Chương 44: Chồng một vợ hai

Từ ngày nhà Liên lên Sài Gòn, ba Hoài giao thiệp nhiều, nhưng rất ít khi mở tiệc trong nhà. Ai cũng hiểu hoàn cảnh gia đình nên không trách phiền. Bây giờ tin nhà họ Châu tìm lại được con trai sau mấy năm thất lạc đã lan ra. Ai nấy thân tình hay không cũng lớn tiếng chúc mừng. Ba Hoài đáp ứng mở tiệc lớn đãi đằng, má Ngọc vui vẻ lo toan chuyện nấu nướng.

Khách đến đúng là thật đông, tiếng hỏi thăm rộn ràng. Lúc đầu bà Châu còn lo con trai đang bị thương, uống rượu nhiều không tốt. Nhưng mà chuyện đàn ông giao thiệp đãi khách bà không thể xen vô. Qua mấy bàn khách uống rượu, Hai Liêm vẫn tỉnh bơ, khách đều cười ha ha nói ông Châu có người nối nghiệp rồi, liệu mà còn giỏi hơn, phát quang nghiệp nhà.

Người nói vô tình, người nghe hữu ý. Châu Tân nghe mà trong lòng khó chịu, giận mà không làm sao phát ra. Ông cho người tìm hiểu thì đúng như lời Hai Liêm nói. Ai ở Giồng Trà – Dên, miệt Tân Châu cũng biết có người tên Hai Liêm, được nhận nuôi từ lúc mười hai mười ba tuổi. Hai ba năm trước thì theo thương lái làm mua bán khắp nơi. Ông vẫn chưa tìm ra được uẩn khúc gì. Lại nữa, anh hai đã ra bộ làm tờ bằng, đúng là làm ông trở tay không kịp. Thiệt là miếng mồi sắp tới miệng mà bị giựt ra, ức chết ông rồi!

Ngồi ở bộ ván bên trong, bà Ba Toàn cũng nghe được lời đó. Hôm trước bà còn mấp mé tìm hiểu gia sản nhà họ Châu. Dù cô Ba Liên đó là con nuôi, nhưng được cưng vậy chắc được hưởng phần lớn gia sản. Con trai bà mà để mắt tới thì cũng có chút vốn lận lưng. Giờ thinh không nhà họ Châu tìm được con trai ruột, thì con gái nuôi tính là gì. Bà thở dài thôi thì tìm mối khác. Mà thằng Định báo là sẽ về liền trong tháng sau. Ông bà gặp khó khăn bên này, không gởi đủ tiền làm sao chi dùng, thôi thì về đây kiếm chỗ làm coi thời thế ra sao rồi tính tiếp.

Bà chợt nảy ra ý nghĩ, không cưới con dâu thì gả con gái vô đây! Bà liếc mắt nhìn Hai Liêm, tướng bộ cũng được, ngặt cái thất lạc mấy năm nay thì chắc đàng học hành không đặng, làm sao xứng với con Hồng?

Đến chiều, khi khách còn lại vài bàn thì ba cô bạn của Liên đến. Laurent trợn mắt nhìn Hai Liêm đang ngồi bàn ngoài. Liên kéo trò ấy lên phòng kể lại câu chuyện ba Hoài sắp đặt.

– Trò nhớ đừng lộ ra cho ai nghe.

– Ừ, mình biết rồi. Mà …

Laurent định nói sao mà nhìn khác dữ vậy, đương nhiên trong ý nói là khen rồi. Nhưng mà chợt nghĩ lại, mình là con gái chưa gì đã khen ngợi người ta, không phải chút nào nên dừng lại.

Hòa và Hảo thì lần đầu tiên thấy mặt anh Hai, cũng rón rén nhìn rồi bình phẩm mấy câu. Thiếu nữ trong mơ trong mộng thì hay tưởng ra hoàng tử tài mạo ngút trời, vừa là đấng anh hùng vừa phải ấm áp chìu chuộng. Thực tế khi đối diện với thanh niên lạnh lùng cao ngạo, lại có vẻ bất cần như Hai Liêm thì đổ liêu xiêu hồi nào không hay. Liên không bao giờ ngờ được vẻ ngoài của anh Hai sẽ mang đến cho cô nhiều điều khó xử về sau. Vì trong buổi chiều này, có nhiều hơn một trái tim thiếu nữ đã loạn nhịp rồi.

Những ngày tiếp theo, ba Hoài dẫn anh Hai qua hãng, qua tiệm vải Long Hồ. Thỉnh thoảng hai người còn đi giao thiệp với khách hàng, bạn hàng làm ăn. Má Ngọc thì đi với thiếm tư lo mua đồ chuẩn bị đám cưới của em Ba Thanh.

Chiều nay Liên và em Thanh, Thủy đi theo ra khu Chợ Lớn (1). Hàng quán nối tiếp nhau không ngắt nhưng được phân khu rất dễ nhận ra. Bên này là một dãy cửa tiệm chuyên bán vải vóc lụa là, đủ hàng Việt, Tàu, rồi hàng từ Bắc Kỳ, Trung Kỳ chuyển vào. Đối diện hàng vải là cả một khu bán các loại phụ kiện may mặc, nút áo bằng nhôm, bằng mủ, nút vải kiểu xưa; còn có đủ loại kéo cắt vải lớn nhỏ, thước dây, thước cây, phấn vẽ.

Nhà Liên là tiệm vải nên không ghé mấy tiệm này, má đi tắt con hẻm để qua khu bán chén dĩa, đồ sành sứ. Đúng là tới nơi thì thấy cơ man nào là chén lớn, chén nhỏ, chén ăn chè, chén làm đám. Chén kiểu trắng tinh, chén sành nặng trịch. Từng chồng, từng bộ được bày la liệt từ ngay ngạch cửa đến sâu bên trong. Ba cô gái cũng nhìn ngó, lật coi mấy kiểu bông huê in trên chén, đủ màu đủ sắc.

Sau đó thì ba cô gái thành cu li, lớp xách lớp ôm mệt mỏi đi vào quán ăn Hoa Kiều ở góc đường. Giờ này hơn bảy giờ tối, khu vực ăn uống đang nhộn nhịp. Năm người chen vào được một bàn phía trong. Trong lúc chờ món ăn, Liên nhìn quanh thì thấy người quen. Cô muốn lơ đi thì người ta lại không muốn. Người đờn bà vấn tóc, ăn bận rất đẹp đứng dậy, kéo theo con gái đi về phía này.

Một buổi tối vui vẻ chấm hết vì người đi tới chính là vợ lẽ của chú tư. Cảnh chồng một vợ hai không thiếu, không phải nhà ai gặp cảnh vậy cũng tan nát. Tất cả đều do người đờn ông cầm trịch như thế nào. Vợ cả được cưới hỏi đàng hoàng luôn được coi trọng, nắm quyền trong nhà. Phận làm lẽ tới sau thì phải biết nhúng nhường, ít ra thì cũng chỉ dám âm thầm chống đối. Đằng này chú tư đã ra mặt coi rẻ thiếm tư thì người vợ lẽ này làm gì coi trọng vợ lớn.

Thiếm tư đã từng khóc than tủi phận, có lúc còn muốn quyên sanh cho xong phận mình. Có má Ngọc khuyên nhủ, rồi còn ba đứa con gái của thiếm để lại cho ai; không có thiếm thì ba em Tầm, Thanh, Thủy sẽ về đâu? Biết đâu bị cha ruột, dì lẽ đem bán mất dạng. Nghĩ vậy nên thiếm tư chịu đựng sống qua ngày, nhưng đó là chuyện lâu rồi.

Bây giờ con cái lớn, thiếm cũng không màng tới nữa, tình đã hết, nghĩa thì còn lại một chút coi như giữ đạo đến lúc mãn phần thì trả xong. Hơn nữa, ân nghĩa của anh chị hai bảo bọc mấy má con bao năm nay cũng không thể phụ. Thiếm với ba con gái tránh mặt không nhắc tới cho tâm bình thần an. Nhưng mà người ta có vẻ rảnh rỗi, thích chàng ràng trước mặt làm dáng.

– Thưa chị hai, thưa chị lớn. Thưa bác hai với má lớn, mau!

Bà đon đả thưa rồi phác tay con gái đi sau. Con bé vừa nhăn mặt vừa thưa. Liên chỉ còn nước lắc đầu, gần mực thì đen, lời tục xưa nói chẳng sai. Em Trúc này vừa qua mười ba tuổi chứ mấy. Mà thiếm tư nhỏ lại trang điểm son phấn lòe loẹt cho nó như vậy, giọng nói cũng ưỡn ẹo không khác gì thiếm ấy. Chỉ có là em Trúc chưa luyện được cách dấu đi cảm xúc trên mặt. Em ấy rất sợ má Ngọc nhưng đối với má lớn và mấy chị lớn thì chẳng coi ra gì.

Lúc có má Ngọc thì thiếm tư nhỏ cũng không dám làm quá. Hỏi thăm đủ thứ chuyện về đám cưới em Thanh, còn ngó nghiêng mấy túi đồ đã mua. Giọng nói ngọt ngào, kéo dài nũng nịu đó làm Liên khó chịu, tô hoành thánh nóng hổi trước mặt cũng mất ngon.

– Thưa má, con tính qua nhà Hảo chơi chút, rồi kêu xe ngoài về luôn được không?

– Ừ, con dẫn hai em qua đó coi có chọn được đôi giày nào không thì chọn.

Thiếm tư nhỏ định mở miệng nói gì đó, Liên đã chặn ngang.

– Đôi giày em Trúc mang đúng là kiểu tân thời, chắc mua ở tiệm đường Catinat rồi. Cửa tiệm nhà Hảo không kiếm ra kiểu giống vậy đâu. Hai đứa không cười chị keo kiệt đó nha.

– Không dám, không dám!

Thanh với Thủy cũng nhanh nhạy hùa theo, rồi đứng dậy ôm túi lớn túi nhỏ đi ra. Ý tứ của thiếm ta là muốn mình dẫn em Trúc theo, mơ đi!

Ôi! Không thấy, không nghe tiếng bà ta thật nhẹ người!

Ba cô gái bước ra đường, cùng thở ra nhẹ nhõm, rồi nhìn nhau hiểu ý nên bật cười vui vẻ!

Liên nhìn nhanh gương mặt của Thanh và Thủy. Mấy chị em chắc đã quen với chuyện cha mình có một gia đình khác, gia đình đó còn chiếm nhiều thời gian và sự quan tâm của cha mình hơn. Những đứa con gái được sanh ra trong sự thờ ơ, thất vọng của đấng sinh thành thì đau đớn biết nhường nào? Xã hội đã coi rẻ phận đờn bà làm họ tủi thân có một, thì những người thân ghẻ lạnh làm họ thương tâm đến mười.

Liên thầm cảm ơn số mình may mắn, ba má ruột chỉ có mình cô nên được yêu thương trọn vẹn. Ba má nuôi lại càng chăm sóc, bảo bọc không để cô phải tủi thân côi cút.

Liên bước nhanh nắm tay Thanh thật chặt. Thanh quay mặt nhìn cô nói.

– Em không sao, quen rồi!

Em Thủy bĩu môi nói.

– May là em không có má giống vậy!

Ha ha, Thủy nói đúng rồi, con nít như em Trúc thì biết gì. Là bà ấy dạy dỗ thành ra như vậy, đúng là Thanh, Thủy vẫn còn may hơn em Trúc. Ít ra thiếm tư lớn dạy dỗ ba con gái rất tốt, biết lễ nghĩa, đoan trang, công dung ngôn hạnh đầy đủ. Sau này các cô sẽ có cuộc sống tốt. Em Trúc thì thiệt thòi hơn rồi.

Vì thật ra chú tư không thương yêu hay chìu chuộng gì em Trúc. Chú ấy kiếm vợ hai, vợ ba chẳng qua là muốn có con trai nối dõi. Biết đâu thiếm tư nhỏ này cũng đang lo bị ruồng rẫy mà không hiện ra mặt thôi!

À, mà cũng mười mấy năm rồi không nghe nói chú tư kiếm người đẻ dùm con trai. Là chú không thiết tha chuyện này nữa hay là chú còn giấu người trong nhà?

Liên giựt mình với suy nghĩ vừa thoáng qua trong đầu. Nếu chú không có con trai vậy thì chú giành giựt bằng được gia sản cho ai? Cho bản thân mình hay cho mấy con gái? Hay là …?

***

(1): Chợ Lớn cũ, ở vị trí Bưu điện Quận 5 ngày nay. Khác với Chợ Lớn mới hay chợ Bình Tây được xây dựng năm 1928.

error: Content is protected !!