Trong tám tháng trời – từ tháng một năm giáp dần đến tháng sáu năm ất mão – thành Diên Khánh bị hãm ở trong vòng vây. Võ Tánh, vì nợ ơn dầy của Chúa Nguyễn, đã đánh đổi được mảnh đất ấy cho Chúa Nguyễn bằng một số lớn máu cổ sọ đầu của tướng sỹ.
Còn muốn dùng nhiều máu cổ, sọ đầu của kẻ khác để đánh đổi lấy nhiều mảnh đất khác cho mình, Chúa Nguyễn xử rất hậu hĩ với tụi oan hồn này.
Cái miếu “Tinh Trung” trên núi Há La, phía Bắc cửa biển Cù Huân, mà Chúa Nguyễn dựng lên ngay trong tháng Ngài ở Diên Khánh về Gia Định, chính là chỗ để cho tụi mất mạng hồi đó, thiêng thì về mà nuốt khói ăn lương.
Trong một rừng bài vị ở miếu ấy, người ta đếm được 10 tên Cai cơ truy tặng Chưởng cơ và 240 tên Cai đội truy tặng Cai cơ. Trong số sau này có 99 người chết về bệnh dịch còn thì đều là chết trận.
Đó là mới kể những kẻ dự có chức hàm. Lại còn những kẻ tiểu tốt vô danh không ai thèm đếm xỉa tới? Có lẽ 250 ông Cai cơ và Cai đội kia cũng đem đi theo mình đến hàng năm, bẩy ngàn người là ít.
Bởi thấy chết hại nhiều người như vậy, Chúa Nguyễn biết rằng quân Tây chưa thể đánh được, cho nên từ đó trở đi, Ngài đã tạm nghỉ để chờ cơ hội.
Trong năm bính thìn (1790), cái năm không có chin chiến, Duyệt cũng như các tướng tá khác, ngoài việc luyện tập quân sỹ không có việc chi mà làm.
Đã một hồi dài, Duyệt và Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Văn Tường, Tống Viết Phúc .. cùng các Cai cơ, Cai đội, Tri Bạ, Tham luận, ngày ngày xúm nhau đánh bạc, hoặc là đá gà, chọi cá, ăn thua kể hàng trăm hàng nghìn (1).
Chuyện đó đến tai Chúa Nguyễn. Ngài đòi hết thảy mọi người quở mắng một hồi, rồi cấm không cho chơi nữa.
Qua năm đinh tỵ (1797), Duyệt được đổi sang chức Vệ úy của đội Diệu Võ, đến năm mậu ngọ (1798) thì được thăng chức Chánh thống ở Tả đồn, rồi phái ra giữ thành Diên Khánh.
Hồi này triều đình Tây Sơn (tức Nguyễn Bảo) vì bất đắc chí với vua Cảnh Thạnh, sai người thông với Chúa Nguyễn, chẳng may việc vỡ, bị vua Cảnh Thạnh bắt giết, thì Trấn thủ Lê Trung và Thiếu phó Nguyễn Văn Huấn cũng lần lượt bị chém vì những lời gièm pha. Tướng sỵ thấy vua Cảnh Thạnh đa nghi và tàn sát như vậy, nhiều người rất chán nả, đã có một vài người sang đầu Chúa Nguyễn. Thế lực Tây Sơn suy dần.
Chúa Nguyễn hay những tin ấy, liệu chừng có thể đánh được Tây Sơn. Tháng hai năm kỷ vi (1799), Ngài để Vương tử Hy (con thứ hai Chúa Nguyễn) trấn đất Gia Định, tự mình đi đánh Qui Nhơn.
Một đội bộ binh do Nguyễn Văn Thành điều vát, đi trước để tiếp ứng ở mặt bộ. Chúa Nguyễn, Đông cung Cảnh và nhiều tướng tá sẽ kéo thủy quân đi sau.
Khi ấy Duyệt còn đương ở Diên Khánh, cũng phải đem quân bổn bộ xuống thuyền theo đạo quân của Chúa Nguyễn.
Thủy quân vào vịnh Cù Mông, Duyệt và Võ Tánh cùng bọn Tống Viết Phúc, Nguyễn Đức Xuyên đều phải đem quân đổ bộ. Tánh và Xuyên tiến quân lên miệt Bình Thị, Duyệt thì kéo quân vào miền Đạm Thủy.
Như một trái núi ngăn cản đồn Sa Lung là nơi rất trọng yếu ợ Đạm Thủy. Kho lương, kho thuốc của quân Tây đều đóng ở đó.
Đoàn Luyện Giảng, một tay dũng tướng có tiếng ở Tây Sơn phòng thủ đồn ấy bằng một đội quân rất hùng tráng, có đủ thần công, đại bác và các thứ súng khác.
Quân đến Đạm Thủy, Duyệt tiến vào phá đồn Sa Lung.
Đoàn Luyện Giảng thúc quân bắn xuống rất dữ, quân Nguyễn luôn luôn nhào té theo những tiếng nổ trong đồn đưara.
Gia chiến kịch liệt từ sáng đến chiều, đồn vẫn vững, quân Nguyễn vẫn không vào được gần đồn.
Trời sắp tối, gió đông nam nổi lên đùng đùng, trước đồn, cát bụi mù mịt.
Hai chữ “Hỏa công” theo gió thổi vào trí nghĩ của Duyệt.
Tức thì Duyệt thúc hơn trăm quân cảm tử xông vào cửa đồn với hơn trăm bó đuốc châm lửa.
Súng bắn không kịp sự hăng hái, hùng dũng, lanh lẹ của Duyệt và đỗi tử sỹ. Những bó đuốc lửa liệng lên trên đồn nhao nhao.
Mấy kho thuốc đón luồng ngọn lửa và truyền qua mấy kho lương, dinh trại trong đồn đều bị lửa nuốt lem lém.
Quân Tây rối loạn, cuống quít tìm đường trốn.
Duyệt đốc toán quân cảm tử hò reo diễu qua phía tả đồn, vừa gặp Đoàn Luyện Giảng dắt mấy chục tên quân chạy về phía Tây. Sau nửa giờ giáp trận, Giảng bị Duyệt chém chết tại trận.
Quân Nguyễn thừa thế đánh tràn, quân Tây đều bỏ khí giới xin hàng.
Duyệt đem quân chiếm đồn Sa Lung, rồi cho người đưa thủ quắc Đoàn Luyện Giảng đến vịnh Cù Mông nội cho Chúa Nguyễn.
Nghe tin Duyệt chém được Đoàn Luyện Giảng, hạ được đồn Sa Lung, Chúa Nguyễn và tướng sỹ đều phục tướng tài của Duyệt.
Vì một trận đó, thanh thế quân Nguyễn lừng lẫy thêm nhiều. Quân Tây nghe tiếng quân Nguyễn đến đâu, đến hoảng hồn khiếp đảm đến đó.
Bấy giờ toán quân Võ tánh đã tới Bình Thị. Nhân được Đô đốc Lê Chất đem ba trăm quân đầu hàng, Tánh cùng Chất và Xuyên kéo tuốt đến hàng Kỳ Đáo. Luôn mấy trận kịch chiến, bọn tánh đã phá được đạo quân của Thái phủ Lê Văn Ưng, Tu võ Trần Danh Tuấn và tiến đến sát thành Quy Nhơn.
Chúa Nguyễn mừng lắm, liền sai bọn Tánh chia quân vây thành Quy Nhơn, rồi Ngài tự mình đốc dẫn binh thuyền cùng bộ binh của Nguyễn Văn Thành vào đóng ở bến Tân Quan.
Duyệt và Tống Viết Phúc phải dẫn quân lên đóng ở vùng Sa Lung, Trà Sơn, Bình Đê, Hang Chuồn, Bến Đá, Cung Mang, chặn đường cứu binh của bên địch.
Từ khi được tin quân Nguyễn ra đánh Qui Nhơn, vau Cảnh Thạnh đã sai Thiếu phó Trần Quang Diệu, Tư đồ Võ Văn Dũng thống đốc các đại binh theo đường thủy ra cứu.
Tới Quảng Ngãi nghe nói quân Nguyễn đã chiếm Tân Quan, Diệu và Dũng xua quân lên bộ, tiến thẳng vào miệt Bình Đê.
Thấy báo quân Tây có tới mấy vạn, kéo đi kín cả cánh đồng, Chúa Nguyễn e rằng quân mình không thể địch nổi, bèn hạ lệnh cho Duyệt và Phúc hãy tạm lui quân một chút.
Duyệt và Phúc đều khẳng khái nói:
– Đã có hai tôi ở đây, còn sợ gì quân giặc!
Rồi Duyệt lại chỉ tay ra trái núi trước mặt mà bảo với Phúc:
– Đó là nơi mà hai ta sẽ phải sống, thác với giặc.
Khi ấy Diệu và Dũng đã kéo đến gần Bình Đê, thấy quân Nguyễn có phòng bị, hai tướng bèn chia quân ra làm hai cánh. Diệu lãnh một vạn quân chống với quân Nguyễn. Dũng đem một vạn quân theo đường tắt Cồn Cốc xuống thẳng Thạnh Tân, định đến đánh úp Tân Quan.
Đêm ấy, quân Dũng lội qua một con ngòi nhỏ kéo sang bên này. Khu rừng bên ngòi bỗng có con nai chạy ra đứng ở giữa đường. Một tên tiền quân ngó thấy, vội reo lớn rằng:
– Con nai, con nai!
Tiếng reo mau quá, mấy tên quân khác nghe lầm, tưởng là “Quan nại, Quần nai” chúng liền hô truyền đi rằng:
– Quân Đồng Nai, quân Đồng Nai!
Đồng Nai là một xứ ở Trấn Biên (Biên Hòa), người Tây Sơn hồi ấy vẫn dùng để chỉ chung cả miền Gia Định. Cho nên, nghe tiến quân hô “quân Đồng Nai”, hậu quân ngỡ rằng quân Nguyễn đến đánh, luống cuống bỏ cả đội ngũ mà chạy. Rối thì cả hàng vạn người, xô đẩy lẫn nhau, giầy xéo lên nhau, sa xuống hang xuống ngòi mà chết vô số.
Duyệt và Phúc nghe tiếng ầm ầm, biết rằng quân Tây bị kinh mà chạy, tức thì đốc mấy trăm quân rượt theo. Quân Tây cứ cắm đầu chạy không dám ngoảnh cổ al5i, quân Nguyễn bắt được rất nhiều khí giới và quân sỹ.
Diệu thấy quân Dũng tan vỡ, cũng rút quân lùi.
Lúc ấy toán quân Võ Tánh đánh thành Qui Nhơn rất gấp.
Lương thực hết, cứu binh không tới, thủ tướng Qui Nhơn là Tư võ Tuấn và Thượng thư Thái Phác phải ngó cửa thành xin hàng.
Chúa Nguyễn đổi tên thành Qui Nhơn làm thành Bình Định, sai Võ Tánh ở lại trấn thủ. Theo Tánh ngoài quân bổn bộ, lại có những quân ở ba đồn Trung, Tiền, Tả trong đạo Ngự Lâm, quân ở đồn Xiêm Binh và Ngô Tùng Châu, một viên Lễ bộ, giúp Tánh về các việc chánh trị.
Rồi Chúa Nguyễn xuống thuyền về Gia Định với những toán quân thắng trận.
Duyệt cũng đem quân bổn bộ theo về, cách đó ít lâu thì được thăng chứ tả đồn Đô thống chế.
Cuối năm, Thiếu phó Diệu và Tư đồ Dũng nghe tin quân Nguyễn về hết, chỉ còn Võ Tánh ở lại giữ thành Qui Nhơn, hai tướng liền dẫn đại quân đến đánh.
Dũng đem thủy quân đóng ở cửa biển Thi Nại, phòng bị quân Nguyễn theo đường biển ra cứu. Diệu lãnh bộ quân kéo đến vây thành.
Quân Tây đông quá, Võ Tánh và Ngô Tùng Châu không dám giao chiến, phải rút quân vào thành cố giữ.
Quân Tây mấy lần khiên chiến, Tánh nhất định không ra. Diệu thấy vậy, biết rằng Tánh muốn giằng giai để cho quân mình chết già, bèn sai tướng sĩ đắp lũy dải đất ngoài thành, và đi đóng đồn khắp những nơi hiểm yếu, từ Qui Nhơn đến Phú An.
Diệu muốn hãm cho quân Tánh hết lương.
Bất giờ Lê Chất cũng theo Tánh ở trong thành, Tánh ngờ Chất là tướng cũ Tây Sơn, hoặc có ý gì không tốt, bắt Chất và thủ hạ phải ra hết ngoài thành, xông qua vòng vây, chạy vào Gia Định cáo cấp.
Chúa Nguyễn cho là lương thực ở Qui Nhơn còn đủ chỉ trong một năm, không cần cứu vội, vì còn trái mùa gió.
Tin cầu cứu của Tánh đưa vào luôn luôn, tình hình Qui Nhơn đã nguy.
Tháng tư năm canh thân (1800), Chúa Nguyễn để Đông cung Cảnh giữ đất Gia Định, sai Nguyễn Văn Thành, Lê Chất đốc dẫn bộ binh, Nguyễn Đức Xuyên đốc dẫn tượng binh cùng tiến ra miệt Phú An. Rồi Ngài cùng Duyệt và Nguyễn Văn Trương, Tống Phúc Lương, Tống Viết Phúc, Võ Di Nguy, Nguyễn Hoàng Đức, .. thống lãnh binh thuyền thẳng ra miền biển Thi Nại.
Sang tháng sáu, thủy quân Chúa Nguyễn tới vịnh Cù Mông.
Lúc ấy bộ quân và tượng quân của bọn Nguyễn Văn Thành, Nguyễ Đức Xuyên đã phá được những đồn Ái Thạch, La Hai, Gò Chi kéo đến đóng ở Đồng Thị, Thành đương đốc quân đánh đồn Núi Chúa.
Chúa Nguyễn đóng quân ở vịnh Cù Mông, sai Duyệt dẫn quân vuo65r đèo Cù Mông kéo lên đánh đồn Hoa Yên, rồi Ngài cũng đem tướng sĩ lên bộ tiếp ứng.
Hoa Yên là một đồn lớn ở vùng Qui Nhơn, ngoài đồn có dẫy lũy chắn ngang, trong đồn, binh sỹ, khí giới đều rất sung túc. Khi thấy quân Nguyễn kéo đến, Đô đốc Cựu, thủ tướng Hoa Yên, hạ lệnh biện binh giữ vững hết các cửa đồn, rồi pháo binh đứng nấp trong lũy bắn ra, đại bác ở trên lưng đồn bắn xuống. Từ sáng sớm đến quá trưa, tiếng nổ vẫn kế tiếp nhau.
Súng cứ bắn, Duyệt cứ đốc quân xông vào, kẻ trước chết, kẻ sau kế tiếp.
Gần tối, đóng xác người đã cao gần bằng mặt lũy. Duyệt xua quân vượt qua cái “lũy thịt” ấy, nhảy sang lũy đất, hò reo xông vào trong đồng.
Quân Tây rối loạn, chống cự không kịp, Đô đốc Cựu phải dẫn quân chạy tuốt về mặt Vân Sơn.
Thừa thắng, Duyệt thúc quân sỹ đuổi theo. Tới sông Vân Sơn thì kịp toán quân của Đô đốc Cựu. Đánh một trận rất dữ dội nữa, quân Tây lại thua to. Duyệt sai quân thu nhặt khí giới súng đạn của bên địch bỏ lại, rồi kéo quân trở về Hoa Yên.
Hậu quân của Chúa Nguyễn vừa tới. Chúa Nguyễn sai Duyệt đóng quân ở đồn Hoa Yên, rồi Ngài xuống vịnh Cù Mông.
Thấy ở mặt bộ, quân Tây chống giữ rát quá, Chúa muốn đánh mặt thủy. Cách đó chừng một tháng, Ngài sai Tống Viết Phúc, Võ Di Nguy theo mình đốc dẫn binh thuyền chiến thuyền vượt biển chực đánh lẻn vào cửa Thi Nại. Chẳng ngờ đi đêm lạc đường, lại bị gió Bắc thổi ngược lại. Khi ra đến hòn Thổ Dữ thì trời vừa sáng, phải quay trở lại.
Bấy giờ Nguyễn Văn Thành ở Đồng Thị, mấy lần đánh đồn Núi Chúa vẫn không hạ được, phải sai người đến Chúa Nguyễn, xin thêm quân. Nghe tin ấy, Duyệt xuống luôn vịnh Cù Mông nói với Chúa Nguyễn:
– Bây giờ đánh mặt thủy đã không lợi, tất phải đánh ở mặt bộ. Nhưng ở trên bộ thì bộ quân vẫn chưa liên tiếp được với thủy quân. Từ Hoa Yên đến La Hai, đường đi chỉ hết một ngày, vì có đồn quân của Võ Văn Định chẹn ở Chỉ Lô, thành ra hễ có việc gì thông báo, cứ phải đi quanh ra mặt Phú Yên, hết ba bốn ngày, mới tới La Hai. Binh lực chia ra nhiều ngả như vậy, thật là một điều bất tiện. Vậy xin để Hữu quân Đức (Nguyễn Hoàng Đức) đóng giữ Hoa Yên và đèo Cù Mông. Cho tôi và Tống Viết Phúc kén vài ngàn tinh binh trong đạo Ngự Lâm, tiến lên hợp với toán quân của Tiền quân Thành. Chúng tôi dẽ tùy cơ mà đánh cho tan đồn quân của Võ Văn Định. Hễ mà hạ được đồn ấy thì các đạo quân đi lại mới tiện và binh lực mới khỏi lẻ thẻ mỗi chỗ mỗi toán.
Chúa Nguyễn nghe lời, bèn sai Duyệt và Phúc dẫn quân bổn bộ đến Đồng Thị, theo quyền sai khiến của Thành.
Hai người đến nơi, vừa gặp mưa gió ầm ầm, trời rét như cắt. Theo lệnh Thành, Duyệt phải đóng ở Đồng Thị, còn Thành thì đem quân lẻn đánh mặt sau Núi Chúa.
Lúc ấy Thành và Duyệt đều kéo cờ “Tướng” ngồi trên bành voi, chỉ huy các toán quân sỹ. Thành vốn hay rượu, khi sắp đi, Thành cầm hồ tự rút cho mình, rồi rót chén nữa, sai người đưa Duyệt, Duyệt không uống.
Thành cố ép:
– Bữa nay trời rét, uống một chén cho thêm hăng hái!
Duyệt cười nhạt:
– Kẻ nào hèn nhát, mới phải mượn đến sức rượu. Đây thì coi ở trước mắt, không có trận nào là trận mạnh, dùng rượu mà làm chi!
Nghe câu ấy, Thành có vẻ thẹn và rất căm Duyệt.
Đêm ấy, Thành đốc quân lính voi ngựa, theo đường tắt vượt qua núi Bột Khê lẻn đánh úp mặt sau quân Tây, đốt hết tất cả dinh trại.
Duyệt ở đằng trước, cưỡi voi cần cờ thúc quân đánh ập lại. Quân Tây bị đánh hai mặt, phải bỏ đồn cah5y.
Các đạo quân khác của bên Nguyễn đồng thời tiến lên, xông vào đâm chém túi bụi, quân Tây chống giữ không nổi, Đô đốc Hoan bị chém, Đô đốc Nguyễn Văn Thu dẫn quân chạy về Đồng Tuần, lại bị quân Nguyễn rượt theo đánh riết, quân Tây chết hại nhiều quá. Thu xin đầu hàng.
(1): Theo Đại Nam thực lục chánh biên.