Chương 52: Những ngày giáp Tết

Ban đầu khi những nhà truyền đạo Công giáo qua đây, họ không chỉ đem triết lý và kinh thánh để truyền bá mà còn đem theo một thứ khác hữu hình và dễ hiểu hơn đó là cách tính ngày tháng bằng các chữ số mà người Việt gọi là Tây lịch hay Dương lịch. Việc tiếp nhận đạo giáo mới là sự tự do và tự nguyện thế nên không thể nhanh chóng và dễ dàng. Sau đó khi thực dân Pháp xâm chiếm Việt Nam và toàn bộ Đông Dương thì họ cưỡng ép dân chúng sử dụng lịch Dương trong các việc liên quan tới hành chánh, từ tính thuế cho tới các văn bản, nhựt trình công sở.

Với những người làm việc cho chính quyền thực dân thì việc biết tiếng Pháp, chữ Quốc ngữ và sử dụng Tây lịch dần dần thành thói quen và nếp nghĩ. Nhưng với dân chúng bên ngoài họ vẫn còn giữ nề nếp sinh hoạt cũ, nhìn trăng tính ngày, bấm đốt ngón tay trông tới đêm rằm và ngày Tết.

Nhà họ Châu giống như các nhà dân chúng khác, tết Tây vẫn là tết ‘’người ta’’ chớ không phải tết của mình. Hai cửa tiệm ở Catinat và chợ Giữa vẫn mở cửa buôn bán như thường; thậm chí thợ thầy trong xưởng dệt ở Chánh Hưng có rất ít người xin nghỉ vào ngày tết Tây. Nhưng vừa qua đầu tháng Chạp thì mọi chuyện đã khác. Mọi người lo tính tới chuyện may quần áo mới cho người lớn và trẻ nhỏ, ăn Tết ra sao, làm bánh mứt gì, ngày nào đi tảo mộ ông bà, ngày nào về quê thăm họ hàng hai bên nội ngoại. Nhứt nhứt mọi chuyện đều tính tới để lo liệu cho xong trong những ngày giáp năm. Hễ vừa qua năm mới là kiêng cữ đủ thứ, chỉ làm điều tốt điều lành mà thôi.

Thiên hạ lo mua sắm thì những nhà làm buôn bán vừa mừng vừa lo; mừng vì hàng hóa bán ra nhiều, tiền lời thu vô khá; còn lo là e mình không quán xuyến nổi công việc, thức ngày thức đêm mà làm không xuể. Liên cũng đương rơi vào tình cảnh đó. Cô đã ở tiệm may suốt nhiều ngày nay, vừa tiếp khách vừa may đo đủ kiểu quần áo. Khách hàng tới đặt may đồ bên tiệm vải Long Hồ nhiều hơn gấp mấy lần ngày thường, riết rồi chuyện bán quần áo lót đều do Laurent lo liệu hết. Lần đầu tiên trò ấy biết thế nào là buôn bán mệt nhọc, không có thời gian mà điểm trang chải chuốt.

Vậy mà vui!

Người ta gặp nhau đều vui vẻ hỏi thăm chuyện nhà cửa, chuyện làm ăn rồi mong ước vào năm tới sẽ khấm khá hơn nữa.

Qua rằm tháng Chạp thì Liên không nhận may quần áo mới nữa vì chắc chắn là không kịp giao trước ngày ba mươi. Cô chuyên tâm vào may, ngồi bên máy may từ sáng tới tối. Trò Hòa nghỉ học ở trường thì chạy tới tiệm làm đồ thêu, khách hàng đặt thêu luôn dùng vải đắt tiền và tiền công rất cao nên Thu Hòa rất cẩn thận từng đường chỉ, mũi kim. Hai người ngồi ở gian phòng phía sau, tuy không nói chuyện nhiều nhưng cảm giác rất thân thiết, niềm vui tràn đầy. Thỉnh thoảng Liên nhìn Hòa rồi nghĩ tới chuyện ở đời trước. Vào lúc này Hòa đã nghỉ học ở nhà thêu thùa kiếm tiền và chuẩn bị lấy chồng. Cô với má Ngọc thì đương chăm sóc ba Hoài trong nhà thương, để mặc hãng dệt và cửa tiệm cho chú Tư và Hai Bản quán xuyến. Còn bây giờ thì Liên và Hòa vẫn còn ở bên nhau, tràn đầy niềm tin vào tương lai do mình tạo dựng.

Nhắc mới nhớ, anh Hai vẫn mang theo Hai Bản đi Tân Châu rồi không thấy hắn trở lại nữa. Thực lòng là Liên cảm thấy thanh thản nhẹ lòng khi không thấy hắn quanh đây. Cô biết rằng cách này chẳng khác nào người làm vườn chỉ vùi mầm cỏ vào đất sâu mà chưa diệt trừ tận gốc, thể nào rồi mầm cỏ này cũng sống lại, mọc lan tràn và hút hết sinh khí của đất. Thế nhưng giữa lúc mọi người xung quanh vui mừng và bản thân cô cũng hạnh phúc thì cô không thể ra tay làm hại Hai Bản cho đặng. Thôi vậy, có thể hắn là mầm cỏ tốt, không biến đất thành vườn hoang và điểm tô thêm màu xanh tươi mát cho đời.

Tới ngày hai mươi tám Tết thì Liên giao xong hết quần áo cho khách đặt may. Lúc cô ra cửa tiễn vị khách cuối cùng thì ngẩn ngơ nhìn dọc theo hai bên đường.

Ai đã đem xuân về vậy?

Tết đến thật rồi sao!

Dãy khách sạn nhỏ chỗ anh Hai ở lúc trước đã rực sắc hoa vạn thọ vàng, sống đời đỏ và đủ sắc mồng gà. Có nhà còn đốt một hai phong pháo nhỏ như báo hiệu cho khách gần xa rằng họ vẫn mở cửa, chào đón khách lỡ đường, chưa kịp về nhà.

Bên hông chợ Giữa, hàng dài hàng lớp hoa kiểng đủ loại, sắc màu rực rỡ trong nắng trưa. Liên xoay đầu ngó nghiêng xuôi ngược, miệng mỉm cười và không còn cảm giác mệt mỏi nữa. Sau lưng cô, Hòa vội vàng bước ra, trò ấy chớp mắt mấy cái dưới ánh nắng, nhìn theo hướng Liên rồi kêu lên sung sướng.

– Đẹp quá! Ở Bến Nghé chắc nhiều hơn, mà bến Bình Đông cũng đẹp lắm đa!

– Ừ, trò đi coi không?

– Đi chớ, năm nào mình cũng đi coi hết. Chỉ có trò là ít đi.

– Ờ ha,

Ông nội Hòa rất coi trọng lễ tiết ngày Tết, cây kiểng thì nhà trò ấy có sẵn chỉ có hoa tươi thì phải mua bên ngoài. Hòa thường theo cha mẹ và ông nội đi chọn, còn có thể ở đó ngắm nghía rất lâu. Đó là thú tiêu khiển của văn nhơn mà.

Nhà Liên thì mua hoa kiểng theo sở thích và sự ưa chuộng thay đổi theo từng năm, nói nôm na là theo trào lưu. Năm nào có loại hoa kiểng nào độc lạ hay mới mẻ thì mua. Còn việc vui chơi ngắm nghía thì dường như là không có, ít nhứt là từ khi anh Hai thất lạc. Năm nay khác rồi!

Liên vừa cười vừa trả lời Hòa, chưa nói hết câu đã thấy chiếc xe hơi trắng chạy ào tới, tấp vô lề rồi anh Hai Liêm mở cửa bước xuống.

– Kiếm cái gì?

– Anh Hai,

– Anh Hai!

Hai cô gái lên tiếng thưa, giọng nói và biểu cảm trên mặt rất khác nhau. Sau đêm Giáng sinh, Hòa đối với Hai Liêm có nể trọng, cũng có sự e dè nhưng không còn xa lạ như trước. Có lẽ thông qua ký giả Đoàn Biền, Hòa đã biết Hai Liêm không đơn giản là công tử ham chơi lêu lổng như vẻ ngoài.

Về phần Liên, cô thấy Hai Liêm như thấy ánh sáng, nhờ có anh mà cả nhà sum hiệm vui vầy. Hơn nữa, anh hai còn thay cô về Long Hồ tảo mộ cho ba má Trần. Những ngày này, ai nấy đều bận rộn, đến cả anh hai cũng dãi dầu sương gió, chỉ có nước da vẫn trắng sáng rỡ.

– Anh hai, cho em mượn xe đi chợ hoa ở Bến Nghé với bến Bình Đông nghe,

– Năm nay trò muốn đi hả? Còn có xe nữa, hay quá … còn mấy bến chợ khác đẹp lắm!

Hai Liêm thấy hai cô gái háo hức như vậy liền tùy ý nói.

– Để anh chở đi, … chừng nào?

– Ngày mai đi, mình còn xin phép.

Hiếm lắm mới thấy Hòa vui vẻ tới mức thất thố như vầy, Liên phì cười xoa xoa sau đầu trò ấy như người lớn dỗ con nít.

– Rồi, theo ý trò hết! Trò làm hướng dẫn viên đa, không thấy đẹp liền bắt đền đó! À, để mình hỏi Laurent với Hảo,

Nói tới đây thì Liên nhìn tới chiếc xe nhà mình, năm người chui vô đó thì hơi chật. Không biết Laurent có thể mượn xe bác Trần hay không, mà kệ đi, bất quá thì ngồi chật vậy.

Hòa thấy đã nói xong chuyện hẹn đi chơi thì quay người đi về trạm xe điện. Trò ấy không thẳng bước mà tranh thủ ngắm nghía đường phố nhộn nhịp, tâm hồn phơi phới và bước chưn nhẹ nhàng như gió mùa xuân.

– Má dặn dọn dẹp, đóng cửa rồi về nhà ăn cơm tất niên.

– Còn phát tiền thưởng nữa … hi hi,

Liên nói thêm phần quan trọng nhứt sau bữa cơm. Thầy thợ ở hãng dệt đã nhận tiền thưởng và nghỉ Tết từ ngày hai mươi hai. Chỉ có nhóm người làm ở hai cửa tiệm là vẫn ở lại làm cho hết việc, tiền lương và thưởng cho mấy ngày này phải khá hơn bình thường. Tối qua má Ngọc đã tính với Liên rồi, tiền thưởng mỗi người cũng bỏ vô bao thơ đỏ hẳn hoi. Mọi người đều biết chuyện này nên hôm nay ai nấy đều vui vẻ và mong chờ. ‘’Bà chủ’’ như Liên cũng mong được trao tiền thưởng cho mọi người vừa là ghi nhận công lao, vừa cảm ơn sự chăm chỉ của họ và cũng chúc mừng năm mới sắp đến.

Xế chiều ngày hai mươi tám Tết, sân trong sân ngoài Châu gia rộn ràng tiếng cười nói. Anh hai đem về cái máy hát đĩa mới toanh, tiếng nhạc du duong càng khiến người ta hưng phấn. Anh Tư Bốn với nhóc Đậu liền giành lấy phần quay cua-rơ và thay đĩa nhạc theo yêu cầu của mọi người.

Bên nhà Laurent tiệc tùng chiêu đãi nhiều hơn bên này nên cô giáo Lê cáo lỗi không tới tham gia. Thế nhưng Laurent rất muốn đi chơi chợ Tết nên nói chắc rằng sáng mai sẽ chạy xe tới cùng đi. Nhà Hảo còn bận rộn hơn nữa, trò ấy bán giày dép không kịp thở, mới vừa mở lời xin đã bị rầy la. Hảo mếu máo nói qua đường dây thép.

– Trò nói anh Liêm đi chơi lúc nửa đêm đặng không? Lúc đó mình mới rảnh!

– Ha ha, vậy qua mùng rồi đi! Trò ráng kiếm tiền … lì xì cho mình với Hòa đó.

– Hứ, … (Hảo ơi! …)

Liên loáng thoáng nghe tiếng ai đương gọi Hảo ở bên kia đầu dây nên cúp máy. Hảo không đi thì không sợ xe chật chỗ nhưng Liên muốn mua nhiều hoa nên xe rộng một chút càng tốt.

Liên nằm xuống giường, tính toán coi nên mua hoa gì, chưng ở đâu trong nhà. Thế nên trong giấc ngủ mơ màng cô thấy rất nhiều hoa, đủ sắc đủ hương. Cô biến thành con ong nhỏ, chấp chới đôi cánh mỏng, vừa trò chuyện với từng đóa hoa vừa hút mật và giúp chúng phát tán mầm sống mới đi khắp mọi nơi.

Khuya nay dì Tư và em Bê về Long Hồ, anh Tư Bốn đánh xe ngựa đưa cả hai ra bến xe đò Lục tỉnh. Cả nhà đều thức dậy, má Ngọc đã để riêng mấy giỏ quà mà vẫn dặn dò cẩn thận lần nữa. Anh Hai đem về đĩa hát tuồng cải lương mới làm dì Tư nghe mà tiếc hùi hụi.

– Tui dìa ăn Tết rồi lên sớm chút đa, nghe cho đã ghiền.

– Trời, đĩa hát còn đó chớ chạy đi đâu mà dì lo.

– Mốt đám cưới em Thanh tôi đem về dưới nghe chơi!

Anh Hai cười nói chen vào lời của má Ngọc, dì Tư với em Bê nghe vậy liền mừng, nói về khoe ở Long Hồ rồi mới bịn rịn lên xe ngựa rồi đi.

Liên theo má Ngọc dọn dẹp lại nhà bếp, cô pha hai ly cà phê đen bưng lên nhà trên. Mấy tòa soạn báo đã nghỉ làm việc, ba Hoài với anh Hai đọc nhựt trình cũ, nói chút tin tức bên ngoài. Liên nhìn trời rồi xin phép má lên lầu thay đồ chuẩn bị đi chợ Tết. Cô thay đồ xong, bước ra hành lang liền nhìn thấy chiếc xe hơi lạ đậu trong sân. Cô bật cười thầm nghĩ chắc Laurent mượn đặng xe mới của bác Trần.

Ai ngờ, lúc xuống nhà dưới thì Liên thấy ngoài Laurent còn có hai thanh niên trẻ tuổi, vừa quen vừa lạ. Laurent nháy nháy mắt với cô, vẻ mặt rất đắc chí và rạng rỡ. Cô bật cười bất đắc dĩ, dầu có thêm ai đi chăng nữa cũng không làm cô mất vui.

error: Content is protected !!