Rừng Na Uy – Chương 10-2

Ba ngày sau khi dọn nhà, tôi viết cho Naoko. Tôi mô tả ngôi nhà mới và nói tôi thấy nhẹ nhõm biết bao khi thoát khỏi được bọn ngốc trong khu học xá với tất cả những trận nhồi sọ của chúng. Giờ đây tôi có thể bắt đầu cuộc sống mới của mình với một tâm trạng mới.

Cửa sổ của mình nhìn ra một khu vườn rộng vẫn là nơi gặp mặt của tất cả lũ mèo quanh khu phố này. Mình thích nằm dài ngoài hiên và ngắm nhìn chúng. Mình không biết chúng có bao nhiêu con ở đó, nhưng là một lũ đông lắm. Chúng sưởi nắng thành từng nhóm. Có lẽ chúng chẳng hài lòng gì khi thấy mình ở đây, nhưng một lần khi mình để ra đó một miếng pho-mát cũ thì đã có mấy con bò đến nhấm nháp nó. Chẳng chóng thì chầy rồi chúng cũng thành bạn với mình thôi. Trong bọn có một con mèo đực lông vằn tai rách đến một nửa. Thật kì lạ vì trông nó rất giống lão trưởng khu học xá của mình ngày trước. Mình cứ nghĩ thể nào cũng có hôm con mèo này bắt đầu làm lễ kéo cờ cho mà xem.

Mình ở đây có hơi xa trường một chút, nhưng vào năm thứ ba thì sẽ không có nhiều giờ học buổi sáng nên cũng không đến nỗi tệ lắm. Có khi còn hay hơn vì mình sẽ có nhiều thì giờ đọc sách trên tàu điện hơn.

Bây giờ chỉ còn phải tìm xem có việc gì dễ dễ ở quanh đây để mình có thể làm ba hoặc bốn ngày một tuần. sau đó là mình có thể trở lại với cuộc sống lên dây cót của mình.

Mình không muốn vội, nhưng tháng Tư là thời điểm tốt trong năm để bắt đầu những việc mới mẻ, và mình không thể không cảm thấy rằng tốt nhất là bọn mình nên bắt đầu chung sống với nhau vào lúc đó.

Cậu cũng có thể trở lại đại học, nếu mọi việc suôn sẻ. Nếu thực tế sống chung của bọn mình có vấn đề gì, mình có thể tìm cho cậu một căn hộ ở gần đây. Quan trọng nhất là chúng mình phải luôn ở gần nhau. Cũng không nhất thiết phải bắt đầu vào mùa xuân, tất nhiên rồi. Nếu cậu nghĩ mùa hè tốt hơn thì mình cũng sẽ thấy thế. Chỉ cần cậu cho mình biết cậu nghĩ thế nào được không?

Mình đang định sẽ đi làm thêm nhiều hơn trong một thời gian. Để trang trải các chi phí cho việc chuyển chỗ ở này. Mình sẽ cần tiền sắm sửa cái này cái nọ khi sống một mình – nồi niêu xoong chảo bát đĩa và những cái linh tinh khác. Nhưng đến tháng Ba là mình sẽ rỗi, và nhất định sẽ đến thăm cậu. Cứ ngày nào tốt nhất với cậu là mình sẽ đi Kyoto ngày ấy.

Mong gặp cậu và mong cậu trả lời mình.

***

Tôi bỏ ra mấy ngày đi mua những thứ cần thiết trong khu mua bán Kichijoji ở gần nhà và bắt đầu tự nấu các bữa ăn đơn giản. Tôi mua vài tấm ván ở một xưởng cửa địa phương và cho cắt theo kích cỡ để có thể mang về nhà tự đóng một cái bàn. Tôi nghĩ mình sẽ có thể ngồi học ở cái bàn ấy, còn bây giờ thì hãy cứ ăn luôn ở đó. Tôi làm mấy cái giá đỡ và mua về đủ loại gia vị. Một con mèo trắng có lẽ sáu tháng tuổi đã quyết định có cảm tình với tôi và bắt đầu ăn ở chỗ tôi. Tôi đặt tên cho nó là Hải âu.

Khi đã thu xếp tương đối ổn, tôi vào nội thành và kiếm được một chân phụ thợ sơn để làm tạm thời. Tôi đi làm luôn trong hai tuần lễ liền. Tiền thì tốt, nhưng việc thì mệt chết người, và mùi dầu sơn quay cuồng cả đầu óc. Ngày nào xong việc tôi cũng ăn tại một quán rẻ tiền, uống bia lùa cơm cho xong bữa, về nhà chơi với con mèo, rồi lăn ra ngủ như chết. Trong thời gian đó tôi cũng chẳng nhận được thư từ gì của Naoko.

Đang mải phụ thợ sơn thì tôi chợt nhớ đến Midori, giật mình vì đã không liên lạc gì với cô gần ba tuần rồi và cũng chưa báo cho cô biết việc dọn nhà. Tôi đã nói đang tính chuyện dọn nhà với cô, và cô bảo “Ô thế à?”, nhưng chỉ có vậy thôi.

Tôi ra một trạm điện thoại và quay số của Midori. Người đàn bà nhấc máy có thể là chị cô. Khi tôi xưng tên, chị ta bảo “Chờ tí nhé”, nhưng mãi cũng chẳng thấy Midori đâu.

Sau đó cô chị hoặc ai đó trở lại. “Midori nói nó tức lắm không thể nói chuyện với cậu được. Cậu vừa dọn nhà mà chẳng nói gì với nó, đúng không? Cứ thế biến mất mà không bảo nó là cậu đi đâu, đúng không? Thôi, bây giờ thì cậu làm nó điên sùng sục lên rồi. Mà khi nó đã điên thì không thể làm gì được đâu. Như là chó dại vậy.”

“Chị có thể làm ơn đưa máy cho cô ấy được không? Tôi sẽ giải thích.”

“Nó bảo không muốn nghe giải thích giải thiếc gì hết.”

“Vậy tôi giải thích với chị có được không? Tôi chẳng muốn thế này chút nào, nhưng chị có thể cứ nghe tôi một chút rồi nói lại với cô ấy được không?”

“Đừng nói với tôi! Nói với chính cậu ấy! Cậu là loại người gì vậy? Trách nhiệm là ở cậu, thì cậu phải lo, mà phải lo cho đúng.”

Hết cách rồi. Tôi cám ơn cô ta và gác máy. Thực tình tôi không thể trách Midori. Mải dọn nhà với trăm thứ việc rồi lại mải đi kiếm tiền thêm, tôi đã không nhớ gì đến Midori. Cả đến Naoko cũng vậy, trong suốt thời gian ấy. Tính tôi là thế. Một khi đã dính vào việc gì là tôi quên khuấy mọi chuyện khác.

Nhưng rồi tôi bắt đầu nghĩ đến việc bản thân mình sẽ ra sao nếu Midori đã dọn đi đâu đó chẳng nói năng gì với tôi và cũng chẳng liên lạc gì suốt ba tuần lễ. Tôi sẽ bị tổn thương, tổn thương nặng nề, không nghi ngờ gì nữa.

Không, hai đứa không phải là nhân tình nhân ngãi gì, nhưng về mặt nào đó chúng tôi đã cởi mở cõi lòng với nhau còn sâu sắc hơn cả nhân tình nhân ngải nữa. Ý nghĩ ấy làm cho tôi buồn vô cùng. Thật khủng khiếp khi ta làm tổn thương một người ta hằng quí mển mà lại không biết là như vậy.

Ngay khi vừa đi làm về, tôi ngồi vào chiếc bàn mới của mình và viết cho Midori. Tôi cố kể hết với cô những cảm xúc chân thật của mình. Tôi xin lỗi, không giải thích mà cũng không phân bua, vì đã vô tâm vô tính như vậy. Tớ nhớ cậu, tôi viết. Tớ muốn gặp cậu càng sớm càng sớm càng tốt. Tớ muốn cậu thấy nhà mới của tớ. Làm ơn viết cho tớ nhé, tôi viết thế, và gửi lá thư qua đường phát chuyển đặc biệt.

Nhưng không hề có hồi âm.

Một mùa xuân lạ lùng đã bắt đầu như vậy đấy. Cả vụ nghỉ đó tôi chỉ ngong ngóng đợi thư. Tôi không dám đi đâu chơi, không dám về nhà thăm bố mẹ, không dám nhận cả một công việc ngoài giờ vì chưa biết lúc nào Naoko sẽ viết thư hẹn tôi đến thăm nàng vào một ngày nào đấy. Đến chiều tôi chỉ lang thang trong khu mua bán ở Kichijoji, xem phim suất đúp hoặc đọc sách trong một quán cà-phê. Tôi không gặp ai và hầu như không nói chuyện với ai. Và cứ mỗi tuần một lần tôi viết cho Naoko. Không bao giờ tôi bóng gió gì đến chuyện mong nàng trả lời. Tôi không muốn nàng cảm thấy bị áp lực trong bất kì chuyện gì. Tôi chỉ kể cho nàng nghe về công việc phụ thợ sơn của mình, về con mèo Hải âu, về hoa đào đang nở trong vườn, về bà lão bán đậu phụ tốt bụng, về mụ già bẩn tính ở một quán ăn trong khu phố, về những bữa ăn tôi tự nấu cho mình. Nhưng nàng không viết lại một lần nào.

Hễ đã chán đọc sách hoặc nghe nhạc, tôi sẽ loay hoay làm vườn chút đỉnh. Tôi mượn chủ nhà một cái cào, chổi, kéo xén cây, và tiêu thời gian vào việc nhỏ cỏ dại và xén tỉa bụi rậm. Không phải mất công lắm cũng đã khiến cho cái vườn đẹp mắt hẳn lên. Một lần, ông chủ nhà mời tôi uống trà với ông ta, và chúng tôi cùng ngồi dưới hiên ngôi nhà chính, uống trà xanh, ăn bích-qui gạo tẻ, và chuyện trò đôi chút. Sau khi về hưu, ông lại có việc làm với một công ty bảo hiểm, ông nói, nhưng ỏng cũng đã thôi việc đó rồi, sau một hai năm, và bây giờ thì chỉ nghỉ ngơi vậy thôi. Nhà đất là của gia đình từ lâu đời rồi, con cái ông cũng đã trưởng thành và độc lập cả, và ông có thể hưởng tuổi già thoải mái không cần phải làm gì. Chính thế mà hai vợ chồng ông lúc nào cũng đi du lịch cùng nhau.

“Hay quá,” tôi nói.

“Chẳng hay đâu,” ông đáp. “Du lịch chẳng thích thú gì. Tôi thà làm việc còn hơn.”

Ông bảo ông đã để khu vườn hoang dại như thế là vì quanh đây chẳng có thợ làm vườn nào tử tế, và cũng vì ông bị dị ứng không thể tự làm vườn được. Cứ cắt cỏ là ông bị hắt hơi sổ mũi.

Uống xong bữa trà, ông chỉ cho tôi một cái chái chứa đồ và bảo tôi muốn dùng thứ gì ở trong đó cũng được cũng là một cách cảm ơn tôi đã chăm nom đến khu vườn. “Chúng tôi chẳng dùng gì đến những thứ này nữa,” ông nói, “cậu cứ tự nhiên cho.”

Thực ra ở đó chất đầy đủ thứ đồ – một thùng tắm bằng gỗ đã cũ, một cái bể bơi cho trẻ con, gậy bóng chày.

Tôi tìm thấy cả một cái xe đạp cũ, một cái bàn ăn cỡ nhỏ với hai cái ghế, một tấm gương, và một cây ghi-ta. “Cháu muốn mượn những thứ đó có được không ạ?” Tôi nói.

“Cậu cứ tự nhiên cho,” ông nhắc lại.

Tôi để ra một ngày loay hoay với cái xe đạp: đánh sạch gỉ, tra dầu các ổ bi, bơm lốp xe, chỉnh bộ số, và đem nó ra một hiệu chữa xe đạp để lắp một bộ dây sang số mới. Xong xuôi trông nó như một cái xe khác hẳn. Tôi cạo sạch lớp bụi dày cộp trên cái bàn và quét cho nó một lớp véc ni mới. Tôi thay dây cho cái ghi-ta và dán lại chỗ bong tróc trên thân đàn. Tôi dùng búi thép đánh sạch gỉ ở các khoá lên dây và điều chỉnh chúng cẩn thận. Không ra một cây đàn oách, nhưng ít nhất cũng không lạc nốt sai dây nữa. Tôi chợt nhớ từ hồi hết trung học đến giờ mình chưa hề sờ đến một cây ghi-ta nào. Tôi ngồi ngoài hiên và mày mò đánh bài “Trên mái nhà” của nhóm The Drifters, và rất ngạc nhiên thấy mình vẫn còn nhớ hầu hết các hợp âm của bài đó.

Tiếp theo đó, tôi lấy mấy mẩu ván và đóng thành một hộp thư vuông vắn. Tôi sơn nó màu đỏ, viết tên mình vào, rồi dựng nó cạnh cổng. Mai đến mồng ba tháng Tư mới thấy bưu điện bồ vào thùng thư của tôi một cái gì đó từ khu học xá chuyển tới. Hoá ra là một thông báo họp lớp của trường trung học cũ. Tôi không muốn lôi thôi đến món họp lớp bao giờ. Mà đó lại là lớp tôi cùng học với Kizuki. Tôi liền quẳng cái thông báo ấy vào sọt rác.

Chiều ngày mồng bốn tháng Tư thì tôi thấy có một bức thư trong thùng. Mặt sau có đề tên Reiko Ishida. Tôi dùng kéo cắt một nhát ngọt qua mép dán rồi ra thềm để đọc nó. Tôi đã linh cảm sẽ không có tin lành, và quả là như vậy.

Đầu tiên Reiko xin lỗi đã để tôi phải chờ lâu đến thế. Chị nói Naoko đã vật vã cố viết cho tôi, nhưng lần nào nàng cũng không thể viết xong được.

“Tôi đã bảo để tôi viết trả lời thay cho cô ấy, nhưng hễ tôi nhắc đến chuyện phải trả lời cậu là cô ấy lại khăng khăng rằng đây là chuyện quá riêng tư và cô ấy phải tự viết mới được. Vì vậy mà tôi không viết cho cậu sớm hơn được. Tôi thật tình xin lỗi cậu. Hy vọng cậu sẽ bỏ lỗi cho tôi.

Tôi biết chắc cậu đã khổ sở cả tháng ròng chờ thư hồi âm, nhưng hãy tin tôi, tháng vừa rồi Naoko cũng khổ sở không kém. Cậu phải cố hiểu những gì cô ấy đang trải qua. Tình trạng cô ấy không tốt đâu, tôi phải nói thật như vậy. Cô ấy đang cố hết sức để trụ vững, nhưng cho đến giờ kết quả chẳng khả quan chút nào.

Nghĩ lại, bây giờ tôi mới thấy rằng triệu chứng xấu đầu tiên của cô ấy là mất khả năng viết thư. Nó bắt đầu khoảng cuối tháng Mười một đầu tháng Mười hai. Sau đó cô ấy bắt đầu cứ nghe thấy cái gì đó trong đầu. Hễ định viết thư là cô ấy lại nghe thấy có tiếng người nói chuyện với mình và không thể viết được nữa. Những giọng nói ấy chen vào nỗ lực chọn từ ngữ của cô ấy. Nhưng tình trạng ấy cũng chưa đến nỗi nào cho đến lần cậu đến thăm thứ hai, nên tôi đã không để ý cẩn thận. Với tất cả chúng tôi ở đây, những loại triệu chứng này xảy ra theo chu kì, hơn kém nhau chút đỉnh thôi. Nhưng trong trường hợp của cô ấy thì chúng cứ nặng mãi lên sau khi cậu ra về. Bây giờ thì đối thoại bình thường thôi cũng là rất khó khăn với cô ấy. Cô ấy không thể tìm được đúng từ để nói, và điều đó đẩy cô ấy vào một tình trạng hoang mang khủng khiếp. Hoang mang và sợ hãi. Trong khi đó thì những “thứ” cô ấy nghe thấy trong đầu cứ ngày một tệ hơn.

Chúng tôi có một buổi điều trị hàng ngày với một nhà chuyên môn. Naoko với tôi và ông bác sĩ này ngồi chuyện trò với nhau để cố tìm xem khu vực nào của cô ấy đã bị đổ bể. Tôi đưa ra ý kiến là có lẽ sẽ tốt nếu có thêm cậu cùng dự những buổi này, và ông bác sĩ ủng hộ tôi, nhưng Naoko không chịu. Tôi có thể nhắc lại đúng lời cô ấy như sau: “Tôi muốn thân xác tôi phải sạch hết mọi thứ này khi tôi gặp cậu ấy.” Tôi bảo cô ấy rằng đó không phải là vấn đề; vấn đề là cô ấy phải khỏe lại càng nhanh càng tốt, và tôi cố thuyết phục cô ấy, nhưng cô ấy nhất định không chịu đổi ý.

Hình như đã có lần tôi bảo cậu rằng đây không phải là một bệnh viện chuyên khoa. Tất nhiên là chúng tôi có các chuyên gia y khoa ở đây, và họ điều trị cũng rất có hiệu quả, nhưng điều trị tập trung lại là chuyện khác hẳn. Ý đồ của cơ sở này là tạo ra một môi trường hữu hiệu để bệnh nhân có thể tự điều trị, và như vậy, nói cho đúng ra, nó không bao gồm việc điều trị y khoa. Có nghĩa là nếu tình trạng của Naoko vẫn tiếp tục xấu đi, họ sẽ có thể phải chuyển cô ấy tới một bệnh viện khác hoặc một cơ sở y tế khác hoặc gì đó không biết. Nói thật, tôi thấy chuyện ấy rất đau lòng, nhưng chúng tôi sẽ bắt buộc phải làm vậy. Nói thế không có nghĩa là cô ấy không thể quay lại đây để điều trị theo kiểu “nghĩ vắng mặt” ở bên kia một thời gian. Hoặc biết đâu cô ấy lại có thể khỏi hẳn và không cần gì đến bệnh viện nữa. Gì thì gì, chúng tôi đang làm tất cả mọi thứ có thể được, và Naoko cũng vậy, còn bây giờ thì tốt nhất là cậu hãy hy vọng cho cô ấy bình phục được và tiếp tục gửi thư cho cô ấy.”

Lá thư đề ngày ba mươi mốt tháng Ba. Đọc xong, tôi vẫn ngồi ngoài hiên và nhìn quanh quẩn ra khu vườn lúc bấy giờ đã đầy vẻ tươi tốt của mùa xuân. Một cây anh đào cổ thụ đang đứng đó, hoa sắp đến kì nớ rộ. Một làn gió nhẹ đang thổi tới, và ánh sáng ngày bao trùm mọi vật trong những màu sắc mờ ảo kì lạ. Hải âu từ đâu đó mới đảo về nhà, và sau khi cào cào những tấm ván thềm một lát, nó nằm dài xuống cạnh tôi và lăn ra ngủ.

Tôi biết mình nên để tâm suy nghĩ thật nghiêm chỉnh một vài chuyện, nhưng không biết bắt đầu thế nào.

Và nói thật là lúc ấy tôi không muốn phải suy nghĩ chút nào. Chẳng mấy chốc sẽ đến lúc tôi không thể tránh được việc ấy, và bấy giờ tôi sẽ để ra hẳn một thời gian dài tập trung suy nghĩ hết mọi việc. Còn bây giờ thì không. Bây giờ thì không.

Cả ngày hôm đó tôi dán mắt vào khu vườn, nằm dựa gối và vuốt ve Hải âu. Tôi thấy hoàn toàn kiệt sức. Chiều tàn dần, hoàng hôn đã tới, và những bóng tối màu xanh lơ bao bọc cả khu vườn. Hải âu đã biến đi đâu rồi, nhưng tôi vẫn tiếp tục nhìn hoa anh đào đang nở. Trong bóng tối mùa xuân, trông chúng giống như thịt vừa bục ra khỏi da trên những vết thương đang mưng mủ. Khu vườn tràn ngập mùi thịt thối ngòn ngọt rất nặng. Và chính lúc đó tôi nhớ đến da thịt Naoko. Da thịt đẹp đẽ của Naoko nằm trước mặt tôi trong bóng tối, vô vàn mầm nụ đang bung ra trên da nàng, xanh mét và run rẩy trong làn gió nhẹ hầu như không cảm thấy được. Tại sao một tấm thân đẹp đẽ như thế lại phải mang bệnh đến vậy? Tôi tự hỏi. Sao chúng không buông tha cho nàng?

Tôi vào nhà và kéo màn cửa lại, nhưng ngay cả ở trong nhà cũng vẫn không thoát được mùi vị mùa xuân. Nó tràn ngập mọi thứ từ dưới đất lên cao. Nhưng hương vị duy nhất của mùa xuân mà tôi đang cảm thấy lúc ấy lại là cái mùi thịt thối khăn ghê rợn kia. Giam mình sau màn cửa, tôi cảm thấy một nỗi kinh tởm dữ dội đối với mùa xuân. Tôi căm ghét những gì mùa xuân đang dành đợi tôi; tôi căm ghét cái nỗi đau rần rật đến tê dại mà nó gợi lên trong tôi. Tôi đã chưa khi nào căm ghét cái gì trên đời dữ dội đến thế.

Ba ngày liền sau đó tôi như đi dưới đáy biển. Tôi không thể nghe người ta nói gì với mình, và mọi người nghe tôi cũng khó khăn như vậy. Toàn thân tôi như bị bao bọc trong một thứ màng khiến cho tôi mất hẳn mọi tiếp xúc trực tiếp với thế giới bên ngoài. Tôi không thể chạm vào “họ”, và “họ” cũng không thể chạm vào tôi. Tôi hoàn toàn bất lực, và chừng nào còn như vậy thì “họ” còn chưa thể với đến tôi.

Tôi ngồi dựa lưng vào tường, dán mắt lên trần nhà. Khi thấy đói, tôi sẽ gặm bất kì thứ gì vớ được ở xung quanh, uống tí nước, và khi nỗi cám cảnh đau buồn ập đến, tôi lấy rượu whisky để hạ gục chính mình. Tôi không tắm. Không cạo mặt. Ba ngày liền trong tình trạng như thế.

Mồng sáu tháng Tư thì có thư Midori. Cô hẹn gặp tôi ở trường và cùng ăn trưa vào ngày mồng mười khi chúng tôi phải đến đăng kí các lớp học. Tớ trì hoãn viết cho cậu thật lâu cho đến lúc hai đứa mình hoà nhau, nên hãy giảng hoà nhé. Tớ phải thú nhận, tớ nhớ cậu. Tôi đọc đi đọc lại lá thư tất cả là bốn lần, mà vẫn không thể hiểu cô đang định nói gì với tôi. Nó có thể có nghĩa gì mới được chứ? Đầu óc tôi mù mịt hết cả, tôi không thể tìm ra mối liên hệ từ câu này đến câu kia. Tại sao gặp cô ta ngày đăng kí môn học lại làm cho chúng tôi “hoà nhau” Tại sao cô ta lại muốn “ăn trưa” với tôi? Tôi thực sự lạc đường. Trí não tôi nhão ra rồi, như bộ rễ sũng nước của một loài cây mọc dưới biển. Nhưng không hiểu sao tôi vẫn biết là mình phải vùng ra khỏi tình trạng đó. Và rồi đột nhiên những lời của Nagasawa trở lại với tôi: “Đừng bao giờ tự trách mình. Chỉ có bọn vứt đi mới làm vậy.”

“Ôkê, Nagasawa. Đúng thế,” tôi nghe thấy mình nói trong đầu, thở dài đánh thượt rồi gượng dậy.

Tôi giặt quần áo lần đầu tiên sau nhiều tuần lễ, đến nhà tắm công cộng và cạo mặt, dọn dẹp nhà cửa, mua thức ăn và nấu một bữa tử tế để thay đổi cho con Hải âu gần chết đói ăn, chỉ uống bia, và tập thể dục ba mươi phút. Trong khi cạo mặt, tôi phát hiện trong gương là mình đã xọp hẳn đi. Hai mắt tôi lồi ra. Mãi tôi mới nhận ra mình.

Sáng hôm sau tôi đạp xe một chuyến dài dài, và sau khi ăn trưa ở nhà, tôi đọc lại lá thư của Reiko một lần nữa; rồi suy nghĩ nghiêm chỉnh xem tôi cần phải làm gì sau đó. Lý do chính khiến lá thư của Reiko làm tôi khổ sở đến vậy là vì nó đã phá vỡ niềm tin lạc quan của tôi rằng Naoko đang khá dần lên. Chính Naoko đã bảo tôi, “Bệnh tớ tệ hơn cậu tưởng nhiều: nó sâu rễ bền gốc lắm.” Và Reiko cũng đã cảnh báo rằng không thể biết được chuyện gì sẽ xảy ra. Nhưng tôi đã gặp Naoko hai lần, và đã có ấn tượng là nàng đang trên đường lành bệnh. Tôi đã cho rằng chỉ còn có vấn đề là nàng có đủ can đảm quay lại thế giới thực tại hay không, và rằng nếu nàng làm được thế, cả hai chúng tôi sẽ chung lưng đấu cật trong chuyện đó.

Lá thư của Reiko đã đạp đổ toà lâu đài ảo mộng tôi đã xây trên cái giả định mong manh ấy, chỉ để lại một bề mặt bẹp gí không chút cảm giác nào. Tôi sẽ phải làm gì đổ để lấy lại chỗ đứng của mình. Có thể sẽ rất lâu Naoko mới có thể bình phục. Nhưng thậm chí sau đó có thể nàng sẽ còn thất thường và thiếu tự tin hơn. Tôi sẽ phải thích ứng với tình huống mới ấy. Và dù tôi có mạnh mẽ đến mấy thì chắc cũng không thể giải quyết được tất cả mọi vấn đề. Điều ấy thì tôi biết. Nhưng tôi lại chẳng làm gì khác được: chỉ biết giữ vững tinh thần và chờ cho nàng khỏi bệnh.

Này Kizuki ơi, tôi nghĩ bụng, khác với cậu, tớ đã chọn sự sống, và sẽ sống đẹp hết sức mình. Cậu thấy khó là đúng rồi. Nhưng nói thật nhé, tớ thì cũng thế thôi. Thật là khó. Mà tất cả chỉ là tại cậu đã tự vẫn và để Naoko ở lại. Còn tớ thì sẽ không bao giờ làm thế. Tớ sẽ không bao giờ, không bao giờ quay lưng lại với cô ấy. Trước hết là vì tớ yêu cô ấy, và là vì tớ mạnh mẽ hơn cô ấy. Tớ sẽ trưởng thành. Tớ sẽ thành người lớn. Vì tớ phải vậy. Tớ vẫn thường muốn cứ được là mười bảy hay mười tám tuổi mãi nếu có thể. Nhưng bây giờ thì thôi rồi. Tớ không còn là một thiếu niên. Bây giờ tớ đã biết thế nào là trách nhiệm. Tớ không còn là cái đứa như thời chúng mình còn chơi với nhau nữa. Tớ đã hai mươi rồi. Và tớ phải trả giá để tiếp tục sống.

“Cứt thật, Watanabe, cậu làm sao vậy?” Midori hỏi. “Da bọc xương hết rồi!”

“Tệ đến thế kia à?”

“Quá nhiều chuyện với bà bồ có chồng của cậu phải không, tớ đánh cuộc nào.”

Tôi mỉm cười và lắc đầu. “Tớ chưa ngủ với cô nào từ đầu tháng Mười đến giờ.”

“Úi! Không thể thế được. Những sáu tháng đấy ông ạ!”

“Cậu nghe tớ nói rồi mà.”

“Thế làm sao mà cậu sụt cân gớm thế?”

“Tại lớn lên đấy,” tôi nói.

Midori đặt tay lên cả hai vai tôi và nhìn vào mắt tôi với một vẻ mắng nhiếc chẳng mấy chốc đã biến thành một nụ cười ngọt lịm.

“Đúng thế thật,” cô nói. “Có cái gì đó khác. Cậu đã thay đổi.”

“Tớ bảo rồi, tớ đã lớn lên. Giờ tớ đã là người lớn.”

“Cậu tuyệt vời thật, kiểu suy nghĩ của cậu ấy,” cô nói như thể bị ấn tượng thực sự. “Mình đi ăn thôi. Tớ đói ngấu rồi.”

Chúng tôi vào một tiện ăn nhỏ đằng sau khoa văn. Tôi lấy một suất ăn trưa đặc biệt và cô cũng vậy.

“Này, Watanabe, cậu giận tớ lắm phải không?”

“Vì chuyện gì chứ?”

“Vì không trả lời cậu, cốt để gỡ hoà mà. Cậu nghĩ tớ không nên thế à?” Sau khi cậu đã xin lỗi và mọi thứ khác”

“Ừ, nhưng đầu tiên là lỗi tại tớ. Nó như vậy mà.”

“Chị tớ bảo nhẽ ra tớ không nên thế. Quá ác, quá trẻ con.”

“Ờ, nhưng nó làm cậu thấy dễ chịu hơn, đúng không nào, gỡ hoà kiểu ấy?”

“Thôi được rồi, cho qua chuyện đó đi.”

“Cậu đang tha thứ cho tớ phải không?” Midori nói.

“Nhưng nói thật đi Watanabe, cậu chưa làm tình trong sáu tháng liền cơ à?”

“Không một lần nào.”

“Vậy cái lần cậu cho tớ đi ngủ, chắc cậu phải thèm lắm.”

“Ờ, chắc thế!”

“Nhưng cậu không làm gì, đúng không?”

“Nghe này, cậu là bạn tốt nhất của tớ bây giờ,” tôi nói. “Tớ không muốn mất cậu đâu.”

“Cậu biết không, nếu cậu cưỡng tớ hôm đó, chắc tớ không chống lại được đâu, tớ kiệt lực đến thế cơ mà.”

“Nhưng tớ quá to và quá cứng,” tôi nói.

Midori mỉm cười rồi chạm vào cổ tay tôi. “Một lúc trước đó, tớ đã quyết định sẽ tin cậu. Một trăm phần trăm. Cho nên tớ mới yên trí ngủ ngon như vậy. Tớ biết tớ sẽ không sao, tớ sẽ an toàn với cậu ở đó. Và tớ đã ngủ say như chết, đúng không?”

“Đúng quá.”

“Nhưng mặt khảc, nếu cậu nói với tớ, “Ê, Midori, mình ấy nhau đi, rồi mọi thứ sẽ tốt đẹp mà” thì có lẽ tớ đã ấy với cậu rồi. Này, đừng có tưởng tớ đang định cám dỗ hay trêu ngươi gì cậu nhé. Tớ chỉ đang nghĩ sao nói vậy thôi, hoàn toàn chân thực.”

“Biết rồi, biết rồi.”

Viết một bình luận

error: Content is protected !!