Ba Hoài giận chú tư không muốn ở lại Long Hồ lâu nhưng thương em Thanh nên cũng ráng nán lại một đêm nữa, đợi gặp em Thanh và rể mới về nhà lại mặt rồi mới đi Sài Gòn. Chiếc ghe nhỏ chở vợ chồng mới cưới cập bến một lát thì tàu lớn của cậu Tư Tấn cũng tạch tạch chạy tới. Anh hai và chồng em Thanh ra đón khách, bàn tiệc trong nhà cũng rôm rả hơn.
Tư Tấn vẫn ăn vận đồ tây tân thời, chỉ có khác là trong tay xách thêm cây dù cũng là chưn chống cho cậu lúc lên xuống tàu. Hơn nữa, vóc dáng của Tư Tấn chỉ ở mức trung bình, cậu đội nón cao thêm giày có đế dày và cây gậy cũng khiến cho cậu không bị thất thế khi đi cùng anh hai hay những người khác. Liên nhìn cách ăn vận của cậu Tư không khỏi cảm thán sự chăm chút đó. Một người biết rõ ưu khuyết điểm của mình để bổ sung hay che dấu hẳn là người có tâm hồn tinh tế cùng kiến thức. Có lẽ cậu Tư Tấn không kệch cỡm như vẻ ngoài cậu thể hiện.
Liên dọn cái máy hát dĩa của cậu Tư Tấn cho mượn vô thùng hẳn hoi rồi nhờ anh hai bưng ra tàu lớn. Lần đám cưới này, Tư Tấn giúp đỡ chạy tới lui hai ba lượt nên ba Hoài mời rượu và dặn anh hai phải tới nhà cậu Tư để cảm ơn. Cậu Tư nhận ly rượu của ba Hoài, liếc chú tư một cái rồi uống cạn.
Vì cả nhà đều muốn về Sài Gòn sớm nên bữa tiệc ngày lại mặt của em Thanh làm rất gọn. Trời xế bóng là mọi người đã ăn uống xong, má Ngọc kéo thiếm tư ra nhà sau dặn dò.
– Chuyện nhà này thiếm đừng lo, cứ yên tâm mà ở đây buôn bán làm ăn. Để thằng hai mua xong căn nhà ngoài chợ đi, tôi về trển mấy ngày rồi đi với thiếm về Thất Sơn. Chừng đó thiếm muốn cái gì thì nói tôi nghe, tôi giận chú tư chớ thiếm với mấy đứa nhỏ thì đâu có giận.
– Dạ, chị hai.
– Đừng có rầu quá mà sanh bịnh, tội con Thủy.
Cả nhà lên tàu của cậu Tư Tấn để quá giang ra bến xe lửa Mỹ Tho. Chú tư cũng nhảy lên tàu, bỏ mặc hai bà vợ, mấy đứa con gái và rể mới ở nhà. Chú nói ra chợ Mỹ Tho lo chuyện nhà cửa.
Chiếc tàu của Tư Tấn lớn, cũng đa dụng. Liên thấy có hầm lớn phía dưới để chở hàng. Tầng trên có mấy gian phòng lớn nhỏ chắc là để cậu nghỉ ngơi khi đi dài ngày. Liên không vô trong đó mà lấy cái ghế thấp ngồi nép ở chỗ mát nhìn ngó hai bên bờ. Tàu chạy chừng nửa tiếng thì Tư Tấn ngoắc biểu Liên ra mũi rồi chỉ về bên phải nói.
– Đó là nhà của tôi, khi nào cô Ba rảnh xuống chơi. Lên chút nữa, hỏng có lùm dừa che cô Ba thấy rõ hơn.
Liên hơi nhón chưn, vịn vô cột gỗ nghiêng người nhìn. Khuất sau những rặng dừa ven sông là một vùng đồng ruộng bằng phẳng tít mắt. Ruộng lúa cạn nước trợ trọi màu đất nâu và rạ xám; có vài chỗ trũng có nước thì cây lát và lau sậy xanh xanh. Xa hơn chút nữa là một gò đất có tầng cây lớn và mấy xóm dân cư; cách một khoảng nữa là mấy ngôi nhà mái ngói, còn có xưởng gì đó mà có ống khói bốc lên nhè nhẹ.
– Là nhà máy gì vậy?
– Xay xát lúa gạo,
Cậu Tư vừa trả lời thì anh hai cũng đi tới cười nói.
– Em mà xuống đây thì cũng phải lựa ngày đa, trúng vào vụ mùa là ‘’cậu Tư’’ bận bịu lắm! Bên kia kìa, chỗ đó là nhà máy đường, cũng của nhà cậu Tư đó.
– Ha ha ha, anh hai sao!
Tư Tấn hơi ngượng khi nghe Hai Liêm nhắc tới công việc và gia sản nhà mình. Cậu liếc thấy Liên vẫn chăm chú nhìn ra ngoài, có vẻ ưa thích cảnh đồng quê thì bắt đầu nói nhiều hơn.
– Cô Ba thấy vùng đất giữa còn xanh rì kia không, chỗ đó là gò mía, trồng đặng quanh năm. Cái cồn kia kìa, chỗ đó đất tốt lắm, xoài ngọt lắm, trồng bưởi hay cam gì ra trái cũng ngon.
Tiếc là chiếc tàu lại đi vào khúc sông hẹp, hai bên dừa nước và cây bần che kín không còn thấy gì. Liên quay lại nhìn phía trước mũi tàu, nước lăn tăn in bóng mây trời hơi chói mắt. Má Ngọc thấy nắng gay gắt thì kêu ba người vô, ngồi nép dưới mái che nhỏ.
Lúc này ba Hoài cũng hỏi thăm chuyện làm ăn của cậu Tư Tấn. Liên vừa nghe, thỉnh thoảng lại rót thêm trà cho mọi người.
Từ lần đầu gặp gỡ Liên đã biết cậu Tư Tấn là do chú tư đẩy tới trước mặt cô để thực hiện âm mưu xấu xa của chú. Thế nên Liên đã có ác cảm và cái nhìn phiến diện đối với Tư Tấn. Sau khi anh Hai Liêm trở về, Tư Tấn không thường xuyên tìm cách gặp riêng Liên cũng thôi không tỏ ý theo đuổi phô trương nhưng cô lại bắt đầu có góc nhìn khác về cậu. Sự ác cảm ban đầu nhường chỗ cho sự tò mò, cô tìm hiểu nhiều hơn về chuyện của những điền chủ giàu có nổi tiếng của miệt lục tỉnh, cách họ gầy dựng gia nghiệp và khiến mình có vị thế đặc biệt ở vùng đất này.
Vùng Gia Định xưa kia vốn đất rộng người thưa, cuộc sống dựa vào đồng ruộng, sông rạch và rừng rậm. Cá tôm dưới sông rất nhiều, chim thú trên rừng cũng khá nhưng vẫn không thể làm người ta no bụng dài lâu như cơm như gạo. Đất đai phì nhiêu, thời tiết ôn hòa chính là điều kiện thuận lợi để cây trồng phát triển, người ta liền khai khẩn đất hoang, thuần dưỡng cây lúa rồi tới hoa màu, cây ăn trái. Nhà nào cũng tự mình khai hoang trồng trọt, làm nhiều ăn nhiều; lại thêm được triều đình miễn giảm thuế, khuyến khích làm ăn. Bởi vậy nên nhà nào siêng năng, chăm chỉ thì liền có cuộc sống ấm no, chẳng lo thiếu đói.
Lần hồi, vùng đất hoang năm xưa cũng thay đổi, con người ta cũng đổi thay. Có người chí thú làm ăn thì cũng có kẻ làm biếng làm nhác; có người gặp vận may trúng mùa thì cũng kẻ gặp phải tai ương. Người có thể kiên cường tiến tới, cùng người nhà gầy dựng thì trở thành điền chủ với những mảnh ruộng mênh mông cò bay thẳng cánh. Kẻ chẳng gặp thời hoặc không đủ kiên định thì trắng tay, buộc phải làm thuê cho người khác. Những thay đổi đó ở đâu cũng có, lại gặp lúc triều đình nghiêng ngửa, đất đai bị chiếm đóng thì những rủi ro và cơ hội càng rõ rệt hơn. Kẻ có thể nắm bắt cơ hội trở thành giàu có nức tiếng, của ăn của để. Người không theo kịp thời thế thì hóa ra bần cùng, khốn khổ.
Những điền chủ giàu có ở miệt lục tỉnh đã tự mình gầy dựng sản nghiệp, chắc chắn không phải là những người lười biếng và ngu dốt. Thế nhưng các thế hệ con cháu của họ không ít người không tiếp nối sự cần kiệm cần thiết mà bắt đầu tiêu xài hoang phí, ăn chơi vô độ nên danh tiếng không còn, sự sản cũng tiêu tan. Bởi vậy nên nhiều người nghe tới danh tiếng của các vị công tử của miệt lục tỉnh đều mặc nhiên nghĩ rằng họ ưa thích ăn chơi hoang phí. Người thích thì cho rằng tánh tình phóng khoáng, người không ưa thì nói là phá gia chi tử.
Liên cũng giống như nhiều người khác, dựa vào danh xưng công tử của cậu Tư Tấn liền cho rằng cậu ấy chỉ biết ăn chơi, chuộng sống xa hoa nhàn tản. Nhưng vừa rồi, cậu Tư nói cho Liên biết về đặc sản của từng vùng đất ở quê mình, tuy cậu nói ngắn gọn và súc tích nhưng ẩn trong đó là sự trìu mến và tự hào. Giống như bây giờ, cậu nói về chuyện làm ăn trong nhà, từ việc trồng lúa, trồng mía cho tới chuyện thu mua nguyên liệu cho nhà máy rồi xuất khẩu ra nước ngoài, tất cả đều rất rành mạch; chứng tỏ cậu hiểu rất rõ, làm rất quen tay khiến Liên cảm thán không thôi.
Một người có thể yêu quý đất quê mình như vậy, cũng hiểu rõ chuyện làm ăn trong nhà thì tâm trí đâu phải bỏ đi. Liên vẫn không hiểu vì sao cậu Tư Tấn lại tạo cho mình vẻ ngoài như vậy? Là muốn làm kẻ thức thời phải không?
Có lẽ là vậy, người ta vẫn thường nói ‘’Khôn cũng chết, dại cũng chết, chỉ có kẻ biết là sống’’. Ở thời loạn lạc này, chỉ kẻ thức thời mới sống nổi!
Tàu cập bến, mọi người cám ơn cậu Tư Tấn rồi bước lên bờ. Cậu Tư không quên nháy mắt với Liên rồi lại lên tiếng mời Liên xuống nhà chơi. Liên cười bất đắc dĩ, không quên lắc đầu khiến cậu Tư bật cười theo.
Vừa lên bờ, chú tư không đi cùng tới bến xe lửa mà quẹo vào con hẻm nhỏ gần đó. Liên vẫy vẫy tay với anh hai rồi chạy đi mua vé xe lửa về Sài Gòn. Họ phải chờ hơn một tiếng nữa mới có tàu đi Sài Gòn. Ba má dặn dò anh hai giải quyết chuyện nhà cửa ở đây cho mau rồi đi Tân Châu.
Liên nhắc anh hai chuyện ký giả Đoàn Biền tìm anh ấy thì bị kéo ra một góc dặn.
– Em đừng liên hệ nhiều với ông ấy, còn có bạn em nữa, phải cẩn thận, biết chuyện nào nên làm, chuyện nào không thể, nghe không?
– Nghe rồi, biết rồi!
Liên vừa nói vừa kéo anh hai lại chỗ ba má ngồi. Hai Liêm lắc đầu, vẫy tay với ba má rồi đi ra khỏi bến xe lửa, cũng vội vã không khác gì chú Tư.