(Đăng ngày 11 – 07 – 1929)
Từ khi ra đi, hơn mười bữa nay rồi, hôm nào cũng như hôm nào, trên trời dưới nước, đêm ngủ ngày ăn, sanh hoạt như vầy mãi, chán quá, chỉ trông hết bến nầy bến khác cho mau tới Marseille, để coi nước Pháp ra thế nào.
Hôm nay lâ 6 Avril, tới Djibouti.
Từ Saigon qua Marseille, đây mới có cái hải cảng nầy là của người Pháp mà thôi. Tàu cũng phải đậu ngoài khơi, chớ không có bến. Ở xa ngó vào, thấy Djibouti như là một xóm làng nhỏ, chớ không ra vẻ một cái cửa biển buôn bán chút nào. Sau lên coi thì quả nhiên nó tồi tệ thiệt, nhà cửa lúp thúp, phố xá dơ dáy, mà khí hậu nóng nực lạ thường, lúc nào cũng hình như mặt trời chụm lửa ở chung quanh mình. Người ở đây là giống người Somalis, da đen, cũng là thuộc dân của nước Pháp.
Bởi vậy từ lúc bước chưn ra đi, qua hai cái hải cảng là Singapour và Colombo rồi, đến đây mới gặp anh em cùng số kiếp với mình, nói năm ba tiếng Pháp, chớ hổm rày qua mấy chỗ kia, mình chỉ như câm, vì không biết tiếng Hồng Mao. Cho biết rằng mình muốn đi cu lịch đâu, cũng cần phải biết tiếng Hồng Mao, chớ tiếng Pháp không thông dụng gì cả.
Chút nữa em quên. Hồi tàu mới đậu vừa xong, thì có mấy người lính cảnh sát Somalis xuống còng hai người mình đem lên bờ. Hỏi ra mới biết là hai người học sanh trốn xuống tàu, hổm rày nằm lẩn lút đâu đó; lúc ở Colombo chạy ra hai ngày, thì ông Commissaire dưới tàu tóm được, nay đem lên Djibouti để làm án bỏ tù, rồi sẽ đưa về nước. Nghe nói cái lệ trốn tàu, là ba tháng tù, vì xưa nay nhà khám ở Djibouti đã thường đón rước nhiều anh em Việt Nam như vậy.
Than ôi! Mấy người thiếu niên đồng bào ấy chỉ có cái tội không tiền mà lại muốn học. Nghĩ tài nên trọng mà tình nên thương …
Tàu đậu ở Djibouti mấy giờ đồng hồ thật là buồn tanh, tai mình, ngoài sự nghe mấy thằng con nít da đen miệng la ô hô, hô, hô, hô, biểu mình liệng tiền xuống nước cho nó lặn xuống lấy, thì mắt mình không thấy có gì lạ. Chỉ mong tàu chạy cho rồi.
Hồi vào bến là 6 giờ sáng, đến 11 giờ, lấy than nước xong thì tàu chạy.
Chặng nầy từ Djibouti qua Suez và Port-Said, mất năm ngày năm đêm, là đi qua Hồng Hải. Cứ nhớ tới Hồng Hải là đủ tháo mồ hôi. Qua cái biển nầy nóng thiệt, ngày nóng, đêm nóng, có gió lại càng nóng, là vì khúc biển nầy phía bên kia là Ai Cập, phía bên nầy là Arabie, hai bên đều có sa mạc; cái khí nóng chính là đó đưa ra, cho nên có gió nó đưa hơi ở sa mạc ra càng thấy nóng gắt.
Bốn ngày thì tới Suez, tức là cửa con sông đào có tiếng là sông đào Suez vậy.
Đây là địa phận nước Ai Cập rồi, cho nên ta mới được thấy người Ai Cập, là dân tộc mới thoát ly vòng áp chế của Hồng Mao mà thành ra dân tộc độc lập. Coi họ lực lưỡng khỏe mạnh, không kém gì người Âu châu, và coi có vẻ thông minh lắm. Thấy có ông thầy thuốc Ai Cập xuống khám dưới tàu, mình bận Âu phục, đầu đội nón Fez, coi cũng oai vệ đến. Xem ra quan tầu cũng tiếp rước một cách cung kính….
Nếu được ở lại đây, mà đi quan sát nước Ai Cập, như là kinh thành Caire, các Kim Tự Tháp (Pyramides) là một cung điện của các vua Ai Cập ngày xưa, mà người ta cho nó là một thứ trong bảy thứ kỳ quan (Merveilles) của thế giới. Lên đây cũng có thể đi coi đất thánh Jérusalem được. Cô Cúc Tử nói rằng cổ đã đi xem xét cả mấy nơi danh thắng ấy rồi. Phải, cô là con gái Nhựt Bổn, có tự do, có học thức, có tài sản, cho nên đã có dịp để chưn vào những chỗ kỳ quan thắng tích ấy là phải. Em đây được sang Pháp là quá vọng rồi, biết bao giờ được tới những chỗ ấy?
Tàu đi vào sông đào Suez.
Con sông nầy, nối Hồng Hải ở phía đông và Địa Trung Hải ở phía Tây, là một con sông dài 162 cây số, bề ngang có 135 thước, nhưng có khúc chỉ vừa cho một chiếc tàu mà thôi. Bởi vậy dọc theo con sông có nhiều chỗ phình ra để cho hai chiếc tàu đi lại thì tránh nhau ở đó.
Nguyên xưa chỗ nầy là cái bãi cát lớn, dính liền châu Phi với châu Á. Sáu chục năm về trước, tàu bè ở Âu sang Á, chưa có con sông đào nầy, thì phải đi vòng châu Phi hết hằng tháng, xa xuôi khó nhọc lắm. Nhờ có từ năm 1869, một người Pháp là ông Ferdinand de Lesseps đào con sông nầy rồi, thì rút hằng tháng lại chỉ trong có mấy giờ đồng hồ. Thiệt là một cái công trình lớn lao, một cái công đức vô lượng.
Bởi vậy cho nên ở bên sông, thấy có dựng hình kỷ niệm ông Ferdinand de Lesseps. Bây giờ hằng năm có năm bảy ngàn chiếc tàu qua lại ở đó, trông di tượng của ông, tự nhiên phải nhớ tới công nghiệp tày trời của người dĩ vãng.
Hai bên sông, thỉnh thoảng lại có đồn binh của Hồng Mao đóng để canh phòng, vì hai bên sông đều là bãi sa mạc minh mông, nếu không canh phòng, sợ có điều bất trắc. Sông nầy thuộc về địa phận nước Ai Cập, đáng lẽ về phần người Ai Cập cai quản. Nay Ai Cập độc lập rồi mà cái quyền canh phòng và thủ lợi ở sông Suez, vẫn là người Hồng Mao được hưởng. Nước Ai Cập đương muốn đòi lại, mà chẳng biết có đòi được hay không?
Từ Suez là đầu sông bên nây, qua đầu dông bên kia là Port-Said, hết 14 giờ đồng hồ. Em nhớ hồi đó tàu Suez vào sông là 6 giờ chiều mà tới 8 giờ sáng hôm sau, mới tới Port-Said.