Chẳng dè những câu chuyện của hai ông bà tranh cãi với nhau nãy giờ, Mộ Trinh đã núp lén rình nghe, đầu đuôi đà rõ hết, nên nàng ở trong buồng đã khóc lóc với Lệ Dung rồi. Khi nghe quan phủ kêu tới tên nàng, thì nàng cũng phải ép lòng rén rén bước ra, mặt hoa ủ dột, lụy ngọc dầm dề.
Quan phủ đương sẵn trớn giận bà, lại thấy tình hình của nàng như vậy, nên ngài cũng giận luôn, bèn nạt lớn lên rằng:
– Chuyện gì mà khóc? Khéo không? Hèn chi người ta hay nói, hễ mẹ nào thì con nấy, thiệt cũng phải lắm chút! Sao? Chỗ giàu sang như vậy mà con còn chê hay sao?? Đó! Con nghĩ coi, nhà người ta thì giàu có lung, lại cũng là một ông huyện hàm chớ phải lôi thôi hay sao? Huống chi Bác của nó là quan Đốc phủ sứ, vẫn là một người rất có quyền thế hơn cha, mà nay người lại đứng làm mai cho nó nữa, thì là chỗ giàu sang tột bực, còn ức hiếp nỗi gì? Con hãy nghe lời cha mà ưng phứt cho rồi, đừng có nghịch ý mà làm cho cha thêm giận.
Mộ Trinh thấy cha đương lúc nóng nảy nên nàng chẳng dám nói chi, cứ đứng khóc hoài. Bà phủ thấy vậy, lại rước mà nói rằng:
– Tôi xin ông bớt giận mà để cho tôi phân rõ một đôi điều, phàm hễ vợ chồng mà biết quí trọng nhau, biết yêu thương nhau, là bởi có cái mối ái tình cao thượng, có ái tình rồi mới tương đắc với nhau, chừng ấy chồng lo việc ngoài, vợ lo việc trong, mỗi người đều giữ theo chức nhiệm của mình, tương y tương ỷ với nhau, thượng hòa hạ lục, phu xướng phụ tùy; không ai khinh thị ai, không ai hiếp chế ai, chung vui chung buồn, đồng tâm hiệp ý; được như vậy, dầu cho làm vợ một tên sĩ nghèo cũng còn có thú vui, chớ như ham mấy chỗ sang giàu, rủi nhằm công tử bột, những hạng người ấy, phần đông đều là bọn ỷ của, dâm dật tánh thành, họ coi đờn bà con gái cũng như một món đồ chơi, để vuốt ve nựng nịu trửng bỡn cho thỏa lòng; thoảng như có điều nào mà không vừa ý họ, thì đã thấy họ ly dị liền, chớ họ có biết chi là đạo tình thâm nghĩa trọng. Còn nói tới việc tình, thì họ lại lấy điều dâm dục luyến ái mà gọi là tình, chớ họ có rõ đâu được cái mối tình cho chánh đáng. Tình mà chánh đáng ấy, là phát ư lễ, chỉ ư nghĩa, chẳng dâm chẳng loạn, mới gọi là tình; bằng chẳng vậy thì là cầm thú chi tình, chớ ai gọi là tình cao thượng! Chí như ông Ngọt mà được thưởng chức huyện hàm, thì bất quá là nhờ có thế lực kim tiền, chớ ổng có công lao hạn mã chi đâu, mà cũng chẳng phải là ổng có tài bộ gì, thì cái hàm ấy ai cho là quí.
Quan phủ nghe bà nói tới đó thì lại càng nổi xung, vùng nạt lớn lên rằng:
– Mụ đừng có nhiều chuyện, khéo bắt chước ai mà nói cái giọng cầu cao; nếu mẹ con mụ mà cãi lời tôi, thì đừng trách số.
Quan phủ miệng thì la ó, mà mặt thì cứ hầm hầm. Mộ Trinh thấy cha tánh tình nóng nảy, lại thêm đương lúc giận dỗi mà nổi trận lôi đình, nên nàng cứ làm thinh, chỉ có khóc ròng, mà bà phủ cũng nín luôn, chẳng dám nói rằng chi nữa hết.
Cách chẳng bao lâu, ông lại tiếp được thơ của quan Đốc phủ Phạm Nhứt Thanh gởi đến cho ông mà cần thúc hỏi thăm việc ấy. Việc cấp bức như vậy, ông chẳng biết tính sao, nếu gởi thơ trả lời mà hẹn nữa, thì lại sợ mích lòng quan Đốc phủ, nên ông tính hồi âm mà chịu bốc cho êm; rồi lần lần sẽ dụng lời ngon ngọt dỗ dành, không lẽ mà con mình nó dám cãi. Nghĩ như vậy rồi ông liền viết thơ hồi âm cho quan Đốc phủ mà hứa chịu gả con con gái của ông cho con trai ông huyện Ngọt.
Khi quan Đốc phủ Phạm Nhứt Thanh tiếp được tin lành, mừng vui chẳng xiết, liền viết thơ gởi xuống Ba Xuyên mà cho quan huyện Ngọt hay, bảo phải chọn ngày và sắm đủ lễ vật đem lên, đặng có đi bỏ trần cau cho sớm.
Ngày giờ thấm thoát, lật bật mà đã trót một tháng ngoài, dưới kia ông huyện Ngọt đã coi được ngày, tương lễ vật bỉ bàng, đi một chiếc tàu hơi rất to, lên ghé tại Mỹ Tho rước quan Đốc phủ Phạm Nhứt Thanh, rồi thẳng xuống đến dinh quan phủ Từ Thế Anh mà đi lễ hỏi.
(Lúc nầy Ký giả chưa kịp nói ra, mà tưởng khi khán quan ai ai cũng biết chắc rằng nàng Từ Mộ Trinh, thì áo não âu sầu, cứ rút ở trong buồng, chớ không chịu ra; còn nàng Trần Lệ Dung thế nào cũng núp lén rình coi, cái nhơn phẩm của công tử thể nào cho biết).
Mà thiệt quả như vậy đó chút! Khi hai chị em nghe được tin quan phủ đã hứa hôn và bên trai đã tới mà đi lễ hỏi rồi, thình lình như sét đánh vào tai, Từ Mộ Trinh tâm thần rũ liệt, bải hoãi tay chơn, nước mắt chảy tuôn ra như suối, còn Lệ Dung thì lén lại đứng núp dựa cửa buồng mà dòm ra, thấy ông mai là quan Đốc phủ, mặc một cái áo tố màu huân bông lớn, trong lót màu hồ thủy, đầu bịt khăn đen, nơi trước ngực có đeo 5,6 cái mề đay rực rỡ; còn quan huyện hàm (ông sui trai) thì mặc một cái áo nhung đen, trong lót màu trứng sáo, kết một bộ nút vàng rất to, gần bằng ngón tay cái; hai bàn tay, bàn nào cũng có đeo chiên chiên con dấu đỏ lòm, chơn mang một đôi giày hàm ếch thêu cườm, miệng ăn trầu đỏ hoét.
Duy có chàng rể là cậu hai Chanh, mặc một cái áo xa-ten, 5 cái nút bằng vàng cũng to bằng viên đạn chiến. Đeo một sợi dây chiền đồng hồ bằng vàng, tự nách thòng xuống tới lưng quần, ước cũng hơn 5 lượng; đầu cậu bịt khăn đen mà khăn đóng, chơn cậu mang đôi giày ăn-phón láng ngời, tay chơn kịch cợm, diện mạo tầm thường.
Lệ Dung xem rõ hết mấy người rồi quày trở vô buồng, cứ ngó Mộ Trinh mà chắt lưỡi lắc đầu thở ra thở vào, chớ cũng chẳng biết nói làm sao cho được.
Khi làm lễ xong rồi bên trai bèn dở cái quả, lấy ra một đôi bông tai có nhận ngọc xoàn, giá đáng 200 đồng; 3 chiếc cà rá cũng nhận ngọc xoàn, đáng 9 trăm đồng và 3 lượng hột vàng mà cho nàng dâu, gọi là lễ buột tay.
Quan phủ phới phở trong lòng, song ông biết khó mà bảo Mộ Trinh ra chào cho được, nên ông kiếm chuyện mà kiếu rằng:
– Lẽ gì tôi phải bảo con gái tôi ra chào cha chồng nó mới phải, ngặt rủi vì nó rét mấy bữa rày, bây giờ nó lại đương làm cử; vậy xin quan lớn cùng anh sui miễn lễ cho nó.
Quan Đốc phủ liền rước mà nói rằng:
– Hay cùng gì thứ cái chào đó, con nít thì nó hay mắc cỡ, dầu nó không đau cũng vậy, đời văn minh nầy, ta cũng nên chế bớt đi, bó buộc làm chi cho cực lòng con cháu.
Nói rồi vùng cười xòa. Rồi đó hai đàng trò chuyện giao kết với nhau đâu đó xong xuôi thì đồng hồ đã gõ 11 giờ. Quan phủ liền hối kẻ ở trong nhà dọn tiệc rượu ra, chủ khách ăn uống chuyện vãn vui cười đến 1 giờ trưa mới mãn tiệc.
Ngày ấy bà phủ kiếu bịnh không ra, để cho quan phủ làm sao thì làm lấy, hông chỏ cũng một mình, chớ bà không biết tới.
Tiệc mãn rồi quan Đốc phủ và hai cha con ông huyện hàm Ngọt liền đứng dậy kiếu từ mà lui gót.
Đây nhắc lại việc nàng Mộ Trinh, từ ngày thấy cha mình đã chịu bướng cho bên trai tới bỏ trầu cau rồi, ngày đêm hằng áo não âu sầu, chứa chan giọt lụy, bỏ ăn quên ngủ, mặt ủ dàu dàu, thốn thức canh chầy, than thân trách phận.
Lệ Dung thấy cái quang cảnh như vậy, tuy cũng buồn lòng, song phải gắng gượng kiếm lời mà an ủi Mộ Trinh rằng:
– Nầy chị ơi! Cơ trời dời đổi, dâu biển không chừng, lúc đang rối rắm, họa phước khó lường; vậy xin chị hãy ráng mà bảo trọng lấy vóc ngọc mình vàng, mà lo lần gỡ mối tơ vương; nếu chị cứ để ngồi mà khóc lóc ủ mình gầy, thoảng như rủi mà chị có bề nào đi rồi, thì té ra chị lại phụ tình chàng Đỗ lắm chăng chị.
Mộ Trinh nghe Lệ Dung nhắc tới cái tiếng phụ tình chàng Đỗ, thì nàng lại càng động lòng chua xót, giọt lụy tuôn rơi mà nói rằng:
– Nầy em ơi! Với ai thì chị không dám nói, chớ với em, thì em đã rõ hết cái tâm sự của chị rồi, thì chị còn giấu giếm em nữa mà làm chi; em nghĩ lấy đó mà coi, vả chị cùng chàng Đỗ, tuy chưa chung chăn gối mặc dầu, chớ cùng nhau đã nguyền hai chữ đồng tâm, trăm năm thề chẳng âm thầm cùng ai. Thế mà nay cha chị lại ép bức chị, đem chị mà gả cho một đứa thất phu kia, thì chị chỉ còn có quyết liều một thác mà thôi, chớ hai chữ hiếu tình không sao cho trọn được, mà cái thân bạc mạng nầy cũng chẳng còn trông mong gì nữa rồi em ơi! Nhưng mà, chị lại còn lo một điều nữa là sau khi chị có nhắm mắt đi rồi thì chị chẳng biết cậy ai mà tỏ nỗi bi hận sầu tràng nầy cùng chàng Đỗ; họa là chị nhờ có em đây mà thôi, song chẳng biết em có hết lòng với chị cùng chăng?
Nói tới đó lại động mối thương tâm, mấy đoạn ruột tằm quặn đau chín khúc, nước mắt ròng ròng, chảy tuôn như suối.
– Chị ơi! Xin chị chớ nói làm chi những lời bất tường như vậy, không nên đâu chị à!
– Nầy em ơi! Tài mạng chẳng ưa nhau, trời già hay định vậy; sợ mà khỏi hay sao em?
– Chị ơi! Đã biết rằng: Thiên định thắng nhơn, mà nhơn định cố năng thắng Thiên (1). Vậy xin chị hãy dằn lòng ẩn nhẫn, gắng gượng một đôi ngày, không lẽ mà ông trời già kia đi nỡ đày ta cho đến thế, sao chị.
– Em ơi! Đã biết rằng: Có trời mà cũng có ta; nhưng mà, xưa nay dễ áo mặt qua khỏi đầu. Nay cha chị đã cho người ta đi lễ hỏi rồi, thế thì còn trông mong trốn tránh đường nào cho khỏi được sao em, chỉ còn có một điều là phải chết mà thôi.
Nói tới đó lại khóc ròng.
(1) Trời định hơn người, mà người định cũng có khi hơn trời được vậy.