắng tan đáy nước gồm Nam chinh (An Tư công chúa x Mĩ nam ống cống Thoát Hoan) và Gió đông (Chiêu Hoàng Lý Phật Kim x Tướng quân Lê Tần) nhưng vẫn cảm thấy cuốn Thượng Dương này xét về văn phong là đỉnh chóp của chị ý nhất tại thời điểm này.

Note: Thảm án Thượng Dương cung có nhiều nguồn ghi là Dương Hoàng hậu và 70, 72 hoặc bao nhiêu cung nữ đó nhưng mình lấy số liệu theo Đại Việt sử ký toàn thư (Tái bản 2020) là 76 cung nữ nhé.

P/S: Buổi chiều đọc xong truyện, buổi tối ngồi viết review luôn. Lần đầu viết mà cũng hơi vội, có gì mong mọi người góp ý cho mình nhé.

27.03.2021
Zest

Viết một bình luận

error: Content is protected !!