Một nhóm người cùng với xe cộ ngừng lại ở trước con hẻm khiến nhiều người chú ý. Liên quen biết với cả ba người trước mặt, đương ở gần nhà mình lại thêm vì mình mới có cuộc gặp gỡ bất thường này nên cô đành phải làm chủ mời mọi người về nhà chơi. Biểu cảm trên mặt ba người đều rất tinh diệu nhưng cả ba đều gật đầu đồng ý. Liên thấy từ đây vô nhà cũng gần nên hỏi ý Võ Mị có muốn đi bộ cùng mình hay không rồi cả hai chậm rãi thả bộ theo ba chiếc xe hơi bò vào cổng nhà.
Bình Hướng và Võ Mị đều là lần đầu tiên tới nhà nên có vẻ thích thú với vườn cây cảnh sân trước. Trời tối muộn nên hương mai trắng và mai tứ quý đã nồng khiến ai bước vào vườn đều có thể ngửi thấy. Liên dẫn hai người khách đi một vòng quanh vườn trong khi cậu Tư Tấn đã quen thuộc nên đi thẳng vào nhà trong. Võ Mị thấy vậy cũng bước nhanh đi vô đó, chỉ còn lại anh Bình Hướng và Liên vẫn thong thả dạo quanh vườn.
Lúc hai người đi ngang gốc mẫu đơn cổ thụ, Bình Hướng nhìn Liên nói.
– Vườn nhà anh cũng có mẫu đơn, hình như là hoa vàng chớ không đỏ rực như cây này, còn có dàn hoa giấy … cũng đẹp. Hôm nào em tới coi nghe!
Liên ngập ngừng không biết trả lời ra sao. Bình Hướng không hề che dấu sự quan tâm đối với Liên, cô muốn giả vờ không biết không đặng. Giống như chuyện tối nay, anh ấy nhận ra có xe lạ theo dõi cô thì liền đứng ra chặn trước nguy hiểm, thịnh tình này làm Liên xúc động và mang ơn nhưng cô không muốn tiến xa hơn nữa. Cô không dám tin vào ái tình, nói đúng ra là cô không tin vào cảm xúc của mình; một lần lầm lỡ, trái tim và lý trí cô không dám liều lĩnh thêm nữa.
– Nếu như đẹp vậy, hay là em xin giống cây về trồng?
Liên nói chưa hết câu liền biết mình đã nói bậy nói bạ rồi. Trồng cây đâu phải chuyện một sớm một chiều mà thành, ngầm ý trong câu nói vừa rồi dễ khiến anh Bình Hướng nghĩ đó là một lời ước hẹn. Chỉ có điều, lời hẹn này thiệt là viễn vông, chẳng khác nào sự khinh thị.
Bình Hướng du học đã lâu, đối với ngữ nghĩa và ngôn từ không đủ nhanh nhạy. Vừa nghe Liên nói xong thì phản xạ tự nhiên của anh là muốn đáp ứng nhưng anh nhìn thấy hai ngón tay Liên đưa lên bịt miệng của mình thì khựng người suy nghĩ lại. Ngẫm nghĩ hồi lâu, Bình Hướng thu lại nụ cười mỉm nãy giờ, quay người chính diện đối mặt với người trong lòng mà tâm tình ảo não.
– Ý Liên là chờ đến khi cây ra hoa kết quả phải không?
– Ủa, cây bông giấy có trái hả! Vậy mà Liên hông biết chớ!
Liên giả bộ ngây thơ, giọng nói lại kéo dài một chút để nhảy qua hố do mình tự đào. Cô nhìn gương mặt Bình Hướng hơi tái trong ánh sáng nhập nhoạng của khu vườn thì không đành lòng nói.
– Vài bữa nữa em về Long Hồ, đám giỗ ba má … lúc trở lên thể nào cũng mời anh Hướng dùng cơm để cảm ơn chuyện tối nay. Thôi, mình vô nhà đi anh … má em sắp ra kiếm kìa!
Bình Hướng ngoảnh đầu nhìn vô phòng khách sáng đèn. Tư Tấn đương nói gì đó mà khiến cho mọi người cười đùa vui vẻ lắm. Tư Tấn không chỉ đặng lòng nhóm đờn bà con gái trong nhà mà cũng có sự tín nhiệm của Hai Liêm, bằng chẳng thì Hai Liêm sẽ không nhờ cậu Tư theo sau bảo vệ Liên mấy ngày nay. Bình Hướng biết Liên rất thương mến ba người nhà họ Châu, dầu em ấy là con nuôi nhưng tấm lòng hiếu thảo chẳng kém gì con ruột. “Nếu mình còn chần chừ sẽ để lỡ dịp,’’ Bình Hướng nhủ thầm nhưng hai người cứ dùng dằng ngoài này cũng chẳng ích lợi gì, đành phải chờ dịp khác vậy.
Vì ba Hoài và anh hai đều đi Tân Châu nên má Ngọc thường chờ Liên về cùng ăn cơm chiều. Hôm nay, gặp bữa lại có ba người khách tới nhà; bữa cơm càng thêm vui. Huống chi Võ Mị hay Tư Tấn đều biết cách nói chuyện hài hước duyên dáng nên không thiếu những trận cười rân. Dì Tư và em Bê thì cứ mãi nhìn Võ Mị rồi hỏi không ngớt chuyện trong gánh hát và đào kép.
Lúc Võ Mị nhắc tới cô đào Năm Ngò nổi tiếng một thời thì Liên sực nhớ ra chuyện Laurent đã nhờ. Tháng chín này Nguyễn phu nhơn tổ chức buổi trình diễn thời trang, lớn hơn lần trước nên cần thêm nhiều người mẫu. Liên và Laurent đều có hảo cảm với chị Năm Ngò, quan trọng hơn là hình vóc và vẻ đẹp của chị ấy rất phù hợp với các món trang sức trong lần ra mắt này, thế nên Liên có ý mời chị Năm tham gia nên muốn hẹn gặp chỉ để bàn bạc.
Võ Mị nghe vậy thì rất vui vẻ, đồng ý chuyển lời hẹn; cô ấy cũng không quên hỏi coi mình có thể tham gia không.
– Hay là chị đi cùng chị Năm đi. Chừng đó gặp Laurent xong rồi phải gặp thêm người khác chỗ Nguyễn phu nhơn nữa.
Võ Mị nghe vậy thì đưa mắt nhìn Bình Hướng rồi e dè hỏi.
– Là thân mẫu của công tử đây sao?
Bình Hướng nhìn Liên một cái rồi mới trả lời Võ Mị.
– À phải. Có điều cô đừng gọi tôi là công tử này nọ, nghe hơi …
– Hơi già,
Liên chen lời làm mọi người bật cười, cũng giải vây cho Bình Hướng.
Giữa người với người tuy nói rằng không nên có phân biệt nhưng rõ ràng hai người Võ Mị và Bình Hướng có sự chênh lệch rất lớn. Võ Mị nghĩ rằng gọi anh là ‘’công tử’’ mang ý nghĩa kính trọng nhưng anh không nghĩ vậy. Bình Hướng theo tân thời, không phải là người sống theo nếp cũ, sự phân chia giai cấp trong xã hội quân chủ vốn là điều anh thấy bất công và bài xích. Liên nhớ có lần cô thấy anh nhăn mày khi đọc bài báo viết về nghi lễ trong nội cung, bức ảnh chụp hàng hàng dãy dãy người quì mọp trước Cựu hoàng làm anh khó chịu, chỉ liếc qua mà không đọc tiếp.
Bình Hướng cười theo mọi người, cố tình dựa người ra lưng ghế để nhìn Liên nhiều hơn mà không gây chú ý. Ở lần đầu tiên thấy cô, anh nhận ra đôi mắt đen láy mang theo vẻ u buồn và bi ai không nên có trên gương mặt thiếu nữ còn vương nét bầu bĩnh thơ ngây. Anh đã tự hỏi không biết cô gái nhỏ đã trải qua chuyện gì, trái tim cứ lỡ nhịp khi nhìn vào đôi mắt bi thương đó.
Chỉ trong thời gian ngắn, Bình Hường đã biết tường tận về hoàn cảnh của cô Ba Liên, con gái nuôi nhà họ Châu. Anh đau lòng và thương cảm cho bé gái mồ côi năm đó và không ngừng nhớ nhung thiếu nữ đoan trang xinh đẹp của bây giờ. Nhưng anh vẫn không lý giải được sự u ẩn trong tâm hồn cô, còn có sự kiên cường và tàn nhẫn nữa.
Phải, tàn nhẫn và uất hận, Bình Hướng biết mình không nhầm lẫn nhưng anh không thể lý giải nguyên do của những uất hận thoắt ẩn thoắt hiện kia. Cái chết của bá má cô là do tại nạn hay có nguyên do khác? Nhà họ Châu thực lòng yêu thương cô hay đó chỉ là mặt ngoài?
Anh luôn chú ý tới tâm tình và biểu cảm của cô, lúc ngồi cạnh hay khi ở gần. Anh lớn lên trong gia tộc phức tạp, từng trải qua nhiều sóng gió, vinh nhục nên không xa lạ với những cảm xúc đó. Anh nhìn rõ sự e dè và cảnh giác của Liên đối với mình ở những lần gặp đầu tiên. Lần hồi, anh nhận ra cô không còn bài xích nhưng cũng chẳng hề chủ động thân cận. Chỉ có như lúc vừa nãy, trong một khoảnh khắc lơ đãng, cô bất giác lậu ra sự quan tâm và thấu hiểu. Ừm, dường như cô có chú ý và tìm hiểu tâm tánh của mình, anh cố găng che dấu niềm vui dâng lên trong lòng.
Bình Hướng chợt nghĩ tới lời nũng nịu của Liên ở vườn hoa khi nãy, anh không biết cây bông giấy có kết trái hay không nhưng anh sẽ giằng lòng đợi tới khi nó nở bông.
Liên hẹn ngày giờ để Võ Mị và chị Năm Ngò gặp Laurent, còn cô thì theo má Ngọc về Long Hồ lo đám giỗ cho bá má như mọi năm. Cậu Tư Tấn vẫn lẽo đẽo theo sau, nói rằng không dám trái lời dặn dò của anh Hai. Vậy là mọi người lên hai chiếc xe, trước sau rời khỏi Sài Gòn. Chị Bảy A vẫn chưa lấy đặng giấy phép lái xe nhưng Liên vẫn làm gan để chị lái ở những đoạn đường vắng cho quen.
Khi Liên trở lại Sài Gòn thì đã là đầu tháng chín Tây lịch và Laurent bận rộn túi bụi, không ngẩng nổi đầu lên khi cô đến. Liên bật cười đắc ý khi thấy trò ấy xốc xếch, xuề xòa; đâu có nhìn ra là một tiểu thơ am hiểu thời trang và luôn ăn vận sành điệu như trước đây!
– Trò cười đi … cười xong rồi chớ! Giờ tới phiên mình nghỉ ngơi,
Laurent nói xong thì đứng dậy xách giỏ như muốn rời đi. Liên vội vàng kéo lại, vừa năn nỉ vừa dịu giọng nói.
– Trò nói vài câu rồi mới đi chớ, bằng chẳng mình làm sai thì sao?
– Hứ, tưởng trò biết hết ráo chớ!
– Ha ha, làm gì biết! Cô nương … dặn dò vài câu rồi hẳn đi … đi mà!
Rốt cuộc thì Laurent cũng vừa giảng giải vừa ghi chú lại những việc cần làm tiếp theo cho Liên trước khi về nhà nghỉ ngơi.
Sau mấy ngày về Long Hồ, tinh thần làm việc của Liên lên rất cao, cô không ngại ở lại tiệm may làm việc thâu đêm để may xong các bộ quần áo cho người mẫu mặc trong buổi trình diễn. Lúc coi tới tên và số đo của người mẫu, cô thấy chỉ có chị Năm Ngò làm mẫu, còn Võ Mị thì không. Liên mím môi, vậy mà để cho cô đoán trúng, Nguyễn phu nhơn không thích kiểu người và phong thái của Võ Mị. Sự nhiệt tình và sôi nổi trong tính cách của Võ Mị khó mà đặng lòng của những phu nhơn quyền quý. Đành vậy thôi, Liên tự nhủ sẽ tìm cơ hội khác cho Võ Mị tham gia, dẫu sao thì chị ấy rất được hoan nghênh trong mấy gánh hát ở Kim Chung.
Lúc Liên cảm thấy mệt mỏi, nhìn đồng hồ thì đã quá nửa đêm rồi. Cô mở cửa ra hành lang, nhẹ bước tới phòng của má Ngọc thấy đèn đã tắt. May là tiếng đạp máy may lịt kịt không làm má Ngọc mất ngủ. Cô quay người xuống cầu thang lấy thêm ly nước ấm rồi trở lên phòng. Trong lúc dọn dẹp xấp giầy tờ Liên nhìn thấy một cái tên khiến cô rùng mình.
Ngón tay trỏ của Liên run run khi rà lên cái tên đó rồi nhìn đầu tờ giấy ghi dòng chữ ‘’Danh sách khách mời quan trọng’’. Mathieu Francini là cái tên đứng thứ tám trong danh sách khách mời. Liên rà tới lui những tên người, mượn hành động này để mình bình tĩnh trở lại và suy nghĩ mạch lạc hơn.
Đêm đó, cô chỉ nghe chú Tư Tân và Hai Bản gọi người đó là quý ông Mathieu, không nghe gọi họ. Vậy đúng là người này, phải không? Hay là người trùng tên? Hai Bản và Tư Tân không có mặt ở Sài Gòn, nếu vậy thì ba người họ còn có cơ hội gặp nhau không? Họ có hợp mưu để chiếm đoạt hãng dệt Chánh Hưng và mấy cửa tiệm của ba Hoài không?
Tình huống bây giờ đã khác đời trước, không biết sẽ diễn tiến ra sao?
Liên ngồi trên ghế máy may một lát rồi lên giường nằm trằn trọc cho tới sáng. Cô gom hết đồ đạc rồi tới tiệm may, bồn chồn qua lại trong phòng đợi đến đúng bảy giờ rưỡi thì gọi điện thoại cho anh Bình Hướng. May quá, anh ấy tới văn phòng sớm, cô không cần gởi lời nhắn.
– Liên à,
– Dạ, em muốn mời anh dùng cơm trưa nay, … hay là cơm tối cũng đặng,
Liên không nghe bên kia trả lời nên gấp gáp nói thêm lựa chọn khác, ý tứ rõ ràng rằng trong hôm nay cô phải gặp người mới đặng. Ở đầu dây bên kia, Bình Hướng yên lặng vì bất ngờ. Liên chủ động gọi điện hẹn hò, gấp gáp muốn gặp mặt như vậy, lẽ nào hôm nay cả vườn hoa nhà mình nở rộ mà mình không biết chăng!