Liên nghe ba má nói chuyện dựng nhà riêng vào đêm trước xong thì vẫn nghĩ đó là tính trước thôi, vì tiền của trong nhà cô cũng có hiểu biết. Số tiền dựng xưởng dệt ở Tân Châu, mua điền sản ở gần nhà nội Thất Sơn đã tiêu hao gần hết tích cóp của ba má trong mấy chục năm qua. Cũng vì biết trong nhà cạn tiền nên Liên mới tính toán làm thêm để bù vào. Ai dè đâu, mấy ngày sau má Ngọc dặn cô đi làm về sớm rồi lựa lúc không ai chú ý má dẫn cô vô phòng ngủ riêng, khóa cửa cẩn thận. Lúc này cô mới sực nhớ tới chỗ cất giấu bí mật mà ở đời trước má đã chỉ cho cô trước ngày mất.
Vậy là dầu trước dầu sau thì ba má cũng dốc lòng dốc sức lo cho Liên, cô chớp mắt liên tục để ngăn nước mắt xúc động. Liên nắm tay bàn tay má Ngọc, cúi mắt nói.
– Má, tiền đó là để dành mà … con không lấy đặng đâu!
– Thì để dành cho tụi con, chớ còn cho ai nữa!
– Má!
Liên ôm chặt má Ngọc, kéo bà ngồi xuống mép giường rồi dựa đầu vào vai bà, vừa thân thiết vừa muốn bình ổn cảm xúc của mình.
– Lớn rồi còn nhõng nhẽo với má!
– Má, con thương má nhứt!
Má Ngọc duỗi tay vuốt gương mặt Liên, thở nhẹ rồi nói.
– Tiền tài chỉ là vật ngoài thân, má cho con thì con cứ lấy,
– Để dành đi má, phòng khi hữu sự. Con nghĩ thêm cách … chuyện của dì út con cũng nghĩ lại rồi,
– Ờ, một cội cây chỉ có mấy bông, không có chuyện gì lớn thì cũng đừng bứt bỏ đi.
Liên gật gật đầu nghe lời má Ngọc dặn. Cô hiểu sự bao dung của ba má với những mối thân tình, nhứt là từ khi anh hai trở về nhà.
– Bà xong chưa?
Hai má con nghe tiếng ba Hoài hỏi vọng vô thì hơi bất ngờ. Giờ này lẽ ra ba vẫn còn ở Chánh Hưng mới phải đa.
Liên đứng dậy, vén lại tóc và vạt áo rồi mở cửa cho ba.
– Dạ, ba.
– Sao ông về giờ này, có chuyện hả ông?
Má Ngọc và Liên đều nhìn ra nét mặt nghiêm trọng của ba nên đều gạt đi cảm xúc vừa rồi, chăm chú lắng nghe.
– Lúc nãy xóm Ngã tư chợ bị lính vây ráp, nghe đâu có tiếng súng nữa nên tôi về.
Liên nghe ba Hoài nói vậy thì chạy tới cửa sổ, nghiêng người nhìn ra hướng khu nhà lá ở giữa Chợ Chính và Trạm xe lửa mà người ta hay gọi là xóm Ngã tư chợ.
– Ba, má, có cháy rồi kìa!
Liên hơi thụp người xuống để ba má đứng phía sau nhìn thấy. Ba Hoài nhăn mày, vẻ mặt đăm chiêu rồi quay người đi ra khỏi phòng. Má Ngọc đóng lại cửa sổ rồi đi theo sau xuống nhà dưới. Ba Hoài biểu anh Tư Bốn tới đó nghe ngóng coi sao, mọi người vẫn tiếp tục làm việc của mình nhưng trong lòng ai cũng lo lắng không yên, thỉnh thoảng ngó ra ngoài cổng chờ tin.
Xóm Ngã tư chợ đó vốn rất phức tạp, chẳng kém gì khu bến cảng Khánh Hội hay bên trong hý trường Kim Chung nên việc bị quân lính trật tự trị an nội thành vây ráp không phải hiếm. Nhiều người ở quanh đó cũng sẽ hiếu kỳ chạy tới coi và bàn tán rất nhiều, chẳng hạn như lần này ai bị truy bắt, nguyên do là cướp của giết người hay làm quốc sự. Vào thời buổi loạn lạc như vầy, tội danh cướp giựt còn không nghiêm trọng bằng việc làm quốc sự gì đó. Thế nên Tư Bốn rảo quanh một vòng liền thấy nhiều người tụ tập thành nhòm nhỏ thì thầm với nhau, vừa nói vừa quan sát động tĩnh xung quanh như sợ người khác nghe đặng mà chịu liên lụy.
– Nghe đâu là có người giả danh thương lái, vừa mua bán hàng quốc cấm lại vừa làm quốc sự đó.
– Bắt không đặng người, chạy trốn gần hết rồi!
– Chắc là vậy nên mới tức khí mà đốt nhà đó luôn!
Vừa có người nhắc tới đám cháy thì mọi người đều đưa mắt nhìn cột khói đen thui lơ lửng trong trời chiều. Tiếng la hét ‘’cứu cháy, dập lửa’’ tan dần bởi vì đã qua một tiếng đồng hồ mà nhà cứu hỏa không tới, xóm nhà lá bị thiêu rụi thành tro bụi, làm sao cứu kịp.
– Ta nói nghe, hồi đó người ta muốn xây dinh thự bên kia, không mua đặng liền đợi tới mùa khô cho một mồi lửa liền xong.
Người vừa lên tiếng kể lại chuyện xưa là một ông già kéo xe mặc quần áo cũ kỹ, gương mặt và ánh mắt cũng nhăn nheo vì sương gió bụi trần. Bất kỳ ai cũng sẽ cảm thấy lời ông kể rất đáng tin cậy bởi lẽ tòa dinh thự sang trọng kia chắc chắn không già đời như ông. Có người còn suy đoán rằng ông hẳn là có liên quan tới câu chuyện năm đó.
– Ý ông là chỗ đó cũng sẽ dựng nhà mới à?
– Ờ, biết đâu được!
– Bằng chẳng thì người ta cũng đâu có bỏ mặc vậy, cháy lớn thế, khói bốc cao đen ngòm mà biểu không hay không biết thì ai tin?
Đám người hiếu kỳ sôi nổi bàn tán, từ nguyên do bắt người sang qua đám cháy, rồi. từ đám cháy này họ liên tưởng tới những đám cháy khác trước đó. Tới khi những ‘’người trong cuộc’’ nháo nhác chạy ra từ những con hẻm ngoằn ngoèo thì họ lại bắt đầu nhìn ngó, hỏi han rồi bàn tán xôm tụ hơn bởi đã có người thực việc thực làm chứng cớ.
Hai Bản lẫn trong đám người bị khói bụi ám đen, quần áo đầu tóc rối bù. Hắn kéo cái nón kết xuống thấp hơn nữa, đôi mắt dưới vành nón đảo quanh, quan sát bốn phương tám hướng để nhanh chóng rời xa nơi này. Dầu đương nóng lòng nhưng Hai Bản không dám khinh suất, hắn nương theo từng nhóm người tay xách nách mang những món đồ gia dụng kéo ra từ đám cháy, hai tay hắn cũng ôm hai cái bao gì đó. Hai cái bao làm vật ngụy trang kia đã giúp hắn lần nữa khi trở thành vật cản để hắn thoát thân chạy ngược trở lại xóm nhà lá. Hai người đờn ông trung niên đá vật cản văng ra thì thấy thân ảnh Hai Bản biến mất ở góc hẻm. Họ ra hiệu với nhau rồi tách ra hai ngả để tiếp tục vây bắt hắn. Hai người nọ vận đồ thường phục nhưng có vẻ như Hai Bản còn khiếp sợ họ hơn là chạm mặt với cảnh binh nội thành.
Bên trong xóm chợ hỗn loạn vô cùng, những ngôi nhà cháy dở, người già và trẻ nhỏ la thét, khóc kêu hoảng loạn. Hai Bản nhìn thấy một đứa con nít chừng năm tuổi đứng khóc trước cửa ngôi nhà hoang thì nảy ra ý tưởng. Hắn nhào tới ôm đứa nhỏ, dùng mụi than quẹt khắp mặt mũi cả hai rồi một lần nữa lẫn vào đám người chạy trở ra.
Đám cháy gần tàn thì xe cứu hỏa hụ còi chạy tới. Sau đó là từng tốp cảnh binh tới điều tra, trong khi đó cánh ký giả đã săn tin xong đương hối hả trở về tòa soạn viết bài và đăng tin. Ký giả Đoàn Biền và Thu Hòa vẫn nán lại nhìn cảnh tượng hỗn loạn dưới hoàng hôn. Đôi mắt Thu Hòa chớp liên tục để ngăn lại xúc động trong lòng. Qua gần một năm làm ký giả tập sự, đây không phải lần đầu tiên cô chứng kiến cảnh khổ sở của những người xa lạ nhưng cô chưa bao giờ thấy hổ thẹn như bây giờ. Bởi lẽ cô nghĩ mình có liên quan trong chuyện này.
Thu Hòa quay mặt nhìn Đoàn Biền, mếu máo nói.
– Em gây ra tội lớn rồi, phải không ông?
Đoàn Biền nhìn cô gái trước mặt, ông rất muốn an ủi vỗ về cô nhưng họ đương ở chốn đông người không thể quá tùy tiện. Ông đã điều tra hành tung của Hai Bản trong thời gian qua và thực không ngờ rằng y đã nắm được nhiều bằng chứng về hoạt động bí mật của mình và các đồng chí khác. Hơn nữa, y cũng đương ngầm dò hỏi mối quan hệ của Thu Hòa và cô Ba Liên với tổ chức. Ông đã nhanh chóng quyết định phải trừ khử Hai Bản.
Sau khi tính toán tới lui, ông nghĩ cách hay nhứt là đưa Hai Bản vào vòng lao lý. Y muốn đe dọa tố cáo ông vì hoạt động quốc sự thì mình sẽ dùng cách đó để đáp trả. Với các mối quan hệ và nguồn tin của một ký giả, ông dễ dàng tuồn ‘’tin mật’’ về các hành động phi pháp của Hai Bản cho phòng cảnh sát nội thành. Chiêu gậy ông đập lưng ông này lẽ ra phải trót lọt, ai ngờ Hai Bản lại đánh hơi động tĩnh, phóng hỏa đốt nhà tạo ra cảnh hỗn loạn để thoát thân. Ông nhận được tin lập tức tới đây, dẫn theo người của mình chặn bắt Hai Bản bên ngoài. Cho tới bây giờ ông vẫn chưa biết đồng chí của mình có bắt y đặng chưa thì Thu Hòa chạy tới. Cô gái nhỏ chưa từng trải, cảnh trước mắt thực sự dọa đến cô, còn khiến cô cảm thấy tội lỗi.
Nhưng mà, tội và lỗi này do ai gây ra?
Đoàn Biền quay mặt nhìn khu nhà xơ xác sau đám cháy, từng nhóm người lam lũ hoảng loạn gào khóc. Ông tới đây sớm, nghe những lời bàn tán chung quanh rồi phát hiện ra xe cứu hỏa tới khi lửa đã tàn nên không khỏi nhíu chặt hàng mày. Coi ra, tình cảnh hôm nay đã vượt ra ngoài mong muốn của ông; còn đối với vài người khác thì chính là thành quả đáng mong đợi.
Đoàn Biền kéo nhẹ Thu Hòa sát vào người, thì thầm an ủi.
– Là tội, của tôi và những kẻ khác, không phải của em! Em khóc làm tôi thêm thẹn!
– Không, em …
Đoàn Biền siết chặt cánh tay Hòa ra hiệu cho cô im lặng. Ông nhìn thấy hai người của mình ra hiệu từ đàng xa, gương mặt trầm xuống rồi nói.
– Tôi đưa em tới nhà cô ba Liên một lát rồi về nhà. Nhắc cô ấy hãy cẩn trọng. Y … thoát rồi!
Thu Hòa vừa nghe tới đây thì cả người run rẩy rồi lập tức trấn định. Cô biết mình đã liên lụy cho Liên, trò ấy vì mình mới vướng vào chuyện hỗn loạn này. Mình phải bảo vệ trò ấy chớ không phải run sợ hay khóc lóc.