Chương 69: Tiến, lùi hay rẽ ngang

Bài báo này có thể được đăng cùng ngày với bài viết của Thu Hòa số chữ còn nhiều hơn chứng tỏ người viết bài đã có chuẩn bị kỹ càng trước cả buổi biễu diễn sáng thứ bảy. Có thể nói là trong lúc Liên và Hòa bàn về nội dung bài viết ngợi khen thì người ta cũng đương soạn thảo bài phản hồi để chê bai và bôi nhọ.

Đại ý của bài viết là lên án những người mượn tiếng cách tân hiện đại mà đồng lõa với thói ăn chơi sa đọa, vi phạm thuần phong mỹ tục chẳng hạn như ăn vận hở hang, khoe thân trước mặt bao người và gọi đó là thời trang. Ngay bên dưới dòng chữ này là bức hình minh họa của một trong bốn người mẫu trình diễn trong cửa hàng Les Rores, được chú thích ‘’một màn biểu diễn xác thịt’’.

Liên choáng váng khi đọc hết nội dung bài viết. Cô chỉ bán một sản phẩm thôi mà, đâu có làm quá đáng tới vậy!

Thu Hòa nhìn đồng hồ quả lắc trên kệ sau lưng Liên nói.

– Giờ này cô Lê cũng sắp về rồi. Tụi mình tới gặp cô đi, chuyện này là lần đầu mình gặp phải, không biết làm sao cho tốt nữa.

– Ờ,

Liên gật đầu rồi đứng dậy. Đây cũng là lần đầu tiên cô gặp phải trường hợp này. Đồ mình bán ra gặp phải công kích nặng nề tới vậy.

Lúc hai cô ra bên ngoài, có vài người khách vô coi hàng. Thái độ của họ không quá khác lạ, thậm chí có người muốn mặc thử. Liên thở ra, không biết là họ chưa đọc bài báo kia hay họ thực sự cảm thấy loại áo lót này phù hợp và tiện dụng.

Cô giáo Lê và Laurent đều tức giận khi đọc bài báo đó.

– Cô có quen với chủ biên tờ nhựt trình này. Giờ cô đi gặp. Hòa, trò đi với cô. Trò Liên cứ lo buôn bán đi.

Cô Lê vừa sắp đặt xong, chưa ra khỏi cửa đã nghe tiếng chuông điện thoại. Laurent mừng rỡ gọi.

– Mama, là papa gọi đó. Ba biết rồi!

Trong lúc chờ cô Lê nói chuyện điện thoại, ba cô gái cùng coi lại hai bài báo. Laurent vẫn còn bực mình nói.

– Coi nè, bức hình này chụp đẹp ghê! Còn bên này, … đúng là cố tình bêu xấu người ta mà!

Đúng là bức hình minh họa trong bài báo kia nhìn rất xấu, thô lậu và hở hang; coi rất phản cảm. Nếu một người nào đó chỉ nhìn cái hình này thôi thì cũng thấy chán ghét. Bây giờ thì Liên mới hiểu rõ ràng, ngôn ngữ và tranh ảnh luôn có hai mặt, người ưa thích sẽ thấy nó thanh tao ý vị mà thưởng thức, còn người đã ghét thì luôn thấy xấu xí, chướng mắt và luôn muốn bài bác.

Tối hôm đó, cô giáo Lê gọi điện cho Liên nói rằng cô và Hòa sẽ viết bài phản biện trên chính tờ nhựt trình đó. Má Ngọc nghe cô kể cũng thở vắn than dài, không biết ai mà ganh ghét họ dữ vậy.

– Lúc mới mở bán sao không nói gì, vừa làm lớn thêm chút đã sanh sự!

Liên gác điện thoại, đi ra phòng ngoài thì nghe má Ngọc than, cô bất giác nhớ tới lần trước, lúc nhà bác Ba Toàn Phi-lê tới chơi má cũng từng nói thầm như vậy. Chẳng lẽ nào, Liên mím môi không nói thành tiếng, chưa bằng cớ gì cô không nên nghĩ quấy cho người ta.

– Liên, lần này bỏ vốn hết bao nhiêu? Hàng nhập về nhiều lắm phải không?

Cả buổi chiều nay Liên cũng nghĩ tới tình huống xấu nhứt là không bán được nữa, cô đã coi lại tổng tiền vốn và số hàng nhập về trong sổ. Cô nói cho má Ngọc hay, cân nhắc hồi lâu mới nói tiếp.

– Số hàng đó bán ra từ từ cũng đặng, không sợ hư bỏ. Chỉ có tiền thuê gian hàng mới lo. Mình ký mướn ba năm, giờ trả lại thì không hay. Mà hồi đó ký giao kèo không có cho phép mình cho người khác mướn qua tay,

– Ờ, thường người ta đâu có cho làm vậy.

– Con tính, lỡ như … thì mình chuyển qua bán vải vóc cho xưởng dưới Tân Châu, lãnh Mỹ A, lụa Tân Châu đều có tiếng, cũng dễ bán.

– Ờ, lát nữa con gọi dây thép cho ba con đi.

– Má, chuyện còn chưa có gì quá, chờ tới tuần sau đi. Đợi mấy bài của cô giáo đăng lên coi sao. Ba với anh hai bận bịu lắm,

Liên hy vọng cô giáo Lê và Hòa đăng bài viết phản hồi sẽ xoa dịu tình hình. Thiệt không ngờ là bài còn chưa đăng thì đã có báo khác đề cập tới và cũng phản đối cách giới thiệu sản phẩm như vậy. Nặng nề hơn, có người còn viết rằng đây là một hình thức kinh doanh dựa trên thân xác phụ nữ, cổ động lối sống trác táng lấy ngày làm đêm, học theo phương Tây mà quên văn hóa phương Đông.

Đến khi bài viết của cô giáo Lê đăng thì đã không còn cập nhật được tình hình rồi vì cuộc tranh luận đã lan rộng, không chỉ ở một tờ báo mà là của nhiều tờ; không chỉ nhắc tới thuần phong mỹ tục mà còn khuyến cáo các nhà thương nghiệp phải có đạo đức kinh doanh, đừng thấy cái lợi của riêng mình mà phải nghĩ tới nền kinh dinh của cả Đông Dương.

Liên đọc xong một loạt các bài báo mà rớt mồ hôi hột trong khi trời đương mưa lất phất. Cũng may là cô đã cho nhóm người mẫu mang mặc nạ khi trình diễn, bằng chẳng thì các cô ấy cũng bị tai tiếng. Một điểm may nữa là các tờ báo mới đều chọn hình minh họa không giống nhau, thành ra các cô người mẫu đều được lên hình, đương nhiên là chỉ có thân hình chớ không rõ mặt.

Lúc trước, Liên mở tiệm may Ngọc Phước là dùng nhà của mình nên phần tiền thuê cửa hàng không tính vào. Má Ngọc nói nếu không nhiều khách thì chẳng sao; bất quá là không mướn thợ may, một mình Liên may lấy công làm lời cũng đặng. Lần này thì khác, lúc mướn gian hàng cô và Laurent đã tính toán kỹ các khoản chi phí phải trả cố định hàng tháng. Hai người đều nghĩ là sẽ chịu lỗ vài tháng, ít nhứt là tới khi tựu trường mới có thể không bù lỗ hàng tháng nữa. Ai ngờ đâu, cửa hàng vừa mới khai trương đã gặp sự cố như vầy, cả hai đều ngỡ ngàng nhìn nhau, trong mắt thể hiện rất rõ suy nghĩ của mình.

– Trời đất, mình chỉ bán một vài món đồ lót thôi mà, liên quan gì tới thuần phong mỹ tục rồi còn đạo đức kinh doanh nữa chớ! Chẳng lẽ cho người ta bán mà không cho quảng cáo sao Trời!

Laurent vừa hoang mang vừa bị cô giáo Lê đẩy lên lầu lo học bài. Liên cũng vẫy tay, nói theo.

– Trò lo thi cho tốt, để mình …

Liên chỉ nói nửa chừng, phần vì Laurent đã đi khuất ở góc cầu thang, phần vì cô không dám mạnh miệng nói rằng mình có thể lo liệu châu toàn.

– Bên nhà con có nói gì không?

– Dạ không cô. Ba con với anh hai chưa về.

Bác Phó Trần đã về lại Sài Gòn từ mấy ngày trước, riêng ba Hoài với anh hai thì còn chưa. Ba chỉ dặn cô cứ lo buôn bán, báo chí nói gì thì nói, nhà nước đâu có cấm; anh hai còn nói chen vô.

– Tới thuốc phiện còn cho bán huống gì là mấy món này!

Cô Lê chỉ nhăn mày nghe Liên nhắc lại lời của anh Hai Liêm, rồi cô cầm xấp nhựt trình trên bàn lên. Cô lật đọc tựa đề các bài viết liên quan, suy nghĩ rất lung. Hồi lâu sau, cô ngẩng đầu nhìn Liên, khóe môi thoáng ý cười.

– Hồi trước cũng có mấy lần bút chiến diễn ra rất xôm. Hồi đó cô cũng có tham gia, lâu rồi … không ngờ lúc này lại tới. Họ muốn bàn tới chuyện cách tân hay bài tân thì mình sẽ theo.

Ánh mắt cô Lê sáng lên. ‘’Bút chiến sao? Chắc là sở trường của cô rồi!’’, Liên nghĩ vậy nhưng trong lòng thoáng nghĩ tới số tiền mà cô phải bỏ ra. Trời, nếu chỉ vì thắng trên mặt chữ nghĩa mà tốn tiền vậy thì … có đáng không đây!

– Chuyện trên báo chí cứ để cho cô,

– Dạ. Dầu sao thì cửa hàng cũng đã mở, cứ bán tiếp … đợi thêm thời gian rồi mới tính. Bất quá,

Liên nói cho cô giáo Lê nghe suy tính của mình. Xưởng dệt dưới Tân Châu cũng là làm ăn chung của hai nhà, chừng bán lụa do xưởng dệt ra cũng không thua thiệt gì.

– Ờ, con có tính toán là tốt rồi.

– Dạ. Vậy giờ con về tiệm.

Liên xin phép rồi ra xe. Qua giờ tan tầm đã lâu nên đường phố lác đác những ngọn đèn. Liên chạy theo đường lớn tới đại lộ Bonard rồi ngừng lại ở góc đường. Từ chỗ này, cô có thể nhìn thấy ánh đèn của cửa hàng Les Roses.

Tuy rằng cô đã nghĩ tới phương án thay thế nhưng trong lòng vẫn thấy khó chịu, có chút tức tối, không cam lòng. Trận bút chiến trong hai tuần qua, như cô giáo Lê đã nói không thể do một người nào đó kích động mà nên; có thể bài viết đầu tiên kia đã đánh động vào tâm tư của nhiều người vốn ‘’thủ cựu bài tân’’. Hơn nữa, nội dung tranh luận đã đi rất xa, không còn liên quan tới cửa hàng của cô. Người ta chỉ còn nhắc tới Les Roses là vì nó là điểm khởi nguồn dấy lên cuộc tranh luận sôi nổi mà thôi.

Nhưng mà thiệt hại thì vẫn có, nếu tình trạng ế ẩm vẫn tiếp diễn thì cô nên làm sao? Tiếp tục cầm cự, chịu lỗ thêm thời gian nữa; chuyển sang bán lụa như đã tính hay tìm mặt hàng khác để kinh doanh? Mục đích cuối cùng vẫn là kiếm tiền, vậy thì cái gì làm ra tiền thì mình làm, chẳng phải sao?

Liên nhìn dãy đèn điện sáng choang vừa được bật lên ở mặt tiền thương xá. Cửa hàng trang sức của Nguyễn phu nhơn rực rỡ át cả màn đêm. Cô bất giác nghĩ tới quyền thế và tiền bạc mà Nguyễn gia đương nắm giữ. Liệu có đấu nổi với Mathieu không?

‘’Xì, người ta cũng đâu có thù oán gì? Chuyện của mình thì tự mình giải quyết chớ!’’ Liên lắc đầu, mở khóa xe, cô nhìn lên cửa hàng của mình lần nữa định lái xe đi thì chợt thấy bóng ai đó đương cúi đầu nhìn vô.

– Anh, anh Hướng?

Giữa ánh sáng nhập nhoạng, Liên nhận ra người đương gõ lên kính xe. Cô tắt máy, mở cửa rồi đi vòng qua bên đó.

– Đúng là em rồi! Hôm nay em về sớm à?

Liên hơi ngạc nhiên. Nếu là ngày thường cô sẽ ở bên này tới hơn tám giờ mới ra xe về. Chiều nay cô qua gặp cô giáo Lê, lúc về theo thói quen vẫn chạy tới đây. Anh Hướng dường như biết lịch trình của cô.

– Dạ. Anh tan làm trễ sao?

– Ờ, không trễ lắm!

Liên ngập ngừng không biết nói gì thêm. Cô thấy anh Hướng đương nhìn bảng hiệu của một nhà hàng phía trong con hẻm thì nói.

– Nghe nói nhà hàng đó ngon lắm!

– Em thích hả? Mình tới đó ăn đi.

– Dạ, dạ. Em thường …

Liên chưa kịp nói là cô thường về nhà ăn cơm với má Ngọc thì có một tốp thanh niên đi tới. Họ nhận ra anh Hướng, chào hỏi rôm rả rồi cũng muốn tới nhà hàng đó dùng bữa. Anh Hướng nhìn Liên, nhóm thanh niên cũng nhìn qua nên cô gật đầu đồng ý.

– Trong hẻm có chỗ đậu xe, em chở anh đi. Hẹn gặp trong đó nghe,

Anh Hướng chào nhóm thanh niên rồi mở cửa ghế phụ lên xe. Liên cảm thấy hình như mình bị lừa rồi, anh ấy biết rõ nhà hàng đó như vậy, sao lúc nãy còn chờ cô lên tiếng?

error: Content is protected !!