Chương 59: Một kẻ đi, một người tới

Trước ngày làm đám nhóm họ của em Thanh thì ba Hoài với anh hai cũng về tới Long Hồ. Chiếc tàu vừa lớn vừa đẹp cập vào bến, mấy đứa nhỏ trong xóm đã nhốn nháo la lớn khiến người trong nhà hiếu kỳ ngó ra. Anh hai nhảy xuống trước, kế đó là cậu Tư Tấn rồi ba Hoài theo sau.

Liên nghe anh hai lớn tiếng mời nhóm người còn trên tàu lên ăn cơm uống nước thì tưởng họ đều là người làm việc trên tàu này, hẳn là tàu của cậu Tư Tấn. Ai ngờ trong nhóm người theo sau đó có một người đờn bà lẫn vào. Bà ấy chừng qua ba mươi tuổi một chút, da ngăm đen, tóc bới hơi cao trên đỉnh đầu và cách ăn vận hơi kỳ. Bà mặc quân tây đen và áo kiểu in bông sặc sỡ; kiểu bông này được người Khơ-me ưa dùng, còn quần tây có hơi cũ lại không được ủi thẳng nếp, coi ra bà ấy không phải là người khéo tay hay tỉ mỉ.

Mọi người chú ý vì sắc áo quá nổi bật của bà ấy rồi thì thôi nhưng Liên thì khác. Cô mang máng nhớ lại hình dáng này, nhứt là khi bà ấy ngước đầu nhìn vào trong nhà. Lúc cô chợt nhận ra bà ấy là ai thì bà ấy cũng đồng thời mếu máo rồi òa khóc nức nở.

– Chị hai! Trời ơi, chị hai tôi!

Mấy ngày nay chú tư đã làm quấy nhiều trước đám cưới của em Thanh, giờ lại có người tới trước cửa khóc than càng khiến người ta hiếu kỳ rồi bu quanh dò hỏi.

– Chuyện gì vậy anh hai? Người này …

Ba Hoài không trả lời chú tư, ngó thấy má Ngọc với Liên đứng bên trong thì đi nhanh vô.

– Mình ra nhìn kỹ coi có thấy quen không?

Má Ngọc nghe vậy thì ngạc nhiên, bước lên trước mấy bước để nhìn rõ người đờn bà đó. Liên nhìn ba Hoài nhíu mày, rồi quan sát người nọ kỹ hơn.

– Ba, không sai đâu. Là dì út con, con vẫn còn nhớ!

– Con chắc chớ!

Liên gật đầu xác nhận lần nữa. Cô thấy ba Hoài thở ra, không biết là vui hay buồn rồi ông bước trở ra cổng định nói gì đó. Cô liền đi vượt lên phía trước ông, giả bộ xúc động kêu lớn.

– Dì … dì Út! Dì đi đâu biệt tích gần mười năm nay? Ba má con mất mà dì cũng không về? Sao dì còn nhớ nhà này? Là ba con đăng tin tìm kiếm dì phải không?

– Cô … là con chị hai hả?

– Dì … không nhớ con? Vậy dì nhớ má con hôn?

– … sao mà không nhớ!

– Hai ngày nữa là đám cưới em Thanh, đúng là ngày lành mới xui khiến dì trở về, con mừng quá!

Liên vừa nói vừa kéo dì Út Hậu đi vô nhà, đi ngang chỗ anh Hai Liêm cô còn đá nhẹ vô ống quyển ảnh một cái để nhắc nhở. Hai Liêm nghe ra mấy tiếng cuối cùng của Liên nên bước lên trước một chút rồi họa vần theo lời của Liên vừa dứt.

– Phải đa! Đúng là chuyện tốt thành đôi.

– Nhà cháu Hoài năm rồi tới năm nay đúng là gặp vận hanh thông, vừa tìm được con trai về lại tìm được dì của con Liên, đúng là Trời Phật phù hộ.

Ông bảy hàng xóm vừa lên tiếng thì mọi người xung quanh đều gật đầu, mừng cho hai gia đình họ Trần và họ Châu. Trong những ngày tháng hỗn loạn này, nhiều gia đình phân tán, còn có thể tương hiệp là may mắn và phước đức lắm rồi.

Sau anh hai liền tới ba Hoài làm chủ mời hàng xóm vào nhà ôn chuyện cũ. Dì Út Hậu không phải về một mình mà còn đi cùng với dượng, là dượng kế mới chấp nối sau này. Hèn chi, Liên không nhận ra người đờn ông theo sau dì út có nét quen thuộc, cô tưởng rằng dì về đây một mình.

Rạp đám cưới đã dựng xong, cũng vừa đúng dịp để mọi người vào nghe chuyện. Ba Hoài nói đã đăng báo tìm người thân cho Liên mấy lần, năm rồi cũng đăng ở khắp các mặt báo miệt lục tỉnh và ở cả Nam Vang. Ba Hoài nói ngắn gọn mấy câu thì nhìn dì dượng Út của Liên. Mọi người đều muốn nghe chuyện của họ đa, ai cũng muốn biết vì sao năm đó dì Út đi biệt tích, tới bây giờ mới về.

Dì Út không còn kêu khóc mà nức nức nở nở thắp nhang trên bàn thờ ba má Liên rồi mới kể. Dì theo chồng trước làm ăn xa, trong một lần họ qua Nam Vang thì chồng trước mắc bịnh rồi qua đời. Đương lúc ở xứ người, dì chỉ đủ tiền làm đám tang rồi làm lụng vất vả nuôi con. Năm sau thì con gái cũng mắc bịnh không khỏi, theo ông bà luôn. Dì bơ vơ đơn chiếc mới gá nghĩa với dượng sau, nương tựa nhau lo làm ăn, cũng sanh đặng hai đứa con trai nhỏ. Năm rồi, có người quen nói là thấy trên báo đăng là anh chị hai đã mất, cháu gái côi cút, đương tìm người thân nên mới gác hết mọi công chuyện trở về.

Lúc nãy, má Ngọc biểu Liên qua ngồi kế bên dì Út Hậu thế nhưng cô vẫn có cảm giác e ngại và xa lạ. Dẫu sao thì dì út đã bỏ đi nhiều năm rồi, cô nghĩ chẳng qua là do tánh tình mình lạnh nhạt mà thôi. Nhưng sau khi nghe dì út kể lể ‘’trơn tru’’ chuyện đời ngang trái của mình thì cô lại nghĩ cảm giác xa lạ vừa rồi không hẳn chỉ là trực giác đơn thuần. Dì Út Hậu lúc này không giống với trước kia; Liên vẫn còn nhớ những lần dì út tranh cãi với má Phước. Ông bà ngoại mất sớm, má Phước nuôi dì, lúc lấy chồng cũng dẫn theo. Nói thực ra vì còn em út phải nuôi dưỡng nên má Phước mới chọn ba Trần vốn cũng là cô nhi.

Năm đó, má Phước không đồng ý cho dì Út quen với một thanh niên lêu lỏng ở chợ nên ngăn cản vì thế má Phước và dì Út thường gây nhau. Liên chừng bảy tám tuổi, cũng hiểu biết chút chuyện nên nhớ có lần dì Út đòi chia tiền bạc gì đó của ông bà ngoại để lại. Má Phước không cho, dì liền trộm tiền trong tủ rồi bỏ đi cùng người thanh niên kia. Mấy tháng sau dì Út và người nọ dắt tay nhau về, nói là đã làm đám cưới, còn mang thai nữa. Má Phước rất giận nhưng việc đã lỡ rồi nên mới chịu lép muốn dượng Út làm lễ ‘’Thú phạt’’ để không mất thể diện với mọi người. Bữa lễ vừa xong thì dì dượng Út lại nhắc tới chuyện chia gia sản của ông bà ngoại chính là ngôi nhà trong chợ mà họ đương ở và miếng ruộng ở trong làng. Liên không nhớ là chia chác ra sao nhưng cả nhà cô mua ngôi nhà cũ này, dọn từ chợ về đây ở; miếng ruộng kia cũng bán luôn. Sau đó dì Út hiếm khi tới nhà cô, má Phước vô chợ thăm mấy lần cũng không gặp rồi dần mất liên lạc.

Trong ký ức của Liên, dí Út tánh nết chanh chua, giỏi cãi bướng chớ không có như lúc này; đôi mắt đỏ hoe, giọng khóc nức nở phát ra đúng lúc cùng những lời kể hàm súc rõ ràng là đã được soạn sẵn, chớ không phải đương nói thực nỗi lòng của mình. Dì Út còn kể lại kỷ niệm hồi xưa của má Phước với ba Trần, giọng kêu anh hai chị hai nghe rất thân tình, kèm theo đó là lời cảm thán đầu môi ‘’Phải chi anh chị hai còn sống …!’’.

Dì út thỉnh thoảng liếc nhìn Liên để dò phản ứng. Má Ngọc ngồi bên cạnh cũng nắm bàn tay cô mà siết chặt trong lúc nghe dì nhắc lại chuyện xưa. Một bàn tay ấm áp và một đôi mắt lấm lét hằn những vết nhăn, Liên đã không còn ngây ngô từ rất lâu rồi, thân thể bất giác hơi nghiêng về một phía.

– Dì Út đã về rồi, con Liên có người thân ruột thịt bên cạnh để nó đỡ tủi thân,

Má Ngọc nói tới đây thì ba Hoài đằng hắng chặn lời, quay nhìn Liên dặn.

– Con coi sắp xếp chỗ nghỉ cho dì dượng con trước, mấy chuyện khác nói sau,

Liên đứng dậy chưa kịp trả lời ba Hoài thì dượng út cười lớn nói theo.

– Phải đa, vợ chồng tôi có đem quà tới tặng cháu … cháu Thanh,

– Còn quà của cháu Liên thì ở trong giỏ dưới tàu.

‘’Dì dượng út đúng là đồng thanh tương ứng đa!’’, Liên nghĩ trong bụng vậy mà miệng không quên mỉm cười cám ơn dì dượng. Dì út vội đẩy dượng một cái, chỉ phía bến ghe ra hiệu. Dượng út chưa ra khỏi phòng thì đã nghe tiếng máy hát vọng tới.

Anh Hai Liêm cười nói.

– Con mượn chỗ Tư Tấn. Dì Tư ơi, nghe cho đã ghiền đa!

Thì ra, trong lúc người bên này lo đón tiếp dì dượng út thì bên kia cậu Tư lo gắn máy hát dĩa. Cái máy hát dĩa của nhà cậu Tư Tấn là hàng tốt nhất hiện có, tiếng đào kép vang lên trong veo nghe còn hay hơn là người hát thiệt trên sân khấu. Không chỉ con nít thấy lạ bu vô coi mà người lớn cũng ngồi quanh lắng tai nghe. Nhứt là mấy bà mấy cô mê đào kép, mê cải lương thì khỏi nói rồi, tay cầm dao mà huơ huơ chớ chẳng dám chặt cái gì, sợ lỡ lúc anh kép xuống câu vọng cổ mùi mẫn.

Liên thấy dượng út ra ghe, còn má Ngọc dẫn dì út xuống nhà sau chỉ phòng ốc thì kéo anh hai lại góc bàn hỏi nhỏ.

– Nãy ba sao vậy? Đúng là dì Út,

– Ờ, em nhận ra thì tốt rồi nhưng mà dượng út đó biết chuyện nhà mình rất rõ. Em còn nhớ rõ vì sao dì út bỏ xứ đi không? Mấy ngày nay đi chung, anh thấy hai người … không hiền lành gì đâu. Em phải coi chừng …

Liên vừa lắc đầu vì cô không nhớ chuyện dì út bỏ đi khi nào và vì sao thì nghe anh hai nhắc nhở. Cô liền lên tiếng phản bác.

– Em thì có gì …

– Ha ha, em là bà chủ rồi mà biểu không có gì hả? Vậy chắc anh là ăn mày đa.

– Hứ, ăn mày … bữa em nghe anh nói với em Thanh là anh có tiền mà. Còn tặng bộ trang sức đó, anh còn chưa cho em cái gì,

 – Ha ha, ghen tỵ hả? Được rồi, chừng nào em lấy chồng anh sẽ mua cho hai bộ trang sức luôn.

Hai Liêm cười lớn xong thì liền thay đổi nét mặt, nhìn Liên chăm chú nói.

– Bữa ba nghe nói dì em tìm tới thì vui lắm nhưng mấy ngày nay đi chung với họ ba cứ lo. Nghĩ lại cũng kỳ, sao họ muốn tới xưởng ở Tân Châu mà không về thẳng đây, …

– Suỵt! Em biết rồi. Xong đám cưới rồi tính tiếp.

Liên thấy dì Út Hậu từ nhà sau đi lên thì ngăn anh hai lại. Hai người tách ra, Liên thấy anh hai tới vỗ vai Tư Tấn vui vẻ nói gì đó, hẳn là cám ơn chuyện máy hát. Rồi cô đưa mắt tìm kiếm chú tư, quả không sai, chú đương nhìn Tư Tấn với Hai Liêm bằng ánh mắt ghét bỏ và tức giận. Liên bật cười, nhớ lại hồi đó chú muốn mượn tay Tư Tấn rù quến cô. Giờ thì Tư Tấn bị anh hai dụ dỗ về phe mình rồi, bỏ qua chú tư luôn.

Chú Tư thất bại nhưng không cam tâm về quê nhà ở Thất Sơn dưỡng già đâu. Chẳng lẽ chú đã biết dì dượng út trước khi họ tới gặp ba Hoài? Ba Hoài đã đăng tin tìm dì Út từ mấy tháng trước. Chú tư … tìm người cũng hay ghê! Đúng là mỗi người đều có biệt tài sở trường. Nhưng mà chú Tư không nhìn ra tánh nết của dì Út Hậu rồi. ‘’Giang san dễ đổi, bản tánh khó dời’’, Liên tin rằng dì út không thể diễn kịch đặng lâu đâu. Chỉ ít lâu, dì sẽ lậu ra mục đích mà thôi. Nhưng mà người xưng là dượng út sau kia thì lại khác. Từ tàu lên bờ, ông ấy không ngừng vui vẻ làm thân với mọi người, còn chỉ cái giỏ xách trong tay nói là quà lễ cúng ba má Liên, tạ lỗi vì nhiều năm qua không về viếng.

Liên mong chuyện của chú Tư xử lý xong thì mình có thể toàn tâm lo làm ăn, chuẩn bị đối mặt với Mathieu. Nhưng coi ra chú Tư chưa muốn buông tay, chú vừa đi đã sắp đặt người khác thay thế. Họ muốn gia tài của cô hay là tách cô ra khỏi Châu gia?

error: Content is protected !!