Cuốn 1 – Phần 10

Còn Đỗ Khắc Xương, khi làng xã thị nhận xong xuôi rồi, liền vội vã trở lên đem tờ giấy giao cho Tám Chỉnh. Tám Chỉnh thấy có làng xã thị nhận đủ rồi, chừng đó mới chịu mở tủ sắt lấy bạc đem ra đếm để trên bàn, kêu chàng Đỗ bảo lại mà lấy.

Đỗ Khắc Xương bước tới, thấy sao ít quá, trong lòng phát nghi, bèn đếm lại mà coi, thì thấy có:

1 tấm giấy xăng (cent) là: 100$00

5 tấm giấy hoảng (vingt) là: 100$00

8 tấm giấy phiên 5$ (five) là: 40,00

6 tấm giấy một (une) là: 6,00

Cộng: 246$00

Cộng lại hết thảy thì có hai trăm bốn mươi sáu đồng mà thôi, Đỗ Khắc Xương liền nói rằng:

– Thưa dượng đếm lộn, đây chưa đủ 3 trăm

– Đủ mà! Cháu đếm hết thảy đó là bao nhiêu mà nói dượng đếm lộn?

– Dạ, thưa đây có 246 đồng mà thôi.

– À! Thì đủ rồi đó, còn lộn nỗi gì?

– Dạ, thưa trong giấy cháu làm đó là 3 trăm đồng mà!

– À! Thì phải vậy chớ sao? Cháu cố cái nhà và miếng vườn cho dượng giá bạc là 3 trăm đồng phải hông?

– Dạ, thưa phải.

– À, mà trong giấy cháu làm cho dượng đây thì cháu chịu trả lời cho dượng 3 phân và trong hạn một năm thì cháu chuộc lại phải hông?

– Dạ, thưa phải.

– À! Vậy mà ức hiếp nỗi gì, cháu còn la thiếu la đủ? Để dượng cắt nghĩa cho rành rẽ cho cháu nghe. Trong số vốn 3 trăm đồng mà bạc 3 phân, thì nhằm mỗi tháng là 9 đồng bạc lời, mà trong một năm 12 tháng thì là 12 x 9$00 = 108$00. Thế thì trong hạn một năm nhằm 108 đồng bạc lời. Nhưng bởi cháu là con cháu trong nhà, nên dượng chận trước đi có 6 tháng tiền lời là 54 đồng mà thôi; còn lại của cháu cái số chắc là 246 đồng, còn cái gì nữa.

Thằng Hành đứng ở ngoài xa nghe Tám Chỉnh nói như vậy thì nó bắt ghê mà le lưỡi. Còn Đỗ Khắc Xương nghe rõ trước sau thì chưng hửng, tháo mồ hôi, bèn ngó chừng cô ruột của mình mà nói rằng:

– Cháu tưởng cái món tiền lời nầy là để tới ngày kỳ hẹn, nếu có đủ thì trả tất vốn và lời, bằng không có vốn thì trả lời mà làm tờ giấy lại; chớ bạc vốn thì chưa vào tới tay cháu đồng nào, mà dượng lại tính lời mà trừ ngang cấn dọc trước như vầy thì chẳng là tội nghiệp cho kẻ nghèo lắm chăng dượng.

– Ủa! Thằng nói niết!! Việc gì cũng vậy, phải cứ phép mà làm, cháu sợ tôi nghiệp cho kẻ nghèo, vậy còn dượng đây, ai mà tôi nghiệp cho dượng đó?

Thị Bườn tiếp nói:

– Dượng cháu tính vậy, là ổng thương cháu lắm đa, chớ người ta thì không bao giờ được vậy đâu cháu. Thôi, cháu hãy đem bạc về đặng có lo tính mà đi thăm anh Hai cho sớm đi cháu.

Đỗ Khắc Xương nghe nói mà ngán ngầm, cực chẳng đã, vì nóng ruột thương cha, nên phải ôm lòng lấy 246 đồng bạc đó bỏ vào túi rồi từ giã bước ra kêu thằng Hành ra chợ tìm quán ăn cơm rồi sẽ về; vì mắc đi lên đi xuống đã đôi ba phen, đến khi xong việc thì đã 3 giờ chiều, chừng ấy mới nhớ lại thầy trò chưa ăn cơm sớm mai.

Khi vào quán, hai thầy trò ngồi lại ăn cơm, thằng Hành bèn thỏ thẻ mà nói với cậu nó rằng:

– Thiệt tôi ở với ông bà và cậu, từ hồi 7 tuổi cho đến bây giờ, đã 7,6 năm nay; lúc nhà ông còn khá, người ta tới vay hỏi cũng thường, mà ông với bà chẳng có làm cái thói cắt cổ như cái ông già đó bao giờ; mà mỗi lần có ai tới hỏi, thì ông cứ mở tù trao bạc ra liền, chớ không có làm khó nhọc cho ai, mà cũng chẳng có trừ ngang cấn dọc mà chận tiền lời trước như vậy bao giờ? Cái người dượng của cậu đây thiệt là ác đức quá cậu há! Vậy mà tự hồi sớm mơi cho tới bây giờ cơm nước gì cũng không ngơ, chẳng thấy ổng bả mời lơi cậu cháu mình lấy một tiếng. Hèn gì họ giàu quá cũng phải; còn ông với bà ở nhà mà cho vay, ai trả cũng tốt, không trả cũng chẳng đòi, đã vậy mà ông lại hay bố thí cho kẻ nghèo hoài, bị vậy mà ông không hết tiền sao được.

Đỗ Khắc Xương nghe thằng Hành nói bấy nhiêu lời, chàng nghĩ tới việc đời càng thêm chán ngán. Thằng Hành lại nói:

– Nầy cậu, cái bà đó là cô ruột của cậu, mà sao kỳ quá cậu há!

Đỗ Khắc Xương nói:

– Bà con cật ruột sao cho qua đồng tiền. Thôi, hãy ăn riết cho rồi mà về cho sớm em.

Khi cơm nước xong xuôi, hai cậu cháu liền kêu xe về nhà thưa lại cho mẹ nghe. Đoàn thị nghe con nói rõ trước sau thì khóc ròng rồi lại than rằng:

– Thiệt cô dượng của con, chúng nó bất nhơn đà thái thậm, coi đồng tiền là trọng chớ nó chẳng kể gì là cốt nhục tình thêm; thôi, việc đã như vậy rồi, dầu có nói chi cũng vô ích. Vậy con cứ lo sắm sửa hành lý mà đi, song con có đi thì phải đi đường bộ cho chắc ý hơn, chớ đừng có đi đường biển mà sóng gió khó lòng, vả cha con sanh có một mình con, vậy thì con phải ráng mà bảo trọng lấy thân con, phòng sau cho có kẻ gìn giữ bát nước vùa hương cho nhà họ Đỗ. Huống chi lúc nầy nước nhà đương buổi phân vân, thì xã hội Việt Nam nầy chỉ có trông mong vào đám thanh niên. Vậy thì con cũng ráng mà giữ gìn cái thân hữu dụng, để phòng ra sức mà giúp được một hai điều công ích mảy may gì cho xã hội tương lai…”

Bà nói tới đó nước mắt chảy ra ròng ròng. Bà liền lấy khăn mà lau rồi nói tiếp thêm rằng:

– Vả đây mà ra đến Bắc, đường sá xa xuôi, núi non đèo ải, cách trở gập ghình. Vậy thì con hãy đem thằng Hành đi theo với con cho có bạn, sớm trưa cậu cháu hủ hỉ với nhau, chớ như phận mẹ ở nhà đây, một mình con Hoa cũng đủ.

Đỗ Khắc Xương bèn trích trong số bạc ấy, lấy ra ba chục đồng mà để lại nhà cho mẹ, còn bao nhiêu thì bỏ hết theo mình, sắm sửa hành lý sẵn sàng rồi mới đốt hương nơi bàn thờ, vái lạy tổ tiên và ra lạy mẹ già, rồi lại đi từ giã xóm giềng mà gởi gắm mẹ mình, phòng khi tối lửa tắt đèn, nhờ có bà con chòm xóm.

Sắp đặt việc nhà đâu đó xong xuôi, xế lại hai cậu cháu mới dắt nhau quảy đồ đi thẳng lên ga, mua giấy đi Saigon cho kịp xe chuyến chót.

Khi lên tới Saigon thì trời đã tối, hai thầy trò bèn quảy đồ vào nhà khách sạn mà nghỉ ngơi, cơm nước xong rồi, Đỗ Khắc Xương mới tính đi tìm nhà anh em bạn học khi trước mà hỏi thăm việc xin giấy thông hành phải làm cách nào cho tiện. Thằng Hành thuở nay mới lên tới đất Saigon nên cũng xin đi theo, đặng xem phố xa chốn kinh thành chơi cho biết.

Đỗ Khắc Xương liền khóa phòng lại rồi thầy trò mới dắt nhau ra đi. Nguyên người anh em bạn học của Đỗ Khắc Xương nhà ở tại đường Bangkok, gần trước cửa đất thánh Tây. Khi hai thầy trò lên đó, hỏi thăm công việc đã xong, chuyện vãn một hồi thì trời đã khuya lơ khuya lắc. Đỗ Khắc Xương bèn đứng dậy giã từ, rồi hai thầy trò mới dắt nhau đi bộ trở về chỗ ngụ.

Khi đi tới trước cửa nhà thờ, tại đầu đường Catinat, ngang lối chỗ hình Đông Cung và hình Cha Cả, tình cờ vùng thấy giữa đàng có một xấp giấy nằm sờ sờ, không biết là giấy chi, thằng Hành liền lượm lên coi, té ra là giấy bạc.

Đỗ Khắc Xương chưng hửng, không biết của ai rơi rớt như vầy; thầy trò về phòng đóng cửa lại rồi mới mở ra đếm thử mà coi; chừng ấy mới hay, một số bạc rất to, rõ ràng là 2 ngàn 6 trăm 5 mươi lăm đồng chẵn (2655$00). Thằng Hành mầng quá đỗi mầng, bèn nói rằng:

– May quá cậu há! Cái nầy là của trời cho, vậy thì ngày mai cậu hãy mua măng-đa mà gởi về ít trăm trước cho bà, bảo bà hãy đem lên trên cái ông già dượng đó mà chuộc phứt miếng vườn và cái nhà lại cho rồi, kẻo để lâu đây rồi không biết chừng ổng còn sanh tâm mà trận sỏi nữa đa cậu à!

Đỗ Khắc Xương nghe thằng Hành nói vậy thì mỉm cười và nói rằng:

– Bạc nầy là bạc của người ta rơi rớt, mình xí được thì mình mừng, còn cái người làm mất đó chắc là họ phải khóc; họ khóc mà mình cười, thì cười sao cho được đó em? Hoặc của nầy là của một người giàu có dư giả thì chẳng hại gì, họ mất cái số bạc nầy, bất quá cũng như lúa trong một bồ, hao năm ba hột. Thoảng như nhằm của một người nghèo túng, mới vay bợ của người ta, hoặc là họ cũng gặp việc nguy bức như mình mà phải bán nhà hay là cố ruộng mới có được cái số bạc nầy để mà giải nguy; nay họ bị rủi ro rơi rớt, về tay mình được lại giấu để mà xài; làm cho người phải bị việc hiểm nguy, hoặc cũng vì số bạc ấy mà phải liều mình tự tử; thì cái lương tâm của mình há đi vui hưởng cho đành sao em? Thôi, vậy thì hay vậy, em chớ nói vấy không nên; để nghe rõ lại coi cho biết của ai rồi sẽ cho người ta lại.

Đêm ấy thằng Hành thì cứ chỏng cẳng ngủ khò, còn Đỗ Khắc Xương thì những mảng bồi hồi, lăn qua trở lại, lo tới lo lui, nỗi lo cho cha già ở nơi đất Bắc, không rõ hôm nay bịnh thế thể nào; nỗi lo cho mẹ ở nhà, tròi trọi một mình, vắng trước quạnh sau, không ai phụng dưỡng; nỗi lo cho nàng Từ Mộ Trinh, không biết rồi đây nàng có được mạnh lành, hay là vì ưu uất cái cuộc duyên nợ trớ trinh mà nàng phải liều mình, trầm hương đắm ngọc. Một mình trằn trọc, thốn thức bàng hoàng; đêm khuya khắc lụn canh tàn, đường kia nỗi nọ ngổn ngang bời bời.

Còn đang nghĩ vẩn nghĩ vơ, bỗng nghe tiếng kiểng nhà thờ đã đổ vang rền. Đỗ Khắc Xương giựt mình, liền lấy đồng hồ nhỏ ra xem; chừng ấy mới hay là 5 giờ sáng.

Trời đã bình minh, Đỗ Khắc Xương bèn ngồi dậy rửa mặt rửa mày, đổi thay quần áo, rồi lo đi ghi giấy thông hành, đâu đấy xong xuôi thì đã 10 giờ rồi, bèn trở về Lữ quán cơm nước nghỉ ngơi, chờ đến sáng mai tớ thầy sẽ lên xe lửa mà đi ra Bắc.

Chẳng dè trưa lại ngày ấy thằng Hành vùng phát đau bụng nhào lăn. Đỗ Khắc Xương lo chạy lăng xăng trọn cả đêm ngày mới bớt. Vì vậy mà làm cho Đỗ Khắc Xương phải đình đãi cuộc hành trình lại thêm vài ngày, chờ cho thằng hành thiệt mạnh rồi mới dám lên đường.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!