Liên có hơn năm tuần chuẩn bị cho buổi trình diễn trang sức của Nguyễn phu nhơn nên thật sự bận rộn. Thời gian gấp gáp nhưng may mắn là Nguyễn phu nhơn đã chọn đặng người mẫu, là sáu người ở những độ tuổi rất hợp với các bộ trang sức cần giới thiệu. Việc đầu tiên là Liên vẽ ra các kiểu quần áo để tiện cho việc ‘’khoe’’ các món trang sức; cổ áo cần khoét sâu để khoe vòng cổ và mặt dây chuyền, tay áo cũng ngắn hơn thông thường. Laurent còn lục ra vài tạp chí cũ có các kiểu nón và găng tay lạ mắt nhưng làm tôn các phụ kiện trên người.
Nhóm người mẫu cũng được dặn dò phải giữ làn da láng mịn, không để trầy xướt hay nổi mụn. Đặc biệt, chị Ba Hồng cũng làm người mẫu trình diễn đợt này. Lúc gặp nhau, Liên không khỏi chào hỏi thêm vài câu nhưng cô không quá thân cận. Cô vẫn còn nhớ việc buổi diễn của mình bị người ta công kích, tuy không có chứng cớ rõ ràng nhưng cô có nghi ngờ, tránh xa nhà bác Ba Toàn một chút mới an.
Sáng nay, Liên tranh thủ lúc thương xá ít khách để đo đạc kích thước của khu vực sân khấu và trưng bày ở tầng trệt. Sau đó, cô không về tiệm Ngọc Phước mà lên lầu để tiếp tục vẽ kiểu quần áo. Nguyễn phu nhơn muốn trang phục mang nét truyền thống và sang trọng, dầu có ‘’hở’’ đôi chút cũng phải thanh lịch, không thể lố lăng, phản cảm. Liên đã đề nghị là vẫn dựa trên nền áo dài truyền thống, chỉ cách tân thêm. Đương nhiên là cách tân thế nào thì Liên đương vùi mặt mà làm đây.
Liên từng vẽ kiểu áo dài và đồ tây cho khách ở tiệm may Ngọc Phước nhưng bây giờ thì khác, đây là vẽ kiểu mặc để trình diễn. Ừm, dẫu trang phục không phải là yếu tố chính nhưng cũng sẽ làm cho người ta chú ý rồi biết tới cô nhiều hơn. Đây chính là cơ hội để tiệm Ngọc Phước tạo danh tiếng, cô lại kiếm được tiền. Thế nên dầu có vất vả, nhiều ngày nay phải ngủ ít nhưng Liên không hề than phiền, ngược lại rất vui vẻ, tinh thần phấn chấn.
Liên nghe tiếng gõ nhẹ, ngẩng đầu lên thấy em gái phụ bán hàng, tên Vui, thò đầu vô nói.
– Cô Ba, có khách … quen.
Em Vui có vẻ ngạc nhiên vì Liên tủm tỉm cười vui vẻ một mình. Từ hồi khai trương cửa hàng, người tới coi thì nhiều mà chẳng ai hỏi mua, em ấy còn thay cô chủ lo lắng buồn bực dữ lắm đa!
Liên đứng dậy ra ngoài, nét cười rộng hơn khi thấy khách là một trong số bốn người mẫu trình diễn hôm nọ. Chị ấy là đào phụ trong gánh hát ở Kim Chung, nghệ danh là Võ Mị. Theo lời kể thì chỉ có biệt tài về múa, đóng vai võ tướng múa đao lộng thương hoặc là đóng vai vũ nữ đều xuất sắc. Võ Mị chỉ mới mười chín tuổi, tầm tuổi Liên nhưng theo gánh hát nhiều năm rồi, từng trải hơn cô một chút, rất biết xã giao. Trong bốn người mẫu lần trước, chị ấy luôn được mọi người quí mến hơn vì tánh tình cởi mở, hoạt bát.
Liên nhìn nụ cười và cách ăn mặc của Võ Mị liền đoán là chỉ đương rất ‘’thịnh’’, cô cũng vui thay cho chỉ, vội mời ngồi rồi rót trà.
Võ Mị tươi cười giới thiệu người phụ nữ đi cùng, tầm ngoài hai mươi tuổi, nước da rất trắng nhưng sắc mặt hơi xanh xao dường như vừa qua cơn bịnh trọng.
– Cô Ba vẫn khỏe đa! Chị Năm Ngò đây là người quen của tôi, bữa nay dẫn tới tính mua mấy món đồ. Nhờ cô Ba chỉ dẫn.
– Dạ, cảm ơn chị quá! Em còn nhớ chị Mị thích loại nào, còn chị Năm. Chị có yêu cầu gì đặc biệt không? Mời chị,
Liên thấy chị Năm Ngò ngượng ngùng thì mỉm cười, ngồi lại gần hơn một chút, giọng nói cũng nhỏ hơn chỉ để cho hai người nghe đặng.
Em Vui nghe nói khách tới mua hàng thì đi tới phụ Liên tiếp đãi. Võ Mị đúng là đã dùng qua một hai kiểu áo rồi, chị ấy nhanh tay chọn hai kiểu rồi được Vui dẫn vào phòng mặc thử. Liên tỉ mỉ dò hỏi sở thích của chị Năm Ngò, chọn ba kiểu rồi khuyến khích chỉ vô trong mặc thử.
Khác với Võ Mị, chị Năm Ngò hơi e ngại nhưng mà khi chỉ cởi lớp áo khoác bên ngoài ra liền khiến Liên và em Vui bất ngờ khôn tả. Bên dưới cái áo khoác dày là một thân hình yểu điệu, thướt tha; đặc biệt da dẻ trắng trẻo trong suốt động lòng người.
– Tôi mua …
Võ Mị thử xong đồ, vừa cầm ra ngoài đưa cho em Vui, thấy hai người còn đương ngỡ ngàng thì cười nói.
– Đó, em nói mà chị năm không tin. Chị còn đẹp lắm, chỉ diện lên một chút là người ta mê chết mê sống luôn!
Liên lấy lại tinh thần, biểu em Vui giúp chị Năm Ngò thử đồ, còn mình thì lấy túi gói hàng cho Võ Mị. Cô muốn giảm giá mà chỉ không chịu cười nói.
– Nhờ hôm bữa diễn ở đây mà tui được nhiều người biết tới đó … tuồng mới là tui sắm vai đào chánh đó. Tập tuồng nhiều hơi bận, lẽ ra tới thăm cô Ba từ sớm mà cứ lu bu,
– Thiệt hả chị? Em còn sợ là chị … mà chị có đeo mặt nạ mà, vẫn bị nhìn ra sao?
Võ Mị cười không trả lời nhưng đôi mắt nhấp nháy rất giảo hoạt. Liên bật cười theo. Mỗi nghề mỗi người đều có cách sinh tồn riêng, cũng có quan điểm khác biệt. Giống như có cô đào nổi tiếng từ vai đào thương thì sẽ có người xuất sắc ở vai đào lẳng, đào độc. Chị Võ Mị biết tận dụng cơ hội để mình thành danh như lúc này thì Liên cũng đặng chút an ủi. Chỉ ấy cũng biết siêng năng tập tuồng, luyện giọng, lấy đó làm nền tảng để duy trì sự nổi tiếng khiến Liên càng thêm bội phục.
Võ Mị nhìn ra sự thấu hiểu trong mắt Liên thì cảm kích rồi hất cằm về phía trong nói nhỏ.
– Chị năm đương dạy tôi ca, hồi đó chị năm nổi tiếng lắm … thanh sắc có đủ, mà hồng nhan bạc phận đa! (Haiz) mới mấy năm mà … chỉ thất tình rồi nản chí nên mới …
‘’Thất tình’’, Liên không dám tin, chị ấy đẹp quá mà!
Võ Mị thở dài, nghĩ tới chuyện cũ của chị Năm Ngò thì cảm xúc cứ thay đổi liên tục, lúc thì bực bội lúc lại bi thương.
– Cô Ba chưa gặp đó thôi. Trời ôi! Đờn ông … họ bạc bẽo lắm! Lúc nghèo khó thì keo sơn gắn bó, chừng đặng danh tiếng, tiền của thì lậu rõ mặt sở khanh. Chị năm chỉ hiền, với nữa vì thương người ta nhiều nên mới lụy. Chớ như tui … thì …
Có lẽ người làm nghề diễn vốn dĩ rất nhiều cảm xúc và cảm thông nên Võ Mị không e dè mà bộc phát trước mặt Liên. Tới chừng nhận ra thì Võ Mị gượng cười, lại nhìn vô phía trong kia rồi lắc đầu. Chỉ nhìn quanh cửa hàng rồi cười nói.
– Nói thiệt cô Ba đừng giận chớ chị em trong gánh hát ai cũng thích mấy món đồ này, chỉ là giá cao quá! Có chị khéo tay học làm theo đó, tôi nghĩ cô Ba thử làm giá rẻ chút, tôi dẫn khách tới không ít à nghe.
Liên cười, vừa cảm ơn vừa ghẹo.
– Sao nãy em giảm giá chị không chịu!
– Ha ha, làm vậy coi sao đặng! Bữa nay tới là muốn cảm ơn cô Ba mà.
– Dạ. Cái này là hàng tốt, giá hơi mắc. Tôi sợ mình chế giá rẻ mau hư.
– Trời ôi! Mặc một hai năm cũng thay mà, đâu có mặc hoài một kiểu với nữa kích cỡ …
Võ Mị lại lỡ lời, nhìn Liên cười tủm tỉm có ý thẹn. Từ lần trước gặp mặt, nói chuyện rồi làm mẫu cho cô Ba Liên, Võ Mị cảm thấy rất thích và hãnh diện nữa. Cô Ba đúng là người có ăn học, nói chuyện đàng hoàng, làm việc tử tế. Võ Mị có học theo cách ăn nói lịch sự của cô Ba nhưng vẫn hay quên, nói liên hồi rồi trở thành bình dân thô lậu y như hồi còn sống lang bạt rày đây mai đó.
Cũng may, chị Năm Ngò đã thử đồ xong, chọn được hai cái áo lót đều màu trắng. Võ Mị tranh trả tiền với chị năm; Liên hiểu ý nên nhận luôn. Hai người vừa ra khỏi cửa hàng thì có người đờn bà từ xa hớn hở chạy tới làm quen với chị Năm Ngò. Chỉ hơi lúng túng vì bị người ta bắt gặp lúc này nên chào hỏi hai ba câu rồi vội vã rời đi. Người đờn bà nọ ngó qua cửa hàng rồi tò mò bước vô, em Vui ra tiếp khách. Lát sau lại có chị em của người đó cũng vô theo.
Liên vô phòng trong để cho em Vui bán hàng nhưng nhóm khách nói chuyện hơi lớn nên cô vẫn loáng thoáng nghe đặng câu chuyện của họ. Thì ra, bốn năm trước chị Năm Ngò là đào hát nổi tiếng khắp lục tỉnh, thanh sắc rất nổi trội.
Em Vui rất biết cách bán hàng, vừa nghe nhóm khách nói họ ái mộ chị Năm liền nói tốt chị Năm vài câu, không ngừng khen chỉ đẹp đẽ ra sao, dịu dàng thế nào. Cho nên mặc dầu họ ngập ngừng khi biết giá bán nhưng vẫn mua, mỗi người một món.
Liên buông xuống cây viết chì trên tay, nghĩ kỹ hơn về giá bán và cách dùng đồ của Võ Mị ban nãy. Đúng là người ta thường thay đổi quần áo lót nhiều hơn so với quần áo ngoài. Đồ thường thì người ta còn vá víu, chớ đồ lót thì khó mà làm vậy. Cô nên nhập loại sản phẩm giá rẻ hơn, cũng có thể thuê mướn người làm ở đây, … ở Chánh Hưng chẳng hạn. Ba Hoài đã có hãng dệt vải, bên cạnh làm xưởng may cũng đặng.
Còn một điều nữa mà Liên rút ra đặng sau các bài ‘’bút chiến’’ trên nhựt trình tháng qua là nhiều người chê bai các kiểu áo lót kia hở hang và ngoại lai. Nếu như cô may ở Sài Gòn thì loại bỏ định kiến ưa hàng ngoại, còn sửa lại các kiểu áo cho kín đáo hơn một chút thì hẳn là không còn bị bài xích nữa. Xóa bỏ định kiến của mọi người về sản phẩm có thể sẽ giúp cô bán được hàng, có thể lắm đa!
– Liên, Liên ơi!
Tiếng Laurent cắt ngang dòng suy nghĩ của Liên, cô cầm viết chì viết xuống ý tưởng vừa nghĩ ra ở trang cuối cùng của quyển sổ rồi mới đứng dậy ra ngoài.
Laurent đã thi cử xong, đúng như đã hứa trò ấy đương bận rộn làm bù các việc còn bị trì hoãn. Liên mở cửa phòng thì thấy Laurent vẫn đeo túi xách trên vai, coi ra trò ấy sẽ không ở lại đây lâu.
– Đi, lên cà phê tầng trên. Anh hai đương chờ trên đó,
– Anh Hai … Liêm?
– Ờ, ảnh nói đã biết ai đứng đàng sau vụ đó rồi! Còn có tin tốt!
Thời gian này Liên quá bận rộn nên không để ý tới việc điều tra ai là người đứng sau giựt dây bài viết phản đối đầu tiên kia nữa. Không nghĩ là anh hai vẫn tiếp tục điều tra, chỉ là biết rồi thì sao đây?