Một buổi sớm mai kia, chiếc đò ngang đưa bộ hành nơi sông Mỹ, chở hành khách khẵm mèm, lại nhằm lúc nước ròng chảy mạnh; đò vừa qua được nửa sông, thình lình đâu lại có một tốp ghe chài chở nặng, ở ngoài đại giang thả thẳng vô vàm, gần đụng chiếc đò; lúc bất cập, tên chèo đò lính quýnh, để cho chiếc đò nằm cản ngang trước mũi ghe chài, nên phải nghiêng úp.
Đò chìm rồi, bao nhiêu hành khách kẻ la người khóc, hụp hưởi dưới sông. Trên ghe chài ai nấy hoảng kinh, liền la ó om sòm, lớp thì chèo, lớp thì sào, ném đại xuống sông cho mấy người ấy đeo, rồi mới thả tam bản xuống bơi theo mà vớt.
Trên bờ thiên hạ cũng lao xao, hối thúc nhau bơi xuồng ra tiếp cứu.
Đương lúc rộn ràng như vậy, hai bên bờ sông ai nấy cũng đều cứ chăm chỉ ngó ngay theo lối chỗ đò chìm. Không dè cách đó độ chừng một trăm ngoài thước, lại thấy một người còn ló có hai bàn tay, chới với giữa dòng, hụp lên hụp xuống. Thoạt đâu trong bờ lại có một người trai tơ, ôm một tấm ván lội ra, vừa tới nơi thì hai bàn tay ấy đà hụp mất.
Người trai ấy thất kinh, liền buông tấm ván lặn nhầu theo, may sao vớ được cánh tay, bèn ráng sức kéo nhóng lên cho cái đầu vừa khỏi mặt nước, rồi hụp xuống, hai tay xóc ngang nách người ấy giơ nhóng lên, còn hai chơn chòi đạp, quyết lội vào bờ.
Chẳng dè hai tay thì mắc hết, chỉ còn có hai cái chơn thì lội sao cho mạnh được, phần thì nước ròng chảy mạnh, thật khó nổi duy trì, trong giây phút người trai tơ ấy sức cũng đà muốn đuối. May nhờ có xuồng ghe trong bờ bơi ra tiếp cứu; nếu không, thì ắt cả hai đều hồn nương vầng mây bạc, xác theo ngọn thủy triều rồi. Nguy hiểm thay!
Khi đem vô tới bực rồi, ai nấy xúm lại coi, mới biết là một nàng con gái, tuy còn hơi hoi hóp, song đã bất tỉnh nhơn sự rồi. Người trai ấy cũng phải ra sức bồng thẳng lên bờ, những kẻ hảo tâm thấy vậy, liền lấy chiếu trải ra, để nàng nằm êm, lấy rượu cỏ – nhác mà đổ cho nàng, rồi lại rủ nhau vầy lửa xúm hơ, trong giây phút thì nàng ấy mới lần lần tỉnh lại.
Còn đàng kia, chiếc tam bản đã vớt được mấy người hành khách mà chở vào bờ rồi, trong đó lại có một cô con gái mặt mày dớn dác, dường như tìm kiếm vật chi, xem trước ngó sau một hồi rồi vùng khóc rống lên và nói rằng:
– Trời đất ôi! Còn chị tôi đâu không thấy? Hay là chị tôi đã chìm mất đi rồi! Mấy chú ôi! Xin mấy chú làm phước lặn mò kiếm vớt giùm chị tôi với mấy chú ôi!
Ai nấy nghe nói hổi ôi, còn đang bối rối, chưa biết tính lẽ nào, bỗng nghe mấy người trên bờ kêu cô gái ấy mà nói rằng:
– Kia cà! Phía đàng kia người ta cũng vớt được một người con gái kia cà!! Cô hãy lại đó nhìn coi, có phải chị cô hay chăng?
Nàng ấy nghe nói nửa mừng nửa nghi, liền vội vả chạy lại, vừa thấy mặt mày, hai người liền ôm nhau, khóc lỡ khóc, cười lỡ cười, ấm ức nghẹn ngào nói không ra tiếng.
Té ra người rủi ro ấy tuy là tóc tai xụ xượp, quần áo ướt dầm, mặt mũi tái xanh, tay chơn run rẩy mặc dầu, song nhìn rõ lại thì chẳng phải ai đâu lạ; thật rõ ràng là một cô thiếu nữ cực kỳ xinh đẹp, cực kỳ thông minh, đứng chánh vai tuồng trong bộ sách nầy, tên cô là Từ Mộ Trinh đây. Còn cô con gái khóc vang khi nãy đó, chẳng cần nói mà khán quan cũng biết là nàng Trần Lệ Dung, chớ không ai vô đó.
(Nguyên vì ngày ấy nơi nhà quan phủ gần ngày kỵ cơm, nên bà Phủ mới sai hai chị em cô đi chợ mua đồ, không dè lại bị sự rủi ro như vậy.
Còn người trai tơ mà liều mình lội ra cứu được Mộ Trinh đó là Đỗ Khắc Xương, vì ngày ấy chàng ta cũng đến tỉnh thành đặng có mua cò mà gởi thơ ra Bắc; ai ngờ lại gặp dịp mà cứu nàng; ấy chẳng phải là việc tình cờ, tưởng khi hai đàng cũng có tiền duyên túc trái chi đây, nên mới khiến cho gặp gỡ nhau trong cơn nguy hiểm như vầy mà gây cái mối nhơn duyên về sau không tránh đâu cho khỏi. Thật rõ ràng là cái ý khéo của Thiên công, mà hẳn thật hai đàng cũng vương vấn mối tơ tình từ đó.)
Đây nhắc lại việc Mộ Trinh và Lệ Dung khi thấy nhau còn sống thì mừng rỡ chẳng cùng, tiếng khóc pha lẫn với tiếng cười, không nói chi được hết. Rồi lại nhớ tới người cứu mình khi nãy bèn day lại mà tạ ơn; chừng đó mới biết là Đỗ Khắc Xương, liền quì sụp xuống nơi trước mặt chàng và lạy và nói rằng:
– Lúc em đương chới với giữa dòng, may nhờ có thầy là người nghĩa dõng, dám mạo hiểm mà cứu được em; may đó, chớ không thì thầy cũng đã vì em mà chết đuối rồi; thật cái ơn tái sanh nầy sánh tày trời đất, em phải khắc cốt minh tâm, quyết kết cỏ ngậm vòng, chờ ngày đền đáp.
Đỗ Khắc Xương nghe giọng nói rất thanh thao, lại thêm lễ nghĩa đủ điều thì lấy làm lạ, bèn day lại mà nhìn, chừng ấy mới biết là nàng Từ Mộ Trinh con gái của quan phủ đương ngồi Chủ quận tại quận của mình, liền vội vàng đáp lễ lại và nói rằng:
– Phàm hễ thấy nạn thì cứu, thấy nghĩa thì làm, ấy là phận làm trai, phải làm cho tròn cái nghĩa vụ đó mà thôi chớ có công ơn gì cho trọng lắm đâu, xin cô mựa chớ để lòng mà lao phiền quí thể; thôi, hai cô hãy đi kiếm nhà quen mà đổi thay y phục, chớ có để mang đồ ướt trong mình, sợ e cảm nhiễm phong hàn mà sanh bịnh hoạn không nên đa hai cô; còn phận tôi đây, tôi cũng phải đi thay đồ mới được.
Nói dứt lời liền từ biệt hai nàng rồi quày quả đi liền. Mộ Trinh thấy vây thì biết là người nghĩa sĩ, nên cứ ngó mông theo hoài, trong lòng ngùi ngùi, quyết tính thế nào mà đền đáp ơn chàng cho được mới an.
Lệ Dung biết ý Mộ Trinh, bèn bảo rằng:
– Thôi chị, bây giờ mình phải trở về thưa lại cho ông bà hay và lo thuốc thang bổ dưỡng ít ngày cho tinh thần bình phục lại đã, rồi sẽ xin ông bà mời chàng đến nhà mà đền ơn đáp nghĩa mới xong.
Mộ Trinh gặt đầu và nói rằng:
– Em tính vậy cũng phải, mà ngặt bây giờ đây tay chơn của chị vẫn còn bải hoải, đi đứng chẳng yên, vậy thì để chị ngồi đây nghỉ ngơi giây lát, em phải đi kêu một cái xe, mướn nó đưa chị em mình về nhà mới được.
Lệ Dung vâng lời liền vội vả chạy đi kêu xe; trong giây phút thì nàng đã đem lại một cái xe hai bánh, rồi bước xuống đỡ Mộ Trinh lên xa, hối kẻ đánh xe chạy thẳng về dinh quan phủ.
Khi về đến nhà, vợ chồng quan phủ xem thấy cả hai áo quần ướt hết, không hiểu duyên cớ làm sao, liền gạn hỏi căn do, mà nhứt là bà phủ lại càng nóng nảy lăng xăng hơn nữa. Còn nàng Từ Mộ Trinh khi mới bước chơn vào nhà vừa thấy mặt mẹ cha, trong lòng nửa mừng nửa tủi, giọt lụy chứa chan, ấm ức nghẹn ngào, nói không ra tiếng.
Lệ Dung bèn thế cho Mộ Trinh, đem hết đầu đuôi các việc thuật lại một hồi. Quan phủ nghe nói giựt mình, bà phủ cũng hết hồn hết vía; bà liền vói kéo nàng lại cho gần bà, và vò lia vuốt lịa, than thở chẳng cùng, rồi lại hối hết cả hai dắt nhau vào phòng mà thay quần đổi áo. Liền đó bà lại sai người đi rước thầy về săn sóc thuốc thang, trong ít ngày, cả hai chị em, tinh thần đà bình phục.
Ngày kia trong nhà nhằm lúc rảnh rang, Mộ Trinh bèn thừa dịp thưa với cha mẹ, xin mời Đỗ Khắc Xương đến nhà mà đền ơn đáp nghĩa cho chàng. Bà phủ cũng nói với quan phủ rằng:
– Con nó nói như vậy cũng phải đa ông, người ta đã cứu con mình, không lẽ mà mình làm thinh sao phải, vậy thì ông hãy sai đứa nào đi mời Đỗ Khắc Xương qua đây mà đền ơn cho …
Bà nói chưa kịp dứt lời, quan phủ liền xì miệng một cái rất mạnh mà nói rằng:
– Síc! Dữ không!! Thứ nó là một tên dân nghèo ở trong quận của mình, trọng vọng gì lắm đó hay sao mà phải mời phải rước; nếu nó có công cứu được con mình, thì sai đứa nào đó, cầm năm ba đồng bạc đem qua mà cho nó phứt cho rồi, lại còn bày đặt thỉnh thỉnh mời mời cho rộn.
Bà nghe ông nói như vậy thì bất bình, bèn phản đối lại rằng:
– Sao ông hay ỷ quyền mình quá, đã biết nó là dân ở trong quận của mình thì mặc dầu; nhưng mà con mình bị nạn, nó cứu tử hườn sanh, thì tức nhiên nó là người ơn của mình, phải lấy lễ mà đãi nó mới phải, chớ ông cứ ỷ quyền mình mà nói ngang như vậy, tôi e cho thức giả người ta chê cười chăng ông?
Quan phủ nổi nóng nạt lớn lên rằng:
– Hứ! Ai cười? Mụ khéo nói cho xúc tâm tôi cho sanh chuyện, điều nói thì nói mà nghe, chớ mụ phải biết tôi đây là quan phụ mẫu, nó là một đứa dân quèn ở trong quận của tôi; ấy là cái phận sự buộc nó phải làm, chớ có ơn chi mà kể.
Bà phủ vẫn biết ý chồng, nên phải làm thinh, không thèm cãi nữa; còn Từ Mộ Trinh thấy cha mình như vậy cũng chẳng dám nói chi, liền bước rảo vô buồng, nhìn sững Lệ Dung mà rưng rưng nước mắt.
Rồi đó quan phủ liền lấy ra 5 đồng bạc giao cho một tên lính và dặn rằng:
– Mi hãy đem 5 đồng bạc nầy qua nhà Đỗ Khắc Xương mà trao cho nó và nói với nó cho rõ rằng: vì nó có công vớt giùm con gái của ông lúc chìm đò hôm nọ, nên nay ông thưởng cho nó một số tiền nầy để uống rượu chơi vậy.
Tên lính vâng lời đi trọn một buổi rồi đem 5 đồng bạc trở về trả lại cho quan phủ và bẩm rằng:
– Tôi vâng lịnh ông đem bạc qua cho Đỗ Khắc Xương và tôi cũng nói với chàng y như lời của ông dạy vậy; chàng không chịu lấy bạc, lại chúm chím miệng cười và nói rằng: việc chút đỉnh chẳng có đáng gì, cần chi mà ông phải nhọc lòng nghĩ tới, vả lại cái việc của chàng làm đó là làm cho xong cái phận sự làm người, chớ chàng chẳng có tính việc đó là ơn nghĩa với ai; huống chi ông là cha mẹ của dân, thì có lý nào mà chàng lại ăn tiền ăn bạc của ông, nên chàng xin kính lại cho ông, chớ chàng không dám thọ.
Quan phủ nghe nói lấy làm tự đắc, bèn gặc đầu và nói rằng:
– À! Vậy chớ sao? Thằng biết điều quá.
Rồi day lại mà nói với bà phủ rằng:
– Đó! Mụ thấy không? Ở trong quận của mình, mà mình là quan phụ mẫu, mình có ăn tiền của ai được thì ăn, chớ ai mà lại dám ăn tiền của mình sao mụ?
Bà phủ nghe vậy làm thinh, trong lòng tuy cũng bất bình mà không dám nói.