Hoàng hôn ở khu trung tâm Sài Gòn không lặng lẽ thơ mộng mà ngập tiếng ồn của người và xe cộ. Ở trong con hẻm nhỏ nằm giữa chợ Giữa và trạm tàu lửa là những gian nhà nhỏ dành cho những người làm việc cho cả hai nơi đó. Vào thời điểm giao giữa ngày và đêm, con hẻm này càng thêm náo nhiệt. Có những người mệt mỏi lê bước từ chỗ làm về nhà, lại cũng có người đương chuẩn bị đi làm.
Hai Bản nằm trên tầng gác xép của căn nhà ở giữa con hẻm, nơi có thể đi thông qua các hẻm khác, rất dễ lẩn trốn khi cần. Mặc dầu Hai Bản thường chê bai Châu Tân già mà không tinh nhưng hắn cũng phải công nhận rằng ông ta có mắt nhìn khi chọn mua căn nhà này. Chỉ có những người ở đây lâu hoặc cố tình thăm dò mới có thể biết hết những ngóc ngách trong khu nhà lá lụp xụp này.
Ờ, khu nhà lá, đây chính là điều làm Hai Bản khó chịu nhứt. Hắn vẫn luôn nhớ tới ngày còn nhỏ, khi mà hắn được sống trong ngôi nhà lớn khang trang vùng Bảy Núi. Hắn chẳng những ở nhà lớn, ăn cơm ngon, được đi học mà còn có người hầu kẻ hạ. Nhưng chẳng hiểu sao, khi hắn vừa học xong lớp đệ tam thì bị đuổi ra khỏi nhà, bà vú và ông ngoại hắn cũng bị đuổi đi. Ba người trở thành kẻ lang thang, không nhà không cửa. Sau đó, bà vú bỏ đi mất dạng, ông ngoại hắn thì ham mê bài bạc rồi đến mức bộ quần áo lành cũng không có. Ông bị người ta đòi nợ nên dẫn hắn chạy trốn, thay tên đổi họ, sống lây lất từ nơi này tới nơi khác.
Lúc Hai Bản chừng mười bảy tuổi thì hai ông cháu trôi dạt tới Tân Châu, ông ngoại – giờ giả là ông nội hắn là vì mấy sòng bài lớn ở nơi này cuốn tới, còn hắn là vì kế sanh nhai. Trong một lần tình cờ, hắn nhận viết một lá thơ cho người ta ở nhà bưu điện thì gặp Châu Tân. Lúc dó, ông ta nhìn hắn thiệt lâu rồi mới tới bắt chuyện. Hai Bản e ngại chủ nợ tìm tới nên chẳng dám nói nhiều về chuyện ông ngoại và bà vú mình. May là Châu Tân không hỏi quá chi li nguyên quán và người thân mà chỉ hỏi qua tuổi tác, nhà cửa và người thân ở Tân Châu rồi lại nhìn hắn trầm ngâm hồi lâu nữa.
Trực giác nói cho Hai Bản biết rằng người trước mắt có thể đem tới cho hắn cơ hội nào đó, bằng chẳng thì người ta cũng không ngắm nghía hắn lâu tới vậy. Hắn nén lòng đứng yên chờ đợi.
– Mày theo tao, có cơm ăn áo mặc, … sau này còn có nhà lầu xe hơi nữa. Theo không?
– Theo chú làm gì?
Lời nói của Châu Tân đã gợi lên khát vọng trong lòng Hai Bản nhưng hắn rất tinh khôn, không ai cho không ai cái gì cả; hắn chắc chắn phải trả giá. Thế nhưng hắn biết rõ ràng bản thân đã bị lời hứa hẹn kia thuyết phục.
– Nghe lời tao là đặng, nè … cho mày cầm trước. Ngày mai dẫn ông nội mày tới đây luôn.
Châu Tân vừa nói vừa đưa ra bốn tờ giấy bạc năm đồng Đông Dương. Ánh mắt Hai Bản lóe lên, không ngần ngại cầm lấy, gật đầu đồng ý. Hai Bản không có gặp ông nội vào chiều hôm đó, nghe đâu ông thua tiền bị sòng bài giữ lại rồi. Hai Bản cầm tiền giấy trong tay nghĩ ngợi rất lung, rốt cuộc thì hắn vẫn còn hận mẹ và ông của mình. Trong trí nhớ của hắn, chính hai người đã làm gì đó rất xấu nên hắn mới đuổi ra đường. Vậy là hắn gói ghém mấy món đồ rồi chạy tới nhà bưu điện ngủ qua đêm đợi sáng.
Châu Tân đúng hẹn tới đón Hai Bản.
– Ông nội tôi không muốn đi.
– Ờ, thì thôi.
Châu Tân không hỏi thêm mà kêu xe bò chở cả hai ra bến tàu về Sài Gòn. Thời gian đầu ông ta đem Hai Bản tới gian nhà ở gần chợ Giữa này, để hắn làm quen chuyện mua bán, và làm sổ sách. Hai Bản rất khôn lanh, lại biết chữ nên học rất nhanh. Châu Tân có vẻ hài lòng, đối xử với hắn rất khá. Chừng qua một tháng thì Châu Tân dẫn Hai Bản tới nhà một ông thầy thuốc ở gần Lăng Ông.
Lúc tới nơi, Châu Tân lấy một tấm hình từ trong cặp da đưa cho ông thầy thuốc coi. Chừng nghe hai người nói chuyện thì Hai Bản mới biết rằng Châu Tân muốn chỉnh sửa gương mặt hắn cho giống với kẻ trong hình. Hai Bản nhíu mày, liếc mắt nhìn tấm hình của thằng nhỏ trắng trẻo sáng láng chừng mười hai mười ba tuổi.
Gã thầy thuốc dựa vào tấm hình của thằng nhỏ mà phác họa ra gương mặt của nó khi lớn. Sau đó gã và Châu Tân lần lượt so sánh gương mặt đó và Hai Bản.
– Ông chắc là nó không có răng lòi sỉ chớ,
– Không có, chắc chắn. Vết sẹo này nhìn ở ngoài rất rõ.
Châu Tân chỉ vào vết sẹo ở đuôi lông mày của tấm hình. Sau đó, hai người bàn rất kỹ tới hình dáng khuôn hàm và cái cằm chẻ. Cả hai người nói chuyện mà chẳng hề bận tâm gì tới Hai Bản, trong khi điều mà bọn họ muốn làm là sửa khuôn mặt của hắn. Hai Bản nắm chặt bàn tay giấu trong vạt áo; hắn muốn lớn tiếng phản đối, muốn cho bọn họ biết rằng gương mặt là của mình, không ai đặng phép bôi tro trét chấu lên mặt hắn hết thảy.
Châu Tân dường như nhận ra cảm xúc của hắn, ông ta nhìn lên rồi quay sang nói với thầy thuốc, vừa nói vừa móc ra xấp giấy bạc, ngắt một nửa đưa cho thầy thuốc.
– Cầm cái này đi chuẩn bị đi, thiếu đủ gì tôi sẽ đưa thêm.
Gã thầy thuốc thấy tiền liền sáng mắt, lấy xấp tiền rồi đội nón đẩy cửa ra ngoài. Hai Bản nhìn nửa cọc tiền còn lại, tâm trí bắt đầu xoay chuyển. Châu Tân thảy xấp tiền trên tay vô lòng Hai Bản nói.
– Nhiêu đây có là gì! Mầy muốn có nữa thì phải nhứt nhứt làm theo lời tao.
Hai Bản gom tiền trong lòng rồi nắm hết trong tay. Hắn rướn người nhìn kỹ gương mặt thằng nhỏ trong hình rồi nhìn Châu Tân. Hắn không cảm thấy hai người có gì giống nhau, chỉ có điều thằng nhỏ mặc đồ vải tốt, cười tươi đứng bên cạnh chiếc xe ngựa rất đẹp. Chắc nó là con nhà giàu, nếu mình có thể giả vào làm con nhà nó thì rất tốt đa, lại được lên xe xuống ngựa như xưa.
Hai Bản không cự lại khao khát cuộc sống giàu sang lúc nhỏ nên đành thỏa hiệp. Dẫu vậy hắn vẫn muốn biết rõ tường tận mưu định của Châu Tân, hắn không có lòng tin với ông ta và với bất kỳ ai.
– Làm sao mà giống y vậy đặng? Chú tính kỹ chưa? Mà thằng kia đi đâu rồi?
Châu Tân nhăn mày, suy nghĩ rất lung rồi nói ra mấy điểm chánh yếu, ông ta cần có sự hiệp tác của Hai Bản, đương nhiên ông ta sẽ không nói hết.
Châu Tân cười ha ha, nhìn gương mặt của Hai Bản ra vẻ nghiền ngẫm và đắc ý.
– Không ngờ có người giống đến vậy! Thiệt là … không giống đặng mười phần thì bảy tám phần cũng đủ rồi. Huống hồ chi thằng nhỏ kia mất tích từ hồi mười hai mười ba tuổi, ai biết nó lớn lên mặt mũi ra sao. Nó là cháu của chú … sau này cháu Bản thành người một nhà với chú rồi đa!
Câu sau cùng Châu Tân trầm giọng ra vẻ rất thương cảm và xúc động, giống như Hai Bản thực sự là người thân ruột thịt vậy.
– Cháu đó, đúng là có phước! Nhà anh hai tôi giàu có lắm. Mai mốt làm chủ cả rồi đa!
Hai Bản nhìn vẻ hân hoan giả tạo trên mặt của Châu Tân càng sanh lòng nghi ngờ. Hắn nghe nói ông ta đương làm việc cho hãng xưởng của người anh trai, hẳn là cha của thằng nhỏ kia. Nhà đó hẳn là giàu, chuyện đứa con trai thất lạc chắc là thực nhưng liệu Châu Tân có thể đưa mình vào thay thế hay không? Với mục đích gì?
Hai Bản dùng hai ngón tay mân mê xấp giấy bạc, nghĩ thầm “Ông ta và mình cùng một giuộc, cũng vì tiền tài chớ còn thứ gì khác nữa chớ!” Hắn quay người, kéo tấm kiếng trên bàn lại gần, nhìn kỹ lại khuôn mặt mình lần nữa. Hắn chỉ cần dựa vào khuôn mặt này liền có thể bước chưn vào nhà ông chủ hãng kia, trở thành cậu chủ giàu có, sang trọng, … vậy thì …
– Được, làm đi.
– Đau à nghe!
Gã thầy thuốc từ ngoài bước vô, nhìn Hai Bản qua tấm kiếng, khóe môi nhếch lên rồi nhắc nhở. Sau đó, gã thấy ánh mắt cảnh cáo của Châu Tân thì cười hề hề, xoa tay vào nhau bộ dáng hứng thú bắt đầu vào công việc.
– Trước tiên là tạo một vết sẹo ở đây, sửa cái răng mọc lệch này đi, sửa lại hàm, … làm cằm chẻ … khó đa, làm lâu lắm đa,
Hai Bản vẫn nhớ như in mỗi lời gã thầy thuốc kia nói. Bởi vì mỗi chuyện gã làm trên khuôn mặt Hai Bản đều mang tới đau đớn khó nhịn. Vậy mà Hai Bản vẫn ráng nhịn cho qua, biến gương mặt của mình thành một kẻ xa lạ để rồi hắn có những gì?
Mấy năm qua hắn vẫn là kẻ làm công chánh hiệu, phải răm rắp làm theo sắp đặt của Châu Tân. Những lời hứa hẹn viễn vông ngày đó … Châu Tân chưa hề muốn thực hiện, hừm, từ ban đầu ông ta đã dối trá. Ông ta chưa bao giờ có ý đưa hắn vào làm con của Châu Hoài, mà chỉ muốn hắn làm hình nộm, nửa người nửa ma để nhắc nhở, khoét sâu vào vết thương của hai ông bà già kia. Châu Tân muốn tận dụng điều đó để từng bước chiếm đoạt gia sản của Châu Hoài. Sau đó, đương nhiên là loại hắn ra khỏi cuộc chơi.
Bây giờ thì sao, Hai Bản bật cười khoái trá khi nghĩ tới cơn giận của Châu Tân. Ông ta còn chẳng thể ló mặt về Sài Gòn nữa, ở đó mà ra lệnh cho hắn làm cái này cái nọ. Giống như căn nhà này và chuyện ở hãng dệt Chánh Hưng, mấy tháng nay Hai Bản dựa tiếng của Châu Tân mà hành sự nhưng thực chất hắn đã lần hồi rút rỉa tiền của cất riêng, không lâu nữa, cả hai nơi này đều sẽ là của hắn. Chiêu này, hắn học từ “ông thầy” Châu Tân của mình, trò giờ đã hơn thầy rồi! Hai Bản lại bật cười khoái trá.
Hắn ngồi dậy, xuống tầng trệt rửa mặt vệ sinh xong thì gọi một ly cà phê đen vừa nhâm nhi vừa đọc nhựt trình. Trời tối dần, hai tên đàn em tới, cũng gọi cà phê và ngồi cùng hắn nói chuyện và chờ khách. Mặt ngoài, căn nhà này là chỗ cầm đồ cùng tiêu thụ các món đồ ‘nhặt’ được do những người sống trong khu nhà lá này đem tới; còn bên trong Châu Tân đã dày công gầy dựng một đường dây vận chuyển đủ loại thuốc lá, thuốc phiện từ vùng biên giới với Miên về đây. Phủ Toàn quyền Đông Dương đã cho phép mua bán á phiện để thu thuế nhưng mặt hàng này vẫn nằm trong tay những người có quyền thế. Dân thường sẽ không đặng phép làm mua bán nhưng mà người ta mua về hút, chích thì có thể. Bởi vậy nên Châu Tân và Hai Bản đều lén làm, nửa công khai nửa bí mật.
Tiền kiếm được từ chỗ mua bán thuốc và cầm đồ rất khá. Thế nên Châu Tân không muốn bỏ đi, dầu ông ta bị cấm ngặt ở Sài Gòn nhưng vẫn cố gắng duy trì chuyện làm ăn này. Ông ta tưởng Hai Bản vẫn theo về với mình nên mới cậy hắn trông coi, ai ngờ tên học trò ngày xưa đã phản từ lâu rồi. Sau khi Hai Bản học biết đủ các chiêu trò của Châu Tân thì lập tức thực hành, trên chính công việc của ông ta.
Hai Bản nhìn tên đàn em nhùng nhằng ngả giá với một ông già tới cầm đồ thì chợt nhìn quanh. Nãy giờ hắn không thấy ông nội đâu. Năm trước, Châu Tân vì muốn hắn đóng kịch cho tròn vai nên đã sai hắn về Tân Châu tìm kiếm ông nội rồi dẫn lên ở cùng bên Chánh Hưng. Châu Hoài vừa nghe nói hắn đương phụng dưỡng ông nội thì có hảo cảm. Hai Bản cũng cảm thấy lớp vỏ bọc này rất tốt. Ông nội hắn đã già, không còn hơi sức đi tới mấy sòng bài bạc mà chỉ ở nhà biên số đề, mua vé số này nọ, tiêu xài không tính là nhiều.
Ngày thường, ông nội hay đi loanh quanh khắp khu nhà nhưng hễ xẩm tối thì ông sẽ trở về, hôm nay không thấy … hình như hôm qua ông về nhà rất trễ. Hai Bản dặn dò tên đàn em rồi rảo bước ra con hẻm nhỏ. Hắn rất quen thuộc khu này, cũng biết ông nội thường đi những đâu nên mạnh chưn đi tìm. Lúc vừa qua góc hẹp cách nhà mấy chục thước thì hắn bị một cánh tay nắm kéo vào, nhìn kỹ liền nhận ra là ông nội.
– Sao ông …
– Suỵt! Có người theo dõi nhà mình.
Ông nội đã từng trốn chạy chủ nợ, ừm, đến bây giờ vẫn trốn nên rất cảnh giác và cũng luyện được sự nhanh nhạy hơn người khác. Hai Bản theo lời chỉ dẫn, nhìn thấy một người đờn ông trung niên đội nón lụp xụp ngồi ở góc quán uống cà phê. Từ góc nhìn đó có thể quan sát chuyện xảy ra trong nhà hắn.
– Bao lâu rồi?
– Hôm kia ông thấy có người lạ rảo qua lại trước cửa! Hôm qua, hôm nay đều tới quán đó giả uống nước. Mày gây sự với ai hả?
– Ông thiếu nợ ai hả!
Hai Bản bực bội đáp trả ông nội mình. Hắn không hề nói với ông bất cứ chuyện làm ăn nào nhưng chắc ông đoán biết vài việc của hắn.
– Vòng qua bên kia về nhà, đừng để người ta phát giác.
Trên con hẻm vòng vèo, Hai Bản vừa đi vừa lén quan sát tứ phía, tâm trí lướt qua rất nhiều phỏng đoán. Hắn bị lậu rồi sao? Có thể là ai, Châu Liêm hay Châu Tân? Lẽ nào là cô ba Liên?
Trái tim hắn đập nhanh mấy nhịp khi nhớ tới ánh mắt cô ba Liên nhìn về phía hắn vào buổi trưa hôm đó. Quán kem ở góc đường có món kem trái dừa rất ngon, cô Ba thường ghé đó nên hắn đã tới đó cầu may. Không ngờ là đúng dịp cô Ba tới cùng hai người bạn. Hắn đã không kiềm lòng mà nhìn lâu hơn, bất giác cô Ba nhìn thẳng vào mắt hắn rồi lướt qua. Khoảnh khắc đó, hắn vừa hoảng sợ vừa vui sướng. Nhưng hắn không dám ở lại lâu, vội trả tiền rồi rời đi.
Nếu cô Ba biết hắn đương theo dõi và lập mưu ám hại nhà họ Châu thì sẽ nghĩ thế nào; hoảng sợ, thù hận, căm ghét hay khinh bỉ hắn đây?
Hai Bản vẫn luôn ngầm chê bai Châu Tân nóng nảy và ham mê sắc dục nên chẳng làm đặng chuyện gì. Hắn thường tự cho mình tài giỏi hơn, vừa kiên nhẫn vừa khéo léo sắp đặt. Thế nhưng con người đâu ai hoàn hảo, hễ có làm thì có sai, hắn chỉ vừa hành động thì người ta đã nhận ra rồi và đâu ai chịu ngồi yên cho người khác bày bố, sắp đặt.