Cuốn 1 – Phần 11

Đêm ấy Đỗ Khắc Xương nhơn vì tâm sự đa đoan, bèn lấy nhựt báo ra xem chơi cho tiêu khiển. Khi xem đến mục “Nam Kỳ thời sự” thấy có một khoản như vầy:

Sang đoạt

Mới hôm qua đây, có thầy Nguyễn Văn Thiệt, giúp việc tại hãng rượu R.M.Đ.P. đi đòi tiền cho hãng, làm mất hết một số bạc rất to, 2 ngàn 6 trăm năm mươi lăm đồng (2.655$00). Theo lời thầy ấy khai thì thầy nói rằng vì sự vô ý rủi ro làm rơi mà mất; còn ông chủ hãng thì không tin, (ai mà tin được) nghi quyết rằng thấy ấy cố ý sang đoạt của hãng, nên cò bót đã bắt Nguyễn Văn Thiệt mà giải lên cho quan Biện lý.

Hiện nay thầy ấy đã bị giam rồi, việc chưa biết thiệt giả thể nào, để chờ quan Bồi thẩm tra hỏi phân minh, rồi kỳ Báo sau sẽ đăng tiếp.”

Đỗ Khắc Xương xem đi đọc lại đôi ba lần rồi mới để tờ nhựt báo xuống, lấy số bạc đem ra đếm lại mà coi, thì cũng rõ ràng là 2 ngàn 6 trăm năm mươi lăm đồng, chẳng dư chẳng thiếu; rất phù hạp với số bạc đã nói trong tờ nhựt báo, bèn kêu thằng Hành mà nói rằng:

– Đó! Em có thấy không? Cái số bạc đương nằm trong rương trong trấp của chúng ta đó, nó làm cho một người lương thiện kia phải chịu lao tù trong khám đó, em có thấy chưa?

– Vậy rồi bây giờ cậu tính sao?

– Thì phải đem mà trả hết lại cho người ta chớ tính sao?

– Cha! Uổng quá cậu há!!

– Ậy! Của người ta thì trả lại cho người ta, chớ phải của mình hay sao mà em gọi rằng uổng.

– Thiệt ít ai như cậu vậy quá! Mà tánh cậu cũng giống ông quá! Hèn chi cậu nghèo cũng phải.

– Nầy em! Con người ta ở đời chẳng phải là lo nghèo, chỉ lo không có đức hạnh kia mà thôi; phàm những của chẳng phải nghĩa thì chớ nên tham quấy. Thôi, em hãy uống thuốc đi cho mau mạnh đặng có lên đường.

Sáng ra bữa sau, vào lối 7 giờ, Đỗ Khắc Xương đổi thay y phục xong rồi, bèn lấy số bạc ấy đem theo, kêu xe kéo chạy ngay đến bót xin vào ra mắt ông Cò, trình gói bạc ra và bẩm rằng:

– Hôm nọ tôi đi đường Catinat, gần lối hình đức Đông Cung và Cha Cả. Tôi không biết của ai, nay xem trong nhựt báo mới hay là của Nguyễn Văn Thiệt làm rớt mà thầy ấy còn đương bị giam tra; tôi không nỡ giấu nhẹm ăn xài, mà để cho người bị hàm oan tội nghiệp, nên tôi phải đem đến mà trình nạp cho ông, xin ông hãy đệ trình cho quan Biện lý được hay mà tha người làm phước.

Ông Cò thấy vậy cũng ngạc nhiên, bèn nhìn sửng Đỗ Khắc Xương, thấy chàng tuổi tuy còn nhỏ mà khí võ hiên ngang, lại có lòng hào hiệp khẳng khái như vầy, lại thấy chàng nói tiếng Lang sa cũng giỏi, liền bắt tay chàng mà khen ngợi chẳng cùng.

Rồi đó ông Cò liền đánh dây thép nói lên mà trình cho quan Biện lý hay. Trong 6,7 phút đồng hồ, thì trên quan Biện lý lại đánh dây thép nói xuống, dạy ông Cò phải đem số bạc ấy lên mà nạp cho quan Bồi thẩm và cũng mời luôn Đỗ Khắc Xương lên tại phòng quan Bồi thẩm.

Vì tuân phép nước, nên Đỗ Khắc Xương cũng phải theo ông Cò mà đi lên Tòa. Khi lên đến nơi, vừa bước vào phòng quan Bồi thẩm, thì thấy có ông chủ hãng rượu cũng vừa mới đến. (Ấy là khi quan Bồi thẩm được tin ông Cò trình bẩm, thì ngài cũng đánh dây thép nói liền nội hồi đó mà mời ông Chủ hãng rượu lên).

Ông Cò bước vào trình diện Đỗ Khắc Xương cho quan Bồi thẩm, thì quan Bồi thẩm liền đưa tay ra bắt-xua (bonjour) Đỗ Khắc Xương; ông chủ hãng rượu cũng bước lại bắt tay Đỗ Khắc Xương mà khen phục chẳng cùng.

Khi quan Bồi thẩm hỏi tên họ tuổi tác và chức nghiệp của Đỗ Khắc Xương vừa rồi thì kế thấy lính sơn đầm ở dưới khám đã dẫn Nguyễn Văn Thiệt lên vừa tới. Quan Bồi thẩm liền dạy mở còng ra rồi chỉ Đỗ Khắc Xương mà nói với Nguyễn Văn Thiệt rằng:

– Số bạc 2.655$00 của thầy làm mất đó, mà thầy Đỗ Khắc Xương là người nầy đây, đã xí được và đã đam nạp đủ cho ta đây rồi, (và nói và đưa xấp giấy bạc ra cho Nguyễn Văn Thiệt coi). Ấy vậy thì cái lời của thầy đã khai với ta đó quả là lời khai thiệt; xét lại thì thầy là người vô tội, nên ta tha thầy đó.

Nguyễn Văn Thiệt mừng rỡ chẳng cùng, liền tạ ơn quan Bồi thẩm, rồi day lại mà tạ ơn Đỗ Khắc Xương. Rồi đó quan Bồi thẩm liền giao nguyên số bạc ấy lại cho ông chủ hãng rượu lãnh lấy đem về. Đỗ Khắc Xương cũng đứng dậy từ tạ quan Bồi thẩm mà lui chơn.

Về đến Lữ quán, Đỗ Khắc Xương bèn vội vàng tính trả tiền phòng rồi hối thằng Hành kêu xe chở đồ hành lý dời đi tiệm khác mà nghỉ, đặng sáng mai thầy tớ sẽ thượng trình.

Còn thằng Hành khi nghe cậu nó hối đi kêu xe thì nó cứ việc kêu xe, hối nó dọn đi thì nó cũng cứ việc dọn đi chớ không rõ việc chi hết cả. Đến chừng nó thấy dời lại chỗ Lữ quán khác nó thì nó mới lấy làm lạ mà hỏi rằng:

– Sáng mai nầy thì mình mới đi, sao không ở chỗ đó đặng mai mà đi luôn, lại dời đến chỗ nầy làm chi, đã mất công mà lại còn tốn thêm tiền xe kéo vậy cậu?

Đỗ Khắc Xương nói:

– Vì thầy Nguyễn Văn Thiệt nhờ trả số bạc lại nên thẩy mới được tha; chắc sao thẩy cũng tìm mình đền ơn đáp nghĩa, vì vậy nên qua phải dời đi, nếu để thẩy tìm được mà đem lễ vật tới rộn ràng, ý qua không muốn.

Thằng Hành nghe nói thì mỉm cười, rồi cũng nói rằng:

– Thiệt ít ai như vậy quá!

Mà quả chẳng hỏi như lời của Đỗ Khắc Xương liệu trước; nên trưa lại bữa ấy, Nguyễn Văn Thiệt mua sắm lễ vật một mâm vung chùng, đi tìm Đỗ Khắc Xương mà đền ơn, song đi một ngày mà hỏi không ra tung tích, cực chẳng đã nên phải đem về; rồi mướn nhựt báo ấn hành những điều đích thiệt về vụ mất bạc ấy ra cho công chúng được hay, trước là nêu cái gương tốt của người ơn mình, sau là để tỏ cái sự thiệt của mình là người vô tội v.v…

Đây nhắc lại hai thầy trò Đỗ Khắc Xương, sáng ra bữa sau dắt nhau lên xe lửa đi tối một ngày ra mới đến Nha Trang (ấy là tỉnh Khánh Hòa). Hai thầy trò bèn dắt nhau đi tìm chỗ nghỉ đỡ một đêm, rồi sáng mai hoặc đi bộ, hoặc đi cáng mà lần ra Cửa Hàn (Tourane) là chỗ mối đường xe lửa.

Đường đi từ Nha Trang ra đến Cửa Hàn (chỗ nầy Annam ta kêu là Cửa Hàn, hoặc kêu là Đà Nẵng, còn người Tây thì lại kêu là Tourane; cộng là 562 cây số, (kilomètres), phân ra làm hai chặng: một chặng từ Nha Trang ra tới Qui Nhơn, 240 cây số; còn một chặng từ Qui Nhơn ra tới Cửa Hàn là 322 cây số).

Hai chặng đường nầy chưa có đường xe lửa, chỉ có vài cái ô tô để đưa hành khách vậy thôi, ngặt vì giá tiền mắc mỏ lắm; còn thầy trò Đỗ Khắc Xương trong mình tiền bạc chẳng nhiều, nếu đi ô tô tổn phí rất nhiều, đã lo bận đi còn phòng bận về, phần thì để dành chạy thuốc cho cha, vì vậy cho nên hai thầy trò mới tính dắt nhau đi bộ, hễ khỏe thì đi bộ với nhau, bằng có mệt lắm thì lại mướn cáng mà đi cho đỡ chơn một vài khúc.

Ngày đi đêm nghỉ, lần lần ra gần tới núi Cù Mông, hai thầy trò còn đương xăm xúi dặm trường, bỗng thấy một bọn ăn cướp hơn chín mười người, thình lình trong bụi xông ra chận đường, bắt hết cả hai thầy trò, lục lưng lấy hết bạc tiền, rồi trói lại dẫn đem về núi, giam nơi sau trại.

Đêm ấy trời trong trăng tỏ, cảnh vật êm đềm, tên đầu đảng của bọn cướp ấy nhơn buồn vì tâm sự, bèn rảo bước đi ra phía sau, xem trăng hứng gió mà chơi cho tiêu khiển.

Còn đương rảo bước thung dung, vùng nghe có tiếng hai người chuyện vãn than thở với nhau rằng:

– Rủi quá cậu há! Ông đau ở ngoải không biết thể nào, bà ở nhà có một mình trước sau hiu quạnh; còn thầy trò mình lại bị bọn cướp nó bắt như vầy thì làm sao mà đi cho thấu tới ông?

Rồi lại nghe tiếng người sau nói:

– Quân cướp nầy thiệt là bất nhơn quá, bởi ta nghe cha ta đau, nên ta phải đem hết nhà đất mà cầm cố được có bấy nhiêu tiền, tưởng để đem ra mà rước cha ta về, cùng là lo than thuốc cho người. Chẳng dè đã bị cô với dượng ta tính tiền lời cho quá lẽ mà chận đầu chận đuôi cướp hết một mớ rồi, nay còn có bấy nhiêu, đi mới tới đây, lại bị bọn nầy nó giựt hết, lại còn bắt thầy trò ta mà nhốt lại đây, làm cho ta đi đâu cũng chẳng tới đâu, vạn nhứt mà cha ta rủi có bề nào thì ta ắt trốn chẳng khỏi cái danh bất hiếu.

Nói đến đó vùng sa nước mắt. Tên đầu đảng nghe nói mấy lời như vậy thì cảm xúc chẳng cùng, bèn lén bước lại gần mà nghe cho rõ. Vừa bước tới lại nghe người trước nói rằng:

– Tôi nghĩ lại thiệt không biết thiên lý ở đâu? Lẽ gì người lành như cậu vậy thì gặp phước mới phải chớ, có đâu mà lại cứ gặp ăn cướp như vầy hoài; đã có của đem mà cầm cố cho họ, họ đã tính lời cho quá lẽ, lại còn chận mà trừ trước hết 6 tháng tiền lời, có phải là quá ăn cướp không? Ý là cô ruột đa, chớ phải người dưng mới bực nào nữa; rồi nay đi mới tới đây lại còn bị bọn ăn cướp nầy nữa, thiệt số cậu sao xui quá! May là hôm ở Saigon cậu đem 2 ngàn mấy trăm đồng bạc xí được mà cho người ấy lại cũng còn có ơn, chớ phải cậu nghe lời tôi nhẩm lấy mà đem theo, thì cái lũ nầy nó cũng lục lưng mà lấy ráo, chớ chẳng có ích gì. Mà cậu đã hay làm đoan làm phước như vậy, lại gặp tai họa luôn luôn, nếu trời đất mà để như vầy thì ai thèm làm phước nữa.

Tên đầu đảng đứng ngoài nghe rõ hết trước sau thì gặt đầu và nói thầm rằng:

– Nếu vậy người nầy quả là người hào hiệp trượng phu, ta cũng nên tha người mà làm nghĩa.

Nghĩ rồi liền bước tới tằng hắng lên một tiếng, mở cửa bước vào. Thầy trò Đỗ Khắc Xương còn đương than thở với nhau, bỗng nghe có tiếng người tằng hắng bèn lẳng lặng làm thinh, kế thấy cửa mở tung ra, có một người trai tơ trạc chừng hai mươi ngoài tuổi, hình dung tuấn tú, diện mạo khôi ngô, xô cửa bước vào, rồi đi thẳng tới xá Đỗ Khắc Xương và nói rằng:

– Trẻ ở của tôi nó không biết mà bắt lầm, làm cho thầy lo sợ, thiệt là tội lỗi quá, vậy tôi xin mời thầy theo tôi ra nơi nhà trước rồi tôi sẽ phân trần lai lịch cho thầy nghe.

Lúc bấy giờ, cả hai thầy trò Đỗ Khắc Xương thiệt là tuyệt địa phùng sinh, không biết ất giáp gì, nên cũng cứ việc đi theo ra nơi nhà trước xem thử lẽ nào cho biết.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!