Cuốn 2 – Phần 05

Khi nói dứt lời liền kêu Khắc Xương mà giao tờ mãi lại và nói rằng:

– Nầy Ký, cháu cất cái tờ nầy cho kỹ, rồi mai đem lên Tòa mà kiện họ đi, họ không nghĩ chị hai với cháu là bà con, thì cháu còn nghĩ họ mà làm gì; cháu cứ phép làm đi, bề nào cũng có chú với hai ông Xã trưởng và Hương thân đây làm chứng cho, đừng sợ.

Nói rồi vừa muốn đứng dậy đi về. Tám Chỉnh biết mình thất lý, vì đã ký tên lỡ trong tờ, và cũng nghĩ nếu bây giờ mình giận lẫy mà không mua, để đi kiện thì lại tốn hao thêm mà rồi mẹ con nó lại có gì mà trả, đi lại thì cũng có một miếng đất với cái nhà nầy. Bèn làm bộ cười mơn rồi nói rằng:

– Ở nhà tôi nó nói tầm lếu, mà cậu hương nó cũng nóng thì thôi đa! Thôi, mười lăm đồng thì mười lăm, không hề chi, xin ba ông làm ơn nhận giùm.

Và nói và thò tay vào hồ bao móc ra ba tấm giấy năm đồng mà để trên cái khay trầu.

Ông Xã bèn ngó Tám Chỉnh mà nói rằng:

– Nầy anh Tám, hồi nãy ông Hương hào ổng nói mười lăm đồng đó là phần ba cái ký tên của ba anh em tôi, mỗi cái là năm đồng thì phải rồi; còn phần cái mộc ký của tôi nhận vào đó nữa thì cũng phải năm đồng nữa mới được.

Vợ chồng Thị Bườn tức giận vô cùng, song cũng muốn xong việc cho rồi, nên dằn lòng vuốt giận, móc túi để ra thêm ba đồng nữa. Nói gì thì nói, ông xã cũng khăng khắng năm đồng, cực chẳng đã phải lòi ra thêm hai đồng nữa.

Chừng ấy ba ông hương chức mới chịu ký tên và nhận mộc xong xuôi. Vợ chồng Tám Chỉnh bèn lấy giấy nợ mà trả lại cho Khắc Xương nơi trước mặt hương chức rồi mới lấy tờ đoạn mãi mà cất vào mình.

Các việc xong rồi Tám Chỉnh bèn đứng dậy nói với làng rằng:

– Nay cái nhà nầy và miếng đất nầy, mẹ con Đỗ Khắc Xương đã đoạn mãi cho vợ chồng tôi rồi, tôi chỉ còn về tỉnh mà đóng tiền cầu chứng nữa là xong; vậy sẵn có hương chức đây tôi xin nói cho thằng Ký nó hay, nay cái nhà và miếng đất nầy đã thuộc về tay của vợ chồng tôi rồi, vậy tôi hạn trong ba ngày thì nó phải dọn ra đặng cho tôi có đem thợ tới mà sửa lại.

Ba ông hương chức thấy cái lòng tàn nhẫn của vợ chồng Tám Chỉnh như vậy thì lắc đầu, còn bà Đoàn thị với Khắc Xương thì cứ ngó vô bàn thờ mà rưng rưng nước mắt. Ba ông hương chức thấy vậy cũng động lòng, bèn nói nhỏ với nhau chi đó một hồi, rồi kêu Đỗ Khắc Xương mà nói rằng:

– Nè Ký, ba anh em qua đây thấy cái tình cảnh của chị hai với cháu như vầy mà động lòng quá; trừ ra những đất, đá, cỏ, cây cùng loài cầm thú là giống vô tri vô giác thì mới không nao không núng mà thôi, chớ người mà có chút lương tâm, thấy cái cảnh tượng như vầy, ai mà không đau lòng xót dạ! Thôi, cháu cũng chẳng nên buồn làm chi, và cũng chẳng đi đâu xa làm gì; sẵn trên xóm đây có cái nhà lá ba căn, của thằng Tư Hổ, nay nó tính bán đi, đặng nó về theo quê vợ của nó ở đâu trên Bến Tranh, cái nhà ấy cũng còn khá, nó mới cất hồi năm ngoái nầy đây; còn đất của nó cất đó là đất công thổ của làng; nghe nói nó dứt giá có bốn chục đồng; vậy thôi cháu mua phứt đi, rồi dọn về đó cho chị hai chỉ ở, còn cháu cứ lo đi làm việc, hễ cứ chúa nhựt thì về mà thăm chị hai, ở nhà có thằng Hành với con Hoa nó coi cơm nước cho chị hai cũng được. Còn giá bạc bốn chục đồng đó, thì sẵn đây có hai chục đồng bạc thị nhận, ba anh em qua kính lại hết cho chị, chớ không thèm lấy một đồng xu nào, cháu hãy cất đi, chừng mua cái nhà thằng Tư Hổ xong thì có anh Xã đây, ảnh chịu cho cháu mượn thêm hai chục đồng nữa mà mua cho đủ; rồi mỗi tháng cháu trả lại cho ảnh đôi đồng ba đồng gì cũng được, chừng nào cho đủ cái số hai chục đồng bạc vốn đó thì thôi, chớ ảnh cũng không ăn lời ăn lãi gì; còn hai chục đồng về tiền thị nhận đó, cháu cứ việc cất đi chớ ngại; đã biết rằng anh em qua thị nhận mà đòi ăn tiền quá luật thì cũng mang lỗi với quỉ thần; nhưng mà, cũng không sao, lấy của bất nhơn đem cho người hiếu nghĩa thì dẫu cho ông Địa với ông Táo mà có linh thiêng, thì hai ổng cũng vui lòng, chớ chẳng chấp nhứt chi tới mấy ông Làng mà sợ.

Thị Bườn thấy mấy ông hương đã đòi tiền thị nhận cho nhiều, rồi đem mà cho Đỗ Khắc Xương, ấy là có ý bỉ mình, lại còn kiếm lời gần xa nặng nhẹ mà ngạo và nhiếc xéo mình thì giận lắm, bèn nói rằng:

– Mấy chú đừng có làm bộ cái mặt từ bi, để tôi trở về tỉnh đây rồi tôi vào đơn tôi kiện mấy chú cho mấy chú coi tôi.

– Kiện về khoản gì đó?

– Về khoản mấy chú thị nhận cho người ta mà ăn tiền quá luật đó chớ khoản gì.

– Bằng cớ đâu? Ba anh em tôi có cho chị biên lai hay không đó?? Như có biên lai thì đem biên lai ra mà trình với quan cho đủ bằng cớ mà kiện đi. Bằng mà không có bằng cớ chi hết thì hãy năn nỉ và lo lót với anh nầy đây, (chỉ chồng Thị Bườn là Tám Chỉnh mà nói) cậy ảnh làm chứng cho mà kiện.

Nói rồi đứng dậy phủi đít rủ nhau về hết, vợ chồng Thị Bườn vừa giận vừa hổ, nên cũng dắt nhau ra xe mà về.

Còn Đỗ Khắc Xương nghe lời ba ông Hương chức, đi hỏi mua được cái nhà của Tư Hổ, rồi mướn vài tên dân trong làng xe chở đồ đạc ván phên đem về chỗ nhà lá mới mua đó mà ở.

Từ đó Đỗ Khắc Xương cứ lo đi làm việc như thường, hễ chiều thứ bảy thì về rồi sáng thứ hai thì đi; Đoàn thị ở nhà nhờ có thằng Hành với con Hoa là hai đứa tớ rất trung tín, giúp đỡ tay chơn cho bà, nuôi gà nuôi vịt, trồng mướp trồng bầu, để đỡ thêm với số lương của con, mà chi độ cho qua ngày tháng.

Độc địa thay cho tay Tạo vật, Đỗ Khắc Xương đầu đuôi còn có một cái nhà với một miếng vườn, lại khiến cho cha chàng đau rồi kế thác, chôn cất vừa xong thì nhà và đất đã tiêu điều; làm cho một nhà đạo đức như thế, hiếu nghĩa như thế, tài tình như thế, mà nay phải ra thân tất tưởi, mẹ con ở hủ hỉ với nhau trong một khóm liều tranh, như vậy thì cũng đã đủ thảm rồi; nhưng mà, chàng còn đi làm việc được, có cái số lương ba chục đồng một tháng, mẹ con an phận tiện tặn hẩm hút với nhau cho qua ngày tháng như vầy thì người cũng còn chữa chịu dung đâu!

Người lại còn muốn làm cho, cho lăn cho lóc, cho đảo cho điên, cho tàn cho mạt, cho hại cho hư, ghe phen chầm chầm, lao lao lục lục, thì người mới vừa lòng.

Bởi thế cho nên, Đỗ Khắc Xương tuy là làm việc rất siêng năng cần cán, lại thêm tánh nết ôn hòa, cho nên chẳng những là ông Sếp đã thương mà thôi, nội trong sở lớn nhỏ mấy thầy cũng đều thương chàng hết thảy.

Có dè đâu làm việc vừa được bảy tám tháng trời, thình lình vùng xán bịnh đau, ban đầu còn xin phép được, vì ông Sếp ấy thương, sau bị đau lâu, đã hai tháng trường mà còn chưa mạnh; ông Sếp cũ lại đổi đi, ông Sếp mới đổi lại, không biết ất giáp gì, hễ thấy vắng mặt lâu, thì cứ việc bôi sổ và xin sa thải. Ôi!

Có tài mà cậy chi tài,

Chữ tài liền với chữ tai một vần.

Từ đó Đỗ Khắc Xương cứ đau trầm trệ hoài, nên phải nằm bịnh ở nhà, bà Đoàn thị lo chạy cũng hết phương, mà chàng cũng chưa mạnh.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!