Liên không biết cuộc đất gần tòa thị chánh của bác ba Toàn Phi-lê bị mua khi nào, lúc gặp anh Bình Hướng lần đầu thì cuộc đất đó đã bị sang chủ và sẽ bị phá bỏ để xây một công trình mới. Theo bản vẽ mà Liên nhìn thấy thì chỗ đó sẽ hiệp cùng với thương xá, bán những món đồ xa xỉ.
Liên nghe anh Hướng nói hôm nay người ta bắt đầu tháo dỡ gian nhà cũ, trong vài ngày tới ảnh sẽ bận rộn, nếu có chuyện gì cần kíp Liên có thể tới công trường tìm ảnh. Lúc đó Liên chỉ cười mà không trả lời. Ảnh không cần phải nói lịch trình hàng ngày của mình cho Liên biết. Hai bên đã ký xong thỏa thuận thuê mướn gian hàng rồi, đâu cần thiết phải gặp nhau thường xuyên nữa. Huống chi, Liên rất bận bịu trong thời gian này, vừa coi cửa tiệm bên này vừa lo sửa chữa gian hàng mới bên kia. Nhứt là việc tỗ chức buổi trình diễn trang phục đồ lót sau khi gian hàng bên kia hoàn thành. Laurent và người nhà bên Pháp đã từng đi coi các buổi trình diễn đó nên trò ấy tập trung làm việc này; các việc còn lại Liên sẽ bao thầu hết.
Giống như hôm nay, Liên thay Laurent ra cảng nhận kiện hàng mới nhập về. Ở cửa hàng, cô cùng mọi người dở hàng ra, kiểm tra kích cỡ và màu sắc các loại theo đơn đặt hàng. Sau đó là dán nhãn, giá rồi chia ra để trưng bày trong tiệm. Nói thì nhanh mà làm thì rất lâu, tới khi trời tối mịt mà vẫn chưa xong. Liên để mấy chị thợ may về trước, dẫu sao thì mọi người còn lo cơm nước ở nhà; chỉ có mình cô là không vướng bận việc nhà nên ở lại làm cho xong.
Khi Liên xếp cái áo lót cuối cùng lên kệ thì chuông nhà thờ điểm chín giờ tối. Đường phố đã vắng người, Liên khóa cửa nẻo trước sau rồi lên xe về nhà. Lúc xe đánh nửa vòng qua Chợ Giữa, cô nhìn thấy lầu một của thương xá chỉ còn leo lét vài ánh đèn trong khi rạp hát Aristo lại đương vào lúc náo nhiệt nhứt. Liên lái xe chầm rãi đi qua, không khó để nhìn thấy vài cô đào hát ăn vận lộng lẫy từ xe hơi hoặc xe ngựa bước xuống. Bên cạnh họ là những ông chủ giàu có hoặc là các công tử hào phóng. Liên nghĩ tới việc chọn người mẫu cho buổi trình diễn sắp tới, nếu mời các cô tới thì thể nào cũng thu hút sự chú ý.
Liên vừa quẹo vào con hẻm đã thấy cổng nhà mình mở lớn, hẳn là đương có khách. Xe chạy nhích vô trong một lát liền thấy một chiếc xe hơi và một chiếc zip đậu trong sân. Ba má không nói là tối nay nhà có khách, Liên nhìn kỹ lại, chiếc xe zip đó lẽ nào là của anh hai. Anh Hai đã gọi điện báo là về Sài Gòn trễ mấy ngày, còn nói đã mua một chiếc xe cũ của người bạn. Tuy nói là xe cũ nhưng mà nó là xe mui trần, nhìn rất ‘’dã chiến’’ đa. Liên cười bất đắc dĩ, xe này mới hợp với tánh cách anh hai.
Liên vừa bước xuống xe thì thấy anh Hai Liêm đương hút thuốc bên cạnh chậu kiểng lớn.
– Anh hai, anh về hồi nào?
– Hồi chiều, sao trễ vậy?
– Dạ, em ráng làm cho xong. Trong nhà có khách hả? Ai vậy?
– Đưa đây anh,
Liên nâng nâng cặp xách trong tay nói không nặng lắm, không cần anh hai xách dùm. Phòng khách đèn sáng trưng, Liên nghe tiếng đông người mà lại là người quen. Cô đi trước vô phòng, khách tới là ba, à là bốn người nhà bác ba Toàn Phi-lê; anh Định từ phía sau đi tới hẳn là từ phòng vệ sinh. Lúc anh Định đi ngang qua Liên thì cô ngửi ra mùi rượu nhàn nhạt.
Liên thưa hỏi khách, ba má rồi xin phép lên phòng cất đồ. Bác ba gái liếc cái cặp xách của cô, miệng cười tươi nói.
– Cháu Liên siêng năng dữ đa! Mới năm ngoái tới năm nay mà khá lên rồi! Hồng à, con phải học theo em Liên mới phải chớ!
– Chị nói quá, Liên nhà tôi sao bằng cô Hồng cho đặng.
Má ngọc đỡ lời cho Liên rồi đứng dậy dắt tay Liên ra ngoài, còn nói lớn để bên trong nghe thấy.
– Con đó, làm gì mà mặt mũi phờ phạc vậy? Đi, rửa mặt rồi ăn chén cơm, cả nhà ăn rồi, còn chừa cho con trong bếp đó.
Liên nhìn má Ngọc rồi nhìn ngược trở lại cửa phòng khách, ý của má Ngọc là không muốn cho cô gặp khách sao? Liên bất giác rờ rờ lên mặt mình, bộ khó coi lắm sao?
Má Ngọc mỉm cười, bàn tay sau lưng cô vuốt ve nhẹ nhàng rồi hạ giọng nói trong tai cô.
– Mấy người này thấy người ta làm đặng thì ghen ghét, con đừng để ý. Lên nghỉ đi, để má!
Liên có hơi mệt tuy không tới nỗi là không thể xuống nhà tiếp khách nhưng má Ngọc nói vậy nên cô không trở xuống mà ăn cơm tối ở trong phòng luôn. Cô cũng đoán ra vì sao nhà bác ba tới đây rồi. Có lẽ bác ba đã biết nhà cô có phần trong mấy gian hàng ở Thương xá. Vị trí của khu thương xá rất tốt, nằm ở trục đường chánh và qui mô bề thế như vậy là chuyên phục vụ cho tầng lớp thượng lưu ở Sài Gòn. Mẹ của anh Bình Hướng đã chọn đặt cửa hàng trang sức ở tầng trệt thì những người chủ xung quanh cũng đều được lựa chọn hẳn hoi. Hèn chi, nhà Laurent mới hối thúc cô nhanh tay chộp lấy, bằng không thì lỡ mất cơ hội.
Cũng may Liên không để lỡ cơ hội này nhưng nhà bác ba Toàn đã lỡ rồi. Số người muốn thuê gian hàng trong thương xá nhiều hơn số gian hàng hiện có, mà theo như anh Hướng nói thì người chủ mới sẽ không chia nhỏ các gian hàng thêm nữa. Anh Định cùng là du học sanh từ Pháp về như anh Hướng, hai người họ quen biết mà, vì sao nhà bác ba lại chậm một bước? Lẽ nào hai người không thực sự thân thiết như anh Định hay khoe. Hoặc giữa hai nhà có gút mắc gì sao? Nói đúng hơn thì bác ba Toàn là người cũ, vị Toàn quyền Đông Dương mới nhậm chức không muốn dùng lại nên mới bị gạt ra?
Ngoài thương xá thì vẫn còn các công trình khác đương xây mới, nhà bác ba thể nào cũng tìm được một vài gian để làm ăn, đâu cần tới nhờ cậy ba Hoài. Huống chi, ba Hoài đã nói chuyện làm ăn ở khu trung tâm là ngoài tầm với của nhà mình. Châu gia có một tiệm vải ở đường Catinat, một tiệm may ở gần Chợ Giữa đã rất tốt rồi. Có được hai nơi này đều là tận dụng cơ hội người ta vội vàng bán ra mà có, giống như tình huống bác ba bán nhà cho cô lúc trước.
Còn về gian hàng ở thương xá, nhà cô ăn may vì đương hiệp tác với bác Phó Trần mà thôi. Liên muốn bỏ qua động cơ khác của Bình Hướng nhưng không giằng được nhịp tim hơi nhanh và gò má ửng đỏ. Ngay lúc này, Liên giựt mình vì cửa phòng bị đẩy mạnh, dì út Hậu bước nhanh vô.
– Dì, mốt dì gõ cửa đi, làm con giựt mình!
– Ờ ờ. Sao con không xuống dưới? Khách tới bàn chuyện làm ăn mà, con đừng để mất phần chớ!
Giờ Liên mới phát hiện ra dì dượng út đương ở nhà mà sao lại rút về phòng riêng, không chàng ràng ở nhà trên như mọi khi. Chẳng lẽ là vì có anh hai ở nhà?
Liên vẫn muốn tìm hiểu thêm về tánh tình của dì út nên cười cười thăm dò.
– Dì biết người ta là ai không? Trước đây, bác ba là trợ lý dưới quyền của ngài Thống đốc … đại khái là chuyên soạn thảo luật lệ, ai phạm tội gì, xử phạt thế nào đó.
Út Hậu vừa nghe nói vậy sáp lại gần Liên hỏi nhỏ.
– Còn lớn hơn chức ông Phó Trần kia hả?
– Dạ, đương nhiên rồi!
– Sao toàn quen biết … gì đâu không vậy!
– Dạ, dì nói gì?
– Không, không có gì. Mà nãy dì nghe … tình cờ nghe thôi, nói là chuyện hùn hạp làm ăn gì đó mà. Bên đó người ta cũng có xưởng dệt gì mà. Có nghe nói bắt bớ gì đâu,
Liên cười, cũng nói nhỏ cho mình dì út nghe.
– Ban ngày làm chuyện công, còn buổi tối cũng bàn chuyện tư chớ! Dầu sao thì chỉ có lương lậu thì đâu có giàu nổi,
– Phải đa! Vậy sao con còn không xuống dưới coi có ăn ké đặng không? Để người ta giành hết thịt thà, còn lại xương xẩu thì ăn cái gì?
‘’Cái gì mà ăn ké, rồi thịt với xương’’, Liên nhíu mày rồi bất chợt hỏi.
– Hổm rày dì dượng đánh bài ăn hay thua?
– Thua chớ ăn giống gì, …
Út Hậu vội che miệng nhìn Liên. Bà ta đâu có muốn lậu ra chuyện mình ham mê bài bạc. Bà lên đây ở mấy ngày cũng dò la nên biết ông Châu Hoài rất ghét bài bạc, tới người làm công trong nhà hay bên xưởng đều không thể chơi. Ông Châu mà hay biết liền đuổi ra hết.
Châu Tân đã từng cảnh cáo hai vợ chồng bà không thể lậu ra nhưng mấy ngày nay bà qua Kim Chung chơi, ngứa tay nên tính đánh vài ván cho đỡ ghiền. Ai dè càng đánh càng thua, càng thua càng muốn gỡ gạc nên cứ vậy mà thua tiếp, không dứt ra nổi. Hai vợ chồng vốn chẳng còn bao nhiêu tiền, thua sắp hết rồi nên tâm trí bất an mà lỡ miệng.
Út Hậu chợt nhìn cô cháu gái đương nghiêm túc nhìn mình, ý tứ cảnh cáo rất rõ. Thì ra nó gài mình, bà tức giận muốn mắng chửi nó vô lễ nhưng nghĩ tới Hai Liêm và khách ở dưới lầu đành cố nhịn. Bà vẫn phải cậy nhờ nó, bây giờ không thể lớn tiếng nạt nộ. Đợi lúc bà thắng bạc, có tiền rồi thì không để nó khi dễ như vầy nữa.
– Dì qua Kim Chung chơi một lát thôi, đâu có thua bao nhiêu! Hình như khách về kìa,
Út Hậu nghe tiếng xe nổ máy ở sân trước thì lấy cớ đi nhanh ra ngoài. Bà dặn mình phải nhịn mấy ngày nữa, tiền bạc trong cái cặp xách kia không ít, thế nào bà cũng có cách dụ con Liên đưa cho mình.
Liên thấy đôi mắt dì út đảo khắp phòng mình thì thở dài. Dì út đã hơn ba mươi tuổi rồi, có chồng có con rồi mà sao không lo làm ăn. Chẳng lẽ dì mong đợi Liên sẽ bảo bọc một nhà bốn người của dì sao? Đợi lo xong chuyện ở gian hàng mới cô sẽ nói với dì một lần cho rõ ràng.
Liên khóa cửa phòng rồi mới xuống nhà dưới. Ba má đã ra bên ngoài, chuẩn bị đi ngủ rồi. Ba Hoài thấy Liên thì nói.
– Lúc nãy ba nói khéo cho bác ba biết là nhà mình hưởng nhờ chỗ ông Phó bên kia thôi. Chắc bác ba không hỏi tới nữa đâu.
– Dạ.
– Hai năm nay, nhà bên đó … không hiểu sao cứ chậm hơn người ta một bước. Khuya rồi, ngủ đi.
Ba Hoài nói vậy chớ không cản anh hai ra ngoài. Anh hai nhìn đồng hồ rồi lấy chìa khóa xe của Liên móc trên cửa lúc nãy, nháy nháy mắt với cô rồi lên xe lái đi.
Lúc chiếc xe Hai Liêm xi nhan xin qua đường thì bà Toàn Phi-lê thấy rồi cảm thán.
– Nhà chú Châu làm ăn khấm khá quá. Phải biết hồi trước mình đừng bán đứt căn nhà đó, cho mướn hoặc là hùn hạp thôi thì đỡ rồi. Giờ tới lúc mình nhờ cậy cũng không nể mặt,
– Má, con thấy chú hai nói đúng, chú ăn theo ông Phó thôi.
Hai Định lên tiếng. Ba Hồng ngồi ghế phụ, bĩu môi nói thêm.
– Nhờ con Liên chơi chung, nịnh nọt tiểu thơ nhà người ta thôi, giỏi giang gì đâu!
– Hứ, vậy sao con không được nhờ? Hai đứa, chẳng phải cũng chơi chung à? Còn con nữa, mấy tháng nay qua lại nhà bên kia, sao không biết chuyện họ muốn cho thuê mấy gian hàng.
Hai Định nhìn cha mình qua kiếng chiếu hậu, khóe môi nhếch lên nói.
– Cái này phải hỏi ba à nghe. Là vì con biết anh Hướng từ bên Pháp mới tiếp mình, chớ nếu biết trước là … thì cửa còn không thể vô đâu!
– Im miệng!
Ông Toàn lên tiếng nạt ngang. Trên xe chỉ có người trong nhà nhưng ông vẫn không muốn nhắc tới sai lầm trước đây của mình.
– Còn mấy chỗ khác chi, bộ Sài Gòn hết chỗ làm ăn sao?
– Đâu có ngon như trong thương xá. Ông còn không biết hay sao mà hỏi. Ai vô trong đó thì coi như là có quan hệ với dòng họ Nguyễn Phước rồi,
– Vậy không vô đó là may, kiểu làm ăn của em trai bà mà vô đó chỉ gây thêm họa.
– Ông nói cái gì? Gây họa … thì liên quan gì tới ông? Có nhờ cậy ông được gì đâu?
Hai Định lắc đầu, không thể không lên tiếng ngăn lại trận cãi vả này.
– Thôi mà, ba má đừng gây nữa. Thua keo này mình bày keo khác.
Hai Định nói tới đây thì xe cũng dừng lại trước cổng nhà họ. Ông bà Toàn xuống xe chớ hai người trẻ tuổi thì đâu có vô nhà bây giờ. Trời đêm mát mẻ như vầy, người ta ra đường đi dạo hay tới các nhà hàng cà phê ven sông mới là hưởng thụ cuộc sống.
Bà Toàn nhìn theo hai đứa con chỉ biết ăn chơi mà lo lắng không thôi. Bà nghĩ mình phải tìm cơ hội làm quen với Nguyễn phu nhơn mới đặng. Gian hàng trang sức của Nguyễn gia sắp mở rồi, bà nên chuẩn bị gì đó để kết thêm mối quan hệ, Lần này bà không thể chậm chưn.