Hai Liêm thấy hai cô gái vui vẻ cùng nhau đi tới thì dụi tàn thuốc vào cái gạt sành. Hắn thấy Ba Liên ngó quanh, cái mũi nhỏ hơi nhăn nhăn thì buồn cười. Em ấy không ưa mùi thuốc lá, mà tầng này lúc nào cũng có khói thuốc lượn lờ.
– Anh hai.
– Ờ, gì mà suốt ngày nhăn nhó!
– Hi hi, em làm ở dưới mà chưa từng lên đây. Sao anh biết chỗ này hay vậy!
Liên vừa nói vừa kéo ghế cho Laurent và mình ngồi xuống. Laurent nhìn ly cà phê đen đá của anh hai rồi le lưỡi nói.
– Mình uống cà phê sữa đá,
– Ờ, … một cà phê sữa đá, một ly chanh muối.
Liên nói với anh phục vụ vừa đi tới. Laurent không chờ được, hơi nhuốm người tới, tươi cười hỏi Hai Liêm.
– Anh hai biết là ai làm hả? Sao mà biết?
Hai Liêm cười, cũng rướn người tới một chút rồi nói vừa đủ cho ba người nghe.
– Anh đi coi thầy!
Trời đất! Laurent với Liên bật cười lớn. Cũng may là cả hai chưa có uống cái gì, bằng chẳng thì đã thành một màn phun mưa, rất bất lịch sự đa.
Hai Liêm nhếch nhếch khóe môi nhìn hai cô gái nhỏ cười ngất ngư; đợi một lát bồi bàn đem nước tới xong xuôi rồi mới chậm rãi nói.
– Anh có nhờ người dọ hỏi tìm địa chỉ của ‘’độc giả’’ kia nhưng bên tòa soạn nói là thơ nặc danh, gởi tới từ nhà Bưu điện Sài Gòn.
– Dạ, mẹ em cũng nghe vậy.
Laurent xác nhận. Điều này càng chứng tỏ là ‘’độc giả’’ đó là giả mạo, từ ban đầu đã không muốn lậu rõ hành tung. Thế nhưng người ở trong tòa soạn kia, nhứt là chủ biên của tòa soạn không thể không nhắc tới; hoặc là họ đã nhận tiền để duyệt đăng bài hoặc là họ muốn khiêu lên một trận tranh cãi, bút chiến giữa các văn sĩ theo những tư tưởng khác nhau.
Những tranh cãi xoay quanh thói tật của dân chúng như ưa chuộng đồ ngoại nhập, sính ngoại hay a dua theo những trào lưu mới, nổi loạn gì gì đó không phải là lần đầu tiên xảy ra. Liên vốn không quá quan tâm, chỉ là lần tranh cãi này gây thiệt hại tới mình, thành thử cô bắt đầu chú ý nhiều hơn tới thế sự xung quanh. Cô đọc hết các bài viết trên các nhựt trình, hiểu thêm về sự ảnh hưởng đa chiều giữa văn hóa, con người và chuyện kinh dinh. Qua lần này, tầm mắt và tâm tư của cô cũng rộng mở hơn, cảm thấy mình có thêm sự hiểu biết, trưởng thành lên không ít.
– Gần đây, nhà mình xuất nhập hàng nhiều hơn cho cả hai hãng nên anh thay ba đi làm. Tình cờ, anh thấy cậu Thái ở đó.
Anh Thái chính là anh hai của Thu Hòa, nghe nói là ảnh muốn bỏ học để theo chú thiếm ba làm kinh dinh. Thế nên việc ảnh ra bến cảng Khánh Hội không có gì lạ nhưng Liên nghe anh hai nhắc tới thì biết là có việc gì đó liên quan nên tập trung lắng nghe.
Theo lời kể vắn tắt của anh hai thì hai người thấy nhau từ xa, theo lẽ thường là tới chào hỏi một hai câu nhưng anh Thái quay lưng, giả như không thấy anh hai. Nếu như là lúc thường thì Hai Liêm sẽ chẳng để ý vì hắn cũng không vừa mắt cậu hai Thái kia. Chỉ là lúc này Hai Liêm đương chú tâm tới việc làm ăn của Liên nên sanh nghi, hắn vừa hỏi thăm người trong cảng vừa âm thầm theo dõi liền phát hiện ra điểm nghi ngờ, không chỉ một mà tới hai chuyện. Thứ nhứt đó là nhà thiếm ba của Hòa nhập về một lượng lớn quần áo lót giống với cửa hiệu của Liên; thứ hai là kho mà bọn họ trữ đồ chỉ cách hãng dệt Chánh Hưng mấy trăm thước.
– Anh đi hỏi thăm rồi, họ đã bỏ tiền mua khu đất đó, rất rộng. Khẳng định là muốn dựng … hãng xưởng gì đó.
– Anh, có khi nào là hãng dệt … giống nhà mình?
– Không phải là giống, mà là muốn cạnh tranh với mình!
Laurent thẳng thắn nói luôn. Trò ấy cũng coi việc kinh doanh của hãng dệt và cửa hàng gom lại làm một; nghĩa là đem mình nhập vào thành người họ Châu rồi. Liên tinh ý nhận ra nhưng không phải lúc để trêu đùa, chỉ biết vậy rồi gạt qua một bên, quay sang hỏi anh hai.
– Anh nói ba nghe chưa?
– Rồi. Mới mua chỗ đó sau tết, lựa lúc chúng ta bận rộn ở Tân Châu mà làm.
– Chủ mới là chú thiếm ba của Hòa?
– Không phải một mà tới ba bốn nhà.
Hai Liêm thiệt là đã dò hỏi rất cẩn thận. Khu vực đó hơi phức tạp, phần lớn là các gian nhà nhỏ xập xệ, là nơi ở của dân tứ xứ tới mướn trọ. Vì người tới người đi tấp nập, muốn giữ bí mật rất khó nhưng muốn tìm ra chân tướng cũng không dễ. Hai Liêm nhờ người hỏi thăm hai ba lượt mới biết là giấy tờ nhà đất chỗ đó vừa được chuyển sang tên của mấy nhà.
– Ba bốn nhà? Là nhà nào?
Hai Liêm nhếch môi nhìn Liên, ý biểu cô đoán thử. Liên ngập ngừng giây lâu thì Laurent đã mạnh dạn đoán trước.
– Chú thiếm ba của Hòa,
– Bác ba Toàn,
Liên nói tiếp theo lời của Laurent, hai ngón tay cái và trỏ duỗi thẳng ra. Sau đó cô ngập ngừng nói tiếp.
– Nhà cậu mợ của chi Hồng. Đã làm nghề dệt lâu rồi nhưng không tốt lắm, có lần còn nói muốn hùn hạp với ba mình, chú Tư Tân còn nói vô,
Liên giải thích cho Laurent biết vì sao mình nghĩ là nhà cậu mợ ba chị Hồng có tham gia. Trong mấy nhà trên thì chỉ có nhà đó là hiểu biết về nghề dệt may. Bọn họ đều muốn kiếm tiền, không có người hiểu biết trong nghề thì chắc chắn không dám bỏ tiền của ra làm đâu. Lúc cô nhắc tới chuyện chú Tư Tân đã từng khuyên ba nên hùn với bên đó làm lớn hơn thì cô lập tức ngừng lại, nhìn anh hai rồi mím môi nói tiếp.
– Có chú Tư?
Hai Liêm lắc đầu, dựa người ra lưng ghế và mắt nhìn chằm chặp vào ly cà phê như suy nghĩ rất lung. Liên có chút bất ngờ, chú Tư thiệt là không còn liên quan gì nữa sao? Cô nên mừng mới phải, sao nhìn thấy biểu cảm của anh hai lại thêm lo lắng.
Rốt cuộc, Hai Liêm cũng ngước mắt nhìn Liên rồi chậm rãi nói.
– Là một người đờn bà tên Lâm Thị Tứ.
– Nghe lạ hoắc!
– Ờ, ông già … ba cũng chưa từng nghe nói tới.
Liên lục lại trong trí nhớ lần nữa, biết đâu ở đời trước cô đã từng nghe qua. Trong lúc cô nhăn trán suy nghĩ thì Laurent cũng nói ra bận tâm của mình.
– Nếu họ đã nhập hàng về, sao lại làm lớn chuyện vậy? Mình bán không đặng, chẳng lẽ họ có thể bán sao?
Liên bỏ qua chuyện của người tên Lâm Thị Tứ, bật cười trả lời Laurent.
– Tính già hóa non! Chắc họ không ngờ sự tình lớn tới vậy!
– Phải đa,
Laurent hớn hở vì phe bên kia chẳng đặng lợi ích gì nhưng nghĩ lại thì mình vẫn là chịu thiệt oan uổng. Hơn nữa, mấy người kia chỉ lỗ vốn cho lần nhập hàng này còn hai cô là lỗ dài hạn đó, tiền thuê mướn cửa hàng phải trả hàng tháng.
– Tháng này mình có tiền công ở chỗ Nguyễn phu nhơn bù lỗ, còn tháng sau, sau … sau nữa! Thiệt là tức mà!
– Biết đâu hàng tháng Nguyễn gia đều mướn tụi em làm thêm cái này cái nọ,
Hai Liêm có vẻ bất mãn cái gì đó; vẻ mặt của ảnh trở lại kiểu cà-lơ-phất-phơ và ngang tàng như hồi ảnh mới về nhà.
– So với cửa hàng thì hãng dệt bên đó đáng lo hơn. Anh hai phải cẩn thận, sợ là họ đã nắm khách hàng, còn ở chỗ thương lái bán phụ kiện gây sự. Giờ đương là lúc hãng dệt bận rộn nhứt … chuyện bên này anh hai đừng lo nữa. Em đã nghĩ ra cách …
Liên cân nhắc không biết có nên nói ra ý tưởng mình vừa nghĩ ra lúc nãy hay không thì thấy anh hai ngồi thẳng dậy nhìn ai đó ở sau lưng cô. Liên quay lại thì thấy nhóc Đậu dẫn theo hai người nữa đi tới.
– Cậu hai! Cậu hai!
Hai Liêm thấy họ gọi gấp rút vậy liền khoát tay chỉ ra góc xa. Hai người biết ý đi theo ra đó rồi cả ba thì thầm trao đổi. Liên ngoắc tay biểu nhóc Đậu lại gần, hỏi nó uống cái gì.
– Dạ thôi cô Ba. Em đi bán tiếp đây,
Nói rồi nó vụt chạy xuống cầu thang, cái thùng gỗ đánh giày tưng tưng bên hông không biết có đụng đau nó hay không nữa.
Hai người vừa tới đứng ở cầu thang đợi, Hai Liêm quay lại bàn, vói tay lấy cái khoác ở lưng ghế rồi nói với Liên.
– Chỗ Tư Tấn có chuyện, anh đi trước.
– Dạ, chiều nay em về nhà sớm.
Liên và Laurent đều đứng dậy, chờ trả tiền nước xong thì anh hai và những kia đã đi xuống tới tầng trệt rồi vội vàng ra đường luôn.
Lúc hai người trở lại cửa hàng, Liên chỉ mới nói sơ sơ mấy câu về ý tưởng tự sản xuất quần áo lót giá rẻ thì người ở dưới tầng trệt đi lên. Việc cần kíp nhứt bây giờ là chuẩn bị buổi trình diễn trang sức cho Nguyễn phu nhơn nên cả hai gác lại việc riêng, xuống tầng trệt cùng làm việc với nhóm thơ ký Diệu. Vì vậy nên Liên không có về nhà sớm như dự tính mà qua tám giờ tối mới về nhà.
Liên không phải là người về sau cùng, ba Hoài còn chưa về nhà nên má Ngọc cũng chưa ăn cơm tối. Hai má con dọn chén đũa để trên bàn ăn rồi ngồi ở bộ ván nói chuyện. Dì dượng út đã chuyển qua gian phòng trong hãng Chánh Hưng ở nên cả nhà lại giống như xưa, không cần dè dặt hay phải to nhỏ vì sợ người nghe lén nữa. Liên thuật lại chuyện anh hai đã nói rồi hỏi.
– Má nhớ ai quen tên Lâm Thị Tứ hôn?
Má Ngọc nghĩ ngợi một hồi rồi lắc đầu, vừa lúc đó xe anh Tư Bốn chở ba Hoài về. Vì Liên mua xe hơi tự lái nên anh Tư Bốn trở lại đánh xe ngựa cho ba Hoài. Mọi người dọn cơm ra hai bàn nhỏ, chia nhau ngồi xuống ăn. Liên nhắn lời của anh hai cho ba Hoài biết.
Ba Hoài nghĩ ngợi một hồi rồi nói.
– Cậu Tư Tấn gặp chuyện gì? Lát nữa qua bên kia coi thằng Đậu ngủ hay thức, kêu qua đây tôi hỏi chút.
– Dạ.
Anh Tư Bốn không đợi ăn cơm xong mà đứng dậy đi luôn. Liên ngoắc tay kêu ảnh chờ, cô lấy trong tủ bếp ra một mớ bánh kẹo bỏ vô rổ đưa cho ảnh đem đi.
– Anh tư chia cho mấy đứa nhỏ ở bển.
Bên đó không chỉ có thằng Đậu là con nít, còn có cháu anh tư nữa. Nên ảnh vui mừng cầm cái rổ đi nhanh. Liên vừa ngồi xuống bàn thì dì Tư đằng hắng hai ba lượt mới nói.
– Nãy tôi nghe cô Ba nhắc người đó … hình như … hồi đó,
– Dì biết hả dì tư? Sao tôi không biết,
Má Ngọc hơi nhăn mày, giọng nói cứng hơn bình thường chừng như không muốn nhắc tới. Má Ngọc với dì tư ở chung với nhau mấy chục năm rồi, lẽ nào dì tư nhớ mà má không nhớ!
– Tại bà chủ … không để ý. Hồi đó … nghe đâu là có dính líu với chú Tư Tân đa, làm rộn một hồi ở Thất Sơn.
– Hả? Nhớ rồi … người nọ …
Má Ngọc nói tới đây thì nhìn ba Hoài; dì Tư cũng nhìn ba rồi cả hai im thin thít. Liên rất ngạc nhiên, người đờn bà đó không chỉ dính líu tới chú Tư Tân mà còn liên quan tới ba Hoài nữa sao? Là cố nhơn sao? Liên nhớ lúc trưa anh hai nói ba không biết người này, ba giấu luôn cả anh hai à?
– Tên trùng tên, người giống người thiếu gì! Ngó tôi làm chi!
Ba Hoài nói ngang, trên mặt cũng không có biểu cảm gì; thực giống như không liên quan tới mình chút nào hết. Ba không chờ phản ứng củai má Ngọc mà quay sang Liên dặn dò.
– Trước đây cũng có nhiều người ngấm nghía hãng dệt rồi, con đừng lo.
– Dạ.
– Con ăn xong lên lầu nghỉ đi, ba má đợi hỏi thằng Đậu coi nó biết chuyên gì hôn rồi ngủ sau.
Liên lại gật đầu dạ lần nữa. Liên biết không nên hỏi tiếp ‘’chuyện xưa cũ’’ của ba má cũng đoán rằng nhóc Đậu chẳng biết đặng cái gì. Bất quá là hàng ngày nó chạy khắp nơi đánh giày bán thuốc lá nên biết anh hai thường đi những đâu, vậy nên người của Tư Tấn mới hỏi nó rồi dẫn đi tìm mà thôi. Liên nghĩ sáng mai mình hỏi má Ngọc cũng đặng, cô chỉ lo lắng chuyện ở hãng dệt Chánh Hưng. Chỗ đó là gốc rễ làm ăn của ba Hoài, nếu chú tư cùng với mấy người kia hiệp sức gây rối sẽ ảnh hưởng rất lớn đa.