Chương 80: Chuyện nọ xọ chuyện kia

Tuy mọi người đều không ưa thích bác ba gái nhưng chủ đề mà bà ấy gợi lên rất thú vị, khiến ai nấy đều muốn tham dự. Đợi khi ba Hoài về nhà, dọn cơm ăn thì dì Tư liền nhắc tới. Lúc nãy má Ngọc tiếp chuyện bác ba gái trong phòng khách nên mọi người chỉ nghe tiếng đặng tiếng không, dì Tư không đoán ra người được làm mai là ai nên hỏi.

– Bà ba nói cậu hai nhà nào mà rất quen với nhà mình, sao tôi không nhớ vậy?

Má Ngọc liếc ba Hoài một cái, chưa kịp trả lời dì Tư thì em Bê đã nhanh miệng đoán.

– Hỏng lẽ là cậu hai Thái, anh của cô Hòa học làm ký giả đó.

Liên mỉm cười, ánh mắt tán thưởng nhìn em Bê. Đúng là cô bé vừa tới tuổi dậy thì, đối với thanh niên trai tráng thì có ấn tượng sấu sắc hơn. Tính ra thì em Bê còn có ấn tượng với anh hai của Thu Hòa hơn là Liên nữa, cô thỉnh thoảng gặp anh ấy trong mấy bữa tiệc xã giao nhưng không hề chú ý. Ừm, anh ấy cũng chẳng có ý tiếp cận hay hứng thú gì với cô cả. Vậy tại sao bây giờ bên đó lại có ý đến làm mai, mà lẽ ra Thu Hòa sẽ nói cho cô hay trước chớ!

Liên nhìn ba Hoài, cô muốn nhắc ba chuyện anh hai của Hòa đã theo chú thiếm ba làm ăn, bỏ dở việc học rồi. Theo như cô nhận thấy thì ba Hoài không quá chú trọng bằng cấp học vấn lắm, chuyện này má Ngọc để ý nhiều hơn; còn ba thì sẽ để ý chuyện chú thiếm ba bên kia cùng một phe với nhà bác ba Toàn, hiện là đối thủ cạnh tranh của ba. Liên đảo mắt qua lại hai người có quyền quyết định chuyện hôn nhơn của mình rồi bĩu môi, anh hai của Hòa không có cửa nào để làm con rể nhà này hết.

Còn một lý do nữa làm Liên không bị “ép gả” bây giờ đó là ở trước mặt Liên còn một người ‘già’ hơn chưa có gia thất. Đôi môi duyên dáng của Liên chuyển thành nụ cười tươi, hở hàm răng trắng đều như bắp nói.

– Ủa, con tưởng nói chuyện của anh hai chớ! Anh hai qua hai mươi mốt rồi đó má!

Haiz, mới vừa nghe Liên nhắc tới thì má Ngọc đã nhăn mày rồi thở dài, suy nghĩ lập tức chuyển hướng.

– Ông, xưởng dưới đó ổn chưa? Chuyện thằng hai cũng gấp rồi đa,

– Ổn cái gì mà ổn? Bà không thấy thớt lụa vừa rồi à?

Ba Hoài đã làm nghề dệt lụa in vải mấy chục năm, yêu cầu đối với hàng hóa nhà mình làm ra rất cao. Thế nên mấy ngày nay ba rất bực bội, không hiểu sao đám thợ dưới Tân Châu lại dệt ra mặt hàng đó. Ông đương thu xếp công chuyện ở đây để xuống đó coi; nếu kéo dài thì e phía ông Phó Trần coi thường năng lực nhà mình.

– Thì đính hôn trước … cưới hỏi cũng hai ba năm mới đủ lễ,

– Được rồi, bà để ý coi nhà nào đặng … vài bữa nữa tôi đi Tân Châu. Chừng về rồi nói kỹ hơn.

Ba Hoài nói vậy có nghĩa là chuyện tìm ‘hiền thê’ cho anh hai có thể bắt đầu rồi. Má Ngọc, dì Tư và em Bê còn háo hức hơn lúc nãy; chuyện đầu tiên đươc nhắc tới chính là mấy lễ cưới ở quanh đây. Nhà nào vừa cưới con dâu,  tướng mạo ra sao, quê quán ở đâu rồi sính lễ là gì đều được đem ra nói, chê khen đủ kiểu. Liên không tham gia vào chuyện ‘không thực tế’ này. Cô nhiều lần thấy anh hai giao du với đủ kiểu con gái, cô tự biết tầm mắt mình nhỏ hẹp hơn anh hai nhiều, vẫn không nên nói là hơn.

Có điều Liên nghe ba nói sắp đi Tân Châu thì nhúc nhích người, cô chưa kịp nói chuyện đi hãng dệt Chánh Hưng nữa. Nếu không có ba thì chắc chắn má Ngọc sẽ không cho cô một mình qua bên đó.

– Pha cho ba ly cà phê.

Ba Hoài đứng dậy, biểu Liên rồi quay người vô thơ phòng. Liên biết sở thích uống cà phê của ba vào buổi tối sẽ ưa có đá và chút đường, vừa đủ giúp ba tỉnh táo tới mười giờ đêm.

Lúc cô đem cà phê vô phòng thì thấy ba còn đứng bên cửa sổ, nhìn ra khoảng vườn tối đen.

– Dạ, ba uống cà phê.

– Ờ, chuyện bên thương xá không tốt hả?

Liên thấy ba Hoài hỏi xong thì quay người đi tới sau bàn giấy nên cô kheo léo bỏ đá vô ly, lớn nhỏ lần lượt không hề đổ ra ngoài.

– Dạ, còn lỗ ba. Nhưng mà tháng chín này Nguyễn phu nhơn lại làm triển lãm, lần này lớn hơn nên tiền công bù vô cũng đỡ. Chỉ là con vẫn muốn làm xưởng may, nhỏ thôi … cũng được.

– May mấy đồ đó à?

– Dạ … Ba,

Ba Hoài uống một hớp cà phê đá mát lạnh thơm nồng và vị ngọt vừa đủ.

– Coi ra, không cho con làm là không yên đa!

Liên cười hê hề lấy lòng, cô đương tìm kế để ba gật đầu thì ông thở dài mấy lượt rồi gõ muỗng kêu cái cộp lên thành ly, giống như vừa quyết định điều gì đó.

– Hồi đó con nghĩ chuyện chú tư làm ba đau lòng nên không nói phải không?

Liên ngạc nhiên và bất an khi nghe ba Hoài nhắc lại chuyện chú tư khi đó. Cô chợt nghĩ có thể chú tư có liên quan tới những chuyện đương xảy ra quanh hãng dệt Chánh Hưng gần đây, cô cúi mặt coi như thừa nhận và chờ nghe ba nói tiếp.

– Đúng, ba … rất phiền lòng … dầu gì cũng là máu mủ ruột rà … có muốn cắt cũng khó mà đứt. Thói thường xưa nay là vậy, dẫu anh em chung cha chung mẹ nhưng tánh nết dễ gì không sai biệt. Ba già rồi, thấy nhiều rồi nên coi như là biết khi nào chặt khi nào buông,

– Ba, con không có … chuyện chú tư con sẽ không nghĩ tới nữa,

Liên hơi hoảng khi nghe ba có ý phân trần vì sao ông xử trí chú tư có vẻ qua loa, chiếu lệ. Ba Hoài xua xua tay, Liên lập tức im lặng không dám nói gì tiếp.

– Ba không nói chuyện chú tư mà là chuyện dì Út Hậu của con.

– Dì út? … Đã gây chuyện rồi sao?

Tuy là câu hỏi nhưng Liên không có vẻ ngạc nhiên. Trong thâm tâm cô biết tánh nết dì út, bổn tánh không đổi thì thể nào cũng sẽ gây họa, thế nên cô mới không thèm hỏi han gì tới chuyện của dì dượng út từ ngày hai người dọn tới khu nhà ở của thầy thợ ở hãng Chánh Hưng.

– Con biết dì út sẽ gây chuyện vì sao không ngăn cản, ít nhứt cũng tỏ ý quan tâm thăm hỏi, … con không hề muốn nhận người thân à?

Bây giờ đến phiên ba Hoài dùng giọng điệu khi nãy của Liên, lời là hỏi nhưng ý tứ trong đó là khẳng định hơn tám phần. Ba Hoài nhìn Liên, hàm ý trách cứ không hề che dấu.

– Đừng có bắt chước thằng hai, hiếu thắng quá, làm cái gì cũng tuyệt tình tuyệt nghĩa,

Liên ngồi thụp xuống thêm một chút, sao tự nhiên ba lại rầy tới anh hai. Liên cảm thấy mình đã chọn sai thời điểm, dạo này ba bận rộn nên tinh thần mệt mỏi quá độ rồi!

– Ba, sáng mai con qua tiệm thuốc hốt mấy thang bồi bổ nghe, ba đừng để mệt mỏi quá sức!

Miệng nhanh hơn lý trí, Liên nói ra một tràng rồi mới nhăn mặt chờ cơn giận khác của ba trút ra. Vậy mà rốt cuộc ba cũng bật cười, bàn tay đánh mạnh xuống bàn coi như xả giận.

– Hồi đó, ba má con không có nhắc nhiều chuyện dì Út Hậu nhưng có lần ba nghe loáng thoáng ý của má Phước con là muốn tìm dỉ về. Dầu gì cũng là người thân duy nhứt của con. Chắc con nghe chuyện dì dượng út con ở Tân Châu rồi phải không?

Liên dạ nhỏ xác nhận. Anh hai đã nói cho cô biết chuyện của dì dượng trong mấy năm ở Tân Châu. Mấy tháng nay dì út lên Sài Gòn, chẳng những không bỏ tật đánh số đề hay bài bạc mà còn tập tành đánh cá đua ngựa, đua chó rồi cả đá gà.

– Nói đúng ra thì con được bảo bọc từ nhỏ nên không hiểu sự cám dỗ của những trò đó, lại càng không biết bên ngoài … người ta đôi khi đành xuôi theo dòng, theo sông mà bị cuốn trôi …

Liên biết ba Hoài ghét mấy trò đỏ đen đó nên cô nghĩ ba sẽ bài xích hay thẳng tay đuổi dì dượng ra khỏi hãng dệt; không dè ba lại có ý che chở, là vì sao? Chỉ có thể là vì mình, ba muốn giữ người thân duy nhứt bên cạnh mình. Nhưng mà vậy có đặng không? Liên không có cảm giác thân tình với dì út, cũng không thể có sự cảm thông như ba Hoài.

– Sông có trăm ngả, lòng người cũng có trăm hướng. Hồi đó, ba má với ba má Phước cũng nghèo khó, vậy mà đâu có biến thành như vậy. Đâu phải mình không cho dì dượng cơ hội, căn bản là dì … còn rêu rao bên ngoài nói xấu ba má.

Liên tức giận khi nghĩ tới mấy lời biêu riếu giả dối của dì út khi dọn từ nhà này tới hãng dệt. Dì cứ thì thầm kể chuyện trong nhà với thợ thầy bên đó, nhứt là vào những lúc thua bài bạc hết tiền; còn huênh hoang nói rằng lẽ ra dì dượng đã về đây thì ba Hoài má Ngọc nên trả lại tài sản của ba má Liên để hai người quản lý, làm ăn gầy dựng sự nghiệp để dành cho Liên sau này. Người nói rất có khí thế mà không thèm để ý thấy người nghe đương bĩu môi khinh miệt. Bằng vào tài cán của hai người họ thì làm nên sự nghiệp gì chớ. Dượng út học cách trông coi nhóm thợ cắt chỉ thành phẩm còn chưa xong nữa mà.

Ba Hoài chắc chắn biết rõ những chuyện này nhưng vẫn nhịn cho qua. Chỉ là từ lúc khu đất quanh hãng bị thu mua, có tin đồn sẽ dựng xưởng dệt tương tự thì dì dượng út càng làm quá lên. Nhóm người mới tới kia như có như không muốn khuếch đại mâu thuẫn này, thành ra nguyên khu đó đều biết, thường đem việc này nói ra cho vui miệng.

Liên giận lắm nhưng anh hai đã nói rằng cứ để hai người làm tới, biết đâu có thể dựa vào hai người mà lần ra kẻ phía sau và mưu đồ của nhóm người kia.

– Nếu không phải anh hai muốn …

Liên ngập ngừng chưa nói tiếp, ba Hoài lại lần nữa đập bàn.

– Con có nghĩ tới làm vậy là nguy hiểm không? Nếu dì út con có bề gì thì con làm sao? Đừng có lúc nào cũng nghe lời nó,

Liên nhìn ba Hoài, lòng dâng lên xúc động khôn tả. Cô chợt nghĩ nếu ba ruột mình còn sống thì cũng chỉ có thể lo nghĩ cho mình tới mức này mà thôi.

– Được rồi. Để dì dượng con ở lại đó không yên, đem về nhà này cũng không thể. Ba tính dỡ cái kho bên kia, vừa cất nhà vừa dựng xưởng nhỏ cho con.

– Ba, con chỉ ở đây, không dọn đi đâu hết!

Cô thực không ngờ ba Hoài sẽ vì những lời biêu riếu kia mà muốn chia nhà, phân biệt họ Trần và họ Châu.

– Nghĩ tới phải nghĩ lui,

– Phải đó, má thấy cứ dựng nhà cho con trước đi, nhỏ lớn xấu tốt gì cũng có đó.

Má Ngọc đi vô phòng tiếp lời, coi ra ba má đã bàn tính với nhau lâu rồi. Liên cảm thấy tối tăm mù mịt, cô chỉ định nói chuyện dựng xưởng may nhỏ, không biết sao bây giờ bàn tới chuyện lớn tới vậy. Cô không biết dùng lời lẽ gì để phản bác.

error: Content is protected !!