Cuốn 2 – Phần 11

Khi xuống tới nơi rồi, bà phủ bèn bảo Mộ Trinh viết một phong thơ gởi lên Cao Bằng cho quan huyện là em của bà mà tỏ những việc như vậy cho ngài hay và từ giã luôn mà trở về Nam kỳ chớ không thế nào mà ở chờ cho chị em gặp mặt được.

(Quan huyện Nguyễn Hữu Thân được thơ, hay rõ công việc như vậy thì giận thằng cháu vợ là Đào Duy Thạc vô cùng. Đến sau khi ngài mãn nhậm mà trở về Bắc Ninh, thấy Đào Duy Thạc vì bị đánh lúc nọ mà đã ra thân què trẹt có đi đâu thì phải lết mà đi; tội ác của hắn đã đền rồi, nên ngài cũng chẳng biết nói làm sao, phải bỏ qua cho hắn; ấy là việc sau).

Đây nhắc lại mẹ con bà phủ, khi gởi thơ cho em rồi thì bà lại đi vào nhà Băng lãnh hết số bạc của bà gởi ra, lo mua đồ hàng nhiễu, lược, the, để đem về Nam mà bán. Còn Nguyễn Hạo Nhiên thì lo đi hỏi thăm tin tức của Đỗ Khắc Xương; té ra nghe nói năm nọ chàng ra có vài tháng, rồi cha con dắt nhau đi tàu mà về Nam kỳ là nội lúc đó rồi; lại nhơn đi đường biển, nên không ghé được mà cho Hạo Nhiên hay. Bởi đó cho nên Hạo Nhiên không rõ âm hao, nên mới đi phóng chừng, thời may lại gặp mà cứu hai chị em khỏi nạn; ấy rõ ràng là cũng tại lòng trời, chớ không phải việc ngẫu nhiên mà được vậy.

Rồi đó Hạo Nhiên bèn thưa cùng bà phủ, xin đi đường bộ mà về trước vài ngày, đặng lo thu xếp việc nhà rồi ở tại Qui Nhơn mà chờ tàu vô tới đó, chàng sẽ tháp tùng một chuyến tàu mà về theo trong Nam kỳ, đặng có tìm kiếm bạn lành là Đỗ Khắc Xương luôn thể.

Khi Hạo Nhiên đi rồi, ba mẹ con bà phủ còn phải ở lại Hà Nội hơn trót một tuần mà chờ tàu; đồ đạc mua chác đâu đó xong xuôi, hỏi thăm ngày tàu chạy đã chắc chắn rồi mới đề huề đem đồ ra xe lửa đi xuống Hải Phòng rồi mới mướn cu li chở ngay xuống tàu.

Sáng ra bữa sau, lối 4 giờ khuya, tàu mới lấy neo, may nhờ trời êm gió thuận, tàu chạy thẳng thét hai ngày một đêm mới vào tới Cửa Hàn, tàu gieo neo đậu đó mà lấy thơ và nghỉ máy vài giờ, rồi mới lấy neo mà chạy; ước độ chừng 6, 7 giờ nữa mới tới Qui Nhơn.

Tàu tới cửa Qui Nhơn, gieo neo đậu lại rồi, Nguyễn Hạo Nhiên ở dưới ghe bầu xách đồ hành lý bước lên, lại có đem theo một tên gia nhân để phòng sai khiến. Hai đàng gặp nhau mừng rỡ, lo an trí đồ đạc vừa xong thì tàu đã lấy neo; chạy trọn một đêm ngày mới tới bến Saigon.

Bà phủ bèn hối con mướn xe chở đồ hành lý thẳng vô lối cầu Rạch Bần mà ở nhờ ít ngày nơi nhà ông Phán Hạp là người bà con của bà, rồi sau sẽ lo kiếm mướn một căn phố để ở mà buôn bán. Bà lại bảo Lệ Dung viết thơ gởi về Mỹ Tho mà hỏi thăm tin tức Đỗ Khắc Xương.

Khi an trí đồ đạc xong, Nguyễn Hạo Nhiên bèn thưa với bà, rồi mướn xe kéo đi ra chợ Saigon dạo chơi cho biết. Chẳng dè, khi nên trời cũng chìu người, xe ra tới chỗ sân rộng nơi trước Chợ Mới, vừa muốn quanh lại chợ, Hạo Nhiên vùng ngó thấy một người đương đi trên lề đường (trottoir) giống dạng Khắc Xương, liền bảo xe ngừng lại, rồi bước xuống vừa chạy theo vừa kêu.

Đỗ Khắc Xương nghe kêu, liền day mặt lại, anh em gặp nhau mừng vui chẳng xiết, bèn dắt nhau tìm vào quán rượu, kêu bồi đem rượu li-mỏ-nách (limonade) ra, hai anh em bèn ngồi lại uống cầm chừng mà chuyện vãn với nhau.

Hạo Nhiên đem hết những việc mình thương nhớ Khắc Xương nên phải ra ngoài Bắc mà tìm, may đâu lại gặp chị em Mộ Trinh mắc nạn mà cứu được, rồi theo ba mẹ con bà phủ đặng vào Nam kỳ mà tìm Khắc Xương, đầu đuôi các việc thuật hết một hồi.

Khắc Xương nghe nói cảm tạ chẳng cùng, rồi cũng đem hết những việc của mình mà thuật lại cho Hạo Nhiên nghe; lại nói hôm nay mình lên Sài Gòn đây là cũng vì đau mới mạnh, chưa làm gì được, nhà còn một mẹ già và hai đứa nhỏ, thiếu trước hụt sau, gia tài còn có nửa láng quế (1), mẹ mình thấy nhà thúc múc, bảo đem đi bán, mà bán dưới Mỹ Tho không được, nên phải đem lên Saigon mà bán, để lấy đồng tiền đem về mà đỡ ngặt trong lúc nầy, không dè bất kỳ nhi ngộ, thiệt cũng là may.

Hạo Nhiên nghe rõ trước sau, cũng hết lòng cám cảnh, rồi rủ Khắc Xương đi theo với mình vô cầu Rạch Bần mà thăm ba mẹ con bà phủ. Đỗ Khắc Xương xét mình nghèo khổ, e nỗi tình đời ấm lạnh, nên chàng chẳng muốn đi.

Hạo Nhiên bèn đem hết những việc của mẹ con bà phủ có lòng hoài vọng và nhắc nhở mà thuật lại cho Khắc Xương nghe, lại nói:

– Nếu anh chẳng đi thì té ra anh lại phụ tấm lòng trinh bạch của nàng và cái ơn châu toàn của bà phủ.

Đỗ Khắc Xương nghe  Hạo Nhiên nói lắm, nên phải gắng gượng đi theo.

Còn ba mẹ con bà phủ ở nhà, đương ngồi trò chuyện với nhau, bà tính hễ tìm được Đỗ Khắc Xương rồi thì bà sẽ cho hai cặp thành hôn một lượt. Còn đương bàn luận với nhau, bỗng thấy hai cái xe kéo chạy đến đậu ngay trước cửa. Bà chưa biết xe ai, liền đứng dậy ngó ra, chừng coi lại, té ra là Hạo Nhiên với Khắc Xương, dắt nhau về một lượt.

Thiệt là việc không ngờ, thình lình mà lại gặp, rõ ràng là cái máy nhiệm của Hóa công, dầu cho tan hiệp hiệp tan, cũng một tay người sắp đặt.

Bà phủ thấy Đỗ Khắc Xương thì mừng vui chẳng xiết, bèn bảo chàng ngồi lại cho bà hỏi thăm việc nhà của chàng từ ấy đến nay, bề ăn ở làm sao, mẹ chàng mạnh giỏi lẽ nào; Đỗ Khắc Xương bèn đem hết đầu đuôi gốc ngọn mà thuật lại một hồi; bà phủ nghe nói ngùi ngùi, còn Từ Mộ Trinh ở trong buồng nghe rõ trước sau, cũng sụt sùi lụy ngọc.

Bà phủ cũng thuật việc nhà của bà lại cho chàng nghe, chừng ấy Đỗ Khắc Xương mới hay quan phủ đà tạ thế. Bà lại kêu Mộ Trinh ra, hai đàng thấy nhau khóc lỡ khóc, cười lỡ cười; chỉ cứ nhìn nhau mà rưng rưng nước mắt.

Rồi đó bà phủ bèn bảo Khắc Xương dắt Hạo Nhiên về Mỹ Tho mà thưa trước cho mẹ chàng hay, để ba mẹ con bà ở lại Saigon ít ngày mà bán cho hết hàng, rồi bà sẽ về sau đặng tính việc hôn nhơn cho bốn trẻ.

Đỗ Khắc Xương với Hạo Nhiên vâng lời, liền từ tạ ba mẹ con bà, rồi dắt nhau về Mỹ Tho. Về đến nhà rồi Đỗ Khắc Xương bèn đem hết những việc mình gặp bạn cũ là Hạo Nhiên và ba mẹ con bà phủ tại Saigon, cùng những lời bà phủ đinh ninh dặn dò mà thưa lại cho mẹ mình hay; Hạo Nhiên cũng vào lạy mừng bà, kêu bà bằng bá mẫu (bác gái).

Đoàn thị bấy lâu tuy đã có nghe con nói lại, song chưa thấy được mặt mày, nay mới biết Hạo Nhiên, nên bà cũng mừng cho con bà may được gặp bạn hiền và vợ nghĩa.

Cách ít ngày bà phủ bán đã hết hàng, mẹ con bèn từ giã vợ chồng ông Phán Hạp rồi dắt nhau về Chợ Gạo. Đoàn thị mừng rỡ, ra đón rước vào nhà, chị em trò chuyện với nhau, nhơn nói qua tới việc lứa đôi, thì bà Đoàn thị lại càng cảm tình bà phủ.

Hai bà bàn tính với nhau xong xuôi, cậy người chọn được ngày lành, dọn dẹp nhà cửa và sắp đặt cỗ bàn, mời hết xóm giềng và họ hàng bà con thân thích đến, rồi cho 4 họ là Đỗ – Từ, Trần – Nguyễn (2) làm lễ từ đường và động phòng huê chúc.

Khi xong việc đám cưới rồi, bà phủ bèn xuất bạc ra mua cây mua ván mà sửa cái nhà lại cho rộng rãi chắc chắn đặng ở chung với nhau.

Từ đây ơn mặn tình nồng, tài tử giai nhân, song song hai cặp; mẹ con chồng vợ, sum hiệp một nhà, trên thuận dưới hòa, trong vui ngoài đẹp; hai bà mẹ (3) thì lo mướn bạn bè mà làm ruộng, Khắc Xương với Hạo Nhiên thì dạy học trò trong xóm, còn Mộ Trinh với Lệ Dung thì cứ chăm nom theo việc nữ công, mạng vớ thêu khăn, để bán lấy tiền mà đắp đổi cho qua ngày tháng.

Ngày giờ thấm thoát, mới đó mà đã ba bốn năm trời. Bữa kia Đỗ Khắc Xương đương ngồi trong nhà mà đàm luận thế tình với Nguyễn Hạo Nhiên, bỗng thấy một tên lính làng đem đến một phong thơ, đề tên họ của mình rõ ràng, nơi góc cái bao thơ có mấy hàng chữ in; coi kỹ lại thì biết là thơ của quan No-te (Notaire) ở Hà Nội gởi đến cho mình, Đỗ Khắc Xương không hiểu ý chi, bèn mở ra mà xem.


(1) Nguyên láng quế nầy là của ông Hoàng Hữu Tâm cho, lúc cha chàng đau, đã dùng hết phân nửa, còn lại phân nửa nên nay chàng mới đem đi bán đó.

(2) Đỗ Khắc Xương với Từ Mộ Trinh; Trần Lệ Dung với Nguyễn Hạo Nhiên, ấy là Đỗ – Từ, Trần – Nguyễn.

(3) Từ đây về sau, hễ nói hai bà mẹ thì tức nhiên là nói bà Đoàn thị và bà phủ (mẹ ruột và mẹ vợ), xin khán quan lưu ý.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!