Giữa những lúc bận rộn, Laurent vẫn nói cho Liên biết rằng nhà bác ba Toàn Phi-lê không thuê được gian hàng trong thương xá mà chen chưn vào một gian ở tòa nhà đối diện. Lại thêm, nhà chú ba của Thu Hòa cũng thuê một gian hàng từ mối quan hệ với nhà anh Bình Hướng.
– Ủa, hai nhà đó quen nhau hả? Sao hồi Tết đi chơi không nghe Hòa nói gì hết.
– Trời ơi, trò không biết đâu! Ông nội Hòa rất có danh tiếng, mình mới nghe ba mình nói đó! Mà nghe đâu là nhà chú ba dọn ra ở riêng rồi,
– Ờ, giống nhà nội trò hả? … Ờ, mình quên …
– Không có gì đâu,
Liên áy náy vì lỡ miệng nhắc tới chuyện nhà nội của Laurent. Bác Phó Trần làm việc cho chánh quyền Đông Dương là trái ý người lớn trong nhà. Trần gia đã từ mặt cả nhà Laurent lâu lắm rồi, trước khi trò ấy ra đời. Liên nghĩ tới nhà mình mà thở dài, nhà ai cũng có chuyện khó nói.
Xưởng dệt Tân Châu đã dựng xong, giờ là lúc tìm thầy thợ tới làm. Anh hai vẫn chưa thạo việc quản lý nên ba Hoài cho vài người có kinh nghiệm từ hãng Chánh Hưng xuống Tân Châu, trước là làm việc sau là dạy việc cho người mới. Thế nên hãng Chánh Hưng lại có đợt tuyển người mới. Ba Hoài không vòng vo mà nói dượng út Đảnh có thể tới hãng dệt làm việc. Về sau dượng muốn học nghề gì đó cũng đặng.
Bây giờ không có nhiều trường dạy nghề chuyên biệt mà đa phần vẫn là người trước chỉ dẫn người sau. Ở các hãng xưởng, người có tay nghề đều lãnh lương cao hơn.
– Dì dượng trộng tuổi rồi, nên ổn định, còn tích góp tiền bạc để lo cho hai đứa nhỏ ăn học.
– Dạ, dạ. Cảm ơn anh hai. Chừng nào em đi làm đặng?
Ba Hoài nói rồi nhìn hai đứa nhỏ loi choi ở sân trước. Tụi nó có cha mẹ ở cùng mà ăn mặc lôi thôi lếch thếch, áo rách tay không được vá, tóc dài chấm vai cũng không được cắt. Thiệt không biết, cả ngày hai vợ chồng Út Hậu làm gì, chẳng lẽ chỉ biết hết ăn rồi lại nằm!
Hai Liêm đã nói cho ông biết vài chuyện của vợ chồng Út Hậu khi còn ở Tân Châu. Họ đã nói dối chuyện lưu lạc tới Nam Vang mấy năm nay. Thực ra, út Hậu có ở Nam Vang một thời gian cùng với chồng cũ; sau đó bà đã về Tân Châu mấy năm nay, gặp Bảy Đảnh rồi sống với nhau mà không có giấy tờ hôn thú gì. Hai người đều không biết chữ thế nên việc Út Hậu liên lạc với ông cũng nhờ người giúp đỡ.
Châu Hoài thở dài, mặc cho những lời nói dối kia cùng cách sống ham ăn biếng làm thì Út Hậu vẫn là dì ruột của con Liên. Ông không có hy vọng sẽ cải biến tánh nết của họ nhưng vì thương Liên ông sẽ mở cho họ một con đường sáng. Ông để Bảy Đảnh vô hãng dệt làm việc, vừa có tiền công vừa có thể học nghề, chỉ cần chăm chỉ vài năm thì thể nào cũng khá lên, có tiền nuôi vợ con. Bởi vậy khi ông thấy Bảy Đảnh tỏ ra vui mừng thì ông cũng buông lỏng đôi chút.
– Dượng coi sáng mai qua đó với tôi đi.
Bảy Đảnh cười cười gật đầu rồi kéo Út Hậu đứng dậy lên phòng. Mọi người ở nhà sau vẫn nghe tiếng Út Hậu lầm bầm.
– Còn chưa hỏi tiền công bao nhiêu mà! Để tôi … chuẩn bị gì chớ, … hả, mua bộ đồ mới à?
– Còn đòi tiền công? Ăn ở đây chẳng tốn cắc bạc nào, ở đó mà …
Dì Tư nghe loáng thoáng vậy liền trề môi càm ràm, dì cũng chỉ nói một nửa vậy thôi. Tính cho rạch ròi thì Út Hậu vẫn là họ hàng gần gũi với cô Ba hơn dì với em Bê; hai người cũng nhận tiền công hàng tháng. Quan trọng vẫn là cách cư xử, biết điều hay không mà thôi. Bảy Đảnh còn biết giữ ý tứ một chút, còn Út Hậu thì rất tùy tiện, coi như là nhà của mình không bằng; cái gì cũng muốn lấy ăn cái gì cũng muốn lấy xài.
Việc ăn ở chung đụng rất dễ gây ra những cãi vả, ban đầu chỉ là phiền lòng nho nhỏ, lần hồi sẽ sanh ra ác cảm; đến Liên còn khó chịu với cách cư xử của dì út huống chi là dì Tư và em Bê. Liên nhìn theo hai đứa nhỏ loăn quoăn chạy lên cầu thang, vừa chạy vừa rải đất cát trong tay xuống nền gạch thì lắc đầu.
– Ba, bên Chánh Hưng có nhà cho thầy thợ không ba?
– Không còn chỗ, con hỏi chi vậy?
– Dạ, …
– Con lo xong chuyện bên Thương xá trước đi, mỗi lúc lo mỗi chuyện thôi. Đừng có ôm đồm, mệt người mà chẳng đặng chuyện nào.
Má Ngọc chen lời vì đoán ra lo nghĩ của Liên. Ở những nhà nghèo khó, người đông mà nhà nhỏ, chung đụng và cãi vả nhau hàng ngày là không thể tránh khỏi. Má Ngọc xỉ trán Liên nói.
– Con mà cứ như vầy mai mốt gặp nhà chồng đông người thì làm sao, hả?
– Thì không lấy chồng,
Liên không ngại ngùng mà lập tức phản bác. Mọi người bật cười, rồi không khỏi nhìn Liên kỹ hơn. Liên cảnh giác đứng dậy, quay người định chạy lên lầu thì nghe tiếng còi xe ngoài cổng, anh hai về.
Liên có ý chờ anh hai để nhờ vả nên cô lại quay người đi ra sân trước đón. Hai Liêm tắt máy xe, vừa mở cửa đã không khách khí hỏi thẳng.
– Tìm anh làm gì?
– Hi hi, … nhờ anh chút chuyện.
– Chuyện gì?
Hai Liêm đoán Liên nhờ chuyện gì đó riêng tư nên không đi thẳng vào nhà mà chậm rãi bước tới góc sân có hàng bông trang nở rộ. Người ta nói nhà có con gái nên trồng mẫu đơn, hoa và thiếu nữ đều sẽ ra sắc thắm. Hắn không biết lời xưa nói có đúng không nhưng bây giờ hắn đúng là không biết Liên và hoa, bên nào rực rỡ hơn trong nắng chiều nay.
Hai Liên chưa kịp cảm thán thì nghe Liên lên tiếng nhờ, chuyện mà em ấy nhờ khiến hắn hết hồn luôn!
– Anh hai giới thiệu cho em mấy cô đào trẻ đẹp đi.
– Hả? Gặp làm gì?
Liên bật cười khi thấy anh hai giựt mình đến đỗi bước lùi đụng trúng cây bông trang ở sau lưng.
– Trời đất, anh nghĩ bậy hả?
Cười xong, cô kể cho anh hai chuyện buổi biểu diễn thời trang mà Lauretn đương chuẩn bị ở gian hàng trong thương xá. Sản phẩm mới đã về, gian hàng đương dựng nhưng người biểu diễn thì hơi khó tìm. Nói thực ra thì Liên và Laurent đều không quen biết ai cả gan mặc mấy món đồ lót trình diễn trước mặt mọi người, dầu người tham gia chỉ toàn là nữ giới.
Lần trước tới hý trường Kim Chung, Liên thấy vài cô gái tiếp khách trong quán bar ăn vận rất kiệm vải. Cô nghĩ họ sẽ đồng ý nhận công việc làm người mẫu biểu diễn nhưng cô giáo Lê đã nói nếu mời họ thì các vị phu nhơn tiểu thơ sẽ không chấp nhận tới coi đâu. Định kiến xã hội dành cho các cô gái tiếp khách kia vẫn rất nặng nề.
Thế nên Liên mới nhớ tới mấy cô đào trong đoàn hát hoặc trong các gánh hát xiệc. Đào kép sân khấu không giống với những cô gái kia. Họ là người đem tài nghệ ra để bán và nhận được sự tôn trọng của nhiều người. Họ cũng đủ phóng khoáng và tâm hồn nghệ thuật để thưởng thức và nâng niu cái đẹp. Giống như những họa sĩ vẽ chân dung, cái đẹp của gương mặt và thân thể của người phụ nữ luôn được họ nâng niu. Đó không phải là dung tục hay lẳng lơ mà đó là vẻ đẹp thiên nhiên hoàn mỹ và quyến rũ.
Cô giáo Lê biết Laurent đương gặp khó khăn khi tìm người làm mẫu nên nhắc chừng.
– Quyến rũ hay lẳng lơ, ranh giới rất mong manh. Tụi con phải làm sao cho khéo, không là mang tiếng xấu đa! Hai đứa mới lớn,
Việc này Liên chưa dám nói cho má Ngọc hay. Cô giáo Lê vốn là người theo tân thời, tư tưởng rất thoáng nhưng vẫn còn e ngại huống gì là má Ngọc. Liên ngập ngừng rồi nói với Laurent.
– Hay là mình làm nhỏ lại, chỉ mời vài khách quen, có thể mời ký giả viết bài quảng cáo hoặc là nhiếp ảnh gia tới chụp thôi. Giống như người ta vẽ người mẫu vậy, chỉ có họa sĩ và người mẫu, tránh tai tiếng, dị nghị.
– Ờ, con nghĩ hay đó.
Cô giáo Lê lập tức đồng ý, nghĩ ngợi một lát cô giáo lại nói thêm.
– Chuyện này tụi con cũng nên báo với Nguyễn phu nhơn,
– Mình muốn tạo bất ngờ mà … nói trước vậy …
Laurent hơi khó chịu. Trò ấy tính phô trương như các buổi trình diễn ở Paris, giờ bàn tới lui vừa phải thu nhỏ lại vừa thông báo trước vậy thì đâu còn thú vị hay hấp dẫn nữa.
– Con đó, chỉ cần Nguyễn phu nhơn quan tâm, tỏ ra ưa thích thì những người khác cũng không dám chê bai.
Laurent và Liên nhìn nhau rồi đều gật đầu hiểu ý. Sản phẩm đồ lót vẫn còn mới mẻ và xa lạ đối với phần lớn phụ nữ Việt, quan trọng nhứt là tạo ấn tượng tốt; nhấn mạnh vào sự quyến rũ khi mặc sản phẩm chớ không phải là lẳng lơ khêu gợi. Việc chọn lựa hình tượng người mẫu phải cẩn thận, không gây phản cảm cho các vị khách phu nhơn tiểu thơ tham dự.
Bởi vậy nên Liên mới nhờ tới các cô đào chuyên nghiệp, có kinh nghiệm trình diễn trên sân khấu. Họ cần thể hiện ra sự quyến rũ dụ hoặc của phụ nữ khi mặc sản phẩm, không thể sỗ sàng càng không thể lậu ra nét lẳng lơ trong cử chỉ và ánh mắt. Nói gì thì nói, các phu nhơn vốn rất ghét mấy cô gái lẳng lơ vì rất nhiều người trong số họ đã phải ngậm đắng nuốt cay khi thấy chồng mình sa đọa trong sắc dục.
– Em biết rõ cái gì là quyến rũ, lúc nào là lẳng lơ sao? Nói anh nghe thử.
Hai Liêm nghe Liên nói xong một hồi liền hỏi lại.
– Cái này, cái này … không dễ nói rõ đâu! Nhưng mà nhìn qua liền biết!
– Ha ha ha, … nói hay dữ!
Liên cà lăm một lát thì cũng chống chế nhưng tiếc rằng anh hai không cho cô mặt mũi mà cười lớn làm cô hơi ngượng.
– Mấy cô đào nổi tiếng thì tiền cát-sê cao lắm à, mà chưa chắc người ta muốn làm. Mà thôi, để anh hỏi thử coi.
– Dạ, mà anh mời người ta tới tiệm may luôn nghe.
Ở tiệm có Laurent và mấy chị khác biết cách nói chuyện hơn Liên. Dẫu sao thì cô vẫn còn hơi ngượng ngùng.
Hai Liêm gật đầu nhận lời nhờ vả của Liên, không ngờ là việc này không dễ dàng chút nào. Bởi vì là trình diễn quần áo lót nên thân hình phải uyển chuyển mềm mại, không thể ốm yếu mà cũng không quá mập mạp. Cô đào có gương mặt đẹp thì dáng người lại quá thấp lùn, không vừa với kích cỡ của quần áo vốn dành cho người phương Tây. Người có thể mặc vừa thì gương mặt hơi thô và làn da bánh mật không đúng với tiêu chuẩn đẹp của đa số phụ nữ Sài Gòn.
Rốt cuộc thì Liên cũng nghĩ ra cách ứng phó đó là cô buộc phải sửa kích cỡ sản phẩm cộng với việc làm thêm mặc nạ cho người mẫu. Laurent nghe Liên nói xong liền mừng rỡ, phấn khích hun cái chụt lên mặt cô vì đây chính là giải pháp tuyệt vời nhứt cho buổi trình diễn đầu tiên của bọn họ.