Cuốn 1 – Phần 09

Quan phủ tuy nghe chàng nói bấy nhiêu lời thì ông cũng có ý hổ thầm, song chẳng biết nói sao, nên phải bỏ qua cho rồi việc.

Còn Từ Mộ Trinh hay được việc ấy thì rầu rĩ chẳng cùng, bèn thừa dịp lén sai Lệ Dung qua an ủi Đỗ Khắc Xương rằng:

– Chị tôi biết việc chẳng xong, nên sai tôi qua đây mà tỏ thiệt cùng thầy, vì chị tôi vẫn biết thầy là một đấng tài ba, không phải chịu nghèo đời đâu mà sợ, vậy thì khắp trong Lục tỉnh Nam kỳ nầy mà thầy há chẳng chọn được một người vợ nào cho thiệt hiền đức hay sao? Còn phận chị tôi thì xin để kiếp sau sẽ làm thân trâu ngựa mà đền nghì trước mai; chớ kiếp nầy thì thế ắt chẳng được gần nhau rồi, bề nào chị tôi cũng quyết liều một thác; đặng mà, một là để tạ lòng tri kỷ của thầy, hai là để phá hoại cái thế lực gia đình chuyên chế đó đi mà cứu kẻ hậu lai cho thoát ly cái lệ tục. Chí như chị tôi mà có thác đi rồi, cũng chẳng hại chi, miễn là được đôi ba giọt lụy tình của thầy rơi trên nắm đất, thì chị tôi cũng an lòng mà ngậm cười nơi chín suối vậy.

Đỗ Khắc Xương nói:

– Tôi mà trọng cô hai đây là trọng vì tài đức, chớ chẳng phải trọng vì nhan sắc; e rằng cô hai vị tất đã thiệt biết tôi đó mà thôi, chớ như cô hai mà quả thiệt biết tôi rồi, dầu xong chẳng lại hại chi sao? Hà tất phải chung chăn lộn gối mới gọi là thương?

Lệ Dung nghe nói dứt lời, trong lòng kính phục chẳng cùng. Liền từ giã trở về thuật lại cho Mộ Trinh nghe. Mộ Trinh nghe rõ trước sau, càng nghĩ đến chừng nào, càng yêu vì nết, càng phục vì tình, từ đó đến sau, mối cảm hoài càng thêm lai láng, vì thế mà căn bịnh của nàng chỉ cứ dây dưa mãi năm nầy sang tháng nọ; chẳng đau thêm, mà cũng không thấy bớt. Làm cho đàng trai cũng phải để vậy mà chờ, chớ không lẽ đi cưới vợ đau về để nuôi báo cô cho được.

Một bữa kia Đỗ Khắc Xương đương ngồi trong nhà mà xem sách, bỗng thấy một tên lính trạm ngoài ngõ bước vào trao cho chàng một tin dây thép. Đỗ Khắc Xương không biết việc chi, lành dữ thể nào, mà cũng không hiểu ở đâu đánh lại, liền mở ra xem rõ trước sau, mặt mày chàng biến sắc; liền vào nhà trong nói lại cho mẹ chàng là bà Đoàn thị hay.

Té ra cái dây thép ấy là dây thép của ông Hòang Hữu Tâm ở Bắc Kỳ, gởi vào mà cho chàng hay rằng cha chàng đau nặng, phải ra lập tức, đặng coi săn sóc cho ông.

Hay được tin như vậy, hai mẹ con rưng rưng nước mắt, cứ ngồi nhìn sửng mặt nhau, chớ không biết tính làm sao cho tiện. Vả đây mà ra đất Bắc, đường sá rất xa xuôi, bạc trăm đi mới tới, mà hiện nay trong nhà, một đồng một chữ cũng không ngơ, biết lấy chi mà làm lộ phí. Còn đương lúng túng chưa biết liệu phương nào, Đỗ Khắc Xương vùng nhớ lại bèn nói với mẹ rằng:

– Nầy mẹ, con nghĩ cho mẹ con ta lúc nầy thiệt cũng đã cùng đường rồi, vậy con tính đi lên chợ thành mà tỏ với cô dượng con coi, may khi mà được việc.

Bà Đoàn thị nghe nói lắc đầu, cản con lại mà nói rằng:

– Tưởng ai thì mẹ không cản con, chớ nói đến cô Ba con, thì con chớ nên đi làm chi vô ích, vậy chớ con không biết ý vợ chồng nó hay sao?

– Dạ, thưa mẹ, con biết lắm chớ, bởi con biết ý cô dượng của con, nên mới tính đi lên đó chớ.

– Con đã biết ý vợ chồng nó rồi, còn lên mà nói với nó làm chi?

– Thưa mẹ, vả chăng cô dượng của con thuở nay chỉ lấy có một nghề cho vay hoặc là cố ruộng cầm vườn mà làm kế sanh nhai; vậy bây giờ đây thì mình chỉ còn có một cái nhà ngói 5 căn, với một miếng vườn một mẫu; mà cha con thì đau nặng, xa xuôi nơi đất khách quê người, không lẽ mà mẹ con ta cứ để ngồi khoanh tay nhìn nhau mà khóc; nên con tính lên nói với cô dượng con mà cố phứt cái nhà và miếng vườn nầy cho rồi, đặng kiếm ít trăm đồng để làm lộ phí mà đi cho đến Bắc Kỳ và để phòng lo lắng thuốc men cho cha con luôn thể; chẳng hay mẹ nghĩ thể nào?

Đoàn thị nghe con nói dứt lời thì rưng rưng nước mắt mà nói rằng:

– Cái nhà nầy vốn của ông cố con để lại, đã biết rằng cha con cải chánh cho con đứng bộ đã 2 năm nay, tuy vậy chớ cũng là của tổ phụ lưu truyền, lẽ thì chẳng nên cầm bán cho ai, ngặt vì nay gặp cơn nguy khuẩn như vầy, thế túng phải tùng quyền, chớ biết sao bây giờ; thôi, con hãy đi đi, thoảng như may mà xong việc, thì lấy bạc đem về đặng có sắm sửa mà đi cho sớm đi con.

Nguyên Đỗ Khắc Xương còn một người cô ruột thứ ba tên là Đỗ Thị Bườn, còn người dượng rể tên là Phùng Văn Chỉnh, mà thứ tám, thiên hạ thấy có tiền, nên kêu tưng rằng cậu Tám Chỉnh, nhà ở phía trong chợ thành, cách chừng vài ba ngàn thước. Hai vợ chồng tròi trọi, chẳng có con cái chi, chuyên có một nghề cho vay cắt cổ mà làm giàu. Bởi vậy cho nên ông Đỗ Khắc Thới không ưa, tuy là anh em ruột thịt mặc dầu, nhưng mà hai người coi nhau như mặt trăng với mặt trời, năm chí cuối chẳng ai tới lui ai hết thảy.

Nay vì thế bức, nên Đỗ Khắc Xương túng phải tùng quyền. Khi chàng thấy mẹ đã an lòng, liền mở tủ lấy giấy tờ và bằng khoán đem theo; lại kêu một đứa nhỏ ở trong nhà tên là thằng Hành đi theo cho có bạn.

Khi lên đến nơi, hai thầy trò vừa bước vào nhà, người cô cũng chào hỏi gọi là cho qua buổi, một chặp lâu mà Đỗ Khắc Xương chẳng thấy cô mình hỏi thăm tới cha mạ mình thì chàng đã có ý buồn; nhưng mà, cực chẳng đã nên phải dằn lòng, ngồi cà rà một hồi rồi mới bày chuyện mình mới được dây thép nói rằng cha mình đau ở ngoài Bắc, nay muốn đi thăm mà ngặt …

Mới nói tới đó thì người dượng rể là Tám Chỉnh ở trong buồng mang giày hàm ếch lẹp xẹp bước ra mà nói chận họng rằng:

– Thiệt anh hai ảnh kỳ quá, ở trong nầy gần gũi vợ con và em út lại không chịu ở, để vượt vồng mà đi ra ngoài Bắc làm gì. Nay lại đau ốm như vầy, mới liệu làm sao? Lại rủi lúc nầy thiệt tao cũng túng điến, ấy cũng tại cô ba mầy nó ham cho tiền lúa, có bao nhiêu cũng tuôn ra hết mà cho vay; rủi năm nay thiên hạ lại thất mùa, làm cho tao với cô mầy cũng phải chịu nghèo với họ.

Đỗ Khắc Xương biết ý bèn nói thiệt ra rằng:

– Nay cha cháu đã đau mà lại ở xa xuôi nơi đất Bắc, mẹ con cháu ở nhà không lẽ để ngồi mà điềm nhiên tọa thị cho đành; bởi vậy cho nên mẹ cháu mới sai cháu lên đây mà thưa cùng cô dượng, xin cô dượng làm ơn mà cho mẹ con cháu cố đỡ cái nhà và miếng vườn chừng bốn trăm đồng, đặng cháu dùng làm lộ phí ra Bắc Kỳ mà thăm cha cháu, hạn trong một năm thì cháu sẽ đam đủ lời vốn mà chuộc về, xin dượng cùng cô rộng lòng giùm giúp.

Nguyên lúc vợ chồng Tám Chỉnh vừa mới nghe Đỗ Khắc Xương nói chuyện cha chàng đau nặng, thì sợ chàng đến quơ tạm vậy thôi, nên đã kiếm chuyện than nghèo, rên trời rên đất; lại ra mòi lạt lẽo bảng lãng bơ lơ. Đến khi nghe chàng nói tới việc cầm đất cố nhà là một miếng mồi thơm của vợ chồng mơ ước bấy lâu nay; liền đổi buồn làm vui mà nói rằng:

– Thiệt dượng lúc nầy cũng túng quá đi cháu à! Nhưng mà, không mấy khi chị hai và cháu có việc cần dùng, vậy thì dượng cũng ráng mà nhín giùm cho cháu chừng lối 3 trăm; chớ số bốn trăm thì thiệt dượng không có đủ.

Đỗ Khắc Xương biết ý, liệu bề nài nỉ cũng chẳng ích chi, bèn đáp rằng:

– Số 3 trăm cũng được, song cháu chưa rõ dượng tính tiền lời mỗi tháng là mấy phân?

– Cháu là con cháu trong nhà, chớ chẳng phải người nào, vậy thì dượng cũng tính cho cháu, cứ lợi 3 phân trong mỗi tháng.

– Dượng tính tới 3 phân thì nặng cho cháu quá, xin dượng nghĩ tình cha mẹ cháu mà bớt cho cháu một phân, cháu xin trả nhờ cho dượng 2 phân trong mỗi tháng, ước có được chăng?

– Được đâu cháu, thuở nay dượng cho người ta vay bạc 4, 5 phân, mà cháu là cháu ruột của bả ở nhà và cũng có cố đất cầm nhà, nên dượng mới tính cho cháu có 3 phân thiệt là nhẹ quá, còn xin bớt nỗi gì. Vậy cháu có bằng lòng thì về làm giấy cho chị điểm chỉ rồi đem lên đây mà lấy bạc, bằng cháu có chê mắc, thì tự ý cháu kiếm được chỗ nào rẻ đó thì cháu kiếm lấy, chớ dượng không có ép.

Cực chẳng đã Đỗ Khắc Xương không biết tính làm sao, bèn để thằng Hành ở lại đó, mướn xe chạy riết về nhà nói lại cho mẹ hay. Đoàn thị liền sa nước mắt mà nói rằng:

– Tánh tình của cô dượng con, mẹ đà biết chán, đợi gì con phải nói, thuở nay vợ chồng, nó chỉ có cái nghề cho vay rồi khắc bạc nhà nghèo mà làm giàu làm có; nay nó thấy mẹ con nhà ta cấp bức như vầy, nên nó có kể chi là tình chị em cô cháu. Thôi, đương lúc túng cùng, phải sao hay vậy, chớ biết sao bây giờ?

Đỗ Khắc Xương liền lấy giấy viết tờ đem lên cho mẹ điểm chỉ xong xuôi, liền quày xe chạy lên nhà cô mà lấy bạc. Khi đến nơi, chàng liền xuống xe đi thẳng vô nhà đem giấy trao cho Tám Chỉnh coi và hỏi mượn viết mực ký tên mình vào đó.

Tám Chỉnh coi tờ giấy xong rồi lại nói rằng:

– Lẽ thì phải có làng xã thị nhận và đem đóng tiền cầu chứng mới được; nhưng mà việc cháu thì cũng gấp, thôi, dượng cũng chẳng cầu chứng mà làm chi, song cháu phải chịu khó đem về cho làng xã thị nhận cho đủ phép rồi sẽ trở lên đây mà lấy bạc.

Đỗ Khắc Xương nghe nói nghẹn ngào, hai hàng nước mắt rưng rưng, chẳng biết tính làm sao, lại phải mướn xe, trở về cậy làng thị nhận. Lúc bấy giờ, thằng Hành tuổi mới 15, nhưng mà nó thấy cái nhơn tình khe khắc như vầy nên nó cũng chắt lưỡi lắc đầu mà than thầm giùm cho cậu nó.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!