Bữa nọ tới kỳ hầu lệ, quan phủ phải đi lên trên tỉnh một ngày. Bà phủ ở nhà bèn kêu Mộ Trinh mà nói rằng:
– Nầy con, cái việc chàng Đỗ Khắc Xương cứu con hôm nọ, thật là ân nghĩa rất nặng dày, mà cha con coi chẳng ra chi, lại cứ ỷ quyền mình, muốn làm chi tự ý, thật má e chẳng khỏi bị thức giả người ta chê cười lắm con. Vậy sẵn nay cha con đi vắng, má muốn lén cha con, mời chàng qua đây đặng mà đền ơn đáp nghĩa cho chàng kẻo e thiên hạ họ cho rằng mình là kẻ vô ơn bạc nghĩa; ý con nghĩ sao?
Mộ Trinh nói:
– Má tính vậy thì phải lắm, nhưng mà, nếu má sai lính đi mời, con e cha con hay đặng thì ắt khó lòng; chi bằng má giả ý thèm cam hay quít chi đó, mà sai Lệ Dung đi mua, rồi nó dùng dịp ấy mà mời chàng thì chẳng ai biết được; khi cha con về có hay mà hỏi chàng đến việc chi, thì má cứ nói rằng chàng qua mà đáp lễ cái ngày cha sai lính đi cho chàng tiền hôm nọ.
Bà phủ nghe nói rất mừng, liền bước vô buồng dặn nhỏ Lệ Dung, rồi lại trở ra ngoài, kêu Lệ Dung mà nói lớn rằng:
– Lệ Dung, bữa nay sao bà thèm cam mật quá con, vậy con biểu chị hai con nó đưa tiền cho, rồi con đi kiếm mua về cho bà vài chục trái, mà phải coi lựa thứ cam nào cho ngọt nó nghe con.
Lệ Dung dạ dạ vâng lời, liền thay đổi áo quần rồi lấy dù ra đi.
Đây nhắc lại Đỗ Khắc Xương, từ ngày thấy mặt Mộ Trinh lòng những ngẩn ngơ, ngày hằng mơ tưởng; song biết nàng là con gái nhà quan, giá cao khó vói, vả lại chàng ta vẫn biết tánh quan phủ nầy là người trọng phú khinh bần, cho nên dầu có ao ước thế nào cũng không sao cho phỉ nguyện được; nghĩ tới nó càng thêm bải hoải tâm thần, lấy làm thất vọng.
Còn đang nghĩ vẩn nghĩ vơ, bỗng thấy một nàng con gái, dung nhan đẹp đẽ, ngoài ngõ bước vào, trong lòng hồi hộp không rõ là ai, chừng nàng ấy vào gần nhìn rõ lại mới biết là Trần Lệ Dung người ở bên dinh quan phủ. Liền đứng dậy chào hỏi tử tế, và mời ngồi nơi bộ ván rồi hỏi luôn rằng:
– Từ hôm đó tới nay, cô hai về nhà mạnh giỏi thể nào, có hề chi chăng cô?
– Dạ thưa không hề chi, nhờ có ông bà tôi rước thầy hốt thuốc, chị tôi uống đâu cũng chừng năm ba thang chi đó thì tinh thần đã bình phục, đến nay chị tôi vẫn mạnh giỏi như thường; nhưng mà chị tôi thường than thở với bà tôi mà nhắc nhở cái ơn của thầy hoài; hôm nay ông tôi mắc đi hầu lệ, nên bà tôi sai tôi qua đây mà mời thầy, xin thầy chịu khó dời gót qua dinh cho bà tôi nói chuyện.
Đỗ Khác Xương nghe nói dứt lời bèn suy nghĩ trong lòng rằng: “Lạ nầy! Hôm nô bởi quan phủ vẫn thấy ta nghèo mà rẻ rúng ta, ỷ của ỷ quyền, sai lính đem bạc mà cho ta; nên ta cũng làm cho người biết đứa sĩ khó nầy là kẻ thanh bần, nhà tuy nghèo mà không hay tham chạ, trả bạc lại cho người. Hôm nay bà phủ lại dùng dịp ông mắc đi hầu lệ mà cho mời ta; trong thế đây chắc hai ông bà khác hẳn ý nhau, nên bà mời ta trong lúc ông đi khỏi, lẽ thì ta chẳng đi làm chi; ngặt vì, bấy lâu ta luống những ước mơ, nếu sẵn có cái cơ hội như vầy mà ta lại chẳng đi, thì từ đây chim Việt ngựa Hồ đôi đàng cách trở, biết bao giờ cho ta được gần gũi cái phương dung của nàng lại nữa; thôi, ta cũng nên dùng cái dịp tốt nầy qua đó một phen coi thử ra sao?”
Suy nghĩ một hồi rồi ngước mặt lên mà nói với Lệ Dung rằng:
– Xin cô về trước, để tôi vào thưa lại cho mẹ tôi hay, rồi tôi sẽ qua sau.
– Xin thầy hãy nhớ, mựa chớ diên trì mà bà tôi trông lắm nhé!
– Tôi đâu dám, hễ đã hứa chịu đi thì tôi phải đi liền, lẽ đâu lại thất tín.
Lệ Dung bèn từ giã ra về, dọc đàng nàng cũng kiếm mua vài chục trái cam đam về, y như lời bà phủ dặn vậy. Lệ Dung về chẳng bao lâu, trong giây phút Đỗ Khắc Xương cũng vừa đến. Bà phủ mừng rỡ chào hỏi lăng xăng, lại hối trẻ pha trà rồi ân cần mời đãi. Đỗ Khắc Xương và uống trà và nói rằng:
– Hôm nay cháu lấy làm vinh hạnh mà được lính của bà kêu gọi đến đây; chẳng biết bà có điều chi dạy bảo?
– Xin thầy thong thỏa, cứ uống nước ăn trầu, thỉnh thoảng rồi tôi sẽ tỏ cùng thầy một chuyện.
Bà phủ và nói và day mặt vào trong mà kêu rằng:
– Hai e! Có ân huynh của con là thầy Đỗ đã qua đây nầy! Con hãy ra mà tạ ơn thầy đi con.
Bà nói vừa dứt lời, bỗng thấy trong buồng Lệ Dung bước ra đi trước, có bưng một mâm quả phẩm lễ vật đem để trên bàn; còn Mộ Trinh cũng nối gót theo sau, bước đến trước mặt Đỗ Khắc Xương, rồi chấp tay chào hỏi, giọng nói rất ngọt ngào. Đỗ Khắc Xương cũng đứng dậy vội vàng đáp lễ.
Lúc bấy giờ, hai đàng gặp nhau, diện đối diện, hai miệng tuy chào hỏi lăng xăng, mà bốn mắt cứ liếc nhau chằn chằn; thật là một đàng rất phải mặc áo khăn, còn một đàng lại nên trang đài các. Cả hai trong lòng còn đương bát ngát, chưa kịp nói chi; bỗng nghe bà phủ nói rằng:
– Thật tôi chẳng nói giấu chi thầy, hôm nọ con nhỏ của tôi nó đi chợ rủi bị chìm đò, may có thầy ra ơn cứu vớt, nếu không thì hổm nay nó đà xanh cỏ đi rồi; ngặt ông phủ nhà tôi ổng có cái tánh rất kỳ khôi, từ hôm ổng sai lính đem bạch cho thầy tới nay, thật tôi lấy làm ngại quá, sợ e thầy không rõ mà phiền; nên nay tôi phải mời thầy qua đây, tạm dùng chút đỉnh những lễ mọn nầy, trước là tôi chịu lỗi cùng thầy, sau là cho con nhỏ của tôi nó lạy thầy một đôi lạy mà đền ơn tái tạo.
Nói dứt lời liền bảo Mộ Trinh cúi lạy. Mộ Trinh chưa kịp quì lạy mà Đỗ Khắc Xương đã vội vàng đứng dậy bước tránh ra chỗ khác và nói lia lịa rằng:
– Đừng cô Hai, thôi, thôi, đừng, đừng có lạy cô Hai.
Rồi day lại xá bà phủ mà nói tiếp luôn rằng:
– Dạ, bẩm bà, vả ông với bà là cha mẹ của dân, còn cháu đây là kẻ bất tài, lại là con dân trong quận; dầu cho việc gì lớn lao đi nữa cháu cũng chẳng dám tiếc công thay, huống chi là việc tầm thường chút đỉnh, cháu đâu dám kể ơn mà thọ lãnh những hậu lễ của bà; miễn xin bà thương xót đến phận hèn nầy là đủ.
Bà phủ nói:
– Ấy chẳng qua là thầy dùng lời quá khiêm đó mà thôi, chớ cái ơn tái sanh nầy còn có chi bằng.
Đỗ Khắc Xương cũng cứ từ chối hoài, chớ chẳng hề chịu lãnh lễ vật bạc tiền chi hết. Bà phủ trong lòng khen thầm, nhơn hỏi thăm qua việc gia tình, lại hỏi đến việc lứa đôi, hoặc đã có nơi nào hay chưa có. Đỗ Khắc Xương cũng thưa thiệt rằng:
– Trong ba bốn năm trời, gia đạo của cháu rất suy vi, phần thì cha cháu mắc đi ra Bắc, nay nhà cháu chỉ còn có một bà thân cháu với cháu, mẹ con hủ hỉ hôm sớm với nhau; hiềm vì thiếu trước hụt sau, cho nên bề gia thất cháu chưa nghĩ tới.
Bà phủ nghe nói ngùi ngùi, lấy làm thương xót. Còn Mộ Trinh thì trong lòng khấp khởi mừng thầm. Còn đang chuyện vãn, ngoài sân bóng đã hầu trưa, Đỗ Khắc Xương liền đứng dậy cáo từ mà lui gót.
Khi Đỗ Khắc Xương đã về rồi, mà bà phủ vẫn còn trầm trồ khen mãi, bà lại nói với Mộ Tring rằng:
– Nầy con, má thấy Đỗ Khắc Xương thiệt má thương nó quá; thằng sao tuổi tuy còn nhỏ mà phẩm hạnh đoan trang, cử chỉ đàng hoàng, nói năng nho nhã, ngặt vì nhà nó thì nghèo, mà tánh cha con thì khó quá, chớ phải tánh cha con mà cũng được như tánh má đây vậy, chẳng cần sự giàu nghèo, miễn là tài đức cho vẹn toàn là đủ; thì má gả con cho nó để hầu sửa trắp nưng khăn, cho tròn ơn tròn nghĩa.
Mộ Trinh nghe bà nói bấy nhiêu lời, dường như đánh trúng tim đen, nên nàng cũng muốn tỏ thiệt ý mình cho bà nghe, ngặt cái nghề con gái mới lớn lên, hễ nói tới việc vợ chồng thì hay mắc cỡ miệng, cho nên nàng dợm đã đôi ba phen, vừa muốn mở miệng ra, rồi nàng lại nín. Bà phủ thấy vậy đã biết ý con, bèn hỏi gạy đầu rằng:
– Theo ý mà thì như vậy, ý con nghĩ sao?
Mộ Trinh ban đầu còn hơi xẻn lẻn, hồi lâu nàng mới thưa rằng:
– Nếu má quả có lòng thương chàng như vậy, thì con mới dám tỏ thiệt cái tâm chí của con cho má nghe. Vả con có nghe danh Đỗ Khắc Xương rằng ở với mẹ cha rất nên chí hiếu, ở với cô bác xóm giềng lại có lễ nghĩa khiêm cung, nho học cũng thông, tây học cũng giỏi; giàu sang không bợ đỡ, nghèo khó chẳng khinh khi, thật là hiếu nghĩa vẹn hai, đức tài gồm đủ; nếu nay mà má muốn chọn được rể hiền, thì như chàng vậy con mới đành trao thân gởi phận. Huống chi cổ ngữ có câu rằng ‘Nam nữ thọ thọ bất thân’. Mà lúc con bị chìm đò chới với giữa dòng, chàng ra ơn cứu vớt, bồng ẵm con mà đem được lên bờ; đã biết rằng vì gặp cơn nguy cấp thế ắt phải tùng quyền, song xét cho kỷ lại thì dường như con đã thất thân nơi chàng rồi, nếu ngày sau mà con chẳng được kết đôi bạn với chàng, thì thà là con ở vậy trọn đời, chớ con chẳng hề chịu mang danh thất tiết đâu.
Bà phủ nghe lời con nói phải, thì bà cũng khen thầm, song bà vẫn biết ý chồng, cho nên bà tỏ ý lo buốn và nói rằng:
– Con nghĩ như vậy thật cũng phải lắm đó con; ngặt vì tánh tình cha con thì khác, má không biết tính lẽ nào để thỉnh thoảng má dọ thử ý cha con coi thể nào cho biết.
Mộ Trinh nghe nói cũng làm thinh, bèn trở vô buồng chuyện vãn với Lệ Dung cho tiêu khiển.