Chương 63: Tình, tiền và những toan tính

‘’Tháng Giêng là tháng ăn chơi’’ đã qua nhiều ngày, không khí lễ hội cũng đã vãn, người ta lại bắt đầu cho chuyện làm ăn, tìm bạn hàng hiệp tác và cũng kiếm khách hàng, khách càng lớn càng tốt. Vậy mà khi Liên về nhà, nghe Laurent nói lại chuyện anh Bình Hướng muốn hiệp tác mở tiệm may lớn ở lầu một bên trong thương xá thì cô lại phân vân không dứt khoát. Chuyện làm ăn mà, hiệp tác mở rộng là nên và cũng là lẽ thường. Huống chi, mấy món quần áo lót do Laurent nhập về bán rất khá, mở thêm cửa tiệm nữa cũng tốt, chẳng phải sao?

Liên vẫn rất cần tiền, cô cũng muốn nhanh chóng tích cóp tiền của để chuẩn bị cho lần đối mặt với Mathieu. ‘’Nguyễn Bình Hướng’’, Liên lẩm nhẩm tên đó trong miệng. Không phải tất cả người họ Nguyễn đều có liên quan tới dòng dõi hoàng tộc, nhưng người vừa du học Pháp về lại được tham gia vào Lễ Đăng Cơ của Tân hoàng thì chắc chắn là thuộc dòng dõi hoàng gia rồi. Liên tuy không rành chánh sự cũng biết điều đó. Hiệp tác làm ăn với người trong hoàng tộc thực là tốt, không chỉ tốt hơn năm sáu phần đâu, nắm chắc thành công tới tám chín phần đa. Nếu như chỉ đơn thuần là làm ăn thì đỡ biết mấy!

Dầu ngoài mặt Liên giả ngơ nhưng trong lòng cô biết rõ anh Hướng có chút ý tứ với mình. Trong những lần gặp mặt, anh ấy thường dõi mắt nhìn cô và chìu chuộng theo các sở thích của cô. Cách thức quan tâm tinh tế và âm thầm đó sẽ khiến các cô gái rất thích và cảm động, ngoại trừ cô. Bởi lẽ cô đã không còn mơ mộng hão huyền về chuyện ái tình lãng mạn nữa rồi. Bây giờ anh Hướng muốn dùng tới sự hiệp tác làm ăn để tiếp cận cô ư? Liệu nó có khác gì với cách của Hai Bản hồi trước?

Hai Bản tiếp cận cô là vì tiền tài, anh Hướng là dùng tiền tài để tiếp cận cô. Có khác nhau sao? Cô cảm thấy cả hai chẳng khác nhau là mấy. Tình, tiền và những toan tính luôn đi cùng nhau, phải không? Liệu có tồn tại một mối tình không vụ lợi và toan tính chăng? Có thể có, tiếc rằng cô sẽ không may mắn tới vậy!

Liên nhìn hoàng hôn nhuộm đỏ phía trời tây. Đôi mắt cô cứ dõi theo từng luồng sáng chuyển từ trắng, vàng, đỏ, tím và vụt tắt. Nhìn lâu như vậy, cho tới khi màn đêm buông xuống thì mắt cô đã nhòa lệ, khuôn mặt đầm đìa nước, cô có thể nhận ra vị mặn chát trong đó. Liên lau vội hai dòng nước mắt đương chảy rồi rời khỏi khung cửa, về nhà.

Bữa nay là thứ bảy, ông bà Phó Trần mới có thời gian rảnh rỗi để bàn tính chuyện làm ăn ở xưởng Tân Châu. Liên sẽ về nhà sớm một chút để phụ má Ngọc làm cơm đãi khách.

Anh Hai Liêm vừa từ Long Hồ đi Tân Châu nên ba Hoài mới có thể giao lại chuyện dựng xưởng dưới đó mà về Sài Gòn.  Chiều nay ba Hoài về nhà sớm, còn ở trong phòng nghỉ cho đến lúc cơm tối gần xong mới ra ngoài. Liên nhìn ba mệt mỏi không khỏi nhắc nhở.

– Ba, hay là để con đi Tân Châu cho. Ba lên xuống hoài …

– Ba còn ráng đặng,

Ba Hoài nói mấy tiếng đó rồi thở dài kể thêm tình hình ở Tân Châu và dọc đường về. Chánh phủ cầm quyền đã đặt thêm mấy trạm canh dọc theo tuyến lộ chánh nhưng coi ra họ vẫn khó mà kiểm soát hết các băng nhóm hoạt động ngoài luồng. Theo tin tức mà ba Hoài nghe đặng thì không chỉ có các băng cướp của hay các nhóm giang hồ giành địa bàn mà còn có các đảng phái nữa. Mục đích của mỗi nhóm khác nhau, lại biến hóa khôn lường nên người ta khó mà biết đàng ứng xử.

Chẳng hạn như thương nhơn gặp dân anh chị đánh nhau vì tranh giành địa bàn thì phải mau trốn đi cho lẹ, đừng ở đó chàng ràng; còn lỡ như gặp kẻ cướp của thì phải mau mà giao tiền của ra chớ trốn chạy là bị giết liền. Rồi mình lỡ gặp các đảng chánh trị đương hoạt động bí mật thì đừng có dại mà đi trình báo chánh quyền, họ sẽ bắt mình theo luôn, còn tìm tới người nhà để cảnh cáo.

Má Ngọc nghe vậy liền hoảng hồn, dặn Liên không được đi xa khỏi nội thành. Liên nghĩ tới nhóm người của ký giả Đoàn Biền liền nói.

– Má nghĩ trong nội thành không có sao? Chỉ là người ta ngụy trang kỹ hơn thôi!

Ba Hoài nhìn Liên rồi gật đầu nói.

– Con đã biết vậy thì nên cẩn trọng, bạn bè giao du cũng phải dè chừng. Nhà mình chỉ là thương nhơn, lo kiếm kế sanh nhai là đặng rồi.

– Dạ ba. Bữa anh hai dặn con rồi!

Liên nghe anh hai nhắc nhiều lần, tới phiên ba Hoài nhắc nữa nên cô lỡ miệng. Má Ngọc lập tức lo lắng kêu trời. Cũng may là vừa lúc này ngoài cổng có tiếng còi xe. Anh Tư Bốn chạy ra mở cửa, ba má với Liên cũng theo ra ngoài chào hỏi.

Lúc ăn cơm thì sáu người chỉ nói chuyện bên lề và vài chuyện vui trong mấy ngày Tết. Đến khi ăn uống xong xuôi, mọi người dời vô phòng khách ngồi thì ba Hoài mới bắt đầu nói vào chánh sự. Đầu tiên là tình hình dựng xưởng, theo dự định là đầu tháng năm dương lịch sẽ xong.

– Tôi coi ngày tốt rồi mời ông Phó xuống Tân Châu một chuyến. Chuyện giấy tờ ở sở Thương mãi chắc cần coi ngày luôn cho thuận,

Ba Hoài vói tay lấy bìa hồ sơ để sẵn gần đó đưa qua. Liên là người đánh máy ra giấy tờ này nên cô nắm rõ nội dung trong đó. Việc lập hãng dệt lụa ở Tân Châu tách riêng, không dính dấp giấy tờ với hãng ở Chánh Hưng. Sáu phần hùn nhà bên này là do anh hai Châu Liêm đứng tên, bốn phần còn lại là do ông Phó Trần đứng tên.

– Có nộp cho phòng thương mãi ở Tân Châu không?

– Có, nộp một bản trích lục,

Ba Hoài trả lời bác Phó rồi đưa tiếp hai tờ giấy khác. Lần này là giấy viết tay và chỉ là những gạch đầu dòng ngắn gọn chớ không phải viết thành văn tự chánh quy.

– Cái này là thỏa thuận miệng giữa hai nhà,

Tuy là thỏa thuận miệng nhưng ba Hoài vẫn kêu Liên viết ra thành hai bản ngắn gọn để người hai nhà cùng biết trong lần này. Tình hình an ninh ở Tân Châu và tuyến đường từ đó về Sài Gòn càng phức tạp thì họ cần phía ông Phó Trần giúp đỡ nhiều hơn.

Bác Phó Trần coi xong bản viết tay, đưa qua cho cô giáo Lê và Laurent coi rồi nói với cha.

– Lương nhơn công hay các khoản phí khác không quá phức tạp, chỉ có khoản phí mà chỗ tôi cần dùng sẽ khó mà ghi ra chi tiết.

Ba Hoài lập tức lên tiếng.

– Tôi hiểu, tôi tin tưởng ông.

– Nếu vậy thì thứ hai tới này đi sở Thương mãi, làm cho xong thủ tục.

– Được. Mời ông Phó vô phòng trong một lát, nói thêm chút chuyện.

Ba Hoài đứng dậy, biểu Liên pha bình trà mới rồi dẫn bác Trần vào phòng nhỏ vốn là phòng thờ.

Bốn người còn lại cũng không rảnh rỗi mà nói tới chuyến hàng vừa nhập cảng mấy ngày trước. Liên cầm tờ nhựt trình có đăng quảng cáo cửa tiệm áo lót ra cho cô giáo Lê coi. Liên không mời người mẫu mặc áo để chụp hình mà nhờ một nữ họa sĩ vẽ. Chính vì họa sĩ vẽ nên có hơi cách điệu khuôn ngực của người đờn bà trong tranh làm má Ngọc kêu trời, cô giáo Lê và Laurent bật cười không ngớt. Dì tư với em Bê cũng ghé mắt coi, em Bê đột nhiên à ra rồi nói luôn.

– Giống mấy cô … ngoài kia quá

Em Bê không nói rõ nhưng mọi người đều biết em ấy nhắc tới những ai. Đó chính là những cô gái … ừm, thường ra vô vũ trường hay quán bar, chỗ hý trường Kim Chung cũng có.

– Đâu có, trong tranh nhìn quyến rũ cũng lịch sự mà,

Laurent lên tiếng phản bác. Nói về thẩm mỹ thì trò ấy luôn có cái nhìn rất phóng khoáng và duy mỹ. Liên chợt nhớ tới mấy bức ảnh chụp các cô người mẫu trình diễn nội y trong tạp chí rồi nảy ra ý nghĩ.

– Cô, mình có thể mượn mấy cô đó trình diễn để quảng cáo …

– Đúng, đúng đó. Sao mình không nghĩ tới cái này. Mama, vừa rồi dì có đi coi một buổi trình diễn bên bển. Nếu mình mà làm đặng thì bảo đảm bán chạy như tôm tươi đa,

Em Bê còn nhỏ, ham nghe chuyện mới lạ nên không giằng được tò mò hỏi tới. Laurent rất nhiệt tình miêu tả về các buổi trình diễn ‘’thời trang’’ được tổ chức ở Pháp và các nước phương tây. Về thực chất thì đó cũng là các buổi giới thiệu để bán sản phẩm mà thôi.

– Giống như hội chợ vậy hả cô?

– Đúng, gần giống vậy. Chỉ khác là làm sang trọng và đặc sắc hơn.

Laurent gật đầu với em Bê, rồi như nghĩ ra gì đó liền qua sang nói với Liên.

– Làm ở chỗ thương xá đó được không?

Liên nháy mắt ra hiệu để chặn lại lời nói tiếp theo của Laurent. Cô vẫn chưa nói với ba má chuyện anh Bình Hướng đề nghị hiệp tác làm ăn. Laurent mất hứng, chợt nghe cô giáo Lê thâm trầm nói.

– Để mấy cổ mặc vô đi tới đi lui quyến dụ chắc mấy bà phu nhơn tới nhà xé xác chúng ta chớ chẳng không!

– Hả?

Liên với Laurent còn chưa hiểu thì má Ngọc bật cười gật gù hô phải rồi chặc lưỡi tiếp theo.

– Mình bán mà, ai bỏ tiền ra mua thì mua chớ! Chừng đó chắc toàn mấy ông bỏ tiền …

Ha ha, Laurent vừa bật ra cười hai tiếng thì ba Hoài và bác Trần từ phòng trong đi ra. Hai người nhìn nhìn, không rõ là nhóm Liên đương nói chuyện gì mà ai nấy đều có vẻ mặt kỳ lạ tới vậy.

Cô giáo Lê đứng dậy, không kiềm được đắc ý trên mặt nói.

– Hai đứa tính coi tốn bao nhiêu tiền. Tôi thấy làm vậy là bán đặng đó chị hai!

Ba Hoài với bác Trần nghe vậy thì đoán rằng họ đương bàn chuyện làm ăn nên không hỏi nhiều. Tuy nhiên nhìn vẻ mặt của hai bà vợ thì liền cảm giác không đúng lắm.

Bác Trần nhắc lại cuộc hẹn ở sở Thương mãi lần nữa rồi mới lên xe ra về.

Việc mở xưởng dệt lụa ở Tân Châu là ba má muốn gầy dựng sự nghiệp cho anh hai, họ tiến thêm một bước này cũng coi như đã vững thêm một chưn nữa.

– Pha cho ba ly cà phê nữa đi.

Ba Hoài thấy em Bê dọn mâm trà bánh từ trong phòng ra thì ngoắc tay biểu Liên. Ông vẫn thích uống cà phê do Liên pha nhứt, cô cũng nguyện ý đi làm nhưng vẫn nhắc.

– Ba, tối rồi!

– Ờ, giờ còn lo nghĩ tới khách hàng cho xưởng ở dưới. Không có đầu ra thì làm bán cho ai.

Mấy năm nay ba với chú tư chỉ tập trung lo đủ nguồn cung nguyên vật liệu và khách hàng cho hãng dệt ở Chánh Hưng. Có thêm xưởng mới thì nguồn cung không ngại nhưng họ bắt buộc phải tìm thêm số khách hàng mới.

Liên thấy đèn trong phòng làm việc của ba sáng tới qua nửa đêm thì cũng trằn trọc ngủ không yên.

Hôm nay là chủ nhựt, Laurent không đi học nên tới cửa tiệm sớm. Qua một đợt khách thì trò ấy kéo Liên vô phòng trong hỏi thẳng.

– Sao trò không nói chuyện anh Bình Hướng cho hai bác? Trò ngại cái gì? Là ảnh tự đưa tới mà,

Liên thở dài, nhìn Laurent rồi nhìn ra sân trong đầy nắng, lại thở dài.

– Mình … không muốn tình tiền lẫn lộn,

– Xì, thì ra trò cũng biết là anh ấy có ý với trò. Vậy mà mình còn tưởng … nếu trò không thích vậy sao không phản đối chuyện ở xưởng Tân Châu?

– Sao tự nhiên nhắc chuyện ở dưới?

– Chẳng phải cũng giống nhau sao? Trò tưởng mình không biết bốn phần hùn kia tại sao mà có hả?

Liên khựng người, quan sát biểu cảm trên mặt Laurent. Cô đúng là nghĩ chuyện của mình mà quên nghĩ tới Luarent. Bất quá, giữa anh hai và Laurent là hai người tình nguyện, cho nên việc hai nhà hiệp tác làm ăn chính là kết thêm một mối liên hệ nữa, càng thêm bền chặt.

– Trò với anh hai … không giống mình. Hai người thẳng thắn, phóng khoáng, sẽ không có chuyện nọ xọ chuyện kia.

– Hứ, trò cũng biết tâng bốc người khác quá đó!

Laurent ngừng lời như muốn sắp xếp lại suy nghĩ trong đầu mình. Trò ấy vói tay mân mê miết theo đường cong của bông tulip trong hình rồi chậm rãi nói.

– Suốt đêm qua, mình cũng nghĩ kỹ rồi. Dầu không là tình nhơn thì cũng là bạn bè. Không nhứt thiết phải trở mặt thành thù hay là cả đời không nhận nhau, đúng không?

Liên mỉm cười, đây chính là khác biệt giữa hai người. Laurent chỉ cần một đêm đã nhận ra điều nên làm; còn Liên cứ mãi luẩn quẩn trong vòng phiền não giữa tình và tiền. Cô nên học cách xử lý của Laurent, nên không?

error: Content is protected !!