Trong những ngày nghỉ hè ấy nhà trường gọi cảnh sát dã chiến đến. Họ dỡ hết những chướng ngại vật và bắt nhiều sinh viên. Chuyện ấy chẳng có gì lạ. Hồi bấy giờ sinh viên là vậy. Các trường đại học không dễ gì bị “giải tán”. Hàng núi của đã được người ta đầu tư vào cho chúng, và chúng không thể cứ thế tan rã chỉ vì một số sinh viên hứng trí làm càn. Mà thực sự thì lũ sinh viên đã bao vây trường kia cũng chẳng muốn giải tán trường. Tất cả ý muốn thực của chúng chỉ là thay đổi cán cân quyền lực trong nội bộ nhà trường, mà chuyện ấy thì tôi không bao giờ quan tâm. Cho nên khi cuộc bãi khoá cuối cùng chấm dứt, tôi chẳng có tí xúc cảm nào.
Tháng Chín, tôi vào trường và tưởng sẽ thấy toàn cảnh đổ nát. Nhưng mọi thứ vẫn y nguyên. Sách trong thư viện vẫn đâu vào đó, các phòng giáo viên vẫn không bị phá, phòng giáo vụ vẫn không bị đốt. Tôi kinh ngạc vô cùng. Lũ chúng nó đã làm gì sau những đông chướng ngại vật ấy?
Khi cuộc bãi khoá đã tịt ngòi và các giờ lên lớp lại bắt đầu trong khi cảnh sát vẫn chiếm đóng nhà trường, bọn đầu tiên đến lớp lại chính là lũ khốn đã cầm đầu cuộc bãi khoá. Như đã không có chuyện gì xảy ra, chúng ngồi đó, ghi ghi chép chép và trả lời “có mặt” khi điểm danh. Thật không thể tin được. Dù thế nào đi nữa thì cuộc bãi khoá vẫn còn chứ đã xong đâu. Chưa có tuyên bố kết thúc gì hết. Chỉ mới có chuyện nhà trường gọi cảnh sát vào dỡ bỏ các chướng ngại vật, còn cuộc bãi khoá nhẽ ra vẫn đang tiếp tục mới đúng. Lũ khốn này đã vừa mới gào thét như điên, chửi cả những sinh viên phản đối bãi khoá (hoặc mới chỉ tỏ ra nghi ngại), và đôi khi còn đem họ ra xử trong những toà án chuột do chính chúng dựng nên. Không nhịn được, tôi đã gặp bọn đầu sỏ này và hỏi tại sao chúng lại đến lớp nghe giảng chứ không tiếp tục bãi khoá, nhưng đứa nào cũng ấp a ấp úng không ra sao hết. Mà chúng có thể nói gì được chứ? Rằng chúng sợ mất điểm vì bỏ lớp ư? Cứ nghĩ chính bọn này đã hò hét đòi giải tán đại học! Thật là một trò đùa. Gió chỉ đổi chiều một chút thôi, nhưng tiếng thét của chúng đã chỉ còn là những lời thì thào thiểu não.
Này Kizuki, tôi nghĩ cậu chẳng lỡ làng cái quái hì đâu. Thế giới này là một bãi cứt. Lũ khôn kia đang được điểm tốt và sẽ tạo ra một xã hội theo hình ảnh ghê tởm của chính chúng.
Trong một thời gian tôi vẫn đến lớp nhưng không chịu lên tiếng lúc điểm danh. Tôi biết đó chỉ là một cư chỉ vô nghĩa, nhưng rất buồn vì chẳng có cách nào khác. Tôi chỉ còn cách hết sức xa lánh những sinh viên khác. Cứ im lặng mỗi khi nghe gọi đến tên mình, ít nhất tôi cũng làm cho mọi người phải khó chịu mất mấy giây. Không có đứa nào nói năng gì với tôi, và tôi cũng không hé răng với một đứa nào trong bọn chúng.
Sang tuần thứ hai của tháng Chín thì tôi đi đến kết luận rằng học đại học là một việc làm vô nghĩa. Tôi quyết định sẽ coi đó là một giai đoạn luyện tập các kỹ năng đối phó với buồn chán. Tôi chẳng có gì đặc biệt phải làm ở ngoài đời để phải bỏ học ngay lập tức, nên tôi vẫn đến lớp hàng ngày, ghi chép, và thời gian rỗi thì vào thư viện đọc sách hoặc ngó nghiêng linh tinh.
Và mặc dù cái tuần lễ thứ hai của tháng Chín ấy đã sắp hết, vẫn chưa thấy tin tức gì của Quốc-xã. Còn hơn là bất thường, đây là một chuyện long trời lở đất. Trường đã vào chương trình rồi, và không ai có thể tưởng tượng là Quốc-xã lại để lỡ những buổi học của hắn. Một lớp bụi mỏng đã phủ trên bàn học và cái đài của hắn. Cái cốc nhựa và bàn chải đánh răng, hộp trà bằng thiếc, ống thuốc xịt giết sâu bọ và những đồ linh tinh khác vẫn xếp gọn gàng trên giá.
Tôi vẫn giữ căn phòng sạch sẽ lúc vắng mặt hắn. Trong một năm rưỡi qua tôi đã nhiễm thói sạch sẽ, và không có hắn dọn phòng, tôi chẳng còn cách nào khác là phải tự mình làm chuyện đó. Tôi quét nhà hàng ngày, lau cửa sổ ba ngày một lần, và phơi chăn nệm mỗi tuần một lần, chờ hắn về và có lời khen ngợi tôi.
Nhưng hắn không bao giờ trở lại nữa. Một hôm tôi đi học về và thấy tất cả đồ của hắn đã biến mất và tên hắn ở cửa cũng bị bóc đi. Tôi đến chỗ ông giám thị để hỏi xem có chuyện gì.
“Anh ấy ra khỏi khu học xá này rồi,” ông ta nói. “Hiện thời thì anh ở một mình trong phòng đó.”
Tôi không thể làm cho ông ta nói thật chuyện gì đã xảy ra với Quốc-xã. Niềm vui lớn lao nhất của con người ấy là kiểm soát mọi chuyện và không cho ai biết gì hết.
Bức ảnh núi băng trôi của Quốc-xã ở lại trên tường thêm một thời gian, nhưng cuối cùng tôi cũng hạ nó xuống và thay bằng ảnh Jim Morrison và Miles Davis. Cái đó khiến căn phòng có vẻ là của tôi hơn một chút. Tôi dùng một ít tiền đi làm dành dụm được mua một máy stereo nho nhỏ. Đêm đến tôi thường uống rượu và nghe nhạc một mình. Thỉnh thoảng tôi vẫn nghĩ đến Quốc-xã, nhưng tôi thấy ở một mình thật là thích.
Mười một giờ rưỡi một sáng thứ Hai nọ, sau giờ giảng về Euripides trong lớp Lịch sử sân khấu, tôi đi bộ mười phút đồng hồ đến một quán ăn nhỏ và ăn trưa với món trứng rán lòng đào và một đĩa rau trộn. Cái quán nằm trong một ngõ nhỏ yên tĩnh và hơi đắt hơn nhà ăn sinh viên, nhưng ngồi ở đó có thể thư giãn được, và họ biết cách làm món trứng lòng đào tuyệt ngon. “Họ” đây là một cặp vợ chồng rất ít khi nói gì với nhau, với một người chạy bàn làm việc nửa thời gian. Khi tôi ngồi ăn cạnh cửa sổ, một nhóm bốn sinh viên bước vào quán, hai trai hai gái, tất cả đều ăn mặc gọn gàng. Họ ngồi gần cửa ra vào, xem thực đơn và bàn thảo một lúc cho đến khi một người lên tiếng gọi món cho cả bọn.
Một lúc sau tôi để ý thấy một trong hai cô gái cứ liếc mắt về phía tôi. Cô ta có mái tóc cực ngắn và đeo kính râm, mặc một bộ ảo váy mini bằng vải bông trắng. Tôi không hề biết cô ta là ai, nên cứ tiếp tục ăn, nhưng rồi cô lách ra khỏi bàn đang ngồi và bước đến chỗ tôi. Đặt một bàn tay lên mép bàn tôi đang ngồi, cô nói, “Cậu là Watanabe có phải không?”
Tôi ngẩng lên và nhìn cô kỹ hơn. Nhưng vẫn không nhớ ra đã gặp cô lần nào chưa.
Cô ta thuộc loại con gái hễ thấy là phải để ý, cho nên nếu đã gặp rồi thì nhẽ ra tôi phải nhận ra ngay mới phải. Nhưng ở trường cũng chẳng có mấy ai biết tên tôi như thế.
“Tôi ngồi được không?” cô ta hỏi. “Hay cậu đang đợi ai?”
Vẫn không biết thế nào, tôi lắc đầu. “Không. Không ai đến đâu. Mời cậu ngồi”. Cạch một cái, cô ta đã kéo một chiếc ghế ra và ngồi xuống đối diện tôi, nhìn tôi chằm chằm qua cặp kính râm, rồi liếc xuống đĩa.
“Trông ngon nhỉ,” cô nói.
“Ngon lắm. Trứng nấm lòng đào và rau trộn đậu đũa”
“Khỉ thật,” cô nói. “Nhưng thôi không sao, lần sau tôi sẽ ăn món đó. Vừa mới gọi món khác xong.”
“Món gì thế?”
“Mỳ ống với phó-mát.”
“Mỳ ống với phó-mát của họ cũng được đấy,” tôi nói. “Cũng xin được hỏi, tôi có biết cậu không nhỉ? Tôi vẫn chưa nhớ…”
“Euripides,” cô nói. “Electra. “Không vị thần nào nghe thấy giọng nói của Electra lầm lạc.” Bạn biết đấy, lớp học vừa mới xong mà.”
Tôi nhìn cô thật kỹ. Cô ta bỏ kính râm ra. Cuối cùng thì tôi nhớ – một sinh viên năm đầu tôi đã gặp trong lớp Lịch sử sân khấu. Kiểu tóc thay đổi dữ dội quá làm tôi không thể nhận ra cô được.
“Ồ,” tôi nói, tay chỉ vào một điểm ở dưới vai mình độ năm sáu phân, “Hồi trước nghỉ hè tóc cậu để dài xuống tận đây.”
“Đúng rồi,” cô nói. “Hè rồi tôi đi uốn tóc, kinh quá. Thà chết còn hơn. Ra bãi biển trông tôi như một con chết đuối đầu vướng đầy rong. Cho nên tôi quyết định nếu còn chưa muốn chết thì phải cắt hết tóc đi cho rồi. Ít ra thì nó cũng mát mẻ hơn trong mùa hè.” Cô đưa tay vuốt qua những chỏm tóc cắt theo kiểu răng cưa nhọn hoắt và mỉm cười với tôi.
“Trông đẹp đấy chứ,” tôi nói, miệng vẫn nhai món trứng. “Cậu quay nghiêng cho tôi xem nào.”
Cô ta quay nghiêng và giữ tư thế ấy một vài giây.
“Phải, tôi biết mà. Kiểu này rất hợp với cậu đấy. Khổ đầu đẹp lắm. Tai cũng thế, nhất là để lộ như thế kia.”
“Vậy là tôi không đến nỗi khùng phải không! Tôi đã nghĩ trông mình sẽ khá hơn khi cắt hết tóc đi. Nhưng chẳng có thằng cha nào thích cả. Tất cả chúng nó đều bảo tôi trông như một nạn nhân sống sót ở trại tập trung. Có gì mà con trai cứ thích con gái phải để tóc dài thế nhỉ? Bọn phát xít, cả lũ chúng nó? Tại sao con trai ai cũng cho là con gái tóc dài mới là sang trọng nhất, dịu dàng nhất, có nữ tính nhất? Thế này nhé, bản thân tôi đã biết ít nhất đến hai trăm năm mươi đứa con gái tóc dài mà chẳng sang trọng tí gì. Thật đấy.”
“Tôi nghĩ bây giờ trông cậu hay hơn trước nhiều,” tôi nói. Và tôi nghĩ thế thật. Theo trí nhớ của tôi thì với mái tóc dài cô ta cũng chỉ như một sinh viên xinh xắn thế thôi. Còn cô gái ngồi trước mặt tôi thì đang căng tràn một sinh lực tươi mát. Cô giống như một con thú nhỏ vừa nhảy póp một cái vào cuộc đời lúc xuân sang. Cặp mắt cô chuyển động như một cơ thể độc lập với niềm vui sướng, tiếng cười, nói giận dữ, kinh ngạc và tuyệt vọng.
Đã lâu lắm tôi mới được thấy một gương mặt sinh động và linh hoạt đến thế, và tôi vui sướng ngắm nhìn nó trực tiếp và tại chỗ.
“Cậu nói thật chứ?” cô hỏi.
Tôi gật đầu, vẫn đang nhai món rau trộn.
Cô đeo kính râm lên và nhìn tôi từ sau cặp kính đó.
“Cậu không nói dối đấy chứ?”
“Tôi vẫn thích nghĩ mình là một người trung thực,” tôi nói.
“Quá đi rồi.”
“Thế thì thử nói xem: tại sao cậu lại đeo kính râm đen thế?”
“Khi đột ngột cắt tóc ngắn đi, tôi thấy như mình không được che chắn gì cả. Như thể có ai đó vừa ném tôi trần truồng ra giữa đám đông.”
“Có lí,” tôi nói, ăn nốt miếng trứng cuối cùng. Cô ta quan sát tôi với một vẻ thích thú cực kì.
“Cậu không phải về chỗ với họ à?” tôi hỏi, ra hiệu về phía ba người đi cùng với cô.
“Không. Lúc nào họ dọn đồ ăn ra tôi sẽ về. Tôi có làm hỏng bữa ăn của cậu không thế?”
“Còn gì nữa đâu mà sợ hỏng,” tôi nói, gọi cà-phê khi thấy cô có vẻ còn muốn ngồi nữa. Bà vợ chủ quán dọn đĩa đi và đem sữa với đường đến.
“Bây giờ cậu thử nói tôi nghe nhé,” cô lên tiếng.
“Tại sao cậu không thưa lúc họ điểm danh sáng nay? Cậu là Watanabe mà, đúng không? Toru Watanabe, phải không nào?”
“Đúng tôi đây?”
“Vậy sao cậu không thưa là có mặt?”
“Chỉ vì hôm nay tôi không thích thế.”
Cô bỏ kính râm ra, đặt nó lên bàn, rồi nhìn tôi như nhìn vào một cái chuồng nhốt mấy con vật lạ trong vườn bách thú. “Chỉ vì hôm nay tôi không thích thế”. Cậu ăn nói như Humphrey Bogart vậy. Tỉnh bơ. Rắn mặt.”
“Đừng ngốc thế. Tôi chỉ là một thằng bình thường như mọi người.”
Bà chủ quán mang cà-phê đến cho tôi và đặt nó xuống bàn. Tôi nhấp một ngụm không đường sữa gì cả.
“Nhìn kìa. Cậu còn uống đen không đường nữa?”
“Chẳng liên quan gì đến Humphrey Bogart cả,” tôi kiên nhẫn giải thích. “Chỉ tình cờ là răng tôi không chịu được đường. Cậu nghĩ về tôi sai bét rồi.”
“Sao da cậu rám nắng thế?”
“Mấy tuần rồi tôi đi chơi bộ trên núi. Ba-lô. Túi ngủ.”
“Cậu đi đâu?”
“Kanazawa. Bán đảo Noto. Lên tận Niigata.”
“Một mình ư?”
“Một mình,” tôi nói. “Gặp bạn đồng hành chỗ này chỗ kia.”
“Vài bạn đồng hành lãng mạn chứ? Đàn bà lạ ở những nơi xa lạ.”
“Lãng mạn ư? Bây giờ thì tôi biết đúng là cậu hiểu tôi sai bét thật. Một thằng lưng đeo túi ngủ và râu ria lởm chởm thì lấy đâu ra lãng với mạn!”
“Lúc nào cậu cũng đi một mình thế à?”
“Đại khái thế.”
“Cậu thích cảnh cô liêu à?” cô hỏi, tựa má vào tay. “Du lịch một mình, ăn một mình, ngồi một mình trong lớp…”
“Chẳng ai thích một mình nhiều đến thế. Nhưng tôi không cố đánh bạn, vậy thôi. Làm thế chỉ tổ hay thất vọng.”
Miệng ngậm đầu mẩu của một bộ hoa tai, kính râm tụt trễ xuống, cô ta lẩm bẩm, “Chẳng ai thích một mình nhiều đến thế. Tôi chỉ ghét bị thất vọng.” Cậu có thể dùng câu này nếu có khi nào cậu viết hồi ký.”
“Cám ơn,” tôi nói.
“Cậu thích màu xanh lá cây không?”
“Sao cậu hỏi thế?”
“Cậu đang mặc sơ-mi polo xanh lá cây đấy”. “Chẳng có gì đặc biệt. Tôi sẽ mặc bất cứ màu gì.”
“Chẳng có gì đặc biệt. Tôi sẽ mặc bất cứ màu gì”. Tôi thích lối nói chuyện của cậu quá. Giống như trát vữa, mịn mà hay. Đã có ai nói với cậu điều này chưa?
“Chưa,” tôi nói.
“Tên tôi là Midori,” cô nói. “Xanh lá cây” đấy”. Nhưng tôi mặc xanh lá cây thì nhìn khủng khiếp lắm. Lạ đấy chứ, hả? Hình như tôi bị phép thuật nguyền rủa, cậu có thấy thế không? Tên chị tôi lại là Momoko: “Hồng đào.”
“Chị ấy mặc màu hồng có đẹp không?”
“Tuyệt đẹp? Chị ấy sinh ra là để mặc đồ màu hồng. Thật hoàn toàn bất công.”
Bàn chỗ Midori đã có đồ ăn, và một cậu mặc áo tây vải madras gọi với sang, “Ê,
Midori, về ăn đi chứ?”
Cô vẫy tay về phía ấy như đang nói “Biết rồi.”
“Này,” cô nói, “Cậu có ghi chép ở lớp không đấy? Lớp sân khấu ấy!”
“Có”
“Thế này thật không phải, nhưng cậu cho tôi mượn vở ấy được không? Tôi đã lỡ mất hai buổi, mà chẳng quen ai ở lớp cả.”
“Có vấn đề gì đâu,” tôi nói, tay rút quyển vở trong túi sách ra. Sau khi đã xem kỹ và thấy không có bút tích riêng tư gì trong đó, tôi đưa nó cho Midori.
“Cám ơn,” cô ta nói. “Ngày kia cậu có đến lớp không?”
“Có”
“Vậy gặp tôi ở đây vào buổi trưa nhé. Tôi sẽ trả lại vở cho cậu và đãi cậu bữa trưa. Nghĩa là… không ăn một mình thì cậu cũng sẽ không bị đau bụng hay gì chứ, phải không?”
“Không có đâu,” tôi nói. “Nhưng cậu không cần phải đãi tôi bữa trưa chỉ vì tôi cho cậu mượn vở”
“Đừng lo chuyện đó,” cô nói. “Tôi thích đãi người khác ăn trưa mà. Nhưng mà cậu cũng nên ghi lại ở đâu đó. Cậu sẽ không quên chứ.”
“Tôi sẽ không quên. Ngày kia. Mười hai giờ. Midori. Xanh lá cây.”
Ai đó từ bàn bên kia lại gọi với sang, “Nhanh lên chứ Midori, đồ ăn nguội hết rồi!”
Cô vẫn mặc kệ và lại hỏi tôi, “Lúc nào cậu cũng nói chuyện kiểu này à?”
“Chắc vậy,” tôi nói. “Chưa từng để ý chuyện đó.”
Quả thực chưa có ai từng nói cho tôi biết cách nói chuyện của tôi có gì khác thường hay không.
Cô ta có vẻ nghĩ ngợi điều gì đó vài giây, rồi đứng lên, mỉm cười, và đi về bàn mình.
Cô vẫy tay lúc tôi đi qua bàn ấy, nhưng ba người kia chẳng ai ngó đến tôi.
Trở lại quán ăn vào trưa hôm thứ Tư, tôi chẳng thấy tăm hơi Midori đâu cả. Tôi định sẽ làm một cốc bia để chờ, nhưng khi bia vừa bưng ra thì quán bỗng bắt đầu đầy khách nên tôi bèn gọi món và ăn một mình. Tôi ăn xong lúc mười hai giờ ba mươi lăm, nhưng vẫn không thấy Midori đến. Tôi trả tiền, ra ngoài rồi sang đường đến một ngôi dền nhỏ và đứng ở chỗ thềm đá cho đầu óc sảng khoái để chờ Midori. Đến một giờ thì tôi bỏ cuộc và quay về thư viện đọc sách. Hai giờ thì đến lớp tiếng Đức.
Học xong, tôi đến văn phòng sự vụ sinh viên và tìm tên Midori trong danh sách lớp lịch sư sân khấu. Có mỗi một Midori trong lớp ấy, là Midori Kobayashi. Sau đó tôi lục phiếu hồ sơ sinh viên và tìm ra địa chỉ cùng số điện thoại của một Midori Kobayashi, vào học từ 1969. Cô ta sống ở một khu ngoại ô nhỏ phía tây bắc gọi là Thshima, cùng với gia đình. Tôi lẳng lặng vào một trạm điện thoại và quay đến số ấy.
Một người đàn ông trả lời: “Hiệu sách Kobayashi xin nghe.”
Hiệu sách Kobayashi ư?
“Xin lỗi làm phiền ông,” tôi nói, “Midori có nhà không ạ?”
“Không, nó không có nhà,” ông ta nói.
“Thưa ông cô ấy có ở trường không ạ?”
“Hừmmm, không đâu, có lẽ nó ở bệnh viện. Xin hỏi ai đang gọi thế ạ?”
Đáng nhẽ phải trả lời thì tôi chỉ cám ơn ông ta rồi cúp máy. Bệnh viện ư? Cô ta ốm hoặc bị làm sao chăng?
Nhưng giọng người kia không thấy có tí lo âu cấp bách nào. “Có lẽ nó ở bệnh viện,” ông ta đã nói thế, nghe dễ dàng như là “Nó đang ở tiệm bán cá.” Tôi nghĩ đến một vài khả năng khác cho đến lúc chỉ nghĩ thế thôi cũng đã thành quá rắc rối, rồi tôi về phòng mình nằm dài trên giường đọc cuốn Đức ông Jim mượn của Nagasawa. Đọc xong, tôi đến phòng hắn để trả.
Nagasawa đang trên đường đến nhà ăn nên tôi đi luôn cùng với hắn để ăn bữa tối.
“Thi cử thế nào?” tôi hỏi. Vòng thứ hai của cuộc thi cao cấp vào Bộ Ngoại giao đã diễn ra hồi tháng Tám.
“Vẫn thế thôi,” Nagasawa nói, như thể vòng thi ấy chẳng là cái gì hết. “Cậu thi, cậu đỗ, thảo luận nhóm, phỏng vấn… như đi dùi một con nhỏ vậy”
“Nghĩa là dễ chứ gì,” tôi nói. “Bao giờ họ cho biết kết quả?”
“Tuần đầu tháng Mười. Nếu đỗ, tớ sẽ đãi cậu một bữa tối thịnh soạn.”
“Này cậu nói xem, loại nào mới lọt được vào vòng hai? Toàn siêu sao như cậu chứ.”
“Đừng có ngốc. Toàn một bọn ngu xuẩn hết. Ngu xuẩn hoặc cám hấp. Tớ xin tuyên bố là chín lăm phần trăm những thằng muốn thành quan chức đều chẳng đáng cứt gì hết. Tớ không đùa đâu. Thậm chí chúng chưa chắc đã đọc hết một cuốn sách bao giờ.”
“Vậy sao cậu lại cố vào Bộ Ngoại giao?”
“Đủ các thứ lí do,” Nagasawa nói. “Tớ thích làm việc ở hải ngoại, là một lí do. Nhưng chủ yếu tớ muốn thử các năng lực của mình. Mà nếu đã thử thách bản thân thì tớ muốn ra hẳn cái sân lớn nhất là quốc gia nhà nước. Tớ muốn xem mình leo cao được đến đâu, có quyền lực được đến đâu trong cái hệ thống quan liêu mất trí khổng lồ này. Hiểu tớ nói gì không?”
“Nghe như một cuộc chơi.”
“Thì là cuộc chơi mà. Tớ chẳng quan tâm mẹ gì đến quyền lực hoặc tiền bạc, đó không phải là mục tiêu. Thực là như vậy. Có thể tớ là một thằng đểu ích kỷ, nhưng chuyện ấy thì tớ lại tuyệt đối dửng dưng. Tớ có thể làm một ông thánh Thiền. Nhưng có một thứ mà tớ có thật, ấy là tò mò. Tớ muốn thấy mình có thể làm được gì trong cái thế giới khổng lồ khắc nghiệt ở ngoài kia.”
“Và cậu chẳng có tí nhu cầu “lí tưởng” nào, phải không?”
“Đúng vậy cuộc sống không cần đến lí tưởng. Nó chỉ cần nhưng tiêu chuẩn hành động.”
“Nhưng còn có nhiều cách sống khác, đúng không?” tôi hỏi.
“Cậu có thích cách sống của tớ không?”
“Vấn đề không phải ở đó,” tôi nói. “Tớ có thể không bao giờ vào được Đại học Tokyo; tớ không thể ngủ với bất kì cô gái nào tớ muốn vào đúng lúc tớ thích; tớ không có tài ăn nói; mọi người không vì nể gì tớ cả; tớ không có cả bồ gái; và cũng chẳng có tương lai xán lạn gì khi có được mảnh bằng cỡ nhân văn chương của một trường đại học tư loại hai. Vậy thì có thành vấn đề gì nếu tớ thích cách sống của cậu”.
“Cậu đang nói rằng cậu ghen tị với cách sống của tớ chăng?”
“Không? Tớ không nói thế? tôi nói. “Tớ đã quá quen với việc chỉ là chính mình. Và tớ chẳng quan tâm mẹ gì đến Đại học Tokyo hoặc Bộ Ngoại giao. Nhưng có một thứ mà tớ phải ghen tị với cậu, ấy là có được một cô bồ tuyệt vời như Hatsumi.”
Nagasawa câm mồm và cắm cúi ăn. Khi bữa tối đã xong, hắn nói, “Cậu biết không, Watanabe, tớ có một cảm giác thế này có thể mười hoặc hai mươi năm sau khi chúng ta ra khỏi nơi này, chúng ta sẽ gặp lại nhau ở một nơi nào đó. Và gì thì gì, tớ nghĩ chúng ta vẫn sẽ còn đồng cảm được với nhau.”
“Nghe như Dickens,” tôi mỉm cười nói.
“Tớ cũng đoán vậy,” hắn nói, mỉm cười lại với tôi. “Nhưng linh tính tớ thường rất đúng.”
Hai đứa chúng tôi rời nhà ăn và đến một quán bar. Chúng tôi uống rượu ở đó đến tận sau chín giờ.
“Nói xem, Nagasawa,” tôi hỏi, “Cái tiêu chuẩn hành động trong cuộc đời của cậu là gì?
“Tớ mà nói ra thì cậu phì cười mất thôi,” hắn bảo.
“Không, tớ không cười đâu.”
“Thôi được,” hắn nói. “Là một người quân tử.”
Tôi không cười, nhưng suýt ngã lộn ra khỏi ghế.
“Là một người quân tử? Một người quân tử ư?”
“Cậu nghe rõ rồi đấy.”
“Là một người quân tử có nghĩa là thế nào? Cậu định nghĩa quân tử ra sao?”
“Quân tử là người không làm những gì mình muốn mà chỉ làm những gì mình nên làm.”
“Cậu là thằng dở hơi nhất mà tớ đã từng gặp,” tôi nói.
“Cậu là thằng lạ lùng nhất mà tớ đã từng gặp” hắn nói. Và trả tiền cho cả hai thằng.