Chương 99: Máu đào và nước lã

Má Ngọc vẫn luôn có cách làm cho ba Hoài chìu theo ý của mình. Hôm sau, ba Hoài vẫn ở nhà dưỡng bịnh. Lúc mọi người ăn sáng vừa xong thì chú Năm Sự là người quản lý bên hãng dệt tới thăm.

Trong nhà có nhiều người nên ba Hoài biểu Liên đi trông coi mấy cửa tiệm, chuyện dì dượng Út sẽ nhờ chú Năm ngó chừng dùm vì chỗ tạm giam ở gần hãng. Nhơn dịp này, chồng em Thanh lên tiếng nói muốn phụ một tay. Ba Hoài nghe vậy liền gật đầu, có chút hài lòng vì cháu rể hiểu chuyện.

Liên vừa ra cổng trước thì nhà lại có thêm khách, là bạn hữu và đối tác làm ăn của ba Hoài. Họ nghe tin hãng dệt gặp chuyện, ba Hoài bị thương thì chạy tới thăm. Liên định trở vô phụ pha trà, dọn bánh thì thấy anh hai vừa thức dậy, thay ba đón tiếp rồi vẫy tay biểu cô cứ đi.

Liên qua tiệm may một lát thì Laurent ghé, nói vài câu để biết tình tình rồi trò ấy qua tiệm Les Roses. Hôm nay Liên thay má Ngọc đem tiền quỹ tới tiệm vải Long Hồ nên cô nhờ Laurent cho quá giang một đoạn. Tiền quỹ trong cả ba cửa tiệm đều được kiểm kê và đem về nhà mỗi ngày trước khi đóng cửa. Mỗi sáng, má Ngọc hoặc Liên sẽ lại đem ra tiệm. Lượng tiền quỹ giữ trong tiệm không quá nhiều, trừ vào những ngày phát lương hoặc cần mua món đồ gì đó. Cho nên dầu trong nhà có bận rộn đến đâu thì vẫn phải có một người đem tiền tới cửa tiệm, sẵn tiện coi ngó việc mua bán trong tiệm, không thể nào bỏ lơ.

Trong lúc Liên ở tiệm vải giao tiền quỹ và hỏi han chuyện buôn bán với anh Ba Hảo thì trời bắt đầu đổ mưa. Liên cũng không vội về tiệm may nên tới lui coi các mẫu vải mới. Tính ra thì tiệm vải Long Hồ là nơi lập nghiệp đầu tiên của ba Hoài. Thế nên tiệm vải có nhiều khách hàng lâu năm ở trong và ngoài nước. Ngoài các loại vải do hãng dệt đưa tới, tiệm còn bán những loại vải ngoại nhập từ khắp nơi, chỉ cần là khách hàng hỏi, anh Ba Hảo sẽ tìm mua về để bán lại.

Sắp tới, lãnh và lụa ở xưởng dệt Tân Châu cũng sẽ bày bán ở đây đầu tiên. Liên thấy anh Ba Hảo đã sắp xếp lại cách bày trí các loại vải lụa, dành hẳn một góc để quảng bá hàng lãnh của Tân Châu. Các loại lãnh đen của Tân Châu vốn đã có tiếng ở miệt Lục tỉnh và Sài Gòn nhưng ở miền ngoài thì còn xa lạ. Cô giáo Lê đã nhìn ra điểm này nên mới đem lãnh làm quà cho bạn bè khắp nơi. Bước đầu tiên cô Lê đã làm thì Liên sẽ nương theo đó mà phát triển. Quan trọng nhứt vẫn là anh hai phải giữ chất lượng của lãnh, không để mất lòng tin của người dùng gần xa.

Cơn mưa sáng không lâu, hơn chín giờ đã ngớt, chỉ còn lất phất từng cơn nho nhỏ. Liên lấy cây dù, định sẽ đi bộ qua tiệm may thì có chiếc xe xích lô dừng trước cửa, Bích Hảo từ trên xe bước xuống. Liên đi nhanh ra nói.

– Mình qua tiệm may, trò muốn đi xe tiếp hay đi bộ?

Một mình Liên thì cô sẽ đi bộ, còn có Hảo thì tùy trò ấy vậy.

Hảo đưa tay ra hứng vài giọt mưa rồi trả tiền cho chú đạp xe. Liên thấy vậy thì vô trong tiệm lấy thêm cây dù nữa rồi cả hai thong thả bước ngược đường Catinat trở vô trong.

Hai người đi một đỗi thì Hảo lên tiếng hỏi.

– Trò có gấp về tiệm may không?

– Sao vậy? Ghé vô kia ăn bánh nướng đi!

Liên chỉ tiệm bán bánh nướng ở góc đường. kế bên trạm xe điện. Hảo gật đầu, đi vô trong rồi chọn một góc xa nhứt ngồi xuống. Trời mưa lành lạnh như vậy mà ăn bánh nướng nóng hổi thơm lừng thì sướng phải biết!

Liên thấy tiệm này có đủ bánh nướng mặn với ngọt; loại ngọt thì có bánh bò nướng, bánh nhưn dừa, còn bánh mặn thì có bánh bèo tôm khô, bánh bắp mỡ hành. Trong tủ còn có khô mựa và mấy loại khô cá khác chắc là để bán cho dân nhậu vào lúc xế chiều. Liên nhìn Hảo một cái rồi tự mình chọn hai cái bánh nhưn dừa ngọt và một xửng mười cái bánh bèo.

Mùi bánh nướng, mùi mỡ hành dậy lên thơm nức mũi, chỉ có Hảo là vẫn thờ ơ, chẳng giống ngày thường chút nào.

– Có gì trò nói đi.

– Ờ. … Nãy cha má với mình có ghé nhà thăm bác hai, nghe nói anh hai trò cũng bị thương hả?

– Ờ. Lúc trò ghé, ảnh còn ở nhà không?

– Còn,

Liên quay đầu nhìn kỹ Hảo hơn. Nếu anh hai còn ở nhà, Hảo đã gặp rồi sao còn hỏi? Rào đón cái gì?

– Cha má anh Thiết muốn đón ảnh qua Hương Cảng.

– Ủa, không phải cha má ảnh ở đây sao?

– Không, ảnh ở cùng sư phụ … chỉ là người cùng quê.

Hảo kể vắn tắt chuyện nhà anh Thiết. Tuy anh Thiết được sanh ra ở Sài Gòn nhưng khi ảnh mới hơn hai tuổi thì cha má ảnh trở về Quảng Đông, sau đó vượt biển qua Hương Cảng. Chính vì đường đi trắc trở nên mới gửi ảnh cho đồng hương nuôi nấng. Bây giờ, cha má ảnh ở Hương Cảng đã ổn định rồi nên muốn đón ảnh qua đó.

Theo Liên suy đoán, anh Thiết sắp đi rồi nên Hảo mới buồn bã như vầy. Trò ấy chỉ vừa hai mươi tuổi, trước sau hai người con trai đều không thể thành duyên, dĩ nhiên sẽ buồn.

– Anh Thiết đã hỏi mình … hỏi mình có muốn theo ảnh đi Hương Cảng không?

– Hỏi hồi nào, mà chừng nào sư huynh đi? Hai người sẽ … cưới nhau sao?

– Mình … mình không biết!

Liên hơi bất ngờ vì sư huynh muốn dẫn Hảo đi cùng, nghĩa là sư huynh thật lòng thương mến trò ấy. Nhưng vì sao Hảo ngập ngừng và bối rối, chớ chẳng có ý mừng rỡ. Lẽ nào trò ấy còn vướng bận người thân và … anh hai. Cô tưởng rằng trò ấy đã quên rồi!

Bánh nướng đã được đem tới, Liên đẩy phần bánh về phía Hảo thì trò ấy lắc đầu.

– Trò nói với cha má trò chưa?

– Nói rồi,

– Rồi hai bác nói sao?

– Nói … tùy mình. Cha mình có họ hàng cũng đương ở bên đó.

– Vậy thì tốt quá rồi, sao trò còn …

– Bởi vậy mình mới rầu! Ai cũng nói mừng cho mình … sao mình không thấy vui mừng gì hết! Liên, trò biết tại sao mà! Sao còn giả bộ mừng cho mình!

Trời đất! Liên không kịp khép lại nụ cười luôn. Hảo nói vừa xong đã vụt đứng dậy rồi chạy băng ra đường. Cô bán bánh và mấy người khách đều nhìn Liên tò mò. Họ không nghe tiếng cãi vả gì, sao tự nhiên một cô vừa khóc vừa chạy vậy?

Liên mua thêm hai xửng bánh bò nướng rồi nhờ cô chủ gói hết lại đem về tiệm may. Cô chắc là không đuổi kịp Hảo rồi, chạy một lát mệt thì trò ấy sẽ về nhà thôi, mong là vậy!

Liên đợi tới giờ ăn trưa thì gọi điện thoại tới tiệm bán giày của nhà Bích Hảo. May quá là trò ấy bắt máy.

– Mình chỉ coi trò về chưa? Mưa ướt không?

– Mình không sao, có khách kìa, mình cúp máy.

Liên lại than trời lần nữa. Mấy ngày nay nhiều việc cứ tới dồn dập, cô thấy mình luôn bị dồn vào thế bị động; là do cô không biết cách xử trí hay vận xui là có thiệt? Tháng bảy qua lâu rồi mà?

Đến chiều về nhà, Liên mới biết rằng chuyện xui xẻo là đến nguyên cả ngày chớ không chỉ trong buổi sáng. Cô và chị Bảy A về tới nhà thì thấy dì dượng Út đứng chờ ở sân trước. Cô có ý mừng, chưa kịp hỏi thăm thì dì Út đã sấn tới, vừa lớn tiếng vừa muốn đánh cô.

Liên phản ứng nhanh nên né kịp cái tát tay đó, chị Bảy A từ cửa xe bên kia lật đật phóng qua, đẩy người dì Út ra xa. Dượng út đồng thời nhào tới, Liên không rõ là dượng ấy muốn can ra hay là đánh chị Bảy nên cô cũng nhảy tới. Bốn người chưa kịp làm gì thì đã nghe bốp bốp mấy cái, dượng út văng ra một góc còn dì út thì ôm mặt, máu mũi rỉ ra.

Dì Út quay nhìn thấy người vừa đánh vợ chồng mình là Hai Liêm nên quay mặt đi chỗ khác, hít hít mấy cái rồi bắt đầu chửi … Liên. Đại khái là vì Liên không vị tình máu mủ ruột thịt để dì chịu khổ trong nhà tạm giam.

Ở giữa những lời đó còn có tiếng chửi thề mà Liên rất hiếm khi nghe thấy. Cô giựt mình đứng yên, nhìn chằm chằm người đương chửi.

Hai Liêm thấy vậy thì hơi lo, vừa nhìn khắp người cô vừa hỏi.

– Liên, có trúng em không?

Người trong nhà đã nghe thấy đều chạy ra. Hai đứa nhóc con dì Út cũng chạy ra, thấy cha mẹ nó bị đánh thì hoảng sợ, khóc lóc om xòm. Cổng trước còn mở nên có vài người đi vô, thấy dì Út chảy máu thì hỏi thăm.

Dì Út thấy vậy liền chửi lớn tiếng hơn, còn có ý thách thức.

– Mi thì một bước lên xe, hai bước xuống ngựa, mi đày ải ta, ở trong tù, chẳng thèm ngó ngàng tới! Một lần thăm nom cũng không có, một đồng cắc cũng không cho! Mi ăn ở bạc, mẹ mi, là chị của ta đó, để lại biết bao nhiêu tiền của, mà mi không thí ra một cắc cho ta. Ta mới chính là người thân ruột thịt của mi! Cái đồ con …

– Bà dám chửi tiếng nữa tôi sẽ đánh cho bà từ rày về sau không còn hơi sức mà chửi!

– Mi dám, ta là …

Hai Liêm không muốn đôi co, hắn bước tới gần Út Hậu. Chồng Út Hậu biết rõ tánh tình của Hai Liêm, hắn nhào tới vừa kéo vừa bịt miệng vợ, ngăn lại tiếng chửi tục tằng kia.

Má Ngọc ôm Liên, mắt rươm rướm nước nhìn dì Út nói.

– Con gái tôi mà dì dám chửi vậy … Dì ra khỏi nhà tôi đi. Bằng không tôi kêu lính bắt!

– Hứ, con gái … tôi mới là ruột thịt của nó! Mấy người … mấy người là người dưng nước lã, ở đó mà làm bộ!

Liên kéo má Ngọc ra phía sau, bước lên trước nói.

– Máu đào hay nước lã gì tôi không kể tới. Má tôi nói hai người không được ở trong nhà này nữa thì hai người đi đi. Dì Tư, đưa hết đồ đạc bên hãng đem về cho họ đi. À, hôm trước má tôi có đưa tiền để họ đút lót lính lệ với cai tù, hết bao nhiêu, dì Tư nhớ không?

– Dạ nhớ chớ! Đưa cho cai với lính là hai mươi đồng nguyên, tôi còn đổi hai mươi đồng thành tiền xu, cắc đưa thêm cho hai người lúc ở trong chỗ tạm giam nữa. Cộng là bốn mươi đồng.

– Tiền đó hai người tính sao? Là mượn của má tôi … phải không?

– Gì mà mượn, ai mượn! Tự nhiên đưa … rồi giờ tính cái gì?

Liên bật cười, mấy người hàng xóm nghe xong liền xì xầm to nhỏ. Liên mặc kệ họ, cô chờ dì Tư với em Bê xách đồ ra thì nói tiếp với dì Út.

– Đồ đó, hai người coi lại đi. Đừng có để ra khỏi cửa rồi rêu rao mất mát này kia.

Út Hậu không ngờ tới tình huống này. Bà ta tưởng chửi mắng, kể lể vài câu sẽ làm cho Liên sợ mất mặt mà xì tiền ra. Lúc chiều bà thấy hai đứa nhỏ ở nhà được mặc quần áo mới, ăn uống no đủ; lại nghe nói Liên sẽ cho hai đứa con bà vô trường học. Bà nghĩ chỉ cần mình làm tới, dọa nạt một hồi sẽ có thêm tiền. Ai ngờ, người bị dọa là mình, còn bị đuổi ra ngoài. Biết vậy thì … mà nhà này đâu thuộc quyền của con Liên, còn có người khác. Út Hậu liếc mắt nhìn quanh, thấy ông Châu đứng cách xa đàng kia liền nói lớn.

– Hồi đó ai đi tìm đi kiếm tôi về, giờ lại muốn đuổi đi!

Vừa nghe tới đây mọi người liền đưa mắt về phía ông Châu. Ông thở dài rồi chậm rãi nói.

– Phải đa, hồi đó tôi tìm kiếm dì là để cho con Liên có người thân ruột thịt, cho nó đỡ tủi thân với người ta. Ai dè dì không thương nó, dì làm chuyện sái quấy, lần này chỉ tạm giam mấy ngày … sau này còn sao nữa. Dầu con Liên nó thương dì, vị tình ruột thịt thì tôi cũng không chấp nhận dì ở trong nhà này nữa. Nhà tôi là nhà làm ăn, năm ngày mười bữa mà bỏ ra mấy chục đồng bạc … tiền đâu cho đủ.

– Nè … ông, mấy người …

Út Hậu nhìn hết mọi người xung quanh, bà ta không biết bấu víu vào đâu nữa. Nhưng mà ra khỏi nhà này thì lấy gì ăn, hãng bên kia cũng không thể về luôn rồi.

– Liên, con thương dì con thì ba má không cản, nhưng mà ở đây thì không đặng đâu!

Nói rồi ông Châu quay người trở vô nhà.

Liên hiểu ý ba Hoài, cô móc xấp tiền trong cặp táp đưa qua cho dì Út Hậu. Dì ấy chộp lấy tiền, liếc coi ước chừng vừa ý thì đứng dậy kéo ba người nhà mình mà đi, không nói một lời nào.

Dì Tư với em Bê thấy vậy liền đi theo sau, thuận tiện tiễn luôn mấy người hàng xóm ra ngoài cổng.

error: Content is protected !!