Vì có nhiều việc phải làm nên Liên ngủ ít hơn lúc trước, vừa thức dậy cô đã ngồi xuống bàn nhỏ trong phòng để coi các ghi chú trong quyển sổ tay, việc nào cần kíp nhứt, việc nào phải xong trong buổi sáng. Sau đó Liên xách cặp táp, xuống nhà dưới thưa với má Ngọc rồi ra xe đi làm khi trời còn mờ tối.
– Chút má đem đồ ăn sáng qua cho con,
– Thôi khỏi má, con mua hủ tíu trong hẻm cho tiện.
– Ờ,
Má Ngọc biết Liên đương rất bận nên không nói thêm gì nữa.
Liên lái xe chậm rãi, xuyên qua màn sương mỏng cảm giác cái se lạnh của buổi mai. Cô vẫn thích ngồi làm việc ở tiệm may hơn là đem đủ thứ về nhà, nhứt là vào những lúc sáng sớm như vầy. Cô có thể vừa vẽ vừa đi loanh quanh trong tiệm để sờ sờ chất liệu vải, đo dáng ma-nơ-canh, thậm chí cô cũng thể thử kiểu áo trên người mình. Hơn một tiếng đồng hồ tập trung làm việc vào sớm mai rất hiệu quả, Liên đã hoàn thành gần hết các mẫu trang phục cho nhóm người mẫu rồi, những phần việc khác sẽ dễ quyết định hơn.
Chị Năm Hạnh tới cửa tiệm trước, sau đó là mấy chị thợ may khác. Liên sắp đặt việc may quần áo mẫu để chiều nay đem qua thương xá cho Nguyễn phu nhơn. Công việc cứ thế tiến hành, thêm một buổi trình diễn thử nữa thì mọi người đều hình dung rõ ràng buổi trình diễn sẽ thế nào.
Trung tuần tháng sáu, buổi biểu diễn cũng diễn ra như sắp đặt của Nguyễn phu nhơn. Lần này, việc tổ chức và điều phối đều do nhóm người của Nguyễn phu nhơn lo liệu nên Liên và Laurent chỉ chuyên tâm vào phần việc của mình. Liên dẫn theo chị Năm Hạnh và chị Ba Hảo ở phía trong phòng thay trang phục để kịp thời xử lý các sự cố. Bởi vậy nên Liên thực sự không rõ phản ứng của khách mời bên ngoài ra sao, đại khái là cũng tốt đa, không có nghe ai phàn nàn gì hết. Đến cuối buổi trình diễn, thơ ký Diệu vào phía sau vui vẻ cảm ơn mọi người rồi nháy nháy mắt với Liên.
Trong nhóm người mẫu, chị Hồng không có thay đổi trang phục ở lần diễn sau cùng mà ra ngoài làm khách luôn. Liên bàn giao lại các món trang sức đã dùng cho chị Diệu và một người nữa rồi xin phép ra về. Chị Diệu lại đá lông nheo rất nghịch ngợm rồi nói nhỏ.
– Em chắc chớ? Có người trông em lắm đa! Laurent ở ngoài đó kìa.
– Hi hi, chị biết mà … Laurent đương làm việc chớ không phải chơi đâu! Giờ em cũng về tiệm lo buôn bán chớ!
Liên nói xong thì bắt đầu dọn dẹp ra về. Lời của cô vừa rồi rất thực. Cửa hàng Les ROSEs buôn bán chưa tốt, để duy trì thì họ phải tìm kiếm khách hàng và cũng nhận thêm việc ngoài nữa. Laurent giỏi giao tiếp, còn có địa vị của người nhà giúp đỡ nên trò ấy lo bên ngoài. Liên quản lý nội bộ ở cửa hàng. Cả hai cố gắng gồng gánh qua giai đoạn khó khăn này rồi sẽ tính tiếp.
Bây giờ là giữa tháng sáu, khoản tiền nhận được từ chỗ Nguyễn phu nhơn sẽ bù vào tiền thuê cửa hàng tháng này. Liên vừa lái xe vừa tính nhẩm trong đầu rồi khẽ nhăn mày, vẫn còn lỗ đa!
– Cô Ba, xe đó là cậu Hai phải không?
Chị Ba Hảo ngồi bên ghế phụ chỉ chỉ chiếc xe đương đậu ở lề đường bên kia của cửa hàng. Liên nhìn chiếc xe rồi nhìn lên dãy khách sạn kia, anh hai đương gặp ai bên đó sao? Cả tuần nay cô lo đủ thứ việc nên quên luôn chuyện của cậu Tư Tấn, không biết là chuyện gì. Liên đậu xe xéo góc một chút để anh hai có thể nhận ra xe của cô, đợi ảnh xong việc thể nào cũng tới đây một lát.
Đúng như Liên dự đoán, Hai Liêm từ trong khách sạn nhỏ gần đó đi ra thì ngó thấy xe của Liên. Hắn quay đầu nói mấy câu với hai thanh niên đi cùng rồi thảy chìa khóa xe của mình cho họ, tự mình băng qua đường tới tiệm may Ngọc Phước.
– Anh hai,
– Ờ, bên kia xong rồi à?
– Dạ, anh hai thích ăn bên kia không?
– Hửm? Bao anh hai hả?
– Hi hi, đương nhiên!
Liên cười vui vẻ rồi quay sang dặn chị Ba Hảo mấy việc, lấy cây dù rồi đi ra cửa.
Liên dẫn Hai Liêm tới nhà hàng nhỏ quen thuộc gần tiệm may, cây dù trên tay cô cứ ngả ngả nghiêng nghiêng đến khi nó bị Hai Liêm cầm lấy mới đúng hướng che nắng cho cô.
Hôm nay là thứ bảy, người làm công sở chỉ làm buổi sáng nên đa số họ đều về nhà ăn trưa, nhà hàng quán ăn xung quanh đều thưa khách hơn so với ngày thường. Hai người chọn cái bàn trống ở tầng lầu, vừa có cửa sổ râm mát vừa dễ nói chuyện.
Liên chỉ kể sơ chuyện buổi biểu diễn sáng nay ở thương xá rồi bắc qua hỏi chuyện mình đương muốn biết.
– Anh giúp cậu Tư Tấn làm gì vậy? Bên đó là … anh em của anh hả?
Hai Liêm nhướng chơn mày, nhìn Liên một lát mới cười nói.
– Em quan tâm à? Muốn hỏi thăm chuyện cậu Tư à?
– Xí …
– Ờ, … tình hình dạo này hơi … bất ổn.
Hai Liêm lựa lời rất kỹ. Hắn không muốn Liên lo lắng nhưng cũng không thể che dấu không cho cô biết tình huống xung quanh. Vừa rồi, tàu chở lúa nhà Tư Tấn bị cướp. Bọn cướp canh lúc đêm khuya xông lên tàu, bắt trói người trên tàu quăng xuống bờ rồi chạy đi mất.
– Chỉ cướp của không bắt người?
Hai Liêm gật đầu xác nhận nghi ngờ của Liên rồi bổ sung thêm.
– Lúa này là thuế mà cậu Tư chở đi nộp cho phủ đốc. Vậy nên chuyện rất rùm beng,
Liên không hiểu rõ tình huống nên Hai Liêm giải thích thêm. Các điền chủ ở miệt lục tỉnh có thể nộp thuế bằng lúa gạo chớ không nhứt thiết phải nộp tiền như nhà Liên. Tới kỳ hạn nộp thuế, người ở phòng thuế vụ sẽ tới nhà cậu Tư Tấn để đong lúa, vô bao rồi chở tới kho chung. Lần này trên đường chở đi thì họ bị cướp mất nên phía cậu Tư và phòng thuế vụ đều đùn đẩy qua lại, không bên nào chịu gánh phần thiệt hại này.
– Cái này cậu Tư kiện đặng không? Ít ra sẽ giảm bớt một phần thiệt hại?
Hai Liêm gác đũa coi như ăn xong, cười nói với Liên.
– Đương nhiên là vậy rồi, có nhà khác cũng bị vậy, họ liên hiệp với nhau tranh cãi hổm rày. Còn nữa là tàu bị cướp ở vùng ranh giới của Mỹ Tho và Tân An,
– Trời đất! Sao khéo vậy!
Lúc này thì Liên bắt đầu hiểu ra vì sao sự việc trở nên rùm beng như vậy. Những người đi cướp lúa kia thực là rất sáng suốt. Họ chọn đúng món đồ mà không ai làm chủ chánh thức và cướp ở tại nơi mà các cơ quan chánh quyền lỏng lẻo nhứt và dễ gây tranh chấp nhứt.
– Vậy thì chỉ có thể coi như chìm xuồng rồi?
Liên ngẫm nghĩ rồi hỏi lại.
– Vậy cậu Tư nhờ anh làm gì?
– Ban đầu cũng muốn điều tra nhưng tới bây giờ thì Tư Tấn chỉ muốn biết là ai làm thôi, phòng hậu sự.
– Vậy anh hai phải cẩn thận!
– Ờ, em cũng bớt đi sớm về trễ. Đừng để … má lo.
Liên mỉm cười gật đầu, cô ăn hết chén canh rồi đẩy sang bên coi như ăn xong.
– Em hết việc bên đó rồi. À, em tính qua hãng Chánh Hưng coi, còn chỗ để làm xưởng may nhỏ không?
– Em muốn làm xưởng may cái gì?
Liên nói vắn tắt chuyện cô đào Võ Mị từng nói về chuyện may một ít món đồ lót giá rẻ, còn có thể may thêm vài kiểu áo kín đáo hơn phù hợp với truyền thống của người Việt.
Hai Liêm nghe xong không vội trả lời mà châm một điếu thuốc rồi nghĩ ngợi rất lung. Hãng dệt bên Chánh Hưng vẫn còn chỗ trống có thể làm xưởng may nhỏ nhưng tình huống bên đó hiện giờ rất phức tạp. Chưa kể tới những người chủ mới tới cạnh tranh thì việc Liên tới lui đã không mấy an toàn rồi.
– Em làm ở kế bên nhà đi, thuận tiện hơn.
– Nhưng mà chỗ đó để làm kho mà,
Cuộc đất trống kế bên nhà họ đương ở chính là đất mà ba má Trần đã mua, hiện Liên đương đứng tên sở hữu. Ba Hoài đã dựng mấy gian nhà bên đó, một phần là ở, phần lớn làm kho vất giữ vải vóc cho mấy cửa hàng. Mấy loại lãnh Mỹ A hay lụa tơ tầm đắt tiền đều phải được cất giữ cẩn thận, kề bên như vậy mới yên tâm. Sau này lụa là gấm vóc do xưởng dệt Tân Châu làm ra cũng sẽ để nơi đó trước khi xuất đi. Nếu Liên dùng làm xưởng may thì mấy thứ đó biết đem đi đâu, so sánh thiệt hơn thì kho đồ lãnh vẫn nên đặt bên cạnh, ngày ngày trông chừng đa.
– Anh hai, một cây lãnh có giá gấp mấy lần đồ em may, không nên đâu. Mà em chỉ mới làm thử thôi, còn không chắc …
– Vậy thì tính lại đi. Chớ em không nên qua đó một mình đâu! Lái xe cũng không đặng!
– Hứ, em biết võ mà!
Hai Liêm bật cười.
– Còn học không?
– Dạ, lâu lâu! Bớt việc rồi em sẽ đi học thường hơn!
Liên mạnh miệng hơn một chút khi thấy biểu cảm coi thường của anh hai. Dạo gần đây cô bận rộn nên không hay đi học võ, lâu rồi cũng không có luyện tập bắn súng.
Trên đường trở về Liên vẫn nhăn mày vì bị anh hai ngăn cản chuyện đi thăm hãng dệt Chánh Hưng. Coi ra cô phải tìm chỗ khác làm xưởng may nhỏ; mướn đất làm xưởng, (haiz) cô không còn tiền vốn. Hai Liêm cầm dù đi bên cạnh, vì mấy tiếng thở dài của Liên mà không khỏi buồn cười. Hắn thực không biết vì sao Liên lại ham kiếm tiền tới vậy, ba má đâu có hẹp hòi gì, kể cả hắn, chỉ cần cô lên tiếng thì sẽ có tiền thôi.
Tâm trạng của hai người đều không ngó tới hoàn cảnh xung quanh nên họ không phát hiện ra người ngồi ở quán nước bên kia đường quan sát họ. Văn Bản biết Hai Liêm đương bận rộn chuyện của Tư Tấn nên lén về Sài Gòn một chuyến. Thực không ngờ lại thấy Hai Liêm ở đây. Hắn càng nhìn Hai Liêm càng khó chịu, họ có vẻ ngoài rất giống nhau vậy tại sao số phận lại khác nhau tới vậy? Là do ông trời sắp đặt sao? Không, hắn sẽ không cam chịu, hắn sẽ giành lấy những gì mình muốn có. Chắc chắn sẽ giành đặng!