Chương 68: Thời trang hay sự tha hóa phẩm cách của phụ nữ tân thời

Tháng vừa rồi Laurent bận rộn quá mức nên ảnh hưởng tới việc học tập, điểm số trong các môn học đều thấp hơn hồi trước Tết. Trong khi đó, Thu Hòa lại vượt lên dẫn đầu điểm số của cả khối lớp cuối. Cũng may, cuối tuần này là đến buổi biểu diễn; sau đó Laurent còn gần một tháng để ôn tập trước kỳ thi cuối kỳ.

Liên đã nhờ Hòa viết mấy bài báo giới thiệu và quảng cáo cho sản phẩm và buổi trình diễn nên trò ấy đã hẹn tới đây chiều nay. Lúc này Laurent và cô giáo Lê đương tới gặp Nguyễn phu nhơn ở biệt viện gần chợ Bà Chiểu. Sau khi dẫn Hòa đi một vòng trong gian hàng thì cả hai ngồi xuống bộ bàn ghế đặt cạnh cửa sổ. Liên nhìn xuống dưới, dọc theo đại lộ Bonard rồi tới tòa nhà đối diện còn chưa sửa xong. Cô quay đầu hỏi Hòa.

– Trò qua bên đó chưa, nhà trò định bán hàng gì?

– Không phải nhà mình, là nhà chú thiếm ba,

Thu Hòa bĩu môi trả lời rồi lại nhăn mặt nói tiếp.

– … với anh hai. Ảnh đòi nghỉ học ra làm buôn bán. Nhà mình bây giờ …

Thu Hòa không nói hết nhưng Liên cũng có thể tưởng tượng ra tình huống bên đó. Ông nội và cha mẹ Hòa luôn hy vọng anh hai trò ấy nối nghiệp, học hành tử tế rồi ra làm thầy giáo, thậm chí là ông Đốc của một trường học nhà nước hay tư thục nào đó. Hai anh em của Hòa đều được dạy chữ Nho từ khi còn nhỏ, thư tịch trong nhà vẫn dùng chữ Nho làm gốc. Anh ấy sắp thi Thành Chung rồi, bỏ ngang vậy sao đặng? Nhưng mà, ở vào đời trước, chẳng những năm nay anh ấy không đậu mà năm sau anh ấy cũng không thể. Liên không biết là do anh ấy học kém hay do tâm trí không đặt vào chuyện học hành.

– Mà mình cũng không biết chú ba muốn bán cái gì, có thể là theo nhà bên thiếm.

– Nhà thiếm trò làm thầu khoán phải không? Vậy hỏng lẽ bán gạch đá,

Thu Hòa phì cười, chồm người qua cái bàn nhỏ đánh lên khuỷu tay Liên.

– Sao trò không nghĩ là chú ba sẽ hiệp tác với anh Hướng mở văn phòng kiến trúc.

– Văn phòng kiến trúc? Anh Hướng?

– Ủa, trò không biết là ảnh học từ trường Kỹ thuật Quân sự Tổng hợp hả?

Liên lắc đầu. Cô đã kiềm chế bản thân để không trở nên quá tò mò về anh Hướng, cô vẫn luôn nhắc nhở mình giữa họ thuần túy chỉ là mối quan hệ công việc, không còn gì khác nữa.

Liên gạt qua chủ đề này, lấy xấp giấy viết tay trong cặp xách ra bắt đầu bàn với Hòa về nội dung các bài viết. Hiện nay, hầu hết các tờ nhựt trình đều có phần quảng cáo sản phẩm, tùy theo vị trí quảng cáo mà có giá tiền khác nhau. Liên đã quen đăng các quảng cáo nhỏ nhưng lần này cô muốn có một bài viết dài để giới thiệu về khuynh hướng sử dụng áo lót kiểu mới, các điểm lợi ích của sản phẩm. Thế nên cô mới nhờ tới tài viết lách của Hòa. Số chữ bao nhiêu là vừa, cách hành văn ra sao rồi còn nên dùng hình ảnh thế nào đều rất quan trọng. Cô giáo Lê đã nhắc nhở, Liên cần nhấn mạnh vào sự tiện lợi và lợi ích sức khỏe của phụ nữ khi mặc áo lót kiểu mới, chớ không gây phản cảm khi nói quá nhiều về sự quyến rũ của phụ nữ ở tư phòng. Mặc dầu ai cũng biết rằng loại áo lót kiểu mới này khiến hình dáng gò ngực thêm đầy đặn và khêu gợi hơn rất nhiều, dầu là có mặc đồ ngoài hay không.

Lúc trước Liên và Laurent bắt đầu bán loại áo lót này không có phô trương, bây giờ có khác. Cả hai chọn khai trương vào sáng thứ bảy, mời khách lối mười giờ, còn có đăng quảng cáo khuyến mãi giảm giá lớn cho khách tới mua trong hai ngày đầu khai trương nữa.

Từ chiều thứ sáu hôm qua mọi việc đã chuẩn bị xong, sáng nay mới sáu giờ Liên và Laurent đã tới cửa hàng. Đúng tám giờ, cả hai tháo khăn nhiễu che tên cửa hiệu xuống. Cửa hàng tên gọi của hoa hồng ‘’Les ROSEs’’, hình ảnh trên nhãn hàng là một bông hồng lớn và hai chữ L lồng vào nhau. Màu sắc chủ đạo là hồng phớt và đỏ bordeaux. Vì cửa hàng ở bên trong thương xá nên không thể đốt pháo mừng, anh hai đã đem máy hát qua mở mấy bài nhạc mừng xập xình để thu hút sự chú ý.

Thương xá vốn có nhiều khách tới lui mua sắm. Thời gian gần đây vì nhiều gian hàng sửa chữa, đổi chủ nên khách hàng có giảm bớt. Thế nhưng chỉ cần các gian hàng mở bán trở lại thì sẽ có thể lôi kéo khách; đặc biệt là những gian hàng đều trang trí rất đẹp đẽ và sang trọng. Giống như gian hàng của Liên, vách kính trong suốt, những mảng tường ốp gỗ hồng nhạt và màn nhung đỏ vừa sang trọng vừa quyến rũ. Bích Hảo với Thu Hòa đã đợi ở bên ngoài để ‘’mở hàng’’, tiếp đó là lẳng hoa chúc mừng của anh Hướng, cậu Tư Tấn và nhà bác Ba Toàn.

Cô giáo Lê và khách mời tới cửa tiệm liền thấy vài người khách đương dạo quanh mấy con ma-nơ-canh; họ cũng ngạc nhiên nhìn thảm nhung đỏ trải sẵn trên sàn. Liên đương giới thiệu với họ chương trình biểu diễn thời trang trong buổi sáng nay rồi mời họ ở lại tham dự. Cô chỉ vào từng nhóm bàn ghế đặt quanh thảm đỏ, trên đó là trà nước và bánh mứt. Khi họ còn đương phân vân thì hai cô gái người Pháp đã chọn một cái bàn gần đó ngồi xuống, ý là họ ở lại coi buổi trình diễn.

– Dạ, không lâu đâu cô, gần một tiếng đồng hồ là xong. Mời cô,

Liên vừa nói vừa kéo ghế ở bàn bên cạnh mời mọc. Họ có vẻ ái ngại vì hai cô gái người nước ngoài, may là cô giáo Lê tới đúng lúc. Họ nhìn cô giáo Lê và nhóm khách đi cùng đều ăn vận lịch sự, cười nói đoan trang liền đồng ý ngồi xuống.

Laurent đứng phía trong khu vực phòng thay đồ ra hiệu với Liên, cô gật đầu ý nói là có thể bắt đầu rồi. Liên và Hòa kéo màn nhung bên ngoài cửa để che một phần thảm đỏ. Laurent liền bước lên bậc cao ở đoạn đầu thảm đỏ chào hỏi và giới thiệu về sản phẩm cũng như buổi trình diễn hôm nay.

Màn nhung kín kín hở hở khiến cho nhiều người tò mò hơn. Liên và Hảo vừa trả lời thắc mắc của họ vừa dẫn thêm người vào trong. Lúc người mẫu đầu tiên xuất hiện thì có tiềng ồ lên kinh ngạc từ bên trong. Liên và Hảo không kiềm nổi mà vén màn nhung nhìn vô; Hảo kích động đánh lên vai Liên mấy cái.

– Trời đất, sao họ dám … dám … (híc híc)

Bích Hảo hít thở mạnh khi người mẫu yểu điệu xoay một vòng trước khi vào trong. Lần này, cô chỉ tìm bốn người mẫu với đặc điểm hình thể đặc trưng của phụ nữ ra trình diễn. Thế nên mỗi người mẫu phải ra thảm đỏ ba lần, tổng cộng là có mười hai mẫu quần áo lót kiểu mới trong đợt này.

Như đã tính toán, buổi diễn kết thúc lúc mười một giờ kém. Laurent nói xong lời cảm ơn khách mời thì nháy mắt Liên, cả hai đều cười rồi thở ra nhẹ nhõm. Có mấy người khách không thích màn trình diễn vừa rồi, họ ra về sớm nhưng Liên đã không trông đợi rằng tất cả khách mời đều ưa thích, đặc biệt là cách giới thiệu sản phẩm này quá táo bạo và kích thích.

Liên dặn Hảo ở ngoài tiếp khách, cô và Laurent trao đổi vị trí cho nhau. Chuyện dọn dẹp hậu cần phía sau cuộc biểu diễn là của cô. Laurent sẽ nói chuyện và thăm dò phản ứng của những khách mời còn ở lại. Liên vừa cảm ơn các cô người mẫu đồng thời gửi phong bì phần tiền cat-xê còn lại cùng tiền thưởng.

– Cô Ba, lần sau cần thì kêu tôi nghe.

– Dạ, được. Cảm ơn chị. À, chị đem theo bánh mứt này đi. Lẽ ra nên mời mấy chị ăn trưa mới phải đa.

– Không có sao đâu, có tiền là đặng rồi (ha ha). Vậy tôi đem bánh này về cho anh chị trong gánh,

Liên vừa gật đầu vừa lấy túi giấy đựng bánh trái đưa qua. Bốn người nhận đồ rồi đi cửa sau ra về.

Liên nhìn ra ngoài trời, nắng rất đẹp. Cô có thêm cơ hội kinh doanh này sẽ có thêm nguồn tiền để dành. Ở đời trước, cô không biết Mathieu tới Sài Gòn lúc nào. Điều quan trọng là hắn có thế lực, tiền bạc và quyền lực; Liên không có quyền lực hay vây cánh gì nên cô sẽ tập trung kiếm tiền, tiền nhiều gấp bội hắn thì có thể chiếm lợi thế hơn một chút.

– Hù! Trò đương nghĩ gì vậy? Vui tới ngẩn ngơ luôn hả?

Liên cười với Hòa, nhìn cuốn sổ trên tay trò ấy đã viết đầy những ghi chép.

– Giờ tới phiên trò đó, chuyện làm ăn của mình thành hay bại đều do trò đó.

– Trời đất! Đổ qua hết cho mình hả? Giỡn hả!

Liên đương nhiên là nói giỡn thôi. Việc buôn bán đâu thể trông cậy hoàn toàn vào quảng cáo trên mặt báo; cũng không phải phụ thuộc vào mấy bài viết tâng bốc của nhựt trình. Chủ yếu vẫn là truyền miệng, khách là những người gần gũi quanh đây, chớ người ta đâu có bỏ công đi từ miệt lục tỉnh lên Sài Gòn để chỉ mua bộ đồ lót. Trừ khi, cô mở thêm cửa hàng ở miệt dưới; việc này còn xa! Cô phải chậm rãi từng bước một, không thể vội vàng.

Chuyện ở cửa hàng Les ROSEs vừa xong thì Laurent phải tập trung ôn thi cuối kỳ. Ba Hoài, anh hai và bác Phó Trần đi xuống xưởng dệt ở Tân Châu. Liên chia thời gian ra để quản lý tiệm may Ngọc Phước và cửa hàng mới. Tiệm may bây giờ chỉ chuyên may quần áo thanh nữ không bán đồ lót nữa, Liên có chỗ để trưng bày thêm nhiều kiểu quần áo, tân thời cũng có mà hoài cổ cũng có.

Mùa mưa tới rồi. Hai ngày đầu tuần, trời mưa rả rích không ngớt. Liên chở má Ngọc qua tiệm vải rồi mới tới tiệm may. Lúc cô vô trong thì đã thấy chị ba Hảo cầm tờ nhựt trình coi. Chị ba biết vài chữ thôi, thấy Liên thì chỉ cười nói.

– Nhựt trình đăng rồi nè cô Ba. Coi, hình đẹp ghê!

– Phải đó, bữa đó mà rảnh chắc em cũng tới coi,

Liên cười hỏi.

– Hỏng thấy kỳ nữa hả?

Chị Năm Hạnh với chị Ba Hảo đều cười cái rần, hơi ngượng. Lúc trước, mấy chị không dám coi nhóm người mẫu tập luyện trên lầu luôn, còn rầm rì với nhau sao mấy cô người mẫu dám mặc vậy mà ưỡn ẹo trước mắt bao nhiêu người.

Liên không đợi nghe mấy chỉ trả lời, có liếc mắt đọc qua nội dung bài viết trên tờ nhựt trình. Ừm, Hòa viết rất khá, rất giống với bản thảo đã bàn hôm trước.

Buổi chiều, khi cô qua thương xá, đi vô cửa hàng thì cảm thấy có gì đó là lạ. Khách tới coi hơi nhiều hơn hôm qua, còn có người đứng bên ngoài chỉ trỏ gì đó. Cô hỏi hai em gái bán hàng.

– Sáng giờ có gì lạ không em?

– Dạ không cô Ba. Chỉ có sau giờ ăn trưa thì họ tới, đi vô coi phòng thử, cái gì cũng ngó nhưng mà không có ý mua.

Liên nghĩ có thể họ nghe nói về buổi biểu diễn hôm nọ nên tới coi cho biết. Dẫu sao thì người tới là khách, không thể vì họ không mua mà mình khó chịu hay hắt hủi, tương lai họ là khách thì sao!

Chiều nay trời lại mưa. Liên đương coi cách phân loại các loại áo lót dựa vào cỡ ngực thì nghe tiếng gõ cửa.

– Vô đi.

Liên trả lời rồi ngẩng đầu lên, ngạc nhiên vì Thu Hòa đội mưa tới đây. Cô đứng dậy, lấy khăn tay trong cặp đưa qua hỏi.

– Có chuyện gấp hả?

– Ờ. Mình qua bên kia, rồi đi bộ qua đây.

Ừm, Liên cũng đoán vậy. Cô chưa kịp hỏi là chuyện gì thì Hòa đã lấy trong cặp xách ra một tờ nhựt trình.

– Ờ, sáng mình có đọc rồi. Trò viết …

– Không phải tờ đó. Trò coi đi!

Hòa đã lật sẵn ra trang cần đọc nên Liên chỉ liếc mắt liền thấy tựa đề lớn của bài báo: ‘’Thời trang hay sự tha hóa phẩm cách của những phụ nữ tân thời’’. Cô chưa đọc nội dung nhưng nhìn hình ‘’minh họa’’ trên đó liền biết tác giả muốn nhắc tới ai và cái gì rồi. Cô đưa mắt tìm tên người viết, lại ghi là ‘’trích từ thơ một độc giả của bổn báo’’.

Trời đất, dám viết bài mà không dám đề tên sao!

error: Content is protected !!