Chương 58: Bắt đầu màn kịch mới

Liên đã hẹn anh Hai Liêm gọi tới Nhà dây thép Mỹ Tho bên cạnh trạm xe lửa lúc tám giờ buổi mai nên cô phải dậy sớm. Lúc đầu chỉ có Tư Thủy đưa cô đi nhưng thiếm tư ngó tới lui rồi biểu em Thanh đi theo luôn.

Má Ngọc nhìn em Thanh rồi dặn.

– Tụi con đi thong thả, không cần về sớm. Mà Liên, con coi dẫn em Thanh đi làm tóc làm tai gì đó đi, bữa tới đám thì đi lần nữa, vậy coi mới đẹp.

– Dạ, … em biết chỗ làm hôn Thủy?

– Biết, biết chớ!

Má Ngọc nói xong thì nhìn nhìn cái bóp đầm trong tay Liên, ý nói là cứ lấy tiền của má mà xài. Tối qua, trước khi ngủ má Ngọc đã đưa cho cô tiền để mua nữ trang cho em Thanh như đã tính hôm qua. Má còn ứng trước phần của anh Hai nữa.

Thiếm tư nhỏ thấy cả đám xúm lại nói chuyện coi bộ vui nên xáp tới gần rồi chen lời.

– Để em Trúc đi theo cho vui, Trúc à!

– Thôi thiếm, em Trúc còn ngủ mà! Bữa sau, tới sát ngày rồi thiếm dẫn em Trúc đi làm cho vừa ý. Con đi đó má, có dặn gì nữa không má,

– Đi đi, để trễ giờ, lỡ như cha con muốn biểu gì đó,

Má Ngọc và mấy đứa nhỏ không hề e dè coi Châu Tân có nghe thấy hay không. Lúc Liên đi ngang qua chỗ chú tư đương ngồi uống cà phê sáng, cô vừa liếc nhìn thì gặp ngay ánh mắt lạnh lùng của chú. Liên mặc kệ, chú tư còn mừng nữa là khác. Chẳng phải chú muốn cho ba Hoài hay là chú không phục hay sao, chú vẫn còn quyền hành với mấy người thiếm tư. Nếu ba Hoài muốn êm xuôi thì phải thương lượng thêm.

Trời vừa rựng sáng, sương giăng mờ trên sông, gió lướt qua mặt đem tới cảm giác mát lạnh rất sảng khoái. Tiếng xuồng máy tạch tạch xen lẫn tiếng lá dừa xào xạc và tiếng gà gáy râm ran làm Liên thấy an bình. Người và vật, cảnh và tình trộn vào nhau làm nên nét riêng của miền quê sông nước.

– Chị ba,

Tư Thủy vừa cầm lái vừa ngập ngừng gọi Liên.

– Ờ, có gì thì nói.

– Dạ, chị không … bộ cha em làm gì có lỗi với chị hả?

Tu Thủy thấy Liên quay mặt nhìn thì nhăn nhăn khuôn miệng rồi nói.

– Mấy tháng nay … em, có lần em thấy chị nhìn cha chằm chằm. Má nói chắc chị không thích chuyện cha em làm mai cậu Tư gì đó ở Mỹ Tho. Mà lần đó, chị dám … chửi cha em luôn. Cha em giận quá trời … rồi chửi hết ba chị em em, còn muốn … đuổi mấy má con đi.

– Cha kiếm cớ thôi, hồi Tết cha cũng chửi vậy, mà có phải tại chị ba Liên đâu!

Ba Thanh nói chen vào nhưng cũng không khiến Tư Thủy hết nghi ngờ. Con bé nhìn Liên một cái rồi ngoảnh mặt ra phía trước. Tư Thủy mười bảy tuổi, vẫn còn giữ sự nhanh nhạy cảm tính của trẻ nhỏ; đồng thời nó cũng bắt đầu có suy đoán riêng mình.

Liên đã thay đổi sau lần ‘’trở lại’’ hồi tháng tư năm rồi, mọi người đều nhận ra nhưng không quá ngạc nhiên. Con gái mười tám tuổi là lúc thay đổi cả thể xác và tâm hồn mà, đâu có gì bất thường. Có lẽ thái độ đối chọi với chú tư của Liên quá mãnh liệt nên không thể giấu người nhà thiếm tư, đặc biệt là Tư Thủy còn chưa hiểu nhiều về những lợi ích đan xen trong đó.

– Cha em muốn làm khó chị … là lẽ thường. Chị giận, à chị không thích cha em làm khó anh hai thôi.

Ba Thanh gỡ nón lá trên đầu xuống, nhìn kỹ mặt Liên. Tư Thủy cũng quay lại, ánh mắt nó đăm đăm như suy nghĩ lung lắm. Cũng phải thôi, dầu cho chú tư không yêu thương ba chị em Thủy nhưng họ vẫn là cha con; hiếm có đứa con gái nào nghe nói cha mình xấu xa mà lại không nghi ngờ người nói.

Liên không muốn giải thích dài dòng, chỉ cần người ta trưởng thành và va chạm với cuộc sống một chút, biết tới cám dỗ của kim tiền liền biết vì sao chú tư muốn làm khó Liên trước đây và bây giờ là Hai Liêm.

– Em lén nghe cha nói với bả là không thể ở Sài Gòn đặng nữa, ở đây cũng không.

– Hả? Em nghe hồi nào? Sao không nói má hay? Còn nghe gì nữa?

Đúng là về nhà hỏi trẻ, Tư Thủy vậy mà lén nghe đặng nhiều thứ hơn người lớn.

– Má biết rồi. Bác hai gái nói dầu cha có muốn ly dị thì bác hai cũng để lại nhà cho má với em ở, làm buôn bán như cũ.

– Ly dị?

Liên và Ba Thanh đều ngạc nhiên lặp lại.

Liên định lát nữa sẽ hỏi anh hai chuyện của chú tư nhưng mà mọi người dường như đều đoán biết hết rồi. Chỉ là không ai đoán đặng nguyên nhân vì sao ba Hoài lại làm vậy với chú tư, tuyệt đường sanh sống ở Sài Gòn, không cho ở nhà tại Long Hồ, vậy thì chú tư sẽ đi đâu?

Ba Thanh nghĩ ngợi một lát liền nói.

– Chắc cha muốn về lại Thất Sơn, mồ mã ông bà nội còn ở đó.

À, giờ Liên mới nhớ ra, gốc gác của ba Hoài là ở vùng Thất Sơn – Bảy Núi. Trước khi chú tư theo ba Hoài làm ăn thì cả nhà vẫn ở đó. Mấy năm nay ba Hoài má Ngọc vẫn về đó một hai lần. Hồi trước Tết, ba cũng dẫn anh hai về đó thăm hỏi bà con họ hàng.

Liên nhìn nét mặt em Thanh buồn rười rượi thì nhẹ giọng hỏi.

– Dưới đó không đặng hả? Người ta khó sống lắm hả?

Tư Thủy lắc đầu, bật cười.

– Làm gì có, dưới chỉ thua ở đây một chút thôi. Đi tới chợ cũng có nhà lầu xe hơi chớ. Chị ba không biết chớ mấy cái chùa ở dưới còn lớn gấp mấy lần ở Sài Gòn đó, còn thếp vàng thếp bạc nữa đa,

– Vàng thiệt?

Liên chưa từng đi xa xuống miệt lục tỉnh nên thực không biết nhiều. Nhưng vì cô thấy Thanh và Thủy đều không muốn về quê ở Thất Sơn nên mới võ đoán như vậy.

– Thủy, nếu bác hai không cho cha làm chung thì cha sẽ trút giận lên má với em. Sau này em,

– Em thấy ly dị còn tốt hơn. Em với má ở lại đây, chớ cha đem bà đó theo thì sao má sống nổi.

Người mà Tư Thủy nhắc tới nãy giờ chính là thiếm tư nhỏ. Người đớn bà đó vừa có sắc lại vừa biết cách lấy lòng chú tư, thiếm tư lớn mà sống chung thì thể nào chẳng thịu thiệt. Tuy nhiên, mọi chuyện còn chưa tới mức như vậy mà, Liên ngắt ngang lời của Tư Thủy.

– Từ từ đi, còn có ba Hoài với anh hai, hai đứa đừng nghĩ ngợi nhiều. Thiệt ra, hôm qua nghe tụi em kể thì chị đã thấy lạ, muốn gọi dây thép gấp cho anh hai là để hỏi cái này. Đợi lát nữa đi, nói rõ với anh hai rồi chờ ba Hoài định liệu. Ba sẽ không bỏ nhà em đâu mà lo,

Ba Thanh với Tư Thủy nghe Liên nói đều gật đầu, nét mặt cũng giãn ra. Tư Thủy gạt cần cho chiếc ghe chạy nhanh hơn, nước bị đẩy về sau cuộn ào ào vẫn không nhanh như ý em Thủy muốn.

Ba cô gái tới Nhà dây thép hơi sớm, em Thanh chạy đi mua mấy gói xôi đậu còn nóng hổi rồi cả ba ngồi ở băng ghế dài trong sảnh mà ăn.

Lúc đồng hồ gõ tám tiếng thì có tiếng người kêu lớn.

– Mời cô Châu Ngọc Liên tới trạm số hai nghe điện thoại, từ Nhà dây thép chợ Tân Châu,

– Có, có, …

Tư Thủy nhanh nhẹn hô lớn rồi chạy lại gần chỗ người đờn ông ngồi quầy.

– Thủy, ở đây.

Liên với Ba Thanh đi tới trạm số hai, ngoắc tay kêu Thủy khiến người đờn ông nọ nhíu mày. Ông ta đứng lên hỏi.

– Cô tên gì, phải cô Liên không?

– Không, phải, phải. Chị ba tôi tên Liên, chỉ đó …

Thủy vừa nói vừa chạy lại trạm dây nói số hai. Liên đã nhấc máy lên nghe.

– Anh Hai?

– Ờ, gọi anh chi?

– Anh hai, anh hai … em, út Thủy.

– Ờ,

Cái máy nghe bằng kim loại lạnh ngắt mà bị ba gương mặt thay phiên nhau áp tới cũng muốn nóng theo.

Qua một hồi lộn xộn thì hai bên đường dây điện thoại cũng hiểu ý nhau. Hai Liêm nói với Tư Thủy trước, dặn nó đừng lo lắng gì hết , hai ngày nữa ba Hoài với anh hai về Long Hồ sẽ định. Tiếp theo là Hai Liêm hỏi ba Thanh muốn mua cái gì, còn thiếu cái gì thì cứ nói Liên mua.

– Anh hai có tiền,

Liên loáng thoáng nghe tiếng anh hai trong máy, Ba Thanh dạ dạ mấy tiếng rồi đưa qua cho Liên. Cô ép sát máy nghe trong tai.

– Em đừng có làm gì hết, chờ anh về! Dặn má nữa, biết không?

– Biết rồi!

– Vậy thôi, đi mua đồ đi! À, chiều hôm qua có người tìm ba, hình như là … Mà thôi, để về gặp rồi nói.

Liên không biết anh hai nhắc người khách đó làm gì, có thể liên quan tới cô nhưng cô chưa kịp hỏi thì ảnh đã cúp máy.

Cuộc điện thoại này là do người gọi trả tiền, Liên để hai xu trên quầy cho người đờn ông nọ, cảm ơn rồi ra ngoài.

Vậy là Tư Thủy nghe đúng rồi. Ba Hoài sắp đặt cho chú tư về quê ở miệt Thất Sơn, mua thêm đất, sửa sang lại nhà cửa rồi tính chuyện làm ăn dưới đó. Anh hai nói chú tư không có đề cập tới chuyện ly dị gì đó, chắc là hù dọa thiếm tư với em Thủy thôi. Về việc cửa hàng tơ lụa ở Long Hồ thì vẫn để thiếm tư và em Thủy ở và buôn bán. Em Thủy không cần sợ người đờn bà kia tới chiếm đâu.

Có lời đảm bảo của anh Hai Liêm, Thanh với Thủy đã bớt ưu sầu. Cả ba băng qua đường, tới tiệm kim hoàn để chọn nữ trang. Ra khỏi tiệm thì ba Thanh đã không còn lo lắng chuyện của hồi môn nữa. Bất kể cô dâu nào được đeo bộ nữ trang cất trong hộp gấm kia đều sẽ hãnh diện với nhà chồng và mọi người.

Liên thực nghe lời má Ngọc, cả ba không những ghé tiệm làm tóc mà còn đi dạo một vòng các tiệm bán son phấn và dầu thơm trong chợ Mỹ Tho. Lúc trở về tới nhà thì ai nấy đều ngạc nhiên vì đầu tóc ba cô gái đã khác, quanh người còn vương đầy mùi dầu thơm nức mũi.

Buổi tối, Liên thuật lại lời của anh hai cho má Ngọc hay, má gật đầu đồng ý. Lúc cô đưa hộp nữ trang cho má coi thì thiếm tư cũng đi tới ngoài cửa. Liên đoán em Thanh với Thủy đã nói cho thiếm biết nên muốn tới coi.

– Thiếm tư, vô đây.

Liên đứng dậy nhường chỗ, còn đem ngọn đèn dầu kéo tới gần hơn. Trong tay thiếm tư cũng cầm hộp gỗ, thiếm đem các món đồ của mình ra, rồi biểu em Thanh thử từng món coi nên đeo làm sao vào ngày cưới.

Ở trong phòng vui vẻ, ngoài bến ghe Châu Tân bước lên bờ rồi không vô nhà liền mà dừng lại hút thuốc. Đốm lửa nhỏ trên đầu điếu thuốc nhá sáng, khóe môi Châu Tân nhếch lên rất vui vẻ đắc ý. Ông ta vừa đi Mỹ Tho về, đúng như dự tính, người nọ đã xuất hiện rồi.

Một màn kịch mới đã bắt đầu.

HẾT QUYỂN 1

error: Content is protected !!