Đây nhắc qua việc quan phủ Từ Thế Anh, từ ngày hưu trí, về ở tại Biên Hòa, đã hèn lâu mà không nghe tin tức bên trai chi hết.
Một buổi chiều kia, ông đi chơi về, sao nghe có hơi xây xẩm nhức đầu, tưởng lây lất chút đỉnh rồi thôi, không dè nó đệm ông luôn trót hai tháng trời, bà phủ lo sợ, cầu thầy chạy thuốc cũng hết phương, mà coi thế bịnh của ông càng ngày càng trầm trọng.
Lúc nầy Từ Mộ Trinh trong mình cũng mới vừa khá khá kế thấy cha nàng đau nặng, cho nên nàng cũng lo sợ mà khóc hoài.
(Mà thường con người ta ở đời, lúc còn đầu xanh tuổi trẻ, niên tráng lực cường, thì ai ai cũng liều sống cố chết, xẩn bẩn trong 4 cái vách tường mà tranh danh đoạt lợi với nhau; có kẻ dám đam tới tánh mạng mà đổi lấy đồng tiền, ấy cũng vì cái túi tham không đáy, nhan nhản của thói đời cho nên bạ chi làm nấy, chẳng kịp nghĩ suy, cứ sấn sướt làm càn, không đắn đo phải quấy.
Đến khi việc đã đáo đầu rồi, thì chừng ấy mới là tỉnh ngộ. Hoặc để cho đến giờ lâm chung thì mới biết ăn năn, thiệt là muộn quá.)
Một đêm kia quan phủ Từ Thế Anh, nhơn biết trong mình thế không chịu nổi, bèn kêu hết vợ con và Trần Lệ Dung vào tận bên giường mà than rằng:
– Mụ ôi! Từ ngày tôi hưu trí mà về đây tới nay, cuộc hôn nhơn của con gái mình, tôi coi ý bên trai họ thấy tôi hết quyền rồi mà họ làm lơ, nên không thấy tin tức gì của họ nữa hết; lúc tôi chưa đau, tôi cũng có gởi cho quan Đốc phủ Phạm Nhứt Thanh đôi ba cái thơ, cũng không thấy ông trả lời; thiệt tôi thấy cái nhơn tình mà tôi chán ngán. Nay tôi hồi tâm nghĩ lại mà thương cái lòng nghĩa của Đỗ Khắc Xương, tôi nghiệp cho nó quá, đã hai phen liều mình mà cứu mạng cho Mộ Trinh; cũng bởi tôi bất minh trong một lúc mà làm cho lỡ làng duyên phận của con; nay nghĩ lại mà ăn năn đã muộn, vậy hễ khi tôi mà có nhắm mắt đi rồi thì mụ phải đem hết những đồ nữ trang của họ buộc tay cho con mình lúc nọ mà tôi để trong một cái rương sắt nhỏ kia, đến nhà dây thép gởi trả cho huyện Ngọt, vả lại đồ đó là đồ trượng tiền, nên phải gởi theo cách khai giá minh bạch (valeur déclarée) cho chắc ý và viết một bức thơ mà từ hôn luôn đi; rồi tìm cho được Đỗ Khắc Xương mà cho hai trẻ nó thành hôn, để đền đáp ơn chàng cho toàn chung toàn thỉ; và mụ nói với nó, xin hãy thứ cái tội tham phú phụ bần cho tôi, thì tôi mới được an lòng nơi chín suối.
Nói đến đây nước mắt ông chảy ra dầm dề, coi ý ông mệt lắm, nên ông nín êm mà nghỉ một hồi. Lệ Dung liền đem chén nước sâm cho ông uống.
Một chặp lâu ông khỏe, bèn kêu Lệ Dung lại gần rồi vói nắm tay nàng mà nói rằng:
– Nầy con, từ ngày con vào ở với ông bà đến nay, cũng đã năm sáu năm trời, mà ông với bà cũng đều thương con như con ruột vậy. Bởi vậy cho nên, ông bà mới để cho con lên ở nhà trên mà bậu bạn với chị hai con; nó ăn chi con ăn nấy, nó bận chi con cũng bận nấy, bấy nhiêu đó, tưởng khi con cũng đủ biết cái lòng của ông bà đối đãi với con là thể nào rồi; vậy nếu chẳng may mà ông có theo ông theo bà rồi, thì từ đây con cứ kêu bà con bằng mẹ, ấy là ông đã nhận con làm con rồi đó, đừng có kêu bằng ông bà như trước nữa nghe con! Rồi chị em con cũng cứ yêu thương hòa thuận nhau, ráng cho hết lòng mà nuôi lấy mẹ con kẻo tội nghiệp.
Lệ Dung nghe ông nói tới đó thì khóc mùi, liền cúi xuống lạy ông, nước mắt tuôn ra như suối chảy, Mộ Trinh với bà phủ cũng khóc ròng. Rốt sau hết ông mới kêu Mộ Trinh lại gần rồi ông vuốt ve nàng mà nói một cách rất thê thảm rằng:
– Thôi, con ở lại phải ráng mà nuôi dưỡng mẹ con và phải thương lấy em con luôn, trước sao sau vậy; chí như việc hôn nhơn của con thì cha đã dặn mẹ con rồi, cha không cần nói nữa; cha chỉ còn lo có một điều nầy nữa mà thôi. Vả con là con, mà con biết ở với cha hết lòng hiếu thuận; còn cha đây là cha, mà cha chẳng biết ở với con cho được từ hòa; xét ra cái phận làm cha mà đối đãi với con như vậy, thì cha cũng không tránh sao cho khỏi lỗi. Vậy thì con phải hứa mà xá cái lỗi ấy cho cha, thì cha mới an lòng mà nhắm mắt đó con ôi! Người xưa có nói: Điểu chi tương tử kỳ minh giả ai, nhơn chi tương tử kỳ ngôn giả thiện (Chim mà gần chết tiếng kêu nghe buồn thảm lắm, người mà gần chết lời nói cũng hiền lành). Vậy những lời mà cha đã trối với ba mẹ con con đây, thì ba mẹ con phải ghi nhớ, mựa chớ bỏ qua, được như vậy thì dầu cha có thác đi nữa, thiệt cha cũng ngậm cười nơi chín suối!
Nói tới đây thì đàm đã kéo lên, làm cho ông trực thị một hồi lâu, mới thở dài một tiếng rồi nhắm mắt lại, riu ríu mà qua đời.
Ba mẹ con bà phủ nhào lăn, than khóc rùm nhà, xóm làng tựu tới rất đông, kẻ giúp việc nầy, người giùm chuyện kia, lo sắm quách quan mà tẫn liệm.
Khi chôn cất ông xong rồi, bà cũng nghe theo lời ông dặn, gởi thơ cho ông huyện Ngọt mà từ hôn và cũng gởi hết đồ nữ trang trả lại, không hề vì sơ một món.
Vả lại quan phủ lúc còn sanh tiền, tánh tình huy hoát, ăn xài lãng phí, không hay đáy để chút nào, nên khi ông được về hưu, thì ông chẳng có của dư như mấy ông khác vậy. May nhờ lúc nọ, bà chắt lót giấu để ít nhiều, rủi bị ông đau lâu, nên bà phải đem ra lo chạy thuốc thang, đến khi ông mãn phần rồi, cuộc tống táng vừa xong thì của bà tích trữ bấy lâu cũng gần muốn hết.
Phần thì ba mẹ con yếu đuối, lại là dòng dõi trâm anh, không quen tay lấm chơn bùn, biết lấy chi mà độ nhựt; mẹ con trong lòng buồn bực, vì lo câu tọa sơn thực băng. Nhưng mà cũng may vì hai chị em biết giỏi nghề mạng vớ thêu khăn, nên gắng công thức thối làm rồi đem bán kiếm ăn, cũng đỡ qua ngày tháng được.
Lần hồi ngày tháng như thoi, bóng thiều quang đưa rất lẹ, lật đật mà cũng gần ngày làm tuần bá nhựt cho ông. Ba mẹ con lo rầu, không biết lấy chi mà làm tuần tự. Còn đương ưu lự, thoạt đâu lại có một tên lính làng, đem giấy của nhà thơ dây thép đến, kêu Từ Mộ Trinh phải đến tận nơi mà lãnh một phong thơ rờ-com-măn-đê.
Mộ Trinh không biết là thơ của ai gởi đến cho mình mà lại gởi rờ-com-măn-đê cũng lạ. Nàng bèn sắm sửa đi đến nhà thơ, ký tên vào sổ mà lãnh cái thơ ra rồi, coi kỹ lại thì té ra là thơ của cậu ruột mình là ông huyện Nguyễn Hữu Thân, ở Bắc Ninh, thuộc về địa phận Bắc kỳ, đề gởi cho tên nàng nhận lãnh.
Nàng mừng khấp khởi, liền xé ra coi, thấy trong cái thơ lại có một cái măn-đa một trăm rưỡi đồng của cậu mình gởi vào cho. Sẵn dịp đó nàng ký tên mà lãnh luôn bạc ra, rồi mau mau quầy quả về nhà mà nói lại cho mẹ với em hay mà mừng với nhau.
Bà phủ nói:
– Hôm đó mà bảo con viết thở gởi ra cho cậu con hay tin cha con mất vậy thôi, chớ má có xin tiền xin bạc chi đâu, mà cậu con nó lại gởi bạc cho mẹ con ta nhiều lắm vậy? Đâu nà, con đọc hết cái thơ của cậu con lại cho má nghe thử coi; hay là nó gởi mượn mua đồ giùm cho nó như mấy năm trước vậy chăng?
Mộ Trinh thưa rằng:
– Không mà, cậu ba cho mình thiệt má à, con coi kỹ cái thơ rồi, cậu ba biểu mẹ con mình ra ngoải nữa. Mà thôi, để con đọc kỹ lại cho má nghe.
Mộ Trinh nói rồi liền lấy thơ đọc rằng:
“Bắc Ninh, le ….. 192 ….
Kính thăm chị hai và hai cháu cho được bình an, mới hôm trước đây em có tiếp được thơ của cháu gởi ra cho em hay rằng anh phủ đã mất lộc rồi, thiệt em cũng lấy làm buồn cho chị và hai cháu; song em coi lại cái thơ thì té ra anh phủ mất đã hơn hai tháng rồi chị mới cho em hay; nên em không hiểu tại sao mà chị để trễ lâu mới cho em hay như vậy.
Trong thơ em lại thấy cháu nó than rằng anh phủ mất rồi mà chị với cháu phải chịu nghèo vậy vậy. Nên em phải mau mau mua măn-đa gởi về cho chị một trăm rưỡi đồng, để dùng mà đỡ ngặt; vả lại bây giờ đầu đuôi mình còn có hai chị em mà chị ở Nam em ở Bắc, thiên san vạn hải, cách trở xa xuôi, vậy thì hay hơn là chị bán hết nhà cửa rồi dắt hai đứa cháu ra đến Bắc Ninh mà ở với em cho gần gũi, bề nào cũng tình thâm cốt nhục với nhau; xin chị và cháu hãy tính cho sớm mà ra đây, mựa dựng dụ dự, em hết lòng trông chị chẳng cùng, nay kính.
Nguyễn Hữu Thân
Tri huyện à Bắc Ninh.”
Bà phủ nghe con đọc thơ rồi, bà có lòng mừng, bà tính để làm tuần bá nhựt cho ông rồi sẽ kiếm người mà bán nhà, đặng đi ra Bắc mà ở với em cho gần gũi. Còn Mộ Trinh khi nghe bà tính như vậy thì buồn, bèn thưa với mẹ rằng:
– Má tính vậy thì con không dám cãi, chớ mẹ con ta mà đi hết đây rồi, thì cha con ắt chịu mồ hoang cỏ lạnh.
Nói tới đó thì nàng lấy khăn ra mà lau nước mắt, rồi lại nói tiếp thêm rằng:
– Huống chi cậu huyện tuy là em ruột của má mặc dầu; như may mà mợ ba là người hiền đức thì chẳng nói làm chi, nếu mợ ba mà cũng như người đờn bà tầm thường kia vậy, thì con e ở lâu cũng bất tiện lắm má à. Vậy chớ má quên câu: Cửu trú lịnh nhơn tiện, tần lai thân giả sơ (Mình tới ở trong nhà người ta lâu ngày thì người ta hèn mình, khinh bạc mình. Còn năng tới lui thường lắm, dầu bà con cũng hóa ra xa) rồi hay sao má?
Bà phủ nói:
– Con nói vậy cũng phải, nhưng má nghĩ lại cũng không sao; nay con phải viết thơ mà hồi âm cho cậu huyện con rõ; nói rằng mẹ con ta để chờ bán cho được cái nhà đã rồi sẽ đi ra; trả lời trước như vậy đi, kẻo cậu huyện con ở ngoải nó trông, rồi lo làm tuần bá nhựt cho cha con, lại kêu thợ hồ đặt soát cho nó chừng một trăm đồng, bảo nó mua đá, gạch và xi măng mà xây đơn sơ cái mộ của cha con cho ấm cúng; má tính vừa làm tuần vừa xây cái mộ cho cha con thì ắt tiêu mất hết cái số bạc một trăm rưỡi đồng của cậu con cho đây rồi; còn đường đi từ đây mà ra cho tới Hải Phòng, rồi lên tới Bắc Ninh, tiền tàu và tiền xe mỗi người chừng lối hai mươi ngoài đồng, tính cả ba mẹ con mình thì hết, lối sáu bảy chục đồng; mà cái nhà của mình đây, có bán rẻ nào cũng được bảy tám trăm đồng; mình bán phứt nó đi, rồi đem gởi bớt cho Băng, để chừng vài trăm cho đủ sở hụi vừa khứ vừa hồi, trước là đi chơi cho giải bớt sự buồn rầu, sau là thăm cậu mợ con luôn thể, vì đã hơn 15 năm trời, chị em xa cách mặt nhau; như mẹ con mình ra đó mà cậu mợ con có tử tế thì ở lâu, bằng mà con có ngại bụng mợ dâu hay nói nọ nầy vầy khác, thì mẹ con ta cũng sẵn có đồng bạc trong mình, có lo chi là điều bất tiện. Ta hãy dùng dịp ấy xuống Hà Nội mà làm quen với mấy tiệm bán hàng lụa Bắc kỳ, vào Băng lãnh hết bạc ra, mua hàng lụa về Nam mà bán; mà rồi ta lại được quen thuộc với người ngoài Bắc, tỏ tình liên lạc Bắc Nam, hễ có nơi quen biết nhau rồi, tự hậu ta khỏi phải vào ra mà tốn nhiều tiền cước, ta chỉ cứ ở trong nầy gởi thơ và bạc ra, muốn mua kiểu nào, thức nào, cứ nói trong thơ là đủ, rồi mẹ con ta hoặc là ở tại Saigon buôn bán lắt lẽo mà nuôi nhau, có khi còn khỏe hơn ở tại Biên Hòa nầy mà rồi những khăn và vớ của hai chị em con làm ở đây, ở Saigon cũng là dễ bán nữa đa con à. Đó! Má tính như vậy con nghĩ lại coi, có phải là lưỡng tiện hay không? Mình ra đó mà thăm cậu con rồi, liệu ở được thì ở, bằng không được thì về, nào ai buộc trói chi mình mà con quá lo cho nhọc trí. Má chỉ còn lo có một điều mà nó làm cho lòng má xốn xang, đã biết rằng nay con còn đương mắc đại tang, việc hôn nhơn chưa nên tính vội thì mặc dầu, song không biết Đỗ Khắc Xương bây giờ mẹ con nó lưu lạc ở đâu, vì má có nghe người ta nói, cha nó cũng đã mất rồi, còn nhà cửa vườn đất gì cũng bị một mụ cô của nó đã đọat hết đi mà trừ nợ.
Từ Mộ Trinh đương buồn nỗi mình, bỗng nghe mẹ mình tại nói đến việc gia biến của chàng thì lại càng xót dạ đau lòng mà rưng rưng nước mắt, không biết chàng lưu lạc xứ nào.