Cuốn 1 – Phần 06

Đây nhắc lại việc nàng Lệ Dung, khi ra về cũng giả ý kiếm một bó lá xông đem về giao cho người đờn bà nấu ăn dưới bếp, dặn nấu để sôi cho được 10 phút đồng hồ rồi sẽ bưng lên cho cô hai xông. Dặn xong, bèn trở lên nhà trên bước thẳng vào buồng; Mộ Trinh vừa ngó thấy Lệ Dung bước vào thì cười và nói bỡn rằng:

– Mèn ơi! Tùy Hà (1) đi sứ đã về, thiệt tôi không hay mà viễn tiếp chớ!

Lệ Dung cũng mỉm cười mà đáp lại rằng:

– Mà cũng thật là may, nên mới khỏi nhục kỳ quân mạng đó chị.

Nói rồi hai chị em lại cười xòa với nhau. Rồi đó Lệ Dung liền lấy cái gói quạt ra trao cho Mộ Trinh. Mộ Trinh tiếp lấy, chưa hiểu thể nào, đến lúc mở ra, thấy đủ các món, bèn làm thinh nhắm nhía và suy nghĩ một hồi, rồi ngó Lệ Dung miệng cười lỏn lẻn mà nói rằng:

– Nầy em! Chị đã hiểu ý chàng Đỗ rồi đây em, còn em nghĩ thể nào?

Lệ Dung nói:

– Thì chị cứ giải rõ cho em nghe, thử coi có hiệp ý kiến với nhau chăng?

Mộ Trinh bèn chỉ từ món mà nói với Lệ Dung rằng:

– Nầy em! Đây là sợi giải, mà chàng lại đề một chữ Đồng nơi phía trong lòng, mà lòng tức là chữ Tâm; ấy là giải đồng tâm đó em, chàng lại lấy sợi giải nầy mà buộc chặt vào cây quạt. Ấy có phải là chàng quyết kết chặt cái giải đồng tâm, chẳng còn nghi ngờ gì nữa.

Lệ Dung gặc đầu, miệng cười tủm tỉm. Mộ Trinh lại xòe cây quạt ra, chỉ cho Lệ Dung coi mà nói rằng:

– Nầy là hai nhánh Ngô đồng, cũng hiểu là hai chữ đồng tâm. Chí như hai con chim loan và chim phụng mà đâu mỏ với nhau đây, là chàng tỏ ý rằng chàng muốn cho loan phụng hòa minh, đôi lứa sum vầy, trăm năm kết cánh đó, có phải vậy chăng em?

Lệ Dung cười rằng:

– Hay! Thiệt quả là hay!! Chị liệu sự như thần, thiệt không sai một mảy.

Mộ Trinh lại nói với Lệ Dung rằng:

– Việc tuy thì làm vậy, song chị còn e vị tất mà chàng biết được rằng chị đã hiểu ý chàng hay chưa. Vậy để chị viết thêm một phong thơ cho chàng chắc ý, và xin em hãy chịu khó với chị một phen nữa mới xong.

Nói rồi liền lấy giấy viết thơ, niêm phong tử tế, trao cho Lệ Dung mà dặn rằng:

– Nầy em, hãy đi cho mau rồi về cho chóng em nghé!

Lệ Dung vâng lời lãnh thơ đi liền.

Đây nói về chàng Đỗ, từ khi trao cây quạt cho Lệ Dung đem về cho Mộ Trinh rồi, trong lòng thồi thộp chưa biết may rủi thể nào, bỗng thấy Lệ Dung ngoài ngõ bước vào, miệng cười chúm chím tay trao bức thơ và nói rằng:

– Chị tôi mang ơn thầy gởi cho cây quạt, nên phải tạm kính đôi lời gọi là tỏ ý tạ ơn; vậy xin thầy hãy coi cho kỹ lấy bức thơ nầy thì mới rõ được tất dạ chí thành của chị tôi vậy.

Đỗ Khắc Xương lòng mừng khấp khởi, vội vàng mở bức thơ liền, té ra chẳng thấy nói một câu gì, duy thấy có một tờ giấy xấp đôi, thoa keo chính giữa cho dính khắn lại, phía trước có đề một chữ Nhứt, mà phía sau cũng là một chữ Nhứt.

Chàng ta ngơ ngẩn, chưa hiểu làm sao, suy nghĩ hồi lâu rồi mới tỉnh ngộ, liền ngó Lệ Dung mà cười và nói rằng:

– Nầy là ý cô hai muốn nói: Khăn khắn một lòng thỉ chung như nhứt đây, có phải vậy chăng! Thiệt cô hai là một người thông minh tuyệt thế, việc gì cô cũng hiểu rõ ý tôi; thế thì rõ ràng cô là một bạn tri kỷ của tôi đấy. Vậy xin cô trở về thưa lại với cô hai cho rõ rằng kẻ bất tài nầy xin lảnh ý của cô hai, dầu đến thác tôi cũng chẳng dám sai dời tất dạ vậy.

Lệ Dung nghe nói rất khen thầm và kính phục chẳng cùng, rồi đó nàng liền đứng dậy từ giã quày quả ra về; đem hết mấy lời của chàng Đỗ mà thuật rõ lại cho Mộ Trinh nghe. Mộ Trinh thấy vậy lại càng khen phục, bèn dặn dò Lệ Dung rằng:

– Nay tuy là chàng đã rõ tấm lòng của chị, mà chị đây cũng biết được ý chàng rồi thì mặc dầu, song em cũng nên thủ khẩu như bình, chớ chẳng khá hớ hinh mà lậu việc; để thỉnh thoảng cho mẹ chị dọ thử ý cha chị xem coi thể nào rồi sau sẽ tùy cơ ứng biến.

Lệ Dung nghe nói cũng gặc đầu khen phải.

Từ đó hai chị em ăn ngủ chẳng yên, ngày đêm vẫn cứ lo thầm, sợ e quan phủ chuộng chỗ giàu sang mà ép uổng.

Ngày kia quan phủ đang ngồi trong dinh bỗng thấy tên lính chạy vào bẩm rằng:

– Bẩm ông, có ghe quan Đốc phủ chủ quận Châu Thành đến viếng, ghe mới vừa đậu tại bến cầu.

Quan phủ nghe chưa dứt lời thì đã vội vàng đứng dậy đi liền, xuống đón tại bến cầu mà nghinh tiếp.

(Nguyên quan Đốc phủ sứ nầy tên là Phạm Nhứt Thanh, nhờ có quan trên yêu chuộng, cho nên oai thế của ngài ít ai bì kịp; các quan chủ quận trong tỉnh, ông nào ông nấy cũng khiếp oai, làng tổng dân tình thảy đều sợ ngài cũng như sợ cọp.)

Khi quan phủ rước ngài vào dinh rồi liền hối lính hầu khui rượu la-ve ra cho ngài giải khát. Lúc hai đàng đương ngồi uống rượu với nhau, quan phủ bèn hỏi rằng:

– Không mấy khi quan lớn đến đây, làm cho bồng tấc sanh huy, thiệt tôi lấy làm vinh hạnh chẳng cùng, song chẳng biết có công sự chi chi, hay là tư sự?

Quan Đốc phủ mỉm cười và nói rằng:

– Không, chẳng có việc chi, chẳng qua là tôi dùng dịp trong hai ngày lễ nghỉ hầu mà đi chơi, nhơn đi ngang qua đây, tiện đường tôi ghé thăm ngài để đàm đạo chơi vậy mà.

– Thiệt tôi rất cám ơn quan lớn. Trẻ bây! Rót rượu thêm cho Quan lớn đây bây.

– À, tôi có nghe lịnh ái năm nay cũng đã trộng rồi ha! Chẳng hay cháu nó đã được mấy tuổi rồi vậy ngài?

– Dạ, bẩm quan lớn, năm nay nó mới được 18 tuổi, mà nó còn khờ quá đi quan lớn.

– Hứ! Ấy chẳng qua là ngài quá khiêm đó mà thôi, chớ tôi có nghe người ta đồn đãi ngợi khen nó lắm mà! Được đa, tuổi đó vừa lắm đa. Nầy ngài! Chuyện anh em mình chớ không phải người nào, vậy để tôi xin lỗi với ngài mà nói xắp một cái cho rồi ….

– Dạ, bẩm quan lớn, có việc chi thì quan lớn cứ nói, không hề chi, vì tôi là em út của quan lớn.

– Nầy ngài! Có một chỗ, họ muốn cậy tôi làm mai, đi nói con cháu đây, thằng đó năm nay mới có hai mươi tuổi mà cha mẹ nó giàu quá đi ngài.

– Chẳng hay con ai ở đâu vậy quan lớn?

– Người đó là anh em chú bác với tôi, tên là Phạm Hữu Ngọt, nhà cửa ở tại Ba Xuyên, giàu lớn lắm, mỗi năm thâu lúa ruộng hơn hai trăm ngàn giạ lận đa ngài; nhờ có mấy kỳ quốc trái ảnh giúp cho nhà nước vay nhiều quá, nên ảnh được thưởng chức huyện hàm.

– Thằng đó có học hành chi chăng quan lớn? Mà nó tên gì?

Quan Đốc phủ sứ ngần ngừ một hồi rồi nói:

– Có chớ! Mà điều …

– Mà điều … mà điều … sao a quan lớn?

– Mà điều nó học ít một chút, mắc nó là con câng, vì anh huyện tôi, sanh có một mình nó là trai, cho nên ảnh chỉ hay câng nó quá. Bởi vậy nó học trường tỉnh gần thi lấy xẹt-típ-phi-ca (certificat) rồi nó thôi, không chịu học nữa, để thả đi chơi hoài, hai vợ chồng anh huyện tôi mới tính kiếm vợ cho nó, đặng có buộc chơn buộc cẳng nó lại đa ngài. Tên nó là Phạm Hữu Chanh.

– Tuổi còn trai tráng, niên phú lục cường, sao nó không lo học cho tới, để bỏ uổng quá quan lớn há!

– Ngài nói cũng phải, nhưng mà, Ối! Buổi nầy là buổi huỳnh kim thế giái, có chi mạnh cho bằng thế lực kim tiền đâu ngài. Nó dốt thây kệ nó, miễn là lúa cho đầy bồ, bạc cho đầy tủ thì thôi, một năm hai ba trăm ngàn giạ lúa ruộng chớ ít ỏi gì sao, dầu nó dốt thì dốt, chớ nó có sợ ai. Phải vậy không ngài?

Quan phủ nghe nói ít học thì có hơi buồn, song vì hai trăm ngàn giạ lúa ruộng mỗi năm, nó làm cho ngài cũng phải điếc tai chóa mắt; nhưng mà, ngài vẫn biết ý bà, nên tính để dọ lại coi, chớ chưa dám hứa; bèn nói với quan Đốc phủ rằng:

– Bẩm quan lớn, đã biết rằng tôi đây là nhứt gia vi trướng thì mặc dầu, song tôi cũng còn phải hỏi lại mẹ bầy trẻ tôi, coi ý bả thể nào, rồi trong vài bữa tôi sẽ cho quan lớn hay.

– Vậy cũng được, thôi, để tôi kiếu ngài tôi về, rồi bề nào xin ngài cũng cho tôi hay cho sớm sớm vậy nghé, tôi có lòng trông tin ngài lắm đa. Á mà nầy ngài! Ráng lấy nghé! Chỗ đó giàu lớn lắm đa!! Đừng bỏ qua, uổng lắm đa ngài.

Quan phủ theo đưa quan Đốc phủ xuống ghe rồi mới trở lên, đi thẳng vào nhà tư, kêu bà phủ ra mà nói rằng:

– Nầy mụ! Nay có quan Đốc phủ sứ Phạm Nhứt Thanh đến thăm tôi và ngài lại làm mai, muốn nói con gái mình cho thằng cháu của ngài, nó kêu ngài bằng chú, nhà nó ở dưới Ba Xuyên; cha nó là ông huyện hàm Ngọt, giàu có lớn lắm, ngặt có môt điều thằng đó nó ít học một chút, chớ lúa ruộng của cha nó mỗi năm tới hai ba trăm ngàn giạ lận bà.

Bà phủ nghe ông nói dứt lời thì sắc mặt bà không vui, bà bèn trả lời một cách rất lạt lẽo rằng:

– Nó giàu thì giàu, chớ tôi không ham, vậy chớ ông không biết ý con gái của ông hay sao?

– Sao? Mụ nói sao? Ý con gái tôi sao? Nó cãi tôi được hay sao???

– Vả con gái của mình là một đứa biết điều, học hành cũng giỏi, cầm kỳ thi họa chẳng thua ai, nay ông muốn đem nó mà gả cho một đứa ít học, tôi e nó chẳng vừa lòng, vậy chẳng là tội nghiệp cho nó lắm chăng ông?

– Nó ít học mà nó giàu to kia kìa!

– Ai lại chẳng biết nó giàu, tưởng là ai kìa, chớ thằng con trai ông huyện Ngọt; ông tưởng tôi không biết nó hay sao? Cái thằng làm sao mà chẳng những là dốt nát mà thôi, lại thêm hình dung thô bỉ, ăn nói cộc cằn, đen thui đen thít; chắc là cỏn nó có chịu ở đâu.

– Mà người ta nói nó giàu đây nè! Lúa ruộng hai trăm ngàn giạ mỗi năm, mụ biết hông?

– Ông cứ chưng cái giàu của nó với tôi hoài, mấy trăm ngàn giạ thì mấy trăm ngàn giạ chớ! Vậy chớ ông không nghe câu tục diêu người ta hát đó sao?

– Câu tục diêu gì? Họ hát làm sao??

– Câu tục diêu người ta hát rằng: Chẳng tham bồ lúa anh đầy, tham ba hàng chữ cho tày thế gian. Câu tục diêu đó, chớ câu tục diêu gì.

– Hứ! Khéo bày đặt không? Hay chữ cho bằng giữ ăn? Mụ đừng có cãi tôi mà!

Bà phủ thấy ông, ý muốn đổ quạu, bà liền day mặt chỗ khác mà nói một cách rất nhỏ nhẹ rằng:

– Ai mà cãi ông làm gì, điều tôi nghĩ lại cái công của tôi sanh ra được có một chút gái, mình hạc xương mai, lại thông minh tót chúng, tôi cũng muốn chọn cho được một đứa rể hiền, chẳng luận giàu nghèo, miễn làm sao cho tài đức vẹn toàn, đặng mà gả nó cho xứng đôi vừa lứa thì tôi mới được đẹp mặt nở mày; không dè mà ngày nay, ông ham có hai trăm ngàn giạ lúa ruộng mỗi năm, mà ông muốn vùi dập công ái tôi như vầy, nên tôi mới nói cho ông nghe, chớ tôi có cãi ông làm chi; nó là con của ông, ông muốn gả nó cho ai cũng tự ý, duy tôi chỉ xin ông phải nghĩ lại một điều nầy là điều cần nhứt: Phàm hễ vợ chồng mà thương yêu nhau, quyến luyến nhau, là bởi có cái mối ái tình, nếu nó không có ái tình mà mình cứ ỷ quyền cha mẹ ép uổng nó, thì về sau ắt cũng dở dang, chớ không có thế nào buộc nó ở đời với nhau cho lâu được; thế thì ép nó mà có ích gì? Tuy nói thì nói vậy, chớ nó là con của ông, ông cứ hỏi lấy nó, chớ tôi đâu dám cãi.

Quan phủ liền kêu Mộ Trinh ra, đặng hỏi ý con cho biết.


(1) Tùy Hà là sứ của Cao Tổ đời Hớn, người có tài thiệt biện; lưỡi bén như gươm, nói xui như chảy.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!