Chương 70: Giỏ tre múc nước

Bình Hướng làm việc ở đây đã mấy tháng rồi, anh cũng biết nhiều chỗ ăn chơi xung quanh. Nhà hàng trong hẻm này không quá sang trọng, món ăn ngon và giá lại vừa tầm nên anh thường cùng đồng nghiệp tới ăn trưa, thỉnh thoảng mời nhau cơm tối và uống chút rượu. Đối với các du học sanh vừa từ Pháp trở về thì nhà hàng này hội đủ điều kiện cần và có, gợi nhớ không khí hồi còn ở Pháp và có thể tình cờ gặp được vài du học sanh khác.

Bình Hướng chỉ cho Liên chỗ đậu xe phía cuối con hẻm rộng. Hai người chậm rãi đi tới lối vào, nói hai ba câu thì nhóm thanh niên cũng tới.

– Toàn là đồng nghiệp trong hãng, em đừng ngại!

Liên gât gật đầu nhưng không trả lời. Cô cũng không nhìn Bình Hướng khiến anh ngại ngùng nhận ra rằng cô đã đoán ra suy nghĩ của mình. Anh hay chọn quán uống cà phê ở bên này, rồi thường nhìn lên gian hàng trên đó. Đôi lần thấy đặng hình bóng của cô và nhiều lần thấy cô ra về rất trễ.

Gia cảnh họ Châu rất khá và Liên được cả nhà yêu quý. Vậy mà Liên vẫn luôn chăm chỉ làm việc, phải nói là cô luôn bận rộn với công việc khiến Bình Hướng thương tiếc. Thương cho em ấy vất vả lại tiếc cho mình vì không có cơ hội tiếp cận hay tâm tình; người ta bận làm việc lẽ nào mình chen vô làm rộn thêm.

Bình Hướng không phải chưa từng theo đuổi con gái nhưng mà lần này anh cảm thấy rất lúng túng. Anh sang Pháp du học khi vừa tới tuổi thiếu niên biết chú ý tới chuyện nam nữ. Mấy năm ở Pháp, quen dần với cách nam nữ nói chuyện yêu đương, cả hai phía đều có thể chủ động nên chỉ cần vừa mắt nhau liền có thể cười nói thân mật. Trước đây khi anh về thăm nhà, tiếp xúc với các tiểu thơ ở kinh thành cũng biết rõ họ vẫn giữ nề nếp gia phong, kín đáo và dè dặt. Lúc đó anh cảm thấy là lẽ thường, thậm chí cảm thấy thú vị, văn hóa Đông Tây vốn dĩ khác biệt, sống nơi nào thì theo lễ nơi đó. Bây giờ, khi anh không thể tiếp cận với cô gái nhỏ vừa rời trường học, quá dè dặt và kín đáo này thì anh cảm thấy bất công thay cho phụ nữ ở đây. Họ không thể nói ra hết cảm xúc của mình, dầu có ưa thích hay bất bình đều phải nhẫn nhịn. Ừm, không biết là em ấy có thích mình chút nào không, lỡ như không thì sao? Dẫu thế nào thì chắc không tới nỗi chán ghét, phải không?

Bình Hướng lại lén nhìn gương mặt của Liên; gương mặt trái xoan thon thả, sóng mũi cong hỉnh lên ở đầu mũi rất bướng bỉnh; còn có vầng trán cao hơn thông thường một chút bị tóc mái che bớt. Liên hay mặc áo tay lỡ để tiện làm việc; quần áo cô thường được thêu hoa hoặc chỉ là những họa tiết đơn giản được phối màu rất tốt. Anh vốn từng học qua về mỹ thuật nên rất biết thưởng thức, anh vẫn thường ngắm màu sắc và họa tiết trên quần áo để suy đoán tâm tình của cô. Giống như bây giờ, anh ngắm nghía tới say mê, xém chút là quên luôn nhóm đồng nghiệp do mình mời đi chung.

Đồng nghiệp ngày ngày tiếp xúc với nhau, chỉ cần tinh ý một chút liền biết gia cảnh Bình Hướng không phải thường dân. Huống chi người vào làm ở hãng xây dựng lớn do chánh phủ thực dân đầu tư đều là những thanh niên ưu tú và tinh anh. Họ vừa có kiến thức vừa có mắt nhìn rất tốt. Lúc Bình Hướng giới thiệu với họ Liên là bà chủ tiệm may ở gần Chợ Giữa thì họ liền tỏ ý tới đó ủng hộ.

Liên liếc Bình Hướng một cái rồi đường hoàng nói.

– Tiệm em chỉ may đồ nữ,

– Hả?

Ha ha. Người vừa nói câu muốn tới ủng hộ bị cười cũng không hề e ngại mà lập tức nói tiếp.

– Anh biết tại sao rồi! Người nhà em rất sáng suốt, …

Bình Hướng vừa bật cười vì lời đáp của Liên xong thì lập tức chặn ngang câu nói của đồng nghiệp. Anh sợ đồng nghiệp nhanh miệng mà nói lời thô lậu. Dầu là thanh niên trí thức thì họ vẫn hay trêu đùa với nhau.

– Anh dẫn người nhà tới may là hơn!

– Ờ, thì tôi cũng tính nói vậy mà.

Nhóm đồng nghiệp nhận ra sự ân cần trong cách cư xử và sự tế nhị trong lời nói của Bình Hướng thì kín đáo quan sát Liên nhiều thêm một chút. Thời bây giờ, nhà nào mua đặng xe hơi là rất khá; các cô gái biết lái xe hơi còn ít hơn chút nữa. Mà người được Nguyễn thiếu gia tỉ mỉ chăm sóc lại càng hiếm hơn.

Liên không uống rượu nhẹ như mọi người mà gọi ly nước tắc xí muội. Bình Hướng chưa từng biết loại nước uống này nên rất tò mò. Anh còn nhớ lần đầu tiên gặp cô ở khu cảng, cô cũng muốn uống nước mát gì đó. Dường như sanh hoạt ngày thường giữa hai người có chênh lệch rất lớn đa.

Một nam đồng nghiệp nghe Liên gọi nước thì cười nói.

– Hồi đó ở quê cũng hay uống cái này. Thôi, mình đổi món đó, không uống rượu! Thêm một ly nước tắc nữa đi.

Bình Hướng không kiềm được nhìn Liên hỏi.

– Ngon lắm hả?

– Dạ, chua chua ngọt ngọt, hơi mẵn nữa!

Anh không rõ vị gì gọi là ‘’chua chua ngọt ngọt, còn mặn’’ nhưng mà nhìn môi cô hồng hào, vừa cười vừa nói cũng khiến anh thấy ngọt ngào tận trong lòng.

Chủ đề tiếp theo đương nhiên là nhắc về những thức uống lạ mà chỉ có quê mình mới có. Sài Gòn vốn là do dân tứ xứ tới đây lập nghiệp mà thành; mỗi người một quê, thói quen ăn uống khác nhau là chuyện thường. Người ta cũng không vì mình không biết mà chê cười.

Liên ngồi nghe rất chăm chú. Có một anh còn ra câu đố về các món đồ ăn khiến mọi người rất vui vẻ. Bình Hướng hoàn toàn không biết về những chuyện này, đáp án lại càng không nên thấy mới lạ. Đặc biệt là anh vì nụ cười của người bên cạnh mà tinh thần rất tốt.

Lúc Liên lén nhìn đồng hồ trên tay anh lần thứ hai thì bị Bình Hướng bắt gặp. Cô ra dấu là đã trễ rồi, đồng hồ vừa đúng tám giờ tối. Mọi người thấy cử chỉ của hai người cũng nói muốn về nhà, ngày mai vẫn là ngày làm việc.

Bình Hướng tiễn mọi người về rồi mới cùng Liên đi tới chỗ để xe. Đầu mùa mưa, không khí dịu mát, nhà trong hẻm vẫn sáng đèn. Anh nhìn Liên hỏi nhỏ.

– Chuyện ở cửa hàng giải quyết ra sao? Anh có đọc mấy bài báo của bác Trần, tranh luận rất tốt.

– Dạ, hồi chiều em có gặp cô Lê. Hàng bán chậm lắm,

Liên nói nửa chừng thì ngừng lại. Nhà người ta đương cho cô mướn mặt bằng buôn bán, cô than như vậy không phải cho lắm!

Bình Hướng bật cười.

– Để anh nghĩ coi có cách xoay chuyển không.

– Dạ, chưa sao. Em vẫn còn lo đặng.

– Ờ, em về đi. Để bác ở nhà lo. Chạy xe cẩn thận. Anh có xe, còn để ở văn phòng hãng.

Bình Hướng giải thích thêm khi thấy cô nhìn mình có ý hỏi. Anh rất muốn ở cùng cô thêm một lát nữa nhưng hôm nay anh tự mình lái xe đi làm. Hai người hai xe thì làm sao mà đi chung đặng, đành để lỡ dịp này.

Đầu tháng tư khai trương cửa hàng, qua ba tuần rồi mà lượng bán ra chẳng bao nhiêu, còn ít hơn là lúc Liên bán chung trong tiệm may. Tối qua ba với anh hai về Sài Gòn, biết tình hình thì đều nói sẽ nghĩ cách giúp cô. Nhưng mà giúp làm sao bây giờ? Tìm người viết bài bôi nhọ khi trước để bắt đền sao? Hay là nhờ người quen biết mua giúp sao?

Liên vừa nghĩ tới cảnh ba với anh hai ‘’giới thiệu’’ sản phẩm mà cô đương bán cho người quen liền bật cười khanh khách.

– Trò còn cười được hả?

Laurent đi vô phòng, thấy Liên cười vui vẻ thì càm ràm rồi ghé mắt vô quyển sổ thu chi trong tay. Liên đẩy quyển sổ qua cho Laurent rồi nói.

– Hỏng lẽ khóc! Sao trò tới đây? Chưa thi mà,

– Ờ. Mama nói Nguyễn phu nhơn mời tới cửa hàng nói chuyện. Mama lo là nói chuyện rùm beng hổm rày nên kêu mình đi theo để lỡ có gì còn biết đàng mà tính.

Trời, lại thêm một chuyện nữa! Còn chưa tới tháng trả tiền mướn mặt bằng mà, mình đâu có trễ nãi chuyện này. Chẳng lẽ là sợ cửa hàng mình gây ảnh hưởng sao? Nếu thực là Nguyễn phu nhơn làm vậy thì hơi quá rồi!

Laurent nhìn số tiền trong sổ thì rầu rĩ nói.

– Vậy là tiền lời của mấy tháng trước xài hết luôn rồi hả?

– Ừ. Đúng là lấy giỏ tre múc nước,

– Đúng là kiếm tiền vô tay thì khó mà ra sao lẹ dữ!

Em gái bán hàng, tên Hiền, thấy cửa phòng mở thì ló đầu vô nói.

– Cô Hai, Cô Ba, có người ở cửa tiệm trang sức dưới lầu lên tìm!

Liên với Laurent đều đứng dậy, không ngờ là Nguyễn phu nhơn làm nhanh gọn vậy, muốn gặp cả hai để dứt khoát sao?

Vì có người của Nguyễn phu nhơn đi cùng nên Laurent với Liên không trao đổi riêng, cũng không dám biểu hiện gì khác lạ. Cả hai giả như bình tĩnh, đường hoàng đi xuống văn phòng của Nguyễn phu nhơn ở tầng trệt.

Một nửa diện tích tầng trệt là Nguyễn gia dùng để bày bán đá quý và trang sức đắt tiền. Nửa còn lại là không gian chung và khu văn phòng làm việc. Văn phòng của Nguyễn phu nhơn nằm ở cuối hành lang, cửa vào bằng gỗ có chạm khắc rất đẹp.

Sau khi cô gái dẫn đường gõ nhẹ hai tiếng lên cánh cửa thì có người lên tiếng.

– Vô đi.

Liên với Laurent nắm tay nhau bước vô.

Họ không để ý nhóm ba người phụ nữ đương ngồi ở bộ sa-lon ở gian phòng khách phía ngoài. Cả ba người ăn vận rất đẹp, trang điểm rất hợp thời; chỉ là thần sắc trên mặt họ không tốt lắm. Bà Ba Toàn nhíu mày, nhìn qua con gái rồi mới nói với thiếm ba của Thu Hòa.

– Sao hôm bữa thiếm nói chắc là Nguyễn gia sẽ vị tình chỗ chú ba mà hiệp tác! Mình ngồi chờ cả tiếng đồng hồ mà còn không chịu gặp, uổng công tôi bỏ tiền bỏ bạc kêu người làm rùm beng …

– Chị nhỏ tiếng một chút! Bị người ta nghe thấy là rầy rà lắm đa! Mình tới đột ngột mà, biết đâu Nguyễn phu nhơn đã có hẹn với người ta rồi!

Bà Ba Toàn thở dài rồi nhìn cô Ba Hồng. Con gái bà rất xinh đẹp, cũng có học thức. Trước đây, cảnh nhà đương vượng bà chỉ muốn gả con gái vào chỗ sang cả; vậy mới coi là môn đăng hộ đối. Nhưng giờ nhà cửa xuống dốc, con gái lại chẳng biết điều lo nghĩ mà ham chơi lêu lỏng, lấy ngày làm đêm. Coi kìa, bà muốn con gái theo tới đây, một là ra mắt Nguyễn phu nhơn, hai là để học cách giao tiếp làm ăn mà nó chẳng quan tâm gì hết. Có lẽ bà nên gả con gái sớm, thành gia thất rồi sẽ biết lo. Bằng chẳng thì thể nào cũng bị người ta rù quến rồi sanh phiền lụy. Rồi bà mất trắng chớ chẳng không!

Nếu lát nữa Nguyễn phu nhơn vừa mắt con mình thì tốt biết mấy. Bà Ba Toàn nôn nóng nhìn đồng hồ lần nữa.

error: Content is protected !!